Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tàu Hằng Nga 6 (Chang'e-6) không chỉ là sứ mệnh giúp Trung Quốc mang về các mẫu vật từ Mặt Trăng mà còn là bước đệm để nước này thực hiện tham vọng to lớn hơn trong việc khám phá vũ trụ.

mattrang1

Sứ mệnh Hằng Nga 6 cần đến bốn tàu vũ trụ khác nhau để đưa các mẫu vật từ Mặt Trăng về Trái Đất

Vào ngày 3/5, Trung Quốc đã triển khai một trong những sứ mệnh tham vọng nhất của mình từ trước đến nay với việc phóng bốn tàu vũ trụ được ghép lại với nhau lên Mặt Trăng.

Mục tiêu của sứ mệnh là thu thập các mẫu vật từ phía xa của Mặt Trăng và đưa chúng về Trái Đất an toàn. Những mẫu vật đó có khả năng đem đến những kiến thức mới về Mặt Trăng, về hành tinh của chính chúng ta và cả lịch sử sơ khai của Hệ Mặt Trời. Để làm được điều này, Hằng Nga 6 phải thực hiện các thao tác phức tạp trên không gian.

Tàu Hằng Nga 6 đã trải qua 4-5 ngày trong hành trình hướng đến Mặt Trăng. Khi đã ở trên quỹ đạo quanh Mặt Trăng, một tàu đổ bộ sẽ tách ra và hướng đến khu vực hạ cánh tại miệng núi lửa Apollo nằm ở phía xa của vệ tinh tự nhiên này.

Việc hạ cánh dự kiến diễn ra vào đầu tháng 6/2024. Do khu vực phía xa của Mặt Trăng không bao giờ hướng về Trái Đất, nên các hoạt động và liên lạc với Trái Đất sẽ được hỗ trợ bởi Thước Kiều 2 (Queqiao-2), một vệ tinh tiếp sóng liên lạc do Trung Quốc phóng vào tháng 3/2024.

Tàu đổ bộ sẽ sử dụng gàu múc và máy khoan để lấy mẫu vật trên bề mặt và dưới bề mặt. Một tàu khác sẽ đưa các mẫu vật này lên quỹ đạo Mặt Trăng và đem đến tàu trên quỹ đạo.

Việc gặp và kết nối giữa tàu quỹ đạo và tàu lấy mẫu vật cần phải được thực hiện trong khi chúng di chuyển với tốc độ gần 1,7 km/giây. Thao tác này được tự động hóa vì khoảng cách quá xa của chúng đến các trạm trên Trái Đất sẽ gây ra độ trễ tín hiệu.

Sau cuộc rượt đuổi trên vũ trụ này, một tàu hồi quyển sẽ tiếp nhận các mẫu vật đó. Trước khi tàu quỹ đạo đáp xuống Trái Đất, tàu hồi quyển sẽ được phóng ra, lao qua bầu khí quyển và cùng những mẫu vật hạ xuống trên những đồng cỏ Nội Mông (Trung Quốc).

Đem những mẫu vật được lấy từ hố va chạm khổng lồ, hay còn được gọi là Bồn địa Nam Cực-Aitken (SPA), đến các phòng thí nghiệm có thể mang lại nhiều lợi ích khoa học vô giá.

"Bồn địa SPA là một trong những địa điểm tốt nhất trên Mặt Trăng để lấy đá, có thể được nghiên cứu để trả lời các câu hỏi về nguồn gốc và quá trình biến đổi địa chất của Mặt Trăng", Katherine Joy, giáo sư về khoa học Mặt Trăng và hành tinh tại Đại học Manchester (Vương quốc Anh), cho biết.

Những mẫu đá mà Hằng Nga 6 thu thập sẽ đáng để quan tâm vì đó là những mẫu đá đầu tiên lấy ở phía xa của Mặt Trăng, trong khi các sứ mệnh Apollo trước đây chỉ thăm dò phía gần.

"Hy vọng chúng sẽ giúp chúng ta lý giải tại sao phía gần và phía xa của Mặt Trăng lại có sự khác biệt lớn về mặt địa chất", bà Joy nói.

"Các mẫu vật thu thập được cũng sẽ giúp chúng ta xác định niên đại của chính hố va chạm khổng lồ này, hé lộ thêm về thời điểm những phôi thai hành tinh khổng lồ va đập vào Mặt Trăng trong giai đoạn sơ khai của nó", bà Joy nói tiếp.

Tuy nhiên, ngoài mục đích khoa học, Hằng Nga 6 còn hé lộ một số tham vọng lớn hơn từ Trung Quốc.

Hoạt động của Hằng Nga 6 sẽ là bài thực hành hữu ích cho một sứ mệnh tiềm năng khác : lấy mẫu từ Sao Hỏa. Trong khi các mẫu vật trên Mặt Trăng hứa hẹn mang lại những nghiên cứu khoa học quan trọng về bí mật của Hệ Mặt Trời, thì mẫu vật từ Hành tinh Đỏ có thể cung cấp những tri thức mới về bí ẩn to lớn nhất : nguồn gốc của sự sống và liệu có thể sống trên Sao Hỏa hay không.

NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) cũng đang nghiên cứu việc lấy mẫu từ Sao Hỏa. Nhưng dự án phức tạp đó gần đây đã bị chậm trễ do các vấn đề về ngân sách và những rào cản từ Quốc hội Mỹ. Điều này nghĩa là Trung Quốc có cơ hội rõ rệt để trở thành "người tiên phong" gây chấn động trong ngành vũ trụ.

Một điểm đáng chú ý khác là việc thực hiện kỹ thuật phức tạp cho các tàu gặp nhau trên quỹ đạo Mặt Trăng là không cần thiết để đưa mẫu vật về Trái Đất. Tuy nhiên, đây là điều bắt buộc nếu muốn đưa các phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng và trở về an toàn. Do đó, thao tác phức tạp của Hằng Nga 6 dường như là bước đệm cho các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng có sự tham gia của phi hành đoàn.

Năm 2023, Trung Quốc tuyên bố rằng họ có kế hoạch phóng tàu vũ trụ có người đầu tiên lên Mặt Trăng trước năm 2030. Sứ mệnh này sẽ đưa hai phi hành gia lên bề mặt Mặt Trăng trong vài giờ trước khi họ gặp lại đồng nghiệp đang đợi trên quỹ đạo, rất giống với cách hoạt động của tàu quỹ đạo và tàu lấy mẫu vật của Hằng Nga 6.

Trung Quốc không chỉ đơn thuần lên kế hoạch ngắn hạn có mặt trên Mặt Trăng với mục đích cắm cờ hay để lại dấu chân. Tham vọng của họ giống chương trình Artemis của NASA hơn là chương trình Apollo.

Trung Quốc dự kiến thực hiện hai sứ mệnh riêng biệt đến cực nam của Mặt Trăng vào hai năm 2026 và 2028 - bao gồm cả việc thử nghiệm sử dụng đất Mặt Trăng để in gạch 3D - như làm tiền đề cho một căn cứ trên đó.

mattrang2

Ngành công nghiệp vũ trụ khổng lồ của Trung Quốc có tham vọng vượt xa việc lấy mẫu vật từ Mặt Trăng

"Cực nam của Mặt Trăng là điểm đến lý tưởng khi chúng ta chuẩn bị đưa con người trở lại Mặt Trăng", bà Joy nhận xét.

"Cùng với Hằng Nga 7 và 8, một số sứ mệnh do chương trình tàu đổ bộ thương mại của NASA lên kế hoạch cũng sẽ hạ cánh để kiểm tra vị trí và trữ lượng của các chất bay hơi, bao gồm nước và băng, có trong đất ở vùng cực.

"Những vật liệu này có thể hữu ích cho các nhà thám hiểm trong tương lai, vì vậy sẽ rất thú vị để xem sự đa dạng mà tất cả các tàu đổ bộ robot sẽ phát hiện trong vài năm tới", bà chia sẻ.

Những nỗ lực này là một phần của sáng kiến xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Trung Quốc, cùng với Nga, đang cố gắng thu hút các quốc gia tham gia Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) và đang phát triển các công nghệ nền tảng như lò phản ứng hạt nhân để cung cấp năng lượng cho các buổi đêm trên Mặt Trăng. Một đêm ở đó dài bằng khoảng 2 tuần trên Trái Đất.

Dự án này song song nhưng tách biệt với chương trình Artemis của NASA. Nó minh họa cho thấy sự chia rẽ địa chính trị ngày càng tăng trên Trái Đất không chỉ giới hạn tại hành tinh của chúng ta. Khám phá vũ trụ, đôi khi được coi là một hoạt động theo đuổi khoa học thuần túy, cũng là một sự phô diễn sức mạnh địa chính trị và còn mang những mục đích khác.

Tham vọng của Trung Quốc đối với vũ trụ vốn dĩ phức tạp. "Mọi quốc gia đều theo đuổi các dự án vũ trụ vì nhiều lý do, chủ yếu liên quan đến chiến tranh, sự phát triển và uy danh", Bleddyn Bowen, nhà nghiên cứu về chính sách vũ trụ và quan hệ quốc tế ngoài vũ trụ tại Đại học Leicester (Vương quốc Anh), nói.

"Một số dự án mang tính khoa học và khám phá, chẳng hạn như các sứ mệnh Hằng Nga, một số khác phục vụ mục tiêu kinh tế và cơ sở hạ tầng, và một số khác phục vụ cho khả năng quân sự hoặc tăng cường lực lượng vũ trang", ông Bowen cho biết.

Trung Quốc đã có trạm không gian riêng, tên là Thiên Cung, có thể chứa ba phi hành gia trong thời gian sáu tháng cùng một lúc. Hệ thống định vị Bắc Đẩu của quốc gia này là lời đáp trả cho hệ thống GPS của Mỹ.

Việc cung cấp các dịch vụ định vị thời gian và vị trí đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc cũng như giúp phát triển các dịch vụ ứng dụng dựa trên vị trí, đồng thời hỗ trợ các ngành như tài chính, nông nghiệp, vận chuyển, hàng không và hơn thế nữa.

Điều này cũng mang lại cho quân đội Trung Quốc khả năng dẫn đường chính xác cho tên lửa và đạn dược, cũng như khả năng phối hợp và triển khai lực lượng tốt hơn trên toàn cầu. Tuy nhiên, những lợi ích này không hẳn quá đặc biệt.

mattrang3

Trạm không gian Trung Quốc sẽ đóng vai trò trung tâm trong bước nhảy vọt vĩ đại của họ khi tiến vào Hệ Mặt Trời

"Việc Trung Quốc có chương trình quân sự không gian và vũ khí chống vệ tinh không khác so với những gì các cường quốc vũ trụ khác đã và đang làm", ông Bowen nói.

"Giới lãnh đạo Trung Quốc có nhiều mục tiêu liên quan đến chiến tranh, phát triển và uy danh. Họ muốn bảo đảm an ninh trước các mối đe dọa bên ngoài và bên trong, thể hiện sức mạnh quân sự của mình, bảo đảm vị trí cao trong nền kinh tế thế giới và giành lấy lợi ích chính trị/uy tín từ các chương trình cao cấp", ông Bowen nhận xét.

Mặc dù các sứ mệnh lớn như Hằng Nga 6 thỉnh thoảng mới thu hút được sự chú ý, chương trình vũ trụ của Trung Quốc không chỉ toàn diện về quy mô mà còn có những tác động đối với chính Trung Quốc và các quốc gia khác trên toàn cầu.

Quay trở lại lĩnh vực khoa học, Trung Quốc cũng đang có những bước tiến trong thiên văn học, vật lý thiên văn và khám phá ngoại hành tinh. Trong tháng 5/2024, một quan chức khoa học vũ trụ chủ chốt của Trung Quốc đã tiết lộ một loạt các sứ mệnh nhằm đạt được những đột phá.

Nước này đang chế tạo một chùm vệ tinh sử dụng mặt sau của Mặt Trăng làm lá chắn chống nhiễu loạn từ Trái Đất để thu thập các tín hiệu yếu ớt của vũ trụ thuở sơ khai.

Một sứ mệnh khác có mục đích phát hiện các ngoại hành tinh giống Trái Đất và các hành tinh lang thang trôi dạt trong dải Ngân Hà mà không có sao để quay quanh. Trong khi đó, một tàu thăm dò sẽ cố gắng có được những góc nhìn đầu tiên về các cực của Mặt Trời.

Chương trình thám hiểm hành tinh Thiên Vấn của Trung Quốc dự định lấy mẫu một tiểu hành tinh gần Trái Đất, thăm một sao chổi, thu thập mẫu từ Sao Hỏa và gửi một tàu thăm dò tới Sao Mộc.

Một sứ mệnh trong tương lai tới một trong những hành tinh băng khổng lồ của Hệ Mặt Trời - Sao Thiên Vương hoặc Sao Hải Vương - đang được cân nhắc.

Các quan chức không gian của nước này cũng đã nói đến việc tạo ra một khu kinh tế Trái Đất - Mặt Trăng, cho thấy rằng tương tự các cường quốc vũ trụ khác như Mỹ, Trung Quốc đang hướng tới việc thương mại hóa vũ trụ và các nguồn tài nguyên của nó.

Trước mắt, trọng tâm của Trung Quốc là đưa mẫu vật về Trái Đất thành công với tàu Hằng Nga 6 trước ngày cuối tháng 6/2024. Xa hơn nữa, sứ mệnh lấy mẫu tiếp theo của họ diễn ra vào cuối thập kỷ này, có thể do chính các phi hành gia Trung Quốc thực hiện.

Andrew Jones

Nguồn : BBC, 13/05/2024

Additional Info

  • Author Andrew Jones
Published in Diễn đàn