Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu xem cuộc thi phổ thông trung học và xét tuyển đại học vừa qua là một cuộc "tỉ thí" giữa các ngành nghề trong xã hội thì người ta có thể nói rằng ngành sư phạm đã bị "knock-out", "đo sàn" so với các ngành nghề khác, trong khi ngôi "vô địch" lại thuộc về ngành công an…

tuyensinh1

Trường Đại học Sư Phạm Thành phố Hồ Chí Minh

Thật vậy, chưa có năm nào mà điểm chuẩn để vào ngành sư phạm như năm nay lại có nhiều môn của nhiều trường chỉ bằng điểm sàn, thậm chí có môn còn dưới cả điểm sàn ! Trong khi đó điểm chuẩn các trường thuộc lực lượng vũ trang như công an lại cao chất ngất, vượt mặt cả các trường y. Quân đội cũng là ngành có điểm tuyển cao ngất.

Nhiều người có thể thắc mắc vì sao các ngành nghề thuộc lực lượng vũ trang như quân đội, công an lại "hot" đến thế trong tình hình đất nước hòa bình và trật tự an ninh tương đối yên ổn ? Câu trả lời có lẽ vì hòa bình và an ninh nên các ngành nghề này tương đối yên ổn, "việc nhẹ, lương cao, bổng lộc kha khá". Trong khi nghề giáo nhiều năm qua đã "xuống dốc" cả về mặt thu nhập lương bổng lẫn vị thế xã hội.

Những kết quả tuyển sinh đại học đó chắc chắn đã phản ánh tâm thức của xã hội về các ngành nghề. Nó cho thấy nghề giáo đã là nghề "bạc bẽo" trong nhiều năm qua, và ngày càng "thê thảm" hơn trong sự nhìn nhận của xã hội.

Kết quả "đo sàn" của ngành sư phạm hẳn xuất phát từ những biến động mạnh của ngành sư phạm trong những năm gần đây. Sự "tĩnh tại" duy nhất của ngành nghề này là thu nhập. Lương của giáo viên khi mới vào nghề hiện nay vẫn chỉ ở mức khoảng 1,8 triệu đồng, cộng thêm các phụ cấp thì cỡ 2,1 triệu đồng, tương đương với một phần ba lương của nghề bảo vệ hay giúp việc nhà. Với mức thu nhập kém cỏi đó, các giáo viên nếu không dạy thêm lấy gì mà đủ sống, đủ để có được "phong thái nghề nghiệp" như xã hội kỳ vọng ?

Thế nhưng chuyện dạy thêm trong mấy năm qua bị xem là "buôn lậu con chữ" bởi những lệnh cấm dạy thêm. Thêm nữa là hàng loạt những thử nghiệm, cải cách trong ngành đã liên tục "xoay mòng mòng" những nhà giáo khốn khổ. Mới đây nhất là đề xuất thử nghiệm (lại thử nghiệm trên nhà giáo) việc bỏ biên chế trong nghề giáo của ông bộ trưởng ngành này…

Vì sao ngành sư phạm lại bị "rẻ rúng" đến vậy, phải chăng vì nó không tạo ra những sản phẩm vật chất cụ thể, không tạo ra sự phát triển cụ thể, có thể đo đếm được ? Có người lý giải việc các ngành "ngon ăn" công an, quân đội thì đương nhiên được nhiều người tranh nhau mà chen chân vào theo "cơ chế thị trường", thế nhưng có cái "cơ chế thị trường" nào ở đây khi các ngành nghề như giáo dục, quân đội, công an đều là những ngành nghề trực thuộc nhà nước ?

Hãy nhìn sang nước Mỹ, nơi triết thuyết dụng hành (hay thực dụng) chủ đạo, và nghe một trong những "ông tổ" của triết thuyết này nhận định : "Tôi tin rằng giáo dục là phương pháp cơ bản cho sự cải cách và tiến bộ xã hội… Tôi tin rằng nhà giáo luôn là công bộc của xã hội để bảo tồn trật tự đúng đắn lẫn sự tăng trưởng đúng đắn. Vì thế nhà giáo bao giờ cũng là nhà tiên tri của Thượng đế và là người gác cổng đích thực của thiên đàng".

Quả thật, không có một đất nước phát triển nào mà yếu kém về giáo dục cả. Giáo dục luôn là đầu tàu phát triển và mọi xã hội muốn "cất cánh" phát triển đều phải thông qua những "người gác cổng" này. Giống như một cá nhân trong xã hội, một quốc gia muốn "đổi đời" chắc chắn phải chịu khó làm ăn và cố gắng học hành.

Một đất nước mà ngành giáo dục bị "đo ván" thì bao giờ mới ngóc đầu dậy nổi ? Một đất nước mà sư phạm vẫn là nghề cùng bách nhất, như câu thành ngữ "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", thì lấy đâu ra những tài năng để nhân bội những tài năng cho sự phát triển ?

Khủng hoảng là điều tệ hại, nhưng may thay, nó cũng là cơ hội cho sự nhìn nhận và phục hồi, phát triển. Hy vọng là sau cú "knock-out" của ngành sư phạm này, các nhà quy hoạch phát triển sẽ có tầm nhìn đầu tư phát triển đúng đắn hơn, xa rộng hơn cho ngành sư phạm…

Đoàn Đạt

Nguồn : Một Thế Giới, 09/08/2017

Published in Diễn đàn