Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong những năm gần đây, Hà Nội đã tăng tốc bồi đắp các đảo mà Việt Nam đang kiểm soát quần đảo Trường Sa ở Biển Đông. Hiện giờ Trung Quốc vẫn chưa có phản ứng gì, nhưng về lâu dài, vấn đề này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng giữa Hà Nội với Bắc Kinh.

boidap1

Không ảnh đảo Nam Yết được mở rộng năm 2024. (Hình : AMTI)

Vào năm 2013, Trung Quốc đã bắt tay vào một chương trình bồi đắp đảo quy mô lớn tại quần đảo Trường Sa, xây dựng cả cơ sở hạ tầng dân sự và quân sự, bao gồm đường băng sử dụng vào mục đích quân sự, trạm radar, bến cảng và nhà ở cho quân đội. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở đó được xây dựng trên các thực thể mà họ kiểm soát và hành động của họ là "hợp pháp và chính đáng".

Trong bài viết đề ngày 24/10/2024 đăng trên trang mạng của Trung tâm Truyền thông Châu Á (Asia Media Centre), nhà báo người Philippines Carla Teng, cố vấn truyền thông của trung tâm này, ghi nhận : " Tại vùng Biển Đông đang có tranh chấp gay gắt, Việt Nam nay đã có cách tiếp cận quyết đoán hơn, mở rộng sự hiện diện quân sự thông qua các sáng kiến xây dựng đảo chiến lược. Chiến thuật này là một phần trong mục tiêu lớn hơn của Việt Nam nhằm củng cố các yêu sách lãnh thổ của mình trong khu vực, áp dụng các phương pháp tương tự như cách tiếp cận hung hăng của Trung Quốc".

Tác giả bài viết nhắc lại nhật báo Mỹ The Wall Street Journal gần đây đã nêu bật sự bành trướng nhanh chóng của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, cho thấy đất nhân tạo trong khu vực đã tăng gấp mười lần trong ba năm qua, dựa trên hình ảnh vệ tinh có độ phân giải cao của Maxar Technologies.

Nhật báo Mỹ nêu chi tiết về việc xây dựng các bến cảng, chiến hào phòng thủ và có thể là các đường băng được mở rộng để sử dụng vào mục đích quân sự. Tờ báo lưu ý rằng những hành động này rất giống với các dự án xây dựng đảo nhân tạo trước đó của Trung Quốc, bao gồm cơ sở hạ tầng quân sự ? như tháp quan sát và đường băng.
Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) vào tháng 6/2024 cho biết Việt Nam đã bồi đắp thêm 692 mẫu Anh (acre), tương đương với khoảng 2.770 km2, vào 10 thực thể kể từ tháng 11 năm 2023, nâng tổng diện tích bồi đắp đất lên khoảng 2.360 mẫu Anh, tức là khoảng một nửa so với 4.650 mẫu Anh của Trung Quốc. Điều này đánh dấu sự thay đổi đáng kể so với tổng diện tích trước đó của Việt Nam chỉ là 329 mẫu Anh cách đây ba năm.

Một ví dụ cụ thể đó là vào tháng 9/2020, sự hiện diện của Việt Nam trên rạn san hô Đá Thuyền Chài (Barque Canada Reef) chỉ giới hạn ở ba tiền đồn nhỏ trên các bệ bê tông. Đến tháng 8/2024, sau khi nạo vét sâu rộng, rạn san hô này đã trở thành thực thể lớn nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa.

Tương tự như thế : Vào tháng 3/2021, Đảo Namyit trải dài 13 mẫu Anh trong một rạn san hô dài hai dặm. Đến tháng 6/2024, sau khi tiến hành công trình lớn, nó đã trở thành một trong những thực thể lớn nhất của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, với một bến cảng lớn được nạo vét ở trung tâm.

Trả lời RFI Việt ngữ ngày 31/10/2024, nhà nghiên cứu về Biển Đông Hoàng Việt cũng ghi nhận :

"Những hình ảnh vệ tinh của một số trang như trang của CSIS (Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược) cũng đã cho thấy rõ ràng khả năng này là hoàn toàn có. Phía Việt Nam không đưa thông tin nhiều, nhưng cũng không phản bác thông tin từ những trang đó.

Thật ra việc Việt Nam phải tôn tạo những đảo mà họ kiểm soát là chuyện bình thường, bởi vì thứ nhất là các công trình trên biển có tuổi thọ không lớn, do sự tàn phá của môi trường biển, nước biển, gió biển mang hàm lượng muối cao, cho nên nhiều thực thể dễ bị sụp đổ. Trong quá khứ, các dàn khoan dầu khí của Việt Nam cũng đã bị sụp đổ nhiều lần rồi, cho nên cứ sau một thời gian là phải tôn tạo. Đó là chuyện bình thường.

Thứ hai, có lẽ Việt Nam không làm giống như Trung Quốc, tức là quân sự hóa các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. Cái quan trọng là Việt Nam muốn phát triển các thực thể đó thành những cứ điểm để có thể cứu nạn, cứu hộ cho những ngư dân Việt Nam trên biển. Điều này cũng sẽ giúp Việt Nam tăng cường sức mạnh về cảnh sát biển, bởi vì các lực lượng trong đó có cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư của Việt Nam cũng cần phải giám sát các vùng biển để bảo vệ chủ quyền, đồng thời ngăn chận ngư dân đánh bắt bất hợp pháp trên vùng biển của những quốc gia khác.

Cho nên mục tiêu của Việt Nam không phải là quân sự hóa, tức là đặt các cơ sở quân sự trên những đảo đó như Trung Quốc đã làm, mà thật ra thì Việt Nam cũng đâu có đủ tiềm lực để làm. Việt Nam chỉ tôn tạo những đường cho kiên cố hơn, hoặc là, theo tin của báo chí Mỹ, xây dựng các đường băng để tiếp tế hoặc sử dụng cho những trường hợp khẩn cấp, cấp cứu trên đảo. Máy bay hạ cánh xuống thì dễ hơn, chứ còn đi tàu thì rất lâu".

Hà Nội cho tới nay vẫn im lặng về các nỗ lực cải tạo của Việt Nam, về mặt chính thức mô tả đó là các dự án nhỏ để xây dựng nơi trú bão cho ngư dân và ngăn chặn xói mòn.

Nhưng một báo cáo tháng 9/2024 của John Pollock và Damien Symon, Viện Chatham House của Anh Quốc, cho rằng việc mở rộng của Việt Nam là một hành động chiến lược nhằm củng cố vị thế của mình trong các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực. Họ cũng suy đoán rằng Việt Nam sẽ sớm triển khai máy bay quân sự tầm xa tại các tiền đồn của mình, cho thấy sự quân sự hóa mạnh hơn nữa.

Nhật báo Hồng Kông South China Morning Post ngày 25/10/2024 trích dẫn báo cáo của tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược Biển Đông (South China Sea Probing Initiative - SCSPI) cho biết chỉ trong 5 tháng qua, Việt Nam đã bồi đắp thêm hơn 2 km2 tại quần đảo Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là Nam Sa). Như vậy là Hà Nội đã nâng cấp tổng cộng 11 trên 26 thực thể mà Việt Nam kiểm soát, những thực thể mà Bắc Kinh cũng khẳng định chủ quyền.

Theo lời ông Hồ Ba (Hu Bo), giám đốc SCSPI, "Hà Nội đã liên tục mở rộng các thực thể mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa kể từ những năm 1970… và việc mở rộng đã có sự gia tăng đáng kể cả về tốc độ lẫn quy mô kể từ đợt mở rộng mới nhất bắt đầu vào tháng 10/2021".

Ông Trần Tương Miểu (Chen Xiang Miao), một nghiên cứu viên cộng tác tại Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia, trụ sở tại Hải Nam, cho biết Việt Nam đặt mục tiêu tận dụng việc xây dựng đảo của mình để tăng cường kiểm soát quần đảo Trường Sa, vì có khả năng thiết lập sự hiện diện liên tục của các tàu thực thi pháp luật trên biển và mở rộng việc triển khai các cơ sở quân sự tại đó.

Ông cho biết : "Trước đây, Hà Nội duy trì một số lượng hạn chế các căn cứ ở quần đảo Trường Sa, chỉ có khả năng tiếp nhận các tàu nhỏ. Tuy nhiên, với những nâng cấp gần đây đối với các cơ sở cảng, Việt Nam đang sẵn sàng duy trì sự hiện diện liên tục của lực lượng thực thi pháp luật hàng hải, điều này sẽ tăng cường đáng kể quyền kiểm soát của Việt Nam đối với toàn bộ khu vực Trường Sa".

Theo ông Trần Tương Miểu, "những nâng cấp gần đây đối với các tiền đồn đã nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc tiếp nhận các tàu lớn - từ hàng ngàn đến gần 10 ngàn tấn - cho thấy tiềm năng của họ về việc neo đậu tàu quân sự trong tương lai". Ông cho biết các công trình phòng thủ đang được xây dựng doanh trại, pháo binh và các cơ sở quân sự khác.

Dĩ nhiên, đối với nhà nghiên cứu Trung Quốc này, những nỗ lực nói trên của Việt Nam là nhằm chiếm đóng "bất hợp pháp và vĩnh viễn" các thực thể đó và như vậy sẽ đặt ra thách thức đáng kể đối với Trung Quốc, vì có thể thúc đẩy các hành động tương tự từ Philippines và các quốc gia khác cũng có yêu sách chủ quyền trên Biển Đông.

Mặc dù đã có thái độ rất cứng rắn với Philippines trong các tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc cho tới nay vẫn im lặng một cách đáng chú ý về các hoạt động của Việt Nam. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt giải thích :

"Gần đây có một số bài báo của các nhà phân tích nói đến việc tại sao Trung Quốc phản ứng gần như là im ắng trước việc Việt Nam tôn tạo một số thực thể như vậy, trong khi Trung Quốc lại rất căng thẳng với Philippines.

Thứ nhất, Trung Quốc không phản đối bởi vì Trung Quốc mới là xây nhiều. Việt Nam chắc là không bao giờ theo kịp Trung Quốc trong việc tôn tạo các thực thể trên Biển Đông. Trung Quốc còn quân sự hóa các đảo đó, biến thành những tiền đồn. Việt Nam thì chắc là sẽ không có các tiền đồn. Cá nhân tôi có một lần đến Trường Sa thì thấy chủ yếu là dân, chứ không có nhiều căn cứ quân sự kiên cố, chủ yếu chỉ có một số vũ khí để đề phòng thôi, chứ không phải là những tiền đồn ghê gớm như của phía Trung Quốc.

Thứ hai, có lẽ Việt Nam cũng khéo léo chọn thời điểm mà Trung Quốc cũng đang muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam và Việt Nam cũng đang cố gắng giữ quan hệ với Trung Quốc ở mức tốt đẹp để phía Trung Quốc không có phản ứng nhiều trong trường hợp này".
Các chuyên gia cho rằng sự khác biệt trong thái độ của Bắc Kinh là do Trung Quốc duy trì trao đổi chặt chẽ với ban lãnh đạo mới của Việt Nam sau những thay đổi nhân sự cấp cao.

Ngày 21/10/2024, tướng quân đội Lương Cường đã được Quốc Hội bầu làm chủ tịch nước mới, để kế nhiệm ông Tô Lâm, sau khi đi thăm Trung Quốc và hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình. Trong cuộc gặp này, hai bên đã tái khẳng định cam kết tăng cường quan hệ giữa hai nước. Trước đó, tổng bí thư Tô Lâm đã đến thăm Trung Quốc vào tháng 8 trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức. Trong chuyến đi đó, ông đã cam kết giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông thông qua đối thoại.

Sau khi dự một diễn đàn khu vực tại Lào, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã đến Việt Nam để thảo luận với tổng bí thư Tô Lâm và thủ tướng Phạm Minh Chính, tạo cơ hội cho Bắc Kinh hàn gắn quan hệ với Việt Nam. Trong văn bản tuyên bố, Bắc Kinh và Hà Nội cam kết "kiềm chế không thực hiện các hành động làm phức tạp tình hình và mở rộng tranh chấp". Ngoài ra, họ đã nhất trí khởi xướng các dự án phát triển hàng hải chung ở những khu vực ít nhạy cảm và cải thiện tương tác giữa các lĩnh vực quốc phòng và an ninh của họ.

Theo chuyên gia La Lượng (Luo Liang), thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải Quốc gia, "những cuộc gặp gỡ thường xuyên giữa các quan chức cấp cao và các kênh liên lạc cởi mở, thông suốt giữa Trung Quốc và Việt Nam đã giúp giải quyết hiệu quả các bất đồng trên biển, giúp giảm thiểu tác động bất lợi đến quan hệ song phương".

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Bắc Kinh chưa muốn làm căng với Hà Nội về vấn đề bồi đắp các đảo cũng là do Trung Quốc đang cố hòa hoãn với Việt Nam, hay đi xa hơn là cố giữ Việt Nam trong vòng ảnh hưởng của mình :

"Không phải bây giờ, mà từ xưa, Trung Quốc luôn giữ Việt Nam trong vòng cương tỏa, trong ảnh hưởng của mình. Xem lại hàng ngàn năm lịch sử, Trung Quốc biến Việt Nam thành một dạng thuộc địa hay chư hầu của mình. Với vị thế của Trung Quốc muốn trở thành một cường quốc lớn ở khu vực Châu Á và của cả thế giới, đương nhiên Trung Quốc muốn các nước khu vực phải dưới sự chỉ đạo, kiểm soát của Trung Quốc.

Phía Việt Nam thì hiểu rằng, Trung Quốc là một cường quốc mà lại là một láng giềng của Việt Nam, cho nên Việt Nam phải khéo léo phần nào. Nhưng Việt Nam cũng đang cố gắng tìm cách cân bằng, để không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, qua việc thúc đẩy quan hệ với các quốc gia mà có khi lại là đối thủ của Trung Quốc, như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng là những nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Thật ra thì Việt Nam cũng có mối quan hệ truyền thống với Nga, mà Nga - Trung là một mối quan hệ phức tạp, có những lúc hợp tác, có những lúc cạnh tranh. Chắc chắn là Trung Quốc sẽ luôn tìm mọi cách để Việt Nam lệ thuộc Trung Quốc, nhưng làm được hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố Việt Nam rất nhiều".

Tuy nhiên, nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn một số nhà phân tích cho rằng cho dù hai bên đã mở các kênh liên lạc để quản lý các tranh chấp, những bất đồng căn bản giữa hai nước láng giềng vẫn còn đó.

Theo một phó giáo sư tại Quảng Châu chuyên về Biển Đông, xin được giấu tên, các hành động kiên quyết của Việt Nam trong việc bảo vệ các yêu sách của mình đang làm phức tạp thêm các nỗ lực trong tương lai của Trung Quốc nhằm khẳng định các quyền của họ ở Biển Đông. Theo học giả này, các cuộc đối đầu trên biển giữa Bắc Kinh và Hà Nội không chỉ dai dẳng, mà còn có khả năng leo thang trong tương lai, như vụ xảy ra trong tháng 10 : Việt Nam cáo buộc Trung Quốc tấn công 10 ngư dân Việt Nam, khiến ba người bị gãy chân tay, ngư cụ bị hư hại và hải sản bị tịch thu.

Có lẽ là để có thể tập trung đối phó với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông, Việt Nam đã cố dàn xếp với Malaysia, khi Kuala Lumpur, theo tin Reuters ngày 04/11/2024, gởi một lá thư khiếu nại đến Hà Nội, cáo buộc Việt Nam mở rộng một đảo nhỏ ở quần đảo Trường Sa mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Theo báo chí Việt Nam, phát biểu trong cuộc họp báo chung với thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tại Putrajaya nhân chuyến thăm Malayisa (21-23/11), tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Tô Lâm cho biết Việt Nam và Malaysia đã nhất trí "tìm kiếm sự hợp tác chặt chẽ hơn để duy trì hòa bình ở Biển Đông". Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết "tiếp tục hợp tác chặt chẽ với nhau để duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và thúc đẩy giải quyết hòa bình các tranh chấp". Theo lời thủ tướng Anwar, hai bên còn đã "đồng ý tìm kiếm khả năng cùng nỗ lực trong ngành đánh bắt cá để thực sự có thể làm việc trên cơ sở tin tưởng và hữu nghị". Không những thế, nhân chuyến đi của ông Tô Lâm, Việt Nam và Malaysia đã đồng ý nâng cấp quan hệ song phương lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 02/12/2024

Additional Info

  • Author Thanh Phương
Published in Diễn đàn

Việt Nam đã cải tạo, nâng cấp các đảo ở Trường Sa, trong đó bãi Thuyền Chài được cải tạo đủ sức để xây dựng đường băng dài ba ngàn mét. Các chuyên gia nghiên cứu biển Đông cho rằng việc Việt Nam tăng tốc cải tạo các đảo ở Trường Sa nhằm để Trung Quốc thấy cái giá phải trả cao hơn nếu "chuyển căng thẳng" về phía Việt Nam.

truongsa01

Bãi Thuyền Chài qua ảnh vệ tinh hôm 28/08/2024 do RFA ghi nhận từ dịch vụ vệ tinh Planet Lab. RFA / Planet

Hôm ngày bảy tháng Sáu, 2024, Chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington DC công bố báo cáo cho biết, Việt Nam tăng tốc cải tạo, nâng cấp các đảo mình đang đóng quân ở Trường Sa. Trong đó, bãi Thuyền Chài được cải tạo với độ dài đã hơn 4000 mét, đủ sức để xây dựng đường băng dài 3000 mét.

truongsa2

Ảnh chụp từ vệ tinh bãi Thuyền Chài hôm 11/5/2024 của AMTI (Ảnh : AMTI / CSIS)

Theo ảnh vệ tinh chụp bãi Thuyền Chài từ Planet Lab mà RFA ghi nhận được trong ngày 28/08/2024, so sánh với ảnh vệ tinh của AMTI chụp hồi tháng Năm , có thể thấy thấy bãi Thuyền Chài đã được tăng cường đáng kể so với hai tháng trước.

Cụ thể, bộ phận được cho là có thể xây dựng đường băng, vào hồi giữa tháng 5/2024, vẫn còn lồi lõm, có nhiều nước, nhưng vào ngày 28 tháng Tám, ảnh vệ tinh cho thấy, nó đã được bồi lấp đầy đủ.

Theo những phân tích của nhà nghiên cứu Trần Bằng ở Đại học Paris 2, Pháp, và nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương ở Đại học UNSW Canberra, Australia qua chia sẻ với RFA, ảnh vệ tinh mới nhất do RFA ghi nhận, cho thấy, bãi Thuyền Chài có công sự, cảng, âu tàu, vịnh bên trong để trú ẩn. Đặc biệt, có thể thấy năng lực công nghiệp quốc phòng của Việt Nam đã tiến lên một bước khi ở Thuyền Chài có sự hiện diện của các tàu hút cát cỡ lớn, có thể hút cát tại chỗ để bồi lấp đảo, thay vì phải chở vật liệu từ đất liền như trước đây. 

truongsa3

Cận cảnh âu tàu, công sự, cảng, cầu cảng, tàu thuyền trong bãi Thuyền Chài ngày 28/08/2024 (Ảnh RFA/ Planet)

Tại sao Việt Nam tăng cường xây dựng những cơ sở vật chất nói trên ở bãi Thuyền Chài ? Liệu những tiến triển mới ở bãi Thuyền Chài có làm cho Trung Quốc chuyển hướng căng thẳng từ Philippines sang Việt Nam ? RFA có cuộc trao đổi ngắn với nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương về những chuyển động mới như vừa nêu

----------------------

RFA : Theo ông, những công trình mới trên bãi Thuyền Chài nhắm đến mục tiêu cụ thể gì trên Biển Đông ?

Nguyễn Thế Phương : Không chỉ trên bãi Thuyền Chài mà còn ở các điểm khác của Việt Nam ở Trường Sa. Theo một số báo cáo, căn cứ vào hình ảnh vệ tinh, thì một hai năm trở lại đây, Việt Nam đã đẩy mạnh cải tạo các điểm đảo ở Trường Sa. Trong đó, điểm được cải tạo lớn nhất là bãi Thuyền Chài.

Điều này nằm trong tư duy quốc phòng của Việt Nam. Tư duy quốc phòng của Việt Nam đi theo ba yếu tố là "bờ - biển - đảo". Những yếu tố này rất quan trọng trong tư duy phòng thù hướng biển của Việt Nam. 

Trong đó, các đảo ở Trường Sa được nhấn mạnh là có vai trò quan trọng trong việc Việt Nam có thể phòng thủ hướng biển hay không. 

Việt Nam rút kinh nghiệm từ vụ dàn khoan HD-981 xâm nhập sâu vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam năm 2014. Khi đó, Việt Nam mỗi khi cần tiếp viện cho các lực lượng trên biển thì chủ yếu vẫn là đi từ đất liền ra. Tiếp viện từ đất liền thì quy mô và tốc độ chi viện bị giảm thiểu vì khoảng cách từ bờ ra đến nơi cần tiếp viện rất là xa. Việc cải tạo các đảo ở Trường Sa sẽ giúp Việt Nam triển khai lực lượng chi viện tới các vùng biển tranh chấp nhanh hơn. Đó là bài học Việt Nam rút ra được từ 2014. 

Vì vậy nếu nhìn việc cải tạo đảo, chúng ta thấy những địa điểm phù hợp như Thuyền Chài thì sẽ được mở đường băng. Sắp tới Thuyền Chài sẽ có một đường băng khoảng ba cây số. Khi đó Việt Nam có triển khai không chỉ máy bay vận tải bình thường mà cả máy bay quân sự.

Thứ hai, Thuyền Chài cũng được xây thêm các âu tàu, giúp cho lực lượng chấp pháp biển có thể trú ẩn. Từ đó, các lực lượng này có thể triển khai đến vùng tranh chấp rất nhanh. So với trước đây, Việt Nam chỉ có thể triển khai lực lượng chấp pháp từ bờ ra. Đây là sự tăng năng lực rất lớn. 

Thứ ba, việc cải tạo đảo còn hướng đến mục tiêu giúp cho điều kiện sống, làm việc của con người trên đảo được tốt hơn. Điều này nằm trong tư duy quốc phòng của Việt Nam là "chiến tranh nhân dân". Trên các đảo tiền tiêu ở Trường Sa sẽ không chỉ có quân đội mà còn có người dân sinh sống, làm ăn. Điều đó tạo ra thế trận mà thuật ngữ quân sự Việt Nam gọi là "chiến tranh nhân dân". Tư duy "chiến tranh nhân dân" có kết quả là tạo cho Việt Nam điểm tựa lớn hơn ở các vùng tranh chấp. 

Tiếp nữa, một trong những cơ sở mà Việt Nam đẩy mạnh cải tạo, nâng cấp, là các cơ sở phòng thủ. Tư duy quốc phòng hướng biển của Việt Nam đi theo hướng phòng thủ chứ không phải tấn công. Làm thế nào để các điểm phòng thủ của Việt Nam ở Trường Sa càng khó bị tấn công càng tốt, và nếu bị chiếm thì cũng khó mà giữ được. Đó là tư duy phòng thủ hiện nay của Việt Nam. 

Đó là lý do vì sao không chỉ Thuyền Chài mà một số điểm đảo xung quanh Thuyền Chài cũng được cải tạo, nâng cấp. Đó là những yếu tố chính giải thích cho hoạt động cải tạo, nâng cấp đảo của Việt Nam gần đây. 

RFA : Liệu những diễn biến mới trên bãi Thuyền Chài có làm Trung Quốc chuyển căng thẳng từ Phillippines sang Việt Nam không ?

Nguyễn Thế Phương : Ở thời điểm hiện tại thì Trung Quốc không muốn chuyển căng thẳng về phía Việt Nam. Nói cách khác, họ chưa muốn tạo ra nhiều mặt trận khác nhau trên Biển Đông cùng một lúc. 

Về vấn đề này, các học giả có nhiều đánh giá khác nhau. Một trong những đánh giá đáng chú ý là Trung Quốc tính toán ở thời điểm hiện nay dựa trên vấn đề "cost and benefit", tức là lợi ích mà họ đạt được là gì, và cái giá mà họ phải trả khi họ thực thi bất kì động thái mới nào trên Biển Đông. 

Hiện nay, dường như Trung Quốc đánh giá rằng nếu họ tiếp tục gây sức ép lên Philippines thì họ sẽ được nhiều cái lợi hơn là thiệt hại. Trong khi đó, nếu tăng cường sức ép lên Việt Nam thì cái giá phải trả sẽ tăng lên rất là nhiều. 

Ở đây có một số logic mà nhiều học giả, trong đó có các học giả Mỹ, đánh giá là chính vì Philippines là đồng minh của Mỹ nên ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc mới nhắm vào Philippines. 

Hãy quay trở lại với ví dụ năm 2014, khi Trung Quốc kéo giàn khoan HD-981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Khi đó, một trong những lý do khiến cho Trung Quốc hạ nhiệt, rút lui, là Việt Nam đe dọa sẽ xích lại gần hơn với Mỹ bằng cách này hay cách khác. Động thái đó của Việt Nam vừa là do có sức ép từ một số nhóm trong nước. 

Chính điều đó làm cho Trung Quốc lùi lại một bước và hạ nhiệt. Bởi vì họ biết rằng nếu Trung Quốc hạ nhiệt thì Việt Nam cũng sẽ không tiến lại gần Mỹ quá mức. 

Trong tư duy quốc phòng của Trung Quốc thì Việt Nam có vị trí rất quan trọng, là điểm án ngữ sườn phía nam của họ. Nếu Việt Nam tiến lại gần Mỹ thì vị trí sườn phía nam của họ sẽ bị đe dọa rất nghiêm trọng. 

Chính điểm đó là một trong những công cụ để Việt Nam có thể thương lượng với Trung Quốc. 

Trong khi đó, Trung Quốc hiểu rằng dù họ có ép Philippines hết cỡ thì Philippines cũng đã là đồng minh của Mỹ từ lâu rồi. Do đó, đứng từ góc độ của Philippines thì họ không còn công cụ nào khác để tương tác với Trung Quốc nữa. 

Đó chính là điểm mà các học giả hiện nay thống nhất với nhau về Philippines. Nước này không còn nhiều công cụ làm đòn bẩy đối với Trung Quốc nữa. 

RFA : Ngoài các vấn đề "lợi ích và trả giá" về mặt đối ngoại như trên, năng lực trên thực địa của Việt Nam và Philippines có ảnh hưởng đến hành vi của Trung Quốc không ?

Nguyễn Thế Phương : Thực tế mà nói thì các điểm đảo Việt Nam bồi đắp ở Trường Sa đã do Việt Nam sở hữu, kiểm soát từ rất lâu rồi. Các điểm đảo này từ lâu đã có cơ sở hạ tầng rất kiên cố và vững chắc rồi.

Trong khi đó, các điểm tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc thì tình hình rất khác. Bãi cạn Scarborough thì Philippines đã mất quyền kiểm soát từ rất lâu. Còn ở bãi Cỏ Mây thì Philippines chỉ có một con tàu cũ nát sản xuất từ thời Thế chiến thứ hai neo trên đó. Trung Quốc có đủ khả năng để kéo con tàu đó ra khỏi bãi Cỏ Mây. 

Điều đó có nghĩa là gì ? Có nghĩa là vị thế trên thực địa của Philippines tại các vùng tranh chấp yếu hơn rất nhiều so với các thực thể mà Việt Nam đang chiếm giữ. 

Nói cách khác, năng lực của Philippines trên thực địa không đủ mạnh để thuyết phục Trung Quốc rằng nếu anh không giảm căng thẳng thì anh sẽ phải trả một cái giá rất lớn. 

Chính điều này cũng là điểm cốt lõi trên thực địa khiến cho Trung Quốc tự tin trong việc ép Philippines. 

Điểm này cũng là điểm mà Philippines và Việt Nam khác nhau. 

RFA : RFA xin cảm ơn nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Phương đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn này.

Nguồn : RFA, 30/08/2024

Additional Info

  • Author Nguyễn Thế Phương, RFA tiếng Việt
Published in Diễn đàn