Bình luận :
EVFTA và lá thư khuyến nghị hoãn phê chuẩn của giới xã hội dân sự độc lập Việt Nam đã gây ra một cuộc tranh luận không nhỏ. Xuất hiện quan điểm cho rằng, nên ủng hộ EVFTA (cơ sở thịnh vượng ?) và đó là cách thúc đẩy nhà nước Việt Nam dân chủ hơn trong tương lai ? Quan điểm này dẫn chứng tình trạng kiểm soát chặt chẽ xã hội, độc quyền thông tin trước năm 1995 (thời điểm Mỹ - Việt bình thường hóa quan hệ ngoại giao) và cởi mở thông tin sau đó, các quyền dân sự - chính trị được nhà nước Việt Nam ký kết. Thịnh vượng sẽ dân chủ ? Nhưng "dân chủ" đó là thực tế hay thuần túy là dân chủ mập mờ ? Bởi số số tù nhân chính trị (tù nhân lương tâm, người bất đồng chính kiến) vẫn tiếp tục gia tăng tại Việt Nam với án tù nặng (mới nhất là phiên toà xét xử thầy giáo Nguyễn Năng Tĩnh vừa kết thúc lúc trưa ngày 15/11 với án 11 năm tù giam 5 năm quản chế, vì tội tuyên truyền chống phá nhà nước) ? Đó có phải là câu trả lời cho câu hỏi, phải chăng nếu Việt Nam giàu có hơn thì sẽ dân chủ hơn, nhân quyền hơn ?
Du khách đi ngang qua bức chân dung của cố lãnh đạo cộng sản Mao Trạch Đông trên cổng Thiên An Môn ở Bắc Kinh ngày 30 tháng 9, đêm trước Quốc khánh. Ảnh Greg Baker / AFP / Getty
Frank Langitt, trong một bài viết đề cập vào tháng 11/2014 đã đề cập vấn đề này, nhưng thông qua trường hợp Trung Quốc. Ở đó, chúng ta có thể nhận thấy cách thức mà Trung Quốc dùng "sự giàu có" để cung cấp dinh dưỡng cho chính thể, và dùng chính thể đó để đàn áp người bất đồng chính kiến, kể cả trên Internet.
Có một trùng hợp thú vị, nhận định của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair (người từng tham dự một hội thảo về PPP và bị đồn đoán là cố vấn kinh tế của Việt Nam sau khi rời ghế Thủ tướng) trao đổi với phóng kiến Trung Quốc vào năm 2005 có vẻ như đang mô tả Việt Nam hiện tại : 100 triệu dân, nhiều người dùng internet, và nền kinh tế tăng trưởng nhanh (?).
Nhưng đúng học giả Minxin Pei, tác giả cuốn sách "Tư bản thân hữu Trung Quốc" nhận định, về lẽ tự nhiên, hệ thống này sẽ suy tàn. Bởi cơ chế này không tạo ra lớp người (làm việc trong hệ thống) sự trung thành, mà ngược lại là "vị lợi cá nhân".
Dường như điều này đang diễn ra tại Việt Nam, nơi mà tình trạng tham nhũng đang diễn ra ở cấp ủy viên Bộ Chính trị, ngân khố đang có vấn đề, và giới "Công oan" phải ra đường biểu tình đòi nhà đất.
Liệu mấu chốt sâu xa đó chính là nguyên cớ khiến giới xã hội dân sự Việt Nam "đòi quyền" trước khi đề cập đến "tiền" với EVFTA ?
Và đó có phải là lý do vì sao, trong cuộc thảo luận dự thảo luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) gần đây, Thủ tướng Việt Nam – ông Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc nhủ "đồng chí" của mình rằng, "đừng sợ dân giàu", và ông nhấn mạnh "cần gỡ các rào cản thể chế để các nhà đầu tư tư nhân yên tâm".
Cuộc chiến chống tham nhũng và lòng trung thành chế độ suy giảm, cùng với tầng lớp trung lưu đang hiện diện đầy đủ tại Việt Nam (?). Trung Quốc sẽ là "tấm gương" của Việt Nam về "độ nhanh nhạy" duy trì quyền lực trong thời gian sắp tới, hay sẽ là "tấm gương" tự nhiên về sự suy tàn ?
Tất cả là câu hỏi thực tiễn thú vị, và hãy bắt đầu nghiền ngẫm từ bài viết của Frank Langitt.
Bài lược dịch :
Theo Frank Langitt, từ đầu những năm 1990, Washington đã nghĩ rằng thương mại và đầu tư cuối cùng sẽ khiến Trung Quốc dân chủ hơn. Tuy nhiên, trong vài năm qua, Đảng cộng sản Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lần trấn áp trong nước và trở nên hung hăng hơn ở bên ngoài.
Nói tóm lại, mọi thứ đã không diễn ra như Washington đã hy vọng.
Hai thập kỷ trước, Đảng Cộng hòa, Dân chủ và một số học giả nổi tiếng của Trung Quốc đã lập luận rằng quá trình tham gia kinh tế sẽ khiến hệ thống chính trị của Trung Quốc thay đổi theo thời gian.
"Bằng cách hợp tác với Trung Quốc và mở rộng các lĩnh vực hợp tác, ứng xử thẳng thắn với sự khác biệt, chúng tôi có thể thúc đẩy các lợi ích và giá trị cơ bản của Mỹ", Tổng thống Bill Clinton tuyên bố vào năm 1997.
James Mann, tác giả của cuốn The China Fantasy : Why Capitalism Will Not Bring Democracy to China (Ảo tưởng Trung Quốc : Tại sao chủ nghĩa tư bản sẽ không mang lại dân chủ cho Trung Quốc), đề cập rằng, sự khôn ngoan của hệ thống độc đoán Bắc Kinh sẽ phát triển.
Thời báo Niu Y-oóc (The New York Times) của Mỹ lập luận rằng khi chủ nghĩa tiêu dùng trong người Trung Quốc ngày càng lớn, thì mong muốn lựa chọn chính trị sẽ theo sau. Sau cuộc gặp với thủ tướng Ôn Gia Bảo lúc đó vào năm 2005, Thủ tướng Anh lúc đó Tony Blair nói với các phóng viên rằng, Bắc Kinh đang hướng tới một hệ thống chính trị cởi mở hơn.
"Cơ sở trao đổi của tôi là một đất nước đang phát triển rất nhanh, nơi 100 triệu người hiện đang sử dụng Internet, và đây sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới - đó là một động lực không thể ngăn cản hướng tới tự do chính trị lớn hơn", ông Blair nói với các phóng viên ở Bắc Kinh, theo Bloomberg News .
Nhưng Mann nói chủ nghĩa tư bản có tác dụng ngược lại.
"Nó dẫn đến một chế độ giàu có, độc đoán, đó không phải là điều đầu tiên chúng tôi đang tìm kiếm, và đó là vấn đề cần giải quyết nhiều hơn", ông nói.
Binh sĩ hải quân Trung Quốc đứng gác trên tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, Liêu Ninh, khi di chuyển tới một căn cứ quân sự ở tỉnh Hải Nam, ngày 30/11/2013. Reuters / Trung Quốc Stringer / Landov
Trung Quốc đã sử dụng sự giàu có của mình để tăng cường sức mạnh hải quân, gây rối với Nhật Bản và Philippines, và tuyên bố hầu hết Biển Đông rộng lớn là chủ quyền quốc gia không thể chối cãi.
Mann nói rằng các nhà hoạch định chính sách Mỹ nghĩ rằng Trung Quốc sẽ đi theo con đường của các chế độ độc tài Đông Á khác, như Đài Loan và Hàn Quốc, đã dân chủ hóa vào những năm 1980. Tuy nhiên, những quốc gia đó dựa vào Mỹ để bảo vệ họ, mà Washington đã sử dụng làm đòn bẩy chính trị.
"Mỹ đã thúc đẩy Đài Loan trong một thập kỷ", Mann nói. "Nhưng điều gì sẽ xảy ra ở Trung Quốc, nước này có mối quan hệ hoàn toàn khác với Washington".
Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei), Giáo sư về khoa học chính trị tại Claremont McKenna College, nói rằng thay vì dân chủ hóa Trung Quốc, tăng trưởng kinh tế đã giúp đảng cộng sản nước này gia cố quyền lực.
"Mỹ đã đánh giá thấp khả năng, quyết tâm và sự nhanh nhạy của cộng sản Trung Quốc. Hiệu quả kinh tế tốt hơn giúp đảng cộng sản hợp pháp chính trị lớn hơn, và [sau đó] họ không phải thực hiện cải cách chính trị nữa", Pei nói. Nó cũng "cho phép họ có thêm phương kế dùng đàn áp nhằm bảo vệ sự độc tài".
Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2012, ông Tập Cận Bình đã trấn áp tiếng nói trên Internet và bỏ tù tất cả các nhà chỉ trích Chính phủ. Một nhà văn 81 tuổi được biết đến với bút danh Tie Liu đã bị buộc tội bởi ông xuất bản tác phẩm ghi nhận số nạn nhân chính trị của Mao Trạch Đông, người đã chết năm 1976.
Xu hướng làm suy yếu quyền lực cộng sản ?
Đảng cộng sản có thể nắm quyền trong bao lâu ? Pei hy vọng chính thể này sẽ suy tàn sau 10 - 15 năm nữa.
"Những người làm việc cho hệ thống này không có lòng trung thành cơ bản với hệ thống", Pei nói. Thật vậy, sự khôn ngoan thông thường của chính người Trung Quốc là hầu hết những người đã tham gia đảng trong thập kỷ qua chủ yếu để làm giàu cho bản thân thông qua các mối quan hệ.
"Tất cả những gì họ muốn làm là hưởng lợi cá nhân từ mối quan hệ của họ với hệ thống", Pei tiếp tục. "Vì vậy, trong thời gian dài, hệ thống sẽ tiêu tan".
Cheng Li, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc Giôn Thôn-tơn (John L. Thornton) tại Viện Brookings, nơi bao gồm một nhóm chuyên gia cố vấn của Washington, nói rằng đảng cộng sản (Trung Quốc) xuất hiện một xu hướng khác chống lại chính nó. Giới trẻ Trung Quốc có những kỳ vọng khác biệt đáng kể so với cha mẹ của họ.
"Hãy nhìn vào những người trẻ tuổi ở Thượng Hải, Bắc Kinh", ông nói. "Họ giống với các đồng nghiệp của họ ở Đài Bắc, ở Tokyo, Washington, New York. Đó là một lực lượng rất mạnh".
"Họ có lối sống, cảm hứng tương tự nhau, và sớm hay muộn họ cũng sẽ muốn có tự do".
Li nói điều đó là tự nhiên.
Frank Langfitt
Nguyên tác : Capitalism Is Making China Richer, But Not Democratic, NPR, 07/11/2019
Nguyễn Hiền dịch và luận
Nguồn : VNTB, 18/11/2019