Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cho Bảy Phúc xộ khám, nước cờ "cân não" của Tô Lâm !

Trần Chương, Thoibao.de, 22/08/2024

Nguồn tin nội bộ cho thoibao.de biết, hồ sơ để khởi tố Nguyễn Xuân Phúc đã hoàn tất, Lương Tam Quang đang đợi lệnh của Tô Lâm để thực thi lệnh bắt giữ.

tolam1

Sáng 30/12/2020, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân từ năm 2013 đến nay. Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đại diện các Bộ, ban ngành đến dự. Ảnh : Thống Nhất – TTXVN

Nếu Tô Lâm quyết định xuống tay, thì chắc chắn, đây sẽ là tin chấn động xã hội, và chấn động luôn cả 5 triệu đảng viên Đảng cộng sản, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở.

Thời Nguyễn Phú Trọng, khi ông cho Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng xộ khám, đó chính là quyết định gây chấn động. Bởi trước đó, chưa từng có Ủy viên Bộ Chính trị nào vào tù. Sau đó, suốt thời gian dài cầm quyền, ông Trọng cũng không đưa thêm Uỷ viên Bộ Chính trị nào vào tù nữa.

Việc đưa Đinh La Thăng vào tù, chính là lời cảnh cáo của ông Nguyễn Phú Trọng, gửi đến ông Nguyễn Tấn Dũng, rằng, sẽ không có vùng cấm nào đối với Nguyễn Tấn Dũng và thuộc hạ. Và ông Trọng cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lần câu "chống tham nhũng không có vùng cấm". Phát ngôn này của Tổng Trọng được báo chí lề Đảng tô hồng, cho rằng, đó là tinh thần chống tham nhũng không chùn bước của ông. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Dũng và thuộc hạ phải tự hiểu rằng, đây là lời đe dọa mà ông Trọng nhắm vào họ.

Kết quả của việc "trảm" Đinh La Thăng đã có tác dụng đối với Nguyễn Tấn Dũng. Từ sau khi ông Thăng bị bắt, Ba Dũng đã lui vào bóng tối và sống âm thầm, không tham gia chuyện chính trường từ hậu trường, như Trương Tấn Sang. Phải đợi đến sau khi ông Trọng qua đời, thì ông Dũng mới ra mặt, tham gia vào các phe nhóm để vận động cho Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết.

Giờ đây, Tô Lâm đã bước lên đỉnh quyền lực, ông cũng cần thực hiện một vụ án chấn động, tương tự như ông Trọng cho Đinh La Thăng xộ khám vậy. Và "đối tượng" bị nhắm đến không ai khác, chính là Nguyễn Xuân Phúc.

Nếu ông Phúc xộ khám, sự việc này sẽ còn chấn động mạnh hơn sự kiện Đinh La Thăng trước đây. Bởi ông Nguyễn Xuân Phúc là nhân vật thuộc hàng "Tứ trụ", và đã về hưu.

Để dọn đường cho bản thân lên cầm quyền, ông Tô Lâm đã đốn cho 2 "Tứ trụ" phải rời ghế. Đấy là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ. Hai nhân vật này đang ôm hận rất lớn. Đặc biệt là Vương Đình Huệ có nhóm Nghệ An hùng hậu đứng bên cạnh. Nếu ông Huệ ở sau hậu trường, giật dây cho nhóm Nghệ An đánh với nhóm Hưng Yên, thì Tô Lâm sẽ vất vả. Dù rằng, nhóm Nghệ An đang yếu thế hơn, nhưng "quân tướng" của họ rất đông, áp đảo nhóm Hưng Yên.

Nếu bắt ông Nguyễn Xuân Phúc, thì câu chuyện không chỉ liên quan một mình ông Phúc, mà còn dây mơ rễ má nhiều người. Cụ thể, vụ án này liên quan đến ông Trương Hòa Bình – Phó Thủ tướng Thường trực thời ông Phúc làm Thủ tướng. Ông Trương Hòa Bình là nhân vật thứ nhì trong Chính phủ của ông Phúc, mọi quyết định của ông Phúc đều có sự tham gia của ông Trương Hòa Bình. Mà đứng sau hậu thuẫn cho Trương Hòa Bình lại chính là ông Trương Tấn Sang – cựu Chủ tịch nước.

Điều đáng nói là, hiện nay, ông Tư Sang đang đứng, đạo diễn cho nhóm Hà Tĩnh chống lại nhóm Hưng Yên. Cho nên, việc bắt ông Nguyễn Xuân Phúc không đơn giản là chỉ là nhắm đến một người, mà ông Tô Lâm đang ngầm đe dọa một mạng lưới quyền lực khủng.

Bứt dây khủng như Nguyễn Xuân Phúc, thì chắc chắn sẽ động rừng. Tuy nhiên, động tới mức nào thì còn tùy thuộc vào sự tính toán của Tô Lâm và nhóm quân sư của ông.

Mọi thứ đã sẵn sàng, có bắt ông Phúc hay không phụ thuộc vào tâm ý của Tô Lâm. Nếu ông Tô Lâm cho thực hiện lệnh bắt sau khi đi Bắc Kinh về, ông sẽ cho các "bô lão" thấy rằng, họ không phải là bất khả xâm phạm. Có thể, điều này sẽ khiến cho các "bô lão" chùn tay. Tuy nhiên, ông Tô Lâm cũng phải tính đến khả năng phản pháo của các thế lực này, có thể sẽ gây ra những hậu quả tệ hại.

Hãy đợi xem, Tô Lâm sẽ làm tất tay với Nguyễn Xuân Phúc hay lại chùn tay ?

Trần Chương

***********************

Nếu Tô Tổng "ngại" bắt Bảy Phúc, vì sao không cho bắt phu nhân Nguyệt Thu ?

Trà My, Thoibao.de, 22/08/2024

Chủ đề nóng được dư luận quan tâm, liên quan đến chính trường Việt Nam những ngày gần đây, là việc, đến bao giờ thì lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam xử lý các sai phạm của ông Nguyễn Xuân Phúc và gia đình.

tolam2

Bà Trần Thị Nguyệt Thu, phu nhân nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Cuối Đại hội 12, thế và lực của ông Bảy Phúc và phe cánh mạnh đến nỗi, đã có những đồn đoán rằng, Tổng bí thư của Đại hội Đảng 13 có khả năng là Nguyễn Xuân Phúc. Trong giai đoạn đó, ông Phúc nhận được nhiều "ưu ái" từ Tổng Trọng, khi được đưa vào "trường hợp đặc biệt" cho danh sách nhân sự chủ chốt tại Đại hội 13.

Tuy nhiên, đến gần cuối nhiệm kỳ Đại hội 12, Tổng Trọng đã giới thiệu ông Trần Quốc Vượng – Thường trực Ban Bí thư, là ứng viên cho chức Tổng bí thư khóa 13. Đó là lý do, ông Phúc và phe cánh đã kiên quyết phản đối. Kể từ đó, mối quan hệ giữa Tổng Trọng và Bảy Phúc không còn nồng ấm như trước.

Mãi đến khi Đại hội 13 kết thúc, ông Trọng trở thành Tổng bí thư nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp, lúc đó, ông Bảy Phúc và mọi người mới biết, tất cả đã "mắc hỡm" ông Trọng. Bởi ngồi ghế Tổng bí thư 3 nhiệm kỳ liên tiếp là điều cấm trong Điều lệ Đảng. Thực chất, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng chỉ là tấm lá chắn cho tham vọng cầm quyền đến chết của ông Trọng.

Sau đại dịch Covid-19, cuối năm 2021, đã có những đồn đoán râm ran rằng, bà Trần Thị Nguyệt Thu, vợ của cựu Thủ tướng Phúc, là "trùm cuối", là chủ sở hữu 80% cổ phần của Công ty Việt Á.

Tuy nhiên, sau khi ông Phúc thôi giữ các chức vụ trong Đảng, Nhà nước và Quốc hội, với lý do theo nguyện vọng cá nhân, ngày 4/2/2023, tại lễ bàn giao chức vụ Chủ tịch nước, ông Phúc đã bất ngờ phát biểu :

"Gia đình tôi, vợ con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận rõ ràng."

Kể từ đó, những đồn đoán về bà Thu trong đại án Việt Á cũng rơi vào quên lãng. Tuy nhiên, giới thạo tin vẫn khẳng định, mọi tin đồn về việc bà Thu là "trùm cuối", không phải là không có cơ sở. Bộ Công an đã lập chuyên án, và đưa những nghi vấn này vào khuôn khổ của một đại án đặc biệt nghiêm trọng.

Theo nguồn tin nội bộ, Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã đưa ra các chứng cứ không thể chối cãi, theo đó, ông Phúc và bà Thu cùng thuộc cấp đã dính tới những sai phạm tày đình. Cụ thể là cáo buộc tham ô, đưa và nhận hối lộ cả hàng trăm triệu USD, liên quan đến các đại án như : Việt Á, chuyến bay giải cứu, Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB…

Mới nhất, có những cáo buộc cho rằng, ông Phúc và bà Thu đã nhận hối lộ từ bà Trương Mỹ Lan, chủ nhân Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB, lên tới hơn 100 triệu USD. Cựu Thủ tướng Phúc đã tiếp tay cho Vạn Thịnh Phát và SCB, gây thiệt hại lên đến hàng chục tỷ USD cho người gửi tiền, các nhà đầu tư, cũng như các doanh nghiệp.

Công luận hết sức quan tâm và đang tranh cãi, liệu Bộ Công an có khởi tố, bắt giam ông Phúc và bà Thu hay không ? Nếu có, thì khi nào lệnh bắt sẽ được thực thi ?

Nhưng cũng có ý kiến khẳng định, Đảng đã có luật ngầm, sẽ không bắt giam các nhân vật thuộc Tứ trụ, kể cả khi đã nghỉ hưu.

Vì thế, việc truy cứu hình sự đối với ông Nguyễn Xuân Phúc là một quyết định hết sức khó khăn đối với Tô Tổng, nhất là trong thời gian gần đây, với sự xuất hiện của cựu Thủ tướng Ba Dũng – người mà ông Bảy Phúc tìm đến khi hoạn nạn.

Mục tiêu cao nhất của chống tham nhũng là để thu hồi tài sản thất thoát. Vậy thì tại sao, nếu gặp khó trong việc bắt giam ông Phúc, Tô Tổng không tiến hành bắt bà Nguyệt Thu trước, để làm cơ sở truy thu tài sản có được do tham nhũng ?

Trà My 

**************************

Vì sao Nguyễn Xuân Phúc thành mục tiêu hàng đầu của Tô Lâm ?

Hoàng Phúc, Thoibao.de, 22/08/20224

Khi làm Thủ tướng, Nguyễn Xuân Phúc bị người dân gắn cho hỗn danh là "anh hề". Có lẽ, hỗn danh này xuất hiện vì bề ngoài và cách phát biểu của ông, khiến công chúng cảm thấy lố bịch.

tolam3

Ông Nguyễn Xuân Phúc, sau khi giữ chức Thủ tướng được 1 nhiệm kỳ, được đẩy lên ghế Chủ tịch nước để rồi cuối cùng bị buộc phải rời khỏi chiếc ghế này vì liên quan đến nhiều sai phạm.

Sau khi giữ chức Thủ tướng được 1 nhiệm kỳ, rồi bị đẩy sang ghế Chủ tịch nước, và cuối cùng, bị buộc phải rời khỏi chiếc ghế này vì liên quan đến nhiều sai phạm. Thông tin ngoài luồng cho biết, chủ yếu là do vợ ông dính đến vụ án Việt Á.

Ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng 2 nhiệm kỳ, còn ông Phúc thì chỉ làm được 1 nhiệm kỳ. Bị chuyển từ Phủ Thủ tướng sang Phủ Chủ tịch vào năm 2021, là một sự thất bại của ông Phúc, mặc dù, bề ngoài, chức danh Chủ tịch nước cao hơn Thủ tướng. Nhưng ông Phúc sang ghế Chủ tịch nước cũng chỉ được một thời gian ngắn rồi bị hạ.

Ông Trọng đã dùng kế "điệu hổ ly sơn", đưa ông Phúc ra khỏi ghế thực quyền, sau đó triệt hạ. Tuy nhiên, ông Trọng cũng chỉ để ông Phúc mất chức, chứ không cho xộ khám. Dưới thời Tổng Trọng, "Tứ trụ" vẫn là vùng cấm, chỉ bị mất chức chứ không bị khởi tố hình sự.

Có thông tin cho rằng, cái chết của ông Nguyễn Bá Thanh là có bàn tay của ông Nguyễn Xuân Phúc. Nếu đây là sự thật, thì rõ ràng, ông Phúc là người tàn nhẫn, thậm chí là rất nguy hiểm. Đây là điểm mạnh của ông Phúc, khi ông còn đang cầm quyền, nhưng nó lại là điểm yếu "chết người", khi ông không còn quyền lực nữa. Lúc cầm quyền tàn ác bao nhiêu, thì khi về hưu sẽ gặp nguy hiểm bấy nhiêu.

Tô Lâm là người trong ngành Công an, chắc chắn, ông hiểu rất rõ về sự nguy hiểm của một người như ông Phúc. Nếu để cho một "bô lão" như Nguyễn Xuân Phúc giật dây một nhóm nào đó, thì sự nguy hiểm thật khôn lường.

Điều đáng nói là, dù ông Phúc là người nguy hiểm, nhưng sau khi về hưu, thế lực chính trị quanh ông không được bao nhiêu. Vương Đình Huệ về hưu còn có nhóm Nghệ An che chở ; Trương Tấn Sang về hưu có nhóm Hà Tĩnh ; Nguyễn Tấn Dũng về hưu thì để lại cả một mạng lưới rộng khắp ; nhưng Nguyễn Xuân Phúc thì không có thế lực nào đủ mạnh để che chở.

Có thể nói, ông Phúc là mắt xích yếu nhất trong những "Tứ trụ" đã về hưu. Tô Lâm đánh vào Nguyễn Xuân Phúc là dễ nhất.

Tuy nhiên, dù ông Phúc thiếu vắng một lực lượng mạnh, che chở khi về hưu, nhưng việc bắt ông cũng không hề đơn giản. Bởi ông Phúc thuộc hàng "Tứ trụ", sai phạm của ông có liên quan đến nhiều nhân vật lớn khác, và những nhân vật đó khiến Tô Lâm phải cân nhắc. Ví dụ, nếu bắt Nguyễn Xuân Phúc, thì Trương Hòa Bình khó thoát tội.

Vụ án này sẽ là một canh bạc lớn với Tô Lâm. Nếu thực hiện chu đáo, Tô Lâm sẽ dằn mặt được rất nhiều "Tứ trụ" đã về hưu. Và thậm chí, việc bắt Nguyễn Xuân Phúc có thể tạo thành một tiền lệ mới, có lợi cho Tô Lâm và nhóm Hưng Yên về sau.

Mặc dù ông Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nói "Chống tham nhũng không có vùng cấm", nhưng ai cũng thấy, dưới thời ông Trọng, vùng cấm dành cho các "Tứ trụ" đương chức và về hưu quá kiên cố. Giờ đây, ông Tô Lâm dám phá vùng cấm này, cũng là cách để chứng tỏ, ông đã vượt qua ông Nguyễn Phú Trọng.

Có lẽ, với Tô Lâm, vùng cấm kiên cố nhất, chỗ dựa chắc chắn nhất là đàn em gốc Hưng Yên của ông, chứ không phải là các cựu "Tứ trụ". Bảo vệ nhóm Hưng Yên sẽ củng cố quyền lực cho ông, còn bảo vệ các cựu "Tứ trụ", thì chẳng khác nào nuôi mầm họa.

Tô Lâm có lợi thế là đang nắm trong tay Bộ Công an, ông như đang kiêm nhiệm cả chức Bộ trưởng Bộ Công an. Lương Tam Quang chỉ là người thừa hành theo mệnh lệnh của Tô Lâm. Đây sẽ là cơ hội tốt nhất, để Tô Lâm thực hiện một vụ án "kinh thiên động địa".

Liệu Tô Lâm có làm tất tay hay không ? Hãy chờ xem.

Hoàng Phúc 

Additional Info

  • Author Trần Chương, Trà My, Hoàng Phúc
Published in Diễn đàn