Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Triển khai tự chủ đại học cần sự chuẩn bị mang tính hệ thống, không thì đường đi chỉ dừng lại ở khẩu hiệu và hô hào.

Đó là phát biểu của Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng, được Tạp chí điện tử Giáo Dục Việt Nam dẫn lại hôm 3/4/2021. Ông Khuyến cho rằng, nếu còn cơ quan chủ quản thì trường đại học không có quyền tự chủ đích thực mà chỉ là tự chủ trên danh nghĩa.

daihoc1

Ảnh minh họa Lễ phát bằng tốt nghiệp đại học ở Hà Nội - AFP

Vào tháng 11/2020, trang mạng Bộ Giáo Dục-Đào Tạo có bài "Tự chủ trong giáo dục đại học : thực trạng, khó khăn và giải pháp".

Bài viết trích dẫn lời Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, tự chủ giáo dục đại học đã được thực hiện từ năm 2015, sau khi có Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ, đặc biệt từ khi có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo Dục Đại Học (Luật 34) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật 34.

Ông nói trong quá trình triển khai thực hiện, có những vướng mắc liên quan tới các cơ quan quản lý, chưa kể hệ thống văn bản pháp luật chưa được sửa đổi, bổ sung, quản trị tài chính cũng chưa đồng bộ.

Đó là lý do mấy năm qua nhiều chuyên gia cảnh báo nếu không giải quyết được vấn đề tự chủ thì đại học Việt Nam không thể cất cánh, thêm nữa là Chính phủ nên có tổng kết về thí điểm tự chủ đại học.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến còn trình bày 5 nội dung ông cho là thiết yếu để tiến tới tự chủ đại học, tựu chung vẫn là Hội Đồng Trường và Ban Giám Hiệu phải thoát khỏi sự lệ thuộc vào cơ quan chủ quản và Đảng ủy. 

Một người tâm huyết với giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, bày tỏ tâm đắc trước ý kiến ‘còn cơ quan chủ quản thì không có tự chủ đại học thực sự’ mà Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường Đại học, Cao đẳng, nêu ra :

"Ông Lê Viết Khuyến từng là Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này, cho nên tôi rất tin tưởng đề xuất của ông. Tôi cũng thấy nếu gọi là tự chủ mà lại phụ thuộc vào cơ quan chủ quản cấp tiền rồi quản lý về tư tưởng, quản lý về tổ chức, thậm chí cả vấn đề xây dựng cơ sở vật chất, cất nhắc người này người kia, có khi cài cắm cả con cháu mình vào Hội Đồng Trường… thì như thế đúng là chả có gì gọi là tự chủ nữa".

Một thí dụ được tiến sĩ Mặc Văn Trang kể đến là trường Đại học Tôn Đức Thắng với Tổng Công đoàn giữ vai trò chủ quản :

"Công đoàn hiểu gì về giáo dục mà quản lý ? Cuối cùng họ can thiệp thô bạo vào trường là điều rất rõ. Tôi nghĩ ý kiến của ông Lê Viết Khuyến là đúng".

Chuyên gia về Đông Nam Á và Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, trình bày con đường tự chủ đại học của Việt Nam :

"Nền giáo dục Việt Nam thời xã hội chủ nghĩa thì trước đây không có đại học tư nhân nào, cho nên không có khái niệm tự chủ đại học".

"Năm 1989 thì có một đại học ngoài công lập, là đại học tư Thăng Long do nữ Giáo sư Toán học Hoàng Xuân Sính làm Chủ tịch. Đấy là đại học tư đầu tiên, khá là độc lập với hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam"

Càng về sau, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nói tiếp, nhiều trường đại học khác được lập ra, thì nhu cầu về một qui chế hay bộ luật cho phép các trường đại học ngoài công lập được mức độ tự quản hay tự chủ cao càng cao, dẫn đến Bộ Luật Giáo Dục Đại Học :

"Luật Giáo Dục Đại Học có phần quy định về cách tổ chức, huy động vốn, trả tiền giáo viên… Tất cả thành cơ chế tự chủ. Thế nhưng Chính phủ vẫn nắm hai thứ : một là anh tự chủ về tài chính và chuyên môn nhưng chính quyền vẫn quản anh về mặt không được phong Phó Giáo sư, Giáo sư. Phong học hàm phải xin phép Bộ Đại Học mới được cấp học vị, Thạc sĩ hay Tiến sĩ vẫn phải đi xin. Hội Đồng bảo vệ luận án tiến sĩ đó vẫn phải có người của chính phủ. Không có đủ quyền tự khẳng định mà vẫn phải là quyền thẩm định của chính phủ thì lấy đâu ra tự chủ".

"Năm ngoái từng xảy ra một chuyện ở đại học Tôn Đức Thắng. Nhìn vào thì tưởng đấy là đại học tư nhưng thực ra do cơ quan chủ quản là Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam quản theo luật của Liên đoàn Lao động. Thành ra đã có lúc mà Liên đoàn lao động làm một việc rất trái luật, cách chức ông hiệu tưởng đi và đến nay vẫn chưa xử lý xong việc ấy".

Đây là một trong những hệ quả không mấy hay từ việc một hay nhiều trường đại học không có quyền tự quản trị cơ sở giáo dục của mình, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp khẳng định :

"Hiện đang có Hiệp hội Các trường Đại học, tên cũ của nó là Hiệp hội Các trường Đại học ngoài Công lập. Bây giờ một ông trước đây là Phó Ban Tuyên Giáo của Đảng đứng ra làm chủ".

"Mình không nói nó sẽ như thế nào, nhưng tất cả là không vượt qua được sự quản lý, kiềm chế và kiểm soát của giới lãnh đạo chính trị tức Đảng cộng sản Việt Nam. Không vượt qua được thì làm thế nào đến tự trị hay tự chủ thực sự ?".

Vấn đề tự chủ đại học không mới, Nhà nước đã tăng dần việc trao quyền tự chủ cho các đại học từ một thập niên qua. Thế nhưng vướng mắc về mặt cơ cấu đã khiến tiến trình đi quá chậm. Đó là nhận xét của Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh :

"Tức là ý thức về tự chủ đại học ngày càng tăng nhưng mà quá chậm. Cuối cùng Việt Nam đã có một số quyết định, một số chính sách hợp lý, ví dụ phải có Hội đồng trường bên cạnh Ban Giám hiệu và Việt Nam thì có cả Đảng ủy nữa".

"Cái vướng về mặt cơ cấu là vẫn còn bộ chủ quản. Bộ chủ quản là những người đứng trên nhà trường. Nếu họ không hài lòng về cách làm nào đó trong nhà trường hoặc không hài lòng về ông hiệu trưởng thì họ có quyền miễn nhiệm. Đây là vấn đề mà nhiều người đặt ra, tại vì có những bước tiến bộ nhưng vẫn chưa đến mức thực sự trao quyền tự chủ cho các trường". 

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, rằng nếu không giải quyết được vấn đề tự chủ thì đại học Việt Nam không thể cất cánh :

"Đại học là thiết chế, trong đó tri thức của xã hội ở mức cao nhất và chuyên ngành nhất. Vì đó là nơi sản sinh tri thức, vậy nếu như nó nằm dưới một cơ quan chủ quản, hay nôm na là một ông chủ nào đó, thì những người sản sinh ra tri thức để giải quyết những vấn đề mới của xã hội mà lại phải nghe lời một người nào hay là bị vướng víu bởi cơ cấu tổ chức thì rõ ràng họ không phát huy được tất cả".

"Tôi thấy những nước gần mình, không quá chênh lệch về mức sống và trình độ phát triển xã hội như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia… họ hơn Việt Nam về độ tự chủ đại học".

Trong lúc nhà giáo Mạc Văn Trang băn khoăn trước câu hỏi biết bao giờ có tự chủ đại học đích thực, chuyên gia Hà Hoàng Hợp cho rằng tự chủ đại học là xu thế tất yếu, thì Giáo sư Vũ Thị Phương Anh tin là Việt Nam đang chuyển dần sang tiêu chuẩn, quy định giao quyền tự chủ rồi sau đó là hậu kiểm :

"Sự tiến bộ đó đã bắt đầu lan ra nhưng Nhà nước vẫn giữ lại Bộ chủ quản là cái nhiều người cho là vướng mắc nhất. Việt Nam là nước có Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, cho nên phải nói tự chủ đại học là "Áo mặc không qua khỏi đầu".

"Tuy nhiên không thể không thừa nhận, có thể là tự nguyện, cũng có thể do sức ép hội nhập toàn cầu… vân vân, Nhà nước Việt Nam không thể không thay đổi. Các trường đại học vẫn loay hoay tự chủ cách này cách khác",

"Đúng là đường đi chưa tới, nhưng tôi vẫn tin là nó sẽ tới mặc dù chậm, và cái chậm đó là đáng tiếc".

Cần nhắc tại phiên làm việc hồi tháng 11/2020, Thứ trưởng giáo dục Hoàng Minh Sơn kết luận rằng quá trình thực hiện thí điểm về tự chủ đại học đã có thành công nhất định, là xu hướng không thể đảo ngược và cần làm sao để ngày càng tốt hơn.

Vẫn theo lời ông, không có gì mới mà có thể đồng bộ được ngay. Mọi thứ đang chuyển động theo chiều hướng tích cực, các văn bản đang hoàn chỉnh. Năng lực của các trường đại học, nhận thức của từng thành viên, ông khẳng định, đã chuyển biến rõ rệt so với từ ba tới năm năm trước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 09/04/2021

Published in Diễn đàn