Thùy Dương, RFI, 15/06/2021
Lo ngại về thách thức do Nga và Trung Quốc đặt ra, tại thượng đỉnh hôm qua 14/06/2021 ở Bruxelles, Bỉ, Liên mnh Quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO đã nêu ra các giới hạn mà Nga không nên vượt qua, và siết chặt hàng ngũ, lập mặt trận chung để đối phó với Bắc Kinh.
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo nhân thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2021. AP - Olivier Hoslet
Trong cuộc họp báo vào hôm qua, tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu : "Nga và Trung Quốc tìm cách chia rẽ chúng ta, nhưng liên minh của chúng ta vững chắc. NATO đoàn kết và nước Mỹ đang trở lại". AFP cho biết văn bản tuyên bố chung của NATO dài 45 trang, gồm 79 điểm, nhấn mạnh vào những mối lo ngại của Liên mnh Quân sự Bắc Đại Tây Dương : Nga, Trung Quốc, các mối đe dọa mới trong không gian và cả trên không gian mạng internet, nạn khủng bố cũng như sự vươn lên của các chế độ toàn trị.
Theo ghi nhận của thông tín viên Pierre Benazet, tại Bruxelles, các thành viên NATO đều rất hài lòng với "sự trở lại hàng ngũ" của một vị nguyên thủ Mỹ mà NATO có thể tin cậy và cũng chính vì thế các thành viên Liên mnh Quân sự Bắc Đại Tây Dương muốn làm ông tổng thống Mỹ Biden hài lòng, nhất là liên quan đến Trung Quốc :
"Nước Mỹ đã trở lại, ngoại giao đã trở lại. Khẩu hiệu của tổng thống Mỹ Joe Biden thể hiện chính xác điều mà 29 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ các nước thành viên còn lại của NATO muốn nghe. Các nhà lãnh đạo này đã tập trung vào việc đưa ra các cam kết với tổng thống Mỹ, và trong tuyên bố chung, các nước đã đưa thêm Trung Quốc và Nga vào danh sách đối thủ của NATO. Bất chấp những tác động kinh tế đối với Pháp và đặc biệt là đối với Đức, nước đã đầu tư mạnh vào Trung Quốc, các quốc gia đồng minh đã lựa chọn, đánh giá thái độ và chính sách quốc tế của Trung Quốc là "những thách thức mang tính hệ thống" đối với NATO.
Ngay cả khi địa bàn hoạt động của Liên mnh Quân sự Bắc Đại Tây Dương trải từ Bosnia đến tận Afghanistan, quốc gia có biên giới với Trung Quốc, thì theo tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, điều đó không có nghĩa là NATO mở rộng địa bàn hoạt động. Bằng cách này, tổng thư ký Jens Stoltenberg đã đáp lại thái độ hoài nghi của tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đối với tổng thư ký NATO, Trung Quốc đe dọa các lợi ích của các thành viên NATO ngay trên lãnh thổ của các nước này, chẳng hạn về kinh tế hoặc thông qua các cuộc tấn công mạng. Và chính trên lãnh thổ tiêng của từng nước, 30 quốc gia thành viên NATO phải đối đầu với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những hướng chính của thượng đỉnh lần này. Hội nghị đã tái khởi động một khái niệm chiến lược mới để đối phó với những thách thức trong tương lai, như vấn đề khí hậu, không gian, không gian mạng… có rất nhiều ưu tiên cho hội nghị thượng đỉnh tái ngộ xuyên Đại Tây Dương lần này".
Thụy My, RFI, 15/06/2021
Phái đoàn ngoại giao Trung Quốc tại Liên Hiệp Châu Âu hôm nay 15/06/2021 kêu gọi NATO ngưng phóng đại "thuyết về mối đe dọa Trung Quốc", sau khi các nước trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương họp tại Bruxelles, Bỉ, hôm qua rắn giọng trước "thách thức mang tính hệ thống" từ phía Bắc Kinh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo, nhân thượng đỉnh NATO tại Bruxelles, Bỉ, ngày 14/06/2021. AP - Olivier Hoslet
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde tường trình :
"Xuất hiện lần đầu tiên cách đây hai năm, vào ngày 12/03/2019 trong một văn bản của Ủy Ban Châu Âu, từ "đối thủ mang tính hệ thống" được NATO dùng lại không phải là một ngạc nhiên cho Bắc Kinh. Lập tức Trung Quốc đáp trả bằng một loạt luận điệu vẫn thường được các nhà ngoại giao nước này sử dụng.
Trước hết là "sự phát triển hòa bình của Trung Quốc" cùng với "quyền tự vệ". Phái đoàn Trung Quốc bên cạnh Liên Hiệp Châu Âu đe dọa : "Chúng tôi không tạo ra ‘thách thức mang tính hệ thống’ cho ai cả, nhưng nếu những thách thức này được đặt ra với chúng tôi, Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn". Trang web thông tin chính thống Bành Phái (Pengpai) hôm nay đăng tuyên bố trên, đồng thời nhắc nhở "thảm kịch NATO đánh bom vào đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư năm 1999".
Một lý lẽ khác : đó là "tư duy chiến tranh lạnh" của một số viên chức ở Washington và Châu Âu. Bài xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo tố cáo "âm mưu của Hoa Kỳ" tăng cường "khuynh hướng chống Trung Quốc ở phương Tây", đồng thời hàm ý là Châu Âu bất đồng với nhau về vấn đề này. Biếm họa được tờ báo trực thuộc Nhân Dân Nhật Báo đăng, mô tả "Chú Sam" đang chiến đấu với gấu trúc Trung Quốc, trên lưng là những người Châu Âu đang nhìn sang hướng khác, thậm chí còn huýt sáo một bài hát khác – có thể là liên quan đến các tuyên bố mới đây của thủ tướng Hungary Viktor Orban".
VOA, 15/06/2021
Hôm 15/6, Phái bộ Trung Quốc tại Liên hiệp Châu Âu (EU) yêu cầu NATO ngừng phóng đại "thuyết đe dọa từ Trung Quốc" sau khi các lãnh đạo của nhóm này cảnh báo rằng Bắc Kinh tạo ra "những thách thức mang tính hệ thống", theo Reuters.
Các nhà lãnh đạo NATO hôm 14/6 đã đưa ra lập trường mạnh mẽ đối với Bắc Kinh trong một thông cáo chung tại hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden với NATO.
Các nhà lãnh đạo NATO cho biết : "Những tham vọng và hành vi quyết đoán như đã nêu của Trung Quốc tạo ra những thách thức mang tính hệ thống đối với trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các lĩnh vực liên quan đến an ninh của liên minh".
Tân Tổng thống Hoa Kỳ kêu gọi các nhà lãnh đạo NATO đứng lên chống lại chủ nghĩa độc tài và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.
Phái bộ Trung Quốc tại EU đăng bình luận trên trang web cho rằng tuyên bố của NATO đã "vu khống" sự phát triển hòa bình của Trung Quốc, đánh giá sai tình hình quốc tế và bày ra "tâm lý Chiến tranh lạnh".
Tuyên bố của Trung Quốc cho rằng Bắc Kinh luôn cam kết phát triển hòa bình.
"Chúng tôi sẽ không đặt ra ‘thách thức hệ thống’ cho bất kỳ ai, nhưng nếu ai đó muốn đặt ra ‘thách thức hệ thống’ cho chúng tôi, chúng tôi sẽ không làm ngơ", tuyên bố của phái bộ Trung Quốc viết.
Các quốc gia G-7 họp tại Anh vào cuối tuần qua đã chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, kêu gọi Hong Kong giữ mức độ tự chủ cao và yêu cầu điều tra đầy đủ về nguồn gốc của virus corona ở Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London cho biết họ kiên quyết phản đối việc đề cập đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, những điều mà họ cho rằng đã bóp méo sự thật và phơi bày "ý đồ thâm độc của một số quốc gia như Hoa Kỳ".
Trọng Nghĩa, RFI, 14/06/2021
Lãnh đạo của 30 quốc gia thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO vào hôm nay, 14/06/2021, đã tham gia thượng đỉnh của khối này tại Bruxelles, Bỉ, với sự hiện diện lần đầu tiên của tổng thống Mỹ Joe Biden. Thượng đỉnh NATO lần này được cho là đánh dấu sự "hòa hợp" trở lại giữa Mỹ và các đồng minh còn lại trong khối, và đặt nền móng cho việc mở rộng khái niệm chiến lược của Liên Minh nhằm đối phó với những thách thách mới trong đó có Trung Quốc.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (giữa) đón tổng thống Mỹ Joe Biden tại sân bay quân sự Bruxelles, Melsbroek, Bỉ, ngày 13/06/2021. Reuters - Pool
Đến Bruxelles từ tối hôm qua sau khi tham dự thượng đỉnh nhóm G7 tại Anh Quốc, theo chương trình dự kiến, tổng thống Mỹ Joe Biden họp trực tiếp với lãnh đạo các thành viên khác trong khoảng ba tiếng đồng hồ, một cuộc họp kết thúc bằng một bản tuyên bố chung được đàm phán giữa các nước trong Liên Minh.
Không khí lần này rất hòa dịu, trái hẳn với 4 năm vừa qua, khi rất nhiều thành viên Châu Âu của NATO, nhất là Đức, thường xuyên bị cựu tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc là "ăn bám" vào Mỹ. Hai dấu hiệu cho thấy rõ không khí hòa thuận mới có lại : Khẩu hiệu từ phía ông Biden là "Mỹ đã trở lại", trong lúc về phía Pháp tuyên bố "NATO bị chết não" từng gây chấn động của Tổng thống Macron đã bị đẩy vào quá khứ.
Về nội dung thảo luận, theo hãng tin Pháp AFP, khối NATO muốn gởi một thông điệp cứng rắn tới Nga trước lúc diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh song phương giữa Joe Biden và Vladimir Putin vào thứ Tư 16/06 tới đây ở Geneva (Thụy Sĩ).
Các thành viên cũng khởi động rà soát lại khái niệm chiến lược của NATO để giúp Liên Minh đối phó tốt hơn với các mối đe dọa mới trong không gian và không gian mạng, cũng như với sự vươn lên của Trung Quốc.
Trên vấn đề Trung Quốc, vào hôm qua, 13/06, tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg cho rằng các nước thành viên phải có chính sách mạnh mẽ hơn trước sự bành trướng của Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền thông CBC của Canada, lãnh đạo NATO nhấn mạnh rằng Trung Quốc hiện có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới (sau Mỹ), một lực lượng Hải Quân lớn nhất thế giới và đang đầu tư mạnh vào quân sự.
Đối với ông Stolttenberg, tất cả các yếu tố đó có thể ảnh hưởng tới an ninh của khối NATO. Theo ông : "Trung Quốc không có chung nguyên tắc với chúng ta. Đó là điều được thấy qua việc họ - tức là Trung Quốc - đàn áp các cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông, qua cách họ áp bức các nhóm thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ" ở Tân Cương, cũng như cách họ sử dụng công nghệ tối tân để giám sát người dân của họ theo một kiểu cách chưa từng thấy trước đây".
Tổng thư ký NATO kết luận : "Vì tất cả những điều đó, việc quan trọng mà NATO phải thực hiện là xây dựng một chính sách, là củng cố chính sách của chúng ta, trong trường hợp của Trung Quốc".
Bên cạnh vấn đề Trung Quốc, các hồ sơ như rút quân ra khỏi Afghanistan, và các hành động can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria, Libya và vùng Kavkaz cũng sẽ được thảo luận. Riêng hai tổng thống Pháp và Mỹ sẽ có có cuộc nói chuyện với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề hội nghị.
Sau Thượng đỉnh NATO hôm nay, vào ngày mai, 15/06, tổng thống Mỹ sẽ tham gia hội nghị thượng đỉnh Liên Âu-Hoa Kỳ cùng với chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Qua thứ Tư 16/06 sẽ là cuộc tiếp xúc với tổng thống Nga Putin tại Genève, Thụy Sĩ, nước trung lập.
NATO ‘cứng rắn’ trong thông điệp G7 về Trung Quốc bất chấp bị nói ‘vu khống’
VOA, 14/06/2021
Các nhà lãnh đạo NATO ngày 14/6 dự kiến sẽ định danh Trung Quốc là một mối "nguy cơ an ninh" của liên minh, một ngày sau khi nhóm bảy quốc gia giàu có (G7) đưa ra tuyên bố về nhân quyền ở Trung Quốc và Đài Loan mà Bắc Kinh nói là vu khống danh tiếng của họ, theo Reuters.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg chào nhau tại thượng đỉnh NATO ở Brussels, Bỉ, vào ngày 14/6/2021.
Với việc các nhà lãnh đạo đồng minh cũng đang lo ngại về việc Nga tăng cường quân sự gần Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg mô tả hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mà ông Joe Biden tham dự với tư cách là tổng thống Mỹ là một "thời điểm quan trọng". Ông Biden hôm 13/6 nói NATO là "một nghĩa vụ thiêng liêng", điều mà theo Reuters, một sự thay đổi giọng điệu rõ rệt so với người tiền nhiệm Donald Trump.
Đến hội nghị thượng đỉnh kéo dài một ngày ở Brussels, ông Stoltenberg nói sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc từ Baltics đến Châu Phi có nghĩa là NATO phải chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ các giá trị dân chủ và an ninh của phương Tây.
"Trung Quốc đang đến gần chúng ta hơn. Chúng ta thấy họ trong không gian mạng, chúng ta thấy Trung Quốc ở Châu Phi, nhưng chúng ta còn thấy Trung Quốc đầu tư rất nhiều vào cơ sở hạ tầng quan trọng của chính chúng ta", ông Stoltenberg nói, đề cập đến các cảng và mạng lưới viễn thông. "Chúng ta cần cùng nhau đối phó với tư cách là một liên minh".
Reuters dẫn lời các nhà ngoại giao cho biết thông cáo cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ không gọi Trung Quốc là "kẻ thù", và ông Stoltenberg cũng đã nói Trung Quốc không phải là kẻ thù, nhưng sẽ thể hiện mối quan ngại và gọi đây là thách thức "có hệ thống" đối với an ninh Đại Tây Dương khi nước này tham gia cùng Nga trong các cuộc tập trận quân sự, phát động các cuộc tấn công mạng và nhanh chóng xây dựng lực lượng hải quân của mình.
Các quốc gia G7 họp tại Anh cuối tuần qua đã mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền ở khu vực Tân Cương, kêu gọi cho Hong Kong được giữ mức độ tự chủ cao và yêu cầu điều tra đầy đủ về nguồn gốc của virus corona ở Trung Quốc.
Đại sứ quán Trung Quốc tại London nói họ kiên quyết phản đối việc đề cập đến Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan, những điều mà họ cho rằng đã bóp méo sự thật và phơi bày "ý đồ thâm độc của một số quốc gia như Hoa Kỳ".
"Không được vu khống uy tín của Trung Quốc", Đại sứ quán Trung Quốc nói hôm thứ Hai.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson đến dự hội nghị thượng đỉnh và nói rằng có cả rủi ro và phần thưởng cho Bắc Kinh.
"Khi nói đến Trung Quốc, tôi không nghĩ có ai đó muốn tiến vào một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Trung Quốc", ông Johnson nói. "Nhưng tôi nghĩ mọi người nhìn thấy thách thức, họ nhìn thấy những thứ mà chúng ta phải giải quyết cùng nhau, nhưng họ cũng nhìn thấy cơ hội".
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO đã hiện đại hóa hệ thống phòng thủ của mình nhưng chỉ mới bắt đầu xem xét nghiêm túc hơn gần đây về bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào từ tham vọng của Trung Quốc. Từ các khoản đầu tư của Trung Quốc vào các cảng ở Châu Âu và kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự ở Châu Phi cho đến các cuộc tập trận chung với Nga, NATO thể hiện sự đồng thuận rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh cần phải được đáp trả mạnh mẽ.
Nhưng các thành viên cũng đều lưu tâm đến những liên kết kinh tế của họ với Trung Quốc. Chẳng hạn, tổng thương mại của Đức với Trung Quốc vào năm 2020 là hơn 212 tỷ euro (256,82 tỷ USD), theo số liệu của chính phủ Đức, đưa Bắc Kinh trở thành đối tác thương mại hàng đầu về hàng hóa. Còn theo dữ liệu của Hoa Kỳ, tổng số lượng công khố phiếu Hoa Kỳ mà Trung Quốc nắm giữ tính đến tháng 3 năm 2021 là 1,1 nghìn tỷ USD, và tổng thương mại của Hoa Kỳ với Trung Quốc vào năm 2020 là 559,2 tỷ USD.
Trọng Nghĩa, RFI, 14/06/2021
Hội nghị thượng đỉnh NATO được mở ra hôm nay 14/06/2021 tại Bruxelles dưới dấu ấn của sự hòa thuận trở lại giữa Mỹ-Châu Âu. Cả hai bên bờ Đại Tây Dương đều khẳng định quyết tâm hàn gắn mối quan hệ sau bốn năm dưới chính quyền Trump. Tuy nhiên, trong toàn cục hữu hảo đó, giới quan sát ghi nhận giữa Châu Âu và Hoa Kỳ, mọi sự không hoàn toàn suôn sẻ, cả trên những vấn đề nội bộ lẫn những ưu tiên chiến lược.
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, Jens Stoltenberg nhân thượng đỉnh NATO trong ngày 14/06/2021. © Reuters
Về nội tình Liên Minh Bắc Đại Tây Dương-NATO, hồ sơ đóng góp tài chánh của các thành viên chẳng hạn, dù không còn được dùng làm vũ khí công kích như dưới thời Donald Trump, nhưng vẫn là một vấn đề. Tương tự như người tiền nhiệm, tổng thống Joe Biden cũng muốn các đồng minh đóng góp nhiều hơn vào ngân sách quốc phòng, ít ra là theo đúng cam kết.
Vào năm 2014, các thành viên NATO đã cam kết dành ít nhất 2% GDP cho chi phí quân sự. Từ đó đến nay, đã có khoảng 260 tỷ đô la đã được bổ sung vào ngân sách, một bước tiến đáng kể. Tuy vậy, chỉ có vài nước như Mỹ, Anh, Pháp, Hy Lạp, Estonia, Ba Lan… là đã thực hiện cam kết này, trong lúc nhiều quốc gia vẫn chưa tôn trọng lời hứa về chi tiêu quân sự.
Đáng chú ý hơn cả là ưu tiên về chiến lược khác nhau giữa Mỹ và các thành viên Châu Âu, mà nổi cộm nhất hiện nay là vấn đề Trung Quốc, kế đến là đối sách nhắm vào Nga.
Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 13/06, nhân thượng đỉnh NATO ở Luân Đôn vào tháng 12 năm 2019, tổng thống Mỹ thời đó là Donald Trump đã cố gắng đạt được một vài dòng về Trung Quốc từ các đồng minh trong tuyên bố đúc kết hội nghị, lần đầu tiên nói đến các "cơ hội và thách thức" mà Bắc Kinh đặt ra.
Lần này, ông Joe Biden có ý định tiến xa hơn và không ngần ngại gây sức ép với các đồng minh trong khối. Trả lời báo Le Figaro, bà Alexandra de Hoop Scheffer thuộc Quỹ Nghiên Cứu Marshall tại Đức đánh giá Châu Âu đã lơ là quyết tâm của Mỹ và chỉ mới nhận thức rõ điều này trong vài ngày qua khi cần phải hoàn thiện văn bản sẽ công bố sau cuộc họp của NATO. Cho đến chiều hôm qua, tức là 24 tiếng đồng hồ trước khi hội nghị kết thúc, văn kiện vẫn chưa được thống nhất.
Phải nói là mối quan ngại mà Bắc Kinh làm dấy lên tại phương Tây không thiếu. Trong một bài phỏng vấn mới đây dành cho tờ báo Đức Die Welt, tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nêu bật : "Nga và Trung Quốc gần đây đang hợp tác ngày càng nhiều hơn, cả về chính trị lẫn quân sự. Đây là một nhân tố mới và là một thách thức nghiêm trọng đối với NATO".
Jens Stoltenberg đã liệt kê từ những cuộc tập trận chung, những chuyến bay đường trường của các loại máy bay chiến đấu, các chiến dịch trên biển, cho đến những trao đổi kinh nghiệm "trong lĩnh vực sử dụng các hệ thống quân sự và kiểm soát trên Internet".
Đối với một số nhà quan sát, quan ngại của Mỹ không hẳn là của các đồng minh Châu Âu. Theo ông Ian Bond, giám đốc bộ phận chính sách đối ngoại tại trung tâm tham vấn Châu Âu – Center for European Reform, vào lúc có đồng thuận rộng rãi trong chính giới Mỹ theo đó sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đe dọa Hoa Kỳ, thì về mặt nguyên tắc, Châu Âu không phản đối việc Trung Quốc trở thành siêu cường, miễn là nước này vẫn tôn trọng các chuẩn mực quốc tế.
Mối quan tâm số một của Châu Âu vẫn là Nga, nước vẫn gia tăng các hành động khiêu khích, từ việc bắt giam nhà đối lập Alexei Navalny, triển khai quân đội ở biên giới Ukraine cho đến việc hỗ trợ lãnh đạo Belarus. Trong bối cảnh căng thẳng này, các nước Đông và Trung Âu chẳng hạn, rõ ràng là thích NATO dồn sức bảo vệ họ chống lại Nga hơn.
Hôm 10/06/2021, trước khi qua Anh dự thượng đỉnh G7, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tỏ ý dè dặt trước khả năng NATO đưa Trung Quốc lên hàng ưu tiên : "Về địa lý, Trung Quốc không thuộc vùng Đại Tây Dương, trừ phi là bản đồ của tôi có vấn đề. Vì vậy tôi cho rằng Trung Quốc không phải là trọng tâm của vấn đề". Nguyên thủ Pháp nhắc lại : "NATO được xây dựng để đối đầu với khối Hiệp Ước Vacxava và đã được cấu trúc về mặt ý thức hệ trong cuộc đối đầu đó".