Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hôm 21 tháng 3 năm 2022, ông Derek Grossman, chuyên viên phân tích quốc phòng của RAND Corporation và là cựu cố vấn tình báo tại Lầu Năm Góc, có bài phân tích về ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam và Đài Loan trên tờ Nikkei Asia. Bài viết có tựa "Ukraine conflict echoes loudest in Vietnam, not Taiwan".

sosanh1

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mở cuộc hội đàm Ukraine-Nga tại Istanbul ngày 29 tháng 3 năm 2022. AFP

Theo tác giả, Ukraine và Đài Loan đều là các quốc gia dân chủ có xung đột với một cường quốc láng giềng theo chủ nghĩa xét lại và độc tài. Cách nói của ông Vladimir Putin về Ukraine rằng, nước này không phải là một quốc gia có chủ quyền tương tự như lời của ông Tập Cận Bình về Đài Loan, rằng Đài Loan chỉ là một tỉnh nổi loạn và sớm muộn cũng sẽ "thống nhất" với Trung Quốc đại lục, thông qua các biện pháp hòa bình hoặc bằng vũ lực nếu cần thiết. Tuy vậy, một quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương khác có thể sẽ phải lo lắng hơn cả Đài Loan vào lúc này, đó là Việt Nam.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long, nhà nghiên cứu lịch sử và bang giao quốc tế nêu quan điểm của ông với RFA :

"Vâng, tôi nghĩ cái nhận định đó là đúng bởi vì Đài Loan là một nước được sự bảo trợ của Mỹ từ lâu. Mỹ cũng bán rất là nhiều vũ khí tối tân cho Đài Loan, rồi Đài Loan lại ở sát với Nhật, một nước có quan hệ tốt với Đài Loan. Thành ra họ không thể nào để cho Trung Quốc gây khó khăn cho Đài Loan, đừng có nói đến chuyện chiếm đóng Đài Loan.

Còn Việt Nam thì trước hết về mặt quân sự, những vũ khí của Việt Nam hiện giờ hơn 80% được mua từ Nga. Những vũ khí này cần linh kiện của Nga mà Nga lại bị khó khăn do Mỹ và các nước khác cấm vận thì Việt Nam cũng sẽ khó khăn trước Trung Quốc".

Cũng là một nước xã hội chủ nghĩa do Đảng cộng sản độc tài cai trị, Hà Nội đang chịu áp lực ngày càng lớn từ Trung Quốc, đặc biệt là xung quanh các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc không đe dọa xâm lược Việt Nam như Nga đã làm với Ukraine, nhưng thỉnh thoảng hai nước Châu Á này có những đụng độ gây chết người trên biển. Không thể loại trừ khả năng những gây hấn này có thể xảy ra trên đất liền. Một kịch bản như vậy có nhiều khả năng xảy ra hơn là một cuộc xâm lược Đài Loan trong thời gian tới.

Ông Derek Grossman phân tích, Việt Nam không có liên minh về an ninh với bất kỳ cường quốc hoặc mạng lưới quân sự nào. Ukraine cũng vậy. Đó chính là điều đã khiến Ukraine dễ bị tấn công. Chính sách đối ngoại không liên kết của Hà Nội kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đồng nghĩa với việc Trung Quốc có thể tấn công mà không sợ bị các quốc gia mạnh hơn trả đũa. Mặc dù quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây, quan hệ đối tác toàn diện của Washington với Hà Nội là cấp độ quan hệ đối tác thấp nhất của Việt Nam.

Trung tá quân đội Đinh Đức Long lại có nhận định khác. Ông nói với RFA :

"Thứ nhất, về địa vị pháp lý thì Việt Nam và Đài Loan khác nhau hoàn toàn. Theo công pháp quốc tế thì Đài Loan là một bộ phận của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ngay cả Mỹ cũng công nhận chính sách ‘một Trung Quốc’. Nghĩa là Đài Loan vẫn thuộc về lãnh thổ của Trung Quốc, chỉ khác nhau tên gọi. Đài Loan và Trung Quốc là hai vùng khác nhau của một quốc gia, cho nên nếu Trung Quốc đánh Đài Loan thì coi như đây là một cuộc nội chiến.

Ukraine cũng không trong khối NATO, không trong liên minh quân sự nào hết nhưng được thế giới ủng hộ vì Ukraine có chính nghĩa. Việt Nam tương tự. Chính sách ngoại giao của Việt Nam là ‘bốn không’. Nếu Trung Quốc đánh Việt Nam thì Trung Quốc là xâm lược. Mà xâm lược thì Việt Nam có chính nghĩa. Có chính nghĩa thì thế giới sẽ ủng hộ Việt Nam".

Cũng theo ông Derek Grossman, tuy Đài Loan không có liên minh quân sự với Hoa Kỳ hoặc bất kỳ cường quốc nào khác nhưng lại được Hoa Kỳ cung cấp những vũ khí cần thiết để phòng thủ, chiếu theo Đạo luật Quan hệ Đài Loan. Hơn nữa, vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Joe Biden đã hai lần khẳng định rằng Mỹ đã chuẩn bị sẵn sàng để bảo vệ Đài Loan nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự nhắm vào hòn đảo này. Việt Nam thì không thể mong chờ vào điều này.

Việt Nam, giống như Ukraine, trước đây cũng đã bị tấn công bởi nước láng giềng khổng lồ. Nga chiếm Crimea vào năm 2014 và xâm nhập vào khu vực biên giới Donetsk và Luhansk của Ukraine. Tương tự, Trung Quốc đã chiếm một phần quần đảo Hoàng Sa từ miền Nam Việt Nam vào năm 1974 và từ chối trao trả sau khi Việt Nam thống nhất dưới chế độ cộng sản. Vào năm 1979, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã "dạy cho Việt Nam một bài học" vì đã can thiệp vào Campuchia chống lại Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn.

Tác giả nhận định, Trung Quốc ngày nay sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, lực lượng tuần duyên và lực lượng dân quân biển lớn nhất khu vực, thường xuyên tuần tra các khu vực tranh chấp và xua đuổi tàu bè của các đối thủ ra khỏi vùng biển này. Vào đầu tháng 3, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, dường như để trục vớt một chiếc máy bay chiến đấu bị rơi mà không được sự cho phép của Hà Nội.

sosanh2

Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) tập trận trên bờ biển đại lục gần Đài Loan, ngày 10 tháng 9 năm 1999. AFP

Còn tại biên giới trên bộ, quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã thành lập một căn cứ tên lửa và một căn cứ máy bay trực thăng. Luật về biên giới trên đất liền của Bắc Kinh được thông qua vào năm 2021, khuyến khích việc bảo vệ biên giới của Trung Quốc bằng vũ lực, ám chỉ rằng các đơn vị quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc hoạt động tại các căn cứ này được phép gây thêm áp lực đối với Việt Nam.

Đài Loan cũng phải đối mặt với các mối đe dọa ngày càng tăng, đặc biệt là các máy bay chiến đấu của Trung Quốc bay gần hoặc xâm nhập vào vùng nhận dạng phòng không của hòn đảo. Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện bất kỳ hành động quân sự trực tiếp nào chống lại hòn đảo kể từ năm 1949. Tuy Trung Quốc có vài lần nã pháo vào các tiền đồn quân sự của Đài Loan gần bờ biển của Trung Quốc, hay từng phóng tên lửa gần Đài Loan để phản đối chuyến thăm Hoa Kỳ của cựu tổng thống Lý Đăng Huy nhưng nhìn chung, Bắc Kinh đã hạn chế thực hiện các hành động quân sự chống lại hòn đảo. Việt Nam thì khác.

Ông Derek Grossman cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ dễ dàng đánh bại Việt Nam trong một cuộc xung đột vũ trang thông thường, mặc dù không nhất thiết phải là một cuộc xung đột du kích kéo dài, khác với đánh giá ban đầu của Nga về sự kém cỏi của quân đội Ukraine. Trung Quốc có lợi thế quân sự lớn so với Việt Nam, từ tên lửa đạn đạo và hành trình, máy bay ném bom, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, hạm đội tàu mặt nước và các lĩnh vực khác.

Trong khi đó, Đài Loan đã đầu tư rất nhiều vào việc mua sắm vũ khí hoặc phát triển khả năng phòng thủ gây khó khăn cho Bắc Kinh trong việc xâm lược hòn đảo. Đài Loan sở hữu các tên lửa đất đối không, như các khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ và tên lửa hành trình chống hạm.

Đài Loan cũng được lợi từ sự hỗ trợ kéo dài hàng thập kỷ trong việc mua sắm các hệ thống vũ khí tiên tiến của Mỹ, bao gồm việc mua 66 máy bay chiến đấu F-16V vào năm ngoái để tăng cường khả năng không chiến và tuần tra. Đài Loan đã phát triển lực lượng vũ trang của mình và hoàn thiện khả năng tiến hành chiến tranh trong các lĩnh vực không quân và hải quân, trong khi Việt Nam thì không.

Về mặt địa lý, nếu tấn công Đài Loan, Trung Quốc sẽ phải tiến hành thành công chiến dịch đổ bộ vào Đài Loan và có thể sẽ bị thiệt hại khi đi qua eo biển để tới hòn đảo. Đường biên giới chung trên đất liền của Việt Nam với Trung Quốc, tương tự như Nga với Ukraine, không có bất kỳ thách thức khó khăn đặc biệt nào về mặt địa hình.

Luật sư Vũ Đức Khanh ở Canada nhận định :

"Nga tấn công vào Ukraine dễ dàng hơn là Trung Quốc tấn công vào Đài Loan. Đó là chỉ riêng về mặt địa lý. Và thực lực về quân sự thì Đài Loan cũng hơn hẳn Ukraine cho nên Trung Quốc không có cách nào tấn công vào Đài Loan.

Một điều mà Trung Quốc có thể làm và rất nhiều người bắt đầu chú ý mà tôi đã nói cách đây một tháng, là Trung Quốc nếu có tấn công thì Trung Quốc sẽ chiếm những đảo lớn của Việt Nam để đặt vào tình thế đã rồi. Trong cái bối cảnh này thì Mỹ và Phương Tây không có lý do gì mở cuộc chiến với Trung Quốc bởi vì bối cảnh là Việt Nam không có bất cứ một mối quan hệ nào với Mỹ và phương Tây để họ phải cứu giúp Việt Nam trong vấn đề này.

Qua hai nghị quyết ngày 2 tháng 3 năm 2022 và ngày 24 tháng 3 năm 2022 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, một lần nữa đẩy Việt Nam đi xa hơn trong mối quan hệ với thế giới Phương Tây".

Hôm 2 tháng 3 năm 2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lên án hành động xâm lăng của Nga đối với Ukraine, yêu cầu Nga phải ngay lập tức ngưng sử dụng các lực lượng vũ trang chống lại Ukraine, ngay lập tức và vô điều kiện rút toàn bộ quân đội khỏi Ukraine. Nghị quyết được thông qua với 141 phiếu tán thành trong tổng số 193 phiếu. Việt Nam bỏ phiếu trắng.

Đến hôm 24 tháng 3 năm 2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết yêu cầu Nga lập tức ngừng gây chiến ở Ukraine, kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường viện trợ nhân đạo cho người dân nước này, đồng thời chỉ trích Nga đã gây ra một tình huống nhân đạo thảm khốc khi xâm lược nước láng giềng đúng một tháng trước đó. Nghị quyết nhận được 140 phiếu ủng hộ. Việt Nam một lần nữa bỏ phiếu trắng.

Tác giả kết luận, không có sự so sánh nào là hoàn hảo, nhưng sự so sánh Nga - Ukraine với Trung Quốc - Đài Loan có nhiều điểm không tương đồng. Kịch bản xung đột nổ ra giữa Trung Quốc và Việt Nam dường như sẽ dễ xảy ra hơn trong trường hợp tình hình ở Biển Đông leo thang trở thành một cuộc xung đột lớn hơn trên đất liền. Điều này có thể khiến Mỹ vừa an tâm và vừa lo lắng. An tâm khi biết rằng Đài Loan không dễ bị tấn công như Ukraine, và lo lắng đối với Việt Nam.

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 29/03/2022

Additional Info

  • Author Diễm Thi
Published in Diễn đàn