Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trước việc Trung Quốc nêu lý do phòng chống dịch Covid-19 để tăng cường kiểm soát biên giới, đặc biệt là tại các cửa khẩu nhập hàng từ Việt Nam theo đường bộ ở vùng biên giới phía bắc, bộ Công thương Việt Nam hôm 31/12/2021 đã lên tiếng yêu cầu chính quyền tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, thực hiện các biện pháp khẩn cấp để giảm bớt tình trạng tắc nghẽn tại các cửa khẩu biên giới. 

coloi1

Xe hàng Việt Nam chờ thông quan sang Trung Quốc, tại cửa khẩu Hữu Nghị Quan, Lạng Sơn. Ảnh chụp tháng 2/2020. © Reuters/Kham

Theo hãng tin Anh Reuters, hình ảnh và video được Thông Tấn Xã Việt Nam loan tải cho thấy hàng nghìn chiếc xe tải của Việt Nam bị chặn lại ở biên giới, sau khi có tin là nhiều ca nhiễm Covid-19 ngoại nhập đã được phát hiện ở tỉnh Quảng Tây. 

Thông Tấn Xã Việt Nam đã trích dẫn một thông cáo của bộ Công thương Việt Nam cho rằng : "Các biện pháp phòng dịch theo chính sách "zero Covid" mà Quảng Tây đang áp dụng, như dừng hoạt động cửa khẩu hay dừng nhập khẩu một số chủng loại trái cây, là quá mức cần thiết".

Theo phía Việt Nam, hành động ngăn chặn của Trung Quốc đã "tác động tiêu cực đến sự phát triển của thương mại song phương và gây tổn thất lớn cho doanh nghiệp, người dân của cả hai bên". 

Cũng theo truyền thông Việt Nam, giới chức thương mại tỉnh Quảng Tây đã trả lời phía Việt Nam bằng cách cho biết là họ sẽ phối hợp với phía Việt Nam về việc "kéo dài thời gian thông quan", và chuyển các đề nghị khác của Việt Nam lên cấp trên.

Theo Reuters, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam. Theo số liệu chính thức, lượng hàng nông sản buôn bán giữa hai nước trong 11 tháng đầu năm 2021 đã tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên đến 11,3 tỷ đô la. 

Việc Trung Quốc ngăn chặn hàng nhập theo đường bộ từ Việt Nam thường xuyên xẩy ra, tạo nên tình trạng ứ đọng tại biên giới, gây thiệt hại rất lớn cho nông dân Việt Nam, vì những mặt hàng rau quả, trái cây rất dễ bi hư hỏng. 

Trọng Nghĩa

Additional Info

  • Author Trọng Nghĩa
Published in Việt Nam

Trung Quốc viện trợ thêm cả tiền và thuốc chích ngừa Covid-19 cho Việt Nam sau khi Mỹ tặng thêm cho Việt Nam hơn 2 triệu liều.

backinh1

Dân Hà Nội biểu tình chống ông Tập Cận Bình, chủ tịch Trung Quốc, gần chục năm về trước. (Hình : Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Báo chí tại Việt Nam hôm thứ Năm, 2/12, cho hay trong chuyến viếng thăm Trung Quốc đang diễn ra của Ngoại trưởng Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị loan báo Trung Quốc viện trợ thêm cho Việt Nam 20 triệu nhân dân tệ (khoảng 3,1 triệu USD) để "mua sắm, thiết bị, vật tư phòng chống dịch" và 500.000 liều thuốc chích ngừa Covid-19.

Tân Hoa Xã chỉ có bản tin vắn tắt về cuộc họp giữa ông Vương Nghị và ông Bùi Thanh Sơn tại thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, vào ngày nói trên. Bản tin này thuật lời ông Vương Nghị kêu gọi vận động phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện "lành mạnh và ổn định".

Tân Hoa Xã thuật lời ông Bùi Thanh Sơn nói Việt Nam "luôn luôn hậu thuẫn cho Trung Quốc đóng vai trò lớn hơn trên chính trường quốc tế". Tân Hoa Xã viết : "Hai bên đồng ý tăng cường lãnh đạo chính trị, làm sâu sắc hơn các hợp tác đem lợi ích chung và nâng cao sự cộng tác đối phó với đại dịch".

Thông Tấn Xã Việt Nam thì viết dài dòng hơn, cho biết ông Sơn khoe rằng dù dịch bệnh hoành hành gây nhiều trở ngại, từ đầu năm đến nay "Lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai nước duy trì tiếp xúc thường xuyên, định ra phương hướng lớn trong hợp tác giữa hai đảng, hai nước và tạo động lực quan trọng góp phần thúc đẩy giao lưu, hợp tác trên các lĩnh vực".

Nhờ vậy "hợp tác kinh tế duy trì đà tăng trưởng tích cực với kim ngạch thương mại 10 tháng đầu năm đạt 133,65 tỷ USD , tăng 30%, vượt kim ngạch của cả năm 2020. Hai bên nhất trí cho rằng, việc Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực phù hợp với lợi ích căn bản và lâu dài của nhân dân hai nước".

Bắc Kinh viện trợ thêm cho Hà Nội chống dịch một tuần lễ sau khi Washington loan báo tặng thêm cho Hà Nội hơn 2 triệu liều thuốc ngừa Covid-19, nâng tổng số vaccine nước Mỹ tặng cho Việt Nam lên hơn 20 triệu liều, không kể một số lớn trang thiết bị y tế để đối phó với đại dịch.

Chỉ hai ngày trước khi ông Bùi Thanh Sơn tới Trung Quốc, báo VOV của đài Tiếng nói Việt Nam có bản tin đả kích "Trung Quốc mập mờ về lực lượng dân quân biển để thực hiện ‘vùng xám’ ở Biển Đông". Theo đó, chúng tuy bề ngoài là tàu đánh cá nhưng "thực chất là phục vụ các mục tiêu quân sự và chính trị của nước này".

Giữa tháng 9 vừa qua, ngoại trưởng Trung Quốc đến Hà Nội, bề nổi là đồng chủ tọa Ủy ban Hợp tác Song phương với phía Việt Nam. Nhưng trên thực tế, chuyến đi của ông Vương Nghị là một cách nhắc nhở cho Hà Nội biết cái bóng Bắc Kinh rất lớn ở bên cạnh.

Trước đó, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin rồi Phó Thổng thống Mỹ Kamala Harris cùng nhau đến Hà Nội chào mời nâng cao mối quan hệ từ "đối tác toàn diện" lên thành "đối tác chiến lược". Tin tức báo chí tường thuật nói Mỹ đề nghị hậu thuẫn nhiều mặt cho Việt Nam đối phó với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp Biển Đông.

Bắc Kinh cho tờ Hoàn Cầu Thời Báo gièm pha chuyến đi của bà Harris là "gieo rắc bất hòa" giữa các nước ở khu vực, cho rằng Washington lôi kéo Hà Nội đi vào quỹ đạo chống Bắc Kinh.

Trước khi ông Bùi Thanh Sơn sang Trung Quốc, ông Phạm Minh Chính – Phó thủ tướng – cũng đã cùng các lãnh tụ ASEAN khác họp trực tuyến với ông Tập Cận Bình – chủ tịch Trung Quốc – để nghe ông này thanh minh rằng nước này không chủ trương "bá quyền". Ông ám chỉ những điều lâu nay giới lãnh đạo chính trị và quân sự Mỹ cáo buộc Bắc Kinh cậy lớn, cậy quân sự hùng mạnh, bắt nạt các nước nhỏ phía Nam.

backinh2

Tàu Cảnh sát Biển Việt Nam bị tàu Hải cảnh Trung Quốc chận đường ở khu vực phía Nam quần đảo Hoàng Sa hồi giữa Tháng Năm, 2014, khi Trung Quốc đưa giàn khoan tới tìm dầu khí trên vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Hình : Hoang Dinh Nam/AFP/Getty Images)

Trước khi phó tổng thống Mỹ đến Việt Nam, suốt mấy năm liền, ông Vương Nghị đi lòng vòng khắp các nước ASEAN nhưng tránh né đến Việt Nam. Mối quan hệ Hà Nội-Bắc Kinh tuy bề ngoài vẫn là "đồng chí anh em", thương mại ngày một gia tăng, nhưng Việt Nam vẫn "ngậm bồ hòn làm ngọt" trên vấn đề Biển Đông. Các mỏ dầu và khí đốt ngày một cạn dần trong khi thuê giàn khoan đi đào tìm thì bị Trung Quôc cản trở, thậm chí có dọa sẽ đánh chiếm luôn những vị trí mà Việt Nam đang trấn giữ ở Trường Sa.

Cuộc họp vừa diễn ra giữa hai ông ngoại trưởng và các món quà biểu lộ Bắc Kinh vồ vập trở lại với Hà Nội trong chủ đích tranh dành ảnh hưởng địa chính trị với Washington. Tân Hoa Xã thuật lời ông Vương Nghị dỗ dành ngoại trưởng Việt Nam là hai bên nên hợp tác với nhau, thi hành các sự đồng thuận mà lãnh tụ cấp cao hai bên đã đồng ý lâu nay.

Đó cũng chỉ là những lời được lặp đi lặp lại cả chục năm nay dù nhiều lúc khá căng thẳng. 

Tư Ngộ

Nguồn : Người Việt, 03/12/2021

Additional Info

  • Author Tư Ngộ
Published in Diễn đàn