Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Lãnh đạo Trung Quốc, Pháp và Châu Âu họp tại điện Elysée

Thùy Dương, RFI, 06/05/2024

Sáng hôm 06/05/2024, sau khi được nguyên thủ quốc gia Pháp Emmanuel Macron đón tiếp chính thức tại điện Elysée, Paris, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc họp ba bên với tổng thống Macron và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng tại phủ tổng thống Pháp.

phaptrung1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tham dự cuộc họp ba bên tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 06/05/2024. AP - Gonzalo Fuentes

Theo hãng tin AFP, trong cuộc họp, ông Tập Cận Bình kêu gọi Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu củng cố, tăng cường "sự phối hợp chiến lược" và vẫn là "đối tác" của nhau, cho dù đôi bên có bất đồng về nhiều hồ sơ như thương mại hay chiến tranh Ukraine.

Phát biểu vào đầu cuộc họp, Tập Cận Bình nhấn mạnh Trung Quốc và Liên Âu là hai "siêu cường trên thế giới", nên phải "tiếp tục là đối tác, tiếp tục đối thoại và hợp tác, làm sâu rộng các mối liên hệ chiến lược", nhằm "thúc đẩy sự phát triển ổn định và lành mạnh trong quan hệ Trung Quốc - Liên Âu và liên tục có những đóng góp mới cho hòa bình và sự phát triển của thế giới".

AFP nhắc lại Liên Hiệp Châu Âu nay coi Trung Quốc là đối tác nhưng cũng là đối thủ cạnh tranh và đối thủ mang tính hệ thống của khối 27 nước. Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bruxelles đặc biệt căng thẳng sau khi Liên Âu hồi năm 2023 mở điều tra về trợ cấp của Trung Quốc cho ngành ô tô điện.

Về phía Pháp, khai mạc cuộc họp, tổng thống Macron lưu ý là đối thoại Châu Âu - Trung Quốc rõ ràng là cần thiết hơn bao giờ hết, trong bối cảnh quốc tế hiện nay. Ông Macron vẫn luôn hy vọng đưa nước Pháp thành cường quốc có vị thế cân bằng trước cuộc đọ sức giữa Mỹ và Trung Quốc. Cho rằng chính sách "tách rời" khỏi Trung Quốc là có hại về mặt kinh tế, ông Macron ủng hộ "các quy tắc công bằng" cho tất cả các nước.

Trong khi đó, theo AFP, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu đề nghị phải có sự "bình đẳng trong cách tiếp cận thị trường". Trước cuộc họp ba bên, bà Ursula von der Leyen khẳng định Liên Âu "không thể chấp nhận" tình trạng "thương mại không lành mạnh" do xe điện hoặc thép Trung Quốc tràn vào thị trường Châu Âu nhờ được "trợ cấp ồ ạt" trong sản xuất.

Theo chương trình dự kiến, chiều nay tổng thống Pháp Emmanuel Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc họp riêng tại điện Elysée.

Thùy Dương

*****************************

Tập Cận Bình thăm Pháp : Không dễ gì dung hòa lợi ích giữa Paris với Bắc Kinh

Anh Vũ, RFI, 06/05/2024

Trải thảm đỏ đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Paris hai ngày 06 và 07/05/2024, chính quyền tổng thống Emmanuel Macron đặt mục tiêu thuyết phục Bắc Kinh kiềm chế ủng hộ Nga, điều chỉnh quan hệ thương mại hai nước "có đi có lại". Giới quan sát nhận thấy Paris chuẩn bị cho một cuộc hòa giải khó khăn về lợi ích với Bắc Kinh.

phaptrung2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 06/05/2024. Reuters - Gonzalo Fuentes

Chọn nước Pháp là chặng đầu tiên cho chuyến công du Châu Âu, trong dịp kỷ niệm 60 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình chắc chắn hiểu rằng các cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Emmanuel Macron sẽ không chỉ dừng lại ở các nghi lễ tiếp tân thân tình đáp lại cuộc đón tiếp tổng thống Pháp thăm chính thức Trung Quốc hồi tháng 04/2023.

Chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc diễn ra trong bầu không khí u ám của cuộc chiến tranh Ukraine và trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu, hơn bao giờ hết đều đang cần có "ổn định" vì "phồn thịnh" của cả hai bên.

Những hồ sơ gai góc trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn nhiều và có xu hướng tích tụ thêm bất đồng, khiến lãnh đạo hai nước sẽ phải cố gắng vượt qua để có thể dung hòa lợi ích.

Về chiến tranh Nga - Ukraine, phủ tống thống Pháp đã tóm gọn mục đích là "khích lệ Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng với Moskva để thay đổi tính toán của Nga và có thể góp phần giải quyết xung đột". Chuyến thăm của ông Tập Cận Bình cũng là cơ hội để thuyết phục Trung Quốc ngừng hỗ trợ quân sự cho Nga.

Những mục tiêu của Paris cũng không khác gì nhiều với chuyến thăm Bắc Kinh của tổng thống Macron một năm trước. Là một trong những nước hậu thuẫn chủ chốt cho Ukraine, Pháp hy vọng có được những thay đổi từ Bắc Kinh để tích cực tham gia giải quyết hồ sơ chiến tranh tại Ukraine.

Có điều Bắc Kinh từ đầu cuộc xung đột này luôn khẳng định vai trò trung lập. Trong tháng 5 này, trở về từ chuyến công du Châu Âu, ông Tập Cận Bình sẽ chuẩn bị tiếp tổng thống Putin tại Bắc Kinh.

Có thể nhận thấy dễ dàng các biến động trên thế giới, từ đại dịch Covid-19 đến chiến tranh Nga - Ukraine và thêm vào đó là xung đột ở Gaza, đã làm hố ngăn cách giữa Trung Quốc với phương Tây trở nên rộng lớn đến mức khó mà có thể biết được Paris sẽ tiếp cận như thế nào để tác động đến các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Theo chuyên gia Marc Julienne, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), phương Tây, trong đó có Pháp, "thiếu hiểu biết về lợi ích chiến lược của Bắc Kinh : Trung Quốc, từ đầu cuộc chiến tranh (tại Ukraine) làm tất cả có thể để đứng ngoài xung đột. Trung Quốc không muốn can dự theo hướng của các nước Châu Âu, cũng như theo hướng hỗ trợ quân sự cho Nga".

Giờ đây, mọi người đều hiểu ẩn sau lập trường "trung lập", Trung Quốc thực sự đã chọn phe của Nga. Họ không quan tâm đến việc ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine. Họ nhìn thấy cuộc đọ sức giữa phương Tây và Nga có thể phục vụ mục tiêu xây dựng lại trật tự thế giới và từ đó được hưởng lợi về mặt chính trị và kinh tế. Do đó, Emmanuel Macron sẽ khó có thể đặt nước Pháp vào thế "cân bằng" với Trung Quốc để có thể tác động.

Tranh chấp thương mại cũng là một trọng tâm của các cuộc thảo luận. Như một năm trước tại Trung Quốc, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula von der Leyen hôm nay tham gia cuộc họp ba bên vào tại Paris. Cách đây ít hôm, ngày 02/05, trong một bữa ăn tối không chính thức tại Paris, tổng thống Pháp và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã thống nhất quan điểm đặt mục tiêu "đạt được những điều kiện cạnh tranh cân bằng hơn" cho các doanh nghiệp của mình trong quan hệ làm ăn với Trung Quốc.

Trước chuyến thăm Pháp, trong một bài viết đăng trên nhật báo Pháp Le Figaro, chủ tịch Trung Quốc hứa sẽ mở cửa thị trường Trung Quốc cho các công ty phương Tây, bảo đảm rằng ông hiểu rõ những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với các nước Châu Âu và khẳng định luôn tôn trọng và mong muốn chung sống hòa bình giữa các quốc gia. Câu chữ thì đơn giản, nhưng xem ra dung hòa thông điệp của lãnh đạo Trung Quốc với lợi ích của Pháp không dễ dàng chút nào.

Anh Vũ

*************************

Liên Âu : Thách thức về lập mặt trận thống nhất bảo vệ lợi ích chiến lược trước Trung Quốc

Thùy Dương, RFI, 05/05/2024

Chủ tịch Trung Quốc dự kiến đến Pháp lúc 16 giờ ngày 05/05/2024 (14 giờ GMT). Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cũng được mời đến Paris tham gia cuộc họp với tổng thống Pháp Macron và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc họp ba bên giữa lãnh đạo Pháp, Trung Quốc và Liên Âu diễn ra vào sáng mai tại điện Elysée. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định sẽ bảo vệ lợi ích chiến lược của Liêu Âu.

phaptrung3

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay chào Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen trước sự đón tiếp của tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 05/05/2024.

Hiện nay, sự chia rẽ trong nhóm 27 nước thành viên Liên Âu, đặc biệt giữa Pháp và Đức, bị giới quan sát xem là làm giảm khả năng tạo ảnh hưởng với Trung Quốc. AFP trích dẫn nhà phân tích Noah Barkin của Rhodium Group, theo đó "ảnh hưởng sẽ mất đi nếu các nhà lãnh đạo của Châu Âu chuyển các thông điệp mâu thuẫn nhau đến Tập Cận Bình".

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Bénazet giải thích thêm :

"Trong NATO, các nước Châu Âu đã chấp nhận việc Trung Quốc chính thức bị xem là một đối thủ hệ thống, nhưng khi nói đến xây dựng lập trường địa-chính trị của Liên Âu trước Bắc Kinh, thì ý chí của các nước Liên Âu yếu hơn nhiều.

Các nước thành viên Liên Âu muốn thuyết phục ông Tập Cận Bình đứng về phía Ukraine, hoặc ít nhất cũng là ngừng cung cấp vũ khí cho Nga, nhưng họ lại không tạo được một mặt trận thống nhất. Và đây không hoàn toàn do lỗi của Viktor Orbán, vị thủ tướng Hungary vốn bị ví như là một "học sinh yếu kém trong lớp" (ý nói tới quan hệ của ông với Trung Quốc). Thủ tướng Đức Olaf Scholz bị các đối tác Châu Âu chỉ trích mạnh mẽ khi một mình đến Trung Quốc nên bị đẩy vào thế cô lập và rơi vào thế yếu.

Về khía cạnh kinh tế, các nước Liên Âu biết rằng họ phải điều chỉnh lại cán cân trong quan hệ với Trung Quốc, và ngay cả khi vẫn còn rụt rè, Châu Âu đã bắt đầu áp dụng các đạo luật mới đã được thông qua. Trong những tháng gần đây, Châu Âu đã mở một số cuộc điều tra về tàu hỏa, pin mặt trời, xe điện, tua-bin gió, lĩnh vực y tế bằng cách sử dụng những quy định mới về đấu thầu công hoặc các quy định về tài trợ của nước ngoài".

Về phía Đức, AFP cho biết là theo nhiều nguồn tin thủ tướng Olaf Scholz sẽ không đến Paris gặp Emmanuel Macron và Tập Cận Bình vì vướng kế hoạch công việc.

Thùy Dương

Published in Diễn đàn