Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

ĐTM là Đánh giá Tác động Môi trường được chủ đầu tư lập nhằm chỉ ra những tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường và các biện pháp bảo vệ môi trường trước những tác động đó. ĐTM cần được cơ quan có thẩm quyển phê duyệt trước khi dự án được tiến hành.

nhom0

Hình chụp hôm 20/4/2016 tại một bãi biển ở tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi chất thải độc từ nhà máy Formosa - AFP

Với vai trò như thế, ĐTM được kỳ vọng là một chốt chặn hiệu quả ngăn cản những dự án ô nhiễm. Thật vậy, ở Đài Loan nhiều dự án có nguy cơ tàn phá môi sinh đã không thể thành hình bởi ĐTM không được thông qua, chẳng hạn gần đây là Nhà máy Nhiệt điện của TaiPower ở Changhua [1] . Trong một số trường hợp khác, chẳng hạn như Dự án Nhà máy Thép Formosa ở Yunlin năm 2007, qua sự phân tích của các chuyên gia có trách nhiệm đối với ĐTM, công chúng nhận ra tầm nguy hiểm của dự án đã phản đối kịch liệt tới mức dự án bị hủy bỏ ngay cả trước khi Hội đồng Thẩm định ĐTM làm việc.

Thế vì sao Việt Nam cũng áp dụng quy trình ĐTM mà lại không hiệu quả, để lọt quá nhiều dự án gây thảm trạng môi trường từ Bắc chí Nam ?

Có nhiều nguyên nhân song quan trọng nhất là Bộ Tài nguyên và môi trường đã giấu giếm các bản ĐTM cũng như giữ toàn bộ quá trình này trong vòng bí mật nhằm tránh né sự giám sát của báo chí và công chúng.

Hình bên trái dưới đây là kết quả từ website thuộc Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam khi gõ từ khóa "Formosa", chỉ bao gồm tên của ĐTM mà hoàn toàn không có nội dung [2] . Trong khi đó ở hình bên phải - website của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan - với cùng từ khóa (台灣化學纖維 trong tiếng Hoa) chúng ta có thể tìm thấy đầy đủ ĐTM của tất cả các dự án của Formosa cùng các tài liệu đi kèm như biên bản cuộc họp Hội đồng Thẩm định ĐTM, biên bản cuộc họp giữa chủ đầu tư với cư dân địa phương - tóm lại là mọi thông tin về khía cảnh môi trường của dự án. Cũng trên website này, bất kỳ ai quan tâm, bao gồm cả báo chí, các tổ chức dân sự, có thể dễ dàng đăng ký tham gia các buổi họp của Hội động Thẩm định, giám sát các thành viên Hội đồng làm việc [3 ].

222222222222222222

Chụp màn hình website Bộ Tài nguyên và môi trường (trái) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Đài Loan Blog Nguyễn Anh Tuấn

Kết quả là, dù thảm họa Formosa diễn ra đã hơn 2 năm song tới giờ công chúng vẫn chẳng hề biết vị giáo sư tiến sĩ nào đã tham gia Hội đồng Thẩm định của Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt ĐTM này. Các vị nhờ đó đã vừa tránh được búa rìu dư luận lẫn trách nhiệm pháp lý theo luật định, mà còn có thể ung dung đứng chân vào những Hội đồng thẩm định các dự án khác.

Tương tự, trong vụ Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đòi nhấn chìm cả triệu m3 bùn thải xuống biển, chỉ khi sự việc trở nên ồn ào trên báo chí người ta mới phát hiện ra một số nhà khoa học đã bị mạo danh trong hồ sơ ĐTM [4]. Tất cả sự dối trá này sở dĩ tồn tại được chính là bởi Bộ Tài nguyên và môi trường giấu giếm toàn bộ hồ sơ ĐTM.

Chính phủ những năm gần đây thường xuyên nói về Cách mạng Công nghiệp 4.0, về mô hình chính phủ điện tử, song một việc giản đơn là đăng tải các hồ sơ ĐTM lên Internet và để người dân lẫn báo chí có thể đăng ký online tham gia giám sát các buổi thẩm định ĐTM mà vẫn không làm được thì chỉ có thể hiểu là nhóm lợi ích Bộ Tài nguyên và môi trường đang cố tình bán đứng môi trường đất nước và sức khỏe người dân để đút cho đầy túi tham.

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 22/09/2018

[1] http://www.taipeitimes.com/News/taiwan/archives/2016/04/21/2003644467?fb...

[2] http://eia.vn/index.php/danh-sach-bao-cao-dtm-phe-duyet

[3] https://eiadoc.epa.gov.tw/eiaweb/Default.aspx

[4] http://moitruong24h.vn/sao-cu-la-lo-hong-dtm.html

Published in Diễn đàn

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà đang vươn lên vị trí số 1 trên thứ tự xếp hạng trong danh sách những quan chức Việt Nam bị dư luận xã hội nghi ngờ nặng nề như ‘nội gián’ của chế độ cộng sản ở Trung Quốc.

thh1

Bộ trưởng Trần Hồng Hà có phải là ‘nội gián’ của Trung Quốc ? Ảnh : VOH

Sau hành động không đưa Formosa vào danh sách các cơ sở sản xuất phải thanh tra môi trường của Bộ Tài nguyên và môi trường trong năm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã phát thêm một thông điệp thách thức dư luận khi luôn dùng cụm từ ‘có thể yên tâm với Formosa’ trong trả lời chất vấn tại kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2018, với lý do ‘vì đến nay, Formosa đã đi vào vận hành và thay đổi hoàn toàn phương pháp quản lý’.

"Với cách làm như vậy, từ khâu xem xét đánh giá công nghệ đến giám sát, kiểm tra chặt chẽ thì không có ngành nghề nào xảy ra sự cố nếu chúng ta làm tốt" – ông Hà khẳng định nhưng trong thể câu điều kiện.

Nhưng ‘chúng ta’ có làm tốt không ? Và đã làm gì ?

Mạng xã hội đang phản ứng dữ dội với lối nói ‘hãy yên tâm’ của ông Hà.

Hãy nhìn lại toàn bộ những gì Bộ Tài nguyên và môi trường và Bộ trưởng Trần Hồng Hà đã ‘xử lý’ từ khi nổ ra thảm họa Formosa gây ô nhiễm kinh hoàng đối với biển ở 4 tỉnh miền Trung.

Bất chấp những gì mà giới quan chức Bộ Tài nguyên và môi trường ra sức tuyên truyền và mị dân, cho tới nay nước biển ở một số khu vực các tỉnh miền Trung và cả ở Đà Nẵng vẫn chuyển thành màu xanh thẫm đầy đe dọa. Lần chuyển màu sau này là sự tiếp nối của rất nhiều lần nước biển bị ô nhiễm trầm trọng kể từ đầu năm 2016 mà đã khiến tôm cá nổi xác đầy mặt biển, kể cả gây ra cái chết của một người thợ lặn muốn phát hiện ra nguồn cơn làm cá chết.

Trong vụ Formosa, Bộ Trưởng đương nhiệm của Bộ Tài nguyên và môi trường là Trần Hồng Hà cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa Hà Tĩnh của Bộ Tài nguyên và môi trường vào năm 2008. Tác động môi trường này chỉ dài 1 trang mà không có một dòng nào về môi trường biển. Trong khi đó, Luật Bảo Vệ Môi Trường 2005 quy định phải đánh giá chi tiết các tác động môi trường có khả năng xảy ra khi dự án được thực hiện ; dự báo rủi ro về sự cố môi trường do công trình gây ra ; biện pháp cụ thể giảm thiểu các tác động xấu đối với môi trường.

Trong phần tác động môi trường, đánh giá tác động của nước thải đến môi trường trong giai đoạn vận hành nhà máy chỉ chưa đến 2,5 trang. Mất 1,5 trang là các bảng biểu, vỏn vẹn một trang tác động môi trường, chủ yếu là liệt kê các nguồn nước thải của nhà máy ra môi trường, đặc điểm của các loại nước thải đó. Ngoài ra, không có thông tin nào cho biết, lượng nước thải này có ảnh hưởng như nào đến môi trường.

Nhưng bất chấp tác động môi trường "làm cho có" trên cùng nhiều dấu hiệu về hành vi "ngậm miệng ăn tiền" của giới quan chức Bộ Tài nguyên và môi trường và các "nhà khoa học", cho đến nay vẫn chẳng có bấ cứ quan chức nào của bộ này bị xử lý.

Khi mới xảy ra thảm họa Formosa, chính Bộ Tài nguyên và môi trường là nơi đưa ra nguyên nhân "thủy triều đỏ" như một thói dối trá lâu năm mặc định thành bản chất.

Đến đầu năm 2018, bất chấp tình trạng Formosa vẫn xả khói đầy trời và nước biển tiếp tục bị ô nhiễm trầm trọng, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tạo ra một thách thức rất lớn đối với nhân dân khi không đưa thủ phạm đầu bảng gây ô nhiễm môi trường là Formosa vào danh sách hơn 200 doanh nghiệp sẽ bị thanh tra trong năm 2018. Vụ việc này đã ‘kiến tạo’ thêm một dấu hiệu rất đáng nghi ngờ về việc Bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam đã ‘đi đêm’ và ‘ăn bẩn’ với thủ phạm gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường ở 4 tỉnh miền Trung- Formosa.

Vào năm 2016, Formosa đã chuyển số tiền 500 triệu USD bồi thường thành hai lần, mỗi lần 250 triệu USD, vào tài khoản của Bộ Tài nguyên và môi trường – một trong những "thủ phạm" gây ra thảm họa ô nhiễm môi trường biển kinh hoàng trên. Nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy Bộ Tài nguyên và môi trường "ngâm" số tiền 500 triệu USD trong tài khoản ngân hàng quá lâu mà không chuyển ngay cho các địa phương nhằm hưởng lãi ngân hàng, trong khi báo cáo là tiền đã chi hết cho các địa phương, còn các địa phương lại báo cáo là tiền đã chi hét cho dân. Đây có thể là một hành vi vi phạm phát luật nghiêm trọng, tuy nhiên cơ quan bộ này đã không bị hề hấn gì.

"Báo cáo láo" của Bộ Tài nguyên và môi trường và chính quyền các địa phương chính là một trong nguồn cơn khiến phong trào biểu tình phản đối Formosa và phản đối chính quyền đã bùng nổ không ngớt trong hai năm qua, bất chấp cơ chế đàn áp thô bạo và dã man của chính quyền ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Quảng Bình.

Nhưng ‘báo cáo láo’ có phải chỉ do thói quan liêu và ‘ăn bẩn’ ?

Cái cách Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Trần Hồng Hà trả lời ‘yên tâm về các nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc’ và ‘chưa phát hiện người nước ngoài mua đất ở Việt Nam’, trong khi thực tế chứng minh hoàn toàn ngược lại về nguy cơ ô nhiễm của điện hạt nhân Trung Quốc và người Trung Quốc từ lâu đã ồ ạt mua đất ở rất nhiều vùng tại Việt Nam, và gần đây nhất là khu vực ven Khánh Hòa, đã khiến một số dư luận đang phải đặt dấu hỏi : phải chăng ông Trần Hồng Hà đã cố tình báo cáo sai sự thật theo ‘chỉ đạo’ từ Bắc Kinh ?

Thiền Lâm

Nguồn : CaliToday, 07/06/2018

 

Published in Diễn đàn