Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

dimanche, 01 septembre 2019 06:14

Món nợ khổng lồ của Hà Nội

Bên lề những đợt tuyên truyền về ngày được gọi là ‘Tết Độc lập’ của báo chí, có ý kiến đặt ra : Nếu như năm 1945 ở miền Bắc, và tiếp sau đó là 1975 ở miền Nam, chính quyền ‘cũ’ bị sụp đổ do cách mạng, và chính phủ của ‘bên thắng cuộc’ đã tiếp quản ngân khố (kho vàng bạc, tiền mặt...) của ‘bên thua cuộc’ để lại, thì tại sao các khoản nợ tiền/lãi công khố phiếu mà người dân đã mua trước đó từ ‘bên thua cuộc’, lại bị ‘bên thắng cuộc’ cướp trắng ?

no1

Trái phiếu Cải cách điền địa Việt Nm Cộng Hòa - Ảnh minh họa

Từ một bài báo trên Bloomberg Businessweek

Theo một bài báo trên trang Việt Nam Thời Báo [1], thì trong kỷ yếu hội thảo hôm 28/8, có một bản tham luận không ký tên riêng, mà đề chung là của "Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh", có đoạn : "Sau ngày 30/04/1975, thực hiện tư tưởng của Người : "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công", Thành phố đã thực hiện chính sách "hòa hợp dân tộc", làm cho tất cả mọi người ở mọi giai cấp, mọi thành phần, kể cả những người từng ở phía bên kia, tất cả đều bớt mặc cảm, tất cả đều tự hào là người Việt Nam, tự hào với chiến thắng chung của dân tộc. 

Chính quyền cách mạng đã thực hiện chính sách nhân đạo độc đáo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với binh sĩ của chế độ cũ, không có cảnh "tắm máu" trả thù như kẻ địch đã hù dọa".

Nói như quan điểm của bài tham luận, thì ở đây ‘bên thắng cuộc’ cho mình cái quyền nhân đạo là ‘không tắm máu trả thù’, thế nhưng lại nghĩ rằng được quyền cướp tài sản hợp pháp của người dân không chỉ bằng chính sách cải tạo tư sản, mà còn là quốc hữu hóa luôn tài sản công khố phiếu như "trái phiếu cải cách điền địa" của người dân miền Nam. Chính sách "hòa hợp dân tộc" mà bài tham luận của Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có vẻ tự hào, lẽ đó là sự khiên cưỡng của lập luận ‘kẻ thắng làm vua’.

Vấn đề liên quan ‘tài sản công khố phiếu’ của người dân miền Nam được xới lên nhân một bài báo hôm 29/8 trên Bloomberg Businessweek. Theo bài báo, Chính phủ Mỹ đang lên kế hoạch đòi Trung Quốc trả tiền trái phiếu thời kỳ Hoàng đế mà người Mỹ đã mua. Đó là khoản tiền trái phiếu Trung Quốc đã xây dựng đường sắt đầu thế kỷ XX. Trung Quốc không chấp nhận điều này với lý do chính quyền Hoàng đế có trước nhà nước cách mạng.

Thế nhưng người dân Mỹ mua trái phiếu Trung Quốc nói rằng Hoàng đế bị sụp đổ do cách mạng, vậy nhà nước Trung Quốc đã tiếp quản ngân khố của Hoàng đế để lại, nên phải có bổn phận trả tiền trái phiếu cho người mua.

Hiện Tổng thống Mỹ Donald Trump đang cho phép Bộ Tài chính Mỹ nghiên cứu vấn đề nêu trên. Số liệu ban đầu cho biết có khoảng 1.000 tỷ đô la trái phiếu được người dân Mỹ mua trong thời gian đó, nếu tính trượt giá thì số tiền còn gấp nhiều lần trên cả trái phiếu mà nhà nước Mỹ mua của Trung Quốc trong mấy năm qua [2] !

Trở ngược thời gian với Việt Nam…

Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký tại Cần Thơ, Sắc lệnh số 003/60 ban hành luật "Người cày có ruộng". Ngày ban hành luật "Người cày có ruộng" được coi là ngày nghỉ lễ toàn quốc (tính từ vĩ tuyến 17 vào Nam).

Luật quy định ruộng đất không trực canh (không canh tác) đương nhiên bị truất hữu và phải được bồi thường thỏa đáng theo thời giá, và chính phủ phát hành công khố phiếu để chi trả những khoản này. Chủ đất được bồi thường 20% bằng hiện kim, 80% bằng công khố phiếu và trả 10% lãi trong tám năm. Giá trị của đất ruộng quy định là 2,5 lần giá năng suất lúa từ khoảnh đất đó.

Ruộng đất truất hữu được ưu tiên cấp phát miễn phí cho tá điền là 3 mẫu ở Nam phần và 1 mẫu ở Cao Nguyên và Trung phần. Điền chủ trực canh chỉ được giữ tối đa 15 mẫu ở Nam Phần, hay 5 mẫu ở Trung Phần. Tuy nhiên, Luật Người cày có ruộng không áp dụng đối với ruộng đất của các tổ chức tôn giáo và ruộng đất hương hỏa gia đình của người dân. 

Mục tiêu của việc cải cách này là cấp miễn phí 1,5 triệu hecta ruộng lúa cho 80 vạn gia đình nông dân, đồng thời cấp bằng khoán sở hữu ruộng đất cho nông dân. Người nhận đất theo quy định chương trình Người cày có ruộng thì không được sang nhượng hay bán lại thửa đất đó trong vòng 15 năm.

Ngoài ra chính sách ruộng đất còn có ba điểm mới : Địa chủ không có quyền bắt tá điền nộp địa tô thuộc những năm trước. Nông dân lãnh ruộng do Việt Cộng cấp cũng được miễn thuế trong một thời gian. Nông dân lãnh ruộng do Việt Cộng cấp sẽ được nhận bằng khoán để chính thức sở hữu số ruộng đó. 

Kết quả chương trình "Người Cày Có Ruộng" theo số liệu của Tổng nha Điền Địa (tính đến ngày 15/07/1974), thì toàn miền Nam cấp phát được 1.290.949 ha. Đồng bằng sông Cửu Long là 1.154.371 ha, trong đó ruộng tư 1.099.382 ha, ruộng công 54.989 ha. Chứng thư cấp đất là 693.258 chứng thư. Số tiền bồi thường là 151 tỷ đồng (số liệu 26/04/1974).

Lưu ý, số tiền mặt 151 tỷ đồng chỉ tương đương 20% giá trị đất. Số tiền còn lại được quy đổi bằng "Trái phiếu điền địa", lãi suất 10%/ năm và được trả trong 8 năm. Tính đến tháng 4/1975, "Trái phiếu cải cách điền địa" mới được thực hiện việc trả lãi chưa tới một nửa chặng đường. Điều đó cho thấy nếu như chính quyền mới tiếp quản toàn bộ tài sản công, bao gồm ngân khố của miền Nam, thì phải có trách nhiệm tiếp tục chi trả các khoản lãi, nợ mà chính quyền trước đó đã vay mượn có xác lập bằng chứng từ với người dân. (Dường như chính quyền Hà Nội chỉ dừng lại ở việc dùng ngân khố của miền Nam để trả nợ chiến tranh mà miền Bắc đã vay từ khối đồng minh của họ !).

Ông bà mình có câu, đồng tiền đi liền khúc ruột

Trên thực tế thì ngay cả món nợ được ghi hẳn hoi trong Luật Cải cách ruộng đất do ông Hồ Chí Minh của chính quyền cách mạng miền Bắc ký ban hành vào tháng 12/1953, rằng giá trưng mua đất được trả bằng một loại công phiếu riêng. Công phiếu này được trả lãi 1,5 phần trăm mỗi năm. Sau thời hạn mười năm sẽ hoàn vốn (Trích Mục 2, Điều 4, Luật Cải cách ruộng đất 1953), cho đến nay vẫn chưa thấy người dân nào được nhận lãi và trả lại vốn.

Lưu ý, Luật Đất đai 2013, Điều 26.5, ghi "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Ở đây, theo luật pháp chung ở cả hai người miền Nam – Bắc từ trước 1975, thì "trái phiếu/ công phiếu" được định nghĩa là một chứng nhận nghĩa vụ nợ của bên phát hành phải trả cho người sở hữu trái phiếu/ công phiếu đối với một khoản tiền cụ thể, trong một thời gian xác định và với một lợi tức quy định. 

Như vậy, với việc chính thể Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tham gia ký Hiệp định Paris 1973 tư cách một bên tham chiến, và chính phủ này tiếp quản các lãnh thổ thuộc kiểm soát của Việt Nam Cộng hòa sau sự kiện 30/04/1975, có trách nhiệm quản lý toàn bộ miền Nam Việt Nam cho đến khi diễn ra cuộc Tổng tuyển cử thống nhất đất nước năm 1976. 

Đến ngày 2/7/1976, Cộng hòa Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thống nhất thành Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nghĩa vụ tiếp tục trả các khoản nợ về trái phiếu như "Trái phiếu cải cách điền địa" cho người dân miền Nam, đúng ra phải là lẽ đương nhiên.

Nếu không là ‘ăn cướp’, xem ra số lãi và trượt giá tính từ tháng 4/1975 đến hôm nay của loại "Trái phiếu cải cách điền địa" sẽ là số bạc có rất nhiều con số không. Còn nếu mở rộng ra với cả loại "Công phiếu này được trả lãi 1,5 phần trăm mỗi năm. Sau thời hạn mười năm sẽ hoàn vốn" mà ông Hồ Chí Minh đã ký ban hành hồi năm 1953, thì đúng là nhà nước Việt Nam đã mắc nợ người dân Việt Nam những khoản ‘tiền tươi’ khổng lồ.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 01/09/2019

[1] http://www.vietnamthoibao.org/2019/08/vntb-ho-u-toi-vi-khong-chiu-nghi-en-bac.html

[2] https://www.bloomberg.com/news/articles/2019-08-29/trump-s-new-trade-war-weapon-might-just-be-antique-china-debt?fbclid=IwAR2_L-zjnyVuoVLMCKK_f7UiWNApnlodnBdYRKGYFXsMJPv6BUz_6mE-OUU

Published in Diễn đàn