Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 26/08/2019, hãng tin Nhà nước Trung Quốc Tân Hoa Xã thông báo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan đứng đầu lập pháp Trung Quốc, thông qua một dự luật về dẫn độ với Việt Nam. Về phía Việt Nam, hiện tại chính quyền chưa có thông báo nào về vấn đề này.

dang1

Biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Seoul yêu cầu Bắc Kinh không trả về Bắc Triều Tiên 7 người tị nạn, Seoul, le 27/03/2012. Reuters/Kim Hong-Ji

Trong thời gian gần đây, dự luật dẫn độ Việt Nam – Trung Quốc gây nhiều lo ngại trong công luận. RFI đặt câu hỏi với Luật sư Đặng Đình Mạnh (Thành phố Hồ Chí Minh), ít ngày sau khi có tin phía Trung Quốc thông qua Hiệp định này.

Theo Luật sư Mạnh, điểm đặc biệt đáng lo ngại của luật này là có thể khiến chính quyền Việt Nam gia tăng vi phạm các quy định về nhân quyền quốc tế, khi trả về Trung Quốc những người "tị nạn chính trị", chạy trốn khỏi Hoa lục, do các đàn áp chính trị, tôn giáo hay sắc tộc.

Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng khẩn thiết lưu ý tình trạng Việt Nam "khước từ một phần chủ quyền quốc gia", khi trả về Trung Quốc những công dân Trung Quốc phạm luật Việt Nam trên đất Việt Nam. Ông nhấn mạnh đến một điều căn bản khiến "luật dẫn độ" ở Việt Nam, nếu được thông qua, sẽ đi ngược lại xu thế tiến bộ chung. Đó là Bộ luật Hình sự "hết sức khe khắt" của Việt Nam (và Trung Quốc) khiến cho hiệp ước dẫn độ càng làm tăng thêm tính hà khắc của Bộ luật Hình sự, hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền của mỗi công dân được tham gia vào các công việc chung của đất nước.

****************

RFI : Xin Luật sư cho biết sơ bộ về thông tin này.

Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là một luật sư, tôi quan tâm đến các vấn đề luật pháp, chính trị xã hội ở nước nhà, khi đọc tin này, tôi hết sức là bất ngờ. Tại vì hầu như là trong nước, chúng tôi chưa bao giờ được nghe đến Việt Nam và Trung Quốc từng ký một hiệp ước về vấn đề dẫn độ. Vậy thì cái văn bản đó như thế nào ? Nội dung thế nào ? Ký vào thời điểm nào ? Đến bây giờ mới biết hóa ra có một văn bản như vậy và Quốc hội bên phía Trung Quốc họ đã thông qua.

Tình hình một điều ước mang tính quốc tế, có giá trị pháp lý (đối với Việt Nam) mà chúng tôi là người làm công tác pháp luật trong nước, mà không hề biết, không hề được thông tin, thì đây là một điều hết sức đáng nói.

RFI : Luật sư nhận định ra sao về sự im lặng của phía chính quyền Việt Nam ?

Đặng Đình Mạnh : Tôi cho rằng luật về dẫn độ đối với các quốc gia là điều bình thường, thế nhưng một luật dẫn độ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong bối cảnh chính trị hiện nay nói chung là khá tế nhị, trong đó có các tác động của câu chuyện Hồng Kông, nhất là khi người Hồng Kông vừa có các cuộc biểu tình rất lớn và kéo dài, chưa từng có tại vùng lãnh thổ Hồng Kông. Cũng liên quan đến luật về dẫn độ.

Tôi nghĩ là do tác động về chính trị nên phía Việt Nam đã có một sự dè dặt nhất định trong việc công bố thông tin về hiệp ước ký với Trung Quốc. Tôi tin là như vậy.

RFI : Luật dẫn độ giữa các quốc gia, nếu thực thi theo đúng luật pháp quốc tế, là một bước tiến. Như vậy trong trường hợp của Việt Nam, điều gì khiến trong dư luận có nhiều lo ngại ?

Đặng Đình Mạnh : Theo tôi, vấn đề lo ngại là chủ yếu do yếu tố tâm lý. Trên thực tế, chuyện này không đáng lo. Lý do là thế này : Để thực hiện quyền tài phán của mình, quốc gia mà không có điều kiện thực hiện, họ phải đặt ra vấn đề dẫn độ. Và thường là, đối với những người mà có yêu cầu dẫn độ, thì thường là đã có hành vi vi phạm pháp luật tại Trung Quốc. Thế thì vấn đề này không phải là điều đáng lo đối với người dân Việt Nam đang sinh sống trong nước.

Tuy nhiên, có vấn đề đáng lưu ý khác, mà đáng lo, thường là liên quan đến vấn đề chính trị. Ví dụ như đàn áp về dân tộc, về tôn giáo… Mà theo tiêu chuẩn chung của thế giới, người ta không cho đó là hành vi vi phạm pháp luật về hình sự.

Vì Trung Quốc là nước quá khắt khe đối với các vấn đề đó, nên những người (Trung Quốc) khi bị áp bức như vậy họ có thể chạy sang nước khác, để lẩn tránh. Mà chúng ta gọi là "tị nạn chính trị". Thế thì trong vấn đề tị nạn chính trị, chính quyền Trung Quốc có thể áp dụng luật dẫn độ này, mà Việt Nam đáp ứng, thì rõ ràng sẽ vi phạm quy định về nhân quyền của quốc tế. Lẽ ra là Việt Nam phải che chở những người này, nếu chiếu theo những tiêu chuẩn về bảo vệ nhân quyền, cụ thể nhất là vấn đề tị nạn chính trị. Nếu lo thì chỉ nằm trong phạm vi đó mà thôi.

RFI : Thế còn một lo ngại khác, liên quan đến việc người Trung Quốc phạm luật hình sự Việt Nam. Có một số ý kiến cho rằng, với luật dẫn độ này, chính quyền Việt Nam có thể dễ dàng không xét xử những người Trung Quốc phạm tội trên đất mình. Như vậy luật dẫn độ có thể khiến số vụ phạm tội hình sự của người Trung Quốc trên đất Việt Nam gia tăng.

Đặng Đình Mạnh : Điều đó có thể cũng đáng lo ngại. Nhưng sự lo ngại là không cần thiết. Bởi vì thật ra, dù có lo ngại hay không, thì điều đó đã từng xảy ra rồi, ngay cả trước khi chúng ta có thông tin về việc Quốc hội Trung Quốc thông qua điều ước dẫn độ (với Việt Nam). Tức là, trong khi chưa có luật này, Việt Nam đã rất "hào phóng" thả những công dân Trung Quốc, khi họ vi phạm pháp luật Việt Nam, lại thả về Trung Quốc.

Chúng ta không thể biết được những người này khi trở về Trung Quốc có bị xét xử hay không. Ví dụ như trường hợp khoảng 300 người Trung Quốc bị bắt, vì có hành vi đánh bạc và tổ chức đánh bạc ở một tỉnh phía bắc. Diễn biến sau đó, chúng ta hoàn toàn không biết. Cái việc đó gọi là "dẫn độ", theo tôi, là không chính xác.

Hành vi của họ là vi phạm pháp luật, theo luật pháp Việt Nam, trên lãnh thổ Việt Nam. Và nếu như vậy, quyền tài phán thuộc về Việt Nam. Việt Nam có toàn quyền xét xử những người này, để tuyên xử, chế tài họ. Chúng tôi đã từng có ý kiến : Chúng tôi rất bức xúc là không biết tại sao chúng ta lại đi khước từ cái quyền tài phán của mình, trong khi cái quyền tài phán đó là một trong các phần quyền thể hiện chủ quyền quốc gia.

Việc chúng ta thả tội phạm về chính quốc của họ rõ ràng là như vậy chúng ta đang khước từ một phần của chủ quyền quốc gia. Đây là vấn đề hết sức nghiêm trọng.

RFI : Trở lại với vấn đề trung tâm của luật dẫn độ này, thưa luật sư, như thế nào thì một luật về dẫn độ đi đúng theo các công ước quốc tế, bảo vệ nhân quyền, và như thế nào thì luật dẫn độ đi ngược lại các nguyên tắc pháp lý này ?

Đặng Đình Mạnh : Với tư cách là những người làm công tác pháp luật, chúng tôi rất tán thành nên có những hiệp định về dẫn độ. Điều này hết sức tốt, phù hợp với các hoạt động về tư pháp, đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhưng chúng tôi e rằng có những hiệp định dẫn độ đi ngược lại với sự tiến bộ chung.

Thực ra vấn đề không phải nằm ở việc dẫn độ, đến hiệp định dẫn độ, mà liên quan đến luật hình sự của một quốc gia. Do Bộ Luật Hình Sự, của cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, có những điểm tương đồng. Đó là hạn chế quyền thể hiện quan điểm, quyền tham gia vào các hoạt động củng cố chính quyền (của mỗi công dân). Do chính quyền có cái nhìn hết sức khe khắt, ảnh hưởng đến việc thực thi điều ước dẫn độ, khiến điều ước về dẫn độ bị lạm dụng để đi đến chỗ bảo vệ chính quyền hơn là bảo vệ người dân. Như vậy đó là thêm một biện pháp của chính quyền làm tăng ảnh hưởng, tính hà khắc của đạo luật hình sự.

Với tư cách là luật sư, chúng tôi rất mong muốn được thấy hình hài thực sự của điều ước về dẫn độ Việt Nam và Trung Quốc, bằng giấy trắng mực đen, để xem nội dung cụ thể là về vấn đề gì.

RFI : RFI xin chân thành cảm ơn Luật sư Đặng Đình Mạnh

Trọng Thành thực hiên

Nguồn : RFI, 03/09/2019

Published in Diễn đàn

Trong nhiều năm qua, giới quan chức cộng sản ở Việt Nam không chỉ khai thác tối đa những điều kiện thuận lợi trong chương trình EB-5 (đầu tư tối thiểu 500.000 USD để có thẻ xanh) của Mỹ, mà gần đây còn bắt đầu xuất hiện hiện tượng một số quan chức tham nhũng "nhảy xổ" vào một phương thức đào thoát mới khỏi chế độ.

tinan1

Vũ Đình Duy đã "ra đi tìm đường cứu nước" nhưng cho tới nay "công an Việt Nam giỏi nhất thế giới" vẫn không làm sao tìm ra và lôi về được.

Tị nạn chính trị !

Rất có thể, vụ Trịnh Xuân Thanh trốn sang Đức vào nửa cuối năm 2016 và sau đó làm hồ sơ xin tị nạn chính trị ở Đức khá "thành công", cùng một số vụ việc khác như Đỗ Đình Duy, Lê Chung Dũng, Phan Văn Anh Vũ… đã khơi nguồn cảm hứng lớn để nhiều quan chức tham nhũng khác đi theo con đường đó, thậm chí còn có thể tự biến thành… "nhà hoạt động nhân quyền bị đàn áp".

Tình hình trên diễn ra trong bối cảnh "lò" của Nguyễn Phú Trọng đang rừng rực cháy ở Việt Nam, đầy triển vọng biến năm 2019 và cả vài năm sau đó thành một chiến trường "truy sát tham nhũng" mà sẽ khiến không chỉ quan chức cấp trung ương mà cả nhiều quan chức cấp địa phương bị tống vào "lò".

Gần đây nhất vào tháng 3/2019, một thiếu tá quân đội Việt Nam là Lê Quang Hiếu Hùng đã gọi cho đài VOA Việt ngữ, cho biết ông ta hiện đang có quốc tịch Grenada ở vùng Caribe, nhưng bị chính phủ Việt Nam yêu cầu cảnh sát Cuba bắt và đang bị giam ở nhà tù La Condesa.

Trước đó, Lê Quang Hiếu Hùng là trưởng phòng kinh doanh của chi nhánh Đầu tư Xây dựng Miền Nam, thuộc Tổng công ty Lũng Lô, dưới trướng của Đại tá Trần Văn Đồng, cựu phó tổng giám đốc Tổng công ty Lũng Lô.

Vào tháng 6/2018 Đại tá Đồng bị Bộ Quốc phòng tiến hành thanh tra về những sai phạm với vai trò phó tổng giám đốc Tổng công ty Lũng Lô. Sau đó, Lê Quang Hiếu Hùng đã bị Cơ quan Điều tra hình sự các tổ chức sự nghiệp, Bộ Quốc phòng, ra lệnh truy nã theo một quyết định đề ngày 22/10/2018, với tội danh "Sản xuất, buôn bán hàng giả, quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự".

Nhưng trong cuộc gọi điện cho đài VOA, Thiếu tá Lê Quang Hiếu Hùng đã không hề chứng minh rằng vụ việc của anh ta là "việc chính trị", trong khi lại có khá nhiều dấu hiệu cho thấy Hùng dính vào một vụ làm ăn phi pháp vốn đầy rẫy ở Việt Nam.

Chỉ 5 ngày sau cuộc điện đàm trên, Thiếu tá Lê Quang Hiếu Hùng đã bị phía Cuba cho dẫn độ về Việt Nam để bàn giao cho Cơ quan Điều tra hình sự thuộc Bộ Quốc phòng.

Chi tiết đáng chú ý là vụ việc được coi là "dẫn độ thành công" trên đã được công bố trên mặt báo chí nhà nước Việt Nam, trở thành một trong số hiếm hoi vụ dẫn độ được công khai, nhưng khác hẳn vụ "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú" khi vụ này đã bị nhà nước Đức thẳng thừng tố cáo là do mật vụ Việt Nam bắt cóc Thanh ngay tại Berlin vào tháng 7/2017.

Lê Quang Hiếu Hùng đang biến thành một trong những vật thí nghiệm đầu tiên cho chiến dịch "Săn Cáo" của "Tổng Chủ" Nguyễn Phú Trọng – nếu có thể tạm gọi cái tên của chiến dịch này là như thế.

Vậy "Săn Cáo" của ông Trọng đã được ấp ủ và hình thành như thế nào ?

Rập khuôn Trung Quốc

Có lẽ từ tháng 6/2016, khi lần đầu tiên phát lệnh "việc cần làm ngay" – như một động tác nhái lại "Những việc cần làm ngay" của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh ba chục năm trước đó, Nguyễn Phú Trọng (khi đó còn là tổng bí thư) đã ấp ủ một mưu đồ lớn : bắt đám quan chức tham nhũng phải "ói ra" để thu hồi tài sản tham nhũng mà do đó có thể giúp bù trám phần nào cho ngân sách đảng đang bị hội chứng hộc rỗng do nạn tham nhũng vô giới hạn và chi tiêu hoang tàng quá độ.

Khi đó, báo đảng đặc biệt mô tả chủ trương "thu hồi tài sản tham nhũng", bởi thực tế là cho đến nay tỷ lệ thu hồi tài sản qua các vụ án tham nhũng mới chỉ đạt được từ 8-10%, quá thấp so với mức mà Trọng cần có để duy trì chế độ đảng trị của ông ta.

Một năm sau đó, Trọng khởi xướng chủ trương "kiểm tra tài sản quan chức", với số lượng quan chức bị kiểm tra lên tới 1.000 người, bao gồm các ủy viên Bộ Chính Trị, 200 ủy viên Trung ương và khoảng 800 ủy viên Thường vụ cấp tỉnh và thành phố.

Khi đó, chủ trương này đã khiến rất nhiều biệt thự, tài khoản ngân hàng và vàng bạc kim cương chôn giấu của giới quan chức giàu nứt vách đổ tường ở Việt Nam phải chịu cảnh mất ngủ.

Tuy nhiên sau một thời gian thử nghiệm, chủ trương trên có nguy cơ lặng lẽ chết yểu vì vấp phải phản ứng của quá nhiều quan chức nổi chìm tài sản đang trụ vững ngay trong bộ máy đảng của Trọng.

Một năm tiếp theo, Tổng bí thư Trọng dò dẫm thêm một bước : "Trung ương dự kiến tăng thẩm quyền cho ủy ban kiểm tra các cấp, nhất là cấp huyện trở lên, có thể đề nghị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh, phong tỏa tài sản nếu đảng viên có dấu hiệu tham nhũng để phục vụ điều tra, ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản".

Cơ quan chức năng này lại là một thẩm quyền quan trọng của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Đảng cộng sản Trung Quốc, được Tập Cập Bình giao cho Vương Kỳ Sơn mà do đó đã đưa cơ quan kiểm tra kỷ luật này vượt mặt Bộ Công an để trở thành cơ quan có quyền uy thuộc loại ghê gớm nhất Trung Hoa đương đại. Thậm chí, một số nguồn tin của báo chí quốc tế cho biết Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương còn có nhà tù riêng.

Đến lúc đó, Nguyễn Phú Trọng và nhân vật quyền lực thứ hai sau ông ta là Trần Quốc Vượng có vẻ muốn "làm thật", muốn triển khai một chiến dịch "nhốt cáo" thực sự, thay cho chiến dịch "săn cáo" vẫn chẳng có kết quả gì đáng tự hào cho tới khi đó.

"Săn Cáo" là biệt danh của chiến dịch truy tìm và dẫn độ quan chức tham nhũng Trung Quốc lẩn trốn ở nước ngoài, do Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn trực tiếp phụ trách. Một đội chuyên gia săn lùng hàng trăm người hoặc hơn có kinh nghiệm điều tra, am hiểu luật pháp cơ bản của quốc tế, giỏi võ thuật và ngoại ngữ đã được tổ chức để hoạt động tại các quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Anh, Pháp, Đức, Úc…

Cho tới nay, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương của Trung Quốc đã tổ chức khá thành công chiến dịch "Săn Cáo" và lôi về hàng trăm quan chức, đại gia tham nhũng lẩn trốn ở nước ngoài. Đầu năm 2017, Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương lần đầu tiên công bố danh sách khoảng 1.000 quan chức mà trong đó chính quyền Trung Quốc biết rõ 30% trong số đó đang ở nước nào và làm gì.

Triển khai chủ trương "Săn Cáo" với độ trễ sau Trung Quốc khoảng 5 năm, cho tới nay Việt Nam mới chỉ đạt được thành tích "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú" (trong khi nhà nước Đức thẳng thừng cáo buộc mật vụ Việt Nam đã bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin, và hiện nay Đức đang mở một phiên tòa lớn xử vụ bắt cóc này).

Trong khi đó, những nhân vật cùng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Trịnh Xuân Thanh là Lê Chung Dũng, Vũ Đình Duy đều đã "ra đi tìm đường cứu nước" nhưng cho tới nay "công an Việt Nam giỏi nhất thế giới" vẫn không làm sao tìm ra và lôi về được. Thậm chí cả một quan chức phụ trách một chi nhánh Ngân hàng EximBank (Ngân hàng Xuất Nhập Khẩu Việt Nam) chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của khách hàng và trốn ra nước ngoài, bị công an Việt Nam truy nã quốc tế nhưng cho đến nay vẫn chưa thấy tung tích nào.

Giới quan tham có dám… "bất đồng chính kiến" ?

Sau khi Hoa Kỳ thông báo tạm ngừng cấp thị thực EB-5 cho người Việt Nam từ tháng 3/2018, đã xuất hiện thông tin nhiều quan chức giàu sụ ở Việt Nam phải tính toán một phương cách khác : thay vì tìm mọi cách "nhập khẩu" vào Mỹ như trước đây, họ chuyển sang "địa bàn Tây Âu", cho dù số phận của họ ở Châu Âu sẽ rủi ro hơn ở Mỹ nếu "tổng tịch" của họ quyết định mở một chiến dịch "Săn Cáo" như Tập Cận Bình đã tổ chức để lôi cổ những kẻ tham nhũng về nước quy án.

Dự liệu là sau trường hợp đào tẩu và xin tị nạn chính trị không thành công của thiếu tá quân đội Lê Quang Hiếu Hùng, sẽ có thêm những quan chức Việt "ra đi tìm đường cứu nước" ở xứ "tư bản giãy chết", mà nếu phương thức lo thẻ xanh không thật an toàn thì chắc chắn họ sẽ không ngần ngại đào bới một lý do chính trị nào đó để tị nạn chính trị.

Nhưng muốn được các quốc gia phương Tây hoặc Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận tư cách tị nạn chính trị, những quan chức Việt này lại phải chứng minh được là họ có những hoạt động bất đồng hoặc đối lập với chính quyền cộng sản ở Việt Nam và đã bị đàn áp. Làm thế nào để họ có thể "kiến tạo" được một hồ sơ đắt giá đến thế ? Đó là điều quá khó đối với giới quan chức đã quen phá tàn, ăn mạt.

Hoặc nếu không thể làm giả được hồ sơ "bất đồng chính kiến", liệu những quan chức tham nhũng có dám đứng lên đối kháng với chính quyền như giới đấu tranh dân chủ nhân quyền vẫn cương cường ?

Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 14/04/2019

Published in Diễn đàn