Vụ Trịnh Xuân Thanh : Việt Nam phản đối Slovakia trục xuất một nhà ngoại giao (RFI, 07/02/2020)
Ngày 06/02/2020, Hà Nội lên tiếng phản đối Slovakia ra lệnh trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017.
Ông Trịnh Xuân Thanh tại Berlin, Đức. Ảnh chụp ngày 20/10/2016. Bui Thanh Hieu (Nguoi Buon Gio)/via Reuters
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Slovakia đã trao công hàm cho đại sứ Việt Nam tại Bratislava, với nội dung là một nhân viên ngoại giao trong sứ quán Việt Nam không được "hoan nghênh" và người này phải rời khỏi Slovakia trong vòng "48 tiếng".
Thông báo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết thêm : Slovakia đã đưa ra một biện pháp nghiêm trọng trong khuôn khổ phán quyết của Tòa Án Đức. Bộ ngoại giao Slovakia đã lưu ý từ trước về những hậu quả ngoại giao nặng nề nếu như những nghi ngờ nghiêm trọng về sự lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia được khẳng định chính thức.
Phía Hà Nội cho rằng phản ứng của Bratislava không phản ánh mối "quan hệ hữu nghị truyền thống" giữa hai hai nước. Ông Trịnh Xuân Thanh đã bị bắt cóc tại Đức năm 2017 và đã bị đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia.
Vụ Trịnh Xuân Thanh gây căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam, Đức và Slovakia. Hôm 04/02/2020 Tòa Án Tối Cao của Đức bác đơn kháng cáo của ông Nguyễn Hải Long, một người có liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đường phố Berlin tháng 7/2017.
Ngày 31/07/2017 Việt Nam cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã ra "đầu thú". Ông này bị đưa ra xét xử vì nhiều tội danh, trong đó có tội cố ý làm sai trái và tham ô tài sản khi còn là chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam, một chi nhánh của tập đoàn Dầu Khí Việt Nam.
Thanh Hà
********************
Việt Nam ‘lên án’ Slovakia vì trục xuất nhà ngoại giao liên quan vụ bắt cóc (VOA, 07/02/2020)
Một ngày sau khi Slovakia thông báo trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam vì dính dáng đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, Hà Nội lên án Slovakia và nói rằng hành động này là "không phù hợp với tình hữu nghị truyền thống giữa hai nước", theo Reuters.
Hình ảnh ông Trịnh Xuân Thanh "về nước thú tội" được chiếu trên truyền hình Việt Nam.
Vào ngày 6/2, Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết đã gửi thông báo trục xuất đến cho Đại sứ Dương Trọng Minh ở Bratislava với nội dung "một trong những nhà ngoại giao của ông phải rời khỏi đất nước trong vòng 48 giờ" vì lý do "không được hoan nghênh", do liên quan đến vụ bắt cóc doanh nhân-cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh khi ông này đang xin tị nạn tại Đức vào năm 2017.
"Slovakia đưa ra quyết định nghiêm trọng này có liên quan đến phán quyết cuối cùng của tòa án phúc thẩm Đức về vụ bắt cóc một người Việt Nam", hãng thông tấn Slovakia TASR dẫn lại thông báo 6/2, đồng thời cho biết thêm rằng "sẽ có những hậu quả nghiêm khắc về ngoại giao" một khi "những nghi ngờ nghiêm trọng về việc (Việt Nam) lạm dụng lòng hiếu khách của Slovakia được chính thức được xác nhận".
Phản ứng về quyết định trục xuất của Slovakia, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói trong một tuyên bố gửi qua email cho Reuters rằng "Chúng tôi sẽ xem xét đến các biện pháp phù hợp với quan hệ song phương, luật pháp và thông lệ quốc tế".
Trong khi đó, trả lời truyền thông Slovakia, luật sư của ông Trịnh Xuân Thanh – bà Petra Isabel Schlagenhauf – nói rằng động thái trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam của Slovakia là "đúng đắn", nhưng "quá trễ" và "chưa đủ".
"Với Slovakia, điều cần thiết phải làm là điều tra xem ai đã tham gia vào vụ bắt cóc thân chủ của tôi bằng cách sử dụng máy bay của chính phủ", tờ Aktuality dẫn lời luật sư của ông Thanh nói.
Trước quyết định trục xuất của Slovakia, ngày 4/2, tòa án liên bang Đức đã bác bỏ kháng cáo của bị cáo Long N.H., nghi phạm cuối cùng trong vụ bắt cóc. Ông Long đã bị một tòa án quận Berlin kết án 3 năm và 10 tháng tù vào tháng 7/2018 về tội gián điệp và tòng phạm trong vụ bắt giữ phi pháp ông Trịnh Xuân Thanh vì đã thuê xe chở ông Thanh sang Slovakia.
Phía Đức nói ông Trịnh Xuân Thanh đã bị tình báo Việt Nam bắt cóc trên một con phố ở thủ đô Berlin và được chở qua Slovakia, sau đó mang về Việt Nam bằng máy bay mượn của Slovakia để đưa sang Nga, từ đó đem về Hà Nội, nơi ông bị xét xử và kết án tù chung thân vào năm 2018 vì tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Vụ bắt cóc đã làm căng thẳng mối quan hệ giữa Đức và Việt Nam sau khi Đức lên án Việt Nam "vi phạm luật pháp quốc tế" và trục xuất nhà ngoại giao Việt Nam, mà phía Đức nói là tình báo, có dính dáng đến vụ bắt cóc.
*******************
Việt Nam lên án Slovaka vì trục xuất nhân viên ngoại giao liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh (RFA, 07/02/2020)
Bộ Ngoại giao Việt Nam lên án Slovakia vì đã trục xuất một nhà ngoại giao do cáo buộc có liên quan đến vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh tại Đức hồi năm 2017, đồng thời đe dọa sẽ có những biện pháp tương ứng trong quan hệ hai nước, theo luật quốc tế.
Hình minh họa. Đài truyền hình Việt Nam chiếu cảnh Trịnh Xuân Thanh đầu thú trên truyền hình quốc gia hôm 3/8/2017 Reuters
Ông Trịnh Xuân Thanh là một cựu quan chức ngành dầu khí của Việt Nam hiện đang thụ án tù chung thân vì cáo buộc tham nhũng.
Reuters hôm 7/2 cho biết Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gửi tuyên bố phản ứng của mình qua email cho hãng tin này.
"Chúng tôi sẽ xem xét các biện pháp tương ứng trong quan hệ song phương, phù hợp luật pháp và thông lệ quốc tế", tuyên bố của phía Việt Nam viết.
Trước đó, báo chí Slovakia trích thông tin từ Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết, vào ngày 5/2, bộ này đã triệu Đại sứ Việt Nam đến để thông báo về quyết định trục xuất. Nhân viên ngoại giao không được nêu tên được cho biết phải rời Slovakia trong vòng 48 tiếng.
Phía Slovakia hiện vẫn đang điều tra việc giới chức Bộ Nội vụ nước này cho Bộ Công an Việt Nam mượn máy bay để chuyển Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc từ Đức về Việt Nam qua ngả Slovakia.
Bộ Ngoại giao Slovkia hôm 5/2 có thông báo trên trang web, cho biết nước này đã có những cảnh báo về hệ quả trong quan hệ ngoại giao mạnh mẽ nếu những nghi ngờ về việc Việt Nam lợi dụng lòng hiếu khách của Slovakia trong vụ này được xác định.
Chính phủ Đức từ năm 2017 đã chính thức cáo buộc Việt Nam bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay trên đất Đức và coi đây là hành vi vi phạm pháp luật Đức và luật quốc tế, đồng thời đòi Việt Nam phải trao trả Trịnh Xuân Thanh về cho Đức.
Việt Nam nói không có vụ bắt cóc và khẳng định Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.
*******************
Tòa án Đức công khai bêu tên Tình báo Việt Nam "bắt cóc quốc tế" (RFA, 06/02/2020)
Hôm 3/2/2020, trang tin điện tử của Tòa án Công lý Liên bang Đức ra thông cáo báo chí nói rằng tình báo Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế khi tiến hành hoạt động "bắt cóc quốc tế" và kết án một đồng phạm vì tội hoạt động gián điệp và hỗ trợ bắt cóc.
Tòa án Công lý Liên bang Đức (Ảnh : bundesgerichtshof.de)
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tòa án Công lý Liên bang ra phán quyết phúc thẩm bác kháng cáo và tuyên y án 3 năm 10 tháng tù giam đối với người này. Phán quyết của Tòa án Công lý Liên bang là quyết định cuối cùng.
Thông cáo này không nêu rõ danh tính người bị kết án, nhưng cho biết là một người gốc Việt.
"Người này không phải là thành viên của Cơ quan Tình báo Việt Nam, nhưng đã tham gia hỗ trợ cho cơ quan này, mua sắm phương tiện hoạt động và giúp xóa dấu vết", thông cáo viết.
Theo nội dung phán quyết của tòa đề ngày 7/8/2019 kết luận "nạn nhân là một cựu giám đốc của một công ty xây dựng nhà nước Việt Nam, ông ta đến Đức vào năm 2016 và xin tị nạn chính trị tại đây, sau đó bị Cơ quan Tình báo Việt Nam bắt cóc từ Berlin về Việt Nam vào mùa hè năm 2017 sau những nỗ lực dẫn độ ông ta không thành công".
"Ông ta hiện giờ đã bị kết án chung thân tại Việt Nam", thông cáo cho biết.
Phán quyết của tòa dài 16 trang, được đăng tải công khai trên mục cơ sơ dữ liệu tại trang thông tin điện tử của tòa án Đức, nhưng che đi danh tính thật của nạn nhân lẫn thủ phạm, và nhà nước chủ mưu cho hoạt động này được viết tắt là "Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa V".
Một số cơ quan truyền thông Đức cho biết, nạn nhân trong vụ án này là ông Trịnh Xuân Thanh và người bị kết án là ông Nguyễn Hải Long.
Sau vụ bắt cóc, nhà nước Đức đã trục xuất một nhà ngoại giao Việt Nam và đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.
Phán quyết của tòa mô tả "nạn nhân là người có khuynh hướng thân phương Tây, bị thanh trừng trong cuộc đấu tranh quyền lực trong nội bộ của đảng sau khi khuynh hướng thân Trung Quốc thắng thế".
Phán quyết còn nói rằng vụ bắt cóc này đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Cộng hòa Liên bang Đức.
Minh Luật
Nguồn : RFA, 06/02/2020 (minh-luat's blog)
Cựu tù nhân lương tâm, giảng viên Phạm Minh Hoàng, người bị nhà cầm quyền Việt Nam tước quốc tịch, bị một nhóm người mặc sắc phục ập vào nhà tại phường 4, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh bắt đi tối ngày 23 tháng 6 và đọc văn bản trục xuất ông khỏi Việt Nam ngày 24 tháng 6.
Giáo sư Phạm Minh Hoàng nhận văn bản bị 'trục xuất' vào ngày 24 tháng 6 - RFA
Ông Phạm Minh Hoàng sẽ phải rời Việt Nam theo văn bản ? Luật sư đại diện pháp lý cho ông nói gì ?
Sai pháp luật
Đúng 13 ngày kể từ ngày giảng viên Phạm Minh Hoàng nhận giấy báo tước quốc tịch Việt Nam được gửi đến từ Bộ Tư pháp Việt Nam, tối ngày 23 tháng 6, ông bị một nhóm công an mặc sắc phục xông vào nhà và bắt đi cùng với lời thông báo "sẽ trục xuất ông khỏi Việt Nam từ đồn công an".
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người chính thức là đại diện pháp lý cho giảng viên Phạm Minh Hoàng từ ngày ông nhận giấy báo tước quốc tịch (10 tháng 6 năm 2017), kể lại cuộc gọi của giáo sư Hoàng gọi cho ông ngay khi xảy ra sự việc, luật sư Mạnh cho biết :
"Hồi chiều anh Hoàng có gọi điện ngay lúc công an đang làm việc. Tôi đề nghị anh Hoàng hỏi họ có lệnh bắt hay không. Anh Hoàng nói là công an vào đây và lực lượng rất đông, họ yêu cầu tôi lên phường làm việc, anh Mạnh thấy thế nào ?
Tôi nói ngay nếu họ xuất trình lệnh bắt thì mình phải phục tùng thôi. Nhưng nếu họ không có lệnh bắt thì anh mời họ ra ngoài và khoá cửa lại, chứ không có trách nhiệm phải tiếp họ".
Nội dung cuộc trao đổi bất ngờ trở nên bị ngắt quãng. Luật sư Mạnh nói rằng ông không thể nghe tiếp được những câu hỏi khác của giảng viên Hoàng và cuộc gọi dừng đột ngột. Những cuộc gọi lại sau đó của luật sư Mạnh đều không thực hiện được.
Bà Kiều Oanh cũng xác nhận điều này và cho biết xe phá sóng được mang đến khu vực nơi ở của gia đình bà, đường Bà Hạt, phường 4, quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà cho biết ông Phạm Minh Hoàng từ chối không lên trụ sở công an phường nên phía công an đã đọc biên bản trục xuất ông. Nội dung của biên bản nói rằng ngày mai sẽ trục xuất ông Hoàng từ đồn công an, được ký bởi Đại tá Đậu Hiền Lương, Phó cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam.
"Hôm nay lúc 18 giờ ngày 23 tháng 6, 2017, tôi là Nguyễn Chánh Hoà, đơn vị là Cục Bến Thành, Bộ Công an quyết định điều 1, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất theo thủ tục hành chính đối với anh Phạm Minh Hoàng, quốc tịch Pháp, số hộ chiếu…, địa chỉ… đã có hành vi vi phạm người nước ngoài cư trú ở Việt Nam không có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền qui định tại điểm 6, điều 7, qui định số 7/2013.
Những tình tiết liên quan diễn biến vi phạm : không có.
Thời gian thi hành trục xuất, ngày mai 24 tháng 6. Cửa khẩu thi hành biện pháp xử phạt : sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất".
Mặc dù bà yêu cầu được xem văn bản trục xuất, tuy nhiên phía công an từ chối.
Khi được hỏi về biên bản bắt ông Phạm Minh Hoàng, luật sư Mạnh cho biết đó là một biên bản không đúng tính chất của sự việc.
"Họ đưa một biên bản gọi là xử lý vi phạm hành chánh. Thật ra cái xử lý vi phạm hành chánh nếu mà có quyết định thì chỉ ở mức độ phạt tiền đối với một cái tội gì đó dạng nhẹ như là tội gây rối trật tự công cộng. Việc xử lý vi phạm hành chánh không thể dẫn đến việc bắt người như vậy. Cho nên việc này là không đúng".
Luật sư Đặng Đình Mạnh nói thêm việc bắt người chỉ diễn ra khi người đó vi phạm pháp luật về hình sự, và phải có lệnh bắt của thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc của Viện Kiểm sát.
‘Việc trục xuất có thể xảy ra’
Mặc dù theo phân tích của luật sư Đặng Đình Mạnh, mặc dù về phương diện pháp lý, việc trục xuất ông Phạm Minh Hoàng từ đồn công an là hoàn toàn không đúng, nhưng ông cho biết điều ông lo lắng trong sự việc này :
"Qua thực tế chuyện chiều ngày hôm nay, anh Hoàng bị bắt, bị đưa đi không theo một qui định một thủ tục nào thì tôi sợ điều họ nói tuy không đúng pháp lý nhưng họ vẫn làm. Tôi e ngại rất có thể họ sẽ làm như vậy".
Sự lo ngại của luật sư Đặng Đình Mạnh được hình thành từ nhiều yếu tố. Bên cạnh những hành động ‘không theo một qui định nào’ như ông đã nói, còn xuất phát từ hai văn bản của Bộ Tư pháp giảng viên Phạm Minh Hoàng nhận được qua đường bưu điện. Một là văn bản thông báo của Bộ Tư pháp, ký ngày 9 tháng 6, 2017 và một là bản sao quyết định của Chủ tịch nước ký ngày 17 tháng 5, 2017 nhưng do Bộ Tư pháp sao y lại và ký ngày 22 tháng 5, 2017.
Ngày hôm đó, theo lời ông Hoàng cho biết, ông sẽ kháng kiện lại quyết định trên.
Trước khi nhận được hai văn bản từ Bộ Tư pháp, ông Hoàng đã thực hiện quyết định từ bỏ quốc tịch Pháp và công bố rộng rãi trên truyền thông mạng xã hội.
Giảng viên Hoàng cũng chính thức đăng tải trên trang Facebook cá nhân của ông sự việc này :
"Tôi cũng sẽ không ký vào bất cứ một văn bản nào đưa đến việc trục xuất và sẽ đấu tranh tới cùng để thực hiện ước vọng của tôi là được sống trên quê hương của chính mình".
Kháng kiện
Trả lời chúng tôi về những can thiệp từ phía luật sư đối với việc cơ quan quyền lực nhà nước bắt giảng viên Phạm Minh Hoàng và đưa về đồn công an không rõ địa điểm chính xác, luật sư Mạnh cho biết hiện tại chưa can thiệp được gì.
Tuy nhiên, nếu sự việc xảy ra như lời bà Kiều Oanh, ngày mai, 24 tháng 6, ông Phạm Minh Hoàng bị trục xuất khỏi Việt Nam trở về Pháp, thì văn phòng luật sư vẫn tiếp tục khiếu kiện.
"Dù anh Hoàng có bị trục xuất đi nữa thì ở đây chúng tôi vẫn tiếp tục những công việc đang đeo đuổi, đó là vẫn sẽ tiếp tục thủ tục khiếu nại để yêu cầu cơ quan nhà nước mà cụ thể là yêu cầu họ phải huỷ bỏ quyết định của Chủ tịch nước về việc trục xuất ông Hoàng".
Bà Kiều Oanh cho biết ngay sau khi giáo sư Hoàng bị bắt đi, bà đã gọi điện thoại cho ông Tổng lãnh sự Pháp ở Sài Gòn thông báo việc công an đã bắt chồng của bà và sẽ trục xuất chồng bà vào ngày mai tại đồn công an.
Ông Tổng lãnh sự Pháp không cho biết ông sẽ có động thái gì.
Cho đến thời điểm hiện tại, mạng xã hội đang lan truyền những lời phản đối hành động bắt ông Phạm Minh Hoàng. Theo như lời luật sư Đặng Đình Mạnh chia sẻ trên trang cá nhân sau khi ông đến trụ sở Bộ Tư Pháp – Văn phòng tiếp công dân tại địa chỉ số 12 Chu Văn An, Hà Nội để trực tiếp nộp đơn khiếu nại về quyết định tước quốc tịch Việt Nam đối với giảng viên Phạm Minh Hoàng do Chủ Tịch nước ký :
"Chúng ta đang sống trong một quốc gia có luật pháp, nhưng luật pháp nằm trong tay người có quyền thì nó sẽ được hành xử theo ý chí họ muốn"
thì phải chăng ngày mai, 24 tháng 6, giảng viên Phạm Minh Hoàng sẽ phải lên máy bay rời khỏi Việt Nam ?
Cát Linh
Nguồn : 23/06/2017