Trọng Thành, RFI, 13/02/2021
Năm Canh Tý 2020 vừa qua là một năm hiếm có trong lịch sử nhân loại hiện đại. Kinh tế toàn cầu chao đảo vì đại dịch Covid, kéo dài đã gần một năm và chưa thể sớm kết thúc. Điều gì sẽ đến với năm Tân Sửu 2021 ? Tạp chí Đặc biệt RFI ngày mùng 2 Tết cổ truyền xin giới thiệu với quý vị những dự cảm của một số văn nghệ sĩ, trí thức trong nước, về năm con Trâu Vàng, hay con Trâu Mới.
Trước hết mời quý vị đến với chia sẻ của nhà văn Trần Thanh Cảnh (Bắc Ninh) trong cuộc trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt ngày mùng một Tết.
"Tôi là một người sinh năm 1961, năm Tân Sửu, theo âm lịch. Năm nay tròn lục thập hoa giáp, tức 60 tuổi. Trong năm 2021 này, với cá nhân mình tôi dự cảm là tốt đẹp. Tôi nghĩ mình sẽ làm được những điều tâm nguyện về văn học. Bởi vì năm Tân Sửu, theo chiết tự, các cụ túc nho trong làng, trong nước, nói là ‘‘chữ Tân’’ (trong chữ Hán có nghĩa là hành Kim – đổi mới), chỉ cần mất đi một nét thì thành chữ Toan. Gọi là Tân biến vi Toan, luận ra là phải lo nhiều việc, và làm được nhiều việc. Người đứng chữ Tân, thì thường là công việc đến tay làm được hết. Chữ Tân đi với Sửu là Trâu Vàng. Tôi có dự cảm năm 2021, nước Việt Nam sẽ có những bước chuyển biến rõ rệt. Đầu tiên là dịch Covid. Covid đã đi qua đỉnh cao, sẽ thoái lùi dần. Và đến cuối năm lượng vac-xin sẽ ra rất nhiều, thì con virus corona sẽ bị đẩy lùi. Nền kinh tế xã hội sẽ sáng sủa dần. Con người ta sẽ học được cách sống chung với virus.
Tôi nghĩ rằng năm nay 2021 sẽ rất là êm ả. Bởi vì mọi nguồn lực của các quốc gia sẽ phải dồn sang chống dịch và hồi phục kinh tế. Còn về chính sách với Trung Quốc của Mỹ, thì đảng Dân Chủ và đảng Cộng Hòa có thể khác nhau về vấn đề nào đó, nhưng vấn đề chiến lược kiềm chế Trung Quốc, tôi nghĩ rằng họ thống nhất với nhau từ đầu. Về cách tiếp cận, tôi nghĩ so với thời Donald Trump, tôi nghĩ chính quyền Biden mềm mỏng hơn, nhưng vẫn đủ kiên quyết, và sẽ không để xẩy ra những xung đột nóng bỏng. Mà khi Trung Quốc được kiềm chế, Việt Nam cũng sẽ có cơ hội.
Về Việt Nam, trong năm nay, về mặt kinh tế, có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Về mặt chính trị, tôi cho rằng sẽ đi những bước chầm chậm thôi, nhưng mà về thượng tầng kiến trúc chính trị, bây giờ tôi nghĩ đã ổn định rồi. Và người lãnh đạo tinh thần của Đảng cộng sản Việt Nam vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng. Việc ông ấy tái cử lần thứ ba, thậm chí không cần sửa đổi điều lệ, mới thấy là quyền lực của ông Nguyễn Phú Trọng lớn đến mức nào. Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Phú Trọng đang có ý chí lớn, đó là ông ấy muốn vì dân, vì nước. Đến giờ phút này, tôi vẫn đánh giá ông ấy là người tuyệt đối vì dân, vì nước. Ông ấy cũng có một cái mang tính cá nhân, đó là muốn lưu danh sử sách, như một vị minh quân chẳng hạn, trong lịch sử. Về tình hình chính trị Việt Nam trong năm 2021, tôi nghĩ ở Việt Nam sẽ có những điểm sáng".
Nhiều người tin rằng khát vọng của các xã hội con người có thể tồn tại xuyên qua thời gian, khi âm thầm, khi bột phát thành các biến chuyển lớn, độc lập với các bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị cụ thể.
Nhà thơ Lý Đợi (Thành phố Hồ Chí Minh) cho RFI biết ông kỳ vọng là năm Tân Sửu 2021, tương tự như nhiều năm Tân Sửu trong lịch sử, sẽ là cơ hội để chính quyền làm nên "các kỳ tích", mang lại sự thịnh vượng, yên ổn cho người dân :
"Năm mới chúng ta thường cầu những điều tốt đẹp, và đưa ra những ước mơ. Cái năm Tân Sửu rất đáng để chúng ta có những ước mơ. Bởi, nếu nhìn lại lịch sử, năm Tân Sửu 41, cách nay 1980 năm, Hai Bà Trưng đã đánh tan quân Đông Hán, lập ra một nhà nước ở Mê Linh, chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc đầu tiên, sau 150 năm bị đô hộ. Nhớ về năm Tân Sửu của Hai Bà Trưng, thì tự nhiên mình xúc động, vì nước mình từng được kiến tạo quốc gia từ tinh thần của hai chị em. Hai người phụ nữ, đầy kiêu hãnh và đầy biểu tượng như vậy. Trong lịch sử xây dựng đất nước của Việt Nam, trong cái thời cổ đại, cũng như trung đại, vai trò của người phụ nữ rất quan trọng. Và khi chúng ta du nhập Tống Nho vào Việt Nam, thì cái sự đạo đức giả của Tống Nho, lấy người đàn ông làm trung tâm đó, chúng ta đã vô tình làm lu mờ, thậm chí xóa bỏ vai trò của người phụ nữ, trong việc lập quốc, kiến tạo đất nước trong thời cổ đại đi rất nhiều.
Những năm Tân Sửu khác trong lịch sử Việt Nam cũng rất quan trọng. Ví dụ như năm 1001, năm Lê Hoàn dẹp yên bờ cõi, mở ra một thời kỳ hòa bình cho người dân. Hay là năm Tân Sửu 1481, vua Lê Thánh Tông để cho binh lính và các quan võ không bị rảnh rỗi quá, đâm ra hư hỏng, phá hoại nhân dân, vua Lê Thánh Tông đã chuyển các tướng võ vào các đồn điền, để phát triển kinh tế, tạo ra một thời kỳ thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến. Có lẽ là một trong những thời kỳ thịnh trị nhất của Việt Nam trong vài nghìn năm lịch sử. Mình đưa ra một vài ví dụ để cho thấy là Tân Sửu là con Trâu Mới, con trâu là đầu cơ nghiệp. Sắm được một con trâu mới như là sắm được một cơ nghiệp mới. Tạm hiểu như vậy. Tất nhiên chữ Tân Sửu hiểu theo nghĩa sâu sắc nó khác, nhưng tạm hiểu theo nghĩa nôm na, là tạo ra một cơ nghiệp mới, và cơ nghiệp đó có lợi cho người dân. Mang lại hòa bình, ổn định, phát triển cho người dân. Nhìn lại lịch sử của Việt Nam, năm Tân Sửu thường là có lợi cho người dân, cũng hy vọng là năm Tân Sửu 2021 này, Việt Nam cũng làm được kỳ tích, giống như cha ông đã làm".
Trong văn hóa cổ truyền Việt Nam, có tập tục đầu xuân khai bút. Giới yêu văn chương thường đón đợi các câu đối Tết của tiến sĩ Hà Sĩ Phu (Đà Lạt). Năm nay, Hà Sĩ Phu có hàng loạt câu đối về con Trâu, những câu đối mang nhiều dự cảm về một năm tới đầy khó khăn. Bởi, con Trâu - biểu tượng cho sự chịu thương, chịu khó, cần cù nhẫn nại, cho sự cống hiến hết mình - cũng là biểu tượng cho sự phục tùng vô điều kiện, cho sự thụ động. Và tình thế càng trở nên mong manh hơn, khi năm Trâu lại nằm kẹt giữa năm con Chuột và năm con Hổ.
Trả lời RFI, tiến sĩ Hà Sĩ Phu giải thích :
"Trong các con vật, con trâu cũng là con vật có những tích lũy về cảm hứng khả đặc biệt. Như tôi nói, con Trâu đi sau con Chuột, và con Chuột với con Trâu thực ra là hai con vật rất ngược nhau. Một anh bé tí, nhưng rất là mưu mẹo, rất láu cá, lúc đào sâu, lúc leo cao. Toàn đi trong đêm tối, dùng các thứ mẹo. Thân bé, nhưng lại muốn giành được rất nhiều điều ham muốn. Nhưng sang đến con Trâu lại khác hẳn. Thân hình to tướng, nhưng lại chậm chạp, như kiểu anh ngu trung, được con người nuôi dưỡng, chỉ biết ăn cỏ, nhai đi nhai lại. Trong khi đó sau con Trâu đến con Hổ. Một anh hiền lành giúp cho nhà nông đủ mọi thứ, lại đến con Hổ, một mãnh thú chuyên môn làm hại con người. Con Trâu với con Hổ lại là mối quan hệ rất đặc biệt. Trong ba con giáp liền nhau thôi, Tý – Chuột, Sửu – Trâu, Dần – Hổ, ba con đó đi liền nhau thì sinh chuyện lắm. Quan hệ giữa ba con này rất rắc rối. Vừa thuận, vừa nghịch, vừa liên quan đến con người nhiều. Cho nên ba con này cũng là những nguồn cảm hứng rất phong phú cho những người lưu tâm đến các vấn đề xã hội".
Trong bài viết "Lại khóc, lại cười với Trâu", thoạt tiên Hà Sĩ Phu làm 5 câu đối (Bài Văn học : Câu đối Tết Tân Sửu 2021 – Hà Sĩ Phu, Văn Việt, ngày 10/02/2021). Sau khi hoàn tất, ông chợt nhận ra rằng, những gì ông viết chỉ là về Trâu nhà. Trâu sống trong tự nhiên, trâu rừng hoàn toàn khác. Trâu bò không hẳn đã là biểu tượng cho sự ngu trung, cam chịu. Bài viết kết thúc bằng câu đối thứ sáu, Quần Ngưu đả Hổ. "Lẽ sống muôn đời : biết hợp lực, đàn Trâu thường thắng Hổ ! Làm vua một cõi, chỉ đơn phương, mãnh Hổ cũng thua Trâu !".
Chu kỳ lịch pháp cổ truyền 60 năm, nếu tính gộp 10 thiên can và 12 địa chi (tức 12 con vật biểu tượng cho năm), nhìn nhận thời gian như một sự tuần hoàn, tương tự như những mùa tiết, cứ hết một năm lại trở lại từ đầu. Tuy nhiên, kể từ khi lịch sử Việt Nam nối kết với lịch sử phương Tây, quan niệm về thời gian cũng thay đổi. Bên cạnh quan niệm thời gian theo vòng tuần hoàn, - với một xã hội, với một đời người -, thì ngày càng đông người, nếu không nói là đa số ngả theo cách quan niệm Tây phương về thời gian, thời gian như một dòng chảy, một đi không trở lại. Đối với nhiều người, Tân Sửu là năm con Trâu mới, năm của sự thay đổi lớn. Không chỉ với Việt Nam, mà với cả thế giới.
Nhà văn Y Ban, trong cuộc trả lời RFI ngày mùng Một Tết Tân Sửu chia sẻ :
Năm Tân Sửu là năm mà hành động vì môi trường sẽ phải là điều trọng tâm. Nữ văn sĩ cũng cho biết chị dự kiến sẽ phải sớm hoàn tất "Công viên cứu hộ loài người", cuốn tiểu thuyết với chủ đề chính là môi sinh, mà chị ấp ủ nhiều năm nay. "Công viên cứu hộ loài người" là tiểu thuyết giả tưởng, nói về ngày «Tận thế" sẽ xảy ra vào năm 2036. Diện tích công viên bằng khoảng 1/9 Trái đất. Dự kiến Công viên sẽ hoàn tất vào năm 2035, để loài người kịp thời có nơi trú ẩn trước ngày "Tận thế".
Trả lời RFI, nhà thơ Thanh Thảo (Quảng Ngãi) khẳng định Tân Sửu là một năm "bản lề", năm "chọn hướng quyết định" :
"Năm Sửu này là Tân Sửu, là năm mang tính đổi mới. Không biết sẽ đổi kiểu gì, nhưng chắc chắn là tâm thức của người Việt Nam sẽ thay đổi. Cũng có thể là theo hướng tốt lên. Nhưng chưa rõ. Tôi nghĩ là năm nay có rất nhiều điều khiến người ta phải thay đổi. Thay đổi từ cách sống, cách nghĩ, cho đến cách gia nhập vào cộng đồng thế giới. Năm nay là năm tạm coi là năm bản lề. Cả thế giới có vấn đề về đại dịch. Việt Nam mình cũng thế. Thành bại trong việc chống Covid là một mảng. Mảng nữa là năm nay, nếu chống được dịch, người ta cũng phải suy nghĩ là thế giới bây giờ sẽ đi theo hướng nào. Có rất nhiều hướng. Hướng nào cũng có cái được và cái mất cả. Tôi nghĩ cái chọn hướng đấy là không dễ dàng. Chọn đường hướng cho sự phát triển, cho từng cá nhân, cho cả đất nước, cho cả châu lục, hoặc cho cả thế giới. Nó quan trọng về nhiều mặt chính là ở chỗ đấy. Chọn lựa để phát triển như thế nào. Người ta cũng đang chờ đợi. Nhỏ nhất ở tầm cá nhân, nhưng lớn nhất là ở tầm nhân loại".
Hai năm Canh Tý 2020, Tân Sửu 2021, mang hai chữ "Canh Tân". Không chỉ nhiều trí thức Việt Nam, trong giới lãnh đạo thế giới, cũng có nhiều người khẳng định thế giới đang đứng trước sự lựa chọn quyết định. Mùa hè năm Canh Tý 2020, ngay sau khi đại dịch bùng phát, kinh tế gia Đức Klaus Schwab, nhà sáng lập Diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos (WEF), được coi là diễn đàn của giới lãnh đạo kinh tế toàn cầu, cho ra mắt cuốn sách "Covid - 19 : The Great Reset / Covid-19 : Đại tái thiết". Đầu năm 2019, đúng một năm trước đại dịch Covid, Diễn đàn Davos ra báo cáo dự báo : "Nhân loại đang "nhắm mắt đi vào" khủng hoảng mới " (RFI, ngày 23/01/2019).
Cuốn sách, mà nhà sáng lập diễn đàn Davos là đồng tác giả, đặt mục tiêu khôi phục nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, trên cơ sở chuyển hướng triệt để sang nền kinh tế Xanh - coi phát triển bền vững, phát triển đi liền với bảo vệ môi trường, sinh thái - là mục tiêu.
Trọng Thành
Nguồn : RFI, 13/02/2021
************************
Tết Sài Gòn, Tết Việt Nam, năm nay ra sao ?
Tuấn Khanh, RFA, 12/02/2021
Từ 28 Tết, người bán hoa ở Sài Gòn và nhiều nơi khác kêu trời, vì mưa đột ngột đổ xuống ầm ầm, hôm sau lại mưa. Nhữngchậu mai chờ nở đúng ngày mất sạch, hoa rũ và rụng khắp nơi. Nhiều người bán mai, dưa hấu, khóm... chưng Tết lo lắng vì sợ nước mưa làm hoa, trái bị hư và mưa kéo dài khiến người dân ngại mua sắm.
Một người nông dân đợi khách đến mua hoa đào nhân dịp Tết ở vườn hoa đào tại Hà Nội hôm 21/1/2020 - Reuters
Năm nay, trồng và bán hoa hồi hộp như đi đánh bạc. Một ăn một đền. Chỉ đánh vào ngày 30 Tết. Lời hay lỗ cũng chỉ đánh vào ngày 30 Tết mới biết. Trồng hoa cả năm trời chỉ mong những ngày Tết bán được hoa, lấy lại vốn liếng mà bây giờ thông báo trước 17 giờ ngày 30 Tết phải dẹp chợ. "Ai cũng muốn bán nhanh, về nhà sớm nhưng tâm lý của người dân chỉ muốn mua cuối ngày 30 Tết, giờ bảo phải dẹp chợ sớm người dân chúng tôi chẳng biết phải làm sao", anh Bảy than thở.
Năm nay, nhiều chợ hoa, người bán kể mặc dù chợ hoa đã bày bán vào ngày 20 Tết nhưng chỉ toàn người đi xem, đi hỏi giá chứ ít mua.
Theo chia sẻ của một số người trồng hoa Tết lâu năm, thời điểm này năm ngoái hoa đã được thương lái đặt mua hết và chỉ đợi ngày xuống phố. Năm nay, hầu hết các vườn hoa Tết ở Quảng Ngãi đang ế ẩm, nhiều hộ trồng hoa vẫn chưa có thương lái đến đặt hoa.
Anh Nguyễn Văn Hạnh, thôn Long Vĩnh, xã Bình Long, Bình Sơn cho biết, năm nay gia đình anh trồng 1.000 chậu hoa cúc. Tuy nhiên, cho đến giờ chỉ mới có 300 chậu được thương lái đặt mua, số còn lại chắc gia đình phải tự mang xuống phố bán lẻ. Nếu số hoa bán hết với đúng giá như mọi năm anh sẽ thu được khoảng 160 triệu đồng. Nếu không thì anh sẽ lỗ hơn 50 triệu tiền vốn, chưa kể công sức.
"Thời tiết năm nay khó khăn quá, đợt lạnh mùa đông vừa rồi mưa liên tục khiến hoa hư hại cũng nhiều, giờ lại nghe tin dịch Covid-19. Kể ra chưa năm nào vất vả như năm nay, tình hình khó khăn thế này chắc năm nay là năm cuối tôi trồng hoa Tết", anh Hạnh thở dài rồi nói.
Xuân Tân Sửu năm nay, theo ước tính của đại diện Ban quản lý các Khu chế xuất và Khu công nghiệp ở Saigon, hiện nay có khoảng 276.000 công nhân đang làm việc và khoảng 76% trong số này (tương đương 210 ngàn người ở lại không về quê ăn tết.
Một phần vì khó khăn, một phần vì sợ quay lại bị kiểm dịch cách ly, nhiều người sợ ở quê lên, dịch tăng mạnh thì họ lại bị cách ly ít nhất cũng 14 ngày, vừa mất việc, vừa tốn tiền, vì nghe nói chính quyền từ đây sẽ không cho ăn miễn phí khi bị cách ly, mà đóng 80.000 đồng tiền ăn một ngày - trong khi đời công nhân, cả ngày chỉ ăn chưa tới 40.000 đồng.
Vậy là cái Tết này có đến 70% người lao động Sài Gòn không về quê. Vì ảnh hưởng của một năm 2020 buồn vì dịch bệnh Covid-19 và thiên tai bão lũ dồn dập ở miền Trung, hơn 193.000 công nhân quê miền Bắc, miền Trung sẽ ở lại Sài Gòn. Thành phố này sẽ không vắng vẻ như mọi năm, nên ăn Tết, chắc cũng không đến nỗi.
Năm nay, nhiều cha mẹ già ở quê sẽ trông ngóng những đứa con xa xứ, mâm cơm đoàn viên của những gia đình này cũng vắng người hơn. Ngoài số hàng chục ngàn Việt kiều không thể về nhà thăm quê, cả năm qua, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn, nhiều người mất việc, phải đi làm thêm đủ nghề. Nhiều gia đình phải cắt giảm những chi phí không cần thiết mới đủ tiền xoay xở.
Người dân sắm Tết ở Hà Nội hôm 7/2/2021
Năm nay cũng là năm thứ hai xa nhà của nhiều người Việt lao động xa xứ. Anh Hồng Văn Quý đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc 10 năm nay, nhưng rồi dịch bệnh khiến anh lỡ hẹn sum vầy bên vợ con.
Vợ anh Quý nói, những năm trước anh Quý thường cắt phép về nước đúng dịp Tết nên không khí rất đầm ấm. Năm nay dù có tiền cũng không mua được vé để về. Bây giờ đã qua rằm tháng Chạp rồi nên có mua được vé anh Quý cũng không thể kịp về đón Tết cùng vợ con.
Theo trưởng thôn Phú Minh, xã Kỳ Phú, Hoàng Minh Luyến, toàn thôn có gần 200 người đi xuất khẩu lao động Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, một số nước Châu Phi… Tuy nhiên, đến thời điểm này chưa có lao động nào về quê ăn tết. Nguyên nhân chính là do dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động ở các nước ; số khác có tiền nhưng vì các hãng hàng không ngừng bay nên không mua được vé.
Ở Sài Gòn, cũng không có gì gọi là ăn Tết. Khoảng chục ngày này, Covid-19 bùng phát bất ngờ ở cả nước. Khu Mả Lạng giữa Sài Gòn với hàng ngàn dân và nhiều khu khác bị phong tỏa. Phố Ông Đồ trước Nhà văn hóa Thanh Niên, Cung Văn hóa Lao Động đóng cửa. Hàng trăm cội mai (hoa giả) khu vực này trơ trọi trong gió đông, tả tơi khung tre, mái lá. Phố đi bộ Bùi Viện hiu hắt vì nhà hàng, quán bar, pub ở đây thuộc những loại hình kinh doanh không thiết yếu, bắt buộc đóng cửa. Hoa Tết khắp nơi lặng lẽ, ế ẩm… Chiều 30 Tết, sau khi có lệnh tạm dừng các hoạt động văn hóa, giải trí, kinh doanh không cần thiết, đường phố Sài Gòn càng trở nên vắng vẻ. Chợ hoa tại Công viên (giữa quận 1) giữa Sài Gòn xưa buồn hiu hắt. 33 điểm bị phong tỏa liên tiếp đã đành, các cửa hàng gần đó cũng phải tạm dừng hoạt động. Lễ lạc ở các chùa chiền, nhà thờ phải ngưng…
Ở quận 5, những người buôn bán cũng dè dặt hơn vì sợ đội kiểm dịch làm khó. Hàng hóa trưng bày không rộn rịp nữa. Tết âm lịch mà quận 5 không nhộn nhịp thì cả nước cũng không thể có gì vui hơn. Tại nhiều chợ truyền thống lớn, vốn nổi tiếng đông đúc và tấp nập vào dịp cuối năm như Bình Tây (quận 6), An Đông, Hòa Bình (quận 5), … không khí lại vắng vẻ, đìu hiu. Đây là tết lần đầu tiên trong gần 50 năm qua, các tiểu thương chứng kiến không khí này.
Người buôn bán ở đây nói lượng khách hàng sụt giảm quá 50%. Tại khu vực kinh doanh bánh, mứt tết các chợ hiện chỉ còn gần 30 quầy sạp kinh doanh (trước đây trên 100 quầy sạp), bánh kẹo tết. Thời điểm này những năm trước, lượng khách hàng đến chợ lấy hàng sỉ (đưa về các tỉnh miền Tây Nam bộ, hay miền Đông, Tây Nguyên…) tấp nập, người khuân vác liên tục ra vào xếp hàng lên các xe tải, chật cả các cửa vào chợ. Còn hiện nay, người bán và công nhân bốc vác còn nhiều hơn khách đến mua ! Không khí chợ những ngày giáp tết thậm chí còn buồn bã hơn cả những ngày bình thường trước khi xảy ra dịch bệnh.
Khu Ông Tạ, Sài Gòn, nơi bán vật liệu làm bánh chưng nổi tiếng thì cũng còn nhiều người đến mua. đậu, xôi, lá dongn, v.v.
Nhà báo Cù Mai Công viết rằng ông đã từng thấy hàng ngàn bếp lò Ông Tạ đỏ lửa suốt đêm "trông bánh chưng chờ trời sáng". Nhưng Tết Ông Tạ giờ không như xưa, cái này không nói ai cũng biết. Cũng chẳng lạ vì đâu đâu chả vậy. Nhịp sống Sài Gòn luôn thay đổi mạnh hơn nơi khác. Như người Bắc di cư Ông Tạ năm 1975 đã khác người Ông Tạ năm 1954. Người Ông Tạ năm 2000, hay năm 2020 càng khác. Chỉ cái chất Bắc xưa là còn, truyền đời tử đời tôn…
Năm nay sang năm Covid-19 thứ hai. Nơi nơi bà con khắp nơi ở Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn bị ảnh hưởng mạnh lắm. Ra giêng có lẽ khó khăn hơn. Phòng dịch là phải phòng, cái này không đùa được. Những người xếp hàng mua giò chả Tân Hương, chen mua bánh chưng Gia Nguyễn, đi các chợ khu Ông Tạ mua sắm… ai cũng khẩu trang, ít nhiều giãn cách, điều rất lạ mắt. Trong lúc "mong ước ngày sau như là ngày trước" thì ai nấy cũng chép miệng "Tết mà". Khổ cực, vất vả như bà con người Bắc di cư hồi 1954 thì cũng phải ăn Tết đã. Cũng đã "lây" tính người Nam lâu rồi : "Tới đâu hay tới đó". Ra giêng tính…
Sài Gòn, thủ phủ của tâm hồn rộng mở và niềm vui chia sẻ, rõ ràng đang tiều tụy rất nhiều. Trên trang mạng xã hội Facebook, người ta nhìn thấy thỉnh thoảng có dòng chữ nhắc nhau " Sài Gòn ơi, cố lên". Đúng vậy, Sài gòn vẫn cố sống cùng những người lam lũ, cùng với những ước vọng đổi thay của những con người nghèo khó. Và năm nay chính Sài Gòn cũng chậm lại nhìn quanh, để thấy sự tiêu điều của mình.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 12/02/2021