Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những người đi lên

Trần Quốc Việt, 08/04/2022

Anh Trần Huỳnh Duy Thức đi theo lương tâm của mình vào con đường đấu tranh vì Việt Nam tương lai tươi sáng. Con đường anh và muôn người đang đi là con đường phải đi qua những nhà tù nơi thời gian dừng lại và địa ngục mở ra. Nhưng nơi ấy là nơi anh không ngừng mài sáng thanh gươm lương tâm - vũ khí bất ly thân của người đấu tranh cho chính nghĩa. Hôm nay anh dùng thanh gươm ấy và thân thể mình cho "cuộc đấu tranh cuối cùng" mà có lẽ là mười phần bi tráng.

dautranh2

Ngày nào đấy không xa, dù thân xác anh có thể không còn, thanh gươm ấy vẫn tỏa sáng và sẽ nhân bản ra vô vàn thanh gươm lương tâm khác để để cùng nhau đấu tranh. Khi ấy chế độ toàn trị sẽ bị dồn vào cuộc đấu tranh cuối cùng mà có lẽ mười phần thảm bại ô nhục.

Anh là một trong những người chọn con đường đi lên cho mình và dân tộc.

Họ chọn con đường đi lên trên đôi chân bị xiềng xích. Chúng ta chọn con đường đi xuống trên đôi chân chưa bị xiềng xích.

Trong tâm tưởng của mình đường đời chung của chúng ta là lối mòn lịch sử đã an bài. Vì chúng ta không muốn mở ra trang mới tươi đẹp của lịch sử nên chúng ta không thể khai phá ra con đường mới đích thực của tự do và dân chủ. Bản năng sinh tồn nhắc nhở ta phải đi theo chiều của cây gậy chỉ đường của Đảng. Từ đấy trên con đường đời này chúng ta dần dần đánh mất hầu như tất cả từ nhân cách, nhân phẩm, đạo đức, văn hóa và biết đâu cả tổ quốc. Đích cuối cùng của con đường ấy là huyệt mộ nơi một ngày ta nằm xuống ở cuối cuộc đời mà có lẽ chúng ta chưa từng bao giờ đứng thẳng dù chỉ một ngày trên đôi chân và đôi vai của con người của nhân phẩm và tự do.

Họ cũng đi cùng với chúng ta một đoạn đường dài, nhưng khi đến ngã ba quyết định sự tiến hóa tinh thần của con người, họ không nhìn vào cây gậy chỉ đường mà nhìn vào lương tâm của mình. "Từ điểm này, con đường rẽ sang phải và sang trái. Một con đường đi lên và một con đường đi xuống. Nếu ta đi sang phải- ta mất mạng, còn nếu ta đi sang trái- ta mất lương tâm" (1).

Họ chọn đi lên để gìn giữ lương tâm tự do của mình.

Chúng ta chọn đi xuống để nuôi dưỡng lương tâm nô lệ của mình.

Từ đấy chúng ta hiểu vì sao họ không nhận "tội".

Chúng tôi những người đi xuống và đang chết xin kính chào các Anh Chị.

Trần Quốc Việt

(08/04/2022)

(1) Lời của nhà văn Nga Alexander Solzhenitsyn trong Quần Đảo Ngục Tù, tập 2, phần 4, chương 1.

************************

Đáy vực từ Nam chí Bắc 

Lek Hor Tan, Trần Quốc Việt dịch 

Tháng Ba, 1982

Theo báo cáo vào năm ngoái của Ân xá Quốc tế, chính phủ Việt Nam đã thừa nhận rằng có đến 40.000 người đã bị giam cầm trong các trại cải tạo ở miền Nam Việt Nam sau ngày cộng sản chiếm miền Nam vào tháng Tư 1975. Tuy nhiên những nhóm lưu vong đã đưa ra con số những người bị giam cầm cao hơn rất nhiều.

dautranh1

Chính phủ Việt Nam đã thừa nhận rằng có đến 40.000 người đã bị giam cầm trong các trại cải tạo ở miền Nam Việt Nam sau ngày cộng sản chiếm miền Nam vào tháng Tư 1975

Được biết không một ai trong số những người bị giam cầm này đã được xét xử ở tòa án pháp luật và chỉ một vài người nghe nói là đã được thả ra trong những năm vừa qua. Đáp lại Giác thư Ân xá Quốc tế vào tháng Chín 1980 về thủ tục luật pháp của việc giam cầm, chính phủ Việt Nam giải thích rằng "cải tạo không có kết án tòa án là một chế độ cực kỳ nhân đạo mà rất có lợi cho họ (tù nhân), so với chế độ xử án trước tòa án thông thường". Nhà cầm quyền Việt Nam giải thích thêm là "theo cách nghĩ của người Việt, không có kết án tòa án là tránh cho đương sự một lý lịch tư pháp xấu mà có thể ảnh hưởng xấu đến cả đời họ và đời con họ, đặc biệt trong những vấn đề liên quan đến hoạt động nghề nghiệp của đương sự : chẳng hạn, cha phó bị giam cầm sau khi thả ra thì không thể nào giảng đạo. Chế độ trong các trại cải tạo khác với chế độ trong các nhà tù, và thời gian mất tự do cũng ngắn hơn".

Về miền Bắc Việt Nam, số tù chính trị hoặc là trong các trại cải tạo hay trong các nhà tù không bao giờ được công bố. Có nhiều báo cáo về nhiều người vẫn còn bị giam cầm từ những năm 1950 và 1960. Nguyễn Chí Thiện là một trong số những người bị giam cầm này. Ông là nhà thơ và bị bắt lần đầu vào năm 1959 vì tội nói xấu chế độ. Ông được cho là đã trải qua hai mươi năm cuộc đời mình tại nhiều trại tù khác nhau. Vào năm 1979 tuyển tập gồm có 377 bài thơ được đưa lén ra khỏi miền Bắc Việt Nam. Trong lá thư đính kèm, được chụp lại ở đây, ông khẩn cầu thế giới bên ngoài tố cáo những điều kiện trong các trại tù mà bản thân ông trải qua và tả lại trong thơ ông. Không ai biết số phận hay chỗ ở hiện nay của Nguyễn Chí Thiện. Những bài thơ này lần đầu tiên được xuất bản trong tác phẩm Tiếng Vọng Từ Đáy Vực...

dautranh3

Ảnh chụp bài báo và bức thư của nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

Thư đính kèm của Nguyễn Chí Thiện :

Thưa ông !

Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, nhân danh những người đã ngã gục và nhân danh những người đang chết mòn và đau đớn trong các nhà tù cộng sản, tôi mong ông hãy xuất bản những bài thơ này trong quốc gia tự do của ông. Những bài thơ này là thành quả của hai mươi năm trời làm việc của tôi, và hầu hết những bài thơ này đều được viết ra trong những năm tù đày. Tôi nghĩ chính chúng tôi, chứ không phải ai khác, phải tố cáo cho thế giới thấy bao đau khổ không thể nào tin nổi của nhân dân chúng tôi bị áp bức và bị hành hạ.

Cuộc đời tan nát của tôi chỉ còn lại một giấc mơ là mơ thấy càng ngày càng rất nhiều người tỉnh thức trước sự thật là cộng sản là tai họa lớn nhất đối với nhân loại.

Xin ông chấp nhận lòng biết ơn chân thành sâu sắc nhất của tôi cũng như của những đồng bào kém may mắn của tôi.

Lek Hor Tan

Trần Quốc Việt dịch

Nguyên tác : Lek Hor Tan, "Nguyen Chi Thien, Poems smuggled from Vietnam", Index On Censorship, March 1982. Tựa đề của người dịch.

**********************

Cùng rơi

Trần Quốc Việt, 08/04/2022 

Vô cớ xâm lăng Ukraine và vô cớ thảm sát dân thường, Nga đang rơi nhanh từ thế giới văn minh xuống thế giới bán khai. Qua việc bỏ phiếu trắng rồi đến phiếu chống ở Liên Hiệp Quốc, Việt Nam công khai đứng về cái Ác mà hiện thân là Nga. Cả hai đang bắt đầu rơi ra khỏi ngôi nhà văn minh chung của nhân loại xuống vực thẳm của dã man và vô đạo của thời mông muội.

Nghĩ về họ, tôi nhớ lại chuyện cười Nga sau.

roitudo

"Hai người đi dọc theo vách núi. Một người rơi xuống vực. Người kia chờ độ một phút, nhìn qua vách núi, rồi nói vọng xuống :

"Anh không sao chứ ?".

Một tiếng nói từ dưới vọng lên, "Không sao, tôi bình an".

"Có bị gãy tay gãy chân gì không ?", người ở trên hỏi.

Tiếng nói vọng lên từ dưới đáp, "Không, chẳng bị gãy gì".

Người ở trên nghe vậy nói, "Vậy thì leo lên lại đi".

Người bên dưới đáp, "Không được, tôi vẫn còn đang rơi".

Nga và Việt Nam, kẻ trước người sau, đang rơi trước bao con mắt của thế giới văn minh thế kỷ hai mươi mốt.

Trần Quốc Việt

(08/04/2022)

Published in Diễn đàn