Cho đến lúc chúng tôi viết xong bài này, là đúng một tháng, cuốn phim 10 tập "The Vietnam War" của hai nhà đạo diễn Mỹ là Kenn Burnes và Lynn Novick đã được trình chiếu rộng rãi trên các phương tiện truyền thống đại chúng. Đối với khán giả các giới Việt Nam trong và ngoài nước, đã có những cảm nhận khác nhau, đưa đến các cuộc tranh cãi trong chốn riêng tư hay qua các bài viết về nội dung, ý nghĩa, tính trung thực và khách quan hay không của bộ phim này.
Một cảnh trong Vietnam War.
Trong bài trước "The Vietnam War là chiến tranh gì ?", được đăng tải trên diễn đàn này của Đài VOA, người viết đã định danh, định hình là "Cuộc Nội Chiến Ý Thức Hệ Quốc-Cộng" giữa người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia (chủ nghĩa quốc gia : Nationalism) và người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản (chủ nghĩa cộng sản : Communism) trong bối cảnh cuộc "Chiến Tranh Ý Thức Hệ Toàn Cầu" (The Global War Of The Ideology) giữa cộng sản chủ nghĩa (Communism) đứng đầu là Liên Xô với phe các nước xã hội chủ nghĩa ; và tư bản chủ nghĩa (Capitalism) đứng đầu là Hoa Kỳ với phe các nước tư bản chủ nghĩa.
Trong bài viết này, người viết sẽ định tính và định lượng "The Vietnam War là chiến tranh của ai, do ai và vì ai ?".
I. The Vietnam War là chiến tranh của ai ?
Theo cách định danh, định hình của chúng tôi (bên cạnh cách định danh, định hình khác như chúng tôi đã trình bày) thì The Vietnam War là cuộc chiến giữa "Hai phe, bốn bên".
Hai phe đó là : Phe xã hội chủ nghĩa (xã hội chủ nghĩa) đứng đầu là Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa (hay cộng sản) trong đó có bên cộng sản Bắc Việt (gọi tắt là Việt cộng) ; và phe tư bản chủ nghĩa (tư bản chủ nghĩa)đứng đầu là Hoa Kỳ và các nước tư bản chủ nghĩa, trong đó có bên quốc gia Nam Việt (gọi tắt là Việt quốc). Cả hai phe cùng thực hiện "cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu" giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa dưới hình thái một "cuộc Chiến tranh nóng" (The Hot War) hay "Chiến tranh cục bộ" tại chiến trường Việt Nam.
Bốn bên đó là : Bên Liên Xô, Trung Quốc với các nước xã hội chủ nghĩa (bên ngoài gián tiếp tham chiến) và bên Việt cộng (bên bản xứ trực tiếp tham chiến) thuộc phe xã hội chủ nghĩa.- Bên Hoa Kỳ với các nước đồng minh tư bản chủ nghĩa (bên ngoài tham chiến gián tiếp lúc đầu (1954-1963), sau trực tiếp tham chiến) và bên Việt quốc (bên bản xứ trực tiếp tham chiến) thuộc phe tư bản chủ nghĩa.
Như vậy có thể coi "The Việt Nam War" là "ngoại chiến"(chiến tranh ngoài nước) của các nước Liên Xô, Trung quốc với các nước trong phe xã hội chủ nghĩa ; cũng là "ngoại chiến" của Hoa Kỳ với các nước đồng minh trong phe tư bản chủ nghĩa. Đồng thời "The Vietnam War" là "Nội chiến" của hai bên người Việt Nam theo ý thức hệ cộng sản và người Việt Nam theo ý thức hệ quốc gia. Chính vì vậy chúng tôi đã định danh, định hình chiến tranh Việt Nam là một "Cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng". Cuộc nội chiến này diễn ra trong bối cảnh của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa là như thế.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng, dù hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, có thể bề ngoài cùng chung mục tiêu, lý tưởng (của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản) , nhưng khác biệt lợi ích và ý đồ giữa các bên tham chiến muốn thành đạt thông qua "The Vietnam War". Bởi lẽ nếu hai "cuộc chiến ý thức hệ toàn cầu" và "cuộc nội chiến ý thức hệ Quốc-Cộng" tại Việt Nam là một, thì sau ngày 30-4-1975, "bên thua cuộc" Việt quốc đã không còn lý do tiếp tục chống lại "bên thắng cuộc" Việt cộng cho đến nay và vẫn đang tiếp tục cho đến khi nào giành được mục tiêu tối hậu của chủ nghĩa quốc gia là dân chủ hóa đất nước. Và mặc dù cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu giữa cộng sản chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa (hay là cuộc Chiến tranh Lạnh theo cách gọi của Tây phương) đã chấm dứt 27 năm rồi (1990-2017).
II. The Vietnam War là chiến tranh do ai ?
"Cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu" hình thành sau Thế Chiến II diễn ra dưới hai hình thái "Chiến tranh Lạnh " (The Cold War) giữa các cường quốc giầu mạnh (Chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, chạy đua vũ trang…) và "Chiến tranh Nóng" (The Hot War) nơi các nước nghèo yếu như Việt Nam (chiến tranh tâm lý, khủng bố, chiến tranh vũ trang…(1)).
Phe cộng sản, đứng đầu là Liên Xô thì phất cao ngọn cờ "Cách mạng vô sản" để lôi kéo các nước nghèo đi vào quỹ đạo của mình, để cùng thực hiện mục tiêu lý tưởng chung của chủ nghĩa xã hội (Chính trị độc tài toàn trị- Kinh tế chỉ huy hoạch định cứng rắn, tài sản công hữu, tiến tới xã hội cộng sản không còn giai cấp…(2)
Phe thư bản đứng đầu là Hoa Kỳ thì phất cao ngọn cờ " tự do dân chủ" để lôi kéo các nước nghèo đi vào quỹ đạo của mình để cùng thực hiện mục tiêu lý tưởng chung của chủ nghĩa tư bản (Chính trị dân chủ pháp trị, kinh tế thị trường tự do cạnh tranh, tôn trọng quyền tư hữu trong một xã hội tự nhiên vốn có giai cấp, cộng đồng đồng tiến...(3).
Sự cạnh tranh giữa hai phe cộng sản và tư bản để"lấn đất dành đồng chí hay bảo vệ đồng minh giữ đất" đã đưa đến các cuộc chiến tranh cục bộ nơi các nước thường là những nước nghèo, mới thoát ách thống trị của các đế quốc thực dân.Các cuộc chiến tranh cục bộ này thường là các cuộc nội chiến ý thức hệ do có sự xung đột giữa ý thức hệ vốn có từ trước của những người trong nước (chủ nghĩa quốc gia) với ý thức hệ cộng sản (chủ nghĩa cộng sản) mới du nhập. Thực tế tựa hồ như có sự phân công : Phe cộng sản thường ở thế tấn công, phát động chiến tranh lấn chiếm lãnh thổ, cướp chính quyền. Phe tư bản thì thường ở thế phản công, ngăn chặn, đẩy lùi để bảo vệ lãnh thổ, chính quyền với tổ chức xã hội hiện hữu nơi các nước có hiểm họa cộng sản (Chủ thuyết Domino)
Việt Nam cũng như một số nước nghèo yếu ( như Miên, Lào, Đại Hàn, một số nước ở Châu Phi, Châu Mỹ Latin…) có số phận không may đã rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu. Vì trước đó, chủ nghĩa cộng sản đã du nhập Việt Nam, với đảng cộng sản Việt Nam chính thức có mặt trên chính trườngViệt Nam từ ngày 3-2-1930 tạo ra mâu thuẫn đối kháng với chủ nghĩa quốc gia (quân chủ chuyên chế rồi dân chủ tự do…). Nói cách khác, nếu chủ nghĩa cộng sản không du nhập, đã không có đảng cộng sản Việt Nam, đã không có cuộc "nội chiến ý thức hệ quốc-cộng" kéo dài nhiều thập niên qua, trước cũng như sau cuộc chiến tranh Quốc-Cộng (1954-1975) cho đến nay vẫn chưa chấm dứt. Do đó, dù muốn dù không Việt Nam đã được chọn là chiến trường thực hiện hình thái "Chiến tranh nóng" cao độ, để qua đó các cường quốc đứng đầu hai phe cộng sản và tư bản tranh dành lãnh địa, lôi kéo Việt Nam đi vào quỹ đạo của mình, nhân danh mục tiêu lý tưởng tối hậu của chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa tư bản.
Một số người Việt Nam, hàng đầu như Ông Hồ Chí Minh, đã bị mê hoặc của lối mời chào này, quy tụ thành "Đảng Cộng sản Việt Nam" ( đảng cộng sản Việt Nam ra đời năm1930), nằm trong hệ thống các đảng cộng sản quốc tế, nên đã tự nguyện, chủ động tiến hành "Cách mạng vô sản" dưới ngọn cờ "chống ngoại xâm, giành độc lập" (thời kỳ kháng chiến chống pháp)hay "Chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước"(Thời kỳ chến tranh ý thức hệ toàn cầu) để cướp chính quyền Miền Nam, cộng sản hóa Việt Nam, mở mang bờ cõi cho phe xã hội chủ nghĩa hay cộng sản chủ nghĩa. Vì vậy, để thực hiện cuộc chiến tranh này, bên Việt cộng đã được Liên Xô, Trung Quốc và "Các nước xã hội chủ nghĩa anh em" chi viện dồi dào mọi mặt về của, về người, như vũ khí, lương thực, y tế và cả nhân lực cố vấn, chuyên gia, hậu cần hay ngụy trang tham gia chiến đấu, để"giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước" dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, cộng sản hóa cả nước..
Hiệp Định Genève 1954 chia đôi Việt Nam đã chấm dứt chế độ thuộc địa của thực dân Pháp kéo dài gần 100 năm (1858-1954). Vì Hiệp định này chỉ là sự ký kết giữa chính quyền thực dân Pháp và Việt Minh (tức Việt cộng) sau khi căn cứ chiến lược Điện Biên Phủ bị thất thủ, nên việc giao Miền Bắc Việt Nam từ vỹ tuyến 17 cho Việt cộng chỉ có ý nghĩa như là Pháp bị mất một nửa thuộc địa Việt Nam cho phe xã hội chủ nghĩa, để sau đó, một nửa nước Miền Bắc Việt Nam trở thành "tiền đồn cho phe xã hội chủ nghĩa", có nhiệm vụ phát động cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam, đưa Việt Nam vào hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, có chung một "Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Liên Xô" (có sự cạnh tranh ngôi vị của Trung Quốc).
Một nửa Miền Nam Việt Nam Pháp đã đến lúc không thể tiếp tục kéo dài chế độ thuộc địa,buộc phải trao trả độc lập hoàn toàn, sau khi đã trao trả độc lập từng phần từ năm 1949, cho chính quyền quân chủ Việt Nam với vua Bảo Đại, là vị vua cuối cùng của dòng họ Nguyễn đã trị vì trước và sau khi bị thực dân Pháp xâm chiếm đô hộ. Và vì vậy, chính quyền quốc gia quân chủ và sau đó chính quyền dân chủ Việt Nam Cộng Hòa coi mình là một chính quyền chính thống của quốc gia Việt Nam, tiếp nhận nền độc lập từ tay thực dân pháp. Thế nhưng sau đó lại rơi vào thế gọng kìm của cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu. Miền Nam Việt nam đã trở thành "Tiền đồn cho phe tư bản chủ nghĩa" hay còn gọi là "Tiền đồn thế giới tự do" đứng đầu là Hoa Kỳ với các nước phe tư bản chủ nghĩa, viện trợ mọi mặt cho chính quyền và nhân dân Miền Nam, trực tiếp tham chiến chống cộng,để cùng ngăn chặn, đẩy lùi cuộc chiến tranh thôn tính Miền Nam, nhuộm đỏ đất nước của Việt cộng, được Liên Xô, Trung Quốc và các nước phe xã hội chủ nghĩa chi viện toàn diện.
Đến đây có thể trả lời cho câu hỏi "The Vietnam War" là chiến tranh do ai gây ra : Rằng chính Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa ở thế tiến công đã gây ra cuộc chiến, khi chủ mưu và hổ trợ cho đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Bắc Việt khởi động cuộc chiến tranh Việt Nam, với vũ khí, lương thực đạn dược, các phương tiện giết người của Liên Xô, Trung quốc và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Vậy các bên khởi động cũng như bị động tham gia cuộc chiến tranh Việt Nam là vì ai ?
III. The Vietnam War là chiến tranh vì ai ?
Như ở phần (I) chúng tôi đả viết : "dù hai cuộc chiến này cùng diễn ra trên chiến trường Việt Nam, trùng lắp không gian và thời gian, có thể bề ngoài cùng chung mục tiêu, lý tưởng, nhưng khác biệt lợi ích và ý đồ giữa các bên tham chiến muốn thành đạt thông qua "The Vietnam War".
Vậy The Vietnam War là chiến tranh vì ai ? - Chúng tôi thử nhận định qua bốn bên trong hai phe tham gia trực tiếp hay gián tiếp cuộc chiến Việt Nam là vì ai ?
Đối với hai bên ngoại chiến đứng đầu phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô ( thêm Trung Quốc) và đứng đầu phe tư bản chủ nghĩa là Hoa Kỳ, thì cả hai bên tham gia chiến tranh Việt Nam gián tiếp hay trực tiếp đều vì quyền lợi quốc gia của họ, dưới chiêu bài khác nhau. Bên Liên Xô (cũng như Trung Quốc) và bên Hoa Kỳ và một số nước đồng minh khi tham chiến đều nhằm thành đạt các lợi ích chính trị,quân sự kinh tế và các lợi ích khác của chính quốc gia của họ, thông qua cuộc chiến Việt nam. Cả hai bên ngoại chiến đều nhân danh những lý tưởng cao đẹp khi tham chiến là để giúp hai bên nội chiến đồng chí (Việt cộng) hay đồng minh (Việt quốc) thắng cuộc để thực hiện mục tiêu lý tưởng chung.
Chẳng hạn về chính trị cả Liên Xô và Hoa Kỳ đều thông qua chiến tranh Việt Nam để tạo ảnh hưởng, lôi kéo Việt nam vào quỹ đạo của mình. Liên Xô thì có tham vọng cộng sản hóa toàn cầu để trở thành bá chủ. Hoa Kỳ thì tham gia chiến tranh Việt Nam trong nỗ lực ngăn chặn, đẩy lùi các cuộc chiến tranh xâm lấn lãnh địa, thực hiện tham vọng cộng sản hóa toàn cầu của Liên Xô
Chẳng hạn về quân sự, kinh tế …các cường quốc trong hai phe cộng sản và tư bản nhờ chiến tranh Việt Nam đã tiêu thụ được lượng vũ khí đạn dược và các khí tài quân sự tồn đọng sau Thế Chiên II và là nơi thử nghiệm thêm nhiều loại vũ khí mới. Một điển hình là sau Hiệp Định Genève chia đồi Việt Nam, quân đội VNCH ở Miền Nam ở thế thủ, trong thời gian đầu đã chỉ được Hoa Kỳ trang bị các loại súng cá nhân từ thời Thế Chiến II như súng Garant (mỗi khi bắn phải lên cò từng viên), hay súng liên thanh Carbin M.1 hay M.2. Mãi cho đến khi quân đội CSBV được Liên Xô, Trung Quốc trang bị cho vũ khí cá nhân AK, thì quân đội VNCH mới được Hoa Kỳ trang bị cho AR.15 hay 16. Nghĩa là quân đội VNCH được trang bị vũ khí các loại tối tân theo kiểu "nước lên, thuyền lên". Bên Việt cộng đóng vai trò tấn công trong cuộc chiến được Liên Xô, Trung Quốc trang bị các loại vũ khí tối tân đến đâu thì quân đội VNCH ở thế thủ cũng được Hoa Kỳ và đồng minh trang bị vũ khí tối tân đến đó.
Vì vậy, theo nhận định của chúng tôi, một khi thấy "The Vietnam War"không còn lợi ích, các cường quốc đứng đầu hai phe đã tìm cách chủ động đưa cuộc chiến Việt Nam đi đến kết thúc.Vì vậy chúng tôi từng nhận định rằng, thực tế"The Vietnam War" chấm dứt như thế"không phải là thắng lợi của phe này ( Phe xã hội chủ nghĩa và Việt cộng) đối với phe kia (Phe tư bản chủ nghĩa và Việt quốc) mà chỉ là vì nhu cầu phải thay đổi thế chiến lược quốc tế mới của các cường quốc cực mà thôi" (4)
Đối với bên nội chiến Việt cộng ở Miền Bắc thì phát động chiến tranh nhân danh lợi ích ngụy dân tộc "kháng chiến chống Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước" để đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội, vì "độc lập- tự do-Hạnh phúc" của nhân dân. Đồng thời, nhân danh quyền lợi giai cấp vô sản, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cộng sản làm "Chiến tranh cách mạng" để nhuộm đỏ Việt Nam và các nước Đông Dương (Việt-Miên-Lào…), cộng sản hoá tòan cầu để thực hiện mục tiêu lý tưởng cộng sản tối hậu (một thế giới đại đồng, không còn biên giới quốc gia, xã hội cộng sản viên mãn như "Thiên đường cộng sản"). Do đó đã được Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa chi viện vũ khí đạn dược, lương thực dồi dào để giành chiến thắng bằng bạo lực cách mạng.
Đối với bên nội chiến Việt quốc ở Miền Nam thì buộc lòng phải tham gia một cuộc chiến tự vệ vì lợi ích dân tộc, để bảo vệ phần đất Miền Nam và chế độ dân chủ VNCH vì lý tưởng tự do dân chủ, với sự trợ giúp nhiều mặt của Hoa kỳ và đồng minh. Mục tiêu lý tưởng của Việt quốc là dân chủ hóa cả nước, không phải bằng bạo lực chiến tranh thôn tính, mà bằng ưu thắng của chế độ dân chủ pháp trị giầu mạnh văn minh tiến bộ ở Miền Nam trên chế độ độc tài toàn trị cộng sản nghèo yếu, lạc hậu ở Miền Bắc. (như thực tế nước Đức đã thống nhất bằng sự ưu thắng của chế độ dân chủ Tây Đức giầu mạnh, trên chế độ độc tài cộng sản Đông Đức …)
Vậy thì, một cách khách quan và công bằng, chúng tôi cho rằng cả hai bên nội chiến phát động chiến tranh từ Miền Bắc (Việ t cộng) hay chiến tranh tự vệ ở Miền Nam (Việ t quốc) đều có ý hướng muốn thống qua cuộc chiến giành chiến thắng để có điều kiện thực hiện mục tiêu lý tưởng tối hậu của mình trên cả nước, theo chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa quốc gia. Vì tự tin rằng đó là điều tốt đẹp cho nhân dân, đất nước và dân tộc.
Vì thế, chúng tôi nghĩ rằng hai bên Việt quốc cũng như Việt cộng, dù ở thế chẳng đặng đừng phải làm công cụ cho hai phe ngoại bang trong cuộc chiến tranh ý thức hệ toàn cầu, nhưng không người Việt quốc gia chân chính nào ở Miền Nam nghĩ rằng mình tham gia cuộc chiến chống cuộc chiến tranh xâm lấn của cộng sản Bắc Việt là "đánh thuê cho Mỹ", mà là để bảo vệ phần đất Miền Nam vì lý tưởng tự do dân chủ của chủ nghĩa quốc gia. Trái lại, cũng như những người Việt cộng sản chân chính, không ai nghĩ rằng "Ta đánh Mỹ đây là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung quốc" như Cố Tổng Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam Lê Duẩn đã phải tuyên bố khi Việt Nam bị Trung Quốc bức bách sau chiến tranh ; mà hầu hết thực tâm tham gia cuộc chiến là say mê vì lý tưởng cộng sản mà họ tin là cao đẹp, có thể hiện thực. Chẳng thế mà trong thời kỳ chiến tranh, cố Thủ tướng Việt cộng Phạm Văn Đồng đã ra công hàm năm 1958 tán đồng tuyên bố chủ quyền Biển Đông của Trung Quốc, có lẽ vì cả tin cho rằng "không còn biên giớ i quốc gia theo chủ nghĩa cộng sản", thì các hải đảo ở Biển đông là của Việt Nam hay Trung Quốc cũng thế thôi ?-
Tựu chung, cuộc chiến tranh "cố t nhục tương tàn" (1954-1975) và sau khi cuộc chiến tranh này đã kết thúc 42 năm rồi (1975-2017) đã cho thấy cuộc chiến tranh ấy đã không đem lại những điều tốt đẹp gì cho nhân dân, đất nước và dân tộc như mong đợi của cả đôi bên Việt Quốc cũng như Việt Cộng. Thực tế chẳng cần nói ra thì ai cũng biết, cuộc chiến ấy đã chỉ để lại những hậu quả nghiêm trọng, toàn diện và di hại lâu dài cho dân, cho nước. Trong khi mục tiêu lý tưởng tối hậu của "bên thắ ng cuộc" cũng như "bên thua cuộ c" vẫn chưa bên nào đạt được.
"Bên thắng cuộc" (Việ t cộng) thì đã có điều kiện và cơ hội thực hiện mục tiêu lý tưởng của mình là xây dựng chủ nghĩa xã hội sau chiến tranh. Thế nhưng đã thất bại hoàn toàn sau 10 năm đầu thử nghiệm triệt để chủ nghĩa xã hội(1975-1985) qua "đổi mới" 10 năm (1985-1995) vẫn không thành, phải "mở cửa" bắt tay với cựu thù "Đế quốc Mỹ" để cho các nước tư bản tràn vào đầu tư. Từ đó và nhờ đó đảng cộng sản Việt Nam đã thoát hiểm, kinh tế Việt Nam cất cánh để có bộ mặt xã hội phát triển phồn vinh như hôm nay. Đời sống nhân dân ngày được nâng cao, dù sự cách biệt giầu nghèo còn sâu sắc ; nhân dân từng bước đã được trả lại các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền.
"Bên thua cuộc" (Việ t quốc) thì tiếp tục đẩy mạnh các hình thức "chống cộng" vì mục tiêu dân chủ hóa đất nước, tạo lực đẩy, lực xoay cùng chiều về phía dân chủ, làm tăng tốc dân chủ hóa để sớm kết thúc giai đoạn cuối cùng của tiến trình dân chủ hóa Việt Nam một cách hòa bình.
Thiết tưởng, đảng và nhà cầm quyền hiện nay, mà thực chất cũng như thực tế không còn là cộng sản nữa, đã đến lúc phải thức thời, mạnh dạn vất bỏ "cái mặ t nạ cộng sản" đi và công khai khẳng định con đường đưa đất nước đến phôn thịnh, văn minh tiến bộ và dân chủ là "con đườ ng phát triển theo kinh tế thị trường, định hướng tư bản chủ nghĩa", không nên tiếp tục lừa bịp nhân dân bằng "con đườ ng kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Vì đó là chiếu hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam.
Thiện Ý
Houston, ngày 17/10/2017
Nguồn : VOA, 31/10/2017
Ghi chú :
(1), (2), (3) và (4)
Xin vào : luatkhoavietnam.com, Mục "Diễn Đàn", Tiểu mục Tác giả-Tác phẩm" để đọc thêm "Việt Nam Trong Thế Chiến Lược Quốc Tế Mới" của Thiện Ý, ấn hành tháng 4-1995, tái bản năm 2005- Vào Tiểu mục "Thuyết trình-Phỏng vấn" để nghe Đài VOA phỏng vấn tác giả về tác phẩm này.
Chính phủ Việt Nam nói gì về phim 'The Vietnam War' ? (BBC, 22/09/2017)
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng lên tiếng về bộ phim tài liệu The Vietnam War (Chiến tranh Việt Nam) tại buổi họp báo thường kỳ hôm 21/9, theo truyền thông trong nước.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng
Trả lời câu hỏi của phóng viên AFP rằng chính phủ Việt Nam đánh giá như thế nào về bộ phim và những phản ánh trong bộ phim có thực sự khách quan hay không, bà Hằng nói :
"Đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, mang tính chính nghĩa, phát huy được truyền thống sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc, được bạn bè và nhân dân thế giới hết sức ủng hộ. Chính vì thế đã đi đến thắng lợi cuối cùng và thống nhất đất nước".
Phóng viên này cũng hỏi liệu Người phát ngôn Bộ Ngoại giao đã xem bộ phim tài liệu hay chưa và mô tả những người làm phim cho rằng bộ phim của họ "phản ánh khách quan" về cuộc chiến này.
Bà Hằng nói rằng "Cá nhân tôi mong muốn nhân dân Mỹ và các nhà làm phim hiểu được tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng như thiện chí của Việt Nam".
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao không đưa ra bình luận gì về nội dung chi tiết trong bộ phim tài liệu mà chỉ khẳng định sự cải thiện trong mối quan hệ song phương giữa Việt Nam - Hoa Kỳ sau chiến tranh.
"Những bước phát triển tích cực trong mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ vừa qua là kết quả của những nỗ lực to lớn của hai nước và chủ trương của Việt Nam về việc gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai", bà Hằng cho biết.
Bộ phim tài liệu 10 phần dài 18 tiếng do hai đạo diễn người Mỹ Ken Burns và Lynn Novick chính thức được công chiếu hôm 17/9 trên kênh phát sóng cũng như trang web của đài PBS của Hoa Kỳ và đã thu hút nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế và Việt Nam.
Giới trẻ và học giả Việt Nam nghĩ gì ?
Trong buổi Bàn tròn Thứ Năm với BBC Tiếng Việt, cựu đạo diễn, blogger Song Chi chia sẻ nhận định của bà về bộ phim Chiến tranh Việt Nam :
"Vẫn là cái nhìn của người Mỹ về Việt Nam. Bộ phim tư liệu phỏng vấn nhiều người khác nhau, tuy nhiên cả ba phe đều thấy những điểm không hài lòng.
"Bộ phim mổ xẻ được, chỉ trích sai làm của chính quyền Mỹ, sự thất bại của người Mỹ, và đề cao quân Bắc Việt, coi thường lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa. Ví dụ như anh em ông Diệm cũng không được Mỹ đánh giá tích cực. Miền Bắc cũng sẽ không thích đề cập đến Mặt trận giải phóng dân tộc là do cộng sản dựng lên dưới sự hậu thuẫn của Liên Xô và Trung Quốc".
"Bộ phim cho thấy ý chí sắt đá của người cộng sản, mặt khác cũng cho thấy sự tàn bạo, thảm sát Mậu Thân mà phía miền Bắc vẫn không muốn thừa nhận. Đây là lý do Hà Nội cũng không muốn công chiếu bộ phim dù miền Bắc được khen khá nhiều".
"Người Việt chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào sự thật, đặc biệt là người cộng sản. Sẽ rất khó để có một bộ phim chiến tranh Việt Nam trung thực.
"Trong tương lai, người Việt Nam một lúc nào đó sẽ làm một bộ phim thật sự về cuộc chiến vì đó là cuộc chiến của chúng ta. Khi không học được bài học của quá khứ thì sao có thể bắt đầu về tương lai được".
Một khách mời trẻ trong chương trình, cựu sinh viên Học viện báo chí truyền thông, Mai Doãn Đông bình luận :
"Bộ phim là một khối tư liệu hình ảnh khổng lồ về cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với nhân dân Việt Nam, ý nghĩa nhất cho các bạn trẻ, để có một cảm xúc, cái nhìn đa chiều về một cuộc chiến mà thế hệ chúng tôi chưa từng được trải qua.
Bộ phim cung cấp nhiều thông tin về nội bộ chính phủ của Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson (phải) trong cuộc chiến Việt Nam
"Tôi cũng có lời góp ý cho các bạn tra quan tâm đến lịch sử Việt Nam nói chung và chiến tranh Việt Nam nói riêng. Hãy đi, hãy tìm hiểu, để biết rằng thế giới này rộng lớn hơn rất nhiều, và tình chất phức tạp đa dạng của một cuộc chiến".
Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo tự do Việt Nam nói :
"Đây là một trong những bộ phim về chiến tranh Việt Nam có tính khách quan nhất, có cả hai chiều, sẽ làm cho một số người Mỹ không hài lòng. Tôi không hiểu sao chính quyền Việt Nam thận trọng đến mức không cho công chiếu ở Việt Nam. Một cái gì đó thuộc về sự thật lịch sử thì trước sau cũng phải công bố. Chính quyền Hà Nội nên tôn trọng lịch sử, không thể bưng bít được".
**********************
"Vietnam War" được chiếu trên đài truyền hình Pháp-Đức (RFI, 18/09/2017)
Kể từ tối 19/09/2017, đài truyền hình Pháp-Đức Arte bắt đầu chiếu bộ phim tài liệu nhiều tập tựa đề "Vietnam War" (Chiến tranh Việt Nam) của đạo diễn Mỹ Ken Burns, với cái nhìn của các binh lính và thường dân của cả hai phía, và trong đó có nhiều tài liệu chưa bao giờ được công bố.
John O'Connor, một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam năm 1967-1968, đang đọc danh sách trên màn hình Moving Wall, sau lễ khai trương Welcome Home 2011, tại Navy Pier, vào ngày 17/06/2011. SCOTT OLSON / GETTY IMAGES NORTH AMERICA / AFP
Bộ phim này đã bắt đầu được chiếu trên đài PBS ở Mỹ từ hôm qua, với 10 tập, mỗi tập hơn 1 giờ 30, còn trên đài Arte, khán giả sẽ được xem tổng cộng 9 tập, mỗi tập được thu gọn còn 52 phút, được phát trong 3 buổi tối, từ 19/09 đến 21/09.
Trả lời phỏng vấn AFP, đạo diễn Ken Burns, được coi là bậc thầy về phim tài liệu, thổ lộ : "Đây là bộ phim tham vọng nhất trong cuộc đời của tôi". Đạo diễn 64 tuổi này đã mất 10 năm và đã đầu tư đến 30 triệu đôla để thực hiện phim này.
Cùng với đồng đạo diễn Lynn Novick, Ken Burns đã làm bộ phim "Vietnam War" với cái nhìn từ phía Mỹ cũng như từ phía Việt Nam, và trong đó khán giả sẽ được nghe binh lính và thường dân của mỗi bên nói về cuộc chiến này. Mục tiêu của đạo diễn Ken Burns là trình bày "toàn cảnh đa chiều", "một cách đầy đủ nhất có thể được" về chiến tranh Việt Nam. Bên cạnh việc tái hiện một giai đoạn lịch sử quan trọng, đạo diễn Ken Burns còn giúp khán giả hiểu những trải nghiệm cá nhân của những người trong cuộc.
Để thực hiện bộ phim "Vietnam War", Ken Burns đã thu thập hơn 25 ngàn bức ảnh và vô số tài liệu lưu trữ, trong đó có những tài liệu, âm thanh chưa bao giờ được công bố, như đoạn ghi âm, đề ngày 27/05/1964, giọng nói của tổng thống Lyndon Johnson, bày tỏ quan ngại Mỹ sẽ sa lầy ở Việt Nam giống như trong cuộc chiến tranh Triều Tiên.
Tổng cộng có khoảng 20 sử gia và học giả tham gia vào bộ phim, cùng với lời kể của 84 nhân chứng. Đạo diễn Mỹ cũng đã đến Việt Nam hai lần để quay phim, ghi lại ký ức của các cựu chiến binh Việt Nam, những người ít khi có dịp phát biểu trong một phim tài liệu Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Theo lời Ken Burns, những cựu chiến binh này nay đều đã rất lớn tuổi và họ có thể dám nói khác với quan điểm chính thống của Đảng Cộng sản Việt Nam về cuộc chiến này.
Đạo diễn Ken Burns nhấn mạnh : "Tại Hoa Kỳ, cuộc chiến vẫn là một chủ đề nhạy cảm và là điểm gây bất đồng lớn. Tại Việt Nam cũng vậy, vẫn có cái nhìn khác biệt giữa các cựu chiến binh miền Bắc và miền Nam, cũng như giữa người dân hai miền."
Theo số liệu chính thức của Hà Nội, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đã có hơn 3 triệu thường dân thiệt mạng, cùng với hơn 2,5 triệu binh lính của cả hai phía. Hoa Kỳ thì đưa ra con số chính thức là cùng với với 200 ngàn lính Việt Nam Cộng Hòa, đã có 58.220 quân nhân Mỹ thiệt mạng và hơn 1.600 quân nhân vẫn còn bị xem là mất tích.
Thanh Phương
*******************
Vietnam War : 'Cuộc chiến day dứt tất cả chúng tôi'
Cô gái rất trẻ giơ tay hỏi nữ đạo diễn Lynn Novick : "Tại sao trong những trích đoạn được xem, tôi chỉ thấy những nhân vật được phỏng vấn từ miền Bắc Việt Nam ? Vậy trong bộ phim tài liệu sắp chiếu có những người từ miền Nam được trả lời phỏng vấn không ?".
Khán phòng im lặng chờ đợi.
Nhưng đó không phải người đầu tiên đặt câu hỏi đó trong buổi chiếu giới thiệu phim "Vietnam War" - bộ phim tài liệu 10 tập do Ken Burns và Lynn Novick thực hiện trong 10 năm về cuộc chiến tranh Việt Nam - sắp được công chiếu.
Trong buổi ra mắt phim tại Tổng lãnh sự Mỹ tại Thành phố Hồ Chí Minh hôm 25/8, nhiều khán giả đã được gặp và trao đổi với đạo diễn Lynn Novick và nhà văn Nguyên Ngọc - trong quá trình ông hỗ trợ thông tin cho đoàn phim.
Câu hỏi đại diện cho rất nhiều vết nứt hồ nghi và đầy ngờ vực của những khán giả trẻ đã có mặt tại Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Sài Gòn ngày hôm ấy, muốn tìm kiếm một diện mạo khác của cuộc chiến đã đóng vẩy trên thân thể mình suốt hàng chục năm dài.
Một cuộc chiến luôn được viết và giới thiệu bằng cái nhìn hằn hộc và rạn vỡ từ cả hai phe, nơi chúng tôi học trong sách giáo khoa về một miền Nam "bù nhìn", dơ dáy, bẩn thỉu, đàng điếm ; hoặc đọc trên mạng về một miền Bắc đói kém, sĩ diện, ngu xuẩn và tàn bạo.
Phần trích được chiếu trong Tổng Lãnh sự Mỹ mở đầu bằng mái đầu bạc của Bảo Ninh với một câu nhận định hùng hồn : "Chiến tranh không ai thắng hay thua hết. Những ông không bao giờ đánh nhau mới bàn luận ai thắng thua"… Và tiếp sau đó, là những câu chuyện mở ra từ những cánh cửa tinh thần đóng chặt lại sau hàng chục năm dài tham chiến. Bảo Ninh thú nhận khi ông trở về nhà sau trận mạc, mẹ ông im lặng không dám vui mừng vì chợt nhớ ra người hàng xóm cũng có đứa con trai đi bộ đội - và bên ấy chưa có người về.
Một đoạn phỏng vấn mà một cựu binh Mỹ tên Bill Erhart nhớ lại khi ở Huế 1968. "Mỗi ngôi nhà là một chiến trường. Đó là một trận đánh xấu xí. Chúng tôi phải cho nổ từng bức tường, từng nhà"…,"thật là một nỗi xấu hổ khi phá hủy một thành phố đẹp như thế…".
Cảnh tại Huế ngày 15/3/1968
Đoạn trả lời khác của người lính Mỹ, thú nhận về một điều tàn bạo đã xảy ra : "…tôi 19 tuổi, tôi đã chứng minh được mình can đảm như thế nào… Nhưng lẽ ra tôi phải nói mình không được làm như thế. Tôi nghĩ về nó như một sự hổ thẹn. Mẹ tôi là một phụ nữ. Vợ tôi, con gái tôi cũng là phụ nữ. Tôi có mọi cơ hội để nói không".
Một người lính Việt Nam nói : "Thế hệ của họ hi sinh cho cái gì chứ ? Trong nhà tôi có sáu ông đàn ông đi lính, chỉ có mình tôi về thôi".
Nhiều đoạn phim rời rạc cùng câu chuyện của bộ đội Việt Nam, Hoa Kỳ trôi qua suốt hai giờ chiếu trích dẫn. Trong đó, hiếm hoi xuất hiện hình ảnh người lính nào của miền Nam Việt Nam Cộng Hòa. Câu hỏi đó của cô gái trẻ bật lên, như biểu tượng chất vấn cho sự công bằng của một lịch sử thoi thóp đã nằm im hơn nửa thế kỷ. Lynn Novick mỉm cười nói : "Có, chúng tôi có phỏng vấn những người từ miền Nam. Nội dung đó sẽ có đầy đủ khi bạn xem bộ phim được công chiếu trên trang web của PBS".
Câu trả lời của Lynn đào thêm một ngờ vực khó chịu khác : Có nghĩa là đoạn phim được chiếu giới thiệu ngày hôm đó đã đi qua bàn tay kiểm duyệt thô bạo và thiếu độ lượng - trước khi nó xuất hiện được dưới những ánh mắt trẻ măng đã rất thành tâm muốn hiểu cuộc chiến tranh Việt Nam theo nhiều hơn một nghĩa của cờ đỏ hay cờ vàng. Như mọi khi, có những kẻ vẫn tìm cách che mắt lịch sử, dù dưới nhân danh hay ngọn cờ nào. Lịch sử không dễ chịu, chúng tàn bạo khi ta cố nhìn vào đáy mắt người từng trải - hỏi về điều xảy ra- và bắt gặp một tia bối rối - bởi họ không đủ can đảm cúi đầu trước những người đã gục đổ thây mình vì một lý tưởng hùng hồn ngu ngốc nào đó.
Khán giả đã được gặp và trao đổi với đạo diễn Lynn Novick.
Một người đàn ông khác giơ tay hỏi trong buổi chiếu : "Tôi nghĩ bộ phim phải tên là American War mới đúng, chứ sao lại là Vietnam War ?". Tôi không còn nhớ câu trả lời của êkíp làm phim về câu hỏi hằn học đó. Nhưng gần cuối buổi trả lời khán giả, nữ đạo diễn Lynn Novick nói - có lẽ phù hợp để trả lời cho câu hỏi đó :
"Trước khi làm bộ phim, tôi đã xem và thấy những khó khăn, nhưng chúng tôi muốn biết CÁI GÌ ĐÃ XẢY RA Ở ĐÂY. Chúng tôi phải tìm ra câu trả lời trước khi bắt đầu làm phim, với những tiêu chí : mô tả hiện thực chiến tranh, chiến trường, sự chết chóc, sự hi sinh. Chúng tôi không bọc đường cuộc chiến. Chúng tôi cố gắng không phán xét. Chúng tôi nói về những trải nghiệm tối tăm nhất trong cuộc đời của nhân vật. Chúng tôi cố gắng trung thực với những bi kịch, kể câu chuyện từ nhiều phía, và tìm cách thể hiện rất nhiều trải nghiệm của người Việt Nam trong cuộc chiến".
Và những hình ảnh trong phần chiếu trích dẫn tôi coi, đó không phải là một cuộc chiến với tên gọi đầy biểu tượng là "Vietnam War" hay "American War", đó là những khung hình im lặng, nơi tiếng nói của những người Việt Nam thật, những người Mỹ thật, những ai ở đâu đó đã mất từng mảnh thân thể, tinh thần và trái tim sau nhiều chục năm dài gục ngã và đứng dậy trong cuộc chiến tàn bạo đó.
Một cảnh trong bộ phim - do đoàn làm phim Florentine cung cấp
Những nhân vật con người đó không cố gắng gồng mình để thể hiện biểu tượng thời đại hay chính trị nào, đã gần nửa thế kỷ kết thúc, giờ là lúc họ bình tĩnh kể lại trong sự nghẹn ngào, cay đắng, trong lòng hàm ơn, trong nước mắt về cách mình đã chiến đấu cho một phe nào đó.
Lynn Novick nói về lòng biết ơn những nhân vật đã chịu trả lời phỏng vấn bà : "Họ nói họ sẽ kể lại câu chuyện của mình. Nếu chuyện của họ không được kể lại, nó sẽ không được truyền cho thế hệ kế tiếp. Họ muốn câu chuyện của họ được kể cho thế hệ kế tiếp".
Khi kết thúc buổi chuyện trò, tôi hỏi Lynn về nhân vật hai vợ chồng lái xe tải trên đường Trường Sơn, vì sao bà tìm được họ. Lynn nói : "Chúng tôi mời những người trong cùng hội cựu chiến binh đó gặp mặt. Chúng tôi đã nói rất nhiều, nhưng tôi nhận ra hai vợ chồng họ thật đáng yêu và quấn quýt với nhau. Và họ thành thật sẵn sàng chia sẻ chuyện tình yêu của họ ở đó. Họ cởi mở. Họ sẵn sàng kể lại".
Phim 'The Vietnam War' (Cuộc chiến Việt Nam) - hình do đoàn làm phim cung cấp
Sự hấp dẫn của phần trích trong "Vietnam War" đến từ những câu chuyện có thật nhưng lại diễn biến kịch tính, tàn bạo và đầy tình tiết như bất cứ một bộ phim điện ảnh nào ta có thể tìm thấy, bởi hàng trăm câu chuyện được chọn lựa kỹ càng, những trải nghiệm vô giá, độc đáo, khó chịu và vượt xa tưởng tượng của bất cứ ai chưa từng trải qua thời gian khốn khó tàn bạo đó.
Đó là cách "Vietnam War" được làm, dù biết gương mặt cuộc chiến sẽ khác đi sau 25 năm, sau 50 năm, sau khi tư liệu mới được tiết lộ, giải mật, sau khi những "trận địa" chính trị quốc tế thay đổi, sau khi con người đã già đi và hấp hối… thứ họ ước muốn để lại : là một thế hệ nhỏ đầy chất vấn và hồ nghi cha mẹ mình, sẽ nhìn cuộc anh em tương tàn và nước Mỹ can dự đó theo một cách trưởng thành và bình tĩnh hơn.
Lịch sử không cố định. Nhưng máu và lửa không bao giờ nên được nhen lại…
Tác giả là một cây bút sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Bài đã đăng trên trang cá nhân của tác giả. Bộ phim tài liệu Vietnam War 10 tập sẽ được chiếu tại Hoa Kỳ từ ngày 17/9. Bộ phim cũng sẽ được chiếu trên mạng với phụ đề tiếng Việt.