Tại cuộc họp báo diễn ra vào chiều thứ sáu - 20 tháng 4, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính của chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, khẳng định, dự luật về Thuế tài sản mà Bộ Tài chính giới thiệu tuần trước được soạn thảo dựa trên chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Quốc hội và Chính phủ.
Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, dự luật về Thuế tài sản được soạn thảo dựa trên chỉ đạo của Bộ Chính trị
Điều ông Dũng vừa minh định cho thấy ông Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam đã nói dối.
Ngày 14 tháng 4, sau khi Bộ Tài chính công bố dự luật về Thuế tài sản, theo đó, hệ thống công quyền Việt Nam có ý định buộc chủ các bất động sản có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên và chủ các động sản có giá trị từ 1,5 tỉ đồng trở lên phải đóng thuế, dư luận Việt Nam đã sôi lên sùng sục. Cả Đảng cộng sản Việt Nam lẫn Quốc hội, Chính phủ bị tất cả các giới chỉ trích không tiếc lời.
Ba hôm sau - ngày 17 tháng 4, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký của Quốc hội Việt Nam, bảo với tờ Tuổi Trẻ rằng, nhờ… báo chí ông mới… biết về ý tưởng thu thuế tài sản. Ông Phúc trấn an công chúng rằng, dự luật về Thuế Tài sản chỉ là ý tưởng của một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Tài chính, chứ Quốc hội Việt Nam chưa có bất kỳ dự tính nào về việc xem xét, thông qua một đạo luật về Thuế tài sản. Cách ông Phúc diễn giải về dự luật Thuế tài sản khiến nhiều người tin rằng, cái gọi là dự luật Thuế tài sản chỉ là… nghiên cứu rồi giới thiệu nghiên cứu đó một cách… không chính thức !
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng thư ký Quốc hội
Cứ theo lời ông Phúc thì dự luật về Thuế tài sản không có trong chương trình làm luật của Quốc hội năm nay và năm tới. Ông Nguyễn Duy Hưng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cũng tham gia trấn an công chúng khi cả quyết : Chính phủ chưa có lịch xem xét dự luật Thuế tài sản và cũng chưa có chủ trương đề nghị Quốc hội xem xét dự luật này.
Tuy Tổng Thư ký Quốc hội và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - một viên chức mang hàm Thứ trưởng - không phải là trẻ con nhưng công chúng vẫn phân vân, bởi cách nay đúng sáu năm - tháng 4 năm 2012, Bộ Tài chính Việt Nam từng tuyên bố, cơ quan này đã chính thức triển khai việc soạn thảo một đạo luật về Thuế Tài sản, chẳng lẽ Tổng Thư ký Quốc hội và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ không nhớ hoặc không biết Bộ Tài chính đang làm gì.
Thêm ba hôm nữa - ngày 20 tháng 4, Bộ trưởng Tài chính chính thức kêu oan với công chúng. Ông Dũng nhấn mạnh, thu thuế tài sản không phải là sáng kiến của Bộ Tài chính - đó là chỉ đạo của cả giới lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam lẫn Quốc hội, Chính phủ Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ chỉ đạo đó, cơ quan này mới tính toán để giới thiệu các phương án thu Thuế tài sản : Nếu thu theo tỉ lệ 0,3% đối với bất động sản có giá trị từ 700 triệu và động sản có giá trị từ 1,5 tỉ trở lên, công khố sẽ có thêm 23.300 tỉ đồng/năm. Còn nếu thu theo tỉ lệ 0,4% đối với bất động sản và động sản có giá trị tương ứng, hệ thống công quyền sẽ có thêm 31.000 tỉ đồng để chi tiêu. Theo lời ông Dũng, những nội dung này rõ ràng không phải chỉ là "phát ngôn ở cấp Vụ của Bộ Tài chính", chúng nằm trong dự luật về Thuế Tài sản và Bộ Tài chính công bố những nội dung đó nhằm thu thập ý kiến đóng góp cho dự luật.
Tại sao ông Dũng lại "vạch áo cho thiên hạ xem lưng", làm bẽ mặt cả đại diện Quốc hội lẫn đại diện Chính phủ ?
Ông Dũng không giải thích.
Tuy nhiên có thể thấy rất rõ, từ khi thuế trở thành… đa dạng về loại và tăng không ngừng về tỉ lệ thu, áp lực của dư luận dồn lên ông Dũng cũng như Bộ Tài chính - cơ quan do ông lãnh đạo - càng lúc càng lớn. Ai mà không đau khi trong mắt đồng bào, mình trở thành Bộ trưởng Bộ… Vặt lông.
"Giơ đầu chịu báng" mãi dễ làm người ta nổi quạu.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/04/2018