Cám ơn tác giả Trúc Giang đã đưa "công nghệ giáo dục" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại ra công luận qua bài viết "Luật giáo dục để làm gì ?" đăng trên Việt Nam Thời báo số ra ngày 4/9/2018 .
Sách tiếng Việt thực nghiệm công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại
Là một giáo viên trải qua cả 2 thời kỳ trước và sau 1975. Tôi chỉ học Sư Phạm, chuyên lo đứng lớp dạy học, nên về hành chánh : "pháp quy giữa luật và giáo dục", tôi không rành lắm. Phạm vi bài viết này, tôi xin được nêu lên vài hệ lụy của cái goi là Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại. Mong sao qua đó, rút ra được một lời giải đáp mà tác giả Trúc Giang đã nêu đặt trong bài viết : vi phạm luật giáo dục sao không xử lý ?
Trong số 29 chữ cái chuẩn (trừ ô, ơ, ư, ê, ô, ơ), không phải chỉ dùng để ghép lại thành chữ, thành câu văn... mà còn được các ngành khoa học cơ bản sử dụng để mã hóa thành các ký hiệu phục vụ cho bộ môn. Do vậy, càng giàu âm tiết càng tiện lợi trong diễn đạt nội dung khoa học, C, K, Q phát đủ 3 âm xê, ca, quy. Nay cả 3 C, K, Q chỉ được đọc chung là" Cờ" ; D, R, Gi chỉ được đọc chung là zờ , có thể dẫn đến hậu quả, khi lên cấp 2, các cháu sẽ gặp khó khăn khi phải hoc các môn toán đại số, hình học, vật lý, hóa học,…
Một là, ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Hóa : giáo viên đọc kali (kalium), học sinh sẽ viết là cali ; giáo viên viết Calci (calcium), học sinh đọc là calki ! Hai từ kali và calci thuộc đa âm poliphonique, nếu giáo viên viết một nguyên tố đơn âm monophonique như Cu, hoc sinh sẽ rối trí đọc là cờ-u hoặc là cu !
Hai là, ảnh hưởng đến môn đại số : Cho một đẳng thức C/K=C/Q, suy ra KQ=CC, học sinh sẽ đọc là cờ trên cờ bằng cờ trên cờ bằng cờ cờ.../ Bình phương của tổng (K+Q), hằng đẳng thức cho ra : cờ bình phương + cờ bình phương + 2 lần cờ cờ.../ Tích của 2 tổng (C+K)(Q+K) = K(C+Q). Học sinh sẽ đọc vanh vanh : cờ cộng cờ nhân với cờ cộng cờ bằng cờ nhân với cờ cộng cờ. Nếu viết lại những gì học sinh vừa đọc sẽ ra như thế này : (C+C)(C+C)= C(C+C). Rối trí rối loạn cả !
Ba là, ảnh hưởng đến môn hình học : Để học sinh không nhầm lẫn, giáo viên phải vất vả đọc thế này : Cho tam giác a bờ cờ, "cờ xê" nghe các con ! Vẽ đường cao a cờ, "cờ ca" (k) nghe các con và trung truyến a cờ, "cờ cu" nghe các con ! Cuối cùng như đã thấy, giáo viên luôn phải nhắc học sinh cờ ca là K, và cờ cu là Q, như vậy giáo viên lại phải cầu cứu cách đọc truyền thống !
Việc "cầu cứu" này thực tế đã xảy ra, cô giáo phải "lén lén" dạy ráp vần truyền thống, giúp hoc trò của mình mau biết đọc kịp lên lớp 2, không bị mang tiếng "ngồi nhầm lớp" vì chưa biết đọc !
Vào năm 2017, tôi có dịp gặp lại các cô cậu hoc trò rất cũ của mình, trong vài cuộc hội thảo về "cải cách giáo duc tổng thể", được dịp bày tỏ băn khoăn về công nghệ giáo dục, các cô cậu ấy lạc quan khuyên tôi : "Đừng lo thầy ơi ! khi lên lớp 4 lớp 5, hay lớp 8 lớp 9, học trò "công nghệ" quay trở lại đọc CKQ, DRGi theo truyền thống như thường lệ ! Do các gv nhắc nhở để khai thông việc giảng dạy các môn TLH".
Hèn chi, học sinh "công nghệ" hồi lớp 1, khi lên trung học, vẫn đổ Tú Tài rồi lên đại học hay đi du học vẫn là chuyện bình thường ! Không thể lấy chuyện bình thương ấy làm cái phao cứu sinh cho Công nghệ giáo dục đang bị dư luận xã hội lên án và tẩy chay !.
"Công nghệ giáo dục" không thể nào đánh vần được chữ QUA : Q=Cờ nên QUA phải đọc là CUA (con cua) / vì"u" đi vớ a phải đọc là ua không thể đọc là oa được dù là truyền thống hay "công nghệ". Chỗ này Giáo sư Hồ Ngọc Đại không tài nào vượt qua được, buộc phải ép ua thành oa để đọc được chữ QUA (qua cầu), không thành cua cầu. Điều này rất hại não bởi sự nhồi nhét, o ép này cứ lặp đi lặp lại khiến học sinh mang một vết sẹo vĩnh hằng trong não : Con quạ các cháu đọc thành con cụa, con cua thành con coa, kính thưa thành kính thoa, mua bán lúa gạo thành "moa bán lóa gạo".
Xã hội có quyền lo ngại, cải cách của Bùi Hiền, cộng hưởng với "công nghệ" của Giáo sư Hồ Ngọc Đại sẽ đẩy con cháu của chúng ta vào con đường mù với quá khứ và ngọng nghiệu với hiện tại lẫn tương lai.
Chữ Quốc ngữ, trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, đã được nhuần gội, sàng lọc miệt mài, từ con chữ, cách phát âm, cách đánh vần, cách viết thành văn, rõ ràng, trong sáng. Do vậy, cho đến nay, Chữ Quốc ngữ đủ khả năng và bản lĩnh truyển tải tiếng Việt mà dân ta trìu mến gọi là tiếng mẹ đẻ !
A, Ă, Â... hay I, U, Ư... Từ thời tiền chiến, đến Cách Mạng Tháng 8 (Bình dân học vụ 1945), chữ Quốc ngữ chủ đạo, đồng hành cùng nền giáo dục truyền thống, dù Bắc hay Nam, đã góp phần đào tạo biết bao nhiêu hiền tài cho đất nước. Những gì đã ổn định rồi thì nên tạm giữ nguyên như vậy. Quá trình phát triển, cả nước ta còn đang vận động khắc phục, đối phó với biết bao nhiêu khó khăn đang phát sinh từng ngày, nhất là trong bản thân ngành giáo dục hiện nay.
Trong suốt năm 2017 đến qua năm 2018, phản biện (tôi không muốn dùng từ đấu tranh) ôn hòa trên không gian mạng từ Bắc chí Nam, đối với cải cách tiếng Việt của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, bước đầu đã tranh thủ (không dùng từ thắng lợi) được sự đồng thuận của cấp lãnh đạo đương quyền : Hội đồng Khoa học - Viện nghiên cứu học trung ương đã chính thức kết luận và ra văn bản (1/2018), trả lời về đề xuất cải cách chữ viết của Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền như sau : "Trong tình hình chữ quốc ngữ đang vận hành hiệu quả như hiện nay, hoàn toàn không nên và không cần thiết có bất kỳ cải cách nào đối với chữ quốc ngữ".
Chuyện đã qua rồi, nhìn lại, chúng ta cũng nên thương Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Hiền, vì mong muốn tiết kiệm giấy mực (như ông tự biện bạch), ông phải đơn giản chữ viết như vậy, nếu được nhân dân đồng tình, thì ông cũng có "chút công gì đó" thiên cổ với núi sông. Lấy công tâm mà xét thì ông cũng không có ý định lợi nhuận tiền gạo gì ! Dù công trình của mình có bị bác bỏ, nhưng thiện chí ấy vẫn là một công đức chẳng có tội tình gì. Do đó, ông vẫn xứng đáng là người thầy, một bậc tiền bối trong lòng của chúng ta !
Khác hẳn với trường hợp của thầy Bùi Hiền, Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại có liên quan đến cả một tập đoàn kinh doanh sách giáo khoa với lợi nhuận khổng lồ. Rồi đây cũng sẽ lần lượt bị dư luận xã hội phanh phui, cho phơi bày ra ánh sáng ! Kinh doanh làm giàu là chính đáng, nhưng ngụy tạo ra cơ hội làm giàu là đầu cơ trục lợi . Cái gọi là Công nghệ giáo dục chưa được nhà nước nghiệm thu, chưa được phụ huynh – học sinh đồng thuận, nếu có "thí nghiệm" thì gói gọn trong vài trường sư phạm thôi, sao lại mở rộng ra hàng trăm nghìn học sinh trên các tỉnh thành cả nước, thế thì sao gọi là thí nghiệm được ?
Giáo dục là nhân bản, nhân là người, bản là gốc, lấy con người làm đối tượng để phục vụ, công nghệ của Giáo sư Hồ Ngọc Đại sao lại lấy trẻ con để "thí nghiệm thực hành" !? Trong khía cạnh khác, học sinh tiểu học hàng năm tiêu thụ hàng trăm nghìn bộ sách giáo khoa 1 (1 bộ nhiều quyển), số sách tiêu thụ hẳn phải lên đến hàng triệu, lợi nhuận hàng tỷ đồng.
Trong lúc Đảng và nhà nước đang đốt lò hừng hực chống tham nhũng, thế mà ngoài xã hội, giữa thanh thiên bạch nhật, vẫn còn nhan nhản xảy ra cái cảnh : "Đa kim ngân phá luật lệ" (Đồng bạc dâm toăc tờ giấy) như thế này sao ?
Luật giáo dục để đâu, Luật pháp để đâu ?
Trần Minh Quốc
Nguồn : Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, VNTB, 06/09/2018
****************
Luật Giáo dục để làm gì ?
Trúc Giang, VNTB, 04/09/2018
Giáo sư Hồ Ngọc Đại với dự án "Công nghệ giáo dục" đã được thực nghiệm ngay trong hệ thống giáo dục công lập gần 40 năm qua, song vẫn chưa được nghiệm thu. Rồi đến phó giáo sư Bùi Hiền với dự án"cải tiến chữ Quốc ngữ" được Cục Bản quyền chấp nhận bảo hộ, tiếp tục dậy sóng dư luận phản đối.
Trường Công nghệ giáo dục Victory do Giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập nhìn từ trên cao. Ảnh: cgdvictory.edu.vn
Câu hỏi đặt ra là nếu căn cứ vào Luật Giáo dục thì những vấn đề nói trên chịu sự điều chỉnh ra sao ?
Nguyên lý giáo dục của Việt Nam ?
"Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng. Hoạt động giáo dục phải được thực hiện theo nguyên lý học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lý luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội". Điều 3, Luật Giáo dục 2005, đã viết như vậy.
Theo báo Giáo dục Việt Nam (Hiệp hội các Trường đại học, cao đẳng Việt Nam), thì giáo sư Hồ Ngọc Đại từng có phát biểu như sau : "Bản chất của giáo dục theo cách cũ là "ngu dân", phương pháp áp đặt, nội dung nghèo nàn, cư xử bằng cưỡng bức. Cách giáo dục ấy không tôn trọng cá nhân, kìm hãm trẻ con, hứa hão về tương lai. Còn tinh thần của Công nghệ giáo dục là giải phóng trẻ em, lấy hạnh phúc và sự phát triển tự nhiên của trẻ em làm mục tiêu. Mỗi em sẽ là một người duy nhất trong xã hội, các em phải khác nhau, khác bố mẹ và thầy cô, Công nghệ giáo dục tôn trọng suy nghĩ tự do và cá tính khác biệt" (1).
Giáo sư Hồ Ngọc Đại còn được cho là từng kể : "Có một lần Tổng Bí thư Đỗ Mười hỏi tôi: "Trong công việc của mình, ai gây khó khăn cho anh nhiều nhất ?". Tôi trả lời là "Toàn người tốt gây khó khăn cho tôi". "Tại sao lại thế ?" – ông Đỗ Mười ngạc nhiên. Tôi trả lời : "Vì những người tốt đó họ tưởng tôi làm sai, để bảo vệ nền giáo dục đương thời nên họ phải chống lại lý thuyết của tôi". Phải nói thật là lý thuyết của tôi đã đảo ngược lại toàn bộ nền giáo dục của nước ta. Ví dụ, tôi đề ra các nguyên tắc : học trò là trung tâm chứ không phải là thầy giáo ; học là chơi chứ không phải là quá trình vật lộn đau khổ ; học không có thi cử, không có chấm điểm…" (2).
Như vậy, nếu nhìn dưới giác độ cáo buộc hình sự, giáo sư Hồ Ngọc Đại rất có thể đối mặt với "Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".
Vi phạm Luật Giáo dục sao không xử lý ?
Những câu trích dẫn nói trên của giáo sư Hồ Ngọc Đại, vốn nằm trên website Hệ thống Giáo dục Công nghệ giáo dục Victory do chính giáo sư Hồ Ngọc Đại thành lập. Hiện tại thì các nội dung trích dẫn này chỉ còn mỗi địa chỉ, còn nội dung đã được tháo xuống (3).
Rất có thể không hẳn đúng với sự thật và bối cảnh của những phát ngôn trích dẫn đó. Song việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chấp thuận để cho bộ sách giáo khoa do giáo sư Hồ Ngọc Đại biên soạn theo Công nghệ giáo dục mà ông cũng chính là tác giả, vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục công lập trên toàn quốc, là một quyết định vi phạm Luật Giáo dục.
Đơn cử, ngày 1/7/2016 Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT về việc ban hành kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục năm học 2016 – 2017 tại 48 tỉnh thành (4).
Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT, tại phần II.7, ghi : "Chỉ đạo thực hiện có hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục tại 48 tỉnh, thành phố theo Quyết định số 2222/QĐ-BGDĐT ngày 01/7/2016 về việc ban hành Kế hoạch triển khai dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục năm học 2016-2017.
Để triển khai hiệu quả dạy học Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, các sở cần tổ chức tập huấn cấp tỉnh cho lãnh đạo, chuyên viên phòng giáo dục và đào tạo, trường tiểu học và toàn thể giáo viên trực tiếp dạy Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục ; chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo tập huấn cấp huyện, tổ chức Hội thảo chuyên đề, sinh hoạt chuyên môn cụm trường, trao đổi kinh nghiệm và dạy minh họa khi chuyển sang mẫu bài mới ; thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ các trường trong quá trình thực hiện ; chỉ đạo dạy học tăng thời lượng (nếu cần và có điều kiện) ; phối hợp sử dụng kĩ thuật dạy học tích cực để tổ chức dạy học ; điều chỉnh ngữ liệu phù hợp với địa phương ; tăng cường sử dụng đồ dùng dạy học nhưng không lạm dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học ; không tập trung giải nghĩa từ khi học sinh học ngữ âm ; chú ý rèn kĩ năng nói cho học sinh ; căn cứ chuẩn kiến thức kĩ năng Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành để thiết kế đề kiểm tra đánh giá định kì theo yêu cầu của môn học".
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là người ký Quyết định 2222/QĐ-BGDĐT dưới sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận. Nội dung như vừa nêu đã vi phạm Điều 29, Luật Giáo dục vì nội dung sách giáo khoa Công nghệ giáo dục của giáo sư Hồ Ngọc Đại vẫn chưa được thẩm định theo đúng quy định.
Ở Khoản 3, Điều 29, Luật Giáo dục năm 2005 (sửa đổi năm 2009) quy định : "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục phổ thông ; duyệt và quyết định chọn sách giáo khoa để sử dụng chính thức, ổn định, thống nhất trong giảng dạy, học tập ở các cơ sở giáo dục phổ thông, bao gồm cả sách giáo khoa bằng chữ nổi, bằng tiếng dân tộc và sách giáo khoa cho học sinh trường chuyên biệt, trên cơ sở thẩm định của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa ; quy định nhiệm vụ, quyền hạn, phương thức hoạt động, tiêu chuẩn, số lượng và cơ cấu thành viên của Hội đồng quốc gia thẩm định chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm về chất lượng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa".
Tham nhũng chính sách ?
Nhà giáo Vũ Thị Phương Anh nhận xét : "Tôi cho rằng nếu ông Hồ Ngọc Đại hay bất kỳ ai sử dụng tiền túi của mình để thử nghiệm thì rất đáng hoan hô ; còn sách giáo khoa dạy theo phương pháp của ông, nếu do tác giả tự bỏ tiền túi in để cho ai muốn học thì mua, cũng không có gì đáng nói.
Nhưng nếu nghiên cứu của ông Hồ Ngọc Đại có sử dụng tiền ngân sách, rồi sách giáo khoa của ông Hồ Ngọc Đại lại được bán độc quyền, và áp từ trên xuống trong giai đoạn làm VNEN (*) thì rõ ràng là không thể chấp nhận được".
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 04/09/2018
(1) http://bit.ly/2Q3snN8
(3) http://bit.ly/2PwWLhP ; http://bit.ly/2LRIg65
(*) Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam. GPE-VNEN, Global Partnership for Education – VNEN viết tắt của từ Viet Nam Escuela Nueva.