Thủ tướng New Zealand : 2 người thuộc cảnh sát Việt Nam tấn công tình dục 2 phụ nữ trẻ
An Ton, AP, VOA, 13/12/2024
Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon nói với các phóng viên hôm thứ Năm 12/12 rằng hai người đàn ông bị cáo buộc có hành vi tấn công tình dục là những người "gắn bó với cảnh sát" ở Việt Nam và họ đã gặp gỡ các sĩ quan tại trường đào tạo cảnh sát gần thủ đô Wellington, hãng AP đưa tin cùng ngày.
Thủ tướng New Zealand Christopher ở Wellington hôm 12/11/2024 (Robert Kitchin/Stuff via AP).
Như tin đã đưa, cảnh sát New Zealand xác nhận với VOA hôm 11/12, giờ Mỹ, rằng nhà chức trách "không nghi ngờ gì" về việc hai quan chức Việt Nam đã tấn công tình dục hai nữ nhân viên trẻ tại một nhà hàng ở Wellington, nhưng không thể khởi tố hai người đàn ông này trước khi họ quay về Việt Nam.
Việt Nam và New Zealand không có hiệp ước dẫn độ nên hai người bị cáo buộc về hành vi tấn công không thể bị buộc phải đối mặt với các tội danh.
Theo tìm hiểu của VOA, nhà hàng nơi xảy ra vụ việc có tên là Saigon Restaurant & Bar on Willis. VOA cố gắng liên lạc với ông chủ nhà hàng nhưng không kết nối được. Một nhân viên nữ ở đây nói với VOA rằng cô ấy "không biết" về vụ việc.
AP cho hay một trong hai nữ nhân viên bị tấn công tên là Alison Cook. Cô muốn được nêu tên và nói rằng sự việc xảy ra hồi tháng 3, không lâu trước khi Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đến thăm New Zealand.
Cô Cook kể lại với AP rằng cô và một nhân viên nữa tại nhà hàng đã bị hai người đàn ông tấn công trong một phòng karaoke được thuê riêng. Hai ông này đã kéo hai nhân viên phục vụ vào lòng, dồn họ vào tường và sờ soạng họ. Cô thuật lại rằng cô đã bị ép uống rượu và tin rằng cô cũng đã bị chuốc thuốc mê.
Cô Cook, 19 tuổi ở thời điểm đó, cho biết cô đã bị thương trong vụ tấn công. Hai người phụ nữ này đã trình báo vụ tấn công với nhà chức trách vào ngày hôm sau.
Nói với VOA qua email hôm 11/12, Thanh tra Thám tử John Van Den Heuvel ở Wellington nhấn mạnh : "Cảnh sát không nghi ngờ gì về việc hai người phụ nữ này đã bị hai người đàn ông tấn công khiếm nhã khi đang làm việc, và nếu những người đàn ông này vẫn còn ở New Zealand, chúng tôi hẳn là đã khởi tố hình sự".
Vị thanh tra cho hay khi các sĩ quan cảnh sát New Zealand xác định được danh tính của hai người đàn ông Việt Nam, họ đã không còn có mặt ở New Zealand nữa. Họ không được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, vốn chỉ được áp dụng cho các nhà ngoại giao cấp cao.
Ông Van Den Heuvel nói rằng nhà chức trách ở New Zealand hiện đã sử dụng hết mọi biện pháp điều tra phù hợp và chia sẻ thêm rằng cảnh sát đã gửi công hàm thông qua bộ ngoại giao New Zealand tới Đại sứ Việt Nam Nguyễn Văn Trung "tóm tắt lại sự việc đã xảy ra và bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của Cảnh sát New Zealand" về hành vi của hai người đàn ông nêu trên.
Nữ nạn nhân Cook thúc giục chính quyền New Zealand yêu cầu chính phủ Việt Nam đưa hai người đàn ông quay trở lại để đối mặt với thủ tục truy tố.
Theo AP, tấn công khiếm nhã là một thuật ngữ pháp lý ở New Zealand bao gồm hành vi tiếp xúc thân thể trái ý muốn và có tính chất tình dục. Hành vi này có thể bị phạt tới 7 năm tù.
"Nếu bây giờ họ chọn việc từ bỏ vụ án này, điều đó sẽ tạo ra một tiền lệ vô cùng tai hại rằng phạm tội tình dục ở New Zealand cũng không sao cả miễn là có thể đi ra khỏi nước này", cô Cook nói trong bản tin của AP.
VOA gửi email đề nghị Đại sứ quán Việt Nam ở Wellington đưa ra bình luận nhưng họ không trả lời. AP đến đại sứ quán hôm 12/12 nhưng không thấy có ai ở đó.
Nguồn : AP, VOA, 13/12/2024
**************************
Người Việt ở New Zealand "vô cùng xấu hổ" trước vụ bê bối của hai quan chức an ninh Việt Nam
RFA, 13/12/2024
Vụ hai cán bộ Việt Nam bị cáo buộc xâm hại tình dục làm rúng động quốc đảo nhỏ bé - vốn chỉ có trên 5 triệu dân bao gồm cộng đồng người Việt hơn 10.000 người.
Cook, tên của nữ sinh viên Đại học Victoria làm việc tại nhà Việt Nam, đọc lại bản xác nhận của cảnh sát Wellington rằng họ "không nghi ngờ gì" rằng cô đã bị tấn công tình dục.
Hai ngày nay, tràn ngập trên các trang báo của New Zealand là thông tin vụ việc của hai cán bộ an ninh tiền trạm cho phái đoàn cấp cao của Thủ tướng Phạm Minh Chính, bị chính Thủ tướng New Zealand điểm mặt, là đã tấn công tình dục hai nữ phục vụ bàn trong một nhà hàng Việt ở thủ đô Wellington vào ngày 4/3/2024.
Ông Mạnh Đỗ, một chủ doanh nghiệp xây dựng gốc Việt có 20 năm sinh sống ở quốc gia này, viết trong tin nhắn gửi RFA :
"Vụ bê bối lạm dụng tình dục của hai cán bộ Việt Nam gây ra như một sang chấn trong đời sống yên bình của đảo quốc tươi đẹp này. Mấy ngày nay ai cũng tập trung theo dõi vụ bê bối, người dân New Zealand phẫn nộ đòi hỏi Chính phủ phải làm sáng tỏ vụ việc, đưa hai kẻ dơ bẩn này ra ánh sáng".
Ông nói nhiều người gốc Việt đang sinh sống ở New Zealand "thực sự vô cùng xấu hổ với những hành vi bỉ ổi, vô văn hóa của những cán bộ Việt Nam khi hàng xóm, đồng nghiệp người bản xứ chia sẻ, bàn luận về vụ việc".
Để lấy lại uy tín và hình ảnh của Việt Nam trong con mắt bạn bè quốc tế, ông Mạnh Đỗ cho rằng chính Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - người dẫn đoàn ngoại giao sang thăm hồi tháng 3 và đã để xảy ra vụ việc, hãy nghiêm khắc kiểm điểm, cũng như cộng tác với Chính phủ nước sở tại nhằm trừng phạt hai kẻ gây ra vụ việc và những kẻ liên quan.
Ông khẩn thiết yêu cầu : "Hãy trả lại công bằng cho người bị hại- hai nữ sinh trẻ, hãy trả lại sự công bằng cho cộng đồng người Việt nơi đây cho chúng tôi !"
Ông Nguyễn Bình, một người gốc Việt làm nghề điện dân dụng ở thủ đô Wellington, chia sẻ cho rằng trong chuyến công du tới một xứ sở văn minh như New Zealand hay Chile mà các quan chức an ninh còn thực hiện những chuyện tày đình, thì thử hỏi "khi ở Việt Nam, nơi họ có quyền sinh quyền sát trong tay, thì họ đã làm những gì ?"
Nguồn : RFA, 13/12/2024
***********************
Bao che tội phạm dâm ô đã thành truyền thống
Gió Bấc, RFA, 12/12/2024
Từ tháng 3/2024, Cảnh sát New Zealand đã có văn bản gửi đến Đại sứ quán và Bộ Ngoại giao Việt Nam cung cấp thông tin, đồng thời nhờ sự hỗ trợ trong việc xử lý hai nhân viên an ninh Việt Nam vì hành vi tấn công tình dục hai nữ công dân New Zealand trước chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Cook, tên của nạn nhân của vụ tấn công tình dục do quan chức Việt Nam gây ra ở New Zealand - Ảnh chụp màn hình/Stuff
Người dân Việt Nam, vốn sống trong những điều cấm kỵ, chưa biết đến câu chuyện này. Tuy nhiên, ngành ngoại giao và an ninh liệu có rút kinh nghiệm nào về hành vi ứng xử trong các chuyến công du và đối ngoại không ? Câu hỏi này càng được nhấn mạnh sau vụ việc liên quan đến ông cảnh vệ của Chủ tịch nước Lương Cường. Nếu nhìn lại một số vụ án dâm ô của quan chức trước đây, có thể nhận thấy rằng việc bao che tội phạm này đã trở thành một truyền thống !
Quả bom thối vị Thượng tá cận vệ bị bắt giam và trục xuất vì tấn công tình dục phụ nữ trong chuyến công du của Chủ tịch nước Lương Cường tại Chile chưa kịp hạ nhiệt, thì một quả bom thứ hai lại phát nổ (1). Vụ việc "Hai quan chức Việt Nam bị cáo buộc tấn công tình dục hai nữ phục vụ ở New Zealand trước chuyến thăm của Thủ Tướng Phạm Minh Chính" đã gây ra dư luận xôn xao trong nhiều tháng qua, nhưng chỉ đến tận 11/12 mới được phanh phui rộng rãi. Dù vụ việc xảy ra từ 9 tháng trước, nhưng sự nghiêm trọng của vụ việc tại New Zealand lại nhiều lần vượt xa so với vụ Chile.
Nhục quốc thể, sao lại để đến hai lần ?
Hành vi của các quan chức an ninh Việt Nam tại New Zealand không chỉ là một hành động bộc phát của cá nhân mà có thể là sự tính toán, sắp đặt của nhiều người. Mức độ phạm tội cũng nghiêm trọng hơn. Sau bữa tiệc, họ dụ dỗ các nữ nhân viên phục vụ đi hát Karaoke, uống rượu mạnh và khi các cô say rượu, không làm chủ được hành vi, họ đã xâm phạm cơ thể các cô, gây ra những thương tích thể xác và tinh thần nghiêm trọng. Các nạn nhân phải đi bệnh viện và tố cáo sự việc với cảnh sát.
Sau khi vụ việc được xác định, các nghi phạm đã rời khỏi New Zealand. Tuy nhiên, do không có hiệp ước dẫn độ với Việt Nam, cảnh sát New Zealand không thể tiến hành thủ tục dẫn độ. Cảnh sát New Zealand đã gửi một lá thư qua Bộ Ngoại giao và Thương mại (MFAT) tới Đại sứ quán Việt Nam, bày tỏ mối lo ngại về hành vi này.
Vụ việc nghiêm trọng và cần phải xử lý, rút kinh nghiệm nghiêm khắc. Thế nhưng, không rõ sứ quán Việt Nam có báo cáo lại với nhà nước Việt Nam sự kiện nghiêm trong này hay không ? Không rõ Bộ Ngoại giao có thông báo đến các cơ quan trách nhiệm hay không ? Ngành an ninh có chấn chỉnh nội bộ hay không ? Nếu các cơ quan có trách nhiệm ý thức về cái nhục quốc thể này nhiều phần có thể ngăn ngừa được nỗi ô nhục Chile.
Rất tiếc, chuyện xấu xa vốn không được phép xảy ra trong quan hệ đối ngoại lại xảy ra đến hai lần trong một năm ở hai đoàn ngoại giao cao cấp nhất.
Vì sao như vậy ? Nhìn lại thực trạng sinh hoạt, lối sống của quan chức Việt Nam chừng như việc xâm phạm tình dục phụ nữ đã thành bình thường, thành trò giải trí. Việc bao che, dung dưỡng cho các quan chức vi phạm cũng là việc bình thường.
Bình thường, phổ biến đến mức các trò vui xác thịt sau các cuộc chè chén tiệc tùng được gọi bóng gió là "đi tăng hai". Vũ trường có vũ nữ đã đành, ở xứ thiên đàng, quán nhậu có tiếp tân để ôm, Karaoke cũng có tiếp tân để….
Dâm ô, nếp sống vui quan chức
Dù Đảng, Nhà nước luôn đề cao đạo đức cách mạng của cán bộ, mỗi năm đều thi đua học tập gương Hồ Chí Minh nhưng càng học, lối sống trụy lạc dâm ô lại ngày càng phổ biến. Dù được che đậy dưới nhiều hình thức nhưng những cây kim vẫn lòi ra sau bọc vải, những vết bẩn thực tế vẫn bắn tung tóe trên các khẩu hiệu giáo điều. Nghiêm trong hơn nữa là ở theo truyền thống đông phương tôn sư trọng đạo nó xảy ra ngay với thầy cô giáo. Không chỉ một lần bí mật về chuyện nữ giáo viên phải đi tiếp bia, mời rượu cho quan chức cấp trên bị vỡ tung ra trước công luận.
Năm 2016, dư luận rộ lên chuyện UBND Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) ra văn bản điều động 21 nữ giáo viên trẻ làm lễ tân, buộc các cô đi tiếp khách trong các buổi tiệc tùng ở các nhà hàng, karaoke. Thậm chí nhiều giáo viên bị sàm sỡ, nhiều gia đình giáo viên bị xào xáo, nhiều giáo viên bức xúc vì danh dự nhân phẩm bị xúc phạm, giá trị đạo đức nghề nghiệp bị tổn thương. Trưởng phòng Giáo dục Thị xã cho rằng "Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra ; ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống" (2).
Năm 2022, nữ Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Lan thuộc huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông thường xuyên chỉ đạo một số giáo viên đi uống rượu, tiếp khách trong các buổi tiệc tại các đơn vị như : Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nam Tây Nguyên ; Đồn Biên phòng 11, 12 ; Ban quản lý rừng phòng hộ Thác Mơ ; Chi cục Hải quan cửa khẩu Bu P’Răng ; Công an tỉnh trong và ngoài giờ hành chính, có cả thứ Bảy và Chủ nhật. Bản thân Hiệu trưởng quan hệ bất chính với một Chủ tịch UBND xã (3).
Ghê rợn hơn nữa, từ tháng 7.2008 đến tháng 8.2009, hiệu trưởng Sầm Đức Xương ở Hà Giang đã sáu lần mua dâm học sinh Hằng, ba lần mua dâm học sinh Thúy và sáu lần mua dâm với những học sinh khác. Trong đó có ba em chưa thành niên (từ 16 - dưới 18 tuổi), ba học sinh khác là trẻ em (từ 13 - dưới 16 tuổi). Ông Xương vừa dùng tiền vừa dùng quyền lực ép các nữ sinh phải bán dâm, đổi lại các nữ sinh này sẽ được Xương nâng đỡ trong học tập.
Xương đã lôi kéo, tác động biến hai em Hằng và Thúy từ nạn nhân thành tội phạm môi giới mại dâm. Tội tài trời như vậy nhưng chỉ bị xử chín năm tù (4).
Ba ngành tố tụng cùng nhắm mắt
Việc nương nhẹ với các con quỷ dâm dục cũng không phải xảy ra một lần với Sầm Đức Xương. Năm 2018, ở Thái Bình nổi lên vụ Thượng tá Phó phòng công an tỉnh Thái Bình cùng ba người khác hiếp dâm nữ sinh dưới 16 tuổi suốt hai ngày đêm. Cơ quan Cảnh sát điều tra – Công an Thành phố Thái Bình lại khởi tố tội danh rất nhẹ là "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi". Dư luận phản đối rất mạnh mẽ.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An - Chuyên gia bảo vệ chăm sóc Trẻ em, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng- cho rằng, hành vi của bốn bị can để lại hậu quả nguy hiểm cho gia đình nữ sinh T.M và gây ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Khởi tố tội danh này chưa thực sự hợp lý, vì nhóm đối tượng đã "lên kế hoạch" từ trước, khi chủ động đưa nạn nhân đi ăn nhậu, thuê khách sạn, rồi rủ bạn bè về giao cấu tập thể.
Theo ông An, ranh giới giữa tội "Hiếp dâm người dưới 16 tuổi" và tội "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" chỉ khác nhau ở ý chí của bị hại.
Với trường hợp của nữ sinh T.M khó có thể tin rằng, nữ sinh này tự nguyện giao cấu với ba người, và có hành vi dâm ô với một người đàn ông khác, trong cùng một thời điểm (5).
Bỏ qua sự thật của vụ án, bất chấp dư luận, Tòa án nhân dân Thành phố Thái Bình đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với bị cáo Thượng tá công an và ba đồng phạm về tội "Giao cấu hoặc thực hiện hành vi tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi" (6).
Như vậy, không chỉ công an mà Viện Kiểm Sát, Tòa Án, ba ngành tố tụng đồng tình bao che cho tội phạm. Dư luận phẫn uất lên tiếng đến mức Quốc Hội phải lập đoàn Giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em tại tỉnh Thái Bình. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã đồng ý với đề xuất rút hồ sơ vụ án bốn người trong đó có cán bộ Công an tỉnh xâm hại tình dục nữ sinh 14 tuổi để nghiên cứu, xem xét lại (7).
Hội nhà văn phong chức kẻ hiếp dâm
Cũng ngay lúc này, dư luận trong nước đang sục sôi về vụ bao che nhà thơ Lương Ngọc An, bị hai phụ nữ tố cáo hiếp dâm. Người thứ nhất, nhà thơ nữ Dạ Thảo Phương (đang sống tại nước ngoài), tố cáo ông An đã hiếp dâm và vu cáo bà trong thời gian dài. Bà cũng công bố bản photocopy tường trình của ông Nguyễn Lê Tâm và nhiều nhân chứng khác trong Báo Văn nghệ nhìn thấy của ông An đang chồm lên người bà Thảo Phương và bóp cổ bà. Hệ quả việc hiếp dâm làm bà Thảo Phương mang thai và sau đó bị sảy thai. Người thứ hai là nhà văn Bùi Mai Hạnh, cũng lên tiếng trên Facebook cá nhân về việc ông An đã tấn công tình dục bà không thành.
Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam không hề kết luận vụ việc, công an cũng không thụ lý. Sau đó Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam quyết định điều động nhà thơ Lương Ngọc An thôi giữ chức vụ Phó tổng biên tập, Thư ký tòa soạn Báo Văn Nghệ, để nhận nhiệm vụ mới (8).
Hành vi bị tố cáo nói trên nếu được điều tra kết luận có thật phải bị xử lý hình sư thế nhưng sau hai năm im lặng, ngày 8-12 Nhà thơ Lương Ngọc An vừa được Hội Nhà Văn bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn và Cuộc sống cũng thuộc Hội này (9).
Giới trí thức, văn nghệ sĩ đã phản ứng dữ dội về sự bao che này. Tiến sĩ Dương Tú đã có bài viết "Trách nhiệm giải trình của Hội nhà văn Việt Nam".
Trong bài nhấn mạnh "trước tố cáo của nhà thơ Dạ Thảo Phương về hành vi nhiều lần cưỡng hiếp của ông Lương Ngọc An, cùng sự quan tâm rộng rãi của xã hội về vụ việc này, Hội Nhà văn Việt Nam cần thực hiện trách nhiệm giải trình về quyết định điều động ông An giữ chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống. Dư luận có quyền được biết quyết định đó có phù hợp với tôn chỉ, mục đích xây dựng nền văn học Việt Nam "nhân văn" hay không.
Hơn nữa, Điều lệ Hội Nhà văn Việt Nam cũng quy định nhiều nghĩa vụ của hội viên, bao gồm "nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội" cũng như "bảo vệ uy tín của Hội" (10).
Nhà nghiên cứu ngôn ngữ học Hoàng Tuấn Công không chỉ phản ứng bằng lời nói mà bằng cả hành động. Trước đó, ông nhận lời mời của nhà văn Phạm Xuân Nguyên viết về chuyện sai sót của Vua tiếng Việt để đăng mục "Vấn đề hôm nay" do ông Nguyên phụ trách.
Nhưng khi nhìn thấy thông tin "Nhà thơ Lương Ngọc An được bổ nhiệm Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống" ông thấy dâng lên một cảm giác ghê sợ.
Dù được ông Nguyên xác nhận bài đặt cho Báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) ông Hoàng Tuấn Công vẫn xin lỗi, sẽ không gửi bài đặt như đã hẹn nữa. Lý do, Hội Nhà văn Việt Nam vừa bổ nhiệm một kẻ đang bị tố cáo có hành vi hiếp dâm, cưỡng bức tình dục vào chức vụ Phó Tổng biên tập Tạp chí Nhà văn & Cuộc sống. Ông Hoàng Tuấn Công kết luận "Vẫn biết "không mợ thì chợ vẫn đông", nhưng thông qua việc dứt khoát từ chối đăng bài trên bất kỳ trang nào của Hội Nhà văn Việt Nam lúc này, đơn giản là tôi thấy cần phải làm một cái gì đó, ít nhất là biểu lộ công khai quan điểm và bày tỏ thái độ nghiêm túc của một người viết không bao giờ thỏa hiệp trước cái xấu, cái ác hoặc sự bất minh" (11).
Bất chấp dư luận, được sự che chở từ đâu đó, ông Chủ tịch Hội Nhà Văn vẫn im lặng. Tội phạm Lương Ngọc An vẫn đình huỳnh phục chức tương lai thăng tiến lên Tổng Biên Tập đang rộng mở.
Thế đó, bao che cho quan chức phạm tội hiếp dâm đã thành truyền thống của xứ sở thiên đường. Truyền thống ấy bắt đầu từ rất xa xưa. Từ những vụ án giết người bị xóa dấu vết, bịt đầu mối, chỉ còn lại tiếng vọng và hậu quả. Xin mời nghe lời kể của nhà văn Vũ Thư Hiên, tác giả Hồi ký Đêm giữa ban ngày và là con trai của ông Vũ Đình Huỳnh từng là thư ký riêng của Hồ Chí Minh (12)Hay những dấu tích còn sót lại trong qua con người của thế hệ sau trong bài viết sau đây (13).
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 12/12/2024
Tham khảo
1. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/hai-quan-chuc-vietnam-be...
2. https://baophapluat.vn/nu-giao-vien-thi-xa-hong-linh-bi-dieu-lam-tiep-ta...
3. https://nld.com.vn/thoi-su/vu-hieu-truong-dieu-giao-vien-di-tiep-khach-n...
4. https://thanhnien.vn/vu-an-hieu-truong-mua-dam-tre-vi-thanh-nien-sam-duc...
5. https://laodong.vn/phap-luat/vu-nu-sinh-lop-9-bi-thuong-ta-cong-an-dam-o-kho-co-the-tin-bi-hai-tu-nguyen-giao-cau-635451.ldo
6. https://nhandan.vn/ba-nam-tu-cho-nguyen-pho-phong-canh-sat-xam-hai-tinh-duc-tre-em-post356124.html
7. https://daidoanket.vn/quoc-hoi-muon-xem-xet-lai-vu-an-can-bo-cong-an-va-doanh-nhan-xam-hai-tinh-duc-nu-sinh-14-tuoi-tai-thai-binh-10137478.html
8. https://thanhnien.vn/nha-tho-luong-ngoc-an-thoi-giu-chuc-pho-tong-bien-tap-bao-van-nghe-1851449263.htm
9. https://www.anninhthudo.vn/event/nha-van-nguyen-viet-ha-48.antd
10. https://baotiengdan.com/2024/12/08/trach-nhiem-giai-trinh-cua-hoi-nha-va...
11. https://www.facebook.com/TuancongThuphong/posts/pfbid02dKNbz43paABPRowAx7PSQ9M2PUVvKfUhCB4KYL44Pi5EdcfMgRA9nwa5H4qmiV7Bl
12. https://www.youtube.com/watch?v=xr68YoDrGDg
13. https://baotiengdan.com/2021/09/13/bi-mat-cuoc-doi-cua-nguyen-tat-trung-...
Trong những ngày qua, dư luận Việt Nam đã rất bất bình về mức xử phạt quá nhẹ đối với một người đã sàm sỡ, cưỡng ép để hôn một cô gái trong thang máy của một chung cư tại Hà Nội. Hình ảnh vụ này đã bị camera kiểm soát ghi lại và đương sự cũng đã thừa nhận hành vi của mình. Nhưng người này rốt cuộc chỉ bị xử phạt có 200 ngàn đồng.
Ảnh minh họa : Phụ nữ Nhật biểu tình chống sách nhiễu tình dục ở Tokyo, 28/04/2018. Reuters
Nhiều cư dân mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ, cho rằng mức xử phạt nói trên là một sự "xúc phạm nhân phẩm của phụ nữ Việt Nam". Trên mạng hiện nay đang lan truyền một kiến nghị đòi chính phủ Việt Nam phải sửa đổi luật hiện nay. Kiến nghị này đã thu được hàng trăm chữ ký ủng hộ.
Trên báo chí Việt Nam, các chuyên gia pháp luật cũng nhìn nhận rằng mức xử phạt 200 ngàn là chưa đủ nghiêm khắc đối với hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục của người đàn ông đối với phụ nữ và theo họ đây là lỗ hổng, khiếm khuyết của pháp luật cần được sửa đổi, bổ sung để bảo vệ danh dự, nhân phẩm con người.
Khác với hiếp dâm, ở Việt Nam, tấn công tình dục hiện không bị xem là một tội phạm. Quy định pháp luật hiện chưa có chế tài riêng để xử lý đối với hành vi quấy rối tình dục, mà những hành vi này được xếp cùng lọai với những hành vi như dùng lời nói, cử chỉ khiêu khích, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác. Tất cả những hành vi này đều chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức từ 100.000 – 300.000 đồng, chứ không thể xử lý trách nhiệm hình sự được.
Trong bản tin đề ngày 20/03, hãng tin AFP cho biết hiện chưa có các số liệu chính thức về các vụ tấn công tình dục ở Việt Nam, nhưng theo một nghiên cứu do tổ chức phi chính phủ Action Aid thực hiện vào năm 2014, có đến gần 90% trong số 2000 phụ nữ được hỏi cho biết đã từng bị quấy rối tình dục tại nơi công cộng.
Trong phần tạp chí hôm nay, chúng tôi xin mời quý vị nghe phần phỏng vấn bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (Center for Studies and Applied Sciences in Gender, Family, Women and Adolescents - CSAGA).
Bà Nguyễn Vân Anh, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên
RFI : Xin kính chào bà Nguyễn Vân Anh. Trước hết bà có ý kiến gì về mức xử phạt bị xem là quá nhẹ đối với người đã cưỡng ép để hôn cô gái trong thang máy ở Hà Nội ?
Nguyễn Vân Anh : Sau vụ việc vừa qua, dư luận Việt Nam nói chung là không chấp nhận (mức xử phạt đó). Việc dư luận lên tiếng nhiều cũng thể hiện là mặt bằng dân trí và ý thức về pháp luật, về quyền con người của mọi người bây giờ cũng khá là cao rồi, không phải dễ dàng chấp nhận điều đó.
Không chỉ có CSAGA GBVnet, tức Mạng lưới Ngăn ngừa và Ứng phó Bạo lực Giới tại Việt Nam, cũng như các nhóm trẻ, các tổ chức xã hội dân sự khác đã đều lên tiếng về chuyện này. Tôi hy vọng là việc lên tiếng này sẽ làm thức tỉnh những người làm luật cũng như những người có trách nhiệm về vấn đề này ở Việt Nam. Vừa rồi phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã lên tiếng, yêu cầu xem xét lại những hình thức xử phạt. Đây là một phản ứng khá tích cực của Nhà nước.
Lâu nay, dư luận Việt Nam cũng đã nói rất nhiều về một số bất cập của luật pháp đối với tình trạng xâm hại tình dục, quấy rối tình dục ở Việt Nam, bởi vì hiện chưa có khái niệm về quấy rối tình dục trong các văn bản pháp luật, hoặc nếu có đâu đó thì không được chỉ rõ là bao gồm những hành động nào. Các nhà làm luật cần phải xem xét lại việc luật pháp chưa nghiêm minh đối với các hành vi xâm hại tình dục, khiến cho kẻ có ý định xâm hại tình dục không cảm thấy lo ngại, hoặc những kẻ đã có hành vi tấn công tình dục, quấy rối tình dục cũng không cảm thấy mình phải đối mặt với những bản án nghiêm khắc, khiến họ phải sợ hãi. Đó là lý do về tâm lý và chúng tôi đã lên tiếng rất nhiều về vấn đề này.
RFI : Vậy theo bà thì luật ở Việt Nam hiện nay cần phải được như thế nào để tạo đủ sức răn đe đối với những hành vi quấy rối, tấn công tình dục ở Việt Nam ?
Nguyễn Vân Anh : Tôi không phải là chuyên gia pháp luật, nhưng có nghiên cứu về bạo lực tình dục, thì tôi thấy là trong luật lao động có nói đến khái niệm quấy rối tình dục. Người lao động có thể đơn phương thôi việc nếu bị quấy rối tình dục. Tuy nhiên lại không có định nghĩa về quấy rối tình dục.
Thứ hai là cũng không có khái niệm bạo lực tình dục. Ví dụ trong luật phòng chống bạo lực gia đình có nói việc cưỡng ép tình dục trong hôn nhân cũng bị coi là bạo lực gia đình, nhưng thế nào là cưỡng ép tình dục trong hôn nhân thì cũng không có định nghĩa. Tất cả những điều đó cần phải được sửa đổi, cần phải cụ thể hóa hơn, để có thể, bên cạnh việc nâng cao hiểu biết của người dân, để mọi người có ý thức để tự bảo vệ mình, thì luật cũng cần phải rõ ràng hơn.
RFI : Theo dõi báo chí trong nước, chúng tôi có cảm tưởng là các vụ tấn công tình dục, các vụ hiếp dâm, kể cả đối với trẻ vị thành niên, vẫn không giảm, nếu không muốn nói là tăng thêm. Phải chăng ở Việt Nam hiện nay, nhiều người vẫn có tâm lý là họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn đối với phụ nữ mà không sợ bị trừng phạt ?
Nguyễn Vân Anh : Tôi không biết nhận xét của anh đúng không hay không. Khi nhận thức của mọi người được nâng lên thì người ta dám tố cáo những chuyện này nhiều hơn, báo chí cũng vào cuộc để đưa tin nhiều hơn. Trước đây có thể có nhiều vụ, nhưng đã bị ỉm vào trong im lặng, thì bây giờ được bộc lộ ra ánh sáng nhiều hơn.
Đấy có thể là một khía cạnh, nhưng việc những vụ đó tiếp tục xảy ra khiến mọi người cảm thấy đau lòng và bất an. Ngay cả trong một chung cư ở thành phố, cho đến vùng nông thôn xa xôi, hẻo lánh, không một chỗ nào mà người ta cảm thấy có độ an toàn cao.
Chúng tôi nghĩ, dù còn một em vị thành niên, dù là còn một phụ nữ, một cô gái bị xâm hại, tấn công, quấy rối tình dục, thì điều đấy cần được thay đổi.
RFI : Trong vấn đề này, theo bà thì các mạng xã hội có tác động như thế nào ?
Nguyễn Vân Anh : Tôi nghĩ là mạng xã hội chỉ phản ánh thực tế của xã hội, tức là bây giờ có rất nhiều cách để người ta có kiến thức nhiều hơn, ý thức về quyền của người ta nhiều hơn, người ta không còn cảm thấy xấu hổ nhiều như trước đây nữa khi nói về xâm hại tình dục. Trước đây khi nói về tình dục, thì người ta đã cảm thấy rụt lại rồi. Hoặc quan niệm về trinh tiết đối với một người con gái trước đây rất là khác, nếu mất trinh thì rất khó lấy chồng hoặc bị xã hội đánh giá như là một cái gì rất là tồi tệ. Bây giờ người ta không còn có quan niệm đó nữa. Đấy cũng là lý do khiến người ta bộc lộ nhiều hơn.
Đúng là nhờ mạng xã hội, những quan điểm đó được bộ lộ công khai và được ủng hộ, khiến cho người ta không cảm thấy cô đơn khi người ta tố cáo.
Thanh Phương thực hiện
Nguồn : RFI, 01/04/2019