Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dư luận báo chí trong nước đang lùm xùm vụ việc Công ty Tân Thuận trực thuộc Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh chuyển nhượng khu đất 32ha ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè cho Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai mà không được sự đồng ý của Ban thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

tanthuan1

Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân (phải) và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) đang rà soát lại các vấn đề xảy ra thời gian trước

Khi sự việc này được báo chí nêu ra nhiều người có cảm giác rằng đây lại là một vụ việc doanh nghiệp làm thất thoát tài sản 'Nhà nước' giống như vụ AVG - Mobifone mới đây.

Nhiều câu hỏi được đặt ra xung quanh vụ việc này. Tài sản của Đảng cộng sản có phải là tài sản của nhà nước ?

Vi phạm quy định của Đảng cộng sản có phải là vi phạm pháp luật ?

Những khúc mắc này cần được làm rõ để kiến tạo khung khổ pháp lý minh bạch cho kinh tế thị trường và quốc gia pháp quyền.

Về tài sản của Đảng cộng sản

Nếu như ở các quốc gia theo thể chế dân chủ đa đảng thì vấn đề thật đã quá rõ ràng. Tài sản của một đảng phái chính trị là tài sản thuộc sở hữu của họ, không liên quan gì đến tài sản của chính phủ hay các đảng phái tổ chức khác.

Nhưng ở Việt Nam theo thể chế một đảng lãnh đạo, quyền lực của Đảng cộng sản bao trùm toàn bộ nhà nước. Điều này dẫn đến tài sản của Đảng cộng sản một phần rất lớn có nguồn gốc từ tài sản của nhà nước được giao cho sử dụng.

Và trong một thời gian dài, chẳng mấy ai thấy cần thiết phải phân biệt tài sản của Đảng cộng sản và tài sản của Nhà nước.

Mới đây Chính phủ ban hành Nghị định số 165/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam. Văn bản này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2018, đây có lẽ là văn bản pháp lý rõ ràng nhất từ trước đến nay nói về tài sản đảng.

Theo văn bản này thì nguồn hình thành tài sản tại cơ quan của đảng và đơn vị sự nghiệp của đảng, bao gồm :

1. Tài sản được nhà nước giao bằng hiện vật và tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách nhà nước.

2. Tài sản đã có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển giao quyền sở hữu cho Đảng cộng sản Việt Nam.

3. Tài sản được đầu tư xây dựng, mua sắm từ quỹ dự trữ của ngân sách đảng và các nguồn kinh phí khác của đảng.

4. Tài sản do tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước hiến, biếu, tặng cho, viện trợ, tài trợ và các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác cho đảng .

5. Tài sản được hình thành từ nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, vốn vay, vốn huy động, liên doanh, liên kết với các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

Về nguyên tắc, những tài sản nào thuộc sở hữu của ai thì người đó định đoạt. Cho nên tài sản thuộc sở hữu của Đảng cộng sản thì sẽ do tổ chức này định đoạt. Những tài sản nào được nhà nước giao cho sử dụng thì khi hết thời hạn hoặc lý do mục đích giao không còn thì phải được thu hồi.

tanthuan2

Các dự án bất động sản 'mọc' lên bên sông Sài Gòn (ảnh có tính minh họa).

Để kiến tạo môi trường minh bạch cho phát triển kinh tế thì các nguồn lực xã hội cần được minh định bạch hóa, theo đó những tài sản nào thuộc sở hữu của Đảng cộng sản thì cần được làm rõ, để tạo cho nó một sự hữu hiệu khi đưa vào lưu thông vận hành trong cơ chế thị trường.

Quy định của đảng không phải là pháp luật

Ở những nước dân chủ đa đảng thì điều này thật quá hiển nhiên. Nhưng ở Việt Nam Đảng cộng sản giữ quyền lãnh đạo, quyền của đảng bao trùm lên nhà nước. Lớn quyền là thế nhưng những quy định của đảng lại không có được sức nặng uy quyền của sự 'tuân thủ pháp luật'.

Bởi lẽ quy định của đảng chỉ là quy định của một tổ chức, chỉ có hiệu lực đối với các thành viên. Còn pháp luật có tính công khai và hiệu lực với toàn xã hội. Ở đây tồn tại một sự mâu thuẫn rất 'đặc thù' của các nước theo thể chế một đảng lãnh đạo.

Mặc dù quyền hành của một đảng lãnh đạo là rất lớn, nhưng nó không đủ lớn để xóa mờ đi ý thức về sự tuân thủ pháp luật vốn đã hình thành trong đầu óc nhân loại có từ trước khi các đảng phái chính trị ra đời.

Trong xu hướng xây dựng quốc gia pháp quyền hiện nay thì để đảm bảo 'thượng tôn pháp luật', thiết nghĩ cũng cần xác quyết một lần cho thật rõ quy định của đảng không phải là pháp luật.

Điều này cũng dễ đạt được đồng thuận nhận thức của đông đảo. Song để vận hành nền kinh tế thị trường và xây dựng quốc gia pháp quyền cho hiệu quả, thì cũng cần hiểu về các quy định của Đảng cộng sản và khả năng tác động của nó tới đời sống xã hội.

Trong nội bộ đảng ngoài các đảng viên thường, các cơ quan đảng, còn có các đơn vị sự nghiệp và đơn vị kinh tế của Đảng cộng sản. Đối với các đảng viên thường thì bị điều chỉnh bởi Điều lệ đảng và một số ít các văn bản tương đối rõ ràng.

Nhưng đối với các tổ chức đảng, các cơ quan sự nghiệp của đảng và các doanh nghiệp kinh tế của đảng thì vì khả năng gây ảnh hưởng lớn của nó (cũng do bởi đảng sở hữu quản lý một khối lượng tài sản lớn) cho nên Đảng cộng sản còn có nhiều văn bản quy chế điều chỉnh mà ít khi công khai.

Ví như năm 2009 Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 1087-QĐ/TU ban hành Quy chế quản lý, sử dụng tài sản tại các Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuộc sở hữu của Đảng bộ thành phố, trong đó quy định Ban Thường vụ Thành ủy có thẩm quyền xem xét, quyết định về chuyển dịch sở hữu tài sản là nhà, quyền sử dụng đất.

Và theo đó một cơ quan như Văn phòng thành ủy không có thẩm quyền cho phép công ty Tân Thuận chuyển nhượng khối tài sản là khu đất 32ha.

tanthuan3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đcộng sản Việt Nam nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu chống tham nhũng để làm trong sạch bộ máy của đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam

Luật hóa quy định của đảng

Vì quy định của đảng không có sức nặng của sự 'tuân thủ pháp luật', cho nên nó yếu kém trong việc quản lý các hoạt động và xử lý các sai phạm. Ví như Quyết định số 1087-QĐ/TU của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đã bị vi phạm.

Trong bối cảnh Việt Nam, một khối lượng lớn tài sản đang do các cơ quan đảng nắm giữ, cùng với tình trạng tham nhũng thất thoát tràn lan, để tăng cường quản lý khối tài sản này, các cấp lãnh đạo Đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam đã 'luật hóa' các quy định của đảng.

Cụ thể là Nghị định số 165/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc quản lý, sử dụng tài sản của cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam. Bỏ qua những yếu tố bất cập của văn bản như việc Chính phủ lại đi quy định việc quản lý tài sản của một tổ chức, quy định xem cơ quan đảng nào được phép làm việc gì.

Thì đây có thể được xem là giải pháp tình thế thể hiện nỗ lực của lãnh đạo Đảng cộng sản trong giai đoạn hiện nay.

Làm việc này là Đảng cộng sản đã vay mượn thêm uy quyền của pháp luật. Để mong muốn thông qua sức nặng của sự 'tuân thủ pháp luật' sẽ khiến các quy định của đảng này được củng cố thực thi trong tổ chức.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 01/05/2018

Published in Diễn đàn