Có hai lý do để cho Việt Nam ngày nay là một đất nước có nhiều tượng đài và nhà lưu niệm nhiều nhất trên trái đất này, thứ nhất là để lưu lại những vết tích của những người Cộng sản, sợ rồi một ngày kia sẽ mai một, hai là chủ trương "có làm có ăn" của viên chức đảng ngày nay.
Tố Hữu thể hiện khuôn mặt của vai kép nịnh trong gánh tuồng chèo, với hình dung của một kẻ tiểu nhân, chuyên luồn cúi
Như dư luận đã từng kêu ca về tượng đài Hồ chí Minh ở Sơn La, hay khu lăng mộ cho cán bộ cao cấp Cộng sản, tất cả đều không dưới 1,4 nghìn tỉ (600 triệu đô la,) trong khi đất nước còn nghèo, nợ công cao, trường học và bệnh viện còn nhếch nhác. Bây giờ Việt Nam lại bỏ ra 25 tỉ đồng (khoảng 8,3 triệu đô la) để xây một nhà lưu niệm cho Tố Hữu quả là một điều phí phạm, không "khốn nạn thì cũng thần kinh ! (*)
Chúng ta nên nhớ rằng hiện nay Tố Hữu đã có một nhà lưu niệm tại Hà Nội, khánh thành năm 2009, vì sao Thừa Thiên lại khùng điên dựng thêm một nhà tưởng niệm nữa ?
Nhưng trước hết Tố Hữu là ai ?
Tư Lành Nguyễn Kim Thành sinh năm 1920 gốc ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên- Huế. Người ta xem Tố Hữu như một nhà thơ tiêu biểu cho Cộng Sản Việt Nam, và tự cổ chí kim chưa có ai nhờ thơ mà "ăn nên làm ra" như Tố Hữu. Ông đã từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Phó Thủ Tướng.
Trong nước hô hào cho rằng "việc xây dựng nhà lưu niệm Tố Hữu là một việc làm "mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với sự nghiệp cao quý của nhà thơ !" Sự nghiệp cao quý đó là gì ? Nhà văn Nguyễn Trọng Khang trong nước đã ca tụng rằng : "Thứ khiến hậu thế nhớ về họ, làm hậu thế mê say cả khi người viết nó không còn trên thế giới này nữa, đấy chính là những tác phẩm. Chỉ cần tác phẩm sống thì nhà văn còn sống, dẫu nơi lưu trữ những tác phẩm ấy có trong một cung điện, một viện bảo tàng hay chỉ trong căn nhà nhỏ trên một ngọn đồi hoang vu đi nữa".
Thật sự là những bài thơ của Tố Hữu còn sống không ? Hình tượng Stalin, Lenin đã bị chôn vùi bên kia trời Âu. Ở Trung Cộng người ta công nhận Mao Trạch Động đã mắc phải lỗi lầm khi cầm quyền và đã làm nhiều tội ác trong cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Hồ Chí Minh đã phơi bày nhiều tội ác và các bản chất xấu xa, phàm tục và dối trá của y. Những bài thơ tanh mùi máu của một thời chém giết, đấu tố, của Tố Hữu ngày nay không còn ai muốn nhớ nữa ! Những tác phẩm ấy thực sự đã chết, thì nhà thơ này cũng đã chết theo. Người ta thường nói Tố Hữu là người học trò thân cận của Hồ Chí Minh, và là người làm thơ ca tụng Hồ Chí Minh nhiều nhất. Trong thế giới cộng sản, những người viết văn, làm thơ này được gọi là "văn công", "văn nô" không còn chút liêm sỉ. Ca tụng làm cho chính người được ca tụng, cũng phải lấy làm ngượng.
Thợ nịnh, trên đời này, khó có ai qua mặt Tố Hữu. Trong thơ Tố Hữu, trên thân thể "bác Hồ" từ sợi tóc trên đầu cho đến ruột gan, đôi dép râu đi dưới chân "bác" đều là những thứ thơm tho, siêu phàm.
Tóc - "Bác về tóc có bạc thêm – Năm canh, bốn biển có đêm nghĩ nhiều".
Mắt - "Đôi mắt Bác hiện lên cười phấn khởi – Ta lớn cao lên bay bỗng diệu kỳ"
Tay và Trán - "Trông đàn con đó vẫy hai tay – Cao cao vừng trán ngời đôi mắt". "Trán mênh mông thanh thản nụ cười …".
Mắt - "Nhớ ông cụ mắt sáng ngời- Áo nâu túi vải đẹp tươi lạ thường".
Bàn tay - "Bàn tay con nắm tay Cha – Bàn tay Bác ấm vào da vào lòng".
Máy đánh chữ - Chiếc gậy - "Máy chữ thôi reo nhớ ngón đàn – Thong dong chiếc gậy gác bên bàn".
Đôi dép râu - "Còn đôi dép cũ mòn quai gót – Bác vẫn thường đi giữa thế gian !"
Áo - "Bác Hồ đó chiếc áo nâu giản dị ".
Cho đến thanh gỗ trong nhà sàn, chiếc chiếu, cái tủ cũng là đề tài cho Tố Hữu : "Nhà gác đơn sơ một góc vườn. Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn. Giường mây chiếu cói, đơn chăn gối. Tủ nhỏ, vừa treo mấy áo sờn".
Cả con cá trong ao : "Cá ơi ! Em có biết không. Trọn đời Bác nặng một lòng vì dân !".
May mà Bác không thích nuôi chó !
Đó là xu nịnh trong thơ. Còn ngoài đời Tố Hữu là tay nịnh hót có hạng.
Sách chép, trong một buổi hội, Hồ Chí Minh yêu cầu Tố Hữu ngâm một bài thơ tặng hội nghị. Tố Hữu khôn khéo nói rằng : – "Thưa Bác, thưa các đồng chí. Bác chỉ thị cho tôi đọc một bài thơ với các đồng chí, nhưng mà tôi nghĩ chúng ta vừa được nghe bài thơ hay nhất, những lời nói rất là ấm áp của Bác với tất cả chúng ta hôm nay. Vì thế nên bất cứ câu thơ nào có vần có nhạc cũng đều vô duyên trong lúc này !".
Trong một lần khác, Hồ Chí Minh nói với Tố Hữu :
– "Chú không được sùng bái cá nhân".
Tố Hữu :
– "Dạ, chỉ sợ sùng bái không đúng thôi, nhưng mà sự sùng bái của chúng ta là lòng kính yêu vô hạn của tất cả chúng ta đối với Bác là hoàn toàn chính đáng !".
Những lời lẽ tâng bốc này được các cán bộ cao cấp đứng chung quanh nham nhở vỗ tay hoan hô nhiệt liệt y như lúc Hồ Chí Minh sàm sỡ ôm nữ diễn viên Trà Giang trước mặt "triều đình" vậy.
Không phải Tố Hữu chỉ nịnh Hồ Chí Minh mà là tên nịnh quốc tế, ca ngợi các lãnh tụ phong trào Cộng sản thế giới như :
- Stalin của Liên Xô
Yêu biết mấy nghe con tập nói,
Tiếng đầu lòng con gọi Sta-lin !
- Mao Trạch Đông của Trung Cộng :
Chào Trung Quốc, giang sơn hùng vĩ,
Quê Hồng quân vạn lý trường chinh !
Hôn các anh xưa, những người chiến sĩ.
Đầu đỏ ngôi sao, không sợ thác ghềnh
- Fidel Castro của Cuba :
Lởn vởn ngoài khơi những bóng ma.
Hai con tàu Mỹ ngó dòm ta.
Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy !
Chẳng thấy Cu-ba đứng đấy à ?
- và cả Ba Lan :
Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan.
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn.
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng.
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn !
Vì nhu cầu của đảng, Tố Hữu kể lại, khi làm bài thơ "Bà má Hậu Giang" năm 1941 và bài "Lá thư Bến Tre" năm 1962, ông chưa từng đặt chân đến Nam Bộ, chưa hề biết đất Bến Tre.
"Nghĩ đến phong trào đấu tranh trong đó, muốn góp một tiếng nói đồng cảm mà thôi… Lúc bấy giờ cứ nghĩ Bến Tre chắc phải rất nhiều tre, không ngờ sau này đất nước thống nhất, vô mới hay ở đó chỉ có dừa !"
Nhà thơ Xô Viết Mayakovsky có trường ca "Lê Nin" nổi tiếng viết về vị lãnh tụ cộng sản, thì Tố Hữu có trường ca "Theo chân Bác" được viết năm 1970. Trong khi đánh giá về vai trò lớn lao của nhà thơ Mayakovsky, Stalin đã từng nói : "Mayakovsky là nhà thơ ưu tú nhất của chủ nghĩa xã hội !" nhưng Hồ Chí Minh, dù được tâng bốc lên mây xanh, chưa bao giờ khen thơ Tố Hữu ! (Nguyên Hạnh) Chính Tố Hữu cũng công nhận điều này.
"Trong tập phê bình tiểu luận ‘Chân dung và đối thoại’, nhà thơ Trần Đăng Khoa nói rằng Tố Hữu đã thừa nhận "Bác chưa bao giờ khen thơ tôi". Điều này như có vẻ hơi lạ !
Qua nhận định của Trần Đăng Khoa thì :
"Tố Hữu thường tự hào cho mình là người giác ngộ sớm, giác ngộ sâu sắc lý tưởng cách mạng và có nhãn quan chính trị tốt. Tệ hơn, ông tin rằng người lãnh đạo cộng sản nào cũng vĩ đại. Sai lầm lớn nhất của ông là lớn tiếng khen Stalin và Mao. Trong khi đó, Hồ Chí Minh có vẻ không hề đánh giá cao Mao và Stalin, chưa từng nhắc đến tên hai vị này trong bất cứ bài nói hay bài viết nào".
Trong bài "Sáng tháng Năm," Tố Hữu ca ngợi Hồ Chí Minh nhưng kết thúc ông làm một câu làm Hồ Chí Minh phật lòng :
"Việt Nam có Bác Hồ.
Thế giới có Stalin.
Việt Nam phải tự do.
Thế giới phải hòa bình !".
Hồ Chí Minh luôn là người cao ngạo, tự cho mình là anh hùng, đâu muốn đứng sau Stalin !
Không phải làm thơ ca tụng máu, Tố Hữu, trong thời gian làm Ủy viên Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, cầm đầu công tác văn hóa văn nghệ, tuyên truyền được coi là đao phủ thủ không nương tay, mang món nợ máu với nhóm Nhân Văn–Giai Phẩm.
Y đã lên án : "Lật bộ áo "Nhân Văn – Giai Phẩm" thối tha, người ta thấy ra cả một ổ phản động toàn những gián điệp, mật thám, lưu manh, trốt-kít, địa chủ tư sản phản động, quần tụ trong những tổ quỷ với những gái điếm, bàn đèn, sách báo chống cộng, phim ảnh khiêu dâm".
"Nhóm "Nhân Văn – Giai Phẩm" phản đối sự lãnh đạo của Đảng đối với văn nghệ, chúng đòi "trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ", thực ra chúng đòi đưa quyền lãnh đạo văn nghệ vào tay bọn phản cách mạng". Một đặc điểm chung là hầu hết bọn chúng đều là những phần tử thuộc giai cấp địa chủ và tư sản phản động, và đều ngoan cố giữ lập trường quyền lợi giai cấp cũ của mình, cố tình chống lại cách mạng và chế độ !".
Phan Khôi, Trần Duy, Thụy An, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt… đã bị mạt sát, trù dập đến chết hay thân tàn, ma dại… ngày nay chưa bao giờ được phục hồi danh dự, Cộng sản lại muốn vinh danh Tố Hữu, dựng lên cái xác chết thối tha, bị dân tộc nguyền rủa, để làm gì ?
Sau này khi làm Phó Thủ tướng đặc trách kinh tế, Tố Hữu đã có một "sáng kiến để đời" là phát hành tờ giấy bạc 30,00 đồng. Dư luận cho rằng một ông Phó Thủ tướng mà chưa biết hệ thập phân (hệ đếm cơ số 10) là hệ đếm dùng số 10 làm cơ số.
Tố Hữu thể hiện khuôn mặt của vai kép nịnh trong gánh tuồng chèo, với hình dung của một kẻ tiểu nhân, chuyên luồn cúi (tâng bốc nịnh bợ lãnh tụ) để thăng tiến và dèm pha người trung trực (vụ Nhân văn Giai phẩm.)
Xác chết như thế tưởng đã được chôn sâu dưới ba thước đất, nay lại được chế độ này dựng lại thây ma, tổ chức đình đám, kèn trống giữa thái độ lạnh nhạt, coi khinh của quần chúng ! Đó là những chuyện không lạ vẫn thường xảy ra trong chế độ cộng sản !
Huy Phương
Nguồn : Người Việt, 16/12/2018
(*) Chữ dùng của Giáo sư Ngô Bảo Châu
Việt Nam có lẽ là nơi có nhiều khu lưu niệm không đáng lưu tâm nhất, vì những nhân vật trong ấy nếu không bị người dân chê điểm này thì lịch sử cũng phủ nhận điểm kia. Tệ hơn nữa, có nhân vật vừa nằm xuống thì người dân đua nhau tung hê như thoát được một cái xiềng trong tâm hồn, một nỗi khinh bỉ chen lẫn sợ hãi kéo dài trong đời sống của họ.
Nói đâu xa, Tố Hữu, một nhà thơ quấn quanh mình miếng vải cách mạng và châm loại xăng cảm hứng để tự thiêu nhân cách và phẩm giá bằng những bài thơ không ai dám làm, bởi nó vừa hèn vừa bỉ ổi đến mức một trăm năm sau khi đọc lại người ta vẫn còn thấy mùi vị hố xí của nó vẫn còn phảng phất vậy mà người ta đang quyết tâm xây dựng khu lưu niệm dành cho ông tại quê hương Thừa thiên, Huế.
Tố Hữu hôm nay được tôn vinh như một nhà cách mạng vĩ đại, xây tượng, lập khu lưu niệm đến 28 tỷ, số tiền có thể xây dựng hàng chục ngôi trường cho các em nghèo bất hạnh. Nhưng tiền mặc dù lớn và lấy từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác do UBND huyện Quảng Điền, không phải là câu hỏi khi gắn nó với Tố Hữu, hai chữ "lưu niệm" mới là vấn đề với nhà thơ nổi tiếng này.
Câu hỏi đặt ra : Tố Hữu có xứng đáng được nhân dân thương mến đến nỗi cần một khu lưu niệm để họ tới chia sẻ những thương mến đối với một hiền tài của đất nước hay không ? Câu trả lời là một chữ "Không" chắc nịch, bởi nhiều lý do mà lý do nào cũng đạp đổ hình ảnh mà chính quyền này cố công xây dựng cho ông ta.
Tố Hữu có ba vai trò trong suốt cuộc đời cách mạng của ông. Vai trò thứ nhất là làm quan, trong nhiều vị trí cao cấp của đảng. Vai trò thứ hai là làm chính trị và vai trò thứ ba là làm... thơ. Cả ba vai trò ấy đều có vấn đề, mà đều là vấn đề lớn liên quan tới nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều năm sau đó.
Làm quan, Tố Hữu lợi dụng chức quyền đày đọa cả một thế hệ tinh hoa văn học trong phong trào Nhân văn Giai phẩm. Đây là một phong trào đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc, khởi xướng đầu năm 1955 và kết thúc vào tháng 6 năm 1958.
Là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyền khi phong trào Nhân văn Giai phẩm nổi lên, Tố Hữu đã thẳng tay ra lệnh đàn áp, bắt bớ các thành viên của phong trào và cho tới nay người trong cuộc đã vạch trần mọi sự trước dư luận quần chúng. Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Cung… Ngày nay thành viên Nhân văn Giai phẩm được trả lại sự thật và phục hồi danh dự cho họ nhưng Tố Hữu vẫn lặng im như người ngoài cuộc mặc dù nhiều tư liệu cũng như lời chứng của người trong cuộc cho thấy ông ta chủ trì việc bách hại tự do sáng tác của phong trào này.
Làm chính trị, trong vai trò một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu tham gia thảo luận và ký quyết định "Giá, lương, tiền" vào tháng 9 năm 1985. Quyết định này đã làm Việt Nam rơi vào vòng xoáy của lạm phát có lúc lên đến 770% và người dân oán thán như bị B52 tận diệt. Tố Hữu trở thành trò hề của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Một năm sau cơn khủng hoảng, năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới, Tố Hữu mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ nên bị miễn nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội.
Làm thơ có lẽ là lĩnh vực tai tiếng nhất của Tố Hữu. Ông được mệnh danh là nhà thơ cách mạng, nhưng bỏ xa đồng nghiệp trong lĩnh vực tuyên truyền và nịnh bợ các tay trùm cộng sản. Nếu những bài thơ đưa Hồ Chí Minh lên tới mây xanh thì người ta còn có thể hiểu được nhưng với Stalin, con ác quỷ của phe xã hội chủ nghĩa mà Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca y ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác.
Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca Stalin ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác.
Những câu thơ như thế này đã và vĩnh viễn là vết nhơ trong dòng thơ hiện đại Việt Nam, kể cả dòng thơ cách mạng :
"Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin ! Stalin !
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin !
….
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười"
Bao nhiêu thứ Tố hữu đã làm được lịch sử ghi lại đầy đủ. Chứng nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm, gần sáu mươi triệu đồng bào cả nước trong vụ "Giá, lương, tiền" năm 1985 và hàng triệu trẻ con qua nhiều thế hệ học thơ Tố Hữu trong trường chẳng lẽ còn chưa đủ xấu hay sao mà lại bày trò xây dựng khu lưu niệm cho ông ấy ?
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 04/12/2018 (canhco's blog)
Khu lưu niệm Tố Hữu : Một tố cáo lóe sáng ! (VOA, 04/12/2018)
Tin Việt Nam sẽ chi 28 tỉ, trong đó một phần là ngân sách trung ương, một phần là ngân sách địa phương và một phần là những nguồn huy động hợp pháp khác để xây dựng "Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu" (1) chẳng khác gì một tố cáo !..
Một con đường được đặt tên Tố Hữu ở Hà Nội.
***
Việt Nam đang chìm trong biển nợ nần cả cũ lẫn mới. Trong một báo cáo về nợ nần quốc gia, Kiểm toán Nhà nước dự trù, năm nay, Việt Nam sẽ phải vay 195.000 tỉ đồng để hệ thống công quyền bù đắp bội chi, 146.770 tỉ đồng để trả nợ gốc và 40.000 tỉ đồng khác để cho vay lại. Kiểm toán Nhà nước ước đoán, đến cuối năm nay, nợ nần của Việt Nam sẽ xấp xỉ 63,9% GDP.
Tuy hệ thống công quyền khẳng định nợ nần chưa vượt ngưỡng an toàn theo tiêu chí của Việt Nam nhưng Ngân hàng Thế giới (WB) không lạc quan như vậy vì Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về tỉ lệ tăng trưởng của nợ nần (2). Rủi ro đang gia tăng khi trong vòng ba năm tới, chính quyền Việt Nam phải trả 50% tổng số nợ đã vay từ các nguồn trong nước.
Chẳng phải chỉ có WB cảnh báo về tính bền vững của tài khóa. Năm ngoái, sau khi thu thập số liệu, ông Vũ Quang Việt, cựu chuyên gia thống kê của Liên Hiệp Quốc, công bố tính toán của ông, theo đó, tính đến hết 2016, nợ nần (bao gồm cả nợ của chính quyền lẫn nợ của khối doanh nghiệp nhà nước mà chính quyền phải trả thay nếu những doanh nghiệp này mất khả năng trả nợ) chung của Việt Nam xấp xỉ 431 tỉ Mỹ kim, tương đương 210% GDP. Kinh tế không những khó phát triển mà còn đối diện nguy cơ khủng hoảng (3).
Giảm chi thường xuyên (chi để duy trì hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền), kiểm soát chặt chẽ chuyện vay và sử dụng tiền vay, hạn chế tối đa những khoản đầu tư vô bổ, sớm kết thúc tình trạng tăng trưởng… nợ nần luôn luôn vượt xa tăng trưởng kinh tế, đã được các chuyên gia trong và ngoài Việt Nam, các tổ chức tài chính quốc tế xem là giải pháp duy nhất để tránh kinh tế - tài chính quốc gia sụp đổ.
Tuy nhiên trên thực tế, biên chế vẫn thế, thậm chí không những không giảm mà còn tăng. Đầu tư cho các công trình vô bổ như cổng chào, tượng đài, khu lưu niệm, quảng trường,… vẫn tiếp tục được phê duyệt. Chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng nỗ lực hỏi vay cả ngoài lẫn trong nước. Nội lực của các nguồn thu, đặc biệt là nội lực của khối doanh nghiệp tư nhân suy giảm nhưng thuế, phí vẫn tăng. Chi thường xuyên nay đã xấp xỉ 70% tổng chi. Chi cho phát triển (đầu tư để gia tăng nguồn thu) vẫn giảm
***
Tuần trước, nhiều người Việt than "nhục" khi Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam gửi thư cho cả chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh lẫn chính phủ Việt Nam cảnh báo, sẽ dừng thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên vì phía Việt Nam "chậm thanh toán" khoản tiền chừng 100 triệu Mỹ kim cho các nhà thầu của Nhật.
Chi phí đầu tư tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên đã tăng từ 17.000 tỉ lên 47.000 tỉ. Nhật từng phê duyệt cho Việt Nam vay 42.000 tỉ (88,4%), Việt Nam phải chi thêm 11,6% vốn đối ứng (khoảng 5.000 tỉ). Bởi chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh không thể tự cân đối được khoản vốn đối ứng nên cậy tới chính phủ. Chính phủ thì khẳng định là có tiền nhưng phải chờ Quốc hội biểu quyết.
Xét ở góc độ kinh tế, cảm giác "nhục" khi xảy ra chuyện nhà thầu Nhật ngưng thi công vì phía Việt Nam "chậm thanh toán" không quan trọng bằng thiệt hại do dự án metro Bến Thành – Suối Tiên "chậm tiến độ" (không hoàn thành đúng dự kiến). Thiệt hại cho công quỹ sẽ là những chục ngàn tỉ.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) từng công bố một nghiên cứu cảnh báo, mỗi dự án đầu tư "chậm tiến độ" sẽ làm chi phí đầu tư tăng thêm 17,6% trong năm đầu tiên (trong đó có 6,5% là do lạm phát và 11,1% là do dự án không tạo ra lợi ích). Nếu thời gian hoàn thành dự án chậm từ hai đến ba năm, chi phí sẽ tăng đến 50% do những tác động phát sinh từ thâm hụt tài chính (4). Nếu dựa vào tính toán của ADB để tính thì có thể ước đoán ngay thiệt hại từ "chậm thanh toán" cho các nhà thầu Nhật đang thi công tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên là bao nhiêu.
Tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên khởi công từ 2010 và lẽ ra phải hoàn thành hồi 2015 nhưng vì thiển hiểu biết khi soạn – lập dự án, quản trị - điều hành tồi khi thực hiện, năm 2018 sắp hết nhưng tuyến metro này vẫn còn dở dang và không viên chức hữu trách nào từ trân xuống dưới có thể trả lời câu hỏi, bao giờ dự án metro Bến Thành – Suối Tiên hoàn tất. 17.000 tỉ vốn đầu tư theo dự kiến ban đầu đã tăng lên gấp ba, chắc chắn sẽ còn tăng nữa vì cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam hết sức chậm chạp trong việc xem xét – phê duyệt quyết định điều chỉnh đầu tư.
***
Bất kể công khố thiếu trước, hụt sau, nợ nần tăng phi mã, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vẫn soạn – lập, phê duyệt hết dự án đầu tư này đến dự án đầu tư khác kiểu Khu lưu niệm Tố Hữu. Tại sao lại xây Khu lưu niệm Tố Hữu - nhân vật mà học sinh cấp hai, cấp ba đã thôi không còn phải tụng niệm các tác phẩm của ông ta suốt bảy năm trung học như thế hệ cha anh, nhân vật mà Xuân Sách từng thay mặt văn giới Việt Nam khái quát cả về tính cách lẫn khả năng :
Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng
Mắt trông về tám hướng phía trời xa
Chân dép lốp bay vào vũ trụ
Khi trở về ta lại là ta
Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát
Trông về Việt Bắc tít mù mây
Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt
Máu ở chiến trường, hoa ở đây !
- vào lúc này ?
Xét về bản chất, câu hỏi tại sao chính quyền tỉnh Thừa Thiên – Huế lại chọn xây dựng Khu lưu niệm Tố Hữu vào lúc này ( ?), cũng chẳng khác gì những câu hỏi mà công chúng các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và nhiều triệu người Việt khác nêu ra cách đây chưa lâu : Tại sao lại xây Khu tưởng niệm Fidel Castro ở Quảng Bình, rồi Công viên Fidel Castro ở Quảng Trị ?
Đặt những quyết định đầu tư Khu tưởng niệm Fidel Castro, Công viên Fidel Castro, Khu lưu niệm Tố Hữu,… bên cạnh dự án metro Bến Thành – Suối Tiên để cân phân lợi - hại cho tiến trình phát triển, sẽ có thêm một câu hỏi nữa : Tại sao hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương rất mau mắn, sáng tạo trong việc tìm cho ra tiền, kể cả bán công thổ nhằm bù vào khoản thiếu hụt do ngân sách không kham nổi để hoàn thành cho bằng được Khu tưởng niệm Fidel Castro, Công viên Fidel Castro, Khu lưu niệm Tố Hữu,… nhưng lại rất chậm chạp trong việc xem xét – phê duyệt những dự án như tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên ?
Chỉ có một câu trả lời : Soạn – lập, phê duyệt, thực hiện những Khu tưởng niệm Fidel Castro, Công viên Fidel Castro, Khu lưu niệm Tố Hữu,… an toàn hơn vì chỉ có "ta với ta", còn những dự án như tuyến metro Bến Thành – Suối Tiên phiền toái hơn vì dính đến Nhật. Nhật chẳng đã từng làm cả hệ thống chính trị, hệ thống công quyền và nhiều viên chức của "ta" vỡ mặt vì "cắn" lầm ODA đó sao ?
Trân Văn
Chú thích
(1) http://daidoanket.vn/van-hoa/khoi-cong-khu-luu-niem-nha-tho-to-huu-vao-nam-2019-tintuc423512
(2) https://vov.vn/kinh-te/chi-tra-no-tang-nhanh-hon-tang-truong-de-doa-ben-vung-tai-khoa-761056.vov
(3) https://www.thesaigontimes.vn/156693/No-tra-no-va-khung-hoang.html
(4) http://baodansinh.vn/du-an-dau-tu-cong-diep-khuc-doi-von-cham-tien-do-d81577.html
*********************
Lưu niệm "Thợ thơ" Tố Hữu, cháu của Stalin (Kontumquetoi, 03/12/2018)
Thực hiện Nghị quyết của HĐND, Chủ tịch UBND Thừa Thiên – Huế Phan Ngọc Thọ vừa ký Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, , tác giả bài thơ "Đời đời nhớ ơn Ông !", tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền nhằm tri ân những đóng góp của ông cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng đất nước, góp phần giáo dục truyền thống và tạo điểm tham quan góp phần phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Stalin và Tố Hữu - Ảnh minh họa
Đời đời nhớ ơn ông !
Bữa trước mẹ cho con xem ảnh
Ông Stalin bên cạnh nhi đồng
Áo Ông trắng giữa mây hồng
Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười
Stalin ! Stalin !
Yêu biết mấy, nghe con tập nói
Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!
Hôm qua loa gọi ngoài đồng
Tiếng loa xé ruột xé lòng biết bao
Làng trên xóm dưới xôn xao
Làm sao, Ông đã… làm sao, mất rồi!
Ông Stalin ơi, Ông Stalin ơi!
Hỡi ơi, Ông mất! đất trời có không?
Thương cha, thương mẹ, thương chồng
Thương mình thương một, thương Ông thương mười
Yêu con yêu nước yêu nòi
Yêu bao nhiêu lại yêu Người bấy nhiêu!
Ngày xưa khô héo quạnh hiu
Có người mới có ít nhiều vui tươi
Ngày xưa đói rách tơi bời
Có người mới có được nồi cơm no
Ngày xưa cùm kẹp dày vò
Có người mới có tự do tháng ngày
Ngày mai dân có ruộng cày
Ngày mai độc lập ơn này nhớ ai
Ơn này nhớ để hai vai
Một vai ơn Bác một vai ơn Người
Con còn bé dại con ơi
Mai sau con nhé trọn đời nhớ Ông!
Thương Ông mẹ nguyện trong lòng
Yêu làng, yêu nước, yêu chồng, yêu con
Ông dù đã khuất không còn
Chân Ông còn mãi dấu son trên đường
Trên đường quê sáng tinh sương
Hôm nay nghi ngút khói hương xóm làng
Ngàn tay trắng những băng tang
Nối liền khúc ruột nhớ thương đời đời. đến nay
Tố Hữu (tháng 5/1953)
Khởi công Khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu vào năm 2019
Ngoài san nền tạo mặt bằng phần diện tích khoảng 4.220 m2, Khu lưu niệm sẽ xây dựng mới nhà lưu niệm diện tích khoảng 262 m2; 1 nhà thờ diện tích khoảng 54 m2 ; 3 chòi thơ diện tích khoảng 66 m2 (22 m2/nhà). Xây dựng các hạng mục phụ trợ : Đường vào và bãi đỗ xe khoảng 300 m2 ; sân đường nội bộ khoảng 1.363 m2 ; kè bờ sông Bồ và bến nước khoảng 90 m ; cổng, hàng rào khoảng 240 m ; không gian cây xanh, sân vườn ; hệ thống cấp thoát nước, hệ thống cấp điện, chiếu sáng, phòng cháy, chữa cháy đảm bảo yêu cầu.
Nhưng người dân Việt Nam rất khó quên những bài thơ phản ánh một tâm thần khát máu và độc ác của Tố Hữu trong một giai đoạn đen tối đầy sắt máu của Đảng cộng sản Việt Nam từ năm 1945 đến nay.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 28 tỷ đồng.
Công trình sẽ được thực hiện và hoàn thành năm 2019 từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác do UBND huyện Quảng Điền làm chủ đầu tư.
Hữu Thu
********************
Kế hoạch xây khu tưởng niệm ‘nhà thơ làm kinh tế’ bị phản đối (VOA, 03/12/2018)
Nhiều người Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ phản đối kế hoạch tốn hàng chục tỷ đồng để xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu, một cố lãnh đạo bị xem là vừa "bóp nghẹt tự do sáng tác" vừa "có vai trò trong việc đẩy kinh tế vào siêu lạm phát" thời nửa đầu thập niên 1980.
Tố Hữu là người vừa "bóp nghẹt tự do sáng tác" vừa "có vai trò trong việc đẩy kinh tế vào siêu lạm phát" thời nửa đầu thập niên 1980.
Thông tin về kế hoạch xây khu tưởng niệm xuất hiện trên các báo Đại Đoàn Kết và Thừa Thiên-Huế lần lượt vào các ngày 24/11 và 2/12.
Theo hai báo này, Ủy ban Nhân dân Thừa Thiên-Huế đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án "khu lưu niệm nhà thơ Tố Hữu" tại thôn Tân Xuân Lai, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tức quê gốc của ông, nhằm "tri ân" những đóng góp của ông cho "sự nghiệp đấu tranh cách mạng" và "xây dựng đất nước".
Tin cho hay, việc xây dựng khu tưởng niệm, có diện tích mặt bằng hơn 4.200 m2, sẽ được "thực hiện và hoàn thành năm 2019" với số tiền 28 tỷ đồng từ "ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và nguồn huy động hợp pháp khác".
Nhà thơ có tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh năm 1920, đã làm "công tác văn nghệ, tuyên huấn" cho chính quyền của những người cộng sản Việt Nam từ năm 1947.
Với nhiều tác phẩm được xuất bản và đưa vào giảng dạy trong trường học, giới tuyên giáo Việt Nam ví "chặng đường thơ" của Tố Hữu là "chặng đường lịch sử của cả một dân tộc".
Nhờ quá trình công tác, ông được giao "những chức vụ quan trọng", ban đầu là trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật và sau đó là trong bộ máy lãnh đạo đảng và nhà nước.
Tiểu sử được nhà nước công bố cho thấy, ông Tố Hữu từng giữ chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng (tương đương phó thủ tướng).
Ông qua đời năm 2002, thọ 82 tuổi, và được đặt tên đường ở thủ đô Hà Nội và thành phố Huế.
Tuy nhiên, trái với các thông tin chính thống, giới hoạt động vì dân chủ, tiến bộ và các nhà quan sát độc lập khác lại nhìn thấy ông Tố Hữu như một người "đàn áp tự do tư tưởng và điều hành kinh tế kém cỏi".
Nhiều tài liệu và bài trả lời phỏng vấn của các nhân chứng trực tiếp hay các nhà nghiên cứu với VOA, BBC, RFA, RFI, v.v… trong các năm qua cho thấy ông Tố Hữu, khi nắm chức trưởng ban Tuyên huấn trung ương của đảng thời cuối những năm 1950, đã "trực tiếp đứng ra thực hiện" chiến dịch "tiêu diệt" phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm kêu gọi dân chủ, tự do cho giới văn nghệ sĩ, trí thức.
Trong vụ này, theo các nhân chứng như nhà thơ Lê Đạt hay nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, "có trên dưới một chục người" bị lãnh án tù, còn nhiều người khác "bị đưa đi lao động cải tạo tại các công nông trường".
Về điều hành kinh tế, tên tuổi ông Tố Hữu bị xem là gắn với thời kỳ Việt Nam phải chịu siêu lạm phát, có lúc lên đến hơn 770% vào năm 1986, cũng trùng với các nhiệm kỳ ông nắm chức tương tương với phó thủ tướng thường trực, từ tháng 2/1980 đến tháng 6/1986.
Ở thời kỳ này, người dân truyền miệng nhau câu vè "nhà thơ làm kinh tế, thống chế đi đặt vòng", để ám chỉ việc ông Tố Hữu được giao thẩm quyền quan trọng hơn trong chính phủ so với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người được giao làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình từ năm 1984-1987.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Kienthuc.net.vn vào năm 2013, ông Thang Văn Phúc, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nói rằng câu vè đó là "một sự chua chát" nhưng lại điển hình của việc "sử dụng năng lực con người không đúng chỗ".
Bày tỏ ý kiến về kế hoạch xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu, nhà hoạt động Nguyễn Tường Thụy viết trên Facebook cá nhân hôm 2/12 : "Tôi phản đối […] Gia đình hay ai đó ngưỡng mộ ông ta bỏ tiền xây thì cứ việc, ở khoảnh đất riêng. Không được liên quan đến ngân sách dù ngân sách cấp nào […] Sự nghiệp của Tố Hữu, về chính trị thì bóp nghẹt tự do sáng tác, thể hiện rõ nhất là vụ đánh nhân văn giai phẩm […] Trong xây dựng xã hội chủ nghĩa thì ông ta có tác phẩm giá lương tiền, làm xã hội lao đao […] Việc xây tượng đài ông ta mà liên quan đến cái chung thì chỉ chọc giận cộng đồng".
Dịch giả nổi tiếng Phạm Nguyên Trường, người cũng thường lên tiếng cổ súy dân chủ, tiến bộ, có chung quan điểm phản đối. Ông nói với VOA :
"Tôi thấy ông Tố Hữu chả có công trạng gì với dân tộc cả. Ông ấy phá hoại là nhiều. Tôi cho rằng việc xây dựng là để một số người nào đó kiếm tiền chứ họ cũng chẳng tôn trọng gì ông Tố Hữu nữa vì ông ấy chết lâu lắm rồi mà".
Ông Trường nêu ra một lý do nữa để phản đối, đó là tình trạng thiếu trường học, bệnh viện ở nhiều nơi, trong đó có chính tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Viết trên Facebook cá nhân hôm 2/12, nhà báo kỳ cựu Đặng Tâm Chánh đã trích dẫn chính một câu thơ của Tố Hữu - "Mong manh áo vải hồn muôn trượng/Hơn tượng đồng phơi những lối mòn" - để làm tương phản cho nghịch cảnh đã và đang diễn ra là chính quyền xây "những tượng đài bạc tỉ trong lúc ngân sách vay mượn khắp nơi còn chưa đủ để mở trường học, xây thư viện, làm đường, bắc cầu…".
Ông Chánh, người từng giữ chức Tổng Biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị và Trưởng ban Chính trị - Xã hội báo Tuổi Trẻ, đưa ra lời kêu gọi : "Dừng lại đi, một cách nghiêm khắc và nghiêm túc, hỡi những người cộng sản".
Trong các diễn đàn có nền tảng là mạng xã hội, nhiều người ví việc xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu nói riêng và các tượng đài các lãnh đạo cộng sản khác nói chung như là "chết rồi còn hút máu dân".
*******************
Phản đối xây tượng Tố Hữu tại Huế (RFA, 03/12/2018)
Đầu tháng 12/2018, một số tờ báo của nhà nước Việt Nam đưa tin rằng một khu tưởng niệm nhà thơ Tố Hữu sẽ được xây dựng tại tỉnh Thừa Thiên-Huế, trị giá 28 tỉ đồng, lấy từ ngân sách nhà nước.
Thông báo xây dựng khu tưởng niệm ông Tố Hữu tại Huế. Ảnh chụp màn hình báo Đại Đoàn Kết.
Tờ báo mạng Thừa Thiên-Huế hy vọng rằng khu tưởng niệm này sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa du lịch của Tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tờ này còn viết rằng ông Tố Hữu không chỉ là một lãnh đạo của Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam mà còn là một nhà thơ cách mạng hàng đầu.
Ông Tố Hữu từng nắm chức vụ Phó Thủ tướng phụ trách về kinh tế của Việt Nam trong những năm 1980, thơ của ông chiếm một phần quan trọng nhất trong sách giáo khoa văn học cho học sinh Việt Nam.
Nhưng ông cũng bị nhiều chỉ trích, cho rằng ông là một nhà thơ làm công việc tuyên truyền cho Đảng Cộng sản.
Theo nhà văn Nguyễn Viện, một người bất đồng chính kiến sống tại Sài Gòn thì cách nhìn nhân vật Tố Hữu, cũng như thơ Tố Hữu có hai góc khác biệt rõ ràng :
"Đối với một nhân vật như ông Tố Hữu thì khó có cái nhìn công tâm, tùy theo quan điểm chính trị, lập trường của chúng ta như thế nào. Đối với những người trưởng thành trong bối cảnh xã hội chủ nghĩa, cụ thể là lớn lên ở miền Bắc, thì ngay từ thời trung học, họ đã được tuyên truyền rằng Tố Hữu là một nhà thơ tiêu biểu của cách mạng".
Ông Nguyễn Viện là một người lớn lên ở miền Nam, cho rằng thơ của Tố Hữu không hay, thơ của ông nặng tính tuyên truyền, đôi khi đến nỗi khát máu, và nịnh bợ quá đáng.
Nhà thơ Hoàng Hưng, sống ở miền Bắc, thuộc thế hệ những nhà thơ nhà văn từng bị đàn áp trong vụ nhân văn giai phẩm, đồng ý với ông Nguyễn Viện rằng thơ Tố Hữu ở miền Bắc, một thời đã thấm sâu vào dân chúng còn hơn cả ca dao. Nhưng ông cho rằng Tố Hữu cũng là người có tài về mặt ngôn ngữ. Ông Hoàng Hưng lấy ví dụ bài thơ Việt Bắc của ông Tố Hữu, dù rằng vẫn là thơ tuyên truyền nhưng có những đoạn tả cảnh núi rừng thiên nhiên, thuần túy thơ ca, vẫn là những câu thơ hay.
Nhà văn Thùy Linh có cùng quan điểm này, rằng dù sau Tố Hữu vẫn là một nhà thơ có tài, nhưng nếu đặt ông vào vị trí độc tôn trong thơ văn Việt Nam thì không đúng.
Ông Tố Hữu bị chỉ trích nhiều nhất ở những câu thơ cổ vũ cải cách ruộng đất, mang tính sắt máu, mà người ta cho là do ông sáng tác :
Giết, giết nữa, bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong,
Cho đảng bền lâu, cùng rập bước chung lòng,
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Sít-ta-lin bất diệt
Tuy nhiên nhà thơ Hoàng Hưng, dẫn lời nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, nói rằng đây là một nghi án văn chương, chưa chắc Tố Hữu đã làm những câu thơ đó.
"Về mặt văn bản học thì không đáng tin lắm đâu. Cũng có nhiều người bảo rằng không phải, chỉ bịa ra thôi. Lại Nguyên Ân bảo rằng đây là một nghi vấn, mà các nhà nghiên cứu Tố Hữu phải chỉ ra rằng có đúng hay không".
Theo sự cảm nhận cá nhân của nhà thơ Hoàng Hưng thì ông thấy những câu thơ mang tính giết chóc đó quá kém cỏi, có thể không phải từ một người có khả năng về ngôn ngữ như ông Tố Hữu.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân, một người lớn lên ở miền Nam nhận xét về ông Tố Hữu :
"Ông ấy là một nhà thơ nổi tiếng, nổi tiếng theo kiểu là hàng đầu của văn học cách mạng. Nhưng đó là chuyện của cách mạng, không phải là chuyện của tôi. Nếu nói là Tố Hữu là một nhà thơ cách mạng cộng sản, thì Louis Aragon cũng theo cộng sản, Jean-Paul Sartre thời kỳ đầu cũng chủ nghĩa cộng sản. Sự hấp dẫn của chủ nghĩa cộng sản đối với những văn hào trí thức cỡ đó thì Tố Hữu đi theo chủ nghĩa cộng sản cũng là chuyện bình thường. Nhưng vấn đề là sau đó, Louis Aragon và Jean-Paul Sartre đã nhìn nhận lại, đó là thái độ của người trí thức, chúng ta không phê phán sự chọn lựa bạn đầu".
Louis Aragon là một nhà thơ Pháp, còn Jean-Paul Sartre là một nhà triết học Pháp, cả hai đều ủng hộ chủ nghĩa cộng sản trong những năm bắt đầu sự nghiệp của mình.
Ngoài tư cách là một nhà thơ cách mạng, ông Tố Hữu còn được biết như một nhà chính trị, trong đó vai trò của ông được đặc biệt nhấn mạnh trong cuộc đàn áp giới văn chương của phong trào Nhân văn Giai phẩm tại miền Bắc sau năm 1954. Nhà thơ Hoàng Hưng, một nạn nhân của cuộc đàn áp đó nói với RFA :
"Ngoài cái việc chung thì ông Tố Hữu còn có cái tư thù của ông ấy, vì nhóm Nhân văn dám làm một cuộc hội thảo để phê bình tập thơ Việt Bắc của ông ấy, trong đó có hai người là Trần Dần và Hoàng Cầm".
Hai ông Trần Dần và Hoàng Cầm là hai nhà thơ bị đàn áp nặng nề trong vụ Nhân văn giai phẩm.
Theo nhà văn Thùy Linh, chính vị trí độc tôn mà cách mạng cộng sản dành cho ông Tố Hữu, cũng như vai trò đàn áp của ông trong vụ Nhân văn giai phẩm làm cho nhiều nhà văn nhà thơ Việt Nam nhìn ông Tố Hữu rất khắc khe, phủ nhận hết những gì gọi là thơ của ông ấy.
Một giáo viên tại Đà Nẵng, gốc Huế, nói với chúng tôi rằng ông cũng có định kiến về ông Tố Hữu, vì thế rất ít đọc về tác giả này.
Với câu chuyện xây khu tưởng niệm ông Tố Hữu tại Huế, người giáo viên này nói :
"Theo tôi thấy thì người dân Huế chẳng ai quan tâm đến Tố Hữu hết, kể cả những người hoạt động cách mạng lúc trước, cho nên một công trình bề thế như vậy không cần thiết, hơn nữa xứ Huế là xứ nhỏ nhẹ, vừa phải, không cần làm những công trình đồ sộ vớ vẫn".
Cả hai người, nhà thơ Hoàng Hưng và nhà văn Nguyễn Viện đều dễ dàng đồng ý với ý kiến này. Ông Hoàng Hưng cho rằng tưởng niệm một nhân vật thì không có gì quá đáng, nhưng với qui mô của dự án như vậy thì không cần thiết. Nhà văn Nguyễn Viện nói thêm rằng với tư cách một nhà chính trị thì ông Tố Hữu là là người mắc phải rất nhiều sai lầm trong những năm ông phụ trách kinh tế, mà bây giờ lập khu tưởng niệm với tiền thuế của dân nữa thì ông hoàn toàn không đồng ý.
Nhà thơ Đỗ Trung Quân lại đưa ra một ý kiến khác :
"Cứ xây đi, để sau này người ta còn có cái để mà hạ xuống. Đó là ý kiến cá nhân của tôi".
Nhà văn Thùy Linh nói rằng, với hai tư cách, nhà thơ, và chính khách, Tố Hữu hoàn toàn thất bại.
Kính Hòa