Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bóc mẽ thế lực chống lưng !

Ngay trong ngày đầu tiên kỳ họp bất thường của Quốc hội khóa XV thì ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được bầu vào ghế Phó Thủ tướng thay cho ông Vũ Đức Đam. Một lần nữa, nhóm lợi ích Hà Tĩnh đã vươn lên một vị trí mới.

tranhongha1

Trần Hồng Hà dụ dân tắm biển độc ăn cá độc - Ảnh minh họa Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà (thứ 3 từ trái sang) cùng thứ trưởng Võ Tuấn Nhân (bìa trái) tắm biển Cửa Việt. Ảnh : Quang Hà.

Ông Trần Hồng Hà lên làm Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường dính khuyết điểm vụ Formosa ngày 9/4/2016,

Tính cho đến hiện tại, ông Hà đã làm Bộ trưởng hơn một nhiệm kỳ, mà cụ thể là 6 năm 271 ngày. Trong suốt thời gian làm Bộ Trưởng, ông trần Hồng Hà đã để cho Đảng bộ Bộ Tài nguyên Môi trường hai lần bị kiểm điểm.

Lần thứ nhất là vào tháng 4/2017, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng đã họp Ban Bí thư xem xét báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị thi hành kỷ luật đối với Tổ chức Đảng và đảng viên (số 74 và 75-BC/UBKTTW, ngày 17/4/2017).

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rằng, "Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhiệm kỳ 2011 – 2016 đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và hậu kiểm, để Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cá nhân có nhiều sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên nước liên quan đến Dự án Formosa Hà Tĩnh, để xảy ra hậu quả rất nghiêm trọng cho môi trường và đời sống của nhân dân ; làm ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội".

Ngày 22/8/2016, biển miền Trung khi đó vẫn chưa được làm sạch các chất độc hại từ Formosa thải ra, thì ông Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, đã xuống tắm ở bãi biển Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Trước đó, đoàn công tác của ông Bộ trưởng đã ăn hải sản ở bãi biển Cửa Việt, để khuyến khích người dân "tắm độc ăn độc". Không ai biết cá mà ông Trần Hồng Hà ăn từ đâu mang đến, tuy nhiên, các chuyên gia phản đối việc dụ dân phải ăn độc uống độc, trong lúc nhà nước không hỗ trợ một đồng nào cho họ.

Lần thứ hai là vào ngày 21/12/2022, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp Kỳ thứ 24, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận Ban Cán sự Đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo để Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số tổ chức, cá nhân có vi phạm, khuyết điểm trong công tác cán bộ ; trong tham mưu, xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về đất đai, tài nguyên, khoáng sản, bảo vệ môi trường ; trong thực hiện một số dự án đầu tư công và trong công tác kiểm tra, thanh tra.

Đấy là hai lần bị kết luận có khuyết điểm, tuy nhiên ông Trần Hồng Hà vẫn lên chức Phó Thủ tướng, là vì sao ? Theo nguồn tin cho chúng tôi biết, hiện nay ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn nâng đỡ nhóm lợi ích Hà Tĩnh. Nhóm lợi ích Hà Tĩnh đang rất mạnh, chỉ sau nhóm lợi ích Nghệ An. Hà Tĩnh có 11 Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 1 Ủy viên Bộ Chính trị và 1 Ủy viên Dự khuyết. Trong 11 người Ủy viên Trung ương Đảng này, có 7 người làm ở Trung ương. Trong đó có ông Trần Cẩm Tú là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ngoài ra, ông Nguyễn Phú Trọng muốn thay thế một người từng học Liên Xô vào vị trí của Phó Thủ tướng Tây học.

Như vậy việc đề cử một ông Bộ trưởng có "khuyết điểm đầy mình" lên làm Phó Thủ tướng mới, thay cho ông Vũ Đức Đam, là để dùng nhóm lợi ích Hà Tĩnh vào Chính phủ ; thứ nhì là để thay thế tầng lớp Tây học đang có mặt trong Chính phủ. Có thể nói, khuyết điểm liên quan đến Formosa không kém cạnh gì vụ Việt Á. Tuy nhiên, Trần Hồng Hà thì được trọng dụng, còn Vũ Đức Đam thì bị đạp cho ra rìa. Chính trị chế độ này là thế, người thay thế cũng chẳng khá gì hơn người bị thay thế. Chỉ có nhóm lợi ích này được, nhóm lợi ích kia mất, tuy nhiên, với dân thì luôn luôn bị mất mát.

Trân Anh (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 09/01/2023

Additional Info

  • Author Trân Anh
Published in Diễn đàn

Vì sao không cho báo chí dự họp về ô nhiễm không khí ?

RFA, 19/12/2019

Bộ Tài nguyên và môi trường vào ngày 19/12/2019 họp với các bộ, ngành, về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút cuộc họp diễn ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bất ngờ mời báo chí ra ngoài. Vì sao không cho báo chí họp về ô nhiễm không khí ?

onhiem1

Bộ Tài nguyên và môi trường vào ngày 19/12/2019 họp với các bộ, ngành, về giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút cuộc họp diễn ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bất ngờ mời báo chí ra ngoài. Courtesy monre.gov.vn

Ô nhiễm không khí có phải bí mật ?

Trả lời RFA hôm 19/12, Tiến sĩ Trần Duy Bình, nguyên Ủy viên ban chấp hành Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nhận định lý do vì sao báo giới không được dự cuộc họp liên ngành về ô nhiễm không khí do Bộ Tài nguyên- Môi trường chủ trì ngày 19 tháng 12 :

"Vừa rồi Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đưa ra giải pháp công khai trên TV rồi, còn chuyện các phóng viên bị đuổi ra ngoài thì Chị chưa biết, nhưng nếu có chuyện đó thì Chị nghĩ cũng không nên, cái này có gì đâu mà bí mật, ô nhiễm không khí thì tất cả người dân phải được biết chứ. Cũng có thể có khía cạnh nào đấy, có thể người ta chưa muốn. Bởi vì thật ra mà nói, nếu số liệu chưa chính xác, hay khi thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau, nếu đưa tin thì có thể người dân hoang mang. Cũng có ý kiến tích cực, nhưng cũng có ý kiến chưa chính xác, Bộ chưa xác nhận được, mà đưa lên báo, mỗi người một nhận thức khác nhau. Tôi nghĩa Bộ Tài nguyên và môi trường cẩn thận thôi".

Theo Tiến sĩ Trần Duy Bình, vấn đề này cũng có nhiều yếu tố nhạy cảm, ảnh hưởng tư tưởng người dân, có thể gây hoang mang. Vì vậy Bộ Tài nguyên và môi trường cân nhắc, đề phòng, chứ để xã hội hoang mang cũng không nên.

Trong khi trước đó vào ngày 14/12/2019, sau nhiều ngày không khí tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc bị báo động ô nhiễm trầm trọng, Bộ Y Tế chính thức đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí. Theo hướng dẫn này, người dân được khuyên thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống, hạn chế ra khỏi nhà.

Tuy nhiên Bộ Tài nguyên và môi trường lại hành xử ngược lại, là mời báo chí ra ngoài khi họp về ô nhiễm không khí.

Thói quen bưng bít thông tin

RFA vào ngày 19/12 cũng liên lạc anh Nguyễn Anh Tuấn, một người hoạt động xã hội tại Hà Nội, và được anh cho biết nhận xét của mình :

"Về việc Bộ Tài nguyên và môi trường họp về ô nhiễm không khí mà mời phóng viên ra ngoài thì mình có nhận xét thế này, kể từ vụ Formosa tới giờ, mình thấy một điểm rất rõ về Bộ Tài nguyên và môi trường, văn hóa của Bộ này không phải là văn hóa minh bạch. Mặc dù luật quy định rất rõ, rất báo cáo đánh giá tác động môi trường, nhưng suốt thời gian qua, Bộ Tài nguyên và môi trường đã không thực hiện đúng quy định đó trong thời gian rất dài, tức đây là sự vi phạm có hệ thống".

Anh Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, đối với cuộc họp về ô nhiễm không khí, là vấn đề đang nhức nhối hiện nay ở Việt Nam, lại một lần nữa chứng tỏ thói quen, văn hóa bưng bít thông tin của Bộ Tài nguyên và môi trường.

onhiem2

Thành phố Hà Nội, ảnh minh họa. Courtesy monre.gov.vn

Truyền thông trong nước loan tin hôm 13/12 cho biết, ứng dụng quan trắc PAM Air cho thấy AQI tại nhiều điểm trên địa bàn Thủ đô Hà Nội đều vượt mức 200, tức rất nguy hại cho sức khỏe.

Trong khi đó, ứng dụng AirVisual hôm 13/12 cũng xếp Hà Nội bị ô nhiễm không khí nhất thế giới với điểm AQI 316. Chất lượng không khí tại Tây Hồ bị xác nhận ô nhiễm nhất với điểm số cao đặc biệt 405.

Tuy nhiên khi đó, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường) vẫn chưa có thông báo hay khuyến cáo liên quan.

Một người từng làm trong ngành truyền thông, nay sinh sống ở Hà Nội, anh Nguyễn Văn Khánh, chia sẻ với RFA một thực tế mà anh từng trải nghiệm trong quá trình tác nghiệp báo chí cũng như làm việc trong cơ quan nhà nước :

"Tôi từng làm báo ở báo Tiền Phong, ở Ban Khoa giáo từ năm 2012 đến 2017. Thực tế các Bộ và các cơ quan thuộc chính phủ, hay xã huyện thông thường khi mời họp báo họ chỉ muốn phát biểu 1 chiều, chỉ muốn đọc như thông cáo, còn báo chí hỏi thì họ thường trả lời rất chung chung, quanh co, hoặc họ nói sẽ trả lời bằng văn bản. Cho nên việc Bộ Tài nguyên và môi trường mời báo chí ra ngoài là không có gì lạ. Chúng tôi từng họp báo ở Bộ Giao thông và vận tải, họ không cho phóng viên hỏi gì, chỉ ngồi nghe, rồi họ phát cho thông cáo báo chí rồi họ mời về…".

Theo anh Khánh, việc mời phóng viên ra ngoài trong buổi họp báo dù bất kỳ lý do gì cũng vi phạm luật báo chí 2013 ; thế nhưng chuyện này không có gì lạ ở Việt Nam.

Hệ lụy của việc thiếu minh bạch

Cho đến ngày 14/12, Tổng cục Môi trường - Bộ Tài nguyên và môi trường công bố thông tin cho thấy ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong cả tuần qua, từ ngày 7/12 đến 13/12 có xu hướng tăng lên so với tuần trước đó.

Theo chỉ số được công bố, trong các ngày 10/12 đến ngày 13/12, chỉ số chất lượng không khí (AIQ) ngày tại Hà Nội đã chạm ngưỡng rất xấu.

Trong khi trước đó, khi người dân và các chuyên gia cảnh báo báo ô nhiễm nghiêm trọng thì cơ quan chức năng thường cho rằng vẫn an toàn.

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Trần Duy Bình, nhận định :

"Ô nhiễm không khí ở Hà Nội thì do nhiều nguyên nhân, trong đó người dân gây ô nhiễm cũng nhiều như đốt than tổ ong, đốt trên đồng ruộng, chở vật liệu xây dựng… Đó cũng là những yếu tố gây ô nhiễm thêm. Nhà nước cũng đang cố gắng, nhưng cố gắng như thế nào ? Thứ nhất là người dân phải nghiêm chỉnh chấp hành cho ô nhiễm giảm đi. Nhà nước cũng rất quan tâm nhưng không biết làm thế nào cả (!?)…

Tiến sĩ Trần Duy Bình cho biết, người dân bây giờ ra đường cũng chỉ biết phòng hộ cho mình, như đeo khẩu trang. Theo bà, để giải quyết chuyện này, cần phải có giải pháp đồng bộ, chứ nếu không tình hình ô nhiễm sẽ kéo dài.

Theo anh Nguyễn Anh Tuấn, chuyện có những đánh giá khác nhau về ô nhiễm không khí thì cũng không lạ gì với Bộ Tài nguyên và môi trường :

"Tôi vẫn còn nhớ khi xảy ra thảm họa Formosa, thì cũng chính Bộ Tài nguyên và môi trường họp báo đưa ra nguyên nhân do tảo nở hoa hay thủy triều đỏ gì đấy… và cuối cùng sự thật như thế nào mọi người đều biết. Như vậy đánh giá ban đầu của bộ này là dối trá".

Là một người đang sống ở Hà Nội, Anh Tuấn cho biết, không cần máy đo chất lượng không khí, cơ thể anh đã cảm nhận không khí ô nhiễm hết sức rõ nét. Anh so sánh y ô nhiễm gần như tương đương khi Anh sang thăm Bắc Kinh vào năm 2014.

Còn Anh Khánh thì cho rằng, cơ quan chức năng rất sợ minh bạch, vì nếu minh bạch, sẽ phải chỉ ra đâu là nguyên nhân. Việc tàn phá rừng, nhập máy móc, công nghệ lạc hâu, sử dụng nhiên liệu hóa thạch tràn lan trong sản xuất điện, thép... là những nguyên nhân cốt lõi cho vấn đề ô nhiễm trầm trọng hiện nay.

*******************

Bộ trưởng bưng bít

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 19/12/2019

Chẳng có gì bất ngờ trước việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà mời báo chí rời khỏi phòng họp về ô nhiễm không khí hôm nay, bởi cũng chính vị bộ trưởng bưng bít này đã từng :

botruong1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mời báo chí ra khỏi cuộc họp vì lo ảnh hưởng đến tâm lý của các đại biểu - Ảnh Lê Quân (Thanh Niên)

- Giấu nhẹm nguyên nhân cá chết trong thảm họa Formosa bằng một lý do không thể buồn cười hơn là thủy triều đỏ (tảo nở hoa) [1] ;

- Làm trái Luật Bảo vệ Môi trường 2014 một cách có hệ thống khi kiên quyết không công khai các Báo cáo Đánh giá Tác động môi trường nhằm vô hiệu hóa quyền giám sát của người dân và báo chí [2] ;

- Cùng một lúc vi phạm Luật Tiếp cận Thông tin 2016 lẫn Luật Tiếp Công dân 2013 khi chẳng những không trả lời đơn thư của hàng ngàn công dân đòi hỏi công khai Tác động môi trường của dự án Tam Đảo II (Sun Group) theo luật định mà còn phớt lờ yêu cầu tương tự của báo Phụ nữ - là một cơ quan báo chí nhà nước [3] ;

- Công thức vận hành của Bộ Tài nguyên và môi trường đã dần hiện rõ : Đầu tiên họ giấu nhẹm những bản Tác động môi trường để các dự án gây ô nhiễm môi trường thoát khỏi tầm giám sát của báo chí và công chúng, dễ dàng đi vào hoạt động ; đến khi các dự án này gây ô nhiễm thực sự khiến người dân giận dữ thì họ bày trò họp bàn tìm nguyên nhân, giải pháp song lại ngăn cấm báo chí để không thể truy vấn đến cùng nguyên nhân của mọi nguyên nhân nằm ở sự bưng bít thông tin của họ.

Giải pháp của vấn đề ô nhiễm môi trường đầu tiên phải là minh bạch thông tin, để quy trình Tác động môi trường dưới tai mắt nhân dân và báo chí thực sự thành một chốt chặn thể chế ngăn các dự án ô nhiễm từ ngay trong trứng nước.

Mà muốn thế thì việc đầu tiên cần làm là bộ trưởng bưng bít Trần Hồng Hà cần phải ra đi.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 19/12/2019 ' nguyenanhtuan's blog)

---
[1] 
https://tuoitre.vn/phong-ve/hop-bao-nguyen-nhan-ca-chet-chua-thay-moi-lien-he-voi-formosa-1091707.htm

[2] [3] https://tuoitre.vn/phong-ve/hop-bao-nguyen-nhan-ca-chet-chua-thay-moi-lien-he-voi-formosa-1091707.htm

Additional Info

  • Author Nguyễn Anh Tuấn
Published in Diễn đàn