Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đảng quyết không để nền kinh tế lặp lại chu kỳ" thập kỷ mất mát"

Phạm Quý Thọ, RFA, 07/04/2022

Trong vòng chưa đầy một tháng nay một loạt các đại gia "bị tạm giam".

daigia0

Chưa đầy một tháng một loạt các đại gia bị bắt : Đỗ Anh Dũng, Trịnh Văn Quyết, Hoàng Diệu Mơ và Nguyễn Phương Hằng

Theo Cơ quan Cảnh sát Điều tra thuộc Bộ Công an, mới nhất, ngày 5/4 ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh bị bắt cùng với sáu lãnh đạo các công ty thuộc Tập đoàn dưới quyền về cùng tội danh : "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Ngày 29/3 ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch tập đoàn FLC đã bị "truy cứu trách nhiệm hình sự" về tội Thao túng thị trường chứng khoán và, liên tiếp sau đó là hai người em gái của ông ta, những người có cương vị trong Tập đoàn này cũng bị bắt với cáo buộc giúp sức anh trai thao túng và che giấu thông tin chứng khoán. Ngày 24/3 bà Nguyễn Phương Hằng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đại Nam, bị "khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam" về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Ngày 25/3 bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại du lịch và Dịch vụ hàng không An Bình bị bắt do liên quan vụ án Nhận hối lộ xảy ra ở Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao)…

Một danh sách với nhiều đại gia ‘đình đám’ được nêu ra trên đây, có lẽ còn chưa đủ và, các quý vị có thể bổ sung. Danh sách này gần như hội tụ những yếu tố kích thích "tò mò" và suy đoán của dư luận. Trước hết, đây là khoảng trống cho giới truyền thông khai thác về chân dung, thương trường và quá trình gia nhập giới đại gia với các sự kiện đình đám chưa từng tiết lộ… Các đại gia nêu trên đều có lý lịch rõ ràng, được đào tạo bài bản. Ông Chủ tịch Tân Hoàng Minh là kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội, ông Chủ tịch FLC tốt nghiệp đại học Luật Hà Nội… Họ đều ‘lăn lộn’ với thương trường sớm, có người "tích lũy vốn" từ việc buôn bán điện thoại cũ, khởi đầu kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như thương mại và dịch vụ, khách sạn, taxi… Nhưng sau đó, "mọi con đường đều dẫn đến thành Rome", họ thường "rẽ ngang" sang lĩnh vực bất động sản, "lấn sâu" vào phân khúc cao cấp của thị trường này, thậm chí bứt lên các lĩnh vực kỳ vọng lợi nhuận cao hơn như hãng hàng không Bamboo Airways thuộc tập đoàn FLC…

chuky2

Tỷ phú Trịnh Văn Quyết - Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC - người vừa bị bắt giam hôm 29/3/2022 với cáo buộc "thao túng thị trường chứng khoán". Reuters

Khi ‘lưng vốn’ đã ‘hòm hòm’ họ bắt đầu đánh bóng bản thân bằng một vài triết lý về đạo đức kinh doanh hay lẽ sống đồng thời với những nỗ lực tìm kiếm các mối quan hệ. Giới đại gia, không ai bảo ai, nhưng đều hiểu "chìa khóa vàng" của thành công: khi còn làm ăn nhỏ hãy thân thiện với chính quyền cơ sở phường, xã, khi doanh nghiệp hạng trung hãy quan hệ tốt với quận huyện, thị xã, tỉnh thành phố và khi đã vươn tới tầm cao hãy bám lấy đường dây thân hữu với trung ương. Họ thấu hiểu rằng thị trường với nguyên tắc ‘bàn tay vô hình’ là khái niệm trừu tượng, luật pháp là chung chung, xa xôi, còn các phi vụ làm ăn luôn cụ thể, gần gũi với ‘bàn tay hữu hình’ thực thi bởi các quan chức trong hệ quyền lực tập trung, chuyên chế. Mối quan hệ thân hữu đã giúp dễ dàng thành công trong các ‘phi vụ’, chẳng hạn trúng thầu "đất vàng" với giá hời khi các thành viên hội đồng thẩm định gồm các công chức của chính quyền có "sai sót nghiệp vụ". Khi các đại gia ngã ngựa giới truyền thông mới ‘khui’ lại những lần thâu tóm bất động sản đình đám hay, thậm chí, cả phi vụ dùng tiền thao túng một cơ quan truyền thông để bưng bít tin xấu để cứu vớt hình ảnh.

Các đại gia giàu lên từ đất và các quan chức giàu lên nhờ đại gia. Đây là ‘vòng xoáy’ vệ tinh của quỹ đạo chuyển đổi kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang thị trường khi vẫn duy trì toàn trị chuyên chế. Chính sách thực dụng "thô thiển" khi ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, về lý thuyết vốn là huyền thoại, lý tưởng, lại được tuyên huấn giáo điều, xa thực tế để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản độc quyền. Giới lãnh đạo nỗ lực "mở cửa" hội nhập kinh tế, nhưng cải cách thể chế, vế thứ hai của đường lối đổi mới, đã không theo kịp sự thay đổi này. Quyền lực điều hành của Chính phủ đã lấn át sự lãnh đạo của Đảng. Chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn Nhà nước do nhận thức sai lầm về thị trường và, như đã biết, đã để lại hậu quả nặng nề, kéo dài đối với nền kinh tế và xã hội. Đây thực sự là "một thập kỷ mất mát !".

Phát triển đất nước hiện nay không thể thiếu thị trường, thiếu dân doanh, trong đó giới đại gia đóng vai trò đầu kéo quan trọng. Thị trường tạo ra động lực to lớn để tăng trưởng kinh tế, nhưng cần phải thúc đẩy bằng "hai chân’, các nhà đầu tư ngoại và các doanh nghiệp nội. Khu vực đầu tư nước ngoài chiếm đến 30% GDP và gần 70% xuất khẩu nhưng vẫn tiếp tục được chào mời, nhưng chính sách đối với dân doanh, với các đại gia vẫn là thách đố. Về quan niệm coi họ là "động lực quan trọng" là sự thay đổi, nhưng cụ thể thế nào? Tạp chí Forbes vừa công bố Việt Nam năm 2021 có bảy tỷ phú đô la Mỹ là tin "mừng hay lo", và nghịch lý trong thời gian đại dịch Covid-19 các đại gia giàu lên trong khi nhóm dân số có thu nhập thấp, những người thiếu việc làm và người nghèo cần hỗ trợ tăng lên?

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, "Chính phủ kiến tạo" nhiệm kỳ 2016-2021 vẫn dựa vào bộ máy và thể chế hiện hành để khuyến khích khởi nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh. Công tác chỉnh đốn Đảng khiến nhiều lãnh đạo đã bị thay thế, gần nửa tổng số 200 uỷ viên trung ương là "mới" trong kỳ Đại hội 13 (2021-2026)... Tuy nhiên, các đại gia giàu lên từ đất và các quan chức giàu lên nhờ đại gia vẫn là "lời nguyền" đối với cải cách thể chế và chính sách. Sau một thập kỷ phòng chống tham nhũng các quan chức, được ví như "củi khô, củi tươi" vẫn lần lượt vào lò. Tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tinh vi và nâng tầm "lũng đoạn nhà nước". Nhiều tập thể tỉnh uỷ, thành ủy bị kỷ luật vì vi phạm trong lĩnh vực đất đai. Vụ "Việt Á" khiến hệ thống rung động bởi quy mô tham nhũng toàn quốc và tính chất nghiêm trọng trong bối cảnh chống dịch. Vụ "nhận hối lộ" ở Cục lãnh sự Bộ Ngoại giao được Người phát ngôn Bộ Công An thông báo đang điều tra nhiều đối tượng tham gia tạo thành đường dây tinh vi. Vụ "Tân Hoàng Minh" và "FLC" nêu trên lũng đoạn "thị trường chứng khoán và trái phiếu", gây tổn hại lớn đến các nhà đầu tư nói riêng và thị trường tài chính nói chung…

Tất cả các vụ án trên đang diễn biến theo chiều hướng "cộng hưởng" có thể tạo ra chu kỳ bất ổn mới khi nền kinh tế có nhiều thách thức, vừa chống dịch vừa phải phục hồi kinh tế trong bối cảnh quốc tế không thuận lợi, trong đó có tác động bởi cuộc chiến tranh Nga – Ukraine. Vì vậy Đảng đang phải nỗ lực ngăn chặn khó khăn. Để phục hồi kinh tế Chính phủ dự kiến gói cứu trợ lên đến 350 nghìn tỷ (khoảng 15 tỷ đô la Mỹ) liệu dòng tiền có chảy đúng địa chỉ mong muốn hay không trong điều kiện thể chế vẫn bất ổn, tham nhũng vẫn nặng nề, thị trường méo mó… vẫn là bài toán hóc búa ngay trước mặt. Như đã biết, trong chu kỳ bất ổn 10 năm trước việc ‘bơm’ 141 nghìn tỷ đã dẫn đến "bất ổn kinh tế vĩ mô", lạm phát tăng đến 20% năm 2012…

Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ đã khuyến cáo về tình hình kinh tế khó khăn ngay từ đầu năm. Ngày 31/3 vừa qua, ông Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư, đã thông qua các vụ án nêu ở đầu bài viết để gửi thông điệp đến "giới đại gia" chớ có "thách thức đường lối, chủ trương của Đảng" và, cảnh báo cũng đưa ra đối với các quan chức có liên quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương đánh giá Đảng ủy Cơ quan Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhiệm kỳ 2015-2020 có nhiều vi phạm trong quản lý nhà nước về hoạt động chứng khoán để một số cá nhân thao túng thị trường và các lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, Sở giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (đã được nêu tên cụ thể)… cùng chịu trách nhiệm.

Mối quan hệ thân hữu giữa giới đại gia và giới chính trị, nguồn cơn của quốc nạn tham nhũng, cũng là vấn đề nhức nhối, tiếp tục tác động khó lường đối với chính sách cải cách của Đảng cộng sản. Với nền kinh tế Việt Nam, chưa phải lúc các doanh nghiệp tư nhân lớn đến mức có đủ quyền lực để có thể thao túng chính trị phải chịu trừng phạt, như trường hợp Tập Cận Bình ứng xử với các tập đoàn tư nhân lớn về công nghệ, giáo dục ở "nhà nước tư bản thân hữu" Trung Quốc vừa qua, nhưng động thái nêu trên của Đảng cộng sản Việt Nam cho thấy rằng bất kỳ sự thách đố nào đối với quyền lực tuyệt đối của đảng đều bị trừng trị. Thông điệp mạnh mẽ như vậy lần đầu tiên sau những năm cải cách chuyển đổi được đưa ra trước thềm Hội nghị Trung ương khóa 13 dấy lên thuyết âm mưu về sự thay đổi khó lường về nhân sự cao cấp của Đảng.

Bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế kéo dài là bài học với giá đắt đối với các đảng và chế độ, vì vậy Đảng không thể để "chu kỳ mất mát" lặp lại, nhưng câu hỏi rằng chế độ độc đảng cộng sản lãnh đạo kinh tế thị trường thế nào nếu vẫn muốn tiếp tục đeo bám cải cách.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 07/04/2022

**********************

Ông chủ tập đoàn Tân Hoàng Minh xộ khám

Hồng Dân, VNTB, 05/04/2022

Sau 5 ngày với nhiều tin đồn bị câu lưu, tạm giữ, Bộ công an chiều 5/4 đã chính thức khởi tố, tạm giam ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh với các cáo buộc liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền đầu tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

do-anh-dung-3 - News.timviec.com.vn

Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch tập đoàn Tân Hoàng Minh bị tạm giam với các cáo buộc liên quan đến việc phát hành trái phiếu, huy động tiền đầu tư, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Con trai ông Dũng là Đỗ Hoàng Việt – Phó Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Khách sạn Tân Hoàng Minh cũng bị bắt.

Trước đó, ngày 4/4 Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hủy 9 đợt phát hành chào bán trái phiếu của 3 công ty thuộc tập đoàn Tân Hoàng Minh lý do là "công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ".

Nhiều lãnh đạo cấp cao liên quan đến 3 công ty này cũng xộ khám với ông Đỗ Anh Dũng : ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt, Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh ; ông Trần Hồng Sơn – Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư và Dịch vụ Khách sạn Soleil, Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh ; ông Nguyễn Khoa Đức – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông; ông Lê Văn Thịnh – Phó tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh, và ông Phùng Thế Tính – nguyên Giám đốc Trung tâm Tài chính Kế toán, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh.

xokham2

Ông Đỗ Anh Dũng (hàng trên, bìa trái) và 6 bị can - Ảnh Bộ Công an

Ngoài vụ đấu giá đất ở Thủ Thiêm sau đó chấp nhận bỏ cọc của tập đoàn Tân Hoàng Minh hồi cuối tháng 12/2021 vừa qua, Bộ Công an đã đề nghị UBND Hà Nội và các đơn vị chức năng cung cấp tài liệu để xác minh, làm rõ thông tin về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, quy hoạch xây dựng, kế hoạch giao đất và nghĩa vụ tài chính của 11 dự án tại Hà Nội của tập đoàn này.

Theo đó, các dự án trong diện xác minh gồm : D’. Le Pont d’or Hoàng Cầu, chung cư D’ Palais De Louis Nguyễn Văn Huyên, D’ San Raffles Hàng Bài, D’. Le Roi Soleil Quảng An Tân Hoàng Minh, D’. El Dorado 1 Phú Thượng, D’. El Dorado 2 Phú Thành, D’. Capital Trần Duy Hưng, Summit Building Trần Duy Hưng, D’. Jardin Royal Tân Hoàng Minh Đại Cồ Việt, Tân Hoàng Minh Lò Đúc và Tân Hoàng Minh Hoàng Mai.

Tính đến hiện tại thì ông Đỗ Anh Dũng cùng nhóm đồng phạm chỉ bị cáo buộc phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật. Theo Bộ Công an, tổng trị giá các đợt phát hành trái phiếu này là 10.300 tỷ đồng. Mục đích để huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử động vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Bên cạnh bản án hình sự thì phần dân sự ở đây là phía Tân Hoàng Minh phải hoàn trả số tiền 10.300 tỷ đồng cho các tổ chức, cá nhân đã mua trái phiếu của doanh nghiệp. Trường hợp đơn vị này không còn khả năng trả bằng tiền, tài sản của doanh nghiệp sẽ được sử dụng để thanh toán.

Liệu ông Đỗ Quang Hiển – chủ của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn – Hà Nội (SHB) có liên quan tới vụ bê bối phát hành trái phiếu ở tập đoàn Tân Hoàng Minh?

Trước mắt, theo thông cáo của SHB, ngân hàng chỉ là đơn vị cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu SOLCH2123001 của Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil, trị giá lô trái phiếu 800 tỷ đồng, và lô trái phiếu NSVCH2125001 của Công ty Đầu tư Bất động sản Ngôi sao Việt, trị giá 800 tỷ đồng.

Việc SHB cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và dịch vụ quản lý tài sản bảo đảm là phù hợp với quy định của pháp luật. Theo đó, tại khoản 15 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng quy định : "Cung ứng dịch vụ thanh toán là việc cung ứng phương tiện thanh toán, thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, thư tín dụng và các dịch vụ thanh toán khác cho khách hàng thông qua tài khoản của khách hàng".

Với phạm vi này, nghĩa vụ của SHB chỉ giới hạn trong nghiệp vụ cung cấp dịch vụ thanh toán qua tài khoản mà không tham gia vào giao dịch giữa các bên.

Hồng Dân

Nguồn : VNTB, 05/04/2022

Published in Diễn đàn