Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tổng - Chủ đâu rồi ?

Nguyễn Thị Huyền, VNTB, 07/02/2020

Là một đảng viên, tôi luôn quan tâm đến đảng của mình đang quản lý đất nước này ra sao trước dịch bệnh đến từ Trung Quốc tràn sang. Thế nhưng tôi không thấy người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam xuất hiện và lên tiếng về dịch virus Vũ Hán. Chính điều này nên tình cờ đọc bài báo trên CNN, tôi nghĩ chỉ cần thay đổi tên ông Tập Cận Bình thành Nguyễn Phú Trọng, là có ngay bài báo phù hợp tình cảnh Việt Nam (1).

npt1

Không thấy người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam xuất hiện và lên tiếng về dịch virus Vũ Hán. Ảnh minh họa Tổng bí thư-Chủ tịch nước chúc Tết Xuân Canh Tý ngày 16/01/2020 giữa lúc đại dịch nCov từ Trung Quốc lây lan sang Việt Nam

Một ông bạn là nhà báo của tôi đã lược dịch, và tôi chỉ ‘hiệu đính’ thêm danh từ riêng tương ứng vào bài báo này để muốn nói rằng tôi cũng đang thắc mắc là ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đi đâu rồi ?

(…) "Giới chuyên gia nhận định đây là điều bất thường bởi một lãnh đạo quốc gia phải là người đứng ở tuyến đầu mỗi khi có khủng hoảng nổ ra. Việc ông vắng bóng trên các phương tiện truyền thông ở vào thời điểm như hiện nay khiến nhiều người ngạc nhiên.

Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền hồi năm 2012, People’s Daily, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Trung Quốc, thường xuyên đăng các bài viết về ông, không chỉ trên trang nhất mà ở cả những trang khác với các bức ảnh gần như giống hệt nhau ghi lại cảnh Chủ tịch Trung Quốc bắt tay nhiều quan chức.

Nhưng người xuất hiện nhiều trên truyền thông Trung Quốc giữa cuộc khủng hoảng dịch viêm phổi là Thủ tướng Lý Khắc Cường (ở Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Chuyến thị sát của ông Lý đến Vũ Hán, thành phố khởi phát dịch viêm phổi, được đưa tin đậm nét trên truyền thông nước này.

npt2

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Tập Cận Bình biến đi đâu trong cơn dịch siêu virus nCov ? Ảnh Nikkei Asian Review (30/01/2020)

Việc ông Tập (tương ứng ở Việt Nam là ông Nguyễn Phú Trọng) không xuất hiện trên People’s Daily những ngày qua khiến dư luận Trung Quốc chú ý, nhất là trong bối cảnh các quan chức ở nhiều cấp đang tìm cách "đá quả bóng trách nhiệm" và đổ lỗi lẫn nhau vì đã để dịch bùng phát ở quy mô lớn.

Các quan chức Vũ Hán là những người thất bại rõ ràng nhất trong cuộc khủng hoảng nCoV và một số người đã nộp đơn xin từ chức. Nhưng khi virus tiếp tục lan rộng khắp Trung Quốc và trên toàn thế giới với số người chết cùng số ca nhiễm không ngừng tăng lên, việc những quan chức cấp thấp bị trừng phạt có lẽ chưa đủ để làm dịu cơn giận dữ của công chúng.

Các chuyên gia cho rằng sự vắng mặt của ông Tập trên truyền thông nhà nước Trung Quốc dường như là một động thái có chủ đích, nhằm phát đi thông điệp rằng ông đang làm việc miệt mài nơi hậu trường, giám sát và chỉ đạo mọi hành động ứng phó mà không cần thiết phải xuất hiện quá nhiều.

"Chính phủ Trung Quốc (Chính phủ Việt Nam) có lẽ vẫn trong quá trình cân nhắc xem khi nào là thời điểm thích hợp để Chủ tịch Tập (Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng) ra mặt dẫn dắt cuộc chiến chống virus corona", Rui Zhong, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Wilson, trụ sở ở Washington, bình luận.

(…) Trong một bài bình luận trên trang nhất ngày 4/2, People’s Daily nhấn mạnh cuộc chiến chống nCoV là "cuộc chiến toàn dân" và chỉ có thể giành được thắng lợi nếu cả đất nước "đoàn kết hơn" dưới sự lãnh đạo của đảng và Chủ tịch Tập ở trung tâm". (dừng lược trích)

Như vậy, được quyền ngờ vực một kịch bản tương tự đang diễn ra tại Việt Nam. Khi ấy sẽ có truyền thông rằng Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đã chỉ đạo kịp thời, hiệu quả với tất cả sự quyết đoán giúp nhân dân Việt Nam chiến thắng được dịch bệnh, và vẫn giữ được mối quan hệ giao thương của láng giềng gần gũi núi liền núi, sông liền sông…

Có lẽ con vi rút từ bên Vũ Hán chạy sang đây đang khiến tôi như uống mật gấu dám ngờ vực chính Tổng bí thư đảng của mình. Xem ra tôi tự diễn biến mất rồi, Đảng ơi !

Nguyễn Thị Huyền

Nguồn : VNTB, 07/02/2020

(1) https://edition.cnn.com/2020/02/05/asia/xi-jinping-china-wuhan-virus-intl-hnk/index.html

*******************

Nghe thủ tướng hay tin lời của thứ trưởng y tế ?

Hiền Lương, VNTB, 07/02/2020

Liên quan vấn đề sức khỏe, ông thứ trưởng y tế là nhà chuyên môn về bệnh truyền nhiễm, nên hiểu rõ cơ chế lây nhiễm của virus và công dụng thật sự của khẩu trang. Thủ tướng không thể rành chuyện này bằng ổng. Nhưng nếu tin ông thứ trưởng thì coi bộ lại không ổn chút nào về lây nhiễm ở mùa dịch hiện tại.

tin1

Ông Nguyễn Thanh Long, thứ trưởng Bộ Y tế, nói rằng không cần đeo khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi, vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy khẩu trang có thể bảo vệ người dùng hoàn toàn khỏi virus.

"Vừa vào họp, chủ tọa nói mình bị gây áp lực khi thấy các nhà báo trong phòng họp mang khẩu trang. Tụi tui lâm vào tình cảnh khó xử. Nhưng may là ai cũng khôn ngoan và biết tự bảo vệ cho mình, nên không ai bắt chước ông thứ trưởng tháo khẩu trang. Có lẽ ai nấy đã có kinh nghiệm từ vụ xúm nhau đánh chén cá biển hồi Formosa…". Nhà báo P.H.P, kể về câu chuyện ‘khẩu trang lý sự ký’.

Số là Bộ Y tế vừa tổ chức cuộc họp cung cấp thông tin về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV). Trả lời câu hỏi về các phương thức phòng tránh dịch bệnh, thứ trưởng Bộ Y tế – ông Nguyễn Thanh Long nói rằng không cần đeo khẩu trang y tế mọi lúc mọi nơi, vì chưa có bằng chứng khoa học cho thấy khẩu trang có thể bảo vệ người dùng hoàn toàn khỏi virus. Việc đeo khẩu trang chỉ là một phần để phòng tránh dịch bệnh, ngăn ngừa trực tiếp việc bắn dịch, nước bọt từ người có virus sang người bình thường.

Bộ Y tế cũng không yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang. Những người khỏe mạnh không cần thiết phải đeo khẩu trang. Chỉ những người lui tới các cơ sở y tế, những người đi chăm sóc bệnh nhân, các bệnh nhân đang điều trị hoặc những người làm việc tại các cơ sở y tế mới cần dùng khẩu trang y tế.

Tuy nhiên với những quan chức ngoài ngành Y như thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hay những người chịu trách nhiệm quản lý ở Thành phố Hồ Chí Minh thì họ lại đưa ra cách nghĩ khác.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các biện pháp mạnh hơn nữa để chống dịch viêm phổi Vũ Hán, như toàn dân có thể phải đeo khẩu trang. Bộ trưởng Lao động, thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung tán đồng và cho rằng đeo khẩu trang là rất cần thiết. Theo ông Dung, người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội hay các địa bàn đông người qua lại biên giới cần làm trước và rất cần được trang bị khẩu trang đảm bảo chất lượng.

Sở Công thương và Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho hay ở Thành phố Hồ Chí Minh tổng cộng có 322.126 người ưu tiên bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày để phòng virus corona lây lan. Có 5 nhóm đối tượng ưu tiên bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày.

Nhóm được ưu tiên nhất là cán bộ, công chức, nhất là những người làm việc ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ; nhóm 2 là tiểu thương, nhân viên, người lao động làm việc tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi ; nhóm 3 là nhân viên làm việc ở cơ sở lưu trú và khách sạn trên địa bàn ; nhóm 4 là nhân viên làm việc ở bến xe, cảng hàng không, đường thủy, taxi, xe buýt ; và nhóm 5 là nhân viên các bếp ăn tập thể.

Tổng cộng có 322.126 người ưu tiên bắt buộc sử dụng khẩu trang hằng ngày. Với nhu cầu sử dụng bình quân một người dùng 3 cái/ngày, thì 5 nhóm đối tượng ưu tiên cần hơn 966.000 cái/ngày. Và theo khẳng định của của Sở Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, có 13 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang ở Thành phố, năng lực cung cấp hơn 1,6 triệu cái/ngày, nên đáp ứng được nhu cầu cho cả 5 nhóm, số còn lại phục vụ người dân.

Nhà báo P.H.P bình phẩm : "Ông thứ trưởng là nhà chuyên môn về bệnh truyền nhiễm nên hiểu rõ cơ chế lây nhiễm của virus và công dụng thật sự của khẩu trang. Thủ tướng không thể rành chuyện này bằng ổng. Nhưng giữa khoa học và thực tiễn cuộc sống lại khác nhau. Nhà chuyên môn và quảng đại công chúng cũng không thể như nhau. Không tiếp xúc gần nguồn lây nhiễm thì chỉ có nước ở nhà hay ra ruộng, ra biển. Còn nếu phải ra đường và tới nơi công cộng, khi không thể giữ khoảng cách an toàn thì khẩu trang chính là giải pháp bảo vệ không thể thay thế.

Càng nguy hơn nữa khi các nhà chuyên môn đã khuyến cáo người nhiễm Wuhan coronavirus có khi không có triệu chứng đặc trưng và có thể lây nhiễm ngay cả khi còn ủ bệnh. Vấn đề mấu chốt ở đây là sử dụng khẩu trang sao cho an toàn.

Ông giáo sư tiến sĩ thứ trưởng thừa nhận WHO chưa chứng minh được khẩu trang có khả năng chặn lây lan virus. Tôi trộm nghĩ có lẽ vì vậy nên họ mới làm ngơ không đưa vào khuyến cáo cụ thể. Điều đó phải hiểu là WHO cũng không hề bác bỏ chức năng của khẩu trang. Có nghĩa tùy sự lưa chọn của người ta sao cho an toàn nhất.

Theo tôi, tốt nhất là nên tuyên truyền cho người dân cách sử dụng khẩu trang đúng đắn và đúng chuẩn. Đừng tạo cớ cho công chúng bác bỏ vai trò của khẩu trang, rất nguy hại cho cộng đồng. Thí dụ, giờ tới nơi nào đó không phải bệnh viện mà có yêu cầu phải mang khẩu trang, người ta có thể viện dẫn lời ông thứ trưởng y tế để từ chối đeo khẩu trang. Điều gì mà khoa học vẫn còn hoang mang đúng và sai, thì tốt cho tất cả vẫn là chọn ở phía an toàn nhất – bất chấp có lố chút đỉnh…".

Lưu ý, "lố chút đỉnh" như lời nhà báo P.H.P, liệu chừng có thể được ‘mời cà phê’ từ cơ quan công quyền.

Hiền Lương

Nguồn : VNTB, 07/02/2020

*********************

Ông Nguyễn Xuân Phúc có dám vượt rào ?

Nguyễn Nam, VNTB, 06/02/2020

Diễn biến dịch virus Corona ở Việt Nam đang mang đến cảm giác Chính phủ Việt Nam – lưu ý, ở đây chưa thấy vai trò của cơ quan đảng – bắt đầu minh bạch hơn. Và chờ đợi tiếp theo là những công dân đang phải chịu cảnh tù đày (bao gồm có án và chưa có án) vì ‘bất đồng chính kiến’ với Đảng cộng sản Việt Nam, liệu có được ‘minh bạch’ qua việc Chính phủ sẽ trao trả họ lại đời sống với tất cả các quyền dân sự hiến định ?

tin2

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng chính phủ, đang dốc toàn lực trong quyền hạn, và cả ‘vượt thẩm quyền’ trong ngăn chặn dịch virus Corona từ Trung Quốc đại lục tràn sang.

Sở dĩ dùng từ ‘minh bạch’ với những người được gọi là bất đồng chính kiến, vì trên thực tế họ phản đối các chính sách, quyết sách do đảng cộng sản đưa ra. Họ không chống đối Chính phủ Việt Nam. Luật pháp hình sự cũng không có điều khoản nào về tội danh bất đồng chính kiến với đảng cộng sản.

Mặc dù vấp nhiều chê trách, nhưng Việt Nam đã khá nhanh trong ban bố chống dịch

Trở lại câu chuyện về dịch virus đến từ Trung Quốc đại lục. WHO ngày 30/1 đã tuyên bố đợt bùng phát virus Corona mới gây viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" (public health emergencies of international concern-PHEIC). Hơn 24 tiếng sau đó, ngày 1/2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra.

Lúc tuyên bố "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" (PHEIC), Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói rằng ở hiện tại không cần thiết đến việc áp dụng các biện pháp ngăn trở người dân đi lại và giao thương, dù rằng nhiều chính phủ, hãng hàng không và doanh nghiệp các nước đã đưa ra những chính sách như vậy.

Ngày 30/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngừng cấp visa cho khách du lịch Trung Quốc, trừ visa công vụ, không khuyến khích giao thương, buôn bán, qua lại cửa khẩu trong lúc này. Khuyến cáo hạn chế đến Trung Quốc trừ trường hợp đặc biệt. Có biện pháp kiểm soát y tế tại các cửa khẩu. Ngành y tế theo dõi sát sao sức khỏe công dân, lưu học sinh, khách du lịch từ Trung Quốc khi nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng 15 ngày với tinh thần hạn chế đi lại.

Sau khi có Quyết định số 173/QĐ-TTg do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV) gây ra, Cục Hàng không Việt Nam thông báo hủy toàn bộ các phép bay đã cấp và dừng cấp phép chuyến bay mới cho các hãng hàng không khai thác giữa Việt Nam và Trung Quốc từ 13g ngày 1/2. Với quyết định "đóng cửa" đường hàng không từ Việt Nam tới Trung Quốc, các chuyến bay từ "tâm dịch" corona Trung Quốc tới Việt Nam bị từ chối tiếp nhận.

Khi đảng cộng sản chỉ còn là cái bóng mờ nhạt trong chống dịch

Dồn dập diễn biến cho thấy dường như người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đang chứng tỏ với quốc dân rằng ông đang dốc toàn lực trong quyền hạn, và cả ‘vượt thẩm quyền’ trong ngăn chặn dịch virus Corona từ Trung Quốc đại lục tràn sang.

Gọi là ‘vượt thẩm quyền’, vì ở Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Chương 4 "Chống dịch", Mục 1 "Công bố dịch", Điều 38. Nguyên tắc, thẩm quyền, thời hạn và điều kiện công bố dịch, cho biết, "Thủ tướng Chính phủ công bố dịch theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A khi dịch lây lan nhanh từ tỉnh này sang tỉnh khác, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người".

Cụ thể về nhóm A, được quy định ở Điều 3 "Phân loại bệnh truyền nhiễm". Theo đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A bao gồm bệnh bại liệt ; bệnh cúm A-H5N1 ; bệnh dịch hạch ; bệnh đậu mùa ; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg) ; bệnh sốt Tây sông Nin (Nile) ; bệnh sốt vàng ; bệnh tả ; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh".

Khi các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A lây từ tỉnh này sang tỉnh khác trong phạm vi Việt Nam, thì thẩm quyền công bố dịch là thuộc Thủ tướng chính phủ. Ở trường hợp dịch virus đến từ Trung Quốc đại lục, và WHO đã tuyên bố đợt bùng phát virus Corona mới gây viêm phổi Vũ Hán là "tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu" (PHEIC), thì tương ứng trong trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch ở đây phải là Chủ tịch nước, ông Nguyễn Phú Trọng.

Mục 2 của Chương 4, Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, Điều 42 ‘Nguyên tắc và thẩm quyền ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch’ : "1. Việc ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch được thực hiện theo nguyên tắc sau đây : a) Khi dịch lây lan nhanh trên diện rộng, đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người và kinh tế – xã hội của đất nước thì phải ban bố tình trạng khẩn cấp ; b) Việc ban bố tình trạng khẩn cấp phải công khai, chính xác, kịp thời và đúng thẩm quyền.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội ra nghị quyết ban bố tình trạng khẩn cấp theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ ; trong trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Chủ tịch nước ra lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp".

Ở Việt Nam thì Chủ tịch nước và Tổng bí thư là một. Sự im lặng của Chủ tịch nước trong chuyện dịch bệnh, cũng đồng nghĩa sự im lặng của đảng cộng sản ở vấn nạn đến từ Trung Quốc này. Còn vì sao lại im lặng thì đó là điều mà nếu ai đó lại ‘ý kiến’, dễ bị ‘chụp mũ’ như nhiều tù nhân chính trị khác đang thụ hình, lẫn chưa có án.

Chính phủ Việt Nam sẽ ‘vượt rào’ để chấm dứt việc dưới quyền Bộ Chính trị ?

Câu hỏi đặt ra : trước thềm ký kết EVFTA, liệu bằng quyền lực của Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc có thể yêu cầu trả tự do cho tất cả những công dân bị kết án vì ‘bất đồng chính kiến’ với Đảng cộng sản Việt Nam ? Lưu ý, ở đây không đề cập trường hợp vừa bất đồng chính kiến với đảng cộng sản, vừa chống chính phủ Việt Nam.

Ở Việt Nam, Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, là cơ quan chấp hành của Quốc hội, với tính cách là cơ quan hành pháp, đồng thời phải thực hiện chức năng quản lý điều hành tất cả các mặt của đời sống xã hội.

Như vậy, xem ra câu trả lời ở đây hoàn toàn phụ thuộc vào việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc muốn chứng minh với thế giới rằng Việt Nam minh bạch và dân chủ đến đâu, thông qua việc xem xét trả lại quyền tự do cho tất cả các công dân vì bất đồng chính kiến với Đảng cộng sản Việt Nam mà phải chịu cảnh lao tù.

Nguyễn Nam

Nguồn : VNTB, 06/02/2020

Published in Diễn đàn