Từ những năm 2000 khi ngồi trên những chuyến xe về đêm từ Sài Gòn về Phan Rang tôi hay ngạc nhiên nghe bác tài và phụ xe thi thoảng lại nói lớn với hành khách "bọn ác, bọn ác…", ý họ bảo là trước mặt có nhóm Cảnh sát giao thông mọi người phải cẩn thận. Không rõ họ quen cách dùng tín hiệu ấy từ lúc nào, ai không tin cứ gặp tài xế hay phụ xế nhà xe Quốc Hùng ở Phan Rang. Nhà xe Quốc Hùng hồi ấy rất thân thuộc với dân Phan Rang vì dùng xe 16 chỗ đưa đón khách tận nhà, cả ở Phan Rang lẫn Sài Gòn giá cả rất hợp lý.
"Bọn ác, bọn ác…", ý họ bảo là trước mặt có nhóm Cảnh sát giao thông mọi người phải cẩn thận.
Từ ngạc nhiên đến suy tư về cách mà người dân thường gọi các chiến sỹ Công an nhân dân như vậy : "Bọn ác", mãi đến giờ gần 20 chục năm trôi qua mới có dịp tâm sự tản mạn cùng các bạn. Lẽ ra một người hành nghề Luật sư và hay viết báo như tôi phải hiểu rõ hơn họ, những người dân bình thường, về bọn ác đã hoành hành trên quê hương đất nước mình như thế nào.
Tôi từng chứng kiến bọn chúng dùng còng treo ngược một tay cô gái mới 20 tuổi lên thành cửa sổ trong đồn Công an, mỗi thằng Công an đều có hứng thú đánh và doạ nạt cô bé ấy. Chúng dùng roi đánh vào người, dùng tay chân đấm đá cô ấy bầm tím khắp người. Cô ta bị vu là lấy trộm dây chuyền vàng của bạn cùng phòng trọ. Cô ta sợ quá cứ khai nhận là đã mang vàng ấy đi đánh bạc ở chỗ này chỗ nọ, chúng còng tay chở xe đến những chỗ ấy nhưng không có chỗ nào cụ thể, rồi cô lại khai đã đưa cho chú ruột giữ, nhưng khi tìm người chú ấy hoá ra đã về quê từ cả tháng trước ngày mất trộm. Khi tôi và gia đình đến thì mọi hướng xác minh lời khai đều sai. Chỉ có một sự thật rõ ràng nhất là cô gái ngây thơ yếu ớt cả đời chưa biết làm hại ai đã bị ngờ oan và bị đánh quá dã man hoảng loạn nên cứ khai bừa khai bậy. Khi bọn ác cho về thì cả thân người bầm tím. Đơn từ khiếu nại gửi kèm ảnh chụp cả thân người bầm tím khắp nơi nhưng mãi mãi về sau không ai trả lời. Gia đình đưa con về quê miền Bắc dưỡng bệnh mất nhiều tháng sau mới đỡ cơn hoảng loạn ngơ ngẩn của cô gái.
Đấy là những năm 2003-2004 khi Internet và mạng xã hội chưa phổ biến mạnh như bây giờ. Thử tìm kiếm những cụm từ : "chết trong đồn công an", "công an đánh dân", "Công an giết dân" sẽ ra hàng triệu kết quả đính kèm video clip và hình ảnh xem vài tháng chưa hết. Rất nhiều cái chết do tra tấn đánh đập dã man, thậm chí bị cắt cổ như anh Nguyễn Hữu Tấn chỉ vì lá cờ vàng ba sọc đỏ mà bị truy bắt… sau này gia đình phải kêu oan tận Quốc hội Mỹ và đến giờ hầu như mọi sự như bị trôi vào quên lãng.
Bọn ác cướp nhà cướp đất thì nhiều vô kể và dân chúng đứng lên chống đối bất chấp tù tội cũng nhiều vô kể suốt từ Bắc chí Nam. Đất đai là nguồn sinh sống là "quê hương nhỏ trong quê hương lớn" mà bị cướp đi dưới lý lẽ thu hồi đất lại cho nhà nước, thu hồi lại cho "sở hữu toàn dân", với giá đền bù rẻ mạt nhưng lại giao luôn cho một sở hữu tư nhân khác có nhiều tiền của hơn để đầu tư dự án. Đành rằng dự án to đẹp hơn nhưng sở hữu tư nhân vẫn thành sở hữu tư nhân, chỉ là một bên bị ép giá và cưỡng bức như bị cướp tài sản bằng vũ lực, bên nhận đất làm dự án thì thu lợi gấp nhiều lần và dĩ nhiên lại quả đậm cho "Bọn ác". Nhiều nơi bọn cướp còn điều khiển cả quân đội kèm chó nghiệp vụ sẵn sàng cắn xé bắt bớ dân lành. Quân đội lẽ ra chỉ bảo vệ tổ quốc và nhân dân thì nay tham gia cùng với bọn ác đàn áp nhân dân.
Bọn ác Cảnh sát giao thông thì hoành hành mạnh hơn trước nhiều, bọn chúng vẫn bảo kê cho xe quá tải, xe chạy vào giờ cấm, các nhà xe Container, xe tải thùng và xe hành khách đều quá rành các kiểu ăn của bọn ác, nhiều người còn tố cáo đám "chim lợn" làm tay sai cò mồi cho bọn ác bẫy người giao thông, dùng đám ấy đánh người nào dám quay video hay có sự chống đối. Cứ tìm kiếm video hay hình ảnh trên mạng thì ra hàng triệu bằng chứng về bọn Cảnh sát giao thông ăn tiền, đánh dân, nhưng kết quả về đám ấy bị kỷ luật hay đi tù thì hiếm lắm.
Bọn ác ấy sống dai vì có bọn ác hơn, ma quỷ quyền phép hơn bảo kê ở trên cao nữa. Bọn ác nhỏ, bọn ác lính lác đi vơ vét tiền về cống nạp chia chác cho bọn ác lớn, bọn ác cao cấp, bọn ác ngồi ghế lãnh đạo được tô vẽ là có đạo đức sáng ngời, là người đi đầu phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, là những người con ưu tú của Đảng… Bọn ác bề ngoài toàn nói lời hay ý đẹp một cách trơn tru kiểu lòng dân ý Đảng, theo kiểu đạo đức văn minh, nhưng bề trong bóng tối, dưới gầm bàn là những quyền lợi tiền tỷ, nhà cao cửa rộng, con cái đi học nước ngoài, xây nhà biệt phủ, tiền bạc phủ phê mà không phải đóng thuế cho ai cả, mà cũng chưa có cơ quan hành pháp tư pháp nào truy tầm được cụ thể nguồn gốc tiền của thứ của chìm của nổi ấy từ đâu mà có…
Tất nhiên là đừng vơ đũa cả nắm vì dân gian có câu "Thằng này là Đảng viên nhưng vẫn còn tốt lắm…", thật ra bây giờ trong bọn ác cao cấp ấy thì người ít ác cũng là hiếm lắm. Không tin bạn cứ hỏi dân thường, hỏi người hàng xóm của mình cho dễ thôi, rằng những cán bộ có chức quyền các cấp, các ngành từ công an, Hải quan, thuế vụ, tài nguyên môi trường, y tế cho đến văn hoá thông tin, giáo dục … có tham nhũng hay không ? Tại sao họ có nhiều tiền thế, nhà đất to đẹp, tiền nhiều, con cái cho đi du học nước nọ nước kia, tài sản đâu ra ?
Bà phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan vẫn được báo chí nêu tên vì câu nói "Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì", vâng, tâm trạng của tôi cũng không khác gì bà Doan khi kể ra những chuyện mắt thấy tai nghe hàng mấy chục năm trời nay…
Cái chức quan nhỏ xíu dễ bị coi khinh như tổ trưởng dân phố mà vẫn có cửa ăn tiền bạn có tin không ?
Có những cách ăn tiền bạn khó mà tưởng tượng ra như việc Công an giám định tử thi vẫn ăn tiền trên xác người chết. Nhà có người chết thuộc trường hợp phải giám định tử thi, nếu không chi tiền thì nó cứ để đấy mặc kệ sự sốt ruột của người thân. Đoạn trường ai có qua cầu mới hay, mới thấu hiểu cái bọn ác nó chực chờ vơ vét tiền dân khắp mọi ngõ ngách, mọi ban ngành, mọi tình huống. Cứ đụng chuyện phải đến cửa quan gặp bọn có chức có quyền, gặp bọn được Đảng giao phó trọng trách giải quyết công việc là y rằng nhìn mặt bọn ấy thôi đã thấy ác rồi. Bọn chúng tự xem mình như ông trời và xem dân mình chẳng ra gì, người tốt có nhưng hiếm lắm, gặp được cũng là phước rồi.
Bọn ác được giao cho việc quản lý thị trường và chất lượng hàng hoá nhưng hàng chất lượng kém, thực phẩm bẩn cứ nhan nhản với bề ngoài tươi đẹp dễ nhầm lẫn khiến dân mình bị nhiễm bệnh, bị ung thư với tỷ lệ gần cao nhất thế giới. Bạn có tin không, cứ Gu-gờ (Google Search) tìm kiếm là biết môi trường sống ở Việt nam nguy hiểm thế nào, từ không khí ô nhiễm, thực phẩm bẩn, trộm cướp, cho đến tai nạn giao thông đều quá cao so với thế giới.
Bọn ác ấy ăn lương từ tiền thuế của nhân dân, được mặc sắc phục mang chỉ dấu quyền lực phô trương rằng dân thuận ý thông qua Pháp luật cho chúng cầm quyền (mặc dù mọi cuộc bầu cử đều giả dối và được dàn xếp). Bọn ác ấy vẫn họp chi bộ đều đặn làm công tác phê và tự phê trong nội bộ Đảng nhưng chỉ là dòm chừng nhau và dặn dò nhau mọi ăn uống hối lộ phải kín đáo đừng để lộ liễu cho dân chúng và báo chí chộp được. Bọn ác vẫn làm công việc liệt kê tài sản với nhau trong phạm vi nội bộ cơ quan, nhưng chủ yếu là tạo vỏ bọc và hợp thức hoá những tài sản công khai, còn mớ tài sản dàn xếp cho con cho cháu nắm giữ hộ thì đem cả hệ thống cơ quan điều tra cả nước truy tìm hàng thế kỷ chưa chắc đã tìm ra đầy đủ những tài sản vì ăn cắp của công vì tham nhũng mà có.
Bọn ác hoành hành với hệ thống bảo bọc thông suốt từ Trung ương đến địa phương và đảm bảo cho những kẻ ăn theo ủng hộ địa chia chác những quyền lợi trong công cuộc cai trị.
Bọn ác vì bảo vệ hệ thống băng nhóm làm ăn chia chác nhiều thứ quyền lợi nên sẵn sàng bắt bớ đàn áp bất cứ ai có tinh thần chống đối tố cáo chúng cho công luận. Bao năm qua, những người dám nói lên sự thật một cách ôn hoà, chỉ là bất đồng chính kiến, họ luôn bị theo dõi bị đe doạ và bị bắt tù hàng chục năm với những vu cáo ghê gớm như "lật đổ chính quyền nhân dân" như "tuyên truyền chống nhà nước"… năm nào bọc ác cũng đều đặn bắt người để duy trì sự đe doạ, duy trì sự sợ hãi.
Vâng, chính quyền nào chủ thuyết nào cũng có mục tiêu cho dân chúng khoẻ mạnh, giàu có, vui sướng và đất nước văn minh cường thịnh… dù là chế độ Cộng sản hay Cộng hòa, nhưng phải thấy rõ là bây giờ "Bọn ác" ngày càng ác hơn, ngày càng đông hơn chứ không giảm kể từ cái đêm ấy khi tôi mơ ngủ giựt mình nghe bác tài nhà xe Quốc Hùng Phan Rang nói giựt giọng "Bọn ác, bọn ác…" !
© Tuệ Tâm
Nguồn : RFA, 24/03/2018 (phanh's blog)
Có thể nói là chỉ một ổ gà tạo vũng nước đọng trước nhà bạn cũng thuộc về chính trị, tại sao vậy ? Nếu bạn muốn nước không đọng thì tự bạn không thể quyết định bởi con đường là của nhà nước, bạn muốn thay đổi nó cần phải thông qua một cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công trình công cộng.
Đọc sách "Chính trị bình dân" cùng Phạm Đoan Trang - Độc giả Nguyễn Trường Sơn và cuốn "Chính trị bình dân". Ảnh: Facebook nhân vật (Nguồn : Tạp chí Luật Khoa)
Cách đơn giản nhất là nói chuyện với Tổ trưởng dân phố, nhưng họ lại phải trình bày lên ủy ban nhân dân phường, rồi phường cũng phải xem xét con đường ấy do sở ban ngành nào quản lý, kinh phí do ai duyệt chi và kế hoạch bảo trì sửa chữa hàng năm hàng tháng hay đột xuất như thế nào… thật lắm chuyện. Lỡ ông tổ trưởng dân phố làm ngơ mấy tháng trời chỉ ú ớ hứa hẹn, mà thực ra ông ấy cũng chả hiểu đề nghị của mình nhắn với cấp Phường sẽ đi đến đâu… Thế rồi bạn bắt đầu tư duy, bắt đầu tự hỏi, không hiểu cái ông tổ trưởng dân phố kia ai bầu chọn vào vị trí đấy, bạn có bỏ phiếu cho ông ta không, rồi cái ủy ban có chữ nhân dân kia từ đâu ra, ai trả lương cho họ, trụ sở to cao hoành tráng, máy lạnh chạy phà phà, đất đai của nhân dân, chi phí từ tiền thuế của nhân dân cũng do gia đình, dòng họ anh em bạn đóng góp tại sao mà chỉ có cái ổ gà cũng cứ năm này tháng nọ không ai thèm để ý…
Biết bao câu hỏi từ đó cứ loay hoay : cái ông Tổng bí thư có học vị giáo sư tiến sỹ xây dựng Đảng mà sao dân lại bảo là Lú, rồi tại sao Việt Nam chỉ có một đảng thì bầu cử tranh cử thế nào, ai có quyền lựa chọn ai. Tại sao trạm thu phí mọc lên như nấm hàng ngày bắt bạn trả tiền vô lý, rồi báo chí nói tiền tham nhũng thất thoát hàng ngàn tỷ không thấy vụ nào thu hồi cho dân nhờ. Rồi thực phẩm bẩn tràn lan, tỷ lệ người Việt nam bị ung thư nhiều nhất thế giới ; Cảnh sát giao thông đòi mãi lộ khắp nơi trong khi người chết do tai nạn giao thông còn cao hơn những quốc gia đang có chiến tranh. Rồi Hoàng sa trường sa là của Việt nam sao lại có Công hàm chấp nhận trao cho Trung quốc chủ quyền.…
Hàng trăm câu hỏi đều dẫn đến yêu cầu truy tìm người có trách nhiệm, người đó là ai mà sao không thấy truy cứu, trách nhiệm ấy của Đảng, của nhà nước hay của Quốc hội, của chính phủ… ôi sao rối rắm quá !
Những chuyện ấy là chính trị nghe có vẻ vừa gần gũi mà vẫn xa vời vì không ai lý giải để bạn nghe lọt lỗ tai, cho gãy gọn.
Chuyện chính trị ở Việt Nam là chuyện của "người lớn", của Đảng của nhà nước lo hết, dân muốn bàn thôi cũng ngại vì coi chừng bị chụp cho cái mũ phản động, theo đuôi tư bản Âu Mỹ… sách vở thì chỉ được học theo Mác Lê, tư tưởng Hồ Chí Minh đố ai dám dạy cho bạn trệch hướng, vậy thì thế giới họ theo khoa học chính trị, quản lý nhà nước kiểu gì mà sao họ giàu có văn minh dân chủ thế, nhân quyền của họ tại sao cao thế ? Ai tò mò thì vẫn tìm hiểu được từ nhiều nguồn, nhưng khó hình thành hệ thống và thuật ngữ chuyên môn ngành Luật, ngành Triết, ngành khoa học chính trị rất khó nhai, khó hiểu sâu xa ngọn ngành, trong khi chính trị Mác Lê thì ngấy đển tận óc cũng cứ bị bắt buộc phải học phải thi để có được tấm bằng đại học.
Nói ra thật dài dòng như thế để thấy rằng người dân thực sự cần muốn cuốn sách "Chính trị Bình dân", nói chính trị theo ngôn ngữ mà người dân thường không cần chuyên môn sâu xa về học thuật cũng có thể hiểu được. Những câu chữ mà hàng ngày ai cũng quen đọc quen nói quen dùng như : chính phủ, nhà nước, dân chủ nhân quyền, bầu cử ứng cử, đại biểu, quốc hội, nghị viện, hành pháp, tư pháp, lập pháp… là gì, ít được sách vở nào soi rọi theo ngôn ngữ bình dân dễ hiểu.
Cũng có rất nhiều sách viết theo kiểu : "Hỏi đáp về…Pháp Luật" chất đầy các kệ sách ở nhà sách nhưng thật sự thiếu một cuốn sách dám bàn về Chính trị theo ngôn ngữ bình dân và mở rộng tầm nhìn theo cách mà thế giới họ hiểu về chính trị chứ không bị bó buộc vào nhiệm vụ định hướng tuyên truyền cho Đảng Cộng sản và Ban tuyên giáo Cộng sản. Rất nhiều Học giả, Luật gia cũng từng ấp ủ viết được một cuốn sách về chính trị theo lối bình dân để mở mang dân trí nhưng vẫn chưa thấy có quyển nào phổ biến đi vào đời sống.
Cuốn sách Chính trị bình dân của Phạm Đoan Trang ra đời dù muộn màng nhưng lại rất đúng lúc giải được cơn khát tìm hiểu kiến thức chính trị theo cách đời thường, nhưng rất cần cho đối tượng rộng lớn người dân và cả những sinh viên học chuyên ngành Luật, Kinh Tế, Triết, các ngành Quản lý công…
Phải nói rằng Phạm Đoan Trang đã thành công để "hạ Chính trị thấp xuống" đúng ngay tầm với của người Bình dân bằng cách trình bày theo ngôn ngữ dễ hiểu, nhưng đã khảo sát công phu hàng loạt vấn đề chính trị rất thường gây tranh cãi, dễ hiểu nhầm bởi lối tuyên truyền một chiều áp đặt của nhà cầm quyền Cộng sản luôn khống chế quan điểm theo kiểu mị dân, ví dụ như : yêu nước như thế nào, biểu tình và mặt trái của nó, sự vô cảm chính trị, mặt trái của dân chủ…
Cách trình bày khách quan đưa ra nhiều quan điểm khác nhau thậm chí trái ngược để cho người đọc đối chiếu, nhiều bài báo, số liệu, sự kiện tiêu biểu cùng chuyên đề cũng được đưa vào cho độc giả đọc thêm để mở rộng cách nhìn từ lý thuyết qua thực tế, khiến cho sự khô khan chính trị trở nên sinh động, đời thường và thú vị
Mặc dù là bình dân nhưng cuốn sách 500 trang được trình bày theo mục lục cụ thể, chuyên đề chọn lựa hầu hết những quan niệm thường dùng nhất với bố cục chặt chẽ, phần phục lục có chú thích thuật ngữ đã khảo cứu ghi số thứ tự trang dễ tra cứu và thuật ngữ chính trị tiếng Anh đã dịch sang tiếng Việt, như một giáo trình giáo khoa hay cẩm nang chuyên ngành.
Với công phu nghiên cứu và biên soạn khá hoàn chỉnh nên sách được rao bán trên Amazon với giá 25 USD có vẻ không bình dân lắm so với người Việt Nam, tuy nhiên bản điện tử trên smashwords có giá chỉ 5 USD và thậm chí là được tặng sách nếu như các bạn là sinh viên và "dám đọc nó".
Tác giả tâm sự : "Nếu có gì phải nói thêm về hoàn cảnh ra đời cuốn sách thì, tôi đã viết nó trong những ngày bị canh chặt ở Hà Nội, đến mức không thể đi đâu, làm gì được, và luôn cảm thấy khó thở - nghĩa đen. Có những ngày trước cửa nhà tôi luôn đầy những thanh niên bịt mặt đứng, ngồi vạ vật, ánh mắt nhìn tôi không chút thân thiện.
Nếu bạn là sinh viên, tôi sẽ rất vui được tặng sách cho bạn.
Nếu có anh công an, an ninh nào hỏi bạn về cuốn sách, hãy nói với họ rằng đó là sách do tôi viết, và tôi sẵn sàng trao đổi với họ trên tư cách tác giả với độc giả. Tác giả không sợ thì các bạn chẳng có gì phải ngại cả."
Bởi tác giả từng là phóng viên, biên tập viên ở nhiều tờ báo tiếng Việt lớn như VnExpress, VietNamNet, Tuần Việt Nam, Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, Luật Khoa tạp chí, và trang mạng tiếng Anh Vietnam Right Now, và sau quá trình khảo cứu chủ đề Chính trị Việt Nam thì tác giả cũng tự hiểu việc dám viết, dám xuất bản quan điểm riêng về Chính trị là một hành động nguy hiểm cho cá nhân mình khi Chính trị Việt Nam chỉ là quả bóng trên tay các nhóm lợi ích tư bản đỏ và cơ quan an ninh sẽ khó mà để yên cho cô.
Khi bài viết này đưa lên thì Đoan Trang vẫn còn bị Cơ Quan an ninh điều tra thẩm vấn và đe doạ khởi tố. Hiện nay đám tay sai an ninh của Đảng còn chịu sức ép lớn hơn khi Đoan Trang công khai lời tuyên bố chống độc tài và mong muốn đấu tranh xóa bỏ nhà nước Cộng sản độc tài tại Việt Nam. Thật đau xót nếu như Phạm Đoan Trang vì tác phẩm và tâm huyết muốn khai trí cho người bình dân Việt nam mà lại bị tù tội và những con ngáo ộp chính trị vẫn tiếp tục thao túng đất nước này mặc dù đa số người dân Việt đã dần dần chuyển hóa về nhận thức để không còn vô cảm chính trị nữa.
Chưa biết kết quả điều tra thẩm vấn và đe doạ tự do của nhóm ngáo ộp kia ra sao với Phạm Đoan Trang thì chúng ta cũng nhân dịp này để đọc và nghiên cứu một cách nghiêm túc sách Chính trị bình dân và phổ biến thật rộng rãi đến nhiều tầng lớp bình dân được khai sáng nhận thức của họ về nền chính trị ngáo ộp độc tài của Việt Nam hiện nay.
© Tuệ Tâm
Nguồn : RFA, 28/02/2018 (phanh's blog)
Cứ mỗi độ đến Tết, dịp Xuân về lòng tôi lại có những bùi ngùi khó tả khi nghĩ về hai sự kiện thảm sát xảy ra trên dải đất miền Trung. Đó là hai sự kiện thảm sát đã được diễn ra vào mùa Xuân năm Mậu Thân (1968) tại Huế và sự kiện thảm sát tại Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi).
Những người phụ nữ khóc bên một nấm mộ tập thể tại Huế hôm 14/10/1969.- AP
Nếu những người đã chết ở Mỹ Lai phần nào được nguôi ngoai, vì hung thủ đã được xác định, những kẻ thủ ác đã vài lần phải ra tòa để đối diện tội ác của mình, thì tại Huế, những kẻ giết người vẫn sống nhởn nhơ, họ không chịu bất cứ sự trừng phạt của công lý. Những người đã khuất hay thân nhân còn sống của họ chẳng thể nào tìm được công lý cho dù thời gian đã trôi qua 50 năm.
Từ những con số cho biết, số người đã chết trong vụ càn quét ở Mỹ Lai (3/1968) lên đến 504 người, trong đó đa phần là trẻ con, phụ nữ và người già. Dù đã được giấu nhẹm nhưng chỉ hơn một năm sau (11/1969) vụ thảm sát đã bị vỡ lở, những kẻ đã xuống tay với đồng bào tại Mỹ Lai đã phải ra tòa, đối diện với công luận về những tội ác mà họ đã gây ra. Những người này đã chết bởi súng đạn của quân đội Hoa Kỳ, một dòng giống ngoại lai không cùng máu mũ với dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó, một vụ thảm sát kinh hoàng hơn, số người chết và mất tích lên đến 7.600 người và điều đáng nói hơn, kẻ thủ ác không phải là người ngoại tộc, mà chính là người Việt gây ra. Cuộc thảm sát tàn khốc do quân đội Bắc Việt và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, những lực lượng mà trước khi chết, những người bị thảm sát ở Huế vẫn gọi là "đồng bào".
Nếu ở Mỹ Lai chỉ hơn một năm sau sự việc vỡ lở, thì cho đến nay, những người chết ở Huế vẫn chưa thể nhắm mắt vì những kẻ thủ ác vẫn chưa trả giá cho những tội ác mà họ gây ra. Hay nói theo cách khác, công lý vẫn chưa được thực thi cho dù đã 50 năm trôi qua.
Chẳng những vậy, nhân 50 năm xảy ra thảm kịch tang thương Mậu Thân, chính quyền còn cho mở đợt tuyên truyền rầm rộ về cái mà họ gọi là chiến thắng "Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968". Hàng loạt tác phẩm thơ văn đã được tung ra trong dịp này nhằm mục đích tuyên truyền, ca ngợi cái mà chính quyền gọi là "chiến thắng". Những việc làm đó chẳng những không đem lại công lý cho người đã khuất, mà nó còn sát muối vào vết thương chưa kịp lành của những người còn sống sót. Đau đớn hơn, việc làm tổn thương ấy còn được thực hiện đều đặn hàng năm.
Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, truyền thông, báo chí hàng năm lại rêu rao, kể chi tiết từng cái chết, sự đau thương của những người còn sống nhằm mục đích khơi gợi, nuôi dưỡng sự căm thù đối với chính quyền Hoa Kỳ ; thì trong vụ thảm sát tại Huế, chính quyền dường như câm bặt. Không một tờ báo nào nói đến những mất mát, con số thiệt hại mà người dân Huế phải gánh chịu sau khi bị quân đội Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công. Những người bị thảm sát đã phải chết một cách đau đớn, như bị chôn sống, dùng cuốc để giết. Bộ máy tuyên truyền coi việc giết chết hàng ngàn người dân bằng những hình thức hết sức man rợ như thời Trung cổ là "chiến thắng vẻ vang", được tung hô như là "thành quả cách mạng" và đều đặn trong vài chục năm đều rêu rao nhắc về chiến thắng vỹ đại ấy.
Thật khó để có thể có công lý cho những người đã khuất, hoặc thân nhân của những người còn sống khi mà nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn còn tồn tại. Vì chính nhà nước này là kẻ đã gây ra tấn thảm kịch tại Huế. Dù muốn, dù không họ cũng phải che giấu sự thật để bảo vệ sự chính danh của mình. Một khi mất đi sự chính danh, chính quyền này chẳng còn có thể trụ vững để tiếp tục cai trị người dân trong nước.
Đã rất nhiều lần trên các diễn đàn hay trong những lần ngồi nói chuyện với nhau, một số trí thức, văn nghệ sỹ tạm gọi là "cấp tiến" và có nguồn gốc từ miền Bắc nói rằng, họ mong rằng sau khi chế độ độc tài Cộng sản sụp đổ sẽ không có bất cứ cuộc trả thù nào đối với những người đã từng phục vụ cho chính quyền Cộng sản. Công an hay những người từng gây ra các vụ bắt bớ, tống giam, gây hàm oan cho giới đấu tranh dân chủ sẽ không bị trả thù. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến ấy. Trong lịch sử chúng ta đã từng chứng kiến sự trả thù dã man của phe chiến thắng đối với phía thua cuộc. Đó là kể từ sau 1975, khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam. Họ đã bắt hàng chục, hàng trăm ngàn quân-cán-chính của chính quyền Việt NamCH vào những nhà tù và hành hạ họ ở đó cho đến lúc chết. Tôi mong sao điều đó sẽ không tái diễn.
Tuy nhiên, công lý cần phải được thực thi. Một xã hội chỉ có dân chủ, tự do chỉ khi công lý được coi trọng. Những kẻ thủ ác gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng ở Huế, những người đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Hữu Tấn (Vĩnh Long), những kẻ đã giết chết ông Hoàng Văn Ngài (Đắk Nông)... và rất nhiều nạn nhân hoặc thân nhân của họ đều phải được thấy công lý.
Nói cách khác, những kẻ thủ ác phải bị đưa ra tòa để đối diện với tội ác và trả giá cho những gì mà họ đã gây ra với đồng loại của mình. Vì không thể nào công lý xuất hiện ở Mỹ Lai, nhưng lại biến mất ở Huế ; công lý chỉ có ở với người này nhưng lại biến mất ở gia đình khác được.
© Tuệ Tâm
Nguồn : RFA, 25/01/2048 (phanh's blog)
----
Bài viết có sử dụng các con số từ Wikipedia nên khi đối chiếu với những số liệu từ các trang mạng, tài liệu khác sẽ có đôi chút khác biệt.
An ninh hàng không Việt Nam nhìn từ vụ xét xử "16 người khủng bố sân bay Tân sơn nhất"
Dư luận trong và ngoài nước không hề biết đến vụ đặt chất nổ tại phi trường Tân Sơn Nhất chỉ khi nhà cầm quyền mang 16 người ra xét xử. Những người này bị nhà cầm quyền cáo buộc "khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất" để lấy tiếng vang. Không bàn đến đúng-sai trong vụ án vì với truyền thống bưng bít thông tin, dư luận sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật của sự việc. Tòa án và báo chí cộng sản chỉ làm nhiệm vụ tuyên truyền tô hồng chế độ và tìm mọi cách thổi phồng những tình tiết mơ hồ nhằm bôi nhọ những người đấu tranh cả trong nước và hải ngoại.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 16 bị cáo khác liên quan vụ nổ bom xăng ở sân bay Tân Sơn Nhất
Khi báo chí được dịp lu loa theo kiểu "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân, có cấu kết với lực lượng hải ngoại…", thì vụ án bộc lộ những tình tiết cho thấy tình trạng an ninh hàng không Việt Nam là cực kỳ tồi tệ mặc dù nhà cầm quyền đã dành nhiều nhân lực và ngân sách quốc gia vào công việc theo dõi bám sát, trấn át bắt bớ hàng loạt các nhà đấu tranh đòi công bằng cho môi trường và những quyền căn bản của con người vì lo sợ chế độ độc tài bị lật đổ.
Theo cáo trạng, vào chiều ngày 24/12/2017, Đặng Hoàng Thiện (24 tuổi) chở hai thùng carton chứa bom xăng điều khiển từ xa đã được làm trước đó giao cho Ngô Thụy Tường Vy (31 tuổi) và hướng dẫn cho cách kích nổ. Vy đã cùng với Trương Tấn Phát mang vào phi trường Tân Sơn Nhất để thực hiện kế hoạch. Tuy nhiên, do sợ sẽ gây chết người vô tội nên Phát đã tháo pin ra. Vy đã biết việc này của Phát nhưng không phản đối. Cả hai sau đó đã mang thùng carton chứa bom xăng điều khiển từ xa đến đặt tại cột số 9 của nhà ga quốc tế. Do không có pin nên vụ nổ đã không xảy ra. Hành khách sau đó đã báo cho lực lượng an ninh phi trường đến để vô hiệu hóa quả bom.
Cùng thời điểm đó, Thiện mang quả bom đến tầng 3 nhà giữ xe phi trường, rồi đi xuống tầng trệt để kích hoạt cho quả bom nổ. Tuy nhiên, do khoảng cách quá xa nên không kích nổ được. Thiện quay lại, lấy quả bom mang xuống tầng trệt để kiểm tra và thấy vẫn hoạt động bình thường nhưng không dám quay lại vì sợ bị phát hiện nên đã mang quả bom đến cột số 9 ở ga quốc tế để cho Vy kích hoạt. Đến khoảng 20g cùng ngày Vy kích hoạt, quả bom phát nổ làm cho hành khách xung quanh hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Lực lượng có trách nhiệm đã có mặt hiện trường và dập tắt đám cháy.
Từ cáo trạng cho thấy, vụ nổ xảy ra không đúng theo kế hoạch không phải do lực lượng an ninh tại phi trường kịp thời ngăn chặn, mà là do những người thực hiện sợ việc mình làm sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Cùng với đó là trình độ chế tạo chất gây nổ còn non kém, thiếu chuyên nghiệp. Hệ thống an ninh ở phi trường Tân Sơn Nhất đã không hề phát hiện hành vi đặt bom, để cho Đặng Hoàng Thiện thoải mái mang thùng carton chứa bom đến tầng 3 bãi giữ xe, sau đó đi lên đi xuống, chuyển sang khu ga quốc tế.
Một giả dụ được đưa ra, nếu những người đặt chất nổ là những tay chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, trong đầu chất đầy sự hận thù và không hề có lòng trắc ẩn thì hậu quả sẽ như thế nào ? Chắc chắn sẽ kinh hoàng rất nhiều so với những gì mà nhóm của Đặng Hoàng Thiện đã làm. Mạng lưới an ninh sân bay rất lỏng lẽo, tạo ra nhiều sơ hở mà chỉ với những kẻ nghiệp dư cũng đã có thể tạo ra được một vụ nổ nhỏ, chỉ với bom xăng. Điều đó cho thấy rằng, tính mạng của hành khách tại phi trường Tân Sơn Nhất đã không được coi trọng.
Theo những gì mà chúng tôi thu thập được, ngay sau khi vụ nổ xảy ra, một tờ báo trong nước đã cho loan tải tin tức lên trên trang báo điện tử. Tuy nhiên, ngay sau đó, đoạn tin ngắn kia đã bị gỡ bỏ xuống không rõ nguyên nhân. Người dân đã bị bưng bít thông tin, họ không được thông báo đầy đủ những tin tức để có thể tự bảo vệ mình. Việc che đậy những tin tức như trên nhằm cho người dân trong nước và du khách ngộ nhận rằng, Việt Nam vẫn là một nước an ninh, tính mạng họ luôn được chính quyền bảo vệ.
An ninh phi trường tại Việt Nam không hề an toàn
Nhưng sự thật lại không hề như vậy. An ninh phi trường tại Việt Nam không hề an toàn. Trong vòng vài năm trở lại đây, chỉ tính riêng phi trường Tân Sơn Nhất đã xảy ra không biết bao nhiêu vụ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh phi trường.
- Ngày 19/11/2011, một chiếc phi cơ Airbus A320 của Vietnam Airlines đã xém chút nữa đâm phải một chiếc Boeing B737-400 của Jetstar Pacific khi đang bay về phi trường Tân Sơn Nhất.
- Ngày 17/1/2012, hai nhân viên tại Trung tâm Kiểm soát không lưu khi đang chỉ dẫn phi cơ lên xuống đã xích mích và lao vào đánh nhau, đập vỡ thiết bị điều khiển máy tính dẫn đến việc điều hành bay bị gián đoạn.
- Tháng 11/2013, 600 bánh heroin (229kg) lọt qua các khâu kiểm soát tại phi trường Tân Sơn Nhất để đáp xuống phi trường Đào Viên (Đài Loan).
-Trưa ngày 20/11/2014, Trung tâm kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh bị mất điện hàng giờ.
- Ngày 29/7/2016, tin tặc tấn công một loạt hệ thống máy điện toán tại các phi trường Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Phú Quốc. Từ các chứng cứ để lại, dư luận nghi ngờ tin tặc tấn công có nguồn gốc từ Trung Quốc.
- Ngày 8,9 và 10 tháng 3/2017 các website của phi trường Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Quốc, Rạch Giá, Tuy hòa lại bị tin tặc tấn công. Lần này, tin tặc là một cậu nhóc 15 tuổi tại Việt Nam.
- Ngày 6/5/2017, nổ trạm biến áp, phi trường Tân Sơn Nhất bị mất điện 40 phút.
Rất may, trong tất cả những sự việc nghiêm trọng nói trên không có những tổn thất về tính mạng. Qua những sự cố mà chúng tôi đã liệt kê trên cho thấy rằng an ninh hàng không không chỉ tại phi trường Tân Sơn Nhất, mà cả Việt Nam đang bị xâm phạm nghiêm trọng. Nếu nhìn rộng hơn thì an ninh quốc gia không được bảo đảm, tính mạng người dân không được chính quyền lưu tâm. Cho dù, chính quyền được lập ra là để bảo đảm tính mạng cho người và tài sản của dân chúng.
Câu hỏi được đặt ra là vì sao lãnh đạo quốc gia lại quá lơ là đến an ninh phi trường đến như vậy ? Rất khó để có câu trả lời chính xác. Song, trong bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay có thể cho rằng, lãnh đạo đã quá chú trọng đến những cuộc thanh trừng nhằm giành lại quyền lợi cho phe phái ; quá chú ý đến "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến" trong đảng ; mặt khác họ cũng đầu tư lực lượng quá lớn để theo dõi trấn át các nhà hoạt động dân chủ và môi trường, mặc dù tất cả đều trên tinh thần ôn hòa bất bạo động, nên họ không còn tâm trí đâu để quan tâm đến vấn đề an ninh hàng không, sự an toàn và tính mạng của nhân dân và an ninh thực sự của quốc gia.
© Tuệ Tâm
Nguồn : RFA, 27/12/2017 (phanh's blog)