Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 13 juin 2018 22:32

Tái thiết Bắc Hàn

Hôm Thứ Hai 12 Tháng Sáu, ngược với dự đoán của nhiều người, lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Hàn họp thượng đỉnh tại Singapore và sau mấy giờ làm việc, đôi bên đã có một tuyên bố chung về việc cải tiến quan hệ giữa nước cho nền hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên và cho thế giới. Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu về khía cạnh kinh tế của biến cố lịch sử này.

taithiet1

Pyongyang, Bắc Hàn - AFP

Biến cố lịch sử

Nguyên Lam : Nguyên Lam xin kính chào ông Nguyễn-Xuân Nghĩa, chuyên gia tư vấn kinh tế của Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do.

Thưa ông, biến cố trong quan hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Triều Tiên là một bất ngờ cho nhiều người vì từ đầu năm ngoái, nguy cơ chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên đã làm thế giới lo sợ. Từ đầu năm nay, mối quan hệ đó lại chuyển biến khi nóng khi lạnh giữa hai lãnh tụ là Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Chính Ân cho tới khi đôi bên đồng ý gặp gỡ. Sau nhiều tháng chuẩn bị, Thượng đỉnh giữa hai vị nguyên thủ đã thành hình với một tuyên bố chung có nhiều hứa hẹn mà vẫn mơ hồ.

Thưa ông, theo dõi biến chuyển này, ông có những nhận xét gì ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi cho rằng chúng ta cần nhiều tháng thì mới có thể thấy hết được kết quả hay hậu quả của biến cố lịch sử vừa qua. Nhận định về chuyện này, ta nên thận trọng. Với tinh thần đó, tôi xin có vài ý thô thiển sau đây.

Thứ nhất, hai nhân vật trong cuộc là ông Donald Trump và Kim Chính Ân có lắm khác biệt bên ngoài, nhưng lại có nhiều điểm tương đồng. Bảy năm trước, ta ít biết về Kim Chính Ân, sau đó ngạc nhiên và khó tin rằng con người quá trẻ đó lại có thể lãnh đạo Bắc Hàn, chẳng những vì tuổi tác mà còn vì ít kinh nghiệm. Phong thái thất thường của Kim Chính Ân càng làm người ta hoài nghi.

Bên kia thì nhiều người cũng ít biết về Donald Trump khi ông ra tranh cử tổng thống Mỹ từ năm 2015. Không hề có kinh nghiệm chính trị mà cứ phát biểu nghịch lý chói tai, ông lại đánh bại các đối thủ trong đảng Cộng Hòa, rồi đắc cử Tổng thống vào Tháng 11 năm 2016. Cả hai nhân vật ấy đều lãnh đạo một cách bất ngờ và khó tin vì không có vẻ là chính trị gia chuyên nghiệp trong một hệ thống cổ điển. Vì những bất ngờ đó, chúng ta nên rà soát lại nhận thức của mình.

Thứ hai, Kim Chính Ân theo đuổi mục tiêu do ông nội và người cha đề ra từ mấy thập niên trước là hoàn tất kế hoạch chế tạo bom hạch tâm gắn trên hỏa tiễn có tầm bắn ngày một xa hơn để bảo vệ sự tồn tại của chế độ. Việc họ dồn dập thử nghiệm loại võ khí tuyệt đối này từ đầu năm ngoái mới gây nguy cơ chiến tranh lan rộng tại Đông Á và phản ứng dữ dội của Tổng thống Hoa Kỳ càng làm thiên hạ lo sợ. Nào ngờ là trong có mấy tháng sự tình lại đảo ngược.

Không thể nào trong mấy giờ gặp gỡ và làm việc tại Singapore mà đôi bên đã có thể thảo luận và thống nhất ý kiến trong bản tuyên bố chung ngắn ngủi như vậy. Ban tham mưu của họ đã lặng lẽ làm việc khá lâu từ trước. Bây giờ đến lượt chúng ta nghiệm lại từ đầu và suy đoán ra kết quả.

Nguyên Lam : Như thông lệ, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày cho bối cảnh để thính giả của chúng ta nắm vững một số yếu tố quyết định trong một biến cố mà nhiều người gọi là lịch sử này.

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Từ khi ra đời vào năm 1948, Bắc Hàn là một xứ chẳng giống ai, dưới một chế độ cộng sản độc tài hà khắc mà bí mật nhất địa cầu. Bắc Hàn cũng gây ra chiến tranh Cao Ly từ năm 1950 tới 1963 khi tấn công Nam Hàn. Cuộc chiến đó chưa chấm dứt mà chỉ tạm ngưng với một hiệp ước đình chiến.

Dù được Liên bang Xô viết và Trung Quốc cộng sản yểm trợ, lãnh đạo Bắc Hàn từ Kim Nhật Thành tới con trai là Kim Chính Nhật rồi cháu nội là Kim Chính Ân ngày nay theo đuổi một chính sách tạm gọi là "tự chủ", mà vẫn hoài nghi hai nước đàn anh và nhấn mạnh đến tinh thần quốc gia của dân tộc Đại Hàn. Ít ai chú ý đến chi tiết đó nên mới bị bất ngờ.

Chuyện thứ hai là trong khi kinh tế Bắc Hàn kiệt quệ vì chế độ cai trị, Nam Hàn đã tái thiết và phục hồi nhanh nhờ theo kinh tế thị trường và cải tiến dần chế độ chính trị cho dân chủ hơn. Khác biệt đó khiến Nam Hàn thành một cường quốc kinh tế có sản lượng đứng hạng 12 của thế giới ngay sau Liên bang Nga trong khi Bắc Hàn là một nước nghèo mà có lực lượng quân sự rất mạnh với võ khí quy ước rồi chiến lược có thể gieo họa cho Nam Hàn. Và cơ bản hơn cả, hai nước vẫn đang ở trong tình trạng chiến tranh sau nhiều vụ xung đột xuất phát từ Bắc Hàn.

Nguyên Lam : Thế rồi còn yếu tố quốc tế và vai trò của các cường quốc khác, như Hoa Kỳ hay Trung Quốc, Liên Xô và Nhật Bản nữa. Thưa ông, trong bối cảnh sâu xa của hồ sơ này thì ta nên nhận định thế nào ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Chúng ta trở về địa dư và lịch sử ! Sống trên bán đảo Triều Tiên, người dân Đại Hàn dần dần thống nhất đất nước thành một quốc gia mà không hề quên rằng lãnh thổ của họ nằm giữa các cường quốc và là địa bàn của các cuộc chinh phục từ Tây qua Đông hay ngược lại, từ Nhật vào Trung Quốc.

Họ nghi ngờ các lân bang như Nga, Tầu, Nhật và không muốn xứ sở trở thành một vùng trái độn quân sự cho tới khi bị chia hai và miền Nam được Hoa Kỳ bảo vệ do một Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc. Nghịch lý ở đây là Hoa Kỳ lại là lực lượng ổn định trên một lãnh thổ bị chia đôi và hai đại cường đã từng tấn công và chiếm đóng bán đảo Triều Tiên trong quá khứ lại trở thành hai nước đang có những mâu thuẫn chiến lược là Trung Quốc và Nhật Bản. Sự thể đó trở thành rõ rệt hơn khi Chiến tranh lạnh kết thúc với sự tan rã và sụp đổ của Liên Xô cuối năm 1991. Việc nước Đức thống nhất từ đó cũng khiến dân Đại Hàn suy nghĩ lại.

Dự đoán kinh tế

Nguyên Lam : Và bây giờ, chúng ta có thêm một nghịch lý khác là Hoa Kỳ đã nhập cuộc để chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh giữa Nam-Bắc Hàn, đảm bảo sự tồn tại của chế độ Bắc Hàn với điều kiện giải trừ võ khí chiến lược và sẽ góp phần cho việc tái thiết và phát triển bán đảo Triều Tiên. Ông kết luận thế nào và dự đoán ra sao về kinh tế ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Ngược với dự đoán của nhiều người nên ta mới bị bất ngờ, lãnh đạo Nam Bắc Hàn cùng hiểu ra sự chuyển động ấy ở chung quanh và thấy siêu cường số một là Hoa Kỳ không có tham vọng chiếm đóng lãnh thổ của họ như các đại cường lân bang kia đã từng làm trong lịch sử. Từ bối cảnh đó và nhìn vào bản tuyên bố chung đôi bên vừa thỏa thuận, ta thấy Hoa Kỳ đồng ý sẽ bảo vệ chứ không đòi lật đổ chế độ Bắc Hàn. Đổi lại, Bắc Hàn cam kết sẽ giải trừ võ khí hạch tâm để không còn loại võ khí tàn sát này trên bán đảo Triều Tiên.

Chúng ta còn cần thời gian kiểm chứng việc tự giải giới này, trong khi đôi bên xúc tiến các kế hoạch, chương trình và dự án kinh tế với sự góp phần của các nước khác như Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Quốc, v.v…. Việc Chính quyền Trump chọn Singapore là địa điểm cho thượng đỉnh cũng có ý nghĩa kinh tế vì khi Kim Chính Ân tới dự hội nghị thì cũng quan sát thấy sự thịnh vượng của một đảo quốc rất nhỏ, từ một làng đánh cá trở thành một trung tâm kinh tế trù phú nằm giữa các quốc gia rộng lớn hơn.

Nguyên Lam : Như vậy, chúng ta có thể bước qua phần kinh tế trong hồ sơ này. Người ta có thể nêu câu hỏi rằng nếu ra khỏi tình trạng hay tâm lý chiến tranh, Bắc Hàn nên cải tổ kinh tế theo mô thức nào để tái thiết và tìm ra sự thịnh vượng cho người dân ? Thưa ông, liệu họ có nên học theo Trung Quốc, Nhật Bản hay Việt Nam, Nam Hàn, Đài Loan, hay Singapore, hay của một xứ nào khác nữa ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Tôi nghĩ mỗi quốc gia hay nền kinh tế lại có một nét đặc thù riêng nên chẳng thể nào áp dụng trọn vẹn giải pháp của một xứ khác. Sau 10 năm đầy hoang tưởng chết người của Mao Trạch Đông, Trung Quốc lụn bại thời Đặng Tiểu Bình nhìn thấy sự phát triển vượt bậc của Nhật Bản dù bị chiến tranh tàn phá, nhưng có lẽ họ học theo mô thức Nam Hàn. Có khi lãnh đạo Bắc Hàn cũng thấy vậy, nhất là thế hệ cầm quyền đời nay đã mở tầm nhìn ra thế giới bên ngoài, kể cả Kim Chính Ân và các nhân vật ở chung quanh.

Khi chọn lựa giải pháp kinh tế lợi hại, quan trọng là câu hỏi "lợi cho ai và hại cho ai" ? Khi xứ sở bị tàn phá vì chiến tranh và chính sách sai lầm thì câu hỏi đó mới là then chốt. Câu trả lời chính đáng phải là "có lợi cho đa số, chứ bất công trong tăng trưởng không thể đem lại sự ổn định cần thiết cho phát triển". Nhìn như vậy và đối chiếu với những gì xảy ra cho Việt Nam thì mô thức cải cách của Việt Nam không là giải pháp nên theo ! Và lại nhờ Trung Quốc góp phần tái thiết qua các dự án xây dựng hạ tầng thì lợi bất cập hại, như ta cũng thấy tại Việt Nam.

Nguyên Lam : Ông nhắc đến trường hợp Việt Nam giữa nhiều biến động của tuần qua thì ai cũng ngậm ngùi suy nghĩ. Nếu vậy thì Bắc Hàn còn giải pháp nào khác ?

Nguyễn-Xuân Nghĩa : Nhu cầu tái thiết và phát triển lệ thuộc vào nhiều yếu tố. Trước hết là tài nguyên thiên nhiên là điều Bắc Hàn có nhiều hơn Nam Hàn. Thứ hai là dân số và trình độ tổ chức thì Bắc Hàn có dân số đủ đông và trình độ kỷ luật rất cao trong tổ chức mà lại chệch hướng vì ưu tiên bảo vệ chế độ hơn phát triển quốc gia. Điều ấy cũng ảnh hưởng tới năng suất từ thời chiến bước qua thời bình. Thứ tư là tư bản cho đầu tư thì Bắc Hàn rất thiếu. Thứ năm, về kỹ thuật thì Nam Hàn có trình độ cao hơn nhưng kỹ thuật Bắc Hàn lại hướng vào chiến tranh.

Kết hợp ngần ấy nhân tố vào phương trình tái thiết và phát triển, tôi trộm nghĩ Bắc Hàn nên tìm ra giải pháp hỗn hợp và có thể học kinh nghiệm… Đài Loan. Xứ này cũng chưa ra khỏi tình trạng chiến tranh trước mối nguy của Trung Quốc. Không có tài nguyên, Đài Loan tìm sức mạnh ở tài nguyên nhân lực và phát triển rất nhanh mà không gây ra bất công xã hội. Kế đó mới là giải pháp của Nam Hàn, có ưu thế là đồng chủng, cùng ngôn ngữ. Cả hai nước đều theo kinh tế thị trường và tiến tới dân chủ với trình độ dân trí rất cao. Sau cùng thì với triển vọng hòa bình, Bắc Hàn có thể tìm ra nguồn trợ giúp về tư bản và kỹ thuật của nhiều nước khác. Bắc Hàn sẽ mất cả chục năm thì mới chuyển hướng quốc gia và chuyển hóa xã hội, là điều chúng ta rất nên theo dõi và học hỏi cho việc… cải cách Việt Nam.

Nguyên Lam : Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.

Nguyên Lam thực hiện

Nguồn : RFA, 13/06/2018

Published in Diễn đàn