Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lá thư ngỏ bị gỡ bỏ và Luật An ninh mạng (RFA, 02/2018)

Nữ sinh viên tốt nghiệp ngành luật, Trương Thị Hà viết tâm thư gửi đến Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, trường đại học mà nữ sinh viên này đang theo học văn bằng thứ hai, để bày tỏ nỗi thất vọng vì đại diện nhà trường đã không bảo vệ bạn trong vụ việc bạn cùng khoảng 300 người khác bị bắt giữ và đánh đập ở Công viên Tào Đàn, Sài Gòn trong ngày 17/06 vừa qua.

thu1

Áp phích Phản đối Luật An Ninh Mạng - Amnesty International

Lá "thư ngỏ" vừa nêu được đăng tải trên tài khoản Facebook cá nhân Trương Thị Hà vào ngày 29/06 đặc biệt gây chú ý trong cộng đồng mạng và đã bị Facebook gỡ bỏ sau vài mươi phút đăng tải. Hòa Ái ghi nhận những ý kiến xoay quanh vấn đề này.

Sự tin cậy vô vọng

Sinh viên Trương Thị Hà, đang học tại khoa ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn thành phố Hồ Chi Minh, trong "thư ngỏ" gửi đến thầy Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng của trường mong muốn được thầy trả lời cho những thắc mắc vì sao thầy im lặng, không lên tiếng bảo vệ lúc bạn Hà bị công an đánh và bị thóa mạ với những lời lẽ dung tục cũng như đã nói rằng "Thầy không biết về luật" khi bạn Hà nhờ thầy giúp liên lạc với luật sư và vì sao thầy ký vào biên bản do công an soạn sẵn.

Bạn trẻ Trương Thị Hà chia sẻ trong bức tâm thư gửi đến thầy Hiệu phó Phạm Tấn Hạ rằng cảm thấy cô đơn và bị bỏ rơi khi thầy quay lưng đi, và hy vọng được thầy hồi âm để nghe tiếng nói thật lòng của thầy rằng thầy đã không thể giúp được vì sự có mặt của công an.

Lá "thư ngỏ" được sinh viên Trương Thị Hà đăng tải trên mạng xã hội Facebook, nhận được 3000 lượt share trong vài mươi phút và đã bị gỡ sau đó. Tuy nhiên cộng đồng cư dân mạng tiếp tục lan tỏa lá thư ngỏ này với nhiều ý kiến khác nhau.

Đài RFA ghi nhận đa số ý kiến của dư luận mạng xã hội chỉ trích hành động của Phó Hiệu trưởng Phạm Tấn Hạ, mà họ cho là vô trách nhiệm, hành vi thiếu văn minh, văn hóa và cư xử ích kỷ vì sợ bị liên lụy và mất chức quyền. Rất nhiều người lên tiếng rằng người bạn trẻ sinh viên Trương Thị Hà đã đặt niềm tin sai chỗ.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, người từng giảng dạy tại Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh và bị án tù vì những hoạt động cổ súy cho tự do dân chủ tại Việt Nam, đã bị trục xuất về Pháp hồi tháng 6 năm 2017, đăng tải lá thư gửi đến sinh viên Trương Thị Hà, rằng ông đồng cảm với chia sẻ của người bạn trẻ này. Trong thư ông viết "Tôi nghĩ xác suất gặp một người công an cư xử đúng mực coi ra còn nhiều hơn một người thầy dám bảo bọc (chưa nói là bảo vệ) cho sinh viên của mình" và vì thế, sự trông mong của bạn Hà vào thầy Phạm Tấn Hạ trong bối cảnh đó là không đúng chỗ. Từ Paris, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói với RFA vào hôm mùng 2 tháng 7 :

"Tôi nghĩ đặt niềm vào các thầy cô thì niềm tin đó đặt sai chỗ. Tại sao tôi bi quan như thế ? Tại vì, tôi thấy phần lớn những người thầy, tạm gọi là họ chỉ nghĩ thuần về giáo dục. Họ đến trường, đến lớp, chia sẻ và dạy dỗ các em về vấn đề giáo dục thôi. Và họ coi như thế là xong rồi. Điều đó có nghĩa là họ chỉ làm vai trò của một người thầy, chứ không phải vai trò của một người công dân. Nhưng, theo tôi trước khi làm người thầy, thì người thầy đó phải làm công dân đã."

Trách nhiệm người thầy

Theo Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một người công dân thì cần có tấm lòng yêu nước và có tinh thần bảo vệ đất nước ; còn đối với vai trò của người thầy thì ông cho rằng còn phải có trách nhiệm truyền đạt và ủng hộ học trò của mình tinh thần yêu nước đó, bởi vì thanh niên là rường cột của quốc gia. Do đó, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nói rằng ông không chấp nhận cách thức cư xử của thầy Phạm Tấn Hạ, ký vào biên bản của công an, có nghĩa là đồng ý với các kết luận của họ ; thay vì thầy Hạ nên nói với công an rằng biểu tình là quyền được hiến định và sẽ dạy dỗ, bảo ban sinh viên của trường làm những điều Hiến pháp và pháp luật cho phép.

thu2

Trang Facebook Trương Thị Hà - Courtesy of Citizen

Tuy nhiên, Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhấn mạnh trong thời gian giảng dạy 10 năm tại trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chính Minh, ông có thể khẳng khái để nói rằng hầu hết giảng viên của trường không ai dám lên tiếng phản biện những vấn đề liên quan xã hội-chính trị vì lo ngại về cái sổ hưu cũng như con đường quan lộ của họ.

Thực tế gây tranh cãi

Đồng quan điểm với Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một số ý kiến trên mạng xã hội cũng bày tỏ sự cảm thông với thầy Phạm Tấn Hạ. Một bạn trẻ lên tiếng :

"Thực tế là em thông cảm, tại vì họ còn gia đình. Một người có gia đình, có con cái, công ăn việc làm…thì họ coi như là chấp nhận chịu hèn để bảo vệ gia đình họ. Nếu người thầy đặt trường hợp bênh vực cho bạn Hà, thì em nghĩ chắc chắn người thầy này sẽ bị mất việc. Em nghĩ trong lòng họ cũng đau đớn lắm, vì chén cơm mà họ im lặng."

Facebooker Lê Tuấn Huy viết trên trang Facebook của mình rằng về mặt cá nhân liên quan đến trách vụ, theo ông biết thầy Phạm Tấn Hạ vẫn sẵn lòng giúp đỡ sinh viên một cách vô vụ lợi, khi có vấn đề. Facebooker Lê Tuấn Huy đặt giả định nếu thầy Phạm Tấn Hạ không im lặng mà phản ứng lại trong vụ việc sinh viên Trương Thị Hà bị bắt ở Công viên Tao Đàn, hôm 17/6 thì ông tin rằng chẳng giúp được gì, mà có thể có nhiều khả năng chính bạn Hà sẽ nhận lãnh nhiều hơn, qua lập luận công an sẽ "giận cá chém thớt".

Trong khi nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, có người chỉ trích, có người biện minh thì cư dân mạng có cùng thắc mắc vì sao lá "thư ngỏ" của Facebooker Trương Thị Hà bị gỡ bỏ sau một thời gian ngắn đăng tải ? Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Luật An ninh mạng vừa được Quốc Hội thông qua ngày 12/6 và lập tức có hiệu lực ngay tức khắc, không cần đợi đến đầu năm 2019 như đã thông báo, nhằm dập tắt những tiếng nói bày tỏ quan điểm cá nhân mà bất lợi cho Nhà nước.

Thực tế cho thấy không giống như lời khẳng định của Cục trưởng Cục An ninh mạng, ông Hoàng Phước Thuận nói rằng Luật An ninh mạng không hạn chế các quyền tự do dân chủ của người dân và mọi hoạt động của người dân được nhà nước bảo hộ.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 02/07/2018

****************

Việt Nam phản đối bản đồ Facebook ‘trao’ Trường Sa, Hoàng Sa cho Trung Quốc

Nguồn : VOA, 02/07/2018

****************

Facebook đã xóa Trường Sa và Hoàng Sa khỏi bản đồ Trung Quốc (RFA, 02/07/2018)

Facebook vừa gỡ bỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi bản đồ xác định thị trường quảng cáo của Trung Quốc, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam đưa ra phản đối chính thức.

face1

Facebook vừa gỡ bỏ hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ra khỏi bản đồ xác định thị trường quảng cáo của Trung Quốc, sau khi Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra phản đối chính thức. Screen capture

Trang thông tin VietnamNet loan tin này hôm 2 tháng 7 năm 2018.

Trong mấy ngày qua người dùng mạng xã hội Việt Nam phản ứng gay gắt trước việc Facebook không hiển thị hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa trong mục bản đồ Việt Nam khi chạy tính năng quảng cáo của Facebook. Tuy nhiên, khi tìm đến phần bản đồ của Trung Quốc, thì công cụ bản đồ của Facebook lại xuất hiện tên 2 quần đảo này.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục phó Cục Phát thanh Truyền hình & Thông tin Điện, thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông khi trả lời VietnamNet cho biết, Facebook trả lời đây là vấn đề kỹ thuật chứ không phải mang động cơ chính trị, sai sót này do việc lựa chọn tấm bản đồ của một đơn vị thứ 3 cung cấp, chứ không phải của Facebook.

Ông Tự Do cũng cho biết, việc Facebook sử dụng bản đồ sai lệch về chủ quyền quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam đã vi phạm nghị định của chính phủ về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Đây không phải là lần đầu tiên các hãng lớn trên thế giới sử dụng bản đồ Việt Nam không có hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hồi năm 2016, công ty Google cũng có nhầm lẫn tương tự. Google sau đó cũng đã phải thay lại bản đồ.

Hiện có khoảng 53 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam, xếp thứ 7 về số người sử dụng trên thế giới.

*******************

Facebook rút Hoàng Sa-Trường Sa khỏi bản đồ Trung Quốc (RFI, 03/07/2018)

Báo chí Việt Nam hôm nay hoan nghênh mạng xã hội Facebook đã không còn ghi hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam là thuộc lãnh thổ Trung Quốc nữa sau khi cộng đồng mạng và chính quyền Việt Nam phản đối. Cụ thể, theo VnExpress cho biết kể từ ngày 02/07/2018 trên bản đồ hiển thị của Facebook, Hoàng Sa và Trường Sa đã "ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc".

face3

Quần đảo Hoàng Sa và Trường Saweekeepedia

Vào năm 2012, trước phản đối kiên trì của cộng đồng Việt Nam trong và ngoài nước, Google Maps đã phải xóa đường lưỡi bò vây quanh hai quần đảo này.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, giáo sư Ngô Vĩnh Long, một trong những học giả tham gia vận động bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên bản đồ thế giới, lưu ý điều quan trọng không phải là Google ghi gì, mà là Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ, một định chế hàng thế kỷ, có uy tín chuẩn mực. Hiệp hội này, sau khi nhìn nhận "có sai lầm", vẫn tiếp tục sử dụng "Tây Sa" theo tiếng Trung Quốc để chỉ Hoàng Sa, cho dù bị phản đối (xin xem thêm Tạp chí Việt Nam : Chủ quyền Việt Nam bị thách thức trên bản đồ lưu hành trên thế giới, RFI ngày 22/03/2010).

Tú Anh

Published in Diễn đàn

Tôi viết về câu chuyện ‘lá thư của sinh viên Trương Thị Hà gửi thầy Phạm Tấn Hạ (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) trong một nỗi niềm khác.

thay1

Thư của Trương Thị Hà gửi người thầy của mình ở trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh

Tôi không muốn lên án hay phán xét về thầy Hạ, kể cả khi thầy buông thõng câu nói : Tôi không biết về Luật. Bởi mỗi người có một ngưỡng giới hạn, một sự lựa chọn, một quan điểm cần được tôn trọng, mặc dù sự im lặng đó, như Trương Thị Hà nói là ‘sự im lặng trước hành vi chà đạp nhân phẩm và xâm phạm thân thể trắng trợn’. Thế nên trong bài viết này, sẽ nói nhiều về cái gọi là ngôn từ của các anh/chị ‘công an nhân dân’.

‘Chà đạp nhân phẩm’

Đã lâu lắm rồi, người viết mới đọc lại cụm từ ‘bằng cấp ma-cô, đĩ điếm, trộm cắp’, thường thì ngôn từ này sẽ xuất phát trong một bài báo chuyên chính vô sản. Ví dụ như bài viết ‘Lối sống thực dân mới của Mỹ ở miền Nam trước 1975’ của tác giả Chu Khắc đăng trên tạp chí Xã hội học số 2 – năm 1983. Trong đó, dẫn giải Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng lần IV : ‘Bọn Mỹ-nguỵ cố tạo ra một thứ văn hoá nô dịch, đồi truỵ, lai căng, cực kỳ phản động, xô đẩy một số khá đông thanh niên trong các thành thị’, và văn hoá nô dịch kia cũng được chỉ thẳng là ‘nơi đẻ ra đĩ điếm, ma cô’.

thay2

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh, tư vấn cho các học sinh quan tâm tới khối ngành Xã hội. Ảnh VTMOnline

Hình dung chi tiết hơn có thể qua chương VII (Giải Phóng – Huy Đức) trong đó mô tả việc chấn chỉnh lại nền văn hóa ‘nảy sinh ra đĩ điếm’ đó bằng cách, vào tháng 10/1975, ‘đợt phát động thanh niên "hớt tóc ngắn, sửa quần áo lai căng" bắt đầu được triển khai’.

Nghĩa là thời điểm sau giải phóng, cái ngôn từ chà đạp nhân phẩm đó có thể dành cho một anh chàng để tóc dài hoặc một cô nàng mặc ống quần loe.

Còn giờ đây, thành phần ‘đĩ điếm’ lại được các viên công an (những người thực thi pháp luật nhà nước) dành cho những nhà hoạt động nhân quyền – dân chủ nói chung, và những người thực thi quyền biểu tình nói riêng.

Vì sao ?

Hầu hết các viên công an (bao gồm cả giới an ninh) đều phải trải qua lần lượt các môn học về pháp luật, và Hiến pháp cũng là một trong số các môn đó. Tuy nhiên, có vẻ sự vận dụng hiểu biết về quyền lực pháp luật và quyền con người chưa bao giờ được các viên an ninh để tâm ; họ được trao một quyền lực tối thượng ngay từ khi ngồi trong ghế nhà trường : quyền lực phán xét và kết tội thay tòa án. Và khi quyền lực đó được thực tế không kiểm soát, thì việc chà đạp nhân phẩm, danh dự của một người là tất yếu.

thay3

Từ Sài Gòn, sinh viên Trương Thị Hà ra tới tận trại giam Nam Hà (tỉnh Hà Nam) Tổng cục 8 Bộ công an để thăm người cô yêu là sinh viên Phan Kim Khánh... Ảnh nghiepdoansinhvien.org

Phải chăng trong mái trường Học viện hay Đại học, ‘cảnh sát nhân dân’ luôn được dạy rằng, với những người bất đồng chính kiến, chúng chỉ là thành phẩn ‘đĩ điểm, trộm cắp, ma-cô’, và hãy ứng xử với ‘chúng’ bằng những thứ bẩn thỉu nhất ?

thay4

"Những người Việt trẻ tuổi, năng động, yêu nước, yêu tự do dân chủ, sống tử tế và học giỏi như anh, không thể nào và không bao giờ là kẻ thù của nhân dân Việt Nam được. 6 năm tù và 4 năm quản chế cũng lâu đó anh. Luôn vững tin anh nhé" (trích Nếu ra ngoài, chưa có người yêu, em muốn làm bạn gái của anh ạ). Thư Trương Thị Hà, 26/10/2017

‘Xâm phạm thân thể’

Hầu như, ai đi biểu tình cũng bị tấn công bạo lực vật lý. Vào năm 2011, anh Nguyễn Chí Đức (tức blogger Đông Hải Long Vương), khi biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội, anh đã bị một viên an ninh đạp thẳng vào mặt khi đang bị khiêng vứt lên xe buýt.

Trạm dã chiến Tao Đàn 17/06/2018 cũng chứng kiến trường hợp tương tự, những cú thúc, bạt tay,… được sử dụng như một ‘nghiệp vụ’ thành thạo trong lấy lời khai những người… không phải là tội phạm.

Trong cuộc đối thoại giữa ‘công an nhân dân’ với bạn sinh viên Trương Thị Hà, những lần bạt tay là những lần buộc Hà ‘hợp tác’ trên cơ sở sử dụng nó như ‘chứng cứ’ để tống giam Hà vào tù, hoặc đe dọa các quyền tự do của Hà về sau. Thậm chí, sự xúc phạm thân thể ngang nhiên tới mức : Mày nhắc đến ba từ 'mời luật sư' nữa tao vả cho vỡ mồm.

Nhưng nghiêm trọng hơn, là một vị ‘công an nhân dân’ cho rằng, hành vi ‘kêu gọi biểu tình’ hay ‘hướng dẫn người dân đối phó với công an’ là một hành vi phản động.

Vậy là phản động trong mắt các anh/chị ‘công an nhân dân’ chính là các hành vi kiểm soát cái gọi là 'quyền lực vượt khung' (hay quyền năng công an trị), mặc dù nó đúng trên cơ sở luật pháp ? (*). Nếu như thế, thì phải chăng, chính Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người cần được 'ăn nghiệp vụ', khi ông tuyên bố rằng : Không ai có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật.

Và chính từ việc đặt góc nhìn ‘phản động’ vào những nhà bất đồng chính kiến, nên luật pháp được dạy trong nhà trường trở thành thứ yếu đối với những nhân viên hành pháp, trong khi đó ‘nghiệp vụ’ phi nhân quyền lại lên ngôi như một giải pháp tối thượng để tiếp tục giữ ngôi vương về ‘điều tra, phá án giỏi nhất thế giới’.

Kết

Khi tìm vào trường Đại học Cảnh sát nhân dân, người viết nhận thấy một cuộc vận động 'Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ'. Nhưng cứ qua mỗi cuộc biểu tình thì hình ảnh người công an viên xây dựng trong mắt người dân lại thiếu bản lĩnh, phi nhân văn, thụt lùi tính phục vụ bấy nhiêu.

Chẳng vị ‘công an nhân dân’ nào được cho là bản lĩnh khi sử dụng bạo lực với người phụ nữ, chẳng thể nhân văn khi dùng bạo lực để ép ký nhận một thứ gì đó không đúng với pháp luật, và chẳng thể là phục vụ khi mà hành xử với nhân dân bằng nắm đấm.

Điều ngược đời là, chính những hành vi ‘vô pháp’ nêu trên, lực lượng công an nhân dân đã ‘góp công đào tạo’ hàng trăm, và có thể lên đến hàng ngàn nhà bất đồng chính kiến trong tương lai, bởi sự căm phẫn về một cách hành xử ‘công an trị’ phi nhân quyền.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 01/07/2018

Chú thích : (*) Hướng dẫn của Trương Thị Hà trong cách ứng xử với công an hoàn toàn dựa trên Luật, mà cụ thể là Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015.

Published in Diễn đàn