Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Mấy ngày nay người đọc báo Việt Nam được nhiều dịp cười thả ga.

Vì vừa hết vụ Bùi Tiến Dũng khoe vợ có bầu với huấn luyện viên, thì tiếp đến một tiến sĩ Phật học hiếp dâm trụ trì nhiều chùa ! Rồi thì bắt quả tang cán bộ công an Trà Vinh quan hệ với vợ người kinh doanh xăng ; sốc với mức lương 01 năm của Công Phượng tại Bỉ bằng cả năm thi đấu của cầu thủ bình thường. Chưa hết, "Chấn động đến tận nhà truy sát ba cha con ở Quảng Nam".

lambao1

Hình minh họa. Những tờ báo Việt Nam - AFP

Nhưng không phải cầu thủ Bùi Tiến Dũng có quan điểm về hôn nhân phá cách đến mức lên báo khoe vợ có bầu với người khác (chứ không phải với mình), hay nhiều trụ trì chùa là người đồng tính và bị ông tiến sĩ Phật học hiếp dâm.

lambao2

Hình chụp bài viết sai ngữ pháp trên báo Courtesy of vnreview.vn

Cũng không phải đơn vị đo lường thời gian của nhân loại trong khi tôi đi ngủ đã kịp thay đổi đến nỗi một năm tại Bỉ thì dứt khoát phải khác cả năm tại Việt Nam.

Cũng không có thằng côn đồ nào tên là Chấn Động đến tận nhà truy sát ba cha con ở Quảng Nam.

Mà sự thật là cầu thủ Bùi Tiến Dũng kể với huấn luyện viên của anh ấy là "Anh ơi vợ em vừa có bầu anh ạ". Còn tiến sĩ Phật học vốn đang là trụ trì nhiều ngôi chùa nhỏ ở miền Tây, nay bị khởi tố vì hành vi hiếp dâm một em gái 14 tuổi.

Từ "quan hệ" trong ví dụ thứ ba chỉ có ý nghĩa khi độc giả hiểu ra rằng phóng viên nói trại đi từ "quan hệ tình dục". Nhưng quan hệ tình dục với vợ của người kinh doanh xăng thì có điểm gì đặc biệt khiến phóng viên phải liên kết nó với đạo đức của một cán bộ công an ? Hay quan hệ với vợ của ai khác thì được, mà với vợ của người kinh doanh xăng thì mới bị lên án ?

Chấn động, à thì là ý phóng viên muốn nói vừa có một vụ việc gây chấn động dư luận, đó là ba cha con bị kẻ côn đồ ngang nhiên đến tận nhà truy sát.

May quá, người đọc thông minh kịp thời cải chính giúp. Chứ không thì Việt Nam lại trở thành điểm đến của thiên niên kỷ nữa mất. Là các nhà xã hội học thế giới đến nghiên cứu sự thay đổi trong quan niệm sống của giới trẻ, nhà tu hành, những người kinh doanh xăng hiện nay và đơn vị đo lường thời gian của Việt Nam ấy mà !

Nhỏ không học

Mặc dù là điều tối kỵ với người làm nghề viết lách, nhưng khoảng năm năm trở lại đây cái lỗi sai chính tả hay ngây ngô ngữ pháp căn bản đã thành chuyện thường ngày ở nhiều bản tin, bài báo. Từ những báo lâu đời cây đa cây đề như Thanh Niên, Tuổi Trẻ… đến các báo điện tử mới nổi đều có, chỉ khác nhau về tần suất.

Mời bạn đọc đọc một đoạn trong blog của blogger Thuyền Lá Tre, nick name của nhà báo Hoàng Liên. Nhà báo này cho biết từng làm việc ở Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lâm Đồng, nơi có thành phố du lịch Đà Lạt nổi tiếng. Tôi tình cờ đọc được blog này cách đây vài năm. Đến hôm nay đọc lại, nó vẫn nguyên tính thời sự.

"Nhiều năm làm việc, vẫn chỉ quẩn quanh với những tin lễ tân, khai mạc cái này bế mạc cái kia khánh thành cái nọ tặng quà chỗ kia... vẫn cứ câu cú không chấm không phẩy, vẫn cứ ngơ ngác trước những vấn đề mà cả xã hội đang nhao nhao bàn tán, viết về dân tộc mà không phân biệt được đâu là người Cill, người Lạch, người Mạ hay người Chu Ru ; viết về cây cafe thì chịu chết không biết đâu là Robusta đâu là Catimo đâu là Arabica ; không phân biệt được đình và đền, không biết hết các đơn vị hành chánh của một địa phương, các thuật ngữ khoa học hay chuyên môn vẻ như là một cánh rừng rậm... có cảm tưởng như chẻ đầu ra đổ chữ vào thì đảm bảo chữ nghĩa cũng sẽ theo tất cả các lỗ có trên đầu trên mặt mà trào tuôn ra hết..".

lambao3

Bài viết về sư trụ trì trên báo Việt Nam Ảnh chụp màn hình báo Công An

Viết về dân tộc mà không biết đâu là người Cill hay người Lạch, thôi chuyện này cũng khó. Nhưng anh "nhà báo" còn không biết tấm ảnh chụp đám xe hơi đồ chơi dưới gầm giường mà viết luôn một bài đại gia sưu tập xe sang chục tỷ, mới ghê.

Chính tả ngữ pháp là những kiến thức cấp một đến cấp ba mà còn ngọng thì nói gì đến học những bài học cơ bản của nghề.

Nhiều người làm báo Việt Nam hiện tại thậm chí không buồn nghĩ đến việc kiểm tra nguồn tin. Vì vậy mới có tấm ảnh cá chết ở hồ Mona, bang Michigan, Hoa Kỳ thì được gán là cá chết trên bãi biển Hà Tĩnh (để "đánh" Formosa), cột khói đen do thông lò hơi trước khi tổ máy hoạt động ở nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (huyện Tuy Phong, tình Bình Thuận) thì gán vào "cháy lớn" ; anh lính cứu hỏa ở Hà Nội biến thành lính cứu hỏa rừng thông Hà Tĩnh… Mới có những vụ vi phạm nghiêm trọng cả nguyên tắc lẫn đạo đức nghề nghiệp, từ phóng viên biến thành lưu manh khi đưa cái chổi cho nông dân, bảo họ quét lên rau cho mình quay phim, rồi về cắt xén biến thành phóng sự điều tra việc nông dân giả mạo rau sạch, như vụ việc chấn động ở VTV24 cách đây hai năm.

(Xin nói thêm để người đọc rõ : đoạn phóng sự được phát trên VTV ghi lại cảnh nông dân dùng chổi cứng quét trên luống rau non và giải thích trước ống kính là người tiêu dùng không dám mua rau vì sợ phun thuốc, nên mình quét lên rau tạo vết rách lỗ chỗ trông giống như rau bị sâu ăn, để lừa người tiêu dùng đây là rau sạch. Sau khi phát sóng, phóng sự trên bị người dân ở địa phương xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa phản ứng dữ dội. Họ đưa ra bằng chứng cho thấy chính nhóm phóng viên VTV đã đưa chổi cho họ, nhờ họ quét lên luống rau và thoại trước ống kính như trên. Phóng viên VTV buộc phải về tận nơi xin lỗi trước đông đảo người dân. Đoạn clip xin lỗi sau đó được đưa lên mạng nhưng người dân vẫn không hài lòng vì cho rằng nó thiếu thành khẩn).

Đến đây thì phải giải thích vì sao làng báo Việt Nam từng có những thế hệ "vàng" (xin đọc lại bài Pháp luật Tp HCM, Tuổi Trẻ : Những nhạc trưởng nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết), nhưng vàng không đẻ ra vàng, mà "tự diễn biến, tự suy thoái" thành những thế hệ "chì" tồi tệ.

Có một lý do là các tờ báo lớn mạnh được "thay máu" bằng việc cài cắm các vị lãnh đạo số không về nghề nhưng số một về quyền lực. Lý do thứ hai (có lẽ chủ quan vì tôi không nghiên cứu cụ thể), do một thời doanh nghiệp Việt Nam được cởi trói, phát triển nhanh mạnh so với thời kỳ trước đó, nên cả doanh nghiệp và người tiêu dùng đều có nhu cầu quảng bá và xem quảng cáo sản phẩm. Doanh nghiệp cũng muốn tài trợ cho các gói truyền thông trên báo chí.

Thị trường màu mỡ này nhanh chóng được các cái tài năng kinh doanh ngửi ra. Họ lập tức đáp ứng : liên kết với các cơ quan chủ quản (có quyền ra báo) vốn luôn viêm màng túi, mở ra hàng loạt tờ báo bao phủ thị trường nhưng không nhằm mục đích làm báo mà chỉ để có chỗ làm quảng cáo, đăng nội dung quảng bá cho doanh nghiệp.

Mục đích như vậy thì phải tuyển các em chân dài, mặt xinh, da dày có thể lả lơi để mời chào doanh nghiệp. Hoặc các chú có máu chém giết, đi lùng sục thông tin bất lợi của doanh nghiệp, đến dọa dẫm, vòi tiền, nếu không chung chi thì "tao đánh cho một bài". Hoặc tuyển con em của những người có chức tước, máu mặt, để nhờ oai của họ doanh nghiệp tự nguyện đặt vấn đề làm thân (có cách nào làm thân nhanh hơn tặng quà), hay được che chở.

Nhỏ không học, lớn cũng không học

Làm báo đòi hỏi có kiến thức tổng hợp và lao động miệt mài để phát hiện, phân tích và diễn đạt tin tức kịp thời và chính xác cho người đọc. Thông tin rất nhiều và thay đổi nhanh chóng, do vậy người làm báo phải đọc và học không ngừng. Nhưng nếu bắt đầu vào nghề đã hướng đến một mục đích sai lệch, người làm báo sẽ bị biến thành công cụ không hơn không kém, tệ hại hơn là những công cụ chống lại sự tiến bộ của xã hội.

Tôi xin trích dẫn tiếp một đoạn trong blog của nhà báo Hoàng Liên đã thượng dẫn :

"Cứ bảo đấy là nghề nghiệt ngã đòi hỏi cao này kia...nhưng con đường trở thành nhà báo với nhiều người, dễ không thể tả và có thể chẳng cần đến kiến thức trình độ gì ráo trọi, chỉ cần : có bố mẹ anh chị em bà con đang làm ở 1 đài báo nào đấy, kế đó là có tiền, kế nữa là có ông to bà nhớn đỡ đầu...bất luận là ai cũng trở thành nhà báo tất !

lambao4

Hình chụp người lính cứu hỏa trên báo Việt Nam Courtesy of baomoi

Không phải là tất cả, nhưng có lẽ đến 80% là thế ! (Tôi xin bổ sung : theo những gì tôi biết thì điều này đúng với các báo bộ ngành ở miền Bắc, hoặc các báo địa phương hơn là các báo tương đối độc lập và có thị trường ở miền Nam-Trần Hoa).

-"Con hát thì mẹ khen hay". Bố là sếp con là nhân viên, vào cuộc họp bố khen con như sao sáng mới trồi ra. Đi làm thì luôn được bố (mẹ) và những người dưới quyền bố (mẹ) "ưu tiên" hết cỡ, nghĩa là không phải đi vùng sâu vùng xa, đứa nào chạy bục mặt kiếm tin bài chứ những ông bà "con nối" ấy nghiễm nhiên ngày nào cũng có tên trên bảng phân công công việc, đảm bảo mỗi ngày đều có thu nhập. Cuối năm thì nhứt định có 1 suất Thiến sĩ (à quên chiến sĩ) thi đua, he he !

-Không đến mức rớt tốt nghiệp trung học và cũng vào được đại học như ai, nhưng cái sự học hết sức làng nhàng, đại loại chơi nhiều hơn học. Kiểm tra vài kiến thức cơ bản nhất cũng ú ớ. Học cái nghề đòi hỏi đọc nhiều, đi nhiều mà ngại cả đôi thì thôi rồi. Thế nhưng con đường vào nghề từ thực tập cho đến đi làm cứ như trải lụa nhờ bố làm quan to. Đi dù làm cả năm trời vẫn không phân biệt nổi đâu là HĐND (Hội đồng nhân dân), đâu là UBND (Ùy ban nhân dân) nhưng tuyệt đối, không ai phê nàng câu nào cả, mà có khi ngược lại, uy lực của những bữa tiệc chiêu đãi và chức của bố nàng đã thực sự "xoay được ngòi bút biên tập" !

Thôi, tôi kể tới đây thế thôi. Kẻo kể nữa hết đêm. Túm lại, sếp nào thì lính ấy, rau nào sâu ấy. "Người trên ở chẳng thật thà/để cho kẻ dưới ra ma cả đoàn".

Nhưng cuối cùng chúng mình chịu chung cái ngu của chúng nó

Báo chí có nghĩa vụ cung cấp tin tức trung thực, khách quan và nhiều chiều, do đó nó được tôn trọng, là tiếng nói phản biện của xã hội. Thông qua báo chí, người dân tạo ra đối trọng với hệ thống chính quyền và những nhóm lợi ích chủ yếu đang điều hành những lĩnh vực riêng lẻ, để hướng đến sự hài hòa. Thông qua báo chí, các chính sách tác động đến nhiều người được soi xét và chỉnh sửa để phù hợp nhất với cộng đồng.

Trong quá trình quản trị nhà nước, chính quyền nhờ báo chí mà kịp thời nhận biết phản ứng của người dân cả trước khi, trong khi và sau khi ban hành chính sách. Báo chí phải độc lập và tiên phong, kiến tạo diễn đàn trung lập để xã hội hướng đến những giá trị chung, đề ra những nguyên tắc và luật lệ chung.

Không có báo chí, xã hội không thể phát triển và tiến bộ.

Thế cho nên các sản phẩm báo chí sai lỗi hoặc méo mó, tệ hại… gây ra nhiều tác hại cho xã hội hơn là chỉ tạo ra một tiếng cười hoặc một cái bĩu môi chê cười. Vì nó khiến người mới vào nghề hiểu sai lệch về chuẩn mực và giá trị của nghề báo, do đó tiếp tục tạo ra những thế hệ và sản phẩm báo chí sai lỗi và méo mó. Khi điều đó diễn ra đủ lâu, báo chí bị xã hội khinh miệt và quay lưng.

Nhưng, một khi tiếng nói phản biện bị biến dạng và đánh mất giá trị, cái giá mà cả xã hội phải trả, không trừ một ai, là nhiễu loạn thông tin và thiếu hụt một phương cách phổ quát nhất để tìm biết sự thật.

Trần Hòa

Nguồn : RFA, 11/07/2019

Published in Diễn đàn

"Nhỏ không học lớn đi làm báo", học vấn thì "ba môn 9 điểm" (ba môn thi đại học cộng lại chỉ 9 điểm, trung bình một môn ba điểm), "đếm tầng",

baochi1

Báo chí Nhà nước - Hình minh họa. AFP

Chỉ trong khoảng ba năm gần đây, làng báo Việt Nam mới bị xã hội gán cho những cái tên như vậy. Của đáng tội, tuy không đúng với tất cả mọi tờ báo, mọi nhà báo, nhưng trên bình diện chung, nó lại… hợp lý quá thể.

Thời suy thoái của báo chí Việt Nam bắt đầu từ lúc nào và vì sao ?

Từng một thời vàng son

Những nhà báo chân chính gạo cội đều có thể kể vanh vách trong suốt mấy chục năm từ 1975 cho đến cách đây mới độ năm bảy năm, làng báo Việt Nam đã từng có thể tự hào vì những tiếng nói phản biện xã hội khách quan và mạnh mẽ. Làng báo lúc đó có thể gọi là "trăm hoa đua nở".

Báo Thanh Niên từng có loạt bài điều tra vạch mặt tập đoàn tội ác Năm Cam và những quan chức cỡ đại đứng sau bao che, cấu kết các hoạt động kinh doanh phi pháp.

Báo Tuổi Trẻ ghi dấu từ thời bao cấp với bài về chàng thủ khoa không được đi học Đại học vì lý lịch "xấu" (cha là sĩ quan Việt Nam Cộng hòa), khởi đầu cho sự tham gia mạnh mẽ của báo chí góp phần thay đổi xã hội.

baochi2

Hình minh họa. Một người dân đọc báo Tuổi Trẻ - AFP

Lao động hùng cứ thị trường với sở trường phóng sự hay và lạ ở khắp mọi miền.

Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh một mình một chợ với thành công biến lĩnh vực hàn lâm và khó hiểu như pháp luật thành diễn đàn sinh động, đa dạng và phong phú. Đó là tờ báo có những loạt bài viết tiên phong và hàng đầu cả nước trong việc giải thích và hỗ trợ hành chính công, chính quyền đô thị, giải oan, phản biện chính sách trong lĩnh vực hành chính công, điều tra, truy tố, xét xử.

Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh một thời cần sắc sảo có sắc sảo với những loạt bài chống tiêu cực, cần lãng mạn bay bổng có lãng mạn bay bổng, với những loạt phóng sự gia đình tinh tế.

Báo Đầu tư là cánh cửa lớn mở ra thế giới, một thử nghiệm phong cách làm báo tây ở ta với những bài viết ngắn gọn súc tích, dễ hiểu, giàu thông tin, luôn có dẫn chứng bằng con số. Một nét đặc biệt của họ là dùng rất nhiều biểu đồ, hầu như tin bài quan trọng nào cũng có biểu đồ và phân tích con số đi kèm. Đầu tư đã tạo ra một cách làm báo khoa học, giàu thông tin và khách quan cho cả làng báo tài chính và số liệu bấy giờ.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn uyên thâm và giàu kiến thức chuyên ngành dưới những ngòi bút sinh động, tờ tuần báo nội dung đậm đặc đến nỗi muốn đọc hết phải mất vài ngày.

Sài Gòn Tiếp thị là cẩm nang về tiêu dùng, cung cấp dồi dào thông tin và nhận định về thị trường và tiêu dùng, mà bất cứ ai muốn mua sắm đều cần đọc tham khảo.

Công an Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số lượng phát hành trong thị trường với con số có lúc lên tới vài triệu bản/kỳ, lương + nhuận bút của người trong báo tính bằng cây vàng.

Ngoài những phóng sự nhanh nhạy và hấp dẫn từ về hoạt động tội phạm và của ngành công an, quá trình điều tra các vụ án lớn, Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn bắt rất kịp nhu cầu được biết để tự bảo vệ của người dân bằng trang tin cuối, dày đặc các tin nhỏ cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo mới nhất.

Trong lứa tuổi thiếu niên có Mực tím, với bút nhóm Vòm me xanh một thời quy tụ các cây bút học trò trong trẻo và đa dạng, đặc biệt ngôi sao sáng chói Hoa học trò từng in không kịp bán ở các sạp báo, ai muốn đọc đều đặn thì không cách nào khác là phải đặt mua dài hạn.

Có thể nói báo chí "cách mạng" Việt Nam từng có một thời hoàng kim đáng tự hào.

Những cái tên kể trên đều là hàng đầu trong lĩnh vực và đối tượng bạn đọc của mình, không lẫn vào ai.

Một gia đình thành thị lúc đó phân bổ hẳn ngân sách đọc báo, gồm Thanh Niên/Tuổi Trẻ/Lao Động… cho đàn ông, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho mẹ, vợ, con gái lớn. Trẻ con có Nhi đồng, Mực tím, Hoa học trò theo từng lứa tuổi. Sài gòn Tiếp thị cho cả gia đình. Còn bất cứ ai học luật, làm luật hoặc yêu thích, hay dính vào vụ việc muốn tìm hiểu luật thì không thể thiếu báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Doanh nhân thì phải có Đầu tư.

Cả đời chưa viết cái tin, đùng phát làm tổng biên tập

Cuối thời hoàng kim đó xuất hiện những dấu hiệu báo trước sự suy thoái từ nhiều phía, khi Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đưa một người chưa từng làm báo là ông Phạm Đức Hải, đang là Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh về giữ chức Tổng biên tập báo Tuổi trẻ. Ngay sau 5 năm giữ chức của ông Hải là một nhân vật khác, ông Tăng Hữu Phong, vốn là Phó Bí thư Thành Đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai nhân vật này đều chưa từng một ngày làm báo, chưa hề biết làm báo là phải làm những gì.

Bấy giờ, cả làng báo xôn xao bàng hoàng. Những nhà báo già dặn với nghề không thể hình dung một người không có chút hiểu biết nào về chuyên môn lại có thể chỉ đạo cho họ phải thực hiện một phóng sự, một bài phỏng vấn, một bài bình luận… Đặc biệt nhất là, ông tổng biên tập quyền lực lại từ những nơi đặt thói quen chấp hành cấp trên làm tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất, về làm đầu não một nơi mà giá trị cốt lõi là tự do và phản biện.

Nghe đâu sau một thời gian làm tổng biên tập, đối đầu với những công việc chuyên môn cụ thể, ông Hải không chịu nổi mà phải than một câu công khai "Hồi làm thành ủy lương tôi vẫn vậy mà công việc khỏe hơn nhiều, giờ ở đây áp lực quá" (nói chơi vậy, chứ làm Tuyên giáo Thành ủy sao có thể so với những khoản phụ cấp hậu hĩ của Tuổi Trẻ-một tờ báo giàu).

baochi3

Ông Phạm Đức Hải, nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi Trẻ, giờ là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đang phát biểu tại một cuộc họpCourtesy of daibieunhandan.vn

Thế nhưng việc kiên trì cài cắm những nhân tố phi báo chí vào bộ máy lãnh đạo các tờ báo hàng đầu đã chứng tỏ tác dụng. Gần 10 năm lãnh đạo của hai ông Hải và Phong đã tuyệt đối thành công trong việc kéo tụt tờ báo vốn được đánh giá là nhật báo hàng đầu Việt Nam thành cái bóng già cỗi và nhợt nhạt của chính nó. Dưới sự nắm quyền của họ, sự phản kháng của những người làm chuyên môn dần mệt mỏi, bị bẻ gãy. Tờ báo chuyển hướng rõ rệt từ tiếng nói phản biện mạnh mẽ thành nhạt nhòa nhưng nhiều lúc lại cực đoan đến phản báo chí.

Ở tờ Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh cũng vậy. Khoảng năm 2012, một trưởng phòng ở Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh được đưa về làm phó Tổng biên tập báo. Đây thực chất là cuộc luân chuyển cán bộ, đảo vị trí và lĩnh vực công tác trước khi được nâng lên vị trí lãnh đạo mới. May mắn hơn so với Tuổi Trẻ, các vấn đề nội dung của báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh nặng chuyên môn hơn, bộ máy lãnh đạo cũng gọn nhẹ hơn nên vị phó tổng mới nhanh chóng bộc lộ tất cả điểm yếu về mặt này trước đội ngũ tòa soạn. Kết thúc giống nhau là anh em làng báo nhanh chóng xem họ như người vô hình, và họ trở về nơi công tác cũ rồi lên chức.

Vài năm làm tổng biên tập, tiêu diệt xong tờ báo

Không thể bỏ qua tác động mạnh mẽ của làn sóng báo điện tử khiến lượng phát hành các báo giấy nói chung con số tụt giảm thê thảm, nhưng nhiều năm trời dưới sự lãnh đạo của những cá nhân ngồi nhầm ghế như vừa nói là một trong những nguyên nhân khiến các tờ báo tụt lùi, chậm trễ hẳn so với chính nó và so với thị trường.

Một cuộc họp giao ban trong tòa soạn thường diễn ra như thế này : phóng viên và các ban nêu các vấn đề đang được quan tâm trong lĩnh vực họ phụ trách. Có những vấn đề nếu là người không có chuyên môn hoặc chuyên môn không đủ giỏi sẽ cực kỳ bối rối. Giả như Phóng viên vừa điều tra xong một vụ quan trọng và các nơi đang bắt đầu can thiệp, nhờ hoặc ép buộc dừng đăng, gỡ bài. Tiếp tục đăng hay dừng, gỡ hay để nguyên ? Lấy lý do nào trả lời khi bị can thiệp mà không bị mất đi mối quan hệ ? Nếu gặp những áp lực lớn hơn thì sẽ làm gì ? Đó là những câu hỏi mà các nhà báo phụ trách lĩnh vực có thể trả lời lập tức, nhưng quyết định lại ở tổng biên tập. Nói cách khác, tổng biên tập chính là nhạc trưởng của một dàn nhạc lớn. Các nhạc công là người chơi giỏi nhất bản nhạc, nhưng nhạc trưởng phải là người giỏi hơn hết tất cả về sự phối hợp giữa chúng.

Vậy mà những tờ báo một thời đình đám Việt Nam đã phải đón những vị "nhạc trưởng" mà nốt nhạc bẻ đôi cũng không biết như thế.

Trần Hòa

Nguồn : RFA, 08/07/2019

Published in Diễn đàn

Tao chỉ làm báo, không phải làm "báo cách mạng"

Trần Hoa, RFA, 01/07/2019

Tuần trước, có những nhà báo nghe người ta chúc mừng "Ngày nhà báo Cách mạng Việt Nam 21/6" thì hờ hững : "Không phải ngày của tao. Tao chỉ làm báo đúng cái nghĩa của nó. Không phải làm báo chí cách mạng".

bao1

Các tờ báo của Việt Nam ở một sạp báo tại Hà Nội hôm 28/2/2019 - Hình minh họa. AP

Một nhà báo kỳ cựu, hiện đã chuyển sang làm trong một cơ quan chính quyền tại Hà Nội thì nói rất khéo léo : "Nếu nói ngày kỷ niệm của báo chí Việt Nam thì phải từ rất lâu, chứ không phải chỉ 94 năm, mà cũng không phải ngày 21/6".

Mỗi năm, đến ngày "giỗ ngành", các cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, đối tác, celebs… lại gửi vô số lẵng hoa đến các báo. Những tờ báo lâu năm ở phía Nam như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Pháp luật Thành phố, ở phía Bắc như Lao Động, Tiền Phong, Phụ nữ Việt Nam… số lẵng hoa phải tính hàng trăm. Các "siêu báo" Nhân Dân, Quân đội nhân dân, hay các báo được khoác "Tiếng nói của nhân dân" như Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Sài Gòn Giải phóng, Hà Nội mới… phải cả ngàn.

Hơn 900 đơn vị báo chí "cách mạng"

Cũng như nhiều câu chuyện khác về văn hóa, lối sống, có một thứ phân biệt ngầm nhưng rõ rệt giữa làng báo miền Bắc và miền Nam, cũng như báo chính thống và báo tư nhân, hay "báo chí cách mạng" và "phi cách mạng"

Ở miền Bắc, số lượng tòa soạn báo dày đặc. Theo viện dẫn trên báo chí, ông Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương trình bày tại hội nghị báo chí toàn quốc vào tháng 12/2018 thì cả nước hiện có 844 cơ quan báo chí in với 184 báo in, 660 tạp chí và 67 đài Phát thanh, Truyền hình. Ngoài ra còn có 24 cơ quan báo chí điện tử độc lập và 189 giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp được cấp cho các cơ quan báo chí in, phát thanh, truyền hình, 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh truyền hình trả tiền.

VIETNAM-POLITICS-MEDIA-PROPAGANDA

Một người bán báo ở Hà Nội hôm 10/01/2013 - Hình minh họa. AFP

Nghĩa là tính sơ có hơn 900 đơn vị báo chí thuộc dòng "Cách mạng" (trừ các tờ báo điện tử độc lập).

Đó là các tờ báo/tạp chí trực thuộc cơ quan trung ương, đảng bộ các địa phương (mỗi địa phương đều có một tờ mang tên địa phương, như Sài Gòn giải phóng là thuộc Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh), các bộ ngành, các hội, hiệp hội…

Do quy định phải đặt trụ sở tại nơi hoạt động của cơ quan chủ quản, các tờ báo này dày đặc ở Hà Nội. Tuy vậy, ngoài một số rất ít trên đầu ngón tay các tờ báo có công chúng, có bán ra thị trường (ví dụ Sài Gòn giải phóng, Lao Động, Tiền Phong…) thì tuyệt đại đa số các báo còn lại sống bằng nguồn sữa rót từ cơ quan chủ quản và nguồn kiếm quảng cáo từ doanh nghiệp trong ngành. Có những cái tên mà cả đời người làm báo, nếu không vì tò mò đi xem danh sách báo chí Việt Nam thì chắc không bao giờ biết đến. Ví dụ như Tạp chí Xây dựng đời sống văn hóa (Cục Văn hóa-Thông tin cơ sở, nơi có bà cục trưởng vừa nổi tiếng với phát ngôn "chữ lon nếu chềnh ềnh trên các bảng quảng cáo ngoài trời thì nhạy cảm lắm", chẳng hạn.

Những tờ báo "cách mạng" được ngân sách nhà nước chi trả và phải thực hiện chức năng tuyên truyền cho chính sách của Đảng và Nhà nước.

Báo chí "phi cách mạng"

Những tờ báo độc lập (một cách hết sức tương đối) còn lại vô cùng ít ỏi, với những cái tên quen thuộc với người đọc báo, như Thanh Niên, Tuổi trẻ, Pháp luật, Lao động, Đại Đoàn kết (thời trước), Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền phong, Mực tím, …

Những tờ này sống bằng nguồn thu độc lập, từ bán báo, quảng cáo và các hoạt động kinh doanh hợp pháp.

Bên cạnh hệ thống èo uột và ký sinh của báo chí nhà nước (cách mạng), là sự phát triển rầm rộ của báo chí tư nhân (phi cách mạng) trong những hệ thống đa dạng và linh hoạt. Mặc dù vẫn phải núp dưới những cái bóng của báo chí nhà nước thì mới có giấy phép hợp pháp để xuất bản, nhưng về bản chất, họ là những tờ báo tư nhân thực sự. Đó là các địa chỉ quen thuộc với người đọc như VnExpress, Zing, Vietnamnet, 24h (chuyên thể thao, giải trí), Kênh 14 (dành cho giới trẻ)…

Hệ thống báo chí tư nhân thường không có không khí đấu đá giữa các nhân sự để giành quyền lực và quyền lợi, vì mọi thứ đó đều của chủ đầu tư. Họ cũng không đi đầu trong các đề tài đấu tranh chống tham nhũng tiêu cực vì dưới chế độ kiểm duyệt báo chí, điều đó thiếu an toàn. Nhưng trong tất cả các lĩnh vực còn lại như tin tức thời sự nói chung, kinh tế, tài chính, giáo dục, thể thao, giải trí, các tờ báo chính thống phải thừa nhận sự yếu thế thấy rõ của mình. Từ đời sống, khoa học, kinh tế, xã hội đến thể thao, giải trí hay dành riêng cho một nhóm/một độ tuổi người đọc, tất cả báo chính thống đều phải xếp sau báo chí tư nhân.

Báo chí tư nhân cũng luôn tiên phong trong đầu tư những công nghệ báo chí mới.

bao3

Các nhà báo bên ngoài khách sạn Melia ở Hà Nội để đưa tin về Thượng đỉnh Mỹ - Bắc Hàn hôm 28/2/2019. Hình minh họa. AFP

Cách đây khoảng ba năm, các định dạng báo chí hiện đại nhất như Emagazine, Photo Graphic lần đầu tiên xuất hiện trên Kênh 14, khởi đầu trào lưu này cho tất cả các tờ báo còn lại. Hài hước là nhiều năm trước, chính trang tin này từng bị mệnh danh là "Mương 14" do đăng tải nhiều nội dung lá cải nhảm nhí.

Ở hiện tại, sự đầu tư mỹ thuật và thiết kế, cùng với nội dung (cho một số ít sản phẩm) của tờ báo này vẫn dẫn đầu làng báo Việt Nam. Thật là một thông tin hết sức ngạc nhiên và đáng suy ngẫm. Đáng ngạc nhiên hơn nữa là một số bài báo của "Mương" lại được thực hiện rất công phu, sáng tạo và giàu tính nhân văn hơn hẳn nhiều tờ báo "đàn anh", "đàn chị" và "chính thống" khác.

Một tờ báo cách tân khác cũng có lõi tư nhân là VietnamPlus, khi mới ra đời từng rất được tán thưởng vì tính mới mẻ và sáng tạo trong chọn lọc thông tin, đã được giải của Hiệp hội Các nhật báo và nhà xuất bản tin tức thế giới với bản tin Rap News (điểm tin tức bằng hình thức đọc Rap). Nhưng sau khi người chủ thực sự cũng là linh hồn của nó là ông Lê Quốc Minh được cất nhắc lên Phó tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam thì VietnamPlus biến dạng thành một tờ báo thông tấn, nghèo nàn, nhàm chán và một màu hệt như hằng hà sa số các tờ báo "cách mạng" khác.

Cái lõi khác nhau quy định cách ăn mừng ngày "báo chí cách mạng 21/6" cũng khác nhau ở phía Bắc và phía Nam.

Trần Hoa

Nguồn : RFA, 01/07/2019

***********************

"Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à ?"

Trần Hoa, RFA, 01/07/2019

Phía Bắc, nơi những cơ quan ban ngành vẫn xác định "báo chí là công cụ", sự ăn mừng luôn luôn trọng thể, với diễn văn của các nhân vật tai to mặt lớn ca ngợi vai trò lớn lao của báo chí vào công cuộc phát triển xã hội. Đi kèm là các cuộc meeting nội bộ, các cuộc thi nấu ăn, cắm hoa (!), tiệc tùng kèm quà cáp của doanh nghiệp biếu tặng chung và riêng đã diễn ra rầm rộ từ trước đó vài tuần.

bao4

Các nhà báo tác nghiệp ở Việt Nam hôm 12/3/2014 - Hình minh họa. AFP

Ở phía Nam, nó thường chỉ là một bữa tiệc nội bộ hoặc có mời các cộng tác viên thân thiết đến chung vui với những người làm báo ; một số tờ báo tặng anh em thêm một khoản tiền ; thiết thực như vốn dĩ.

Tính cách mạng của những tờ báo được nhà nước nuôi không biết mạnh mẽ đến thế nào, nhưng có một câu chuyện từng lan tỏa trong giới báo chí (cả báo chí lẫn báo… chó, như cách anh em làm báo tự giễu cợt về ngành mình) ở Hà Nội nhiều năm trước đây. Nó như sau : một tòa soạn báo ngành, khoảng 6 tháng không có tiền trả nhuận bút cho anh em. Các cô phóng viên trẻ dở khóc kêu lên phó tổng biên tập thì được trả lời : "Chúng mày trẻ trung xinh đẹp thế này mà phải sống bằng nhuận bút à ?"

Những hợp đồng đổi chác

Câu chuyện này có thật và rất phổ biến ở báo chí phía Bắc. Thậm chí trong nhiều tờ báo ngành, nó trở thành một quy định, đó là phóng viên phải hoàn thành chỉ tiêu chạy quảng cáo bên cạnh nội dung tin bài.

Nghĩa là bằng cách nào đó tòa soạn không cần biết, những người làm báo phải mang được về cho tòa soạn những hợp đồng quảng cáo trên báo. Họ sẽ được hưởng hoa hồng, có khi lên đến 35% giá trị hợp đồng, bù lại, tòa soạn có nguồn tiền đó để "hoạt động".

bao5

Các nhà báo nói chuyện trong văn phòng báo Tuổi Trẻ ở Hà Nội hôm 17/7/2018 - Hình minh họa. Reuters

Những cô gái trẻ trung, xinh đẹp thì mới dễ chiếm được cảm tình của những người đàn ông làm trưởng phòng truyền thông, marketting, giám đốc của các doanh nghiệp, nhờ đó lôi kéo được họ ký hợp đồng quảng cáo với báo. Hiệu quả của việc quảng cáo trên những tờ báo này là yếu tố phụ, thậm chí vô nghĩa. Người đi chạy quảng cáo chỉ có một động cơ kiếm được tiền càng nhiều càng tốt. Nững người có quyền quyết định một hợp đồng thì có nhiều lý do hơn : bị đeo bám lẵng nhẵng quá thì ký cho xong để khỏi bị làm phiền ; ký để tạo quan hệ tốt với tờ báo, nhỡ doanh nghiệp có phốt gì thì họ "giơ cao đánh khẽ" (quyền lực thứ tư mà), làm lơ hoặc tốt nhất là bênh vực ; hoặc, ký vì cũng được chia phần hoa hồng. Có khi cộng thêm chuyện đánh đổi thân xác của những phụ nữ làm quảng cáo.

Câu chuyện ngầm trong làng báo kể trên, bất cứ ai vào nghề lâu năm đều hiểu rành rẽ. Nhưng, nói công khai như anh phó tổng kể trên thì hiếm có-chẳng khác gì so sánh đồng nghiệp của anh với các cô gái bán trôn nuôi miệng.

"Nhà báo đếm tầng"

Trong các tờ báo tư nhân, câu chuyện không đến nỗi trơ trẽn như vậy. Không bị tác động nhiều bởi mục đích là công cụ của ai, họ sử dụng người đúng việc hơn. Bộ phận quảng cáo được tách riêng, nhân sự cũng bao gồm những người được đào tạo đúng ngành marketing, PR để soạn thảo chiến lược PR hay các chiến dịch quảng cáo cho khách hàng. Lợi nhuận là của ông chủ-do đó nó được kiểm soát và quản lý minh bạch hơn. Những người sản xuất content hay nhà báo nếu nhập nhằng quan hệ với khách hàng của tờ báo-công ty vào nội dung bài viết của mình để lấy hoa hồng có thể bị đuổi việc.

Viết đến đây tôi phì cười nhớ lại câu chuyện nhiều năm trước. Một người bạn làm báo kể, trong một cuộc ra mắt sản phẩm mới cùng nhiều doanh nghiệp và các phóng viên kinh tế-thị trường, một doanh nghiệp oang oang kể trên xe là anh ta đã "mua" cô phóng viên thị trường của một tờ báo hàng đầu trong mảng này lúc đó như thế nào. Yêu cầu là trong bài viết phải nhắc tên của doanh nghiệp đó 8 lần. Cô ấy đã hoàn thành xuất sắc "nhiệm vụ".

Tôi đã tìm bài báo đó đọc. Tên doanh nghiệp được nhắc đến, tròn vành rõ chữ, liên tục, trong khi một thủ thuật để khiến bạn đọc không phát ngán mà người làm báo nào cũng biết, đó là dùng các đại từ thay thế. Ví dụ doanh nghiệp A thường chỉ được đầy đủ tên gọi vào hai lần ở đầu và cuối bài, còn phần giữa thường sẽ gọi tắt là "công ty", hay "doanh nghiệp". Nhưng trong bài báo đã nhắc, tên doanh nghiệp A được lặp đi lặp lại dày đặc một cách bất thường.

Có một câu chuyện tương tự đã xảy ra ở một tờ báo tư nhân, động cơ trong sáng hơn nhiều (giúp bạn bè), số tiền cũng gần như không đáng kể. Nhưng nhân sự ấy đã bị đuổi việc. Một biên tập viên lĩnh vực kinh tế trong một tờ báo điện tử lớn, sau khi có những chứng cứ được doanh nghiệp "nuôi" đã bị điều chuyển sang lĩnh vực khác và kiểm soát chặt chẽ.

VIETNAM-JUSTICE-MEDIA-CORRUPTION-VERDICT

Một người đàn ông đọc báo Thanh Niên trước tòa án Nhân dân ở Hà Nội hôm 15/10/2008 - Hình minh họa. AFP

Về lý thuyết, có vô vàn cách để một người làm báo-hoặc làm việc trong tờ báo lợi dụng tiếng tăm và vị trí trên công luận của tờ báo để trục lợi.

Cũng một tờ báo hàng đầu trong lĩnh vực tin tức thời sự, điều tra chống tham nhũng…, đồng nghiệp cùng lĩnh vực công khai kể cho nhau việc một anh PV sau khi viết bài về chính sách bán nhà của công ty bất động sản kia thì được mua một suất căn hộ giảm 40%.

Có những mánh khóe thô thiển hơn (cách đây một năm làng báo Việt Nam sản sinh ra một hình dung từ mới, gọi là bọn "đếm tầng", nghĩa là bọn mang danh nhà báo nhưng công việc chỉ là đi đếm những phần xây dựng vi phạm rồi vòi tiền). So với những thủ đoạn đó, việc yêu cầu doanh nghiệp tài trợ cho một chuyến đi chơi "nhân ngày 21/6" còn được xem là thẳng thắn, chính chuyên hơn nhiều. Mặc dù về bản chất, đó cũng là trục lợi trên danh nghĩa báo chí không khác. Có những "nhà báo" còn huỵch toẹt "doanh nghiệp còn cần mối quan hệ như vậy với tờ báo, cần hơn mình cần họ nhiều".

Thực ra các "nhà báo" kể trên không một tay che trời được đến mức ấy. Trong không ít trường hợp, họ là khâu cuối của một đường dây làm ăn tinh vi, được che chắn bởi quyền lực hoặc tệ hơn là sự thông đồng ngấm ngầm từ những người có quyền lực. Khá nhiều, hoặc rất nhiều trong các tờ báo giàu "tính cách mạng" kể trên là những tờ sục sôi "vặt lông" doanh nghiệp nhất, và vặt trơ trẽn, đểu giả nhất. Nói huỵch toẹt, đó là một thứ sân sau làm nhiệm vụ con buôn tin tức, sống bằng nịnh bợ và hăm dọa.

Những đống rác thối cần vứt bỏ

Đề án sắp xếp báo chí Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng. Nếu thật sự đề án này được thực hiện nghiêm túc, sẽ có ít nhất 1/3 đến một nửa số lượng đầu báo hiện tại bị sáp nhập vào những tờ chính của cơ quan chủ quản (tức là dẹp bỏ).

Những người làm báo "không cách mạng" chẳng mấy băn khoăn, vì từ lâu họ đã làm nghề một cách cạnh tranh và sòng phẳng. Dù chỉ còn lại rất ít nhưng họ là những điểm tựa cuối cùng của công chúng vào một nền báo chí đúng nghĩa. Ở một vài group báo chí tư nhân cũng đã manh nha việc phải thay đổi, phải đầu tư nội dung để sống bằng bán báo (chứ không bán lá cải sỉ nữa). Vâng, quả là tin đáng mừng !

Chỉ thương nhất là hàng ngàn quan chức báo chí đang sống kiểu ký sinh trùng, ngồi mát ăn bát vàng tại đủ các loại phòng ban của hàng trăm tờ báo "cách mạng", và hàng ngàn, nhiều ngàn "nhà báo" thuộc loại nhỏ-không-đi-học-thì-lớn-làm-báo, "đếm tầng", "soi váy", dọa dẫm, bắt chẹt, hoặc biến mình thành làm công cụ cho các doanh nghiệp và các nhóm lợi ích khác nhau. Trong cuộc cạnh tranh dữ dội để sống còn, cùng với sự soi xét của xã hội, chẳng sớm thì muộn họ sẽ bị vạch mặt hoặc vứt bỏ như vứt một đống rác thối.

Nghe những câu "Chúc mừng ngày báo chí Cách mạng", chẳng biết họ có còn đủ lượng xấu hổ trong máu để mà đỏ mặt hay không.

Trần Hoa

Nguồn : RFA, 01/07/2019

Published in Diễn đàn