Hai sự kiện : Bà quả phụ Trịnh Văn Bô – nhũ danh Hoàng Thị Minh Hồ - qua đời hôm 5 tháng 11 và tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 - đề nghị chi tiền để tìm kiếm, an táng hài cốt của 2.500 người lính tử trận cách nay ba thập niên tại Hà Giang… là những ví dụ mới nhất minh họa cho tình nghĩa của những người cộng sản.
Vợ chồng Trịnh Văn Bô, doanh gia giàu có nhất Hà Nội
***
Trên số ra ngày 7 tháng 11, tờ Thanh Niên vừa lược thuật thêm một lần nữa về"nỗi buồn nhân đôi" của gia tộc cụ Trịnh Văn Bô.
Vợ chồng cụ Bô là những doanh nhân "hằng tâm, hằng sản" với chính quyền cộng sản Việt Nam. Ngoài chuyện bí mật đóng góp cho Việt Minh hàng vạn đồng bạc Đông Dương, tháng 8 năm 1945, ngay sau khi Việt Minh cướp được chính quyền, họ đã dành căn nhà số 48 phố Hàng Ngang cho giới lãnh đạo Việt Minh cư trú. Rồi để chính quyền Việt Minh có tiền chi dùng, vợ chồng cụ Bô đã hiến 5.147 lượng vàng.
Theo lời cụ Hoàng Thị Minh Hồ kể với tờ Thanh Niên năm 1990 thì 1.000 trong số 5.147 lượng vàng ấy đã được ông Nguyễn Lương Bằng – Đặc phái viên của chính quyền Việt Minh – đem hối lộ hai viên tướng chỉ huy 20.000 quân của Trung Hoa Dân Quốc được phe Đồng minh điều động vào miền Bắc Việt Nam giải giáp quân đội Nhật để hai viên tướng này làm ngơ cho Việt Minh vừa tập tễnh nắm chính quyền, củng cố, phát triển thực lực.
Không có số vàng khổng lố ấy lịch sử Việt Nam có thể đã khác !
Khi cuộc kháng chiến chống Pháp lần thứ hai bùng nổ, vợ chồng cụ Bô bỏ hết nhà cửa, tài sản theo Việt Minh vào chiến khu. Sau Hiệp định Geneve năm 1954, họ theo Việt Minh trở về Hà Nội. Ngoài việc hiến căn nhà số 48 phố Hàng Ngang, họ còn đáp ứng đề nghị của Bộ Quốc phòng – cho mượn biệt thự 34 Hoàng Diệu trong hai năm.
Biệt thự 34 Hoàng Diệu trở thành tư gia của Đại tướng Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Hết hai năm, tướng Thái bảo vợ chồng cụ Bô rằng quân đội vẫn còn cần đến biệt thự này và sẽ hoàn trả khi "đất nước thống nhất".
Vợ chồng cụ Bô đành chờ đến sau tháng 4 năm 1975 mới xin nhận lại nhà. Năm 1988, cụ Bô qua đời khi nguyện vọng chính đáng của ông vẫn chưa được đáp ứng. Thập niên 1990, trao lại biệt thự 34 Hoàng Diệu cho chủ của nó từng là chủ đề được nhiều cơ quan truyền thông tại Việt Nam tham gia bàn luận trong một thời gian dài. Dù các viên chức lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nghỉ hưu lẫn đương nhiệm cùng khẳng định đó là "đạo lý", dứt khoát phải thực hiện nhưng cụ Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu vẫn phải chờ. Năm 1994, chính phủ Việt Nam giao cho cụ Hoàng Thị Minh Hồ quyết định "tặng" gia đình Trịnh Văn Bô biệt thự 34 Hoàng Diệu vì "đã có những đóng góp to lớn cho đất nước". Năm sau (1995) đột nhiên có lệnh… hoãn thi hành quyết định "tặng" biệt thự 34 Hoàng Diệu.
Qua VOA, nhà báo Bùi Tín tiết lộ, sở dĩ gia đình cụ Bô không thể nhận lại biệt thự 34 Hoàng Diệu vì sau khi Đại tướng Hoàng Văn Thái nhận nhà mới, dọn ra khỏi biệt thự này (1978), ông ta giao lại biệt thự cho vợ chồng con gái sử dụng !
Năm 2003, vào thời điểm biệt thự 34 Hoàng Diệu vắng chủ, con cháu cụ Hoàng Thi Minh Hồ đã cõng cụ xâm nhập biệt thự rồi ở lì tại đó cho đến giờ. May là cụ Hoàng Thị Minh Hồ và con cháu không bị cưỡng chế. Tuy nhiên theo tờ Thanh Niên, đến nay, sau 14 năm gia đình cụ Bô "tái chiếm hữu tài sản" của họ, chính quyền Việt Nam vẫn chưa tái xác nhận vợ chồng cụ Bô có quyền sở hữu biệt thự 34 Hoàng Diệu.
***
Hai ngày trước khi cụ bà Hoàng Thị Minh Hồ qua đời, tướng Sùng Thìn Cò – Phó Tư lệnh Quân khu 2 đồng thời là đại biểu của tỉnh Hà Giang tại Quốc hội khóa 14, bảo với các đồng viện là còn khoảng 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng tại các cao điểm 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220, 1.030,…
Cụ bà Hoàng Minh Hồ dự lễ 480 năm ngày mất của Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng tại Văn Miếu (cụ ông Trịnh Văn Bô là trực hệ đời thứ 15 Chúa Trịnh Tùng) – Ảnh : X.B
Tướng Cò không cung cấp chi tiết nhưng dựa vào diễn biến xung đột vũ trang tại biên giới Việt – Trung, người ta tin rằng những liệt sĩ này đã đền nợ nước trong các đợt phản công - tái chiếm, phòng vệ lãnh thổ giai đoạn từ giữa năm 1980 đến đầu năm 1987 ở Hà Giang.
Lý do chính khiến cha mẹ nhiều liệt sĩ chờ cho tới chết vẫn chưa nhận được hài cốt của con là vì… giới lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam chưa cấp tiền để tìm kiếm, mang hài cốt của các liệt sĩ về nhà.
Tướng Cò khẳng định với các đồng viện rằng chỉ cần cấp tiền cho Bộ Quốc phòng và Quân khu 2 một lần thì trong hai năm 2018 và 2019, quân đội sẽđưa hết toàn bộ hài cốt các liệt sĩ về với gia đình, về với quê hương.
Sau hơn 30 năm phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, có bao nhiêu trong số 2.500 hài cốt này còn nguyên vẹn và có thể xác định được danh tính ? Tại sao Bộ Quốc phòng phải chờ hơn 30 năm mới đốc thúc Quốc hội chuẩn chi ? Phải chăng vì tìm kiếm – an táng hài cốt những người lính đền nợ nước trong cuộc chiến chống Trung Quốc, bảo vệ lãnh thổ sẽ ảnh hưởng đến "quan hệ Việt – Trung" và việc thực thi "tinh thần bốn tốt", "phương châm 16 chữ vàng" nên cả liệt sĩ lẫn thân nhân cùng phải chờ tới… thời điểm thích hợp ?
Rồi ngoài Hà Giang với 2.500 hài cốt đang phơi mưa nắng, bao giờ thì Bộ Quốc phòng tính đến chuyện tìm kiếm, an táng hài cốt những liệt sĩ tử trận ở Cao Bằng, Lạng Sơn trong giai đoạn 1979 - 1981 ?
Dường như hài cốt của hàng chục ngàn liệt sĩ (bao gồm cả những người đã thiệt mạng trong các cuộc chiến từ 1945 – 1954, 1954 – 1975), sự khắc khoải của hàng trăm ngàn người khi thân nhân chưa "mồ yên, mả đẹp", vẫn bị xem là chưa "thấu tình", không "tận nghĩa" bằng các tượng đài, bảng đồng, bia đá, lễ tưởng niệm được tổ chức rầm rộ hàng năm. Cũng vì vậy, hồi cuối tháng 7 vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 70 năm "Ngày Thương binh Liệt sĩ", dù vẫn còn nhan nhản những trường hợp như vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô, như 2.500 hài cốt liệt sĩ đang phơi mưa nắng trên những dãy núi đá ở Hà Giang, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vẫn dõng dạc khẳng định : "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên công ơn to lớn của các bậc cách mạng tiền bối, các anh hùng liệt sĩ, thương binh và người có công với cách mạng. Chúng ta nguyện sống, chiến đấu, lao động, học tập và làm việc xứng đáng với các bậc tiền nhân, với những người đã hết lòng hy sinh vì dân, vì nước".
Trân Văn
Nguồn : VOA, 13/11/2017
Cần khởi tố, điều tra dấu hiệu đưa - nhận hối lộ trong vụ Nguyễn Xuân Anh (GDVN, 08/10/2017)
"Một cán bộ suy thoái đến mức như vậy không nên để họ tham gia vào công tác quản lý. Thậm chí nếu làm quyết liệt hơn nữa, người ta có thể bị khai trừ Đảng".
Kỷ luật cán bộ thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng
Bộ Chính trị vừa quyết định thi hành kỷ luật cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.
Vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng và Quy chế làm việc ; Vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy trình, quy định của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ ; Vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, đô thị.
Trung ương quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đối với ông Nguyễn Xuân Anh.
Cá nhân ông Xuân Anh đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng ; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm ;
Vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Ông Nguyễn Xuân Anh (Ảnh : Vov.vn).
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước,nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng, việc kỷ luật cán bộ cấp cao, có vi phạm thể hiện rõ tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.
Tướng Thước nhấn mạnh, việc kỷ luật người đứng đầu Thành ủy thành phố Đà Nẵng cũng cho thấy công tác phòng chống tham nhũng của chúng ta đi vào giai đoạn quyết liệt.
"Kỷ luật ông Xuân Anh thể hiện việc xử lý cán bộ không có vùng cấm trong chống tham nhũng và xử lý vi phạm của cán bộ, không loại trừ một ai. Càng cán bộ cấp càng cao thì kỷ luật nghiêm khắc để nêu gương.
Trước đây, người ta nghi ngờ việc chống tham nhũng chỉ tắm từ vai xuống. Nhưng bây giờ có thể thấy rằng, chúng ta đã làm từ đầu rồi xuống chân. Tôi nhất trí cao với những quyết định của Ban Chấp hành Trung ương", Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định.
Cần làm rõ dấu hiệu đưa, nhận hối lộ
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho rằng, việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh vì có vi phạm nghiêm trọng, thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc kiên quyết loại bỏ cán bộ suy thoái hóa ra khỏi vị trí lãnh đạo.
"Việc cách chức đối với một số cán bộ có sai phạm tày đình như vậy là hoàn toàn đúng đắn.
Một cán bộ suy thoái đến mức như vậy thì không nên để họ tham gia vào công tác quản lý. Tôi hoan nghênh quyết định sáng suốt và đúng đắn, kịp thời của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Thậm chí nếu làm quyết liệt hơn nữa, có thể xem xét khai trừ Đảng đối với ông Xuân Anh", Luật sư Trần Quốc Thuận nêu quan điểm.
Luật sư Trần Quốc Thuận - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét hai vấn đề có liên quan tới những vi phạm của ông Nguyễn Xuân Anh - nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng.
"Ông Nguyễn Xuân Anh được cho là thiếu gương mẫu trong việc nhận, sử dụng xe ô tô do doanh nghiệp biếu, tặng và sử dụng 2 nhà ở của doanh nghiệp, gây dư luận xấu trong xã hội.
Vấn đề đặt ra là, cần điều tra làm rõ động cơ, lý do vì sao doanh nghiệp tặng xe, tặng nhà, và việc ông Xuân sử dụng tài sản của doanh nghiệp trong vụ việc nói trên.
Tôi cho rằng hành vi đó thể hiện rõ dấu hiệu tiêu cực.
Chắc chắn khi người ta tặng nhà, xe cho cán bộ thì họ (doanh nghiệp) phải thu lại cái lợi lớn hơn rất nhiều.
Đặt câu hỏi ngược lại, nếu doanh nghiệp có lòng tốt thì sao họ không tặng tài sản đó cho người nghèo, cán bộ lão thành cách mạng... mà lại đi tặng cho cán bộ ?
Theo tôi nếu làm tới nơi, tới trốn, đáng ra phải khởi tố vụ án để điều tra, bởi vụ việc có dấu hiệu của tội đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Kẻ trộm ăn cắp một chiếc xe đạp có thể bị ở tù, nhưng cán bộ có những dấu hiệu vi phạm như vậy, chỉ kỷ luật về mặt Đảng thì vẫn còn hơi nhẹ.
Tiếp đó cần tiếp tục làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân từ cấp cơ sở tới cấp Trung ương liên quan tới việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Anh.
Xử lý người có trách nhiệm ở vị trí cao hơn trong vụ việc này", Luật sư Trần Quốc Thuận đề nghị.
Ông Thuận cũng hy vọng rằng, trong thời gian tới, sẽ có thêm cán bộ đặc biệt là cấp Trung ương bị đưa ra xử lý khi phát hiện những vi phạm.
"Tuy trước khi bị kỷ luật, ông Xuân Anh là Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng việc kỷ luật cán bộ này mới chỉ ở phạm vi địa phương.
Nghị quyết Trung ương Đảng chỉ rõ, chống tham nhũng làm từ trong Đảng ra ngoài, từ trên xuống, nhưng tôi chưa thấy cán bộ cao cấp nào hiện đương chức ở Trung ương bị kỷ luật cả", ông Thuận nói.
Vị Luật sư cũng đề nghị cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa, đa dạng hơn nữa để tạo thuận lợi cho người dân tham gia vào việc phát hiện, tố cáo hành vi vi phạm của cán bộ.
Thiêm Minh
*****************
Ông Xuân Anh là bài học răn đe, cảnh tỉnh cho những cán bộ đương nhiệm (GDVN, 07/10/2017
Ông Phan Xuân Xiểm : "Việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh đã thể hiện thái độ cương quyết của Trung ương Đảng về chống tiêu cực, tham nhũng".
Ngày làm việc 6/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng với ông Nguyễn Xuân Anh.
Sau khi thông tin được đăng tải trên báo chí, dư luận cả nước rất ủng hộ quyết định của Trung ương Đảng. Nhiều Đảng viên, cán bộ lão thành cách mạng đã bày tỏ sự tán đồng về quyết định nghiêm khắc trên.
Ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng (ảnh baotintuc.vn).
Phóng viên Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam đã trao đổi với ông Phan Xuân Xiểm, (nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương) xung quanh vụ việc này.
Theo ông Phan Xuân Xiểm : "Việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh là bài học đắt giá về công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, giám sát cán bộ của Đảng ta.
Đây là sự việc rất buồn. Tôi cho rằng, việc ông Nguyễn Xuân Anh bị cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, cho thôi chức Ủy viên Trung ương Đảng đó là cái giá phải trả của công tác cán bộ bị buông lỏng.
Trong vụ việc ông Nguyễn Xuân Anh có thể thấy công tác thẩm định, cơ cấu, đề bạt, bổ nhiệm ông này đã không thực hiện một cách chặt chẽ".
Ông Pham Xuân Xiểm cũng cho rằng : "Việc kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh thể hiện thái độ cương quyết của Trung ương Đảng về chống tiêu cực, tham nhũng.
Qua đó, răn đe, cảnh tỉnh đối với những cán bộ đang đương nhiệm.
Câu chuyện kỷ luật Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh sẽ chưa dừng lại ở đây mà từ vụ việc này, cần mổ xẻ, xem xét ở nhiều góc độ, bình diện để rút ra bài học kinh nghiệm.
Bài học dễ nhận ra nhất trong việc kỷ luật Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chính là việc đánh giá không nghiêm túc cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh trước đây.
Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng cần phải chặt chẽ hơn nữa. Bác Hồ từng lo dạy rằng, 9/10 khuyết điểm của cán bộ là do thiếu kiểm tra, giám sát".
Ông Phan Xuân Xiểm nguyên Hàm vụ trưởng vụ 1, Ủy ban kiểm tra Trung ương (ảnh Bạch Đằng).
Đánh giá về cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh, vị chuyên gia này cho rằng : "Bí thư Đà Nẵng vừa bị kỷ luật là người nói không đi đôi với làm, làm không được như nói.
Trước đây, ông Bí thư này đã phát biểu những câu hết sức ấn tượng khiến dư luận chú ý ghê gớm. Nhưng thực ra, ông này mới nói thôi chứ chưa làm được gì to tát".
Ngoài ra, ông Phan Xuân Xiểm cũng bày tỏ sự đồng tình với Trung ương Đảng : "Vì lần này Trung ương đã "cưa đứt, đục suốt".
Thực chất, Đà Nẵng có những thời kỳ có vấn đề nhưng công tác xem xét kỷ luật chưa làm đến nơi đến chốn. Lần này, xử lý kỷ luật như vậy đã nhận được sự đồng tình của toàn dân, toàn Đảng".
Liên quan đến vụ việc Bí thư Đà Nẵng bị cách chức, trả lời báo chí ông Vũ Quốc Hùng cho rằng : "Việc cách chức đối với ông Nguyễn Xuân Anh là Trung ương đã thực hiện đúng chức phận của mình. Đây là bài học cho tất cả những người có chức, có quyền.
Rất đáng tiếc vì ông Nguyễn Xuân Anh còn trẻ, mới lên đảm nhiệm trọng trách người đứng đầu thành phố Đà Nẵng, mới chính thức vào Ủy viên Trung ương Đảng đáng lẽ cần tu dưỡng, rèn luyện thật tốt để không mắc vào những sai phạm như ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận.
Thực ra, việc xử lý kỷ luật đảng viên là điều không ai vui, nhưng mừng một điều là Đảng rất nghiêm minh. Mong rằng, sự nghiêm minh này sẽ tiếp tục được phát huy để tất cả những ai đã lãnh trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân phải tự nghiêm túc xem xét lại mình".
Ông Vũ Quốc Hùng còn cho rằng : "Từ vụ kỷ luật Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh thì những vụ việc khiến nhân dân, dư luận đang đặt ra đề nghị Trung ương tiếp tục chỉ đạo để các cơ quan chức năng làm hết sức mình. Góp phần làm trong sạch Đảng là việc rất đáng làm".
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 6/10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, thành viên Thường trực Ban Bí thư đọc Tờ trình của Bộ Chính trị về thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận thấy, trên cương vị người đứng đầu cấp ủy thành phố, ông Nguyễn Xuân Anh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành uỷ ;
Cá nhân ông Nguyễn Xuân Anh đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng ; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm ; vi phạm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp ; vi phạm tiêu chuẩn cấp ủy viên.
Những vi phạm, khuyết điểm của ông Nguyễn Xuân Anh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Sau khi thảo luận và cân nhắc nhiều mặt, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định thi hành kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng bằng hình thức :
Cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020 ; và cho thôi giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Bạch Đằng