Trung Quốc phải làm gì để giữ "phép lạ" kinh tế ?
Thanh Hà, Jean-Raphael Chaponnière RFI, 01/10/2019
Trong bảy thập niên, Trung Quốc đốt giai đoạn, từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vươn lên thành nền kinh tế thứ hai toàn cầu. Đó là cả một đoạn đường dài với không ít sai lầm hay thất bại. Để duy trì phép lạ kinh tế Bắc Kinh bắt buộc phải đi tìm một mô hình mới.
Xe máy điện do Trung Quốc sản xuất tham gia lễ diễu binh ngày Quốc khánh 01/10/2019, Bắc Kinh. Reuters/Thomas Peter
Chuyên gia kinh tế Pháp, Jean-Raphael Chaponnière, nghiên cứu tại Trung Tâm Châu Á (Asia Centre) và là một trong những cột trụ của trang mạng Asialyst, nhận định như trên trong cuộc phỏng vấn dành cho RFI tiếng Việt.
Cách nay đúng 70 năm, Mao Trạch Đông khai sinh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Vào lúc đó, trọng lượng kinh tế của Trung Quốc không đáng kể, tương đương với 4,6 % GDP của thế giới. Về mặt xuất khẩu, Trung Quốc là một "hạt cát". Nước đông dân nhất địa cầu chiếm chưa đầy 1% tổng trao đổi mậu thế giới và thua kém nhiều so với đảo quốc Đài Loan tí hon.
Hiện nay, năm 2019, Trung Quốc đã là nền kinh tế thứ hai sau có Hoa Kỳ, tạo ra đến 16% của cải trên thế giới. Trung Quốc là một trong những nước hiếm hoi liên tục có được tỷ lệ tăng trưởng trên 10% một năm trong vòng 1/4 thế kỷ.
Trung Quốc là nguồn xuất khẩu số 1 toàn cầu, thặng dư về mậu dịch với gần như tất cả các đối tác. Khác với thời điểm mới mở cửa vào thập niên 1980-1990, khi đó phương Tây ưa chuộng hàng rẻ của Trung Quốc, giờ đây Trung Quốc đã thách thức luôn cả hàng công nghệ cao của phương Tây hay của Nhật Bản và Hàn Quốc.
Về tiền tệ, đồng nhân dân tệ không ngừng được "quốc tế hóa" nhất là sau khi tham gia "rổ tiền tệ" của IMF. Nhìn đến các chỉ số phát triển về con người, khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền, tỷ lệ mù chữ là 80%. Bảy thập niên sau, con số này rơi xuống còn chưa đầy 5%. Một bằng chứng rõ rệt khác là số sinh viên Trung Quốc du học nước ngoài ngày càng đông.
Công ty tư vấn Mỹ McKinsey dự phóng đến năm 2022, 3/4 dân Trung Quốc ở thành thị sẽ có thu nhập trên 10.000 đô la một năm. Bắc Kinh đã đề ra từng giai đoạn phát triển như tiến đến việc xây dựng một xã hội "khá giả" vào ngưỡng năm 2020 và trở lại thành "trung tâm của thế giới" năm 2049, tròn 100 năm Đảng cộng sản Trung Quốc cầm quyền.
Tuy nhiên, để có được thành tích rực rỡ này, người dân Trung Quốc đã phải trả giá rất đắt. Chỉ riêng bước Đại Nhẩy Vọt (1958-1962) của Mao Trạch Đông đã gây ra cái chết cho hàng chục triệu thường dân, cướp đi 30% GDP của Trung Quốc thời đó, theo thẩm định của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế.
Đến năm 1966, Cuộc Cách Mạng Văn Hóa lại tiếp tục đẩy đất nước rộng lớn này vào cảnh hỗn loạn, cả về mặt kinh tế, lẫn xã hội trong gần một thập niên.
Năm 1976, khi Mao Trạch Đông qua đời, kinh tế Trung Quốc lại quay trở về với thời điểm của năm 1949, như ghi nhận của chuyên gia Pháp Hubert Testard trên báo mạng Asialyst.
1978 và chủ trương Cải Cách và Mở Cửa
Định mệnh của Trung Quốc đã rẽ sang bước ngoặt mới vào cuối thập niên 1970 nhờ chủ trương "Cải Cách và Mở Cửa" của ông Đặng Tiểu Bình. Chủ trương đó dựa trên nguyên tắc cải cách nông nghiệp, kỹ nghệ, khoa học kỹ thuật và quân sự.
Trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia kinh tế Pháp, Jean-Raphael Chaponnière, nghiên cứu tại Trung Tâm Châu Á - Asia Centre và là một trong những cột trụ của trang mạng Asialyst nhìn lại đoạn đường 70 năm của "phép lạ kinh tế Trung Quốc". Ông Chaponnière không phủ nhận những sai lầm vô cùng tai hại trong chính sách phát triển của Đảng cộng sản Trung Quốc dưới thời Mao nhưng cũng lưu ý rằng, ngay cả năm 1978, Đặng Tiểu Bình "không bắt đầu từ số không".
Jean-Raphael Chaponnière : 1949 là năm Đảng cộng sản giành được chính quyền và thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Nhưng không có nghĩa là họ bắt đầu lại từ số không. Trung Quốc là môt nền văn minh lâu đời và đã bắt đầu cải tổ vào cuối thế kỷ 19. Đừng quên rằng Thượng Hải từng là một trung tâm tài chính. Nhưng khi Mao lên cầm quyền, kinh tế đất nước rộng lớn này trong tình trạng khá tồi tệ.
Mãi đến Hội Nghị Trung Ương 3, Khóa 11 năm 1978, Đặng Tiểu Bình đưa ra chủ trương "Cải Cách và Mở Cửa", Trung Quốc vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Nhưng ở cuối thập niên 1970, Trung Quốc đã mở mang về công nghiệp tuy đó là một nền công nghiệp còn thô sơ và cổ lỗ. Một người bạn Mỹ đã nói với tôi : Công nghiệp Trung Quốc năm 1978 đủ sức sản xuất cho mỗi nhà một cái chảo và một vài bộ quần áo.
RFI : Nói cách khác khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu cải cách thì Trung Quốc là một nước công nghiệp nghèo ? Và tiếp theo đó thì Bắc Kinh đã đi theo mô hình phát triển của Châu Á ?
Jean-Raphael Chaponnière : Trung Quốc đã quan sát các nước Châu Á khác, từ Nhật Bản đến Hàn Quốc và nhất là Đài Loan. Bắc Kinh đã choáng váng nhận thấy rằng ngay từ cuối thập niên 1970, Đài Loan đã là một nguồn xuất khẩu của thế giới.
Tuy nhiên Trung Quốc cải tổ từng bước và theo nhịp độ của chính mình. Đồng thời, có những khác biệt lớn giữa mô hình của Trung Quốc so với ba quốc gia kia. Đài Loan cũng như Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu công nghiệp hóa từ những năm 1950-1960. Trung Quốc đi chậm hơn gần 20 đến 30 năm.
Trong trường hợp của Nhật, Hàn hay Đài Loan, vốn đầu tư ngoại quốc chỉ là một phần nhỏ đóng góp cho đà phát triển của những nước này. Với Trung Quốc thì trái lại, Trung Quốc đã phát triển được nhờ đầu tư của ngước ngoài, bởi vì ai cũng trông thấy ở quốc gia đông dân này một thị trường đầy tiềm năng. Thêm vào đó, từ thập niên 80 trở đi là giai đoạn kinh tế toàn cầu hóa và Trung Quốc đã tận dụng cơ hội này để vươn lên.
RFI : Bằng chứng cụ thể nhất là Bắc Kinh đã gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và đây là đòn bẩy giúp nước này phát triển mạnh, trở thành cơ xưởng của thế giới ?
Jean-Raphael Chaponnière : Năm 2001, Trung Quốc gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và thành công vượt bậc ngoài mong đợi của ngay cả chính giới lãnh đạo Bắc Kinh. Nhờ gia nhập được câu lạc bộ này mà GDP của Trung Quốc tăng nhanh hơn ít nhất là 2 điểm so với mong đợi.
Nhưng bảo rằng phương Tây đã ngây thơ bị Trung Quốc dụ dỗ là sai, bởi vì các điều khoản gia nhập WTO của Trung Quốc khắt khe hơn so với của Ấn Độ chẳng hạn. Dù vậy Trung Quốc nắm bắt thời cơ và nhờ mở cửa, mà các doanh nghiệp Trung Quốc đã dễ dàng cất cánh, thậm chí là có hẳn cả một chiến lược phát triển rất tinh vi và bài bản.
RFI : Đâu là mặt trái của "phép lại" kinh tế Trung Quốc thưa ông ?
Jean-Raphael Chaponnière : Theo tôi, thất bại lớn nhất của phép lạ kinh tế này là về phương diện xã hội, cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn mà đối với một nước xã hội chủ nghĩa thì đây là điều khó chấp nhận hơn cả. Chẳng vậy mà từ năm 2011, Bắc Kinh đã ngưng công bố thống kê về chỉ số giàu nghèo.
Thất bại về mặt xã hội này đến một lúc nào đó sẽ bắt buộc mọi người phải xét lại tính chính đáng của Đảng cộng sản Trung Quốc, đặc biệt là khi tỷ lệ tăng trưởng bị sụt giảm không còn bảo đảm cho người dân có cơ hội làm giàu, hay một đời sống sung túc hơn.
RFI : Cho dù đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới và chủ yếu dựa vào xuất khẩu, nhưng Bắc Kinh ý thức được rằng không thể đi theo mô hình này mãi, vậy đâu là những thách thức trong tương lai đối với quốc gia này ?
Jean-Raphael Chaponnière : Tiến trình chuyển đổi để hướng tới mô hình lấy sức tiêu thụ nội địa làm động lực chính đã được Bắc Kinh thông báo từ nhiều năm nay. Nhưng đây là một công trình dài hơi và trong quá trình chuyển đổi đó, tỷ lệ tăng trưởng bị chậm lại.
Nhưng trong mọi trường hợp, tôi cho rằng Trung Quốc đang phải vượt qua hai thách thức lớn : về đối nội, vấn đề nghiêm trọng nhất, theo tôi, là hiện tượng dân số bị lão hóa. Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đau đầu vì vấn đề dân số, nhưng khác với ở Nhật Bản và Hàn Quốc, thu nhập của người già ở Trung Quốc hiện nay rất, rất thấp. Thành thử đây sẽ là quả bom nổ chậm.
Còn về đối ngoại, rõ ràng là môi trường quốc tế không còn rộng mở như 20 hay 30 năm về trước. Mỹ và cả Châu Âu không thể mãi mãi là thị trường mua hàng rẻ của Trung Quốc. Thành thử Bắc Kinh phải tìm một hướng đi khác. Tuy nhiên trong giai đoạn 40 năm qua, Trung Quốc đã tận dụng tối đa mô hình kinh tế toàn cầu để thâu tóm những kỹ thuật cần thiết hòng bắt kịp các nền công nghiệp phát triển.
RFI cảm ơn chuyên gia kinh tế Pháp, Jean-Raphael Chaponnière, nghiên cứu tại Trung Tâm Châu Á - Asia Centre và là một trong những cột trụ của trang mạng Asialyst.
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 01/10/2019
*******************
Trung Quốc trở thành một 'phép màu kinh tế' thế giới ra sao ?
Virginia Harrison & Daniele Palumbo, BBC, 01/10/2019
Trung Quốc mất chưa đầy 70 năm để thoát khỏi sự cô lập và trở thành một trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong khi đất nước này đang kỷ niệm ngày thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, chúng ta hãy nhìn lại những biến đổi đem lại sự giàu có chưa từng thấy cũng như sự bất bình đẳng sâu sắc ở cường quốc Châu Á này.
"Khi Đảng cộng sản mới bắt đầu lãnh đạo Trung Quốc, nó rất, rất nghèo", nhà kinh tế trưởng của DBS Chris Leung nói.
"Không có đối tác thương mại, không có mối quan hệ ngoại giao, họ đã dựa vào sự tự lực cánh sinh".
Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã đưa ra một loạt các cải cách thị trường mang tính bước ngoặt để mở ra các tuyến thương mại và dòng vốn đầu tư, cuối cùng đã kéo hàng trăm triệu người thoát khỏi đói nghèo.
Những năm 1950 đã chứng kiến một trong những thảm họa lớn nhất của con người trong Thế kỷ 20. Bước Nhảy vọt Vĩ đại là nỗ lực của Mao Trạch Đông nhằm nhanh chóng công nghiệp hóa nền kinh tế nông dân của Trung Quốc, nhưng nó đã thất bại và 10-40 triệu người đã chết trong giai đoạn 1959-1961 - nạn đói thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.
Tiếp theo đó là sự gián đoạn kinh tế của Cách mạng Văn hóa trong những năm 1960, một chiến dịch mà Mao phát động để loại bỏ các đối thủ của Đảng cộng sản, nhưng cuối cùng đã phá hủy phần lớn kết cấu xã hội của đất nước.
'Công xưởng của thế giới'
Tuy nhiên, sau cái chết của Mao vào năm 1976, những cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng đã bắt đầu định hình lại nền kinh tế. Nông dân được cấp quyền canh tác trên mảnh đất riêng của họ, cải thiện mức sống và giảm bớt tình trạng thiếu lương thực.
Cánh cửa được mở ra cho đầu tư nước ngoài khi Mỹ và Trung Quốc thiết lập lại quan hệ ngoại giao vào năm 1979. Háo hức để tận dụng lao động giá rẻ và chi phí thuê thấp, tiền bắt đầu đổ vào.
"Từ cuối những năm 1970 trở đi, chúng ta có thể thấy là phép màu kinh tế ấn tượng nhất của bất kỳ nền kinh tế nào trong lịch sử", David Mann, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Standard Chartered Bank nói.
Qua những năm 1990, Trung Quốc bắt đầu tăng tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001 đã tạo cho nó một cú hích khác. Rào cản thương mại và thuế quan với các nước khác đã được hạ xuống và chẳng mấy chốc hàng hóa Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi.
"Nó trở thành công xưởng của thế giới", ông Mann nói.
Lấy những số liệu này từ Trường Kinh tế London: năm 1978, xuất khẩu là 10 tỷ đôla, chưa đến 1% thương mại thế giới.
Đến năm 1985, họ đạt 25 tỷ đôla và chưa đầy hai thập kỷ sau xuất khẩu đã trị giá 4,3 triệu đôla, biến Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu thương mại lớn nhất thế giới.
Tỷ lệ nghèo đói giảm
Các cải cách kinh tế đã cải thiện vận may của hàng trăm triệu người dân Trung Quốc.
Ngân hàng Thế giới cho biết hơn 850 triệu người đã thoát nghèo và đất nước đang trên đà xóa đói giảm nghèo tuyệt đối vào năm 2020.
Đồng thời, tỷ lệ giáo dục đã tăng vọt. Standard Chartered dự báo đến 2030, khoảng 27% lực lượng lao động của Trung Quốc sẽ có trình độ đại học - tương đương với Đức ngày nay.
Bất bình đẳng gia tăng
Tuy nhiên, thành quả của thành công kinh tế vẫn chưa trải đều trên dân số 1,3 tỷ người của Trung Quốc.
Những ví dụ về sự giàu có vượt bậc và tầng lớp trung lưu đang gia tăng xuất hiện bên cạnh các cộng đồng nông thôn nghèo và lực lượng lao động đang già đi, có tay nghề thấp. Bất bình đẳng ngày càng sâu sắc, phần lớn dọc theo sự phân chia giữa nông thôn và thành thị.
"Toàn bộ nền kinh tế chưa tiến bộ, có sự khác biệt lớn giữa các khu vực khác nhau", ông Mann nói.
Ngân hàng Thế giới cho biết thu nhập trung bình đầu người Trung Quốc vẫn ở mức của một quốc gia đang phát triển và chưa bằng một phần tư mức trung bình của các nền kinh tế tiên tiến.
Thu nhập trung bình hàng năm của Trung Quốc là gần 10.000 đôla, theo DBS, so với khoảng 62.000 đôla ở Mỹ.
Tăng trưởng chậm lại
Bây giờ, Trung Quốc đang chuyển sang thời kỳ tăng trưởng chậm.
Trong nhiều năm, nước này đã thúc đẩy sự phụ thuộc vào xuất khẩu và hướng tới tăng trưởng do tiêu dùng. Những thách thức mới đã xuất hiện bao gồm nhu cầu toàn cầu trở nên ít hơn đối với hàng hóa Trung Quốc và cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ. Áp lực của sự thay đổi nhân khẩu học và dân số già cũng làm mờ đi triển vọng kinh tế của đất nước.
Dù vậy, ngay cả khi tốc độ tăng trưởng ở Trung Quốc giảm xuống giữa 5% và 6%, quốc gia này vẫn sẽ là động cơ mạnh mẽ nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế thế giới.
"Với tốc độ đó, Trung Quốc vẫn chiếm 35% tăng trưởng toàn cầu, là đóng góp lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào, quan trọng gấp ba lần đối với tăng trưởng toàn cầu so với Mỹ", ông Mann nói.
Cái gọi là Con đường tơ lụa mới hướng đến việc kết nối gần một nửa dân số thế giới và một phần năm GDP toàn cầu, thiết lập các liên kết thương mại và đầu tư trải dài trên toàn thế giới.
Tiên phong mới về kinh tế
Trung Quốc cũng đang mở ra một mặt trận mới trong phát triển kinh tế toàn cầu. Chương tiếp theo của đất nước trong việc xây dựng quốc gia là thông qua một làn sóng tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu khổng lồ, Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Cái gọi là Con đường tơ lụa mới nhằm kết nối gần một nửa dân số thế giới và một phần năm GDP toàn cầu, thiết lập các liên kết thương mại và đầu tư trải dài trên toàn thế giới.
Virginia Harrison & Daniele Palumbo
Nguồn : BBC, 01/10/2019