Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bộ Giáo dục và Đào tạo mong muốn đại biểu các trường đại học ‘nói thật, nói thẳng’ những vướng mắc đã gặp phải trong quá trình tự chủ những năm qua, sau khi thực hiện luật Giáo dục Đại học sửa đổi.

daihoc1

Các diễn giả và khách mời tham dự tọa đàm sáng 12/11/2020

Tự chủ đại học với yêu cầu Đảng lãnh đạo toàn diện

Tại hội thảo khoa học xin ý kiến dự thảo Đề án đẩy mạnh tự chủ đại học giai đoạn 2024-2030, diễn ra mới đây tại thành phố Đà Nẵng, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học nhấn mạnh, Giáo dục Đại học đóng vai trò then chốt trong thực hiện đột phá chiến lược về nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao gắn với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư, kiến tạo phát triển và quản lý Giáo dục Đại học.

Tự chủ đại học là thuộc tính của hệ thống Giáo dục Đại học, là nền tảng và động lực then chốt để các cơ sở Giáo dục Đại học tối ưu hóa hoạt động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, gia tăng sức cạnh tranh, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, nghiên cứu.

Nhiệm vụ của đề án là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò giám sát của cơ quan quản lý nhà nước và xã hội đối với cơ sở Giáo dục Đại học ; Đổi mới chính sách, cơ chế tài chính đại học…

Trong đó, đổi mới chính sách, cơ chế tài chính đại học sẽ gồm 6 nhiệm vụ : Cân đối ngân sách nhà nước cho Giáo dục Đại học đảm bảo chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường và tiếp cận công bằng ; Tăng cường hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư cho Giáo dục Đại học ; Đổi mới chính sách hỗ trợ tài chính cho sinh viên ; Huy động nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, khu vực tư nhân phát triển Giáo dục Đại học ;

Hoàn chỉnh chính sách học phí và giá dịch vụ giáo dục đào tạo ; Đổi mới quản trị tài chính của các cơ sở Giáo dục Đại học ; Nâng cao năng lực cơ sở Giáo dục Đại học sẽ đa dạng hóa nguồn thu cho cơ sở Giáo dục Đại học từ hoạt động dịch vụ, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ... để tăng nguồn tài chính cho hoạt động của cơ sở Giáo dục Đại học.

Độc quyền quyền lực thì rất khó tự chủ

Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, cái gốc của tự chủ phải nói đến vấn đề phân quyền. Theo đó, nếu phân quyền mà không xác định quyền ở đâu thì sẽ quay lại câu chuyện tranh chấp quyền lực trong nội bộ, dẫn đến xung đột trong tổ chức.

Ông Nguyễn Quý Thanh cho rằng, đầu tiên nguyên tắc của phân quyền là quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành khác nhau phải được chuyển vào các tổ chức đệm, và hội đồng trường chính là tổ chức đệm đó.

"Hiện nay tổ chức hội đồng trường không được ủy thác các quyền lực của cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Chỉ sử dụng một số quyền lực của đảng ủy, một số quyền lực của ban giám hiệu, từ đó ra quyết định về những vấn đề của nhà trường sẽ dẫn đến một số tranh chấp nhất định", ông Thanh phân tích.

"Nếu chúng ta ủy thác mạnh hơn cho hội đồng trường thì hội đồng trường mới thực quyền. Thành viên hội đồng trường phải là những người có thực quyền chứ không chỉ là đại diện theo kiểu mặt trận cho đầy đủ các thành phần như khi vận hành", ông Thanh diễn giải tiếp.

Phản biện đề xuất trên, PGiáo sư Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Hà Nội, cho rằng chủ tịch hội đồng trường và các thành viên cốt cán hội đồg trường cần phải có quan điểm rõ ràng : hội đồng trường vai trò quản trị, đừng đòi tham gia việc quản lý.

"Nhiều lúc chỉ vì chủ tịch hội đồng trường muốn tham gia vào công tác quản lý của trường, một số việc đáng lẽ giao cho hiệu trưởng, ví dụ bổ nhiệm một trưởng phòng hay trưởng khoa, hội đồng trường giao cho hiệu trưởng bổ nhiệm theo nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ, thì sẽ giải quyết được những vướng mắc khó khăn trong mối quan hệ giữa hội đồng trường và ban giám hiệu hiện nay", ông Thạch nêu vấn đề.

Mười năm rồi… chưa cũ

Giáo sư Phạm Hồng Quang, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thái Nguyên, cho rằng trong 3 quyền tự chủ là tài chính, bộ máy, học thuật, thì đề án cần cố gắng làm rõ : tài chính và bộ máy là phương tiện để đạt đến cái cuối cùng là tự do sáng tạo, tự do học thuật, cống hiến của đại học với đất nước. Từ đây giải tỏa cách suy nghĩ cho một số bộ ngành có liên quan tới việc quản lý tiền, để họ hiểu rằng nếu hai vấn đề tài chính và tổ chức - bộ máy thông thoáng được thì trường đại học đủ sức tồn tại.

Thế nhưng ý kiến của Giáo sư Phạm Hồng Quang lại đưa đến một tranh luận khác là nên hiểu tự do học thuật như thế nào ? Bởi chỉ mỗi chuyện chọn người tài để bổ nhiệm đã phải theo "nguyên tắc của Đảng", vì thì tự do tư tưởng cho quyền tự do học thuật có phải theo "nguyên tắc của Đảng" ?

"Cách đây 10 năm tôi và các thầy trong Ban Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã lên gặp Thủ tướng Chính phủ để nói về tự chủ đại học. Lúc đấy một thầy trong Ban Giám đốc có câu ví von rất hay : Các trường công lập như một con trâu bị buộc vào một gốc cây. Mỗi một nghị định, chính sách mới là cái dây buộc mũi con trâu được nới dài ra một chút, nhưng vẫn quanh quẩn gốc cây đó…" - GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), kể câu chuyện 10 năm rồi vẫn… chưa cũ.

Sơn Trà

Nguồn : VNTB, 24/10/2023

Published in Diễn đàn

Tự chủ đại học vẫn đang là đề tài ‘loanh quanh’ ở Việt Nam dù như trong luật có qui định rõ ràng. Theo giới trí thức am hiểu thì con đường tự chủ đại học Việt Nam chưa có điểm đến vì còn bị nhiều ràng buộc.

tuchu1

Đại học Tôn Đức Thắng là một mô hình tốt, là một điểm sáng của giáo dục của tự chủ Đại học.

Bộ Giáo dục và đào tạo Việt Nam vào ngày 4/8 phối hợp cùng Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội tổ chức hội nghị tự chủ đại học năm 2022 với sự hiện diện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và 900 đại biểu.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng tự chủ Đại học là một cơ chế mới, phức tạp nên quá trình triển khai thời gian qua vẫn bộc lộ nhiều vướng mắc, khó khăn và hạn chế.

Phát biểu tại hội nghị tự chủ đại học 2022, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói rằng việc thực hiện tự chủ đại học là một chặng đường đổi mới rất dài và còn nhiều chông gai phía trước.

Ông tuyên bố : "Đây là quá trình cọ xát từ tư tưởng, nhận thức đến thống nhất hành động, được đưa vào các Nghị Quyết của Trung ương, văn bản qui phạm pháp luật, tiếp tục vừa làm vừa tổng kết, điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi, thí điểm…".

Vẫn theo ông Vũ Đức Đam, tự chủ đại học như "con đường một chiều không quay lại được, là con đường rất dài, rất khó, có nhiều điều mới chưa lường trước được…". 

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với cơ sở giáo dục Đại học công lập giai đoạn 2014-2017, hệ thống giáo dục Đại học đã có bước tiến dài, các nguồn lực được khơi thông, năng lực của cơ sở đào tạo được phát huy tối đa.

Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Bùi Anh Tuấn, Trường Đại học Ngoại thương, vì chưa xây dựng được một lộ trình tự chủ Đại học rõ ràng nên thiếu những định hướng cụ thể để tiếp tục triển khai tự chủ Đại học sau giai đoạn thí điểm.

Ông nói có những xu hướng đối lập nhau trong quá trình tự chủ Đại học. Nhiều trường chưa đủ năng lực thực hiện tự chủ vì đã quen với cơ chế xin - cho, quen được cầm tay- chỉ việc, "sợ" làm sai.

Trước hết cần hiểu tự chủ đại học ở đây nằm trong khuôn khổ các đại học công lập mà thôi, là nhận định của nhà nghiên cứu Đông Nam Á và Việt Nam, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp :

"Các đại học ngoài công lập, tức là các đại học tư nhân, thì đương nhiên người ta phải tự chủ. Đại học tư nhân không thể dựa vào Chính phủ được, nhiều lắm chỉ đưa được vào chỗ là xin đất để xây trường thôi, còn về tài chính, chương trình giảng dạy, việc tuyển lựa giáo sư… đều phải tự lo hết".

"Bây giờ đặt vấn đề tự chủ đại học đối với các đại học công lập là gì ? Là tự lo phần lớn về mặt tài chính, tư lo phần lớn hay gần như tuyệt đối về mặt chuyên môn, trừ môn Chính Trị. Thế nhưng về mặt tài chính thì không thể lo toàn bộ được vì trường công lập được Chính phủ cấp tiền thông qua Bộ Giáo dục. Thế thì tự chủ về mặt chuyên môn là một, thứ hai về mặt nhân sự, thứ ba về mặt tài chính là không làm được".

Một trong những trở ngại, khó khăn nhất của tự chủ đại học là khung nhân sự, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp lý giải tiếp, vì tại Việt Nam sau 1975 các đại học công lập được coi như một tổ chức thuộc Chính phủ :

"Quyền quyết định về nhân sự và các tổ chức trong đại học ấy phải do Bộ Nội vụ làm. Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục là cấp trên trực tiếp của đại học ấy. Nếu cho tự chủ tức là đại học ấy có quyền bổ nhiệm nhân sự nào đó mà trên không có quyền bác bỏ… thì đương nhiên là ở trên không công nhận, không cho phép".

Đối với Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng, từ Đại học Vương quốc Bỉ sang Việt Nam trong chương trình giảng dạy và đào tạo Tiến sĩ, Thạc sĩ, bảo chưa có lộ trình để thực thi chính sách tự chủ đại học là đúng, nhưng chưa ra được một lộ trình là do tư duy, do cơ chế :

"Đâu phải giới lãnh đạo đại học không biết là phải có ! Chỉ vì lộ trình có hiệu quả thì phải thay đổi tư duy giáo dục sai lầm bấy lâu nay. Mặt khác, lộ trình đúng nghĩa sẽ đụng đến chính trị".

Trình bày quan điểm của ông với RFA qua điện thư, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng viết :

"Không có tự chủ đại học thì khó mà phát huy tự do học thuật. Một môi trường học tập lành mạnh là điều kiện cho đại học phát triển để sinh viên được hưởng lợi ích của sự hiểu biết. Không có tự chủ đại học thì tính khoa học đúng nghĩa cũng không có, những giá trị chân chính của một nền đại học nhằm khai phóng nhân sinh khó có thể xuất hiện".

Các vị lãnh đạo trong Chính phủ cũng như các trường đại học chừng như loanh quanh với quá nhiều chi tiết phức tạp chứ không dám đi thẳng vào cốt lõi vấn đề tự chủ đại học, được nói đến từ 2012. 

Đây là nhận xét của một blogger giấu tên, thính giả và độc giả của RFA :

"Pháp luật Việt Nam nói chung và Luật Giáo dục Việt Nam nói riêng không có quy định về việc định nghĩa cụ thể khái niệm tự chủ Đại học là gì. Nhưng tại khoản I Điều 32 Luật Giáo dục Đại học năm 2012 thì tự chủ đại học là việc mà một trường đại học thực hiện hoạt động tự chủ trong các lĩnh vực tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học".

 "Luật Giáo dục Đại học năm 2012 rất là hay, tự chủ nhiều thứ lắm, về chương trình học tập, về nhân sự, hành chính, quản lý, rồi quan trọng nữa là về tài chính…"

"Thực tế thì báo Nhà nước lại đưa tin Đại học Quốc Gia Hà Nội muốn có được tự chủ cao hơn, trong đấy đủ các thứ mong muốn. Điều này cho thấy chưa có gì đáng gọi là tự chủ đại học trong suốt 10 năm qua, từ khi có Luật Giáo Dục Đại học này".

Trích dẫn một đoạn trong một bài viết trên mạng hôm 15/8, blogger không tiết lộ danh tánh chia sẻ những chi tiết ông đọc được về tự chủ đại học : ‘Chính phủ có kế hoạch tiếp tục đề cử và bổ nhiệm hội đồng quản trị của mỗi trường đại học công lập, bất kể mức độ tự chủ được cấp cho một tổ chức. Vì vậy ‘Rất khó để tuyên bố và đảm bảo ‘quyền tự chủ hoàn toàn về thể chế’ trong bối cảnh như vậy. Thậm chí còn khó hơn để đảm bảo quyền tự chủ hoàn toàn về thể chế’, trong đó Chủ tịch và một số hoặc đa số thành viên Hội đồng là các quan chức cấp cao của Chính phủ".

"Cái lớn nhất của tự chủ Đại học là tự chủ về học thuật, tư tưởng. Thứ hai là tự chủ về nhân sự, về tổ chức. Tất cả những cái đó không thấy các vị nói đến, chỉ loanh quanh về tài chính thôi. Kế đến là tuyển sinh và thi cử cũng đâu có được tự chủ".

"Ý kiến của ông Vũ Đức Đam, nói rằng ‘nhiều trường không thực hiện điều gọi là Chủ tịch Hội đồng Trường phải là Bí thư hay Đảng ủy’ nghe đã thấy buồn cười rồi, có nghĩa người đứng đầu trường đại học đó là "người què". Chỉ riêng chỗ đó đủ thấy con đường tự chủ đại học vẫn còn ở đâu đó".

Đã là đại học công lập còn ghép hai từ tự chủ vào, rồi không tự quản trị được 100% tài chính, nhân sự thì sao gọi là tự chủ đại học cho được, là lời nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp.

Phải dứt khoát coi đại học là cơ sở đào tạo con người có hiểu biết với các giá trị Chân, Thiện, Mỹ thay vì quan niệm dùng đại học làm phương tiện tuyên truyền chính trị của phe nhóm, là khẳng định của giáo Sư Nguyễn Đăng Hưng.

Thực hiện dân chủ cơ sở cho đại học, ông nhấn mạnh, thì hiệu trưởng trường phải được bầu lên thay vì được chỉ định. Việc chọn lựa giáo sư, giảng sư phải theo tiêu chuẩn quốc tế, tức là tôn trọng tầm vóc chuyên môn thực sự có tầm cỡ quốc tế.

Tất cả những điều này giúp các đại học công của Việt Nam phát huy và phát triển thực lực xứng tầm quốc tế, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng kết luận. 

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 17/08/2022

Published in Diễn đàn