Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tô Đại có tha cho Huệ Vương trong việc tiếp tay cho Thuận An trốn thuế ?

Trà My, Thoibao.de, 18/04/2024

Ngày 15/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng ; đưa hối lộ ; nhận hối lộ, xảy ra tại Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức có liên quan.

Trước đó, nhiều nguồn thạo tin khẳng định, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn Thuận An Group, một sân sau của phe Nghệ An, đã bị bắt giữ. Mới nhất, việc Tập đoàn Thuận An trốn thuế được công bố.

vdh1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp ông Vương Bân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng điện lực Trung Quốc (Power China). Ảnh : TTXVN

Báo Tuổi trẻ ngày 16/4 đưa tin, "Tập đoàn Thuận An "lớn nhanh" nhưng lợi nhuận nhiều năm ở mức… "buồn"’. Bản tin cho biết, dù trúng thầu nhiều dự án, nhưng tình hình kết quả kinh doanh của Thuận An không quá tích cực. Theo dữ liệu của Tuổi Trẻ, trong giai đoạn 2017 – 2019, doanh thu của Thuận An ở mức 250 – 300 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ ở mức vài trăm triệu đồng. Theo một số chuyên gia, lợi nhuận trên ở mức "đáng buồn", không tương xứng với quy mô vốn.

Việc các doanh nghiệp sân sau của các quan chức cấp cao đột nhiên lớn nhanh như Thánh Gióng, nhưng đóng thuế ở mức hết sức khiêm tốn, là điều không có gì lạ. Tuy nhiên, tin tức về việc bắt giữ ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, đã gây xôn xao và chấn động dư luận. Vì trước đó đã lan truyền tin đồn :"Thuận An Group – Tập đoàn xứ Nghệ lớn nhanh như thổi. Trúng thầu nhiều dự án, giống Phúc Sơn đã bị sờ".

Hơn nữa, vấn đề kiểm toán và quản lý nguồn thu ngân sách của Bộ Tài chính, lâu nay do phe Nghệ An kiểm soát và quản lý. Do đó, trách nhiệm của ông Vương Đình Huệ – cựu Tổng Kiểm toán Nhà nước và Bộ trưởng Bộ Tài Chính, là không thể bỏ qua.

Liên quan đến việc bắt ông Nguyễn Duy Hưng, truyền thông nhà nước cho hay, từ một doanh nghiệp có quy mô vốn điều lệ chỉ vỏn vẹn 3,9 tỷ đồng, trong 10 năm, Thuận An đã lớn nhanh như thổi, vốn điều lệ tăng gấp 200 lần. Tập đoàn này liên tục trúng thầu nhiều dự án lớn nhỏ khắp cả nước. Với doanh thu hàng trăm tỷ đồng, nhưng lợi nhuận của Thuận An thu về lại chỉ lẹt đẹt ở mức 100 triệu đồng.

Nhà báo Hà Phan, một phóng viên nội chính thạo tin cung đình, tiết lộ :

"Xét về quy mô, gói thầu và độ phủ thì Tập đoàn Thuận An của ông Hưng vừa bị các chú Công an bắt khủng hơn [Tập Đoàn] Phúc Sơn của Hậu "pháo" nhiều !

Thuận An trúng thầu từ Bắc vào Trung, vô Nam, trải dài khắp 11 tỉnh thành phố và 28 gói thầu không xác định địa điểm cụ thể ! Tính sơ sơ, tổng giá trị của các gói trúng thầu là hơn 22,6 nghìn tỷ đồng. Trong số này, có hơn 8,2 nghìn tỷ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu. Thật bất ngờ, tại thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Thuận An đã trúng các gói thầu "khủng" hơn 3.584 tỷ đồng !"

Báo Hà Nội Mới cũng đề cập đến sự bất thường trong hoạt động kinh doanh của Tập Đoàn Thuận An, khi đưa ra nhận xét : "Thuận An doanh thu trăm tỷ, lợi nhuận trăm triệu".

Đó là những câu chuyện khó hiểu và đầy nghịch lý, đang tiềm ẩn nhiều dấu hiệu "bất an" xảy ra ở Tập đoàn Thuận An, do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch.

Dù thành lập từ 2004, nhưng phải đến năm 2019, Tập đoàn Thuận An mới bắt đầu có những dấu ấn trong ngành hạ tầng xây dựng. Từ sau quãng thời gian này, mỗi năm, Thuận An đều đặn ghi tên mình trong các liên danh trúng những gói thầu lớn với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng.

Vẫn theo báo Hà Nội Mới, tổng giá trị của các gói trúng thầu của Thuận An là 22.612 tỉ đồng, trong số này, có hơn 8.272 tỉ đồng thuộc về các gói chỉ định thầu. Dữ liệu cũng cho thấy, tổng giá trị trúng thầu độc lập chỉ hơn 144 tỷ đồng, còn lại, đa phần Thuận An tham gia dưới hình thức liên danh.

Theo giới phân tích, mức lợi nhuận đã đề cập ở trên của Tập đoàn Thuận An là rất đáng nghi vấn. Tác giả Hà Phan đánh giá, "đáng ngạc nhiên hơn tới cuối 2021, Thuận An mới tăng vốn lên 800 tỷ đồng và cơ cấu cổ đông không thấy công bố ! Ngỡ ngàng nhưng hổng bất ngờ nữa khi những con số này đến giờ mới được phơi ra".

Dư luận xã hội nhắc lại, ông Nguyễn Xuân Phúc – trong vai trò Thủ tướng Chính phủ, đã từng đưa cảnh báo, "lãnh đạo có người không những có 1 sân trước mà 4, 5 sân sau, thậm chí 14 -15 sân sau". Điều trớ trêu hơn, liên quan đến việc cựu Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mất chức vào đầu năm 2023, theo giới thạo tin, trong cuộc họp Bộ Chính trị cuối năm 2022, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là người đã nhiều lần nhắc nhở ông Bảy Phúc : "anh Phúc còn chờ gì nữa mà không chủ động xin từ chức".

Xin nhắc lại, lâu nay, công luận cho rằng, ông Vương Đình Huệ trong thời gian giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính, cũng như Tổng Kiểm toán Nhà nước, có rất nhiều sai phạm khủng.

Trà My

Nguồn : Thoibao.de, 18/04/2024

*****************************

Tô Lâm đánh phủ đầu ngay khi Vương Đình Huệ quay về từ Bắc Kinh

Nam Việt, RFA, 17/04/2024

Chuyến đi cầu viện Tập Cận Bình từ ngày 7 đến 12/4 của Vương Đình Huệ, do đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng tổ chức, có vẻ không ăn thua với đòn phép của Tô Lâm. Cuộc chiến của Tô Lâm nổ ra, dường như đã tính luôn cả bước Huệ sẽ tiếp cận Tập Cận Bình để xin đảm bảo cho chiếc ghế kế thừa Tổng bí thư của Huệ. Ngay khi về nước, đòn tấn công mới của Lâm nhắm vào Huệ lại tiếp tục nổ ra làm chấn động hậu trường Ba Đình.

phay2

Phạm Thái Hà hiện nắm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Cái đích của Tô Lâm đã rõ : đường đến Đại hội 14 của Đảng cộng sản Việt Nam phải bằng phẳng và không còn kẻ nào đối đầu với ông ta. Và những gì vừa xảy ra, cho thấy còn nhiều phát súng nữa vẫn đang hờm vào Huệ.

Ngay khi hể hả bắt tay với các quan chức cao cấp của Bắc Kinh và ra về, mặt Vương Đình Huệ đã tái mét khi thấy dưới chân máy bay đã có mấy chiếc xe bảng số 80 đang chờ để áp giải Phạm Thái Hà về cơ quan điều tra. Hà là cánh tay phải lâu năm của Huệ để bàn tính trong các nước cờ đối phó chính trị lẫn leo cao, và Phạm Thái Hà hiện cũng nắm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, kiêm trợ lý cho Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Mặc dù sự vụ được giấu kín, nhưng tin tức ở trong nước đến chiểu tối ngày 17/4 đã lan nhanh qua các tin nhắn riêng. Có tin nói Phạm Thái Hà bị khởi tố bắt giam tội danh "lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự. Nhưng cũng có tin nói tay này bị buộc tội "nhận hối lộ", quy định tại khoản 4, Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Nhưng dù là tội gì, rõ ràng sợi dây liên đới dẫn đến Huệ đã hiện ra. Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam đương đại vẫn rành rành chuyện vào tháng 1/2023, hai ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã phải từ chức vì các trợ lý mắc sai phạm. Để biểu quyết xác định sai phạm của hai nhân vật này, 486 đại biểu quốc hội đã được họp mật theo từng tổ, nghe đọc chi tiết các vấn đề sai phạm của từng người, văn bản có đóng dấu mật, không phổ biến bên ngoài, có chữ ký xác nhận của Tô Lâm và cả chữ ký xác nhận có xem qua của Nguyễn Phú Trọng. Dĩ nhiên, lối thoát cuối cùng của Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam là phải làm đơn xin từ chức, và cuối cùng được 96,99% số nghị gật bỏ phiếu lúc đó, tán thành.

Vụ bắt Phạm Thái Hà, chỉ là bước hai của tổng kế hoạch loại bỏ Vương Đình Huệ. Bước một, trong những ngày Vương Đình Huệ cầu viện Bắc Kinh, thậm chí đem chuyện các mỏ đất hiếm của Việt Nam ra để nhử mồi cầu thân, thì ở quê nhà, Tô Lâm mở đại án liên quan để Tập đoàn Thuận An.

Thuận An là cái tên ít ai để ý, nhưng người cầm đầu là Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đã luôn lót tiền khéo và đậm cho Phạm Thái Hà. Nhờ vậy, tập đoàn Thuận An luôn vượt qua các nhà thầu khác để nhận ngân sách xây dựng hàng trăm ngàn tỷ từ nhiều năm nay. Các tuyến đường cao tốc khắp đất nước đều có bàn tay vận động hậu trường của Tập đoàn Thuận An để giành lấy.

Dĩ nhiên, mọi chuyện đều phải có cái gật đầu của Huệ thì Hà mới dám ký và vận động hành lang cho tập đoàn Thuận An. Tổng kết quá trình, tiền hối lộ cũng đã lên đến con số ngàn tỷ, mà chắc chắn không thể nào Hà dám ôm hết một mình.

vdh2

Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng đã luôn lót tiền khéo và đậm cho Phạm Thái Hà.

Qua sự bảo trợ chính trị của liên minh Huệ - Hà, ông chủ tập đoàn Thuận An còn thao túng đến mức bán lại các gói thầu giành được cho các công ty xây dựng khác, đem riêng về cho mình những số tiền hoa hồng khổng lồ. Và từ đó, các vụ thu tiền phí cao tốc bất minh và ngang ngược đã diễn ra trên suốt cả nước mà không ai hiểu nổi. Những người lên tiếng phản đối và vạch trần sự việc này lần lượt vào tù hay phải bỏ đi tỵ nạn chính trị.

Nhiều nguồn tin vội, cho rằng Huệ đã phải im lặng từ chức. Thế nhưng nhằm dập tắt các tin đồn bất lợi, ngày 17/4, Vương Đình Huệ đã ra mặt trong cuộc họp mở màn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV vào ngay ngày đầu, vốn không cần Chủ tịch Quốc hội có mặt, mà chỉ cần đại diện là Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Dĩ nhiên, Huệ muốn bắn đi thông điệp rằng mình là người không dễ gục ngã.

Nhưng đường dài mới biết sức ngựa. Giờ đây Phạm Thái Hà, đàn em thân tín đã gắn bó với Huệ suốt gần 20 năm, là người đã đi cùng với Huệ qua nhiều nấc thang quyền lực, hiểu và nắm rõ những phần ăn của mình và ông chủ, đang đối diện với những thủ thuật tra vấn kinh sợ của đàn em Tô Lâm, từng đêm trong ngục tối, liệu Hà sẽ bảo vệ ông chủ của mình đến mức nào ?

Còn ông Trọng ắt cũng đang bứt tóc nghĩ đến cách giải vây cho Huệ. Nhưng câu chuyện "đốt lò không có vùng cấm" mà ông ta vẽ ra, nhằm triệt tiêu các đối thủ chính trị của mình, giờ đây trở thành chuyện há miệng mắc quai, và phải nhượng bộ cho Tô Lâm diễn trò "trong sách hóa nội bộ". Điều này khiến Trọng có thể không còn dám nghĩ đến chuyện về hưu trước đại hội Đảng cộng sản Việt Nam năm 2026, vì bàn cờ quyền lực của Ba Đình có thể bị Tô Lâm hất tung vào bất cứ lúc nào.

Nam Việt

Nguồn : RFA, 17/04/2024

****************************

Tập đoàn Thuận An đã làm gì và tại sao 'vào lò' ?

BBC, 17/04/2024

Chủ tịch Tập đoàn Thuận An, ông Nguyễn Duy Hưng, bị bắt kéo theo hàng loạt dự án của tập đoàn này bị rà soát. Một số quan chức tỉnh Bắc Giang cũng vướng vòng lao lý với cáo buộc liên quan đến Thuận An.

vdh3

6 bị can bị khởi tố, bắt tạm giam có liên quan đến Tập đoàn Thuận An

Ông Nguyễn Duy Hưng bị bắt, khởi tố vào ngày 15/4 về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và "Đưa hối lộ" khi Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) điều tra những sai phạm ở Tập đoàn Thuận An.

Ông Nguyễn Khắc Mẫn, Phó Tổng giám đốc của tập đoàn này, cũng bị bắt, khởi tố với cùng hai tội danh.

Còn ông Trần Anh Quang, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An, bị khởi tố, bắt giam về tội "Đưa hối lộ".

Cơ quan điều tra cũng khởi tố, bắt tạm giam ba bị can là lãnh đạo, cán bộ quản lý Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp, tỉnh Bắc Giang gồm : Nguyễn Văn Thạo - Giám đốc ban, Đàm Văn Cường - Phó Giám đốc ban và ông Hoàng Thế Du, Trưởng phòng ban.

Ba người này đều bị điều tra về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", riêng ông Thạo bị điều tra thêm tội "Nhận hối lộ".

Rà soát hàng loạt dự án

Trong diễn biến mới nhất, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Phú Yên hôm 16/4 đã yêu cầu UBND tỉnh này rà soát, báo cáo các dự án, gói thầu mà Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Tới ngày 17/4, kết quả rà soát cho thấy Phú Yên có một dự án có sự tham gia của Tập đoàn Thuận An với vai trò là nhà thầu phụ.

Đó là dự án nút giao thông khác mức đường số 2 khu đô thị Nam TP Tuy Hòa - đường Nguyễn Văn Linh (TP Tuy Hòa), có tổng mức đầu tư hơn 556 tỉ đồng.

Dự án này được đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4/2022 và Thuận An là một trong ba nhà thầu đảm trách công trình, với khối lượng thi công trị giá 114 tỷ đồng, theo báo Tuổi Trẻ.

Ngoài ra, hiện ở Phú Yên, Tập đoàn Thuận An đang là nhà thầu thi công cầu Kỳ Lộ, trụ T9 đến T26, thuộc gói thầu số 13-XL dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đoạn Quy Nhơn - Chí Thạnh.

Dự án này có thời gian thi công hơn 1.020 ngày tính từ ngày khởi công (1/3/2023), do Ban quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông vận tải) làm đại diện chủ đầu tư.

Ở Đắk Lắk, ngày 16/4, UBND tỉnh thông báo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Bộ Công an đã có văn bản đề nghị tỉnh cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến gói thầu của Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An tại Đắk Lắk.

Cụ thể là thông tin liên quan đến gói thầu số 3 thi công xây dựng với chi phí hơn 481 tỷ đồng, thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh Đông Thành phố Buôn Ma Thuột và Thuận An là thành viên liên danh với giá trị hợp đồng mà doanh nghiệp này đảm nhận là khoảng 100 tỷ đồng.

Cũng trong ngày 16/4, tỉnh Quảng Nam đã tiến hành rà soát các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, có liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

Vụ án do 'Trung ương Đảng' chỉ đạo ?

Đáng chú ý, báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn tin cho biết việc Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Phú Yên đề nghị UBND tỉnh này rà soát các dự án của Thuận An là nhận chỉ đạo từ ngành dọc.

Có thể hiểu là Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng cộng sản Việt Nam là bên đưa ra chỉ đạo về việc rà soát các dự án có liên quan đến Tập đoàn Thuận An.

Ủy ban Kiểm tra trung ương là cơ quan kiểm tra, giám sát chuyên trách của Ban chấp hành trung ương Đảng, có nhiệm vụ tham mưu cho Ban chấp hành trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư về nhiều mặt, có cả công tác nhân sự.

Các vụ kỷ luật quan chức cấp cao, có cả ủy viên Bộ Chính trị, cũng là do ủy ban này đề nghị. Đơn cử, ủy viên Bộ Chính trị khóa 13 là ông Trần Tuấn Anh, các ủy viên Bộ Chính trị khóa 12 gồm Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải và nổi bật nhất là ông Đinh La Thăng cũng đều bị Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị kỷ luật trước khi chịu hình thức kỷ luật từ trung ương Đảng.

Trong vụ án của Tập đoàn Phúc Sơn mới đây, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã đề nghị kỷ luật các lãnh đạo, cựu lãnh đạo hai tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi gồm bà Hoàng Thị Thúy Lan (Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc), ông Lê Duy Thành (Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc), ông Đặng Văn Minh (Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) và ông Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi).

Như vậy, việc Ủy ban Kiểm tra trung ương "vào cuộc" cho thấy Tập đoàn Thuận An là vụ án nghiêm trọng, có thể liên quan đến cán bộ đảng viên cấp cao "thuộc diện trung ương quản lý".

Ngày 15/4, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an, cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an "đang tập trung lực lượng, mở rộng điều tra, làm rõ hành vi vi phạm của các bị can, sai phạm tại Công ty cổ phần Tập đoàn Thuận An và các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và thu hồi triệt để tài sản".

Tập đoàn Thuận An

Tập đoàn Thuận An, tiền thân Công ty cổ phần Phát triển Xây dựng và Thương mại Thuận An, được thành lập vào tháng 8/2004.

Vốn điều lệ của Thuận An tính đến tháng 8/2020 là 300 tỷ đồng và tăng lên 800 tỷ đồng vào năm 2021.

Tập đoàn này nổi tiếng trong lĩnh vực đầu tư và xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh mua bán điện và năng lượng tái tạo, cũng như đầu tư vào bất động sản.

Nhiều năm gần đây, Thuận An liên tục trúng hàng chục gói thầu xây lắp, trong đó có những gói thầu quy mô lớn như : cầu Sông Rút, cầu Cửa Hội, cầu Đồng Việt, cầu Máy Chai, cầu Kỳ Lộ, cầu Rạch Miễu 2...

vdh4

Lễ khánh thành cầu Đồng Sơn có sự góp mặt của các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang và ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban Quản lý dự án tỉnh Bắc Giang vào ngày 2/2/2024

Tại Bắc Giang, doanh nghiệp này đã trúng hai gói thầu xây dựng với tổng giá trị lên tới cả ngàn tỷ đồng. Trong đó, gói thầu thi công xây dựng dự án cầu Đồng Việt và đường dẫn lên cầu tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang là dự án khiến ông Hưng và các cán bộ tỉnh dính vào vòng lao lý.

Dự án cầu Đồng Việt có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, trích từ nguồn ngân sách tỉnh và trái phiếu chính quyền địa phương. Đây là cầu dây văng đầu tiên và lớn nhất tỉnh Bắc Giang, nối Bắc Giang và Hải Dương.

Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, nông nghiệp tỉnh Bắc Giang làm chủ đầu tư.

Hồi tháng 6/2022, ông Nguyễn Văn Thạo, Giám đốc Ban quản lý dự án, đã ký quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và ký hợp đồng với Liên danh : Thuận An - 168 Việt Nam - Trung Chính - đây cũng là nhà thầu duy nhất.

Ông Thạo đã bị khởi tố, tạm giam hôm 15/4/2024.

Ngoài ra, Thuận An đã tham gia dự án tại nhiều địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Ninh Thuận, Quảng Nam, Cần Thơ, Thái Nguyên, Bình Dương, An Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Hà Giang, Tuyên Quang...

Đơn vị này đăng ký tham gia 51 gói thầu, trúng 39 gói, trượt 8 gói, 4 gói chưa có kết quả, với tổng giá trị trúng thầu là hơn 22.600 tỉ đồng.

Theo một số đánh giá, vụ án liên quan đến Tập đoàn Thuận An còn lớn hơn vụ án liên quan tới Tập đoàn Phúc Sơn mới đây.

Nguồn : BBC, 17/04/2024

Additional Info

  • Author Trà My, Nam Việt
Published in Diễn đàn