Dư luận quốc tế cứ quan tâm đến trận thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, chứ hai vấn đề nguy ngập hơn cho nền kinh tế có sản lượng thứ nhì của thế giới mới làm cho lãnh đạo Bắc Kinh mất ngủ. Đó là hiện tượng thiếu nước vì môi sinh bị hủy hoại trong khi núi nợ lại chồng chất ngay trước mắt. Vì các vấn đề này có liên hệ đến trường hợp Việt Nam nên mục Diễn đàn Kinh tế mới phải tìm hiểu.
Biểu đồ hiển thị nợ quốc gia của Trung Quốc đang gia tăng cho đến năm 2020 theo dự báo của IMF - AFP
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.
Thưa ông, cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc - mà ông thường gọi tắt là "thương chiến Mỹ-Hoa" - sẽ gia tăng cường độ và còn kéo dài, nhưng một số công trình nghiên cứu của quốc tế lại nêu ra hai vấn đề khác của Trung Quốc. Do đó Nguyên Lam xin yêu cầu ông trình bày hai vấn đề này cho thính giả của chúng ta.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Trận thương chiến Mỹ-Hoa là đề tài nóng, nhất là khi lãnh đạo hai nước sẽ gặp nhau tuần tới tại Argentina nhân thượng đỉnh của nhóm G-20. Nhưng lồng trong đó, ta còn nên thấy nhiều vấn đề gay gắt hơn cho giới lãnh đạo của Bắc Kinh và riêng tôi thì chú ý đến hai sự kiện có vẻ trái ngược.
Thứ nhất là ba nền kinh tế có sản lượng đứng đầu thế giới cũng là ba nền kinh tế mắc nợ nhiều nhất. Đó là Hoa Kỳ mắc nợ tới hơn 105% của Tổng sản lượng GDP, Nhật Bản nợ tới 250% GDP và Trung Quốc thì nợ tới 300% GDP mặc dù con số chính thức chỉ có 47,6%. Lý do sai biệt giữa số chính thức và số thật là cách đếm của Bắc Kinh. Họ không tính các khoản nợ trong nội bộ, như của Ngân hàng Nhà nước cho các doanh nghiệp nhà nước và xí nghiệp hương trấn của chính quyền địa phương vay tiền. Tuy nhiên, dù không tính thì khách nợ vẫn phải trả và đây đó nạn vỡ nợ đã xảy ra.
Thứ hai là Trung Quốc không chỉ thiếu đất canh tác vì diện tích khả canh tính theo dân số chỉ bằng một phần ba của bình quân thế giới mà họ còn hủy hoại môi sinh cho nên sẽ thiếu nước trong khi là quốc gia Á Châu có ít nước ngọt nhất.
Nguyên Lam : Ông vừa nêu ra hai vấn đề là nước và nợ của Trung Quốc. Thưa ông, nếu nhìn trên cái trục thời gian thì vấn đề nào là nghiêm trọng nhất ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nói về mức nghiêm trọng trong tương lai trước mắt thì hồ sơ nợ nần của Trung Quốc là một vấn đề lớn, với hậu quả cho các nền kinh tế giao dịch với Bắc Kinh. Nhưng nhìn về ảnh hưởng lâu dài cho cả lục địa Á Châu thì nạn lạm thác - lạm dụng trong khai thác - các tháp nước thiên nhiên trên tầng băng quyển ở quanh Hy Mã Lạp Sơn mới là vấn đề sinh tử vì thiếu nước là chết, cho khoảng một tỷ 800 triệu người.
Nguyên Lam : Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày về hồ sơ nợ nần, trước khi ta bước qua vấn đề sinh tử là môi trường sinh sống bị thiếu nước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngày nay, thế giới bắt đầu thấy ra một sự thật là tốc độ tăng trưởng sản xuất của Trung Quốc không còn cao như xưa mà đang giảm dần. Nhưng, giống tình trạng của 10 năm trước, các công ty giám định trị giá trái phiếu như Standard & Poors’ hay Moody’s vẫn chưa đánh giá cho đúng sự rủi ro của Trung Quốc nên phân lời trái phiếu dài hạn của Bắc Kinh cũng được định giá như của Hoa Kỳ hay Nhật Bản, là điều cực nguy hiểm khi khủng hoảng bùng nổ….
Sở dĩ như vậy là vì nhà nước Bắc Kinh vừa là chủ nợ vừa là khách nợ cho nên mức rủi ro không phân tán ra nhiều thành phần kinh tế mà tập trung vào nhà nước và là sự hiểm tai hay tai họa nguy hiểm cho cả hệ thống. Đã vậy, ngoài sự kiện vừa là chủ nợ và khách nợ, nhà nước Bắc Kinh còn giữ một vai trò thứ ba, là làm luật cho cả khách nợ lẫn chủ nợ. Khi khủng hoảng bùng nổ, thì nhà nước mất nợ và các cơ quan của nhà nước bèn đảo nợ cho nhau.
Nguyên Lam : Xin ông giải thích thêm về hiện tượng ông goi "đảo nợ cho nhau"là gì ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Việt Nam biết khá rõ chuyện này : các cơ quan vỡ nợ của nhà nước được nhà nước cho vay thêm hay kéo dài kỳ hạn hoàn trái để khỏi mang tiếng vỡ nợ hay phá sản. Nhưng hậu quả là nhà nước còn mắc nợ nhiều hơn trước !
Thuần về kinh tế tài chính, khi khách nợ hay con nợ không thể hoàn tất nghĩa vụ hoàn trái và bị vỡ nợ hay phá sản thì chủ nợ, là người cho vay, cũng bị thiệt. Giả dụ như cho vay 100 mà thu về cả vốn lẫn lời chỉ có 70 thì coi như mất 30%. Khi Bắc Kinh tài trợ cho doanh nghiệp của nhà nước và xí nghiệp hương trấn hay chính quyền địa phương của nhà nước trong các nghiệp vụ đầu tư lẫn chi thu ngân sách mà bị lỗ 30% thì cả nền kinh tế quốc dân đều bị ảnh hưởng.
Nguyên Lam : Thưa ông, thính giả của chúng ta có thể thắc mắc là vì sao lại có hiện tượng lạ kỳ đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thưa là ngân hàng của nhà nước tài trợ thẳng cho các doanh nghiệp của nhà nước nên có chức năng thật sự là bao cấp trong hệ thống nhà nước. Ngân hàng của nhà nước cũng tài trợ cho các dự án địa ốc của nhà nước tại địa phương và thổi lên bong bóng đầu cơ mà vẫn cứ tính như đầu tư và gia tăng sản lượng. Đấy là sản lượng ảo mà mắc nợ thật. Dù hai bàn tay nợ nhau thì sau cùng ai đó cũng phải trả và ai đó bị mất nợ, rốt cuộc thì nhà nước vẫn mất tiền. Mươi năm trước, Hy Lạp bị khủng hoảng như vậy vì nhà nước bắt các ngân hàng và quỹ hưu bổng của họ tài trợ cho doanh nghiệp và ngân sách của nhà nước.
Kinh tế của Hy Lạp quá nhỏ, sản lượng hàng năm chỉ có chừng 200 tỷ đô la nên cơ chế Âu Châu còn cứu được, chứ kinh tế Trung Quốc có sản lượng là 13 ngàn tỷ đô la nên bị khủng hoảng thì chẳng ai cứu được mà còn gieo họa cho các bạn hàng quốc tế. Đấy mới là mối nguy thật sự cho một vài năm tới.
Tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc đã xảy ra từ năm 2007. AFP
Nguyên Lam : Chúng ta bước qua phần hai là chuyện Trung Quốc thiếu nước. Nguyên Lam xin ông trình bày cho hồ sơ nước nôi này của Bắc Kinh, một xứ ông hay gọi là đói ăn, khát dầu và thiếu nước.
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ đã lâu, tôi hay nói Trung Quốc là xứ đói ăn, khát dầu và thiếu nước, nhưng khát dầu hay thiếu năng lượng là bài toán chiến lược, chứ nếu đói ăn và thiếu nước thì đấy là chuyện sinh tử, sống chết.
Trên thế giới, lục địa Á Châu đông dân nhất mà cũng thiếu nước nhất so với các lục địa khác. Theo Liên Hiệp Quốc, tính theo đầu người, lượng nước ngọt trên núi, trong sông, dưới giếng hay nhờ mưa thì bình quân của Á Châu chưa bằng phân nửa của thế giới. Trong lục địa này, vẫn tính theo dân số, thì Trung Quốc thiếu nước nhất dù đã chiếm đóng và kiểm soát các đỉnh núi tuyết chung quanh Hy Mã Lạp Sơn, từ Cao nguyên Thanh Tạng tới đất Tây Tạng và vùng phụ cận.
Về đại thể, Bắc Kinh làm chủ phân nửa nguồn nước của Á Châu trên các đỉnh núi tuyết, chỉ thua có Nam Bắc Cực, nhưng họ lại khai thác với sự lãng phí vì tàn phá đỉnh tuyết như các tháp nước của thiên nhiên, làm mất 20% các tháp nước, khiến 10 con sông lớn chảy qua Trung Á như Afghanistan hay Kyrgyzstan tới Nam Á như Ấn Độ và Đông Dương tức là Việt Nam, đang bị cạn dần.
Thế giới cứ báo động về nạn nhiệt hóa địa cầu mà chẳng thấy nhiệt độ tại miền Tây của lãnh thổ Trung Quốc đã tăng ba độ kể từ năm 1950 tới nay, làm các tảng băng tan dần, mất tới 82% kể từ thời đó tới nay. Hậu quả là nước ngọt bị cạn từ thượng nguồn và gây thiên tai cho các nước khác ở chung quanh, như dân ta đã thấy với sông Mekong. Đấy là nhân họa mà cứ tưởng là thiên tai !
Nguyên Lam : Thưa ông, trước hiện tượng hủy hoại môi sinh đó, thế giới văn minh có phản ứng gì không ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thế giới văn minh thường hơi hèn và các cường quốc hung đồ thì không thèm quan tâm đến khuyến cáo hay phán quyết của quốc tế cho tới khi chính họ gây ra khủng hoảng cho người dân của họ. Gần đây, hai báo cáo của Green Peace East Asia vào tháng trước và của Chinadialoque.net hồi tháng Năm có đề cập tới những vấn đề nguy ngập đó.
Chúng ta nên tham khảo công trình nghiên cứu của Green Peace là tổ chức tranh đấu cho việc bảo vệ môi trường sinh sống thì thấy ra mấy số liệu đáng ngại đó vì họ phúc trình về nhiều mối nguy như đà hủy hoại tảng băng trên rặng Thiên San của Trung Quốc với không ảnh từ vệ tinh. Thí dụ như diện tích của Tảng băng Thiên San số Một bị mất từ 5000 mét vuông vào thời 1962-1986 nay thì mất gấp đôi trong thời kỳ 1964-2018, tổng cộng tới 10.600 mét vuông. Và họ dự đoán rằng với đà này tới cuối thế kỷ 21 thì hai phần ba các tảng băng ấy sẽ tiêu tan. Đấy là chưa nói tới tảng băng trên Kỳ Liên Sơn của tỉnh Cam Túc hay Hạ Long của tỉnh Thanh Hải, v.v…
Do viễn ảnh quá xa và chính sách kiểm duyệt tin tức của Bắc Kinh, các nước chưa có phản ứng cấp bách cần thiết. Nhưng có lẽ lãnh đạo Bắc Kinh thì biết sợ vì là nạn nhân trực tiếp và trước tiên khi lãnh thổ bị thiếu nước cho việc tiêu tưới và canh tác sau khi lấy nước từ sông Dương Tử đưa lên Hoàng Hà ở phương Bắc.
Nguyên Lam : Ngoài cái núi nợ có thể sụp đổ thì các nước có thể làm những gì để đối phó với nguy cơ mất nước như vậy ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Thứ nhất là các nước phải tìm cách giảm dần đà gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu, nhưng không chỉ qua hiệp ước mà nhiều nước chẳng tôn trọng.
Thứ hai là phải đòi hỏi Bắc Kinh phối hợp với các nước – tức là tôn trọng các quyết định quốc tế - để không gây thêm nạn băng tan làm hạ nguồn bị cạn nước cho các láng giềng.
Thứ ba là chứng minh tai họa đang cận kề cho Trung Quốc, với hai vụ băng tan xảy ra từ bốn tháng qua, vào tháng Tám và tháng 10, năm 2018.
Đấy là chuyện thời sự trước mắt chứ không là nguy cơ vào cuối thế kỷ 21 !
Nguyên Lam : Nếu vậy thì Trung Quốc không chỉ gây vấn đề cho các lân bang Châu Á mà có thể còn tự chuốc họa vào thân. Ông kết luận thế nào về tình trạng nguy hiểm đó ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa : Hiện tượng các tầng băng quyển hay "crytosphere" bị hủy hoại đang gia tốc, ngày một nhanh hơn, nên không còn là vấn đề tương lai xa mờ của Trung Quốc. Nếu muốn là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, là với nhân loại, họ phải có kế hoạch xử lý càng sớm càng hay, chưa nói tới trái bom môi sinh là đập Tam Hiệp có thể nổ bất cứ lúc nào. Từ nay đến cái ngày đen tối đó, có lẽ thiên hạ nên tự chuẩn bị cho những kế hoạch cấp cứu tại Á Châu !
Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này, và xin hẹn quý thính giả vào tuần sau.
Nguyên Lam thực hiện
Nguồn : RFA, 27/11/2018