Thanh Hà, RFI, 23/06/2022
Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine đe dọa khủng hoảng lương thực trên thế giới, hôm 23/06/2022 Bắc Kinh tổ chức thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 qua cầu truyền hình. Trung Quốc cảnh báo "mở rộng các liên minh quân sự" dẫn tới chiến tranh, như khủng hoảng Ukraine đã cho thấy. Theo giới quan sát đây là thông điệp nhắm trực tiếp vào NATO và Hoa Kỳ.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu qua cầu truyền hình tại lễ khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp BRICS, thứ Tư ngày 22/06/2022. AP - Yin Bogu
Trong bối cảnh chiến tranh Ukraine đe dọa khủng hoảng lương thực trên thế giới, hôm nay 23/06/2022 Bắc Kinh tổ chức thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 qua cầu truyền hình. Trung Quốc cảnh báo "mở rộng các liên minh quân sự" dẫn tới chiến tranh, như khủng hoảng Ukraine đã cho thấy. Theo giới quan sát đây là thông điệp nhắm trực tiếp vào NATO và Hoa Kỳ.
Nhóm BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Bắc Kinh, New Delhi có những mối liên hệ chặt chẽ về kinh tế với Moskva đã tránh lên án Nga xâm chiếm Ukraine.
Đây là một trong những diễn đàn hiếm hoi tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự kể từ sau khi quyết định xâm chiếm Ukraine. Phát biểu với các doanh nhân của nhóm BRICS, nguyên thủ Nga lên án phương Tây "sao nhãng với các nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường và tự do giao thương". Kremlin kịch liệt chỉ trích phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt Nga vì lý do "chính trị" và do đó các doanh nhân của Nga đã phải "chuyển hướng" các hoạt động xuất nhập khẩu để hướng tới các đối tác trong khối BRICS nhiều hơn.
Về phía Trung Quốc, trong cương vị chủ nhà, một ngày trước khi chính thức khai mạc thượng đỉnh, ông Tập Cận Bình tập trung vào vế an ninh. Theo lãnh đạo Trung Quốc, xung đột Ukraine là "tiếng chuông báo động, thức tỉnh nhân loại" trước sự mù quáng "tin vào sức mạnh" và tham vọng "mở rộng các liên minh quân sự", trước thái độ ích kỷ của một số quốc gia chỉ lo cho "an ninh của chính mình". Bắc Kinh quan niệm thái độ đó chỉ có thể dẫn đến "bế tắc".
Từ thủ đô Bắc Kinh thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm về thượng đỉnh BRICS lần thứ 14 :
"Ngoài những hình ảnh trông thấy trên đài truyền hình, khó biết được một cách chính xác những gì đang diễn ra ở hậu trường của Điếu Ngư Đài, nhà khách nơi đón tiếp các lãnh đạo quốc tế đến Bắc Kinh. Theo các nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc, khoảng 1.000 khách mời tham dự qua cầu truyền hình hay trực tiếp 5 cuộc hội thảo dự trù diễn ra nhân sự kiện này.
Các cuộc hội thảo đó xoay quanh các đề tài như là cải cách hệ thống đa phương, phục hồi kinh tế, chia sẻ công nghệ, chống dịch bệnh, phát triển bền vững. Tất cả các chủ đề này được đưa ra trong bối cảnh các bên băn khoan tìm ngõ thoát khỏi khủng hoảng. Phát biểu hôm qua, ông Tập Cận Bình lưu ý "công luận đang lo ngại kinh tế toàn cầu sa lầy trong các cuộc khủng hoảng chồng chất".
Bắc Kinh lặp đi lặp lại, BRICS là một công cụ để khởi động lại cỗ máy kinh tế toàn cầu. Trong khi Trung Quốc và nhất là Nga muốn bác bỏ những luận điệu của G7 cho rằng các biện pháp trừng phạt là hiệu quả.
Cùng lúc Trung Quốc và nhất là Nga đang muốn diễn giải một cách tích cực về những biện pháp trừng phạt mà G7 đã ban hành.
Tổng thống Nam Phi, Cyril Ramaphosa nhắc lại : du khách của nhóm BRICS chiếm 65 % trong số những người tham quan quốc gia này hồi 2018 và do tác động từ việc Nga xâm chiếm Ukraine, nhu cầu đẩy mạnh hợp tác về an ninh lương thực càng thúc bách.
Có nhiều nước muốn gia nhập câu lạc bộ BRICS. Chẳng hạn như Ai Cập và Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất thông báo tham sự hội nghị lần này".
Thanh Hà
********************
Minh Anh, RFI, 23/06/2022
Để đạt được mục tiêu trở thành trung tâm thế giới, các lãnh đạo Trung Quốc từ một thập kỷ qua ra sức củng cố sức mạnh kinh tế, chính trị, ngoại giao và quân sự của đất nước. Nhưng mong muốn đi lên thành siêu cường hàng đầu thế giới của Bắc Kinh đi kèm với một hệ lụy khó giải quyết : Buộc phải ngăn chặn những nỗ lực của phương Tây muốn kềm hãm Trung Quốc.
Tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - Châu Phi, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết tài trợ 60 tỷ đô la cho các dự án ở Châu Phi, Bắc Kinh, ngày 04/09/2018. AP - Andy Wong
Trong sách lược khẳng định vị thế thống trị, Trung Quốc cho rằng cần phải thiết lập một vùng ảnh hưởng, không chỉ ở những khu vực tiếp giáp liền kề mà còn phải bao gồm toàn bộ các nước mới trỗi dậy, không thuộc phương Tây và phần lớn phi dân chủ - tức các nước phương Nam (The Global South). Việc bảo đảm sự thống thị đối với nhóm đông đảo các quốc gia này cho phép tạo một cơ sở vững chắc cho sức mạnh Trung Quốc, đồng thời hạn chế được các ảnh hưởng cũng như hành động của Hoa Kỳ và cuối cùng, cho phép đặt dấu chấm hết cho thế bá chủ toàn cầu của Mỹ.
Cụ thể sách lược này nói gì ? RFI tiếng Việt xin giới thiệu tóm tắt một số điểm trong bài phân tích có tựa đề "Chiến lược phương Nam của Trung Quốc" của nhà nghiên cứu Nadège Rolland đăng trên Foreign Affairs ngày 09/06/2022.
------------------------
Mao Trạch Đông đưa ra lý thuyết "Ba thế giới".
Thế giới đang phát triển luôn là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Ngay từ những ngày đầu mới lập quốc, chiến lược "Phương Nam – Global South" để chống cường quốc đế quốc đã được Mao Trạch Đông hoàn thiện (1949 – 1974) khi đưa ra lý thuyết "Ba thế giới". Theo đó, có một mặt trận thống nhất, tập hợp các quốc gia từ Châu Phi, Châu Á đến Châu Mỹ La-tinh, tạo thành Thế Giới Thứ Ba, trong cuộc chiến chung chống Thế Giới Thứ Nhất – bao gồm đế quốc Mỹ và Liên Xô (sau khi Trung – Xô đoạn tuyệt bang giao). Cùng lúc, Trung Quốc tranh giành và vô hiệu hóa Thế Giới Thứ Hai gồm các cường quốc hạng trung như Úc, Canada, Nhật Bản và các nước Tây Âu.
Mao tin rằng một mặt trận thống nhất các nước đang phát triển do Trung Quốc lãnh đạo có thể bao vây và cô lập các cường quốc bá quyền, theo như cách thức Đảng cộng sản Trung Quốc từng thực hiện trong những năm đầu đấu tranh chính trị "lấy nông thôn bao vây thành thị" (theo như lời của Mao), tạo điều kiện thắng lợi cho cuộc cách mạng cộng sản. Trong mục tiêu này, Bắc Kinh đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các phong trào cách mạng giải phóng, và chống thực dân ở các nước Thế Giới Thứ Ba.
Nhưng những bất ổn trong nước và các hạn chế về kinh tế buộc Trung Quốc phải tạm gác sang một bên tham vọng to lớn đó. Trong nhiều thập niên, từ thời Đặng Tiểu Bình cho đến các đời lãnh đạo trước khi Tập Cận Bình lên cầm quyền đã tập trung ưu tiên phát triển sức mạnh quốc gia. Dù vậy, các nước đang phát triển vẫn luôn có một tầm quan trọng đối với Trung Quốc vì nhiều lý do khác nhau về hệ tư tưởng và địa chiến lược.
Đó là những nguồn cung năng lượng và tài nguyên thiên thiết yếu, là những nguồn cung thị trường mới cho các doanh nghiệp, giúp Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ về mặt kinh tế. Do vậy, Đại hội Đảng Công Sản lần thứ 16 năm 2002, chính thức xem các nước đang phát triển là "nền tảng" ngoại giao cho Trung Quốc – sau các mối quan hệ của Trung Quốc với các cường quốc và với các nước láng giềng, nhưng trước cả chính sách của Trung Quốc trong các định chế đa phương.
Trung Quốc ra sức hậu thuẫn các nước đang phát triển để đạt được các mục tiêu địa chính trị to lớn. Nhờ vào các khoản viện trợ kinh tế và đầu tư to lớn, Trung Quốc đã khiến các nước phương Nam cắt đứt quan hệ với Đài Loan nhằm bóp nghẹt hòn đảo về mặt ngoại giao. Khi khơi dậy tư tưởng chung là bài phương Tây đi kèm với những lời dụ dỗ, Bắc Kinh đã có được những lá phiếu các nước đang phát triển tại Liên Hiệp Quốc để tránh bị quốc tế lên án về tình trạng vi phạm nhân quyền dai dẳng.
Vào cuối nhiệm kỳ của ông Hồ Cẩm Đào (2002-2012), Trung Quốc tin rằng đã đi đúng quỹ đạo, khi qua mặt Nhật Bản trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới. Đồng thời Bắc Kinh xem chính sách "xoay trục" sang Châu Á của chính quyền Obama như là một sự gia tăng nỗ lực của Mỹ nhằm hạn chế sức mạnh của Trung Quốc. Vừa tự tin nhưng cũng vừa lo lắng, giới lãnh đạo Trung Quốc công khai từ bỏ chính sách "ẩn mình chờ thời" của Đặng Tiểu Bình, để chuyển sang một chiến lược toàn cầu mới, chủ động đưa Trung Quốc lên thành cường quốc thống trị thế giới.
Khi phác thảo cách thức thực hiện, tại Trung Quốc, xuất hiện hai xu hướng trong giới chuyên gia : Phe thứ nhất chủ trương một chiến lược cân bằng, thực hiện "Tây tiến", đi xuyên Á-Âu để làm đối trọng với việc Hoa Kỳ ngày càng tập trung các nỗ lực ngoại giao, kinh tế và quân sự trong lĩnh vực hàng hải ở Châu Á. Ngược lại, phe thứ hai khẳng định vùng phương Nam có thể giữ một vai trò chủ chốt giúp Trung Quốc chống lại đối thủ bá quyền, đặc biệt là khi phương Tây không quan tâm đến những khu vực vốn có thể sẽ giúp Trung Quốc thực hiện nhiệm vụ dễ dàng hơn.
Khi đưa ra phương án thứ hai này, các nhà lý luận của đảng cộng sản thời Tập Cận Bình đã khai quật các khái niệm giải vây do Mao phát triển nhiều thập kỷ trước đó. Giống như dưới thời Mao, giới chiến lược gia tại Bắc Kinh ngày nay tin rằng việc lãnh đạo một mặt trận thống nhất các nước phương Nam sẽ giúp làm đối trọng với điều mà họ cho là những mưu toan của phương Tây nhằm cô lập và ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Và với sáng kiến Một vành đai Một con đường (BRI) do Tập Cận Bình chủ xướng, ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc lan rộng khắp thế giới, từ các đảo quốc Thái Bình Dương cho đến bờ Đại Tây Dương của Châu Phi nhờ vào các cho khoản vay, đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng và không ngừng mở rộng hợp tác trong một loạt các lĩnh vực. Kết quả là Bắc Kinh có cả động lực lẫn đòn bẫy tiềm tàng mà họ có thể sử dụng để tập hợp một liên minh các nước đang phát triển theo hướng có lợi cho mình và chống lại phương Tây.
Trên bình diện kinh tế, đầu tư của Trung Quốc vào các nước phương Nam sẽ thúc đẩy sự thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế dài hạn cho nước này. Châu Phi sẽ là nguồn nhu cầu mới cho các doanh nghiệp Trung Quốc khi nhìn vào triển vọng gia tăng tầng lớp trung lưu thành thị (ước tính đạt 800 triệu dân trong vòng 15 năm).
Việc hỗ trợ xây dựng mạng lưới công nghệ thông tin cho phép Trung Quốc sở hữu một nguồn dữ liệu kỹ thuật số từ nhiều nguồn khách hàng đa dạng và có thể sử dụng chúng để đào tạo các thuật toán trí thông minh nhân tạo – một bước không thể thiếu để thực hiện tham vọng dẫn đầu công nghệ thế giới tương lai.
Cuối cùng, theo như một báo cáo do Cơ quan Nghiên cứu Châu Á Quốc gia công bố hồi tháng 5/2022, đầu tư phát triển hạ tầng Châu Phi có thể giúp biến lục địa này thành một nền sản xuất tích hợp chi phí thấp, cho phép các nước tại Châu lục đóng một vai trò "công xưởng" giống như là Trung Quốc đã từng làm cho các nước phương Tây. Tóm lại, Bắc Kinh hy vọng các nước phương Nam có thể giúp Trung Quốc giảm phụ thuộc vào các thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu khi tạo ra một hệ thống kinh tế phụ có khả năng tồn tại mà không phụ thuộc vào phương Tây.
Các nỗ lực này của Trung Quốc ở các nước đang phát triển ít nhiều cũng đã gặt hái thành công, như thúc đẩy các nước phương Nam chối bỏ những điều mà Đảng cộng sản Trung Quốc cười nhạo : "Các giá trị phổ quát" của phương Tây. Tại các định chế quốc tế, Trung Quốc đã có được lá phiếu của những nước phương Nam theo ý muốn của mình trong nhiều vấn đề, kể cả nhân quyền.
Các nền kinh tế mới trỗi dậy cũng tham gia vào nhiều diễn đàn do Trung Quốc dẫn đầu như Đối thoại Nam – Nam về Nhân quyền, tán thành các khái niệm do Trung Quốc đưa ra như "cộng đồng cùng chia sẻ tương lai", tầm nhìn của đảng về một trật tự thế giới lấy Trung Quốc làm trung tâm, nhắc lại những phát biểu ưa thích của Bắc Kinh… và tất cả những điều đó đã mang lại cho Trung Quốc nhiều thế mạnh hơn tại các diễn đàn quốc tế.
Thất bại của phương Tây cũng khiến các nước đang phát triển thất vọng với mô hình dân chủ tự do được Mỹ hậu thuẫn mà họ tin rằng đã không thực hiện được lời hứa của mình. Việc cung cấp không ngừng các chương trình đào tạo giúp Bắc Kinh khuếch trương mô hình quản lý theo kiểu Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong số các nước đang phát triển có thể sẽ chọn vay mượn các yếu tố của mô hình chuyên chế Nhà nước, trọng thương và đàn áp từ Trung Quốc. Theo cách này, các nước phương Nam có thể giúp Trung Quốc đóng vai trò trọng tài phân xử phải trái các vấn đề quốc tế.
Việc mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong thế giới đang phát triển cũng có thể giúp Trung Quốc củng cố năng lực triển khai sức mạnh quân sự ra bên ngoài, hoặc tối thiểu là hạn chế các giải pháp quân sự và quyền tự do hành động của các nước khác. Trung Quốc luôn thận trọng sử dụng linh hoạt sức mạnh quân sự của mình, và họ coi các hoạt động quân sự ở bên ngoài như là hệ quả của nhu cầu chính đáng bảo vệ các lợi ích ngày càng rộng lớn của mình.
Dù vậy, vào năm 2017, Trung Quốc đã cho thiết lập một căn cứ hải quân ở Djibouti, một nước Đông Phi và đang ấp ủ kế hoạch mở thêm ít nhất một tiền đồn quân sự nước ngoài khác ở Cam Bốt. Trung Quốc có thể thực hiện các bước tiếp theo để thúc đẩy sự hiện diện lâu dài của mình gần các chốt nghẽn hàng hải và dọc theo các tuyến đường biển quan trọng.
Minh Anh