Lạm bàn về tâm thế
Trân Văn, VOA, 26/07/2023
Trước đó một chút, sau khi Đội nữ Việt Nam thua Đội nữ Mỹ 0 – 3 ở vòng chung kết Giải Bóng đá nữ Thế giới của FIFA, tờ Thể Thao & Văn Hóa khuấy động dư luận vì bài bình luận được đặt tựa là "Chơi kiên cường trước nhà vô địch World Cup, Đội tuyển Việt Nam khiến nữ Thái Lan phải muối mặt".
Tít trên báo Thể Thao & Văn Hóa ngày 22/07/2023
Chỉ trích của công chúng về cách đặt tựa cũng như nội dung tin, bài của các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam không chỉ càng ngày càng nhiều mà còn càng ngày càng gay gắt.
Mới nhất là chuyện tờ Nhịp Sống Thị trường giới thiệu bài viết "Việt Nam đón 70.000 tấn ‘vàng lỏng’, ghi dấu cột mốc lịch sử : Chính thức tiến vào lĩnh vực đang tạo ‘địa chấn’ toàn cầu" (1).
Nếu chịu khó đọc hết bài viết này người ta mới biết, "vàng lỏng" là cách mà người viết và tòa soạn tờ Nhịp sống Thị trường sáng tác để gọi khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và việc "đón 70.000 tấn vàng lỏng" chỉ là tiếp nhận 70.000 tấn LNG do Shell cung cấp và mới được vận chuyển từ Indonesia sang Việt Nam. Thiên hạ cũng chẳng hiểu vì sao nhiều nhà máy điện ở Cà Mau, Nhơn Trạch (Đồng Nai), Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu, Việt Nam)... của Việt Nam đã dùng LNG để sản xuất điện từ cuối thập niên 2000 mà tờ Nhịp Sống Thị Trường lại cho rằng chuyện tiếp nhận 70.000 tấn LNG là "ghi dấu cột mốc lịch sử" ? Sử dụng LNG để phát điện đã trở thành hết sức bình thường, sao lại nâng lên thành"chính thức tiến vào lĩnh vực đang tạo ‘địa chấn’ toàn cầu" ?
Đáng lưu ý là bài viết vừa kể của Nhịp Sống Thị Trường đã được hàng chục cơ quan truyền thông chính thức tái bản. Kiem Mai Ba gọi đó là "cuồng ngôn" và nhắn báo giới :Không biết làm trong sáng thì đừng bôi bẩn tiếng Việt (2).
***
Trước đó một chút, sau khi Đội nữ Việt Nam thua Đội nữ Mỹ 0 – 3 ở vòng chung kết Giải Bóng đá nữ Thế giới của FIFA, tờ Thể Thao & Văn Vóa khuấy động dư luận vì bài bình luận được đặt tựa là "Chơi kiên cường trước nhà vô địch World Cup, Đội tuyển Việt Nam khiến nữ Thái Lan phảimuối mặt". Rất nhiều người Việt nổi giận khi Thể Thao & Văn hóa tự nâng Việt Nam lên và đạp Thái Lan xuống theo kiểu mà họ cho là "hạ cấp" như vậy. Có người như Tiểu Vũ đã dẫn ý kiến của bà Nuanphan Lamsam – Thành viên Ban Huấn luyện Đội nữ Thái Lan (Chúng tôi chân thành cám ơn màn trình diễn của các bạn [Đội Bóng đá nữ Việt Nam]. Từ trái tim của những người yêu bóng đá nữ, chúng tôi cám ơn các bạn) trên báo Thái để so sánh tầm và tâm của báo Việt và báo Thái(2).
Có người như Thái Hạo nhắc – đại ý :Chúng ta là người Việt Nam sống trên đất Việt Nam nhưng đang đi chợ Thái, mua gạo Thái, trái cây Thái, bia – nước ngọt của Thái… và đựng những thứ đó trong bao bì của Thái. Còn nhìn qua Thái thì khó mà so sánh. Bóng đá chỉ là chơi. Chính báo giới Việt Nam phải thừa nhận "Doanh nghiệp Thái Lan đã thống trị nhiều lĩnh vực trên thị trường Việt Nam, biến Việt Nam trở thành ‘sân nhà’ của họ" thì đừng ảo tưởng và tự hào vô lối, coi chừng phải muối toàn thân (3).
Phản ứng của công chúng đã khiến tờ Thể Thao & Văn Hóa phải sửa tựa đã đề cập thành "Chơi kiên cường trước nhà vô địch World Cup, Đội tuyển Việt Nam khiến nữ Thái Lan phải ghen tị" nhưng vẫn không ổn thành ra phải sửa thêm lần nữa "Đội tuyển Việt Nam đã chơi kiên cường trước tuyển Mỹ, làm rạng danh bóng đá Đông Nam Á".Phan Châu Thành xem việc lẳng lặng sửa hoài nhưng vẫn sai là bằng chứng của sự ti tiện - hả hê trước thất bại của người khác, không những không biết xấu hổ mà còn đầu độc xã hội (4).
***
Ngoa ngôn, loạn ngữ không chỉ xuất hiện trên báo chí cách mạng mà còn giăng đầy trên mạng xã hội và môi miệng viên chức. Nếu chịu khó quan sát có lẽ sẽ nhận ra, ngoa ngôn, loạn ngữ từ chỗ chỉ nhằm phục vụ mục tiêu : Xiển dương sự tự hào cả về quá khứ lẫn hiện tại của xứ sở, dân tộc, qua đó xây dựng lòng biết ơn và vun bồi sự thần phục Đảng cộng sản Việt Nam vô điều kiện đã trở thành nếp nghĩ, lối hành xử của một nhóm không nhỏ, bào mòn và khiến cả dân trí lẫn dân khí trở thành lệch lạc tới mức "tự hào" được làm nạn nhân.
Từ khi tấm màn che hậu trường hoạt động "giải cứu" những người Việt bị kẹt ở ngoại quốc khi Covid 19 trở thành đại dịch toàn cầu được vén lên, thỉnh thoảng thiên hạ lại nhắc đến facebooker Nguyễn Viết Sơn vì từng viết thế này :
Ngạo nghễ Việt Nam. Hãy nhìn trực diện chiếc máy bay Airbus 321 của hãng Hàng không quốc gia Việt Nam để thấy được sự ngạo nghễ ấy ! Bay thẳng vào tâm dịch để đón 30 công dân của mình về nước chăm sóc ! Chỉ có thể là Việt Nam ! Trong tất cả các mối quan hệ, có lẽ chỉ có bậc làm cha, làm mẹ mới có thể lo lắng, cưu mang những đứa con đi làm ăn xa xứ của mình với tất cả tình cảm yêu thương, tinh thần trách nhiệm và sự hy sinh lớn lao đến như vậy. Tự hào chính phủ Việt Nam ! Tự hào dân tộc Việt Nam ! Tự hào tình người Việt Nam ! Lũ "dân chủ", phản động vẫn thường rao giảng rằng : Đừng nghe những gì cộng sản nói. Hãy nhìn những gì cộng sản làm... hãy tự lấy tay chọc nát lỗ tai mình và mở to mắt ra mà chứng kiến sự ngạo nghễ đầy nhân văn của cả một dân tộc được lãnh đạo bởi Đảng cộng sản(5).
Không rõ facebooker Nguyễn Viết Sơn viết như thế vì "công vụ" hay đúng là đã cảm nhận như vậy. Nếu vì "công vụ" thì nên xếp chính quyền tổ chức cổ vũ, dẫn dắt toàn bộ công dân xem hệ thống đang quản trị - điều hành quốc gia như cha mẹ vào loại nào ? Đến giờ, những xứ sở xem chính quyền như "phụ mẫu" đứng ở đâu trong bảng xếp hạng văn minh, mức độ phát triển của các quốc gia ? Còn nếu vì thật sự cảm nhận như vậy thì với những gì đã biết, cũng như đang "tận mục sở thị" từ phiên xử "giải cứu", những người như facebooker Nguyễn Viết Sơn nên lắng nghe "lũ dân chủ phản động" để ngẫm nghĩ đúng–sai, phải–trái, hay tiếp tục tin yêu đảng, tiếp tục cho rằng "đất nước chưa bao giờ như thế này" là "được" chứ không phải là "bị" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/07/2023
Chú thích
**************************
Báo chí bóng đá Việt Nam thắng thì kiêu ngạo, thua vẫn kiêu căng
Cảnh Chân, VNTB, 25/07/2023
Những tưởng sau trận thua 0-3 của đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam trước Mỹ tại World Cup, thì báo chí Việt Nam sẽ hạ cánh sau khoảng thời gian bay bổng khi giấc mơ vào World Cup thành hiện thực. Thế nhưng trận thua này lại khiến báo chí Việt Nam kiêu căng tự phụ một cách xấu xí trong mắt người dân.
Tờ Thể Thao và Văn Hóa của Thông tấn xã Việt Nam có tới hai bài viết cho thấy sự ngạo mạn một cách bất chấp khi tìm đủ mọi cách để ca ngợi thất bại 0-3 này.
Tìm mọi cách để ngạo nghễ
Báo Tuổi Trẻ mô tả đây là một kết quả mỹ mãn trong bài "tuyển nữ Việt Nam đã thắng sự tự ti" dù Việt Nam thua Mỹ và đang xếp chót bảng sau loạt trận ra quân. Nội dung bài báo cho rằng "mặc dù cả trận, tuyển nữ Việt Nam không tạo ra pha tấn công nào. Và tuyển Mỹ dường như cũng muốn giữ chân khi trước mặt họ là đại chiến với Hà Lan. Nhưng chút cảm giác đó không thể che mờ một kết quả mỹ mãn trong trận đấu vừa qua".
Báo Vnexpress thì tự hào rằng Việt Nam đã thắng Mỹ trên… khán đài nhờ to mồm hơn. Trang báo điện tử này so sánh rằng tuy số lượng cổ động viên Việt Nam không đông bằng Mỹ, nhưng những tiếng hô vang cỗ vũ lại có âm lượng và tần suất không kém gì cổ động viên Mỹ. Theo Vnexress thì sự cuồng nhiệt của hàng nghìn cồ động viên Việt Nam trên khán đài sân Eden Park tạo điểm nhấn ấn tượng trong lần đầu đội tuyển xuất hiện tại World Cup.
Bóng Đá Plus, tạp chí của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, có bài viết "Tự hào Việt Nam" sau trận thua Mỹ. Tạp chí này ca ngợi các cầu thủ đã rất tự tự tin và quả cảm khi chơi bóng trước đội tuyển mạnh nhất thế giới. Đồng thời nhận định rằng việc hạn chế bàn thua đến mức thấp nhất (0-3) đã là thành công.
Đáng chú ý nhất là tờ Thể Thao và Văn Hóa của Thông tấn xã Việt Nam. Tờ báo này có tới hai bài viết cho thấy sự ngạo mạn một cách bất chấp khi tìm đủ mọi cách để ca ngợi thất bại 0-3 này.
Ở bài viết "Đội tuyển nữ Việt Nam : Còn hơn cả sự vĩ đại", báo Thể Thao và Văn Hóa coi thất bại 0-3 trước Mỹ là sự vĩ đại kì diệu. "Điều kì diệu mang tên World Cup của chúng ta tồn tại 13 phút. Đó là 13 phút không thủng lưới từ đầu trận, cho đến khi Sophia Smith khuất phục Kim Thanh. Nhưng dù có thế, các cô gái kim cương vẫn chiến đấu đến cùng, và như huấn luyện viên Mai Đức Chung đã nói trong buổi họp báo trước trận, Việt Nam không đến đây để đi dạo và buông xuôi".
Chỉ 13 phút giữ sạch lưới đầu trận nhưng qua báo Thể Thao và Văn Hóa thì lại trở thành một chiến công vô tiền khoáng hậu. Không dừng lại ở đó, cuối bài báo này còn tỏ ra thương hại huấn luyện viên đội tuyển Mỹ khi mô tả khuôn mặt của huấn luyện viên Vlatko Andonovski : Sự thất vọng, sự bất lực, có cả những sự tiếc nuối. Bởi đội bóng của ông đã không làm được điều mà người ta rất kỳ vọng. Không có một kết quả kinh khủng như họ đã làm với Thái Lan 4 năm trước.
Phải đổi tựa đề 3 lần trước phản ứng của dư luận
Bị công kích nhiều nhất trên tờ Thể Thao và Văn Hóa này là bài so sánh trận thua 0-3 này với trận thua 0-13 của Thái Lan trước Mỹ 4 năm trước. Bài báo này đã phải ba lần đổi tựa đề. Tự đề đầu tiên mang tên "Chơi kiên cường trước nhà vô địch World Cup, ĐT Việt Nam khiến nữ Thái Lan phải muối mặt". Sau khi bị dư luận chỉ trích vì sự ngông cuồng thì ban biên tập tờ báo đã thay từ "muối mặt" thành "ghen tị". Tuy nhiên ở lần chỉnh sửa gần nhất, tựa đề bài báo đã đổi thành "ĐT nữ Việt Nam đã chơi kiên cường trước tuyển Mỹ, làm rạng danh bóng đá Đông Nam Á".
Đánh giá về cách giật tít này, anh Nguyễn Nguyễn Tiến Tường viết trên trang cá nhân : "Vấn đề của các anh là bị phèn trong tư duy chứ không phải cái tít báo. Một trận đấu chẳng nói lên điều gì cả. Đằng này các anh lại sử dụng thủ pháp "bắc cầu" để so sánh. Nếu bắc cầu như vậy thì Brazil cũng phải muối mặt trước Việt Nam. Bóng đá đẹp ở tinh thần cao thượng, thắng không kiêu bại không nản. Đằng này thua mà các anh cũng kiêu được thì phèn hết chỗ nói. AQ + Chí Phèo cũng không xi nhê gì với ẩn ức của các anh. Hãy nhìn cách madam trưởng đoàn bóng đá Thái nhận xét và chúc mừng Việt Nam mà học hỏi. Gỡ bài báo đi các anh, người ta mắng ba môn 9 điểm lại tự ái !".
Anh Tường nhắc tới nữ tỉ phú Madam Pang (nữ trưởng đoàn bóng đá Thái Lan) vì cách bà này bày tỏ sự ngưỡng mộ đội tuyển nữ Việt Nam thua Mỹ 0-3 trên trang cá nhân. "Tận đáy lòng, tôi phải khen ngợi các bạn. Màn thể hiện của các cô gái đội tuyển Việt Nam ở trận gặp Mỹ rất tốt. Sau hiệp 1, đội tuyển nữ Việt Nam chỉ để thủng lưới 2 bàn. Tôi luôn cổ vũ đội tuyển Việt Nam bằng cả trái tim của mình".
Nhà báo Nguyễn Hồng Lam thì ví von bài viết của tờ Thể Thao và Văn Hóa là vô văn hóa. Ông bình luận trên trang facebook cá nhân : "Đố kỵ, vô văn hóa thì sẽ dẫn đến ngụy biện ngu xuẩn. Mãi hả hê với thất bại của người khác để biện hộ, tự an ủi yếu kém của mình, đó chẳng bao giờ là động lực hay con đường để đến được thành công, chỉ bộc lộ phần nhân cách ti tiện.
Ngay sau trận thua 0–3 của đội tuyển nữ Việt Nam trước đội tuyển nữ Mỹ, Madam Pang cùng nhiều cổ động viên Thái Lan đã có lời khen ngợi và bày tỏ sự thán phục với các cô gái từng nhiều năm là kình địch của đội tuyển bóng đá nữ nước họ. Một cổ động viên Thái đã viết : "Dù hai nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam không ưa nhau nhưng họ là đại diện của Đông Nam Á. Chúng tôi luôn sát cánh bên các đội bóng của ASEAN ở giải đấu quốc tế".
Đáp lại, chúng ta bêu riếu, giễu cợt thất bại của họ vào 4 năm trước, quên mất rằng tuyển nữ Việt Nam vẫn đến với World Cup lần đầu tiên sau bạn những 2 mùa (2015 và 2019). Rõ ràng, trên sân đấu, chúng ta chưa hơn họ. Nhưng trong tâm thức, họ đang vượt hẳn chúng ta ở cả tâm lẫn tầm".
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 25/07/2023
Với những người đã trải nghiệm một thời gian đủ dài trong tù hoặc ít nhất đã trải qua giai đoạn điều tra lấy lời khai và phải ra tòa, "tâm lý học Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh" là có thể lý giải được.
Có lẽ Đinh La Thăng (trái) và Trịnh Xuân Thanh đã không muốn bày tỏ nguyện vọng "về nhà ăn tết" và "sang Đức với con" trong lời cuối cùng trước tòa, nếu hai
Một hiện tượng đặc biệt đã xảy đến đối với hai cựu quan chức này : khi nói "lời sau cùng" tại phiên tòa xử "Thăng – Thanh", trong khi Đinh La Thăng tha thiết nguyện vọng "muốn được về nhà ăn cái tết cuối cùng với gia đình trước khi chấp hành án", thì Trịnh Xuân Thanh còn đi xa hơn nhiều : "xin sang Đức để chăm sóc vợ con".
"Về nhà ăn tết" và "sang Đức với con" cùng màn khóc lóc như mưa gió cho thấy tâm lý cả hai đều rơi vào tình trạng hoảng loạn. Tâm lý này xuất hiện sau khi Viện Kiểm sát tối cao đề nghị mức án 14 – 15 năm đối với cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh.
Thông thường, đề nghị mức án của Viện Kiểm sát tối cao là "chung quyết", luôn được Tòa án "sao y", hoặc nếu tòa có thay đổi về mức án thì cũng không nhiều.
Phiên tòa xử "Thăng – Thanh" lại là một ca hết sức đặc biệt – một nhân vật từng dám thách thức quyền lực đối với Nguyễn Phú Trọng, còn nhân vật kia dám xúc phạm thể diện của ông Trọng. Với những gì mà Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo "đánh án" với Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng, khả năng rất cao là chính ông Trọng mới là "chủ tọa phiên tòa" và quyết định mức án dành cho hai bị cáo này. Còn sự hiện diện của Viện Kiểm sát tối cao với hai mức án đề nghị đối với Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh chỉ mang tính thủ tục.
Hẳn "về nhà ăn tết" và "sang Đức với con" đã được thốt ra vào lúc cả Thăng lẫn Thanh đều chợt nhận ra không còn lối thoát nào trong phiên tòa này, các cánh cửa – trừ cửa trại giam, đều đóng kín, để hai cựu quan chức này bật ra cảm xúc cầu cứu cuối cùng, dù cực kỳ mong manh nhưng vẫn là một chút vớt vát hy vọng sẽ làm cho Tổng bí thư Trọng mủi lòng.
Nhưng lý giải thế nào về hiện tượng tâm lý của Đinh La Thăng – người đã làm tới ủy viên bộ chính trị, và Trịnh Xuân Thanh – đã trở thành tổng giám đốc và do đó cả hai đều có kiến thức tối thiểu về luật tố tụng hình sự, lại có thể thốt ra "về nhà ăn tết" và "sang Đức với con" – những nguyện vọng mà nếu được thực hiện thì hoặc là quá ngoại lệ, hoặc chẳng ăn nhập gì với Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam ?
Có khả năng "về nhà ăn tết" và "sang Đức với con" là hai trong những hứa hẹn mà giới điều tra công an hoặc một cấp nào đó đã "gợi ý" cho Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trong quá trình lấy lời khai, như một cách để hai bị can này có hy vọng và khai hết, khai sạch. Đó cũng là một thủ đoạn điều tra rất phổ biến khi gieo vào lòng bị can một lối thoát, cho dù lối thoát đó có vẻ thật vô lý. Với những bị can thiếu bản lĩnh, những hứa hẹn về "được đình chỉ điều tra", "được khoan hồng", "được giảm án"… vẫn thường có hiệu quả.
Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, có thể trong một tình trạng tâm lý không ổn định hoặc "thiếu kiên định", đã "bập" vào mồi câu "cho về nhà ăn tết" và "cho sang Đức với vợ con" như tia sáng cuối đường hầm, để đến lúc nhận ra rất có thể tòa án theo đường của Viện Kiểm sát tối cao mà sẽ đóng tất cả các cửa thoát với mình, cả Thăng lẫn Thanh đều bật ra đề nghị này, nhưng không chỉ là một nguyện vọng hay kiến nghị mà còn như lời tự thán, hướng về gia đình và những người thân nhất của mình trong tình trạng tuyệt vọng – một loại tâm lý đặc trưng của các bị cáo bị xử án nặng.
Nhưng có lẽ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã không muốn bày tỏ nguyện vọng "về nhà ăn tết" và "sang Đức với con" trong lời cuối cùng trước tòa, nếu hai cựu quan chức này hiểu ra một "chân lý" : họ phải "hy sinh" !
"Thăng – Thanh" là phiên tòa đầu tiên của Tổng bí thư Trọng nhắm đến kể từ khi ông quyết định tiến sang giai đoạn 2 của chiến dịch được xem là "chống tham nhũng", tính từ tháng 11/2017 và sau một cuộc gặp có thể đặc biệt quan trọng với Tập Cận Bình ở Hà Nội.
"Đường đi" của Tổng bí thư Trọng lại đang có nhiều nét khá tương đồng với giai đoạn khởi động của chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Một khởi sự mang tính then chốt và quyết định cho cả vận mệnh của chiến dịch này là trong hai năm 2012 và 2013, Tập đã mạnh tay "xử" Bạc Hy Lai – ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh – không chỉ khởi tố bắt giam mà còn giáng mức án đến chung thân.
Đinh La Thăng đang có nhiều triển vọng trở thành Bạc Hy Lai Việt Nam. Còn Trịnh Xuân Thanh lại gắn liền với số phận của Đinh La Thăng. Một logic thật đơn giản mà cả Thăng lẫn Thanh, có thể do bị tạm giam mà không biết được thông tin và dư luận ở bên ngoài, là nếu ông Trọng không "trảm" Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, chiến dịch "chống tham nhũng" của ông ta sẽ lập tức có nguy cơ tự chết và Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn cơ hội nào để trở thành Tập Cận Bình ở Việt Nam.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 21/01/2018