Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có thể đặt nghi vấn như vậy, vì pháp luật hiện hành đã đủ để chính phủ Việt Nam định hướng mô hình phát triển kinh tế quốc gia, không cần đến Luật Đặc khu.

lienbang1

Lãnh thổ Việt Nam và ba đặc khu 

Dự án Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt (Đặc khu) dự kiến sẽ được mang ra thảo luận ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp thường kỳ vào cuối tháng 8 này.

Phải chăng muốn phân chia lại quyền lực ?

Xem ra về mặt hành chính, đặc biệt là địa giới hành chính, dường như ẩn ý của dự Luật Đặc khu là nhằm phân chia lại quyền lực hành chính, một kiểu của lãnh chúa thời phong kiến. Bởi trên thực tế thì cả 3 ưu điểm mà chính quyền một số địa phương đã in trên tờ giấy A4 về tuyên truyền dự Luật Đặc khu, và lấy chữ ký ‘bắt buộc’ của người dân, cho thấy hoàn toàn không cần đến cái gọi là Luật Đơn vị Hành chính – Kinh tế đặc biệt.

Ba ưu điểm được viện dẫn đó theo các nhà soạn thảo dự luật, một, "Xu thế phát triển của các đặc khu trên thế giới là hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đơn giản thủ tục hành chính, giải quyết nhanh gọn yêu cầu của nhà đầu tư, người dân theo cơ chế một cửa, tại chỗ".

Hai, "Thu hút các ngành công nghệ cao của các nước phát triển, nhất là phương Tây, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc" (có vẻ cố tình né tránh nhắc đến Trung Quốc). Ba, "Tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu ngân sách và thu nhập bình quân đầu người"...

Với Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không phải bận tâm đối phó với những phản đối của dân chúng về dự Luật Đặc khu, khi ông dễ dàng sử dụng quyền lực được quy định trong Luật Tổ chức Chính phủ để quyết định chính sách cụ thể và thực tế phát triển kinh tế địa phương, phát triển kinh tế liên vùng – kiểu như ông vừa ví von Đà Lạt là một "tiểu Paris" khi phái đoàn chính phủ làm việc với tỉnh Lâm Đồng.

Sẽ là "tiểu Paris" như thế nào, đó là tùy vào quyết sách của ông Thủ tướng biết vận dụng ra sao chuyện "Thúc đẩy phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế ; củng cố và phát triển kinh tế nhà nước ; thúc đẩy liên kết kinh tế vùng ; phát huy tiềm năng các thành phần kinh tế, các nguồn lực xã hội để phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế quốc dân" (Điều 8.1, Luật Tổ chức Chính phủ).

Dưới luật, trong lãnh vực nói trên có các Nghị định 92/2006/NĐ-CP, Nghị định 04/2008/NĐ-CP quy định về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

Trong lãnh vực phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trong tay Nghị định số 82/2018/NĐ-CP do chính ông ký ban hành, quy định "Về quy hoạch, thành lập, hoạt động, chính sách và quản lý nhà nước đối với khu công nghiệp và khu kinh tế".

Luật Công nghệ cao dành quyền cho Thủ tướng về xem xét, thành lập các khu công nghệ cao theo nhu cầu và phương án phát triển kinh tế.

Như vậy, với ít nhất các căn cứ pháp lý từ những văn bản nói trên, cho thấy thay vì cứ khăng khăng theo ý của bà chủ tịch Quốc hội là : "Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng", Thủ tướng chỉ cần dựa vào Luật Đất đai và Luật Tổ chức Chính phủ để xây dựng đề án mô hình phát triển, quy hoạch địa chính tổng thể cho địa phương đó. Quy hoạch của Phú Quốc là một minh chứng cho năng lực này của các cơ quan hành pháp.

Thay đổi mô hình chính quyền địa phương ?

Trong một đề xuất hồi đầu năm nay, bà Phan Thanh Hà, nguyên phó trưởng Ban Kinh tế Vĩ mô thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương ; nguyên vụ phó Vụ Tài chính tiền tệ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng Việt Nam có thể áp dụng mô hình nhà nước Cộng hòa Liên bang Đức, vì sẽ giúp Việt Nam có được hệ thống chính trị duy trì sự cân bằng giữa các thế lực chính trị, đảm bảo sự phát triển và thịnh vượng của quốc gia.

"CHLB Đức có một khác biệt căn bản so với Việt Nam là hiến pháp Đức công nhận nhiều đảng phái, trong khi Việt Nam chỉ công nhận một đảng duy nhất. Mặc dù vậy, quốc gia này cũng có những điều kiện khác khá tương đồng với Việt Nam : dân số dồi dào, Đức có hơn 82 triệu dân, Việt Nam có 95 triệu dân ; mới làm quen với chế độ dân chủ ; có sự đa dạng vùng miền, trong đó từng có 2 miền với 2 chế độ chính trị khác nhau. Chế độ nghị viện của Đức gần với cơ chế tập thể lãnh đạo,cá nhân phụ trách của Việt Nam hơn là chế độ tổng thống". Bà Phan Thanh Hà phân tích.

Bà Hà nhìn nhận Việt Nam cần thay đổi về cơ chế đại diện của chính quyền địa phương tại Quốc hội. Với hiến pháp hiện hành, có thể tách các lãnh đạo các tỉnh/ thành phố trong Quốc hội thành Nhóm lãnh đạo địa phương đóng vai trò tương tự như thượng nghị viện của Đức.

Các văn bản liên quan đến ngân sách do chính phủ chuẩn bị được chuyển tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời tới Nhóm lãnh đạo địa phương để góp ý trước khi trình Quốc hội thảo luận. Nhóm lãnh đạo địa phương vẫn tham gia vòng thảo luận chung ở Quốc hội.

Các bang đang bước đầu hình thành ?

Như vậy, tạm chưa bàn tới yếu tố Trung Quốc, phải chăng nhóm soạn thảo dự Luật Đặc khu đang muốn nhắm đến việc xác lập ‘danh chính ngôn thuận’ kiểu một chính quyền liên bang, với bước khởi động ban đầu là thay đổi các chính quyền địa phương với sự tự chủ, độc lập trong quản trị, phù hợp thực tế địa phương ?

Hôm 30/7, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong chia sẻ với các cử tri quận 1 trong buổi tiếp xúc cử tri định kỳ của các đại biểu Hội đồng nhân dân rằng năm 2018, Thành phố được Trung ương giao thu ngân sách gần 380.000 tỷ đồng, nếu trừ đi ngày chủ nhật thì trung bình mỗi ngày Thành phố phải thu 1.208 tỷ đồng để đóng góp cho ngân sách 28-30%. Riêng quận 1 được giao thu ngân sách 17.000 tỷ, bằng 3-4 tỉnh ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long cộng lại. Lẽ đó, nên việc hình thành Nhóm lãnh đạo địa phương tại Quốc hội như đề xuất của bà Phan Thanh Hà là một sự công bằng.

Trong lãnh vực giáo dục, tại hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018 do Bộ Giáo dục và đào tạo tổ chức ngày 2-8, ngành Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã thêm một lần nữa đề xuất cho Thành phố Hồ Chí Minh được tự tổ chức xét tốt nghiệp trung học phổ thông. Còn các trường đại học, cao đẳng thì tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của các học sinh sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Nếu đề xuất nói trên của Thành phố Hồ Chí Minh được chấp thuận, cùng với Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy bước đầu ở Việt Nam đang hình thành mô hình kiểu ‘chính quyền liên bang’.

Cùng mô hình này, từ tháng 3-2014, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 80/2013/QĐ-TTg về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Tương tự, ở tỉnh Quảng Ninh thì vào cuối tháng 12-2014, với Quyết định số 2428/QĐ-TTg, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao cho chủ tịch tỉnh Quảng Ninh "Về một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và khu kinh tế Vân Đồn".

Đầu tháng 9/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã ký Quyết định số 1528/QĐ-TTg, về "Cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận, tỉnh Lâm Đồng" []. Bản dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với Thành phố Cần Thơ, cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý tại phiên họp hồi trung tuần tháng 7/2018.

"Với 63 tỉnh thành, nếu trao nhiều quyền hạn hơn cho địa phương thì bộ máy càng phình to, đẩy nhanh tình trạng cạnh tranh xuống đáy, trung ương càng khó kiểm soát địa phương. Quy mô chính quyền địa phương quá nhỏ thì không đủ lực để tự chủ hoạt động. Do vậy, nên hình thành khoảng 18 đơn vị hành chính trực thuộc trung ương (như một bang ở Đức), trong đó 3 thành phố lớn Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng là 3 đơn vị ; mỗi đơn vị trong số 15 đơn vị còn lại được hợp nhất từ khoảng 5 tỉnh. Tên gọi giữ là cấp tỉnh như Hiến pháp quy định". Bà Phan Thanh Hà đề xuất.

Liệu bản đồ quyền lực hành chính của Việt Nam sẽ được vẽ lại ?

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 04/08/2018

Published in Diễn đàn