Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tác giả của một số nghiên cứu và các chuyên gia cho biết ô nhiễm không khí ở Hà Nội đến từ nhiều lĩnh vực và phần lớn đến từ các hoạt động bên ngoài Hà Nội. Ô nhiễm có thể tăng lên nếu không có thêm các biện pháp kiểm soát.

khi1

Những ngày ô nhiễm vừa qua tại Hà Nội một lần nữa làm dấy lên tranh luận về mức độ ô nhiễm, tác hại lên sức khỏe cũng như các nguyên nhân.

Nhưng có dấu hiệu cho thấy các nhà máy điện than ở quanh Hà Nội đang là một trong những nguồn gia tăng nhanh nhất đóng góp vào ô nhiễm không khí ở thủ đô. Điều này được thể hiện qua một số nghiên cứu và tính toán định lượng.

khi2

Các nhà máy nhiệt điện lớn (công suất trên 600 MW) ở miền Bắc. Đồ họa : Minh Hồng.

Ô nhiễm từ điện than sẽ tăng mạnh

Một nghiên cứu đã định lượng được các nguồn gây ô nhiễm PM2.5 ở Hà Nội cho thấy với kịch bản tăng trưởng như hiện tại, dù tính cả các chính sách kiểm soát phát thải hiện có và đã lên kế hoạch, nồng độ PM2.5 trung bình năm tại Hà Nội có thể tăng khoảng 20% vào năm 2030.

Trong đó, "mức tăng lớn nhất về nồng độ PM2.5 sẽ đến từ phát thải trong ngành điện", nghiên cứu viết.

Đó là kết quả ban đầu của nghiên cứu mang tên Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam, dự án hợp tác giữa Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Viện Phân tích Hệ thống Ứng dụng Quốc tế (IIASA) của Áo, công bố tháng 10/2018.

Theo nghiên cứu, vào năm 2015, các nguyên nhân đóng góp vào nồng độ PM2.5 trong không khí tại Hà Nội đến từ phát thải giao thông đường bộ (1/4), kế đến là nhiệt điện và công nghiệp lớn (20%), hoạt động sinh hoạt, đun nấu sử dụng sinh khối (15%), phát thải ammonia trong chăn nuôi và sử dụng phân bón (15%) và đốt phụ phẩm nông nghiệp (7%).

Về nguồn gốc địa lý, các hoạt động gây ô nhiễm không khí Hà Nội không nhất thiết phải diễn ra trong Hà Nội. Nghiên cứu ước tính rằng chỉ 1/3 mức ô nhiễm PM2.5 trong không khí ở Hà Nội đến từ trong phạm vi thành phố. 2/3 phần còn lại đến từ các tỉnh khác (như hình 7 dưới đây trích từ nghiên cứu).

Nghiên cứu này không nhằm mục đích giải thích đợt ô nhiễm không khí tăng vọt vừa qua, mà nhằm phân tích xu hướng và nguồn ô nhiễm qua thời gian dài. Nếu xét riêng một đợt ô nhiễm đỉnh điểm nào đó, các nguyên nhân có thể khác so với nếu tính trung bình một năm.

khi3

Phát thải đến từ riêng ngành điện vào năm 2015 đóng góp dưới 10% ô nhiễm không khí Hà Nội (xem hình 7 ở trên – ngành điện là màu đen). Nhưng theo mô phỏng vào năm 2030, ngành điện có thể đóng góp tới 20% mức ô nhiễm PM2.5 tại Hà Nội (như hình 10 dưới đây trích từ nghiên cứu – ngành điện là màu đen).

khi4

"Bài toán ô nhiễm không khí phức tạp vì các chất gây ô nhiễm lan truyền không phân biệt nước nào, tỉnh nào, địa phương nào, phải có cách giải quyết tổng thể, nhìn nhận tất cả các ngành, các địa phương… Hà Nội giải quyết không thì chưa đủ", Trương An Hà, nghiên cứu sinh tại phòng thí nghiệm Năng lượng Sạch và Phát triển Bền vững, Đại học Khoa học – Công nghệ Hà Nội, người tham gia vào nghiên cứu trên, nói với Zing.vn.

Nghiên cứu sử dụng dữ liệu năm 2015, trước khi Quy hoạch Điện VII được điều chỉnh tháng 3/2016. Dù vậy, nghiên cứu cho thấy khi công suất nhiệt điện than tăng lên theo quy hoạch, điện than có thể trở thành nguồn đóng góp gia tăng nhanh nhất vào nồng độ PM2.5 tính trung bình cả năm ở Hà Nội.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh, công suất nhiệt điện than sẽ là 55.000 MW vào năm 2030, giảm so với kế hoạch ban đầu 75.000 MW. Công suất lắp đặt của nhiệt điện than ở Việt Nam tăng mạnh trong những năm gần đây, từ 13 GW năm 2015 lên 18,5 GW năm 2018.

"Mức tăng rất lớn, nhất là chỉ đến từ riêng một ngành"

Các kết quả tính toán nói trên tương đồng với một nghiên cứu khác, tập trung phân tích riêng các nhà máy nhiệt điện đóng góp bao nhiêu vào ô nhiễm bụi mịn PM2.5 tại khu vực Đông Nam Á.

Đó là nghiên cứu mang tên Burden of Disease from Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia do nhóm các nhà khoa học Đại học Harvard tiến hành.

Nổi bật nhất từ nghiên cứu là ước tính các nhà máy điện than gây ra 4.252 cái chết sớm (premature death) ở Việt Nam năm 2011, và tăng lên 19.223 cái chết sớm vào năm 2030, tức gấp 4,5 lần.

"Nếu không có gì thay đổi, phát thải từ tiêu thụ than trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba, nhất là ở Indonesia và Việt Nam", nghiên cứu viết.

Trao đổi với Zing.vn, ông Lauri Myllyvirta, trưởng nhóm phân tích chất lượng không khí toàn cầu của tổ chức Greenpeace, cũng là đồng tác giả nghiên cứu nói trên, cho biết : "Theo ước tính dùng dữ liệu năm 2011, các nhà máy nhiệt điện đóng góp 5 microgram/m3 vào lượng PM2.5 trung bình ở Hà Nội, và con số này tăng lên 12 microgram/m3 vào năm 2030".

khi5

khi6

Mức đóng góp vào nồng độ PM2.5 của riêng các nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam vào năm 2011 (trên) và dự báo 2030 (dưới). Đây không phải là bản đồ nồng độ PM2.5, chỉ là phần ô nhiễm từ điện than (mảng màu vàng là mức đóng góp khoảng dưới 1 microgram/m3, mảng màu đen là mức đóng góp khoảng 12 microgram/m3). Nghiên cứu được tiến hành trước khi Quy hoạch Điện VII được điều chỉnh. Nguồn : Nghiên cứu Burden of Disease.

Các con số trên phù hợp với kết quả từ nghiên cứu Dự báo chất lượng không khí tại Hà Nội và khu vực phía Bắc Việt Nam do hai viện VAST và IIASA tiến hành. Nếu so với mức tăng khoảng 20% của nồng độ PM2.5 trung bình năm trong thời gian 2015-2030 (từ nghiên cứu của VAST-IIASA), có thể thấy phần ô nhiễm mà các nhà máy nhiệt điện gây ra đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều.

Nghiên cứu Burden of Disease đang được cập nhật để phản ánh quy hoạch điện điều chỉnh. Con số cụ thể sẽ sớm được công bố, nhưng đóng góp của điện than vào ô nhiễm không khí sẽ giảm "đáng kể", chuyên gia của Greenpeace cho biết.

Dù vậy, ông cho rằng phần ô nhiễm của các nhà máy nhiệt điện than là đáng lo ngại.

Mức tăng từ 5 đến 12 microgram/m3 là "mức tăng gần 20% nếu so với mức trung bình hiện tại (của nồng độ PM2.5 tại Hà Nội) vào khoảng 40 microgram/m3", ông Myllyvirta nói.

"Đó là mức tăng rất lớn, nhất là đến từ chỉ riêng một ngành", ông nói tiếp. "Nếu riêng một ngành khiến ô nhiễm tăng 10-20%, thì bạn có thể nỗ lực rất nhiều (để giảm ô nhiễm) ở các ngành khác mà vẫn không cải thiện được chất lượng không khí".

"Giảm ô nhiễm được bao nhiêu thì điện than lại làm ô nhiễm bấy nhiêu", ông Myllyvirta nói thêm. "Nếu bạn nghĩ về mức ô nhiễm hiện tại và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, rõ ràng là phải tìm mọi cách cải thiện chất lượng không khí".

Báo cáo Chất lượng Không khí năm 2018 của GreenID cũng cho biết nồng độ PM2.5 trung bình năm của Hà Nội năm 2018 ở mức 40,1 microgram/m3. Nồng độ PM2.5 này vượt xa giới hạn cho phép trong quy chuẩn trung bình năm của Việt Nam là 25 microgram/m3, gấp 4 lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là 10 microgram/m3.

Nhận định về sự gia tăng của ngành điện than trong tương lai theo quy hoạch, ông Trần Đình Sinh, Phó giám đốc GreenID, viết cho Zing.vn : "Theo tính toán lượng bụi mịn PM2.5, SOx và NOx sẽ tăng khoảng 6 lần so với năm 2016, và 80% số đó đến từ điện đốt than". Dù vậy, ông không nêu rõ phương pháp ước tính.

khi7

Nhà máy nhiệt điện Phả Lại là nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất lớn nhất cả nước, gồm 6 tổ máy có công suất 1.040 MW, theo EVN. Ảnh : EVN.

Tiêu chuẩn phát thải ở Việt Nam còn dễ dãi

Như vậy, các nghiên cứu và mô hình khoa học độc lập cùng chỉ ra rằng các nhà máy điện than, tập trung ở phía đông Hà Nội, có thể sẽ có phần đóng góp đang gia tăng mạnh nhất vào nồng độ PM2.5 trong cả năm ở thủ đô.

Các chuyên gia về môi trường cho rằng phần ô nhiễm không khí do điện than gây ra cần được cân nhắc kỹ lưỡng.

Mặt khác, nhiều ý kiến nêu tầm quan trọng và sự cần thiết của điện than trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng ở Việt Nam.

Theo Quy hoạch Điện VII điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3/2016, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng trong giai đoạn 2016-2030 bình quân tăng khoảng 9 -10%/năm, gấp khoảng 1,5-1,8 lần tăng trưởng GDP, tiến sĩ Trần Văn Lượng, cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết trong một bài viết trên trang Năng lượng Việt Nam, cơ quan của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.

"Trong bối cảnh hiện nay… thủy điện đã đạt tới hạn… điện hạt nhân tạm dừng, các năng lượng tái tạo khác (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) chi phí đầu tư lớn và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, chiếm diện tích lớn, chi phí cho hệ thống truyền tải tăng và trong hệ thống rất cần có nguồn chạy nền để đáp ứng được ổn định điện phụ tải", ông Lượng viết vào tháng 3/2018.

Khí thải từ các nhà máy điện than được xử lý bằng ba hệ thống : lọc bụi tĩnh điện (ESP), xử lý NOx, và xử lý SO2. Ông lượng cho rằng hệ thống lọc bụi tĩnh điện và xử lý NOx ở các nhà máy nhìn chung kiểm soát được lượng bụi và NOx, đáp ứng các yêu cầu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Việt Nam nằm trong vài nước có tiêu chuẩn phát thải cao (dễ dãi) nhất trên thế giới (cùng với Indonesia, Australia), cao hơn hai nước dùng nhiều than nhất là Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đã gặp vấn đề ô nhiễm không khí nghiêm trọng, theo ông Trần Đình Sinh từ GreenID.

khi8

Nguồn : GreenID.

"Tiêu chuẩn phát thải của Việt Nam còn cách xa so với tiêu chuẩn tốt nhất (best practice) của quốc tế", ông Myllyvirta, chuyên gia từ Greenpeace, nói với Zing.vn. "Các nhà máy điện ở Việt Nam được phép phát thải 5-10 lần so với các nước đang theo tiêu chuẩn tốt nhất".

Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ yêu cầu các nhà máy điện than phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, liên tục đối với khí thải.

Nhiều ý kiến cho rằng việc minh bạch thông tin phát thải, một trong những biện pháp nổi bật trong cuộc chiến chống ô nhiễm không khí của Trung Quốc, vẫn còn hạn chế.

Ông Trần Đình Sinh từ GreenID cho biết một số nhà máy điện lớn như Vĩnh Tân, Duyên Hải đã lắp đặt màn hình và chiếu các thông tin về phát thải như SOx, NOx, PM2.5, nhiệt độ nước thải cho công chúng xem. Đồng thời các thông tin này được truyền trực tuyến về các Sở Khoa học, Công nghệ và Môi trường địa phương, tuy nhiên điều này còn một số bất cập.

"Một số nhà máy như nhiệt điện Hải Phòng do đường truyền và thiết bị không phù hợp nên các thông tin vẫn chưa truyền trực tiếp được. Một số nhà máy khác vẫn chưa lắp đặt thiết bị để cho công chúng biết", ông Trình Đình Sinh từ GreenID viết cho Zing.vn. "Việc công khai minh bạch cho công chúng là một điều tốt".

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, trong một hội thảo ngày 11/10 về ô nhiễm không khí, đặt câu hỏi : "Các nhà máy cung cấp thông tin về cho Sở Tài nguyên – Môi trường, các thông tin ấy được cung cấp cho người dân chưa ? Hiện nay cũng còn ở mức hạn chế. Ví dụ nhà máy Vĩnh Tân thì với sức ép của người dân cũng đưa thông tin lên bảng điện tử, nhưng tôi đọc cũng rất khó hiểu".

Phương pháp nghiên cứu

Để thực hiện nghiên cứu, hai viện IIASA và VAST đã thu thập dữ liệu theo tỉnh về nhiều lĩnh vực như năng lượng, giao thông, nông nghiệp, nhà máy nhiệt điện, cụm công nghiệp, với nguồn dữ liệu đa phần là từ số liệu thống kê quốc gia, tổ chức quốc tế, và từ các báo cáo khoa học trước đó.

Về cơ bản, phương pháp của nghiên cứu này là dùng dữ liệu về các hoạt động gây ô nhiễm ở các tỉnh và các nhà máy điện, nhà máy công nghiệp lớn ở các miền Bắc, để xác định lượng phát thải (trong đó có tính đến các biện pháp kiểm soát khí thải, giả sử các quy định đã ban hành đều được tuân thủ).

Sau đó, mô hình GAINS, mô hình được nhiều nước Châu Âu sử dụng, được sử dụng để tính toán sự phát tán của các chất thải, và tính toán mức độ PM2.5 ở từng khu vực quanh miền Bắc.

Nhóm nghiên cứu cũng thừa nhận hạn chế của các phân tích ban đầu này, như khả năng đánh giá thấp mức độ phát thải từ các làng nghề thủ công.

"Các vấn đề này được đưa ra nhằm giải quyết trong khuôn khổ Giai đoạn 2 của dự án", nghiên cứu viết.

"Đây là những con số có thể tham khảo được. Nhưng rất tiếc là chưa có thêm những nghiên cứu tương đương để kiểm chứng thêm những con số đó", Tiến sĩ Hoàng Xuân Cơ, Khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội nói với Zing.vn khi được hỏi đánh giá về nghiên cứu trên. Ông không nằm trong nhóm nghiên cứu.

Tương tự, nghiên cứu Burden of Disease dùng mô hình GEOS-Chem, trong đó mô phỏng sự chuyển động của các chất gây ô nhiễm trong bầu khí quyển. Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu phát thải cho mỗi nhà máy nhiệt điện, dựa vào giới hạn phát thải SO2, NO2, và các loại bụi khác.

Họ giả thiết rằng lượng phát thải thực tế bằng với giới hạn cho phép, sau đó mô phỏng xem các chất ô nhiễm sẽ phát tán như thế nào, Lauri Myllyvirta, tác giả của nghiên cứu, cho biết.

Trọng Thuấn

Nguồn : Zing.vn, 18/12/2019

Additional Info

  • Author Trọng Thuấn
Published in Diễn đàn