Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Báo chí Mỹ trong những ngày qua thường rất hoan hỉ trước sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đã gởi một thông điệp cứng rắn đến Bắc Kinh khi quyết định oanh kích Syria ngay trong buổi dạ tiệc khoản đãi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida. Tuy nhiên, trong bài phân tích ngày 11/04/2017, nhật báo Úc The Age đã cho rằng thay vì lo ngại, Trung Quốc có thể là vui mừng trước việc Mỹ sẽ bị vướng chân tại Trung Đông mà để yên cho Bắc Kinh tự do tung hoành tại Châu Á, đặc biệt tại Biển Đông.

mytrung1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi dạ tiệc tối 06/04/2017, tại Mar-a-Lago, Florida. ©JIM WATSON / AFP

Tác giả bài phân tích, Peter Hartcher, cho rằng nhận định chung từ phía Hoa Kỳ đều thống nhất trên một điểm : quyết định tấn công Syria đúng vào lúc đón ông Tập Cận Bình, hiển nhiên là một hành động răn đe, hù dọa, cho thấy rằng Mỹ hùng mạnh, Mỹ nguy hiểm, Mỹ sẽ sử dụng sức mạnh, cho nên hãy coi chừng.

Tuy nhiên, Peter Hartcher lại cho rằng Trung Quốc có một cách diễn giải khác : Hành động của Mỹ không mang tính chất đe dọa mà là một sự trấn an đối với Bắc Kinh. Một lần nữa Mỹ lại phải bận tâm vì Trung Đông. Một lần nữa, một tổng thống Mỹ sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc, nhưng lại bị Trung Đông chia trí. Và một lần nữa, Trung Quốc lại có thể thúc đẩy những mũi tiến công chiến lược lớn của họ mà không sợ bị Mỹ chống đối thật sự.

Chính Donald Trump công nhận là không thu hoạch được gì từ Tập Cận Bình

Phân tích về cuộc gặp trực tiếp đầu tiên Donald Trump – Tập Cận Bình tuần qua, nhà báo Úc cho rằng Tập Cận Bình đã không nhượng bộ tổng thống Mỹ bất kỳ điều gì, ngay cả trên những điểm nhỏ nhất.

Điều đáng nói là chính ông Trump đã tự nhận điều đó. Sau vòng đàm phán đầu tiên trước buổi dạ tiệc tối thứ Năm, 06/04, lãnh đạo Mỹ đã nói với với nhà báo :

"Chúng tôi đã có một cuộc thảo luận rất dài. Và đến giờ, tôi đã không đạt được gì. Hoàn toàn không được gì cả. Nhưng chúng tôi đã phát triển được một tình hữu nghị lớn".

Theo Peter Hartcher, nếu ông Trump nghĩ là loạt oanh kích giữa khuya vào Syria sẽ làm ông Tập Cận Bình thay đổi thái độ thì ông đã lầm to. Tập Cận Bình đơn giản là đã phớt lờ một năm thịnh nộ và hù dọa của ông Trump trước đó.

Trên từng điểm bất bình của Donald Trump, Tập Cận Bình đã không nhượng bộ gì : từ vấn đề thương mại, ghìm giá đồng Yuan, cho đến hồ sơ Bắc Triều Tiên, Đài Loan, Biển Đông.

Vào cuối 2 ngày họp thượng đỉnh, báo giới đã hỏi bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross là ông Tập Cận Bình có hứa đầu tư vào hạ tầng cơ sở ở Mỹ hay không. Đây là "món quà" mà phía Mỹ chờ đợi. Thế nhưng ông Ross đã trả lời : "Món quà tốt nhất là sự hiện diện (của ông Tập Cận Binh)". Theo phía Mỹ,Trung Quốc đã đồng ý trên một "kế hoạch 100 ngày" nhằm giải quyết vấn đề cán cân thương mại, nhưng không nêu mục tiêu, hay kết quả cụ thể nào...

Không những các cáo buộc về những vụ bị cho là sai phạm của Trung Quốc trước đây bị quên đi, mà các hành vi khiêu khích mới của Bắc Kinh cũng được bỏ qua.

Thứ Năm tuần qua, ngày mà hai lãnh đạo ngồi lại với nhau trong cuộc gặp đầu tiên, cơ quan Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Châu Á -AMTI tiết lộ là một chiến đấu cơ Trung Quốc bị phát hiên trên một hòn đảo ở Biển Đông.

Ảnh vệ tinh cho thấy một chiếc J-11 của Trung Quốc bên trên đảo Phú Lâm ở Hoàng Sa. Theo chuyên gia Greg Poling, giám đốc của cơ quan AMTI, "đấy không phải lần đầu tiên, mà là lần đầu tiên kể từ một năm nay".

Chỉ có một chiếc máy bay bị phát hiện trong ảnh chụp vào hôm 29/03, trên phi đạo mà Trung Quốc đã xây, nhưng theo ông Poling "có thể có nhiều chiếc khác trong các nhà chứa máy bay gần đấy".

Nhật báo Úc đã phân tích về ý nghĩa của việc chiến đấu cơ Trung Quốc hiện diện trên đảo Phú Lâm.

Đây là một trong những đảo mà trong cuộc họp báo với Obama trước đây, ông Tập Cận Bình đã hứa là "không quân sự hóa". Bây giờ thì có nào là phi đạo, radar, nhà chứa máy bay có thể chứa cả loại oanh tạc cơ lớn nhất của Trung Quốc. Và rõ ràng là không quân Trung Quốc đã sử dụng các cơ sở này.

Chính quyền Trump đã phản ứng ra sao ? Theo nhật báo Úc, tiết lộ của AMTI đã không được chú ý. Các phương tiện truyền thông cũng ít đề cập đến, báo giới cũng không đòi chính quyền bình luận. 

Tất cả mọi người đều bận rộn với cuộc tấn công vào Syria.

Nhưng hai lãnh đạo đúng là đã có thảo luận về Biển Đông nhân lúc nói chuyện riêng. Theo ngoại trưởng Tillerson, ông Trump đã nói với ông Tập là Hoa Kỳ phản đối việc quân sự hóa các đảo, đồng thời thúc giục Trung Quốc tôn trọng các quy tắc ứng xử quốc tế trong khu vực.

Nhưng những bản tường trình về cuộc gặp, từ phía Mỹ cũng như phía Trung Quốc đều không thấy nói về nhận định của ông Tập. Nói cách khác, Trung Quốc vẫn tự do hành động như ý muốn, trong lúc Mỹ thì chỉ nhắc lại những điểm cũ xưa.

Nhà báo Úc nhận định, vẻ bất bình : Trung Quốc đã xây dựng tất cả những hòn đảo mà họ muốn, thiết lập tất cả những cơ sở mà họ muốn. Họ cũng đã hoàn chỉnh "tam giác sắt" của các căn cứ không quân của họ, án ngữ tuyến đường thương mại lớn nhất thế giới, và con đường xuất khẩu chủ yếu của Úc. Trung Quốc giờ đây đang triển khai lực lượng như họ muốn mà không bị Mỹ cản trở hay chỉ trích.

Cũng như chính sách "xoay trục sang Châu Á" hay "tái cân bằng". của ông Obama, cuộc đối đầu về Biển Đông đã ngã ngũ, Trung Quốc đã thách thức Mỹ và đã thắng. Trung Quốc đã kiên quyết, nhanh nhẹn và hành động có hiệu quả. Trump thì tiếp tục đi theo kiểu Obama ở Biển Đông – do dự, phân tán và không hiệu quả.

Chính sách Châu Á nói chung, có dấu hiệu không nhất quán

Đồng minh Châu Á của Mỹ đang cảm thấy hoài nghi về sự đáng tin cậy của Mỹ trước thái độ quyết đoán của Trung Quốc và họ có lý khi lo ngại. Trump đang đẩy chính sách Châu Á của Mỹ lên một mức bấp bênh mới

Trump ban đầu đã cho thấy sự thay đổi đáng kể trong ý định của Mỹ khi ông nhận điện thoại từ Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn vào tháng Giêng. Không có tổng thống Hoa Kỳ nào có liên hệ trực tiếp với một nhà lãnh đạo Đài Loan trong 40 năm trước đó. Hành động đó của ông Trump vào lúc đó đã làm rung chuyển khu vực Châu Á Thái Bình Dương vì ông có vẻ như muốn đối đầu với Trung Quốc bằng cách ủng hộ Đài Loan.

Nhưng sau đó ông Trump đã quay lại với chính sách chính thống nhân một cuộc điện đàm với ông Tập Cận Bình vào tháng Hai. Và giờ đây, khi hai người tay trong tay và mắt nhìn nhau, thì không thấy bên nào nói công khai về vấn đề Đài Loan nữa.

Đài Loan, mà vào tháng Giêng ai cũng tưởng là một ưu tiên táo bạo mới của Hoa Kỳ, qua tháng Tư thậm chí không được đề cập đến.

Còn thông điệp của Trump gởi tới Bắc Triều Tiên thì sao ? Phải chăng cuộc tấn công bằng tên lửa vào Syria chứa đựng một lời cảnh cáo nhắm vào một nước đàn em của Trung Quốc ?

Theo ghi nhận của Hatcher, cho đến nay, chính quyền Trump đang gặp khó khăn lớn nhất trong việc nêu bật ý nghĩa của thông điệp gởi đến Syria, vì lẽ các quan chức Mỹ vẫn mâu thuẫn với nhau về chiến lược cần theo sau cuộc oanh kích.

Nếu có một thông điệp cho Bắc Triều Tiên, thì nó nên có trọng lượng và khôn khéo hơn là thông điệp gởi cho Syria. Bắc Hàn không phải là Syria. Đó là nước trên nguyên tắc vẫn còn chiến tranh với miền Nam, và đã có chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo trong sáu thập kỷ qua.

Nếu bị tấn công, Bắc Triều Tiên sẽ lập tức ồ ạt dội pháo xuống Seoul, cách miền Bắc 40 km. Bình Nhưỡng không cần phải hoàn thiện vũ khí hạt nhân thì mới giết được hàng triệu thường dân Hàn Quốc và phá hủy căn cứ của Mỹ tại Hàn Quốc trong vòng vài giờ.

Peter Hartcher kết luận : Trung Quốc biết chính xác chiến lược của mình là gì. Vì vậy, thông điệp thực sự của Trump gởi tới Trung Quốc là Bắc Kinh cứ tự nhiên hành động, trong khi chờ đợi Trump hình dung ra chiến lược của ông.

Mai Vân

Nguồn : RFI, 14/04/2017

Published in Diễn đàn