Phân tích, dự báo tình hình Biển Đông : có muộn quá hay không ?
Mặc Lâm, VOA, 08/10/2019
Người quan tâm tới cục diện chính trị của Việt Nam có lẽ không thể bỏ qua những tin tức về các kỳ Hội nghị Trung ương vì tại Hội nghị này mọi chủ trương chính sách sẽ được mở ra, thảo luận và được báo chí loan tải cho mục tiêu phải đạt được của Đảng trong các vấn đề mà đất nước phải đối diện.
Nhóm nhân sĩ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đứng trước tòa nhà Bộ Ngoại giao Việt Nam ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook Nguyen)
Trên nguyên tắc là như vậy nhưng qua nhiều Hội nghị Trung ương chưa bao giờ người dân nghe tin Hội nghị bàn bạc tới vấn đề Biển Đông mặc dù năm nào Trung Quốc cũng không nhiều thì ít có những hành vi quậy phá, gây hấn thậm chí tấn công vào vùng biển mà Việt Nam có đặc quyền kinh tế. Mọi biến động ấy không được Hội nghị Trung ương nhắc tới tuy người dân vẫn quan tâm theo dõi có khi còn sâu sát hơn các cơ quan trách nhiệm của nhà nước.
Lần này thì khác. Chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã lên tiếng trong bài diễn văn khai mạc sáng ngày 7 tháng 10 mở đầu cho Hội Nghị Trung ương 11, ngoài những chỉ đạo xem xét về kinh tế, xã hội cũng như quản lý nhà nước, ông Trọng còn nhấn mạnh "phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học, tình hình thế giới và trong nước, nhất là tình hình Biển Đông ; chỉ rõ các khả năng có thể xảy ra trong thời gian tới, lường trước những thời cơ, thuận lợi cần nắm bắt, những khó khăn, thách thức cần phải nỗ lực vượt qua".
Nếu theo dõi tình hình Bãi Tư Chính, nơi Trung Quốc nhúng tay vào từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã điều tàu khảo sát Hải Dương 8 đến vùng nước rõ ràng nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam, để tiến hành các khảo sát trái phép. Cho tới hôm nay, ngày khai mạc Hội nghị Trung ương 11, Trung Quốc đã đem vào Bãi Tư Chính nhiều đợt thăm dò như khu vực này thuộc chủ quyền của Trung Quốc trong đường chín đoạn của họ. Nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng sở dĩ Trung Quốc ngang nhiên tiến hành việc đưa tàu vào vùng biển Việt Nam cho tới ngày hôm nay, toàn bộ đảng viên cao cấp nhất Việt Nam dự Hội nghị Trung ương 11, để xem thái độ của những người Cộng sản Việt Nam, hay chính xác hơn là của ông Nguyễn Phú Trọng như thế nào trước khi có những bước khác trong mục tiêu thôn tính Biển Đông.
Và câu trả lời của Ông cho thấy Biển Đông sẽ được phân tích và dự báo một cách nghiêm túc không còn bị âm thầm bỏ qua như những lần trước.
Trước hành vi bị xâm lấn chủ quyền lãnh thổ thì bất cứ một quốc gia nào cũng phải có phản ứng. Mạnh thì tập hợp quân đội, kêu gọi quần chúng chuẩn bị chiến tranh, yếu thì lên án, kêu gọi quốc tế giúp sức hay ít ra cũng nhờ đến Liên Hiệp Quốc can thiệp… chỉ có Việt Nam là hành xử theo cung cách rất đặc biệt của mình : đợi đến ba tháng sau mới phân tích hành vi của kẻ xâm lược và dự báo xem chúng sẽ tiếp tục làm gì thì thật là ngoại hạng.
Tuy nhiên, trên mạng xã hội lẫn các trang báo chính thống thì động thái này của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là một bước ngoặc đáng kể, nó cho thấy phương án đối phó với Trung Quốc tuy nhẹ nhàng, mềm mỏng nhưng kiên trì và phù hợp với thế yếu của mình trước một đối phương hung hăng và đầy tham vọng bành trướng. Dư luận không quên chuyến đi Mỹ của ông Trọng sắp tới và phát biều của ông chính là thông điệp gửi cho Trung Quốc về mức chịu đựng của Việt Nam đã quá giới hạn mặc dù thông điệp này được thu nhỏ tới mức tối đa, chỉ trong khuôn khổ dự báo và phân tích.
Dư luận còn chú ý tới một hình ảnh được xem là dấu chỉ của sự thay đổi tư duy của Hội Nghị Trung ương, đó là chiếc bục mà ông Trọng đứng phát biểu không có lẳng hoa như thường lệ. Mạng xã hội bàn tán hình ảnh này với sự phấn khích không cần che dấu nhưng không ai quan tâm tới sự liên quan giữa một cụm hoa với những phát biều có tính trấn an cả nước trước một việc hệ trọng là Bãi Tư Chính sắp mất vào tay Trung Quốc.
Trước Hội nghị Trung ương một ngày, sáng 6/10/2019, tại Hà Nội, Liên hiệp Khoa học Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển tổ chức Tọa đàm về chủ đề bảo vệ Biển Đông. Buồi tọa đàm mang tên : "Vùng biển Tư chính và Luật pháp Quốc tế".
Buồi tọa đàm quy tụ hầu như gần hết các khuôn mặt đấu tranh cho chủ quyền biển đảo trong nhiều năm qua, theo BBC trong số các diễn giả, chuyên gia và khách mời tham dự, có các vị như Vũ Ngọc Hoàng, Thang Văn Phúc, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Trần Thị Băng Thanh, Đặng Văn Sinh, Hoàng Quốc Hải, Phạm Huy Thông, Nguyễn Xuân Hãn, Nguyễn Đình Cung, Nguyễn Trung, Nguyễn Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Hoàng Việt, Trần Ngọc Vương, Đinh Hoàng Thắng, Vũ Hùng, Nguyễn Vi Khải, Nguyễn Văn Cương, Trần Thanh Vân, Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Xuân Diện, Hoàng Ngọc Giao, Lê Mã Lương, Đào Tiến Thi, Phạm Viết Đào.
Nhiều phát biểu quan trọng được mang đến buổi tọa đàm và người theo dõi nhận ra một điều cuộc tọa đàm tuy được Ban Tuyên giáo bật đèn xanh nhưng do thời gian quá cấp bách nên cử tọa chưa phác họa được những liên quan sống còn giữa luật pháp quôc tế và biều hiện vi phạm của Trung Quốc sẽ bị luật pháp ấy xử lý như thế nào nếu Việt Nam tập hợp được tất cả các yếu tố vi phạm đặc quyền kinh tế của Việt Nam bị Trung Quốc vi phạm một cách thô bạo.
Hội thảo có lẽ thành công trong vai trò phân tích và dự báo như sự mong muốn của Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Về phân tích, nhiều phát biểu chỉ rõ hành động của Trung Quốc không nằm ngoài ý đồ biến vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành nơi tranh chấp để từ đó tiến hành cuộc chiến tranh có thể họ gọi là "bảo vệ chủ quyền bất khả tư nghị". Về dự báo, không thể bỏ qua ý kiến của tướng Lê Mã Lương, một danh tướng đúng nghĩa của Việt Nam khi nói rằng "mất Bãi Tư Chính thì Việt Nam xem như mất tất cả các đảo bao gồm Trường Sa nơi Việt Nam đang đóng quân và xác định chủ quyền của mình".
Dù sao thì việc lên tiếng của người đứng đầu cả nước về một vấn đề quan trọng nhất hiện nay cũng cho thấy mức độ lo sợ của Bộ Chính trị trước viễn ảnh mất trắng vào tay Trung Quốc đã gần kề. Chỉ có điều lên tiếng là một lẽ phần còn lại quan trọng nhất là cách đối phó với mối nguy ấy bằng cách nào mới là điều người dân mong đợi.
Cũng giống như cách hành xử rất thận trọng đôi khi bị xem là chậm chạp của Bộ Chính trị dân chúng Việt Nam xem ra rất an tâm với những gì mà người đứng đầu đất nước biểu hiện, chằng hạn không có hoa trên bục phát biểu là một thay đổi ấn tượng, và ấn tượng này là tiền đề cho nhiều người tin rằng sẽ có một thay đồi lớn mặc dù niềm tin tương tự như vậy từng nhiều lần bị hụt hẫng.
Mặc Lâm
Nguồn : VOA, 08/10/2019
******************
Theo các chuyên gia, trước những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, điều Việt Nam cần làm là khởi kiện hoặc đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Tàu của lực lượng chấp pháp Việt Nam (trái) đấu tranh ngăn cản tàu Hải cảnh 37111 của Trung Quốc trên vùng biển Tư Chính - Phúc Tần, cuối tháng 9/2019. Hải cảnh 37111 là tàu bảo vệ cho tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ đầu tháng 7/2019 đến nay - Ảnh : Ngư dân cung cấp
Sáng 6/10, Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học "Vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế". Theo các chuyên gia tại tọa đàm, trước những hành vi xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, điều Việt Nam cần làm là khởi kiện hoặc đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc.
Phát biểu tại tọa đàm, thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược (Bộ Công an), nhấn mạnh tình huống hiện nay (nhóm tàu Hải Dương Địa chất 8 xâm phạm ở khu vực bãi Tư Chính) nguy hiểm hơn việc Trung Quốc năm 2014 đưa giàn khoan Haiyang Shiyou-981 xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông. Bởi vì khu vực bãi Tư Chính, hay rộng hơn là vùng biển nam Biển Đông, vốn hoàn toàn nằm trong vùng 200 hải lý đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam, tính từ đất liền.
Trung Quốc có nhiều luận điệu về vấn đề Biển Đông. Trong đó, luận điệu quần đảo Trường Sa thuộc về Trung Quốc, là "2 lần sai", theo thiếu tướng Lê Văn Cương. Cái sai thứ nhất, là theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế quốc gia quần đảo, nên không có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý. Và cái sai thứ hai, đương nhiên, là quần đảo Trường Sa không thuộc về Trung Quốc. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền với quần đảo này.
Hai tàu hải cảnh 5901, 46303 của Trung Quốc dàn đội hình ngăn chặn các tàu chấp pháp Việt Nam vào đẩy đuổi, ngăn chặn tàu Hải Dương Địa chất 8 khảo sát trái phép trên vùng biển Tư Chính - Phúc Tần của Việt Nam, tháng 9/2019 - Ảnh : Ngư dân cung cấp
Nhiều năm qua, Trung Quốc có rất nhiều luận điệu ngang ngược để đòi độc chiếm Biển Đông. Trong đó, theo một số nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế, thì yêu sách "Tứ Sa" là nguy hiểm hơn cả, bởi phạm vi của nó còn rộng lớn hơn nhiều so với yêu sách đường 9 đoạn - vốn đã chiếm tới 80% Biển Đông. Minh chứng là vùng hoạt động của tàu Hải Dương Địa chất 8 hiện không nằm trong phạm vi đường 9 đoạn, nhưng nó lại nằm trong yêu sách "Tứ Sa". Đến thời điểm này, cả Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người phát ngôn Bộ Ngoại giao của nước này Cảnh Sảng đều đã khẳng định yêu sách "Tứ Sa", thể hiện rõ dã tâm biến Biển Đông thành "ao nhà".
Theo yêu sách này, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với 4 nhóm cấu trúc ở Biển Đông mà họ gọi là "Tứ Sa", trong đó có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc yêu sách các cấu trúc này là một thực thể pháp lý đơn nhất, đủ điều kiện để có đường cơ sở thẳng bao quanh. Từ đó, Bắc Kinh có thể thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng của quần đảo, chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, tính từ đất liền.
Cùng với đó, Trung Quốc cũng yêu sách cả chủ quyền với các thực thể ngầm, như bãi Tư Chính của Việt Nam. Yêu sách của Trung Quốc là trong khu vực này, Việt Nam không có quyền khai thác, quản lý và bảo vệ tài nguyên mà phải "gác tranh chấp cùng khai thác" với Trung Quốc.
Với luận điệu như vậy, Trung Quốc có dã tâm biến vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam trở thành vùng chồng lấn, tranh chấp và lao vào đòi quyền "cùng khai thác" ; trong khi theo UNCLOS 1982, đó là đặc quyền, độc quyền của Việt Nam. UNCLOS 1982 quy định ngay cả nếu Việt Nam không tiến hành khảo sát, thăm dò, khai thác tài nguyên ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình, thì cũng không một quốc gia nào khác có thể tiến hành các hoạt động này mà không có sự cho phép rõ ràng của Việt Nam. Yêu sách này giẫm đạp lên luật pháp quốc tế.
Theo luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng PLD, UNCLOS 1982 đã quy định chỉ có quốc gia quần đảo mới có quyền thiết lập đường cơ sở quần đảo bao quanh và từ đó thiết lập vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa riêng. Quy định của UNCLOS cũng như khái niệm quốc gia quần đảo đã loại trừ khả năng Trung Quốc có thể áp dụng quy chế quần đảo với "Tứ Sa" ; chưa kể đến cái gọi là "Tứ Sa" đó không phải chủ quyền của Trung Quốc.
Phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2006 cũng đã khẳng định Trung Quốc không phải quốc gia quần đảo nên không có quyền thiết lập đường cơ sở thẳng bao quanh quần đảo Trường Sa để mà đưa ra yêu sách.
Tàu Hải Dương Địa chất 8 (trái) khảo sát trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dưới sự bảo vệ của tàu Hải cảnh 3501
Tuy nhiên, vấn đề là dã tâm của Trung Quốc với Biển Đông sẽ không dừng lại. Theo ông Trương Triều Dương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines, làm chủ Biển Đông sẽ là điều Trung Quốc "cố sống, cố chết" làm, vì đó là con đường duy nhất để Trung Quốc trở thành cường quốc trên biển, cơ sở quan trọng cho tham vọng cường quốc đứng đầu thế giới.
Luật sư Hoàng Ngọc Giao,Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách luật pháp và phát triển
Ngoài việc Biển Đông là con đường hàng hải lớn nhất nhì thế giới, là bãi đánh cá lớn nhất thế giới, bể chứa dầu mỏ, thì Đại sứ Trương Triều Dương cho rằng đáy Biển Đông có một trữ lượng đất hiếm cực kỳ lớn mà nếu Trung Quốc chiếm được, đồng nghĩa với việc sẽ nắm giữ toàn bộ trữ lượng đất hiếm trên thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc nắm được "cổ họng" của tất cả các nước, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Thêm vào đó, các rãnh sâu ở khu vực quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cũng là nơi lý tưởng để tàu ngầm hoạt động.
Những phân tích trên đây cho thấy Việt Nam cần có những hành động tiếp theo, và theo nhiều chuyên gia, đó là con đường khởi kiện.
Theo Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hiệp Quốc, và điều Việt Nam có thể làm là đưa Trung Quốc ra Hội đồng bảo an (Hội đồng Bảo an) Liên Hiệp Quốc. "Hiến chương Liên Hiệp Quốc nói rất rõ mà đây là một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, là các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc từ bỏ đe dọa bằng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại quyền bất khả xâm phạm và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia. Hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông từ trước đến nay, và đặc biệt sự việc hiện nay ở bãi Tư Chính, là hành vi vừa đe dọa dùng vũ lực, vừa dùng vũ lực bằng việc các tàu hải cảnh, dân binh... vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phản ứng của quốc tế cũng nhìn nhận đây là hành vi đe dọa hòa bình, thách thức an ninh khu vực và vi phạm nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trung Quốc cũng không chỉ xâm phạm vùng biển Việt Nam, mà còn cả vùng biển của Malaysia và Philippines", Luật sư Giao nói.
Chưa kể, theo Luật sư Giao, hành động tôn tạo các đảo, bãi đá ngầm mà Trung Quốc xâm chiếm trái phép cũng gây thiệt hại rất lớn cho tài nguyên môi trường biển, vì đây cũng là lý do có thể kiện Trung Quốc ra tòa.
"VN cần tận dụng cơ chế của Hội đồng Bảo an, theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc từ điều 33.1 - 33.4 và điều 35, Hội đồng Bảo an có thẩm quyền theo đề nghị của các quốc gia xem xét những tình huống đe dọa hòa bình, an ninh khu vực, quốc tế. Đây là một cơ chế chúng ta cần tận dụng. Cần đưa câu chuyện về hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ở Biển Đông ra trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc", ông Giao khuyến nghị và cho rằng cơ hội đang đến bởi Việt Nam là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021.
Mặc dù một số chuyên gia am hiểu Hiến chương Liên Hiệp Quốc cho rằng Trung Quốc là Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an và có quyền Veto (quyền phủ quyết), nhưng theo Luật sư Giao, Việt Nam không nhất thiết phải hướng tới một nghị quyết của Hội đồng Bảo an về vấn đề Biển Đông (mà Trung Quốc có quyền phủ quyết), chỉ cần đưa được vấn đề này ra chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an.
"Theo điều 27.2 của Hiến chương thì những vấn đề thuộc về thủ tục không cần áp dụng cơ chế Veto, cho nên chỉ cần 9/15 thành viên đồng ý là có thể đưa vào chương trình nghị sự của Hội đồng. Theo tôi, đây là biện pháp cấp bách nhất hiện nay trước tình hình bãi Tư Chính. Làm được điều này, vấn đề Biển Đông sẽ được quốc tế hóa, người ta phải thảo luận thực sự, phải nêu đích danh Trung Quốc, nêu hành vi của Trung Quốc, để Trung Quốc không còn dùng truyền thông, tiền bạc lu loa lên đó là khu vực tranh chấp", ông Giao khuyến nghị.
Ông Giao còn cho rằng đây cũng là một biện pháp ngoại giao, vì theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc và cơ chế của Tòa án công lý quốc tế (ICJ), thì 2 cơ quan của Liên Hiệp Quốc có quyền trưng cầu ý kiến pháp lý (legal opinion) của ICJ là Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong khi các nước thành viên không được lấy ý kiến trực tiếp.
"Có thể đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc yêu cầu tham vấn pháp lý đối với ICJ về áp dụng và giải thích UNCLOS tại Biển Đông. Nếu có được một câu trả lời của ICJ thì nó có giá trị pháp lý mang tính toàn cầu, còn hơn cả Tòa trọng tài quốc tế (PCA), chỉ có ý nghĩa giữa 2 nước (bên khởi kiện và bên bị kiện)", ông Giao nhận xét.
Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, dẫn thông tin về việc tàu Hải Dương Địa chất 8 và khoảng 25 tàu hộ tống vẫn đang hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, và cho rằng sự xâm phạm của Trung Quốc là rất mạnh mẽ.
"Trung Quốc đưa nhiều luận điệu khác nhau về pháp lý, nhưng những hoạt động trên thực tế của họ ở Biển Đông còn ghê gớm hơn nhiều. Chúng ta đấu tranh bảo vệ biển đảo bằng biện pháp hòa bình, nhưng hòa bình không có nghĩa là không làm gì cả. Phát biểu của Phó thủ tướng (Phó thủ tướng Phạm Bình Minh - PV) tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (hôm 28/9 vừa qua) cũng cho thấy giải pháp pháp lý là cần thiết", ông Việt nói.
Phân tích việc PCA và ICJ đều có bất lợi về thẩm quyền (không thể quyết định mà không có sự đồng thuận của quốc gia liên quan, trong khi Trung Quốc luôn cự tuyệt đưa ra bất cứ một bên thứ ba nào), ông Việt cho rằng Việt Nam nên làm như Philippines.
Trả lời câu hỏi kiện Trung Quốc có hiệu quả không, nhất là với tiền lệ Trung Quốc đã hoàn toàn phớt lờ phán quyết của tòa trong vụ kiện với Philippines, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia Nguyễn Quý Bính, người cũng nguyên là trọng tài viên của Tòa trọng tài quốc tế (PCA) tại The Hague (Hà Lan), cho rằng : "Đúng là luật pháp quốc tế không có cơ chế bảo đảm thực thi các phán quyết của cơ quan tài phán như pháp luật quốc tế, việc thực thi, do vậy phụ thuộc vào thiện chí của các bên liên quan. Tuy nhiên, phải xác định rõ ràng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình hình hiện nay đó là việc tồn tại tranh chấp liên quan yêu sách bất hợp pháp của Trung Quốc. Việc sử dụng biện pháp pháp lý chính là để giải quyết nguyên nhân này. Từ góc độ này, tôi cho rằng việc sử dụng biện pháp pháp lý là hiệu quả, vì phán quyết là cuối cùng và có giá trị ràng buộc đối với các bên tranh chấp, nên về mặt pháp lý sẽ chấm dứt sự tồn tại yêu sách bất hợp pháp. Tất cả các biện pháp khác đều không có được tác dụng như vậy".
Ông Bính khẳng định thêm : Một phán quyết có giá trị ràng buộc với Trung Quốc sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam huy động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Thực tế là trong vụ kiện trọng tài Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc, các quốc gia đều khẳng định phán quyết có giá trị ràng buộc với cả 2 bên ; việc phán quyết một phần chưa được thực thi là bởi chính sách và tính toán chính trị của Philippines. Thời gian qua cũng cho thấy Trung Quốc có những kiềm chế nhất định, không có những hành vi thô bạo trái phán quyết, dù tìm mọi cách để bác bỏ giá trị và nội dung của phán quyết.
Vũ Hân
Nguồn : Thanh Niên, 07/10/2019
Buổi tọa đàm ngoài sự tham dự của các chuyên gia về luật pháp quốc tế, về biển đảo, còn có nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Vũ Quốc Hùng ; các chuyên gia kinh tế như bà Phạm Chi Lan, ông Lê Đăng Doanh, ông Nguyễn Đình Cung... ; Anh hùng Lực lượng vũ trang Lê Mã Lương, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines Trương Triều Dương... thể hiện sự lo ngại của giới trí thức trong nước trước những diễn biến leo thang trên Biển Đông suốt 3 tháng vừa qua.
******************
Bãi Tư Chính : Nhiều trí thức muốn Việt Nam kiện Trung Quốc
Nguyễn Đức, BBC, 07/10/2019
Một buổi thảo luận về Bãi Tư Chính vừa diễn ra tại Hà Nội ngày 6/10, với sự tham dự của nhiều vị nhân sĩ có tiếng.
Tọa đàm khoa học "Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế"
Tọa đàm khoa học "Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế" do Viện nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển (Viện PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức.
Cuộc gặp có sự tham gia của nhiều nhân sĩ trí thức như Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cựu đại sứ Nguyễn Trung, Giáo sư Chu Hảo, Giáo sư Trần Ngọc Vương.
Ngoài ra còn có ông Vũ Quốc Hùng, nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên phó chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra trung ương, ông Vũ Ngọc Hoàng, nguyên phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, chuyên gia Phạm Chi Lan, Kiến trúc sư Trần Thanh Vân, cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang…
'Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác'
Giáo sư Chu Hảo, người mới bị Đảng khai trừ, chia sẻ : "Lần thách thức này là chuyện trước mắt mất nước hay không mất nước. Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế lúc này là đúng thời điểm, đúng lúc rất quan trọng".
"Muốn có thế trận lòng dân thì Đảng, chính phủ phải minh bạch thông tin. Đài Tiếng nói, đài truyền hình phải cập nhật liên tục diễn tiến tàu Trung Quốc đang xâm phạm Bãi Tư chính".
Giáo sư Chu Hảo nhấn mạnh hiện tại chính quyền Việt Nam có 3 nút thắt.
Nút thắt thứ nhất là cần kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.
Nút thắt thứ hai là nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành quan hệ chiến lược, đặc biệt là vấn đề an ninh quốc phòng.
Ông Chu Hảo nói : "Vài người bạn ở Bộ Ngoại giao Mỹ có nói với tôi rằng phản ứng của Việt Nam hiện nay chậm chạp bị động rụt rè, việc này làm cho phía Mỹ nản lòng".
"Họ nói rằng Mỹ đang căn cứ luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền lợi của Mỹ ở Biển Đông chứ không phải vì quyền lợi của Việt Nam".
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương phát biểu
Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam nêu nhiều ý kiến :
"Dự buổi hội thảo này có các anh ở Bộ ngoại giao, Ban đối ngoại Trung ương, tôi muốn hỏi các anh chính phủ có kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế hay không. Đây là câu chuyện của toàn dân Việt Nam. Giữ được Bãi Tư Chính là giữ được các đảo khác của Việt Nam, nếu chúng ta để mất thì Việt Nam sẽ không còn đảo nào".
Thiếu tướng Lê Văn Cương phát biểu tại cuộc gặp
Tại tọa đàm khoa học này, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an - phát biểu thông tin rất đáng chú ý về yêu cầu của Trung Quốc trong một cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam.
Theo tướng Cương : Sau khi Tòa trọng tài quốc tế tuyên Trung Quốc thua kiện Philippines (phán quyết PCA năm 2016), Trung Quốc cử cán bộ sang làm việc với lãnh đạo cao cấp Việt Nam thực hiện "5 không".
Thứ nhất, không được ủng hộ phán quyết tòa trọng tài ;
Thứ 2, không được đưa ra Asean bàn thảo liên quan đến vấn đề Biển Đông ;
Thứ 3, trong đa phương quốc tế Việt Nam không đưa phán quyết này ra ;
Thứ 4, trong đàm phán Việt Trung- Trung Việt không được đưa vấn đề này ;
Thứ 5, các đồng chí không được kiện Trung Quốc.
Tướng Cương nói : "Tuy nhiên theo tôi biết, không có đồng chí lãnh đạo Việt Nam nói không kiện ! Hiện nay vẫn chuẩn bị đầy đủ, nhưng theo tôi ngửi mùi cấp trên lúc này chưa thích hợp để kiện !".
'Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình'
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương, nêu ý kiến :
"Kiện Trung Quốc là giải pháp hòa bình, kiện là giải pháp ngăn chặn chiến tranh. Sử dụng luật pháp và dư luận quốc tế khi có mâu thuẫn giữa các bên là biện pháp cần thiết và đúng đắn trong thế giới văn minh và hội nhập".
"Vì sao ta lại sợ kiện, trong khi chính nghĩa thuộc về ta. Sợ kiện hay sợ Trung Quốc ? Đặt câu hỏi như vậy là vì tôi nghe có ý kiến cho rằng, nếu ta kiện Trung Quốc thì họ làm căng hơn nữa, trong khi ta phải sống bên cạnh họ lâu dài, nếu để họ thù vặt thì rất khó ở".
"Mà họ cũng dọa ta như thế. Dọa để ta đừng kiện. Họ không muốn ta quốc tế hóa vấn đề mà chỉ để riêng họ và ta với nhau để dễ bề ức hiếp. Đó là cách đấm người ta mà muốn bịt miệng không cho la".
"Tôi nghĩ không thể đồng ý với cái lí lẽ cho rằng vì sợ họ ép ta (hơn nữa) nên thà rằng cứ để cho họ ép dần dần như thế mà không cần phải kiện. Họ sẽ chèn ép ta ngày càng nhiều thêm là quy luật tất yếu, vì mục đích của họ là độc chiếm Biển Đông".
Mới hôm 3/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định về chủ quyền ở Bãi Tư Chính :
"Đây hoàn toàn không phải là khu vực tranh chấp hay có chồng lấn vì Trung Quốc không có bất kỳ cơ sở pháp lý quốc tế nào để đưa ra yêu sách đối với khu vực này".
Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng hoạt động tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.
Bà Thu Hằng nói khi đó : "Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay vi phạm, rút toàn bộ nhóm tàu nói trên ra khỏi vùng biển Việt Nam và không để tái diễn hành động vi phạm tương tự".
Nguyễn Đức tường thuật từ Hà Nội
********************
Vụ Bãi Tư Chính : Nhân sĩ trí thức kêu gọi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế
RFA, 07/10/2019
Các nhân sĩ, trí thức tham gia một buổi tọa đàm về căng thẳng Biển Đông cho rằng đã đến lúc chính quyền Việt Nam phải kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế sau hơn 3 tháng Trung Quốc đưa hàng loạt tàu vào vùng biển của Việt Nam, bất chấp những phản đối về mặt ngoại giao của Việt Nam.
Những người tham gia Tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế ở Hà Nội hôm 6/10/2019 Photo : RFA
Tọa đàm "Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế" do Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật & Phát triển phối hợp với Viện Quản trị Doanh nghiệp tổ chức ngày 6/10/2019 tại Hà Nội, sau một lần bị trì hoãn theo yêu cầu của chính quyền.
Buổi tọa đàm được ghi nhận có sự hiện diện của các cựu quan chức, kinh tế gia, giáo sư như Nguyễn Trung, Vũ Ngọc Hoàng, Lê Văn Cương, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Trường Giang, Chu Hảo, Hoàng Quốc Hải, Trần Ngọc Vương, Hoàng Ngọc Giao, Lê Mã Lương, Nguyễn Khắc Mai, Trương Triều Dương.
Tại sự kiện này, Thạc sĩ Hoàng Việt, thành viên của Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, đã có bài tham luận "Tại sao Việt Nam nên khởi kiện vụ Bãi Tư Chính".
Trả lời RFA hôm 7/10, ông Hoàng Việt nói :
"Hai thông điệp quan trọng mà tọa đàm muốn đưa ra. Đầu tiên là chính quyền Việt Nam cần khởi kiện Trung Quốc, vì điều đó thể hiện thái độ cương quyết để bảo vệ lợi ích được hưởng theo công ước quốc tế. Bên cạnh đó, nêu rõ tính chính nghĩa khi bảo vệ vùng biển, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế để họ dễ dàng nhận diện ai làm đúng, ai làm sai trong việc này".
Ông Hoàng Việt nói về thông điệp thứ hai :
"Phần đông cử tọa đều thống nhất rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách đối ngoại, trong đó có đề nghị thẳng thắn là phát triển quan hệ hơn nữa với Hoa Kỳ, thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc".
Về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam thận trọng đưa ra các phát ngôn gần đây về Bãi Tư Chính mà không đả động gì đến việc kiện Trung Quốc, ông Hoàng Việt cho rằng các nhà ngoại giao Việt Nam "cũng có vấn đề của họ".
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh hôm 28/9 đã đưa vấn đề căng thẳng ở Bãi Tư Chính giữa Trung Quốc và Việt Nam ra Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) nhưng tránh nói tên Trung Quốc.
Trong bài phát biểu dài khoảng 15 phút trước UNGA, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nói :
"Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông bao gồm những vụ xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán ở vùng biển của Việt Nam đã được xác định bởi UNCLOS (Công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982). Các nước liên quan nên kiềm chế, tránh các hành động đơn phương có thể làm phức tạp hoặc làm tăng thêm căng thẳng trên biển, và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật quốc tế, bao gồm UNCLOS".
Phát biểu của Bộ trưởng Phạm Bình Minh về vấn đề Biển Đông đã được trông đợi từ trước đó vì suốt 3 tháng nay Việt Nam đang phải đương đầu với việc Trung Quốc điều tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng tàu hải cảnh và dân binh vào Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bất chấp những phản đối từ phía Việt Nam và quốc tế.
******************
Lập Quyền Dân, RFA, 07/10/2019
Trung Quốc như con hổ đói, càng nhân nhượng nó càng hung hãn muốn nuốt trọn 'con mồi. Vì vậy ý nghĩa nổi bật của ngày sinh hoạt khoa học hôm 6/10 là sự khẳng định đối với tính tất yếu của việc phải khởi kiện Trung Quốc. Luận điểm "khởi kiện" dựa vào niềm tin sắt đá, ý chí mãnh liệt đối với "trật tự dựa trên luật pháp quốc tế"…
Tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế ở Hà Nội hôm 6/10/2019 - Courtesy of FB Viet Dao Pham
--------------------------
Vâng, trên đây là cái "hồn cốt" được đúc kết lại sau một ngày dài thảo luận giữa các ý kiến đa chiều tại cuộc Tọa đàm khoa học về "Bãi biển Tư Chính và Luật pháp quốc tế" ngày 6/10/2019 do Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học – Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đồng tổ chức. Thật ra thì đấy là cả một ngày đầy đặn cho một cuộc Hội thảo khoa học hẳn hoi, xét về tính chất đề tài, quy mô, thời gian và thành phần tham gia tranh biện. Nhưng hình như Viện PLD đã phải hạ thấp thứ bậc, từ "Hội thảo" đánh xuống "Tọa đàm" để lách khâu xin phép. Luật pháp Việt Nam quy định, nếu muốn Hội thảo phải có Giấy phép của nhà nước, Tọa đàm thì có thể "sân siu".
Có nơi nào như nơi này không, bàn luận về khoa học cũng phải trốn tránh, thậm chí buộc phải trí trá ? Nếu không, với thể chế "toàn trị" và "công an hoá" mọi lĩnh vực và triệt để trên mọi phương diện, các sinh hoạt xã hội đều phải có giấy phép từ đâu đó. Kể cả những sáng kiến chỉ để xiển dương lòng yêu nước, thức tỉnh trách nhiệm công dân, đều bị ngăn cấm hoặc vô hiệu hóa ! Thì đấy, Tọa đàm này đáng ra được tổ chức vào ngày 26/9 (đã phát Giấy mời như thế), nhưng phải đúng một tuần lễ sau, mới được tiến hành. Lý do… ? Có lẽ không một quốc gia độc lập và tự chủ nào trên trái đất này có thể hiểu nổi, bởi vì "từ đâu đó" (phải hiểu là An ninh nội bộ) không cho phép "nói xấu Trung Quốc" trước ngày quốc khánh 1/10 ! Nhưng hóa ra thế lại hay, cuộc Tọa đàm, chính vì bị ngăn chặn (nghe cứ như là "chiến lược ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản" thời Chiến tranh lạnh) mà sức lan tỏa của nó đã hiển hiện trước khi được tiến hành.
Ý nghĩa nổi bật đầu tiên là sự khẳng định tính tất yếu của việc khởi kiện Trung Quốc. "Khởi kiện" chứ không phải "khỏi kiện" ! Khác biệt chỉ giữa chữ "ơ" và chưa "o" thôi nhưng đó là cả hai thế giới quan đối nghịch nhau như lửa với nước ! Luận điểm "khởi kiện" dựa vào niềm tin sắt đá, ý chí mãnh liệt đối với "trật tự dựa trên luật pháp quốc tế (luật pháp quốc tế)". Trên thế giới hiện có hàng trăm cuộc tranh chấp về biển đảo giữa các nước, nếu thiếu vắng luật pháp quốc tế thì biết bao cuộc chiến tranh đã và sẽ nổ ra ? Điều Trung Quốc lo ngại hiện nay cũng là luật pháp quốc tế. Họ hiểu rằng, nếu dùng "sức mạnh cứng" để chế ngự và cướp biển đảo của Việt Nam (như trường hợp Hoàng Sa), thì chẳng có luật pháp quốc tế nào thừa nhận, ngoại trừ luật lệ trong "Trại súc vật" của Orwell. Khốn nỗi, Bắc Kinh lại muốn quàng vào người bộ quần áo "văn minh Trung Hoa" mà thế giới dân chủ đang muốn được rũ bỏ.
Trong khi đó, luận điểm "khỏi kiện" lại là hỏa mù vừa được tung ra nhưng mức độ bào mòn và tàn phá lòng yêu nước thì còn cao hơn cả khói bụi ô nhiễm từ mấy tháng nay phủ kín trên bầu trời Hà Nội và Sài Gòn. Đây là luận điểm đầu hàng vô điều kiện của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời nay. Bọn người này lập luận, chuyện trên Biển Đông hiện nay là chuyện "tranh bá đồ vương" giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Họ tranh nhau làm chủ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương để làm "sen đầm" trong thiên hạ. "Thượng sách nhất" lúc này là "án binh bất động, là "mọi chuyện có đảng và nhà nước lo", chúng ta chỉ cần "nâng cao cảnh giác" đừng để "lực lượng thù địch lợi dụng, gây tổn hại đến tình hữu nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc". Chúng ta hãy lo "giữ lấy đại cục !" (dù không biết đấy là cục gì ?)
Giáo sư Chu Hảo phát biểu tại Tọa đàm - Courtesy of Viet Dao Pham
Chính trong xu hướng giãn dần để tách ra khỏi thế bị Tàu kìm kẹp, nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, giám đốc Trung tâm Minh triết đã tung ra sáng kiến bất ngờ. Nhân sĩ bước vào tuổi cửu tuần này kiến nghị thành lập một Tòa án của lương tri để tố cáo, lên án tội ác của Trung Quốc đối với Việt Nam. Đây là tòa án của lương tâm, nhân danh lương tri để lên án Trung quốc về những hành vi tội ác, trái với quy ước pháp lý thông thường, trái với đạo lý của xã hội văn minh. Ông dự định đặt tên là "Tòa Án Lương Tri và Công Lý Biển Đông". Ông hình dung, một nhóm trí thức và luật sư phối hợp với nhau tổ chức thành các phiên tòa, với hình thức sẽ bắt đầu bằng một phiên tòa chính quy, rồi sẽ có phiên thứ nhất, thứ hai, thứ ba…Tùy yêu cầu và điều kiện cụ thể có thể tổ chức trong nước hay bên ngoài Việt Nam. Có thể nói rằng để đối phó với "tam chủng chiến pháp" của Trung quốc, tới đây, xã hội dân sự cần gia tăng sự nỗ lực cùng với yêu cầu nhà cầm quyền có nhận thức đúng đắn để không có những hành vi cản mũi kỳ đà, làm hạn chế sức mình, vô hình trung tiếp tay cho ngoại bang, phản lại nhân dân yêu nước.
Trong Tọa đàm đã có nhiều tiếng nói xây dựng góp ý cho chính quyền. Xưa nay, ít Viện NGO nào dám có ý trực diện đối với đảng và chính phủ. IDS trước đây môt vài lần chỉ mới "mó dá… ngựa", lập tức bị dẹp tiệm dưới danh nghĩa "tự giải thể". Nhưng chủ nhật qua, nhiều ý kiến chất vấn việc Bộ Ngoại giao phản ứng quá chậm chạp trước mỗi hành động xâm lấn của Trung Quốc, thậm chí có những phê phán khá gay gắt đối cả với "tam trụ". Đây là hiện tượng lạ, nếu như ai đó biết rằng, trong khán phòng Tọa đàm không dưới cả chục nhân viên an ninh và lãnh đạo của họ đang trà trộn trong hàng ngũ các đại biểu. Có thể cử tọa đã đánh bật được nỗi sợ hãi ra khỏi đầu. Một điều ngạc nhiên khác là có cả ý kiến gửi lên lãnh đạo đảng và nhà nước đòi thả các tù nhân lương tâm, chỉ vì "tội" duy nhất mà ngay các bản cáo trạng cũng không dám ghi rõ. Tội duy nhất đó là chống bành trướng và bảo vệ chủ quyền quốc gia !
Các ý kiến tại Tọa đàm còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác liên quan đến các vấn đề nội trị và quan hệ Việt – Trung. Đòi bỏ "chính sách ba không" phi lý, đòi "giãn Trung" để "tách và thoát Trung", đòi bỏ khẩu hiệu "bốn tốt" và "mười sáu chữ vàng", vì đấy là những sáo ngữ đại bịp…
Bản kiến nghị cá nhân của Đại sứ Nguyễn Trung (từng là Trợ lý đắc lực cho Thủ tướng "xé rào" Võ Văn Kiệt) gồm 4 điểm. Kiến nghị đầu tiên của ông bao gồm :
i) Kiện ngay tại Tòa Trọng tài Thường trực (PCA/La Haye) việc Trung Quốc hơn ba tháng nay có những hành động kèm theo những hoạt động vũ trang liên tục ở quy mô lớn mang tính xâm lược vùng biển bãi Tư Chính nằm trong EEZ thuộc lãnh hải của Việt Nam.
ii) Vận động Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (UNGA) có quyết nghị về chủ đề này.
iii) Yêu cầu Liên Hiệp Quốc ra lời kêu gọi các quốc gia không được dùng vũ lực trong xử lý tranh chấp tại Biển Đông...
Trong kiến nghị thứ hai, ông yêu cầu chính quyền chủ động và thường xuyên thông tin cho đại chúng kịp thời nắm vững những diễn biến nguy hiểm và phức tạp trên Biển Đông. Kiến nghị thứ ba yêu cầu đảng và nhà nước tiến hành ngay cải cách trong thể chế chính trị để thực hiện những quyền tự do dân chủ của nhân dân. Trong kiến nghị cuối cùng, ông yêu cầu trả lại tự do cho những người bất đồng chính kiến đang bị giam giữ hoặc tù tội.
Một trăn trở khác, tạm cho là ý nghĩa cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là tầm nhìn về tương lai, mà nổi lên là nhu cầu bày tỏ tình cảm yêu nước của người dân. Liệu có tiếp tục bị bưng bít, cấm cản, thậm chí đàn áp, bắt bớ hay không ? Khi theo dõi các động tĩnh cả hai phía (Trung Quốc và Việt Nam) trong sự kiện Trung Quốc xâm lược vùng biển Tư Chính, có vị "đương kim" là công chức nhà nước hẳn hoi đã phải thốt lên rằng bản thân đang "tan nát cõi lòng" ; có những thanh niên yêu nước, là những nhà báo độc lập, đang bức xúc cao độ, chỉ vì muốn ghi lại và truyền đi những hình ảnh sống động, nhằm nhanh chóng chuyển tải các thông điệp của buổi tọa đàm đến với công chúng, thế mà bị bắt cóc, bị câu lưu tại trụ sở công an và bị tịch thu mọi phương tiện hành nghề (i phone, máy ảnh, máy quay phim...).
"Kiềm chế bức xúc" vốn là yêu cầu của một Tọa đàm khoa học, nhưng trong cuộc Tọa đàm hôm ấy vẫn bật lên những phát biểu đậm vị chua xót và nhức nhối. Có ý kiến đề cập đến sự toa rập của những tên thái thú trong chính quyền với bọn xâm lược Trung Quốc. Chính bọn này đã gây ra bao nghịch lý và phân rã trong xã hội Việt Nam hiện nay. Nhà văn Hoàng Quốc Hải, tác giả của bộ tiểu thuyết "Bão táp triều trần", đã thẳng thừng cảnh báo : Nhà nước phải có thái độ tôn trọng quốc dân, không được phép khinh dân bằng sự im lặng trước các hành động ngang ngược của Trung Quốc, không được phép đàn áp những người yêu nước nhưng khác chính kiến ! Người dân phải được tham gia bàn việc nước ! Bộ máy nhà nước tồn tại là do dân nuôi, nếu coi dân như cỏ rác, khi quốc gia lâm nguy, dân sẽ bỏ mặc như đã bỏ mặc nhà Hồ hồi đầu thế kỉ 15 ! Hơn 600 năm sau, hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại đối với dân tộc này. Mong lắm thay !
Lập Quyền Dân
Nguồn : RFA, 07/10/2019