Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những người quý trọng dân chủ ở Châu Á - và thậm chí cả nhiều người không quý trọng dân chủ - cũng đang nỗ lực ra sức chống lại sự trỗi dậy của một siêu cường độc tài mới.

asia1

Người quý trọng dân chủ ở Châu Á đang ra sức chống lại sự trỗi dậy của một siêu cường độc tài mới.

Bất cứ người nào mà nghĩ rằng Donald Trump cần phải bị quở trách trên khắp thế giới vì sự cố chấp, thiếu hiểu biết và chủ nghĩa dân tộc cực đoan thô thiển của ông đều có thể phải ngạc nhiên khi đến thăm Châu Á. Ở đây, trong tám ngày của những cuộc đối thoại sâu rộng ở Ấn Độ, Hồng Kông và giờ đây là tại Đài Loan, nơi mà tôi đang viết bài báo này, tôi nhận thấy - như tôi từng kỳ vọng rằng tôi sẽ bắt gặp trong những cuộc trò chuyện khác, từ Nhật Bản đến Singapore – có một thái độ thường trực đến ngạc nhiên đối với một điều đơn giản : Rốt cuộc, cũng đã có một Tổng thống Mỹ đứng ra đương đầu với Trung Quốc.

Hãy tạm thời bỏ qua những thiệt hại mà cuộc chiến thương mại do Trump đơn phương tuyên bố có thể gây ra đối với nhiều nông dân Mỹ và đối với một số nhà chế tạo Mỹ, nếu không muốn nói đến những thiệt hại đối với toàn bộ nền kinh tế Mỹ. Hãy tạm dừng bản năng tự do tự nhiên để giả định rằng những con người khác ở khắp các nơi trên thế giới – cũng như chính nhiều những người Mỹ - những người quý trọng sự bình đẳng, lịch sự, và nền pháp trị (the rule of law) phải thật sự kinh hoàng bởi những trò hề và những tăng động tùy hứng của Trump. Và chỉ cần nhìn thế giới qua những đôi mắt Châu Á đầy lo ngại.

Hãy nhìn vào Đông Nam Á, nơi đang sống dưới cái bóng đen lừng lững ngày càng gia tăng của sự bành trướng quân sự của Trung Quốc, sự thống trị về kinh tế và sự thâm nhập về chính trị. Hãy nhìn vào Philippines, Indonesia, Việt Nam, và Malaysia, những nơi mà đã chứng kiến những yêu cầu hợp pháp và đầy tính logic của họ (chỉ cần nhìn vào bản đồ) đối với chủ quyền đối với các khu vực của Biển Nam Trung Hoa bị phớt lờ bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa – quốc gia này tự tiện vạch đường biên giới (trên biển) và quyết tâm thống trị toàn bộ khu vực hàng hải này, quốc gia này đang lộng hành, đang tự cho mình cái quyền đánh bắt khai thác nguồn thủy hải sản một cách quá mức, và đang lì lợm, trơ trẽn tạo ra những hòn đảo được quân sự hóa mới để tạo ra "những thực thể, những sự đã rồi trên biển". Hãy nhìn vào Ấn Độ, quốc gia có đường biên giới trên đất liền kéo dài 2,100 dặm với Trung Quốc vẫn còn đang trong tình trạng tranh chấp. Ấn Độ đang theo dõi việc Trung quốc đang gia tăng sức mạnh hải quân và bá quyền kinh tế ngày càng sâu sắc ở Ấn Độ Dương - một cách ngoạn mục nhất, bằng cách sử dụng phương pháp thuộc địa kiểu mới kinh điển của chính sách ngoại giao bẫy nợ (cho vay tiền để rồi sập bẫy) để gây áp lực đối với Sri Lanka trong việc cho thuê cảng chiến lược Hambantota trong thời gian là 99 năm.

Hoặc là hãy nhìn vào nước Úc, quốc gia mà gần đây đã thức tỉnh trước phạm vi, quy mô đáng báo động của sự xâm nhập âm thầm của Trung Quốc vào đời sống chính trị, vào các lĩnh vực truyền thông và xã hội dân sự để làm câm nín những lời chỉ trích (ấy là chưa nói tới sự kháng cự) của nước Úc đối với những tham vọng địa chính trị của Bắc Kinh. Hồi cuối tháng Sáu, quốc hội Úc đã thông qua một dự luật - được chào đón như là "những cải tổ phản gián quan trọng nhất ở Úc kể từ những năm 1970" – nhằm tăng cường những năng lực quốc gia trong việc truy tố các hoạt động gây ảnh hưởng của nước ngoài một cách bí mật, mờ ám trong đời sống chính trị và xã hội dân sự. Quốc hội Úc cũng đã thông qua một dự luật khác nhằm tạo ra một thiết chế đăng ký (giống như của Mỹ) đối với các tổ chức, cá nhân nước ngoài tiến hành các hoạt động vận động hành lang.

Australia hiện đang là mặt trận tiền duyên của việc thực hiện "sức mạnh bén ngọt" của Trung Quốc, - tức là việc sử dụng các phương pháp bí mật, cưỡng bức và hối lộ để leo cao luồn sâu vào đời sống chính trị, dân sự và kinh tế của các nền dân chủ. Nhưng nhiều người dân chủ đã và đang nhìn nhận Hong Kong như là một phép thử, như là một con chim hoàng yến thực thụ trong việc phát hiện những chất khí độc hại trong mỏ than trước khi các chất khí này gây tác hại cho con người (dựa theo một thực tế là những người thợ mỏ đã sử dụng những con chim hoàng yến thật để phát hiện xem trong mỏ than mà họ đang làm việc có những chất khí độc hại dễ gây cháy nổ hay không – người dịch). Trong lúc chỉ ra những nỗ lực không ngừng và muôn mặt của Trung Quốc nhằm thâm nhập và gây hỗn loạn đối với đời sống chính trị, các lĩnh vực truyền thông và đời sống có tổ chức của một xã hội cởi mở, một chính trị gia dân chủ kỳ cựu ở Hồng Kông đã cảnh báo tôi, "Quá khứ của chúng tôi là hiện tại của các bạn và hiện tại của chúng tôi là tương lai của các bạn".

Sự cảnh báo này rõ ràng là có chút cường điệu, bi lụy hóa ; kể từ năm 1997, Hồng Kông đã là một phần của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, cho phép Bắc Kinh có một mức độ tiếp cận và kiểm soát xa hơn và sâu hơn đối với những gì mà nó (Trung +) có thể đạt được ở bất kỳ một quốc gia có chủ quyền nào. Nhưng theo các điều khoản của Tuyên bố chung Anh – Hoa năm 1984, Bắc Kinh cam kết thực hiện một hệ thống "một quốc gia, hai hệ thống", trong đó "các quyền và tự do cơ bản của người dân Hồng Kông, bao gồm tự do thân thể, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do lập hội và các đoàn thể,… [và] tự do nghiên cứu học thuật", sẽ được tôn trọng và đảm bảo trong thời gian ít nhất là 50 năm kể từ ngày chuyển giao năm 1997. Hiện nay những quyền cơ bản này đang chịu áp lực ngày càng tăng khi chính quyền Bắc Kinh đe dọa và trừng phạt tự do ngôn luận.

Một diễn biến quan trọng trong vòng xoáy đi xuống của Hồng Kông đã diễn ra với tuyên bố năm 2014 của Bắc Kinh - cái được biết đến như là "Quyết định ngày 31 tháng 8" - đóng cửa những khát vọng dân chủ ở Hồng Kông. Người dân Hồng Kông đã chờ đợi từ năm 1997 để được quyền lựa chọn người đứng đầu cơ quan hành pháp của họ trong một cuộc bầu cử tương đối tự do, công bằng và cởi mở, và quyền bầu trực tiếp tất cả các ghế trong quốc hội của họ, tức là Hội đồng Lập pháp (nguyên văn : "the Legislative Council" hoặc "LegCo"). Kể từ năm 1997, họ đã bị mắc kẹt với một hệ thống mà trong đó một nửa số ghế trong quốc hội được lấp đầy thông qua các "khu vực bầu cử chức năng" với ít hoặc nhiều những hạn chế, và trong đó người đứng đầu cơ quan hành pháp được chọn không thông qua bầu cử phổ thông mà lại thông qua "ủy ban lựa chọn" hạn hẹp, ủy ban này bị khống chế bởi những người trung thành với Bắc Kinh.

Điều 45 của Luật cơ bản của Hồng Kông - một văn bản lập hiến quy định các luật lệ về thẩm quyền của Hồng Kông và mối quan hệ của nó với chính quyền trung ương ở Bắc Kinh - nói rằng "mục tiêu tối hậu" của sự phát triển chính trị của Hồng Kông là "việc lựa chọn người đứng đầu cơ quan hành pháp thông qua phổ thông đầu phiếu đối với ứng cử viên bởi một ủy ban đề cử đại diện rộng rãi theo đúng các thủ tục / quy trình dân chủ". Các nhà dân chủ Hồng Kông - những người đã liên tục giành được đa số phiếu tại Hội đống lập pháp (LegCo) được bầu lên một cách dân chủ - tin rằng điều 45 này hứa hẹn một cuộc bầu cử dân chủ đối với cơ quan hành pháp, ngay cả khi sự bó buộc mang tính hệ quả tất nhiên của nó đối với "nguyên tắc tiến bộ dần dần và có trật tự" đòi hỏi một thời gian chờ đợi.

Sau khi Bắc Kinh cự tuyệt những khát vọng thay đổi dân chủ của họ (các nhà dân chủ Hồng Kông) vào năm 2007, bằng một tuyên bố rằng Hồng Kông chưa "sẵn sàng" cho dân chủ, những người dân Hồng Kông đã kỳ vọng vào năm 2017. Rốt cuộc, làm sao mà lại có thể có ai đó tuyên bố một cách hữu lý rằng hai mươi năm sau ngày chuyển giao quyền lực, Hồng Kông - một trong các xã hội giàu có và có trình độ học thức cao nhất ở Châu Á – lại vẫn chưa "sẵn sàng" đón nhận dân chủ ?

Khi Bắc Kinh ngạo mạn bác bỏ nền dân chủ, và sau đó, trong Quyết định ngày 31 tháng 8 năm 2014, lại đưa ra đề nghị (mang tính chất tối hậu thư láo xược – người dịch) "chấp nhận hoặc bác bỏ" về cuộc bầu chọn một người đứng đầu cơ quan hành pháp, trong đó chỉ có hai hoặc ba ứng cử viên thân Bắc Kinh được phép tranh đua – thì xã hội liền rúng động. Trong một diễn biến được biết đến với tên gọi là Phong trào Dù Vàng, hàng chục ngàn thanh niên và các công dân Hồng Kông khác đã xuống đường để yêu cầu một cuộc bầu cử tự do với quyền phổ thông đầu phiếu. Trong 79 ngày, họ chiếm lĩnh những con phố chính và những địa điểm công cộng, kiên cường nêu cao những yêu cầu chính trị của họ. Nhưng, như vẫn thường xảy ra trong các cuộc biểu tình đường phố kéo dài, Phong trào Dù Vàng bị phân hóa thành các lực lượng cấp tiến và các lực lượng ôn hòa, và quần chúng trở nên mệt mỏi vì các sinh hoạt đời thường bị gián đoạn. Một số nhà lãnh đạo của phong trào, bao gồm các nhà hoạt động trẻ tuổi như Hoàng Chí Phong (Joshua Wong), La Quán Thông (Nathan Law) và Đới Diệu Đình (Benny Tai) – Phó Giáo sư Luật Đại học Hong Kong, đã bị truy tố. Chính quyền nhà tù đã cố gắng đánh gục và làm nhục chàng thanh niên Hoàng Chí Phong mới 20 tuổi mảnh mai, cùng với nhiều những người bị cầm giữ khác, nhưng họ đã hoàn toàn thất bại.

Hoàng Chí Phong, La Quán Thông cùng với Châu Diệu Minh (Agnes Chow) và các nhà hoạt động sinh viên khác, sau đó chuyển sang các hoạt động chính trị bầu cử, thành lập một đảng chính trị, đảng Demosistō, đảng này ủng hộ trưng cầu dân ý về chủ quyền của Hồng Kông sau năm 2047, và vận động bầu cử cho người thanh niên 23 tuổi La Quán Thông vào cơ quan Hội đồng Lập pháp (LegCo) trong năm 2016. Tuy nhiên, ngay sau đó, La Quán Thông và năm thành viên Hội đồng Lập pháp vừa mới được bầu khác đã bị loại vì bị cáo buộc rằng đã không tuyên thệ nhậm chức một cách hợp thức và thiếu tôn trọng. Bằng cách này, và thông qua hàng loạt những phương cách khác, chính quyền Hồng Kông và các cơ quan Đảng Cộng sản ở Bắc Kinh đang cố gắng loại bỏ hàng ngũ đối lập trong Hội đồng Lập pháp, nghiền nát quyết tâm của các nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông và chôn vùi khát vọng tự do ở Hồng Kông .

Một cách từ từ, các nhà hoạt động dân chủ của Hồng Kông cảm thấy sợi dây thòng lọng của sự đàn áp của Cộng sản Trung Quốc đang dần dần siết lại. Vào cuối năm 2015, năm nhân viên của một hiệu sách Hồng Kông bất đồng chính kiến đã bị mất tích, chỉ sẽ xuất hiện ở đâu đó tại Trung Quốc đại lục, các nạn nhân rõ ràng bị bắt cóc và ép buộc bởi các mật vụ của chính quyền Trung Quốc. Các vụ bắt cóc, mà theo tờ báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (South China Morning Post), gây ra "những lo ngại về quyền tự chủ của thành phố và những lo ngại về khả năng mất mát tiềm tàng của nền tự do của thành phố", tiếp tục reo rắc một bầu không khí ớn lạnh lên đời sống dân sự ở Hồng Kông. Ngày càng có nhiều những học giả liên quan đến sự nghiệp dân chủ nhận thấy rằng sự nghiệp học thuật của họ bị đe dọa và các nhà báo đang quan sát với môt sự lo ngại đáng báo động khi các doanh nghiệp truyền thông của họ bị các nhà tài phiệt ủng hộ Bắc Kinh thôn tính mua lại.

Vào hôm thứ Ba, văn phòng của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã đả kích nặng nề Câu lạc bộ Phóng viên nước ngoài vì đã tổ chức cuộc họp báo / phát biểu cho Andy Chan – một thủ lĩnh của Đảng Quốc gia Hong Kong độc lập – một chính đảng mà các nhà chức trách đang chuẩn bị cấm hoạt động. Bằng cách tiếp tục không ngừng bắt chẹt các quan điểm không làm vừa lòng Bắc Kinh, chính quyền của Tập Cận Bình chỉ càng củng cố một chủ đề chính của bài phát biểu của Andy Chan rằng nhà nước đảng trị cộng sản ngày càng độc đoán của Trung Quốc ngày nay đang tạo ra "một mối đe dọa cho tất cả các dân tộc tự do trên thế giới".

Các lực lượng dân chủ ở Hồng Kông đang ở trong mắt bão, nhưng Đài Loan, một trong những nền dân chủ tự do nhất Châu Á, đang bị thiệt hại nhiều nhất. Khi công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc được đẩy tới, cùng với những nỗ lực liên tục của Trung + nhằm tước đoạt khả năng của Đài Loan tham gia vào các vấn đề quốc tế, đang có một nhận thức ngày càng sâu sắc về mối hiểm nguy đang hình thành này. Do đó, Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đang thận trọng tránh kích động chính phủ + hòa nhân dân Trung Hoa, đồng thời tăng cường chi tiêu quốc phòng và thúc đẩy chính sách "hành phương Nam" ("Go South") để mở rộng thương mại và đầu tư với các quốc gia Đông Nam Á và từ đó làm giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh. Càng ngày, mặc dù thường là theo một cách kín đáo, bà Thái Anh Văn càng nhận được một sự đón tiếp đầy cảm thông trong và ngoài khu vực. Bởi vì, điều này không chỉ là tín hiệu đáng báo động đối với các nền dân chủ của Châu Á. Từ Singapore đến Việt Nam, các chế độ toàn trị cũng cảm thấy chủ quyền của họ đang bị gây áp lực và an ninh quốc gia của họ đang gặp rủi ro.

Tất cả những điều này đã giải thích sự hấp dẫn kỳ lạ của Donald Trump ở Châu Á ngày nay – thậm chí ngay cả đối với những lực lượng tiến bộ, các nhà hoạt động vì quyền đồng tính, và những người trí thức cánh tả, những người mà chắc chắn sẽ bị kinh hoàng bởi các hoạt động chính trị của ông trong bất kỳ một bối cảnh nào khác. Những người quý trọng, và thậm chí cả nhiều những người không quý trọng, dân chủ trong khu vực này – đều đang ra sức đối phó với sự nổi lên của một siêu cường độc tài mới, và họ biết rằng sự sự nổi lên này chỉ có thể đến từ một siêu cường khác của thế giới.

Larry Diamond – tác giả bài báo là nghiên cứu viên cao cấp tại Học viện Hoover thuộc Đại học Stanford. Ông điều phối Chương trình dân chủ của Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp trị (CDDRL) thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli (FSI).

Larry Diamond

Nguyên tác : "Trump's Appeal in Asia - Standing Up to China", The American Interest, 17/08/2018

Mai Hưng dịch

Nguồn : VNTB, 22/08/2018

Published in Diễn đàn