Tôi thấy tâm lý người Việt Nam hay chuộng cái "bề ngoài", cái "tiêu biểu", cái "hoa hòe cành lá"... của "vấn đề" chớ ít khi chú trọng tới cái "thực chất" của vấn đề chi đó.
Ngôi nhà rất to của Giám đốc công an Yên bái nằm bệ vệ trên đỉnh đồi, giữa núi rừng bạt ngàn, bao la khiến người dân nghèo miền núi cũng phải trầm trồ khen ngợi (ảnh Minh Thệ)
Thử xét về phương diện nhà cửa. Các xứ tây phương, Nhật, Đài Loan, Hàn…, nói chung là các nước giàu, người ta có thói quen quan tâm "bề trong" hơn là "bề ngoài" của căn nhà.
Các xứ Châu Âu, nhà cửa ở đây phần lớn là cũ kỹ, lâu đời. Những nhà tỉ phú, những chính trị gia, minh tinh tài tử… nổi tiếng phần lớn đều ở trong những ngôi nhà cổ, những lâu đài "cũ kỹ", xây cất từ vài trăm năm. Nhưng điều này không quan trọng đối với họ. Họ sống sung sướng hay không là cái "tiện nghi" của căn nhà đó chớ đâu phải ở cái "hùng vĩ" của cổng ra vào, hay cái "lấp lánh" do sơn son mạ vàng từ trong ra ngoài ?
Ở các xứ này, chỉ dân nghèo mới ở trong những "nhà hộp cao tầng".
Điều này trái ngược ở Việt Nam. Hình ảnh nhà cửa của các đại gia, kiều nữ, tham quan… đưa lên net cho ta có ấn tượng như vậy.
Tâm lý chỉ có "người mới có tiền" thì hay khoe của. Mà càng ít học cái cách khoe khoang càng lố bịch, "nhà quê". Nhớ lại mấy cái tấm hình chụp nhà của ông Nông Đức Mạnh, hay của kiều nữ Nhã Kỳ… ta thấy rõ nét cái cách khoe khoang của người ít học vừa "mới có tiền".
Ta cũng thấy điều này ở khắp hang cùng ngõ hẻm, từ làng quê U Minh cho tới miệt Sơn La. Những ngôi nhà "lòe loẹt" mới cất sau này, để ý, cái nào hình như chủ nhà cũng muốn "vượt hơn" nhà hàng xóm. Cụ thể là ở cái cửa cổng và mặt tiền của ngôi nhà. Hình như phần lớn gia sản cất nhà được dồn vào thiết kế cho hai thứ này.
Mà cái tính "bề ngoài" của người Việt biểu lộ ở khắp mọi khía cạnh của đời sống.
Thử nói về vấn đề "chủ quyền biển đảo".
Ta thấy người Việt hay quan trọng hóa các bản đồ. Lâu lâu lại nghe tin người Việt khám phá được bản đồ cổ, theo đó Hoàng Sa và Trường sa không thuộc Trung Quốc. Trong nước có lần tổ chức triển lãm bản đồ cổ, nhằm chứng minh Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Báo chí không ít lần "tuyên dương" những người "bỏ thì giờ" đi sưu tầm các bản đồ cổ ở Châu Âu.
Một bản đồ cổ thể hiện chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam còn lãnh thổ Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam do anh Thắng sưu tầm. Ảnh: LÊ PHI
Đây cũng là tâm lý "chuộng bề ngoài", thích những cái dễ dàng tiếp cận hơn là những thứ "cao xa khó hiểu". Có lần, khá lâu rồi, phóng viên BBC hỏi tôi về vấn đề phân định Vịnh Bắc Việt (với một giọng khá xấc xược) rằng tôi có "khám phá" được tấm bản đồ nào không ?
Rõ ràng đây cũng là một tâm lý chuộng bề ngoài của người Việt Nam. Trong khi trên phương diện pháp lý, bản đồ chỉ có giá trị "thông tin" (như để củng cố cho một hành vi pháp lý nào đó, như "đồng thuận mặc nhiên - acquiescement implicite"), ngoài ra bản đồ không có giá trị gì cả. Chỉ có những bản đồ đính kèm các hiệp ước mới có "hiệu lực" như là "bằng chứng".
Về vụ "bản đồ Google" vẽ hình "lưỡi bò", hay ghi chú Nan sa và Xi sa của Trung Quốc cũng vậy. Có lần báo chí đăng bài "tuyên dương" "nhà khoa học" nào đó đã thành công "xóa bỏ đường lười bò" v.v.
Nếu ta theo dõi lối "làm việc" của Google thì ta sẽ thấy những thứ đó chỉ là "bề ngoài", một hình thức "tự sướng" (đã thành tật) của người Việt. Bởi vì Google có chủ trương "làm hài lòng tất cả khách hàng", bất kỳ khách hàng là ai. Thử tra bản đồ Ấn Độ, Pakistan và Trung Quốc ba lần bằng Google, ở ba nước (Google chỉ làm việc ở Hồng Kông), ta sẽ có ba bộ bản đồ với ba đường biên giới hoàn toàn khác nhau.
Tức là bản đồ Google chỉ có "giá trị tiêu biểu" cho sự tiện ích của cá nhân nào đó. Các bản đồ này hoàn toàn không có chút giá trị pháp lý nào.
Điều đáng lo là các "học giả" Việt Nam cũng chỉ chạy theo những "giá trị bề ngoài" chớ ít ai để ý đến "thực chất" về chủ quyền biển đảo.
Thực tình tôi không biết học giả Việt Nam nào đề xướng rằng "có hai quốc gia Việt Nam" trong giai đoạn 1954-1975. Điều này không cần thiết. Có điều báo chí Việt Nam hay vinh danh "ẩu" mà không biết đó là cách "vung đao tự thiến", hay "tự bắn vào chưn", dưng Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc.
Một "vấn đề" có nhiều yếu tố "cốt lõi", tạm gọi là "thực chất".
Tùy cái "thực chất" mà giải pháp của vấn đề luôn là như vậy mà không thể thay đổi.
"Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa", nếu có hiện hữu "hai quốc gia Việt Nam" như "học giả nào đó trong nước mà báo chí mới vinh danh, thì câu chuyện về Hoàng Sa và Trường Sa xem như xóa sổ từ năm 1975. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc về Trung Quốc.
Còn có nhiều "tác phẩm" nghiên cứu của học giả Việt Nam (về Hoàng Sa và Trường Sa), lỗi lầm về "thực chất" là có nhiều.
Gần đây có "bài nghiên cứu" của học giả chi đó đăng trên BBC. Theo "học giả" này thì Hòa ước Nhật-Trung 1952 đã "giao Hoàng Sa và Trường Sa" cho Trung Quốc (tức Đài loan bây giờ). Điều tôi lấy làm lạ là nếu quan niệm như vậy thì viết chi thêm dài dòng. Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Đài loan (Trung Quốc) rồi chấm hết.
"Học giả nổi tiếng" khác thì cho rằng Việt Nam không có đủ bằng chứng chủ quyền về Hoàng Sa và Trường Sa…
Đây là những điều "cốt lõi", thực chất của vấn đề. Nếu Hòa ước Trung-Nhật 1952 đã giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc rồi, và "Việt Nam không có đủ bằng chứng về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa". Thì mọi "lên tiếng" chung quanh vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa là "thừa thãi", không có giá trị nữa.
Mặc dầu thực tế về tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa đã không như các "học giả" này nhận định, nhưng "tác hại" của các ý kiến này là vô chừng. Các học giả càng nổi tiếng thì tác hại càng lớn.
Trở lại việc "sính" bản đồ. Mới đây có "học giả" cũng "khám phá" ra bản đồ khu vực Hà Tiên thời thế kỷ 19. Ông "học giả" này mới hô hoán lên rằng biên giới giữa Việt Nam và Campuchia đã được vua chúa nhà Nguyễn thiết lập từ lâu đời. Ông này mới kết luận rằng biên giới Việt Nam và Campuchia không phải do Pháp phân định.
Không biết ý kiến này đã "đi" tới đâu rồi ! Nếu phe Campuchia đòi áp dụng "bản đồ cổ" này để phân ranh lại, không chừng Việt Nam phải trả lại cho nước láng giềng này "nhiều đất lắm (mà không nói ra ở đây).
Hôm kia tôi có viết vài dòng nói về việc "nghe học giả Trung Quốc thách thức mà nóng gà".
Nếu ta có theo dõi tranh chấp hai bên Việt Nam và Trung Quốc về Hoàng Sa, như dự án phân định ranh giới ngoài cửa Vịnh Bắc Việt, ta phải biết rằng phía Trung Quốc đã không nhìn nhận "có tranh chấp" về chủ quyền Hoàng Sa nữa. Đối với Trung Quốc, Hoàng Sa đã thuộc về họ. Điều tranh biện là "hiệu lực về biển" của các đảo là bao nhiêu ?
Tức là Hoàng Sa đã "đông lạnh" từ 1975 đến nay.
Thì đáng lẽ, khi nghe học giả Trung Quốc "thách thức" như vậy, nếu là một "học giả" có tâm và có tầm, lập tức ta phải chụp lấy cơ hội này, mời ngay các học giả Trung Quốc sang Việt Nam để hội thảo về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa.
Rõ ràng "học giả Trung Quốc", khi thách thức Việt Nam như vậy, vô tình đã cho Việt Nam một cơ hội (ngàn vàng) để "hâm nóng" lại vấn đề Hoàng Sa.
Lý ra, người phóng viên BBC cũng vậy, đáng lẽ phái nắm cơ hội, đề nghị với giàn học giả Trung Quốc rằng BBC sẽ tổ chức những cuộc "hội thảo" theo kiểu "video conference", để các bên tranh luận trực tiếp.
Ta thấy rõ là người Việt Nam chỉ chuộng cái "bề ngoài", chuộng cái "hiện tượng" chớ không ai quan tâm tới "bản chất".
Nếu để ý tới "bản chất" sự việc thì không ai bỏ lỡ một cơ hội (bằng vàng) như vậy.
Bởi vậy, đôi khi mình đọc, hay nghe rồi "nóng gà", gặp ai cũng muốn gây sự.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 05/11/2017