Nhân dịp cựu tù nhân lương tâm, nhạc sĩ Việt Khang đến thủ đô Washington DC vận động cho lễ kỷ niệm năm thứ 24 Ngày nhân quyền cho Việt Nam, diễn ra vào ngày 11/5 tới đây, tại Quốc hội Hoa Kỳ, nhạc sĩ Việt Khang dành cho Đài RFA cuộc trao đổi ngắn liên quan đến một loạt các nhà hoạt động dân chủ ở trong nước vừa bị Chính quyền Việt Nam tuyên các bản án nặng nề.
Nhạc sĩ Việt Khang (bìa phải) trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Hòa Ái. Hình chụp ngày 14/04/18. RFA
Trước hết, nhạc sĩ Việt Khang chia sẻ về những sinh hoạt gặp gỡ với cộng đồng người Việt trong hai tháng anh vừa đến Mỹ định cư :
Việt Khang : Người Việt Nam trong những chương trình Việt Khang đến để gặp gỡ và nói lời tri ân cảm ơn đồng bào người Việt khắp nơi thời gian qua đã dành cho Việt Khang tình thương yêu rất đặc biệt. Trong thời gian ký thỉnh nguyện thư hay những cuộc đấu tranh khác kêu gọi trả tự do cho Việt Khang và nhiều tù nhân lương tâm khác, thì những tình thương và sự đấu tranh đó của người Việt khắp nơi mà Việt Khang cảm thấy mình cần phải đi đến càng nhiều nơi càng tốt. Biết rằng dù không có thời gian, nhưng Việt Khang phải cố gắng đi thật nhiều để trực tiếp gặp gỡ cộng đồng người Việt ở khắp các tiểu bang.
Gặp gỡ bà con người Việt thì Việt Khang cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc ở đây bùi ngùi lắm ! Tại vì, có những việc làm người khác đánh phá. Họ đánh phá trên mạng xã hội Youtube, Facebook những việc làm của Việt Khang, nói Việt Khang tham tiền và làm việc này việc nọ để kiếm tiền. Nhưng Việt Khang không có đăng các video để đính chính, vì Việt Khang không có nhiều thời gian.
Khi được bà con người Việt đến chờ để ôm chụp hình, thì Việt Khang cảm thấy mình ấm áp và hạnh phúc trở lại sau những trò đánh phá của người này, người kia. Bởi vì làm việc chung, Việt Khang rất là ấm áp tâm hồn của mình sau những tin không hay. Không sao hết !
Hòa Ái : Thưa Nhạc sĩ Việt Khang, 2 tháng qua Mỹ, cuộc sống quá mới và theo chia sẻ của anh với nhiều nỗi niềm buồn vui, Hòa Ái cũng xin được hỏi thăm anh về gia đình ở Việt Nam, qua những sinh hoạt của anh ở Mỹ như vậy, thân nhân của anh gặp trở ngại nào không ?
Việt Khang : Gia đình thì cũng có liên lạc thường xuyên. Hàng ngày vẫn tranh thủ thời gian gọi về thăm hỏi ba mẹ. Việt Khang cũng làm cha rồi nên cũng biết nỗi niềm của người làm cha làm mẹ mà xa con mình thì nhớ và lo lắng như thế nào. Bây giờ cũng may mắn là công nghệ thông tin rất tốt, giúp mình có thể nhìn thấy ba mẹ ở nhà, có thể gọi và nhắn tin hàng ngày với con. Mọi chuyện cũng đơn giản, không có gì khó khăn lắm.
Hòa Ái : Không biết Nhạc sĩ Việt Khang có theo dõi, cập nhật được những thông tin của giới đấu tranh dân chủ ở trong nước hay không, với lịch trình di chuyển quá bận rộn như vậy ? Nhưng chắc rằng Nhạc sĩ Việt Khang cũng có biết về Hội Anh Em Dân Chủ và các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam trong hai tuần vừa qua Chính quyền Hà Nội đã tuyên những bản án rất nặng nề dành cho họ. Nhạc sĩ Việt Khang suy nghĩ như thế nào về các bản án này ?
Việt Khang : Việt Khang thấy sao mà thời điểm bây giờ lại tâm tối như vầy. Lúc Việt Khang bị bắt, Việt Khang biết vào thời điểm đó, ai nói lên tiếng nói "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam" thì cũng bị dòm ngó và bị làm khó. Nhưng mà bây giờ, mọi chuyện cũng đã thay đổi. Sau khi ở tù về, Việt Khang cảm thấy câu nói về "Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam", người ta mạnh miệng nói hơn khiến Việt Khang mừng vui vì nghĩ rằng từ từ có hướng tốt hơn cho dân chủ, tự do ngôn luận hay tự do tư tưởng, hay bảo vệ chủ quyền hay quyền làm người được phát triển mạnh hơn rồi…Nhưng mà tại sao thời gian vừa qua, các anh em, như anh Nguyễn Văn Đài trong Hội Anh Em Dân Chủ, có những người từng đến thăm Việt Khang như anh Trương Minh Đức… sao các anh lại phải trải qua những khó khăn như vậy ? Anh Trương Minh Đức đã từng ở tù trước Việt Khang và anh lại tiếp tục bị tù. Anh Nguyễn Bắc Truyển cũng như thế. Anh Nguyễn Văn Đài cũng vậy. Có những phụ nữ nữa, Việt Khang không thể nhớ hết tên vì có những người chưa bao giờ tiếp xúc, chưa bao giờ tìm hiểu nhưng các bản án cho thành viên Hội Anh Em Dân Chủ là quá nặng. Trước đó là chị Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị Trần Thị Nga là những người mẹ có con nhỏ và các anh em mới bị bắt cũng có con nhỏ…Họ trải qua nỗi khủng khiếp còn hơn cả Việt Khang. Những gì Việt Khang trải qua không là gì so với các anh chị đó. Việt Khang cảm thấy rất buồn trước những bản án mà các anh chị phải gánh chịu.
Việt Khang mong muốn có những cuộc vận động để hỗ trợ, trước mắt là phụ giúp cho gia đình để đi thăm các anh chị đều đặn, ủng hộ tin thần của các anh chị em. Thật sự thời điểm này trước giờ Việt Khang chưa từng thấy. Việt Khang hy vọng các anh em không ở hết án, không phải là đươc thả ra sớm mà Việt Khang hy vọng có sự thay đổi sớm.
Hòa Ái : Theo hy vọng của mình, anh nghĩ rằng bởi vì Chính quyền Việt Nam càng ngày càng mạnh tay đàn áp phong trào dân chủ ở trong nước, thì tinh thần của anh chị em trong giới đấu tranh dân chủ càng mạnh mẽ hơn, có phải đó là một yếu tố quan trọng để nhanh chóng thay đổi hay không ?
Việt Khang : Việt Khang nghĩ có nhiều yếu tố lắm. Không có việc gì chỉ có một yếu tố mà xong, mà có thể được. Như chúng ta thấy như ở Syria thì Mỹ đã bắt đầu khai hỏa cuộc chiến. Cục diện chính trị của thế giới có thể thay đổi một cách rất bất ngờ. Trong các cuộc thay đổi của đất nước Việt Nam cũng vậy, làm gì làm thì cũng có ảnh hưởng của thế giới mới làm ảnh hưởng đến thay đổi cục diện của Việt Nam. Có những chuyện mình nghĩ không hề ảnh hưởng gì hết, nhưng đó là cục diệc chung. Nhiều yếu tố lắm, chứ không phải chỉ một yếu tố là nhiều nhà dâ chủ bị bắt và bị tuyên các bản án hà khắc rồi khiến cho tất cả người dân đứng lên thì đất nước thay đổi. Đây chỉ là một trong các yếu tố khác nữa. Việt Khang nghĩ là như vậy.
Hòa Ái : Theo như chia sẻ của anh vừa nêu, cách đây 43 năm cục diện của Việt Nam thay đổi, cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc. Bây giờ là thời điểm kỷ niệm 43 năm biến cố ngày 30/4, Nhạc sĩ Việt Khang có lời chia sẻ nào với các bạn trẻ ở Việt Nam nếu như anh được cơ hội nói chuyện trực tiếp với họ ?
Việt Khang : Nếu như có được cơ hội các bạn trẻ ở trong nước Việt Nam lắng nghe tiếng nói của Việt Khang, thì Việt Khang rất mong muốn các anh chị, các bạn quan tâm hơn nhiều đến quê hương của mình. Internet có đầy đủ nhưng chúng ta phải biết được điều nào hay, điều nào tốt hay đâu là những chuyện người ta phá hoại. Trên internet rất đa màu sắc, mình nói nôm na là tự suy nghĩ của mình nhận biết cái nào tốt, cái nào xấu để mình chọn lọc ra mà tìm hiểu và hiểu biết về quê hương Việt Nam của mình trước và sau ngày 30/4/1975 khác nhau như thế nào. Việt Khang không nói một cách cụ thể, bởi vì Việt Khang muốn để cho các bạn có cái nhìn một cách khách quan. Việt Khang chỉ muốn nói rằng trong cuộc sống cơm áo gạo tiền, học hành hay mưu sinh cho gia đình nhưng cũng phải để ý đến vận mệnh của quê hương đất nước Việt Nam. Bây giờ chúng ta đang sống trong môi trường có bình an hay không, môi trường có được trong sạch hay không, thức ăn thực phẩm có được an toàn hay không ? Vận mạng của mình đều phụ thuộc vào tất cả yếu tố đó. Việt Khang mong muốn mọi sự tốt đẹp sẽ được có trên quê hương Việt Nam của chúng ta như bao nhiêu quốc gia tự do dân chủ khác và hạnh phúc ấm no đối với người dân. Tiếng nói của người dân, người dân làm chủ. Thời gian Việt Khang còn ở tù, anh Trần Huỳnh Duy Thức hỏi Việt Khang biết dân chủ là gì hay không. Trong lúc Việt Khang còn chần chừ, mình chỉ biết dân chủ là quyền mình được biểu lộ, quyền mình được lên tiếng, quyền mình được nói, quyền mình được tự do biểu đạt… Anh Thức nói một câu đơn giản rằng "Dân chủ chính là người dân làm chủ. Làm chủ thật sự". Đơn giản vậy đó !
Hòa Ái : Câu hỏi cuối dành cho Nhạc sĩ Việt Khang, anh đến Mỹ để tiếp tục quãng đường còn lại mà mình đã chọn, Hòa Ái cho rằng anh sẽ tiếp tục sáng tác những nhạc phẩm về tình yêu quê hương đất nước, không biết trong 2 tháng qua ở Mỹ, Nhạc sĩ Việt Khang đã sáng tác bài hát nào chưa ?
Việt Khang : Thời gian ở Mỹ thì Việt Khang chưa sáng tác được. Nhưng thời gian ở tù thì có và thời gian ở Việt Nam sau khi ra tù cũng có. Đơn giản là mình yêu quê hương mình thôi.
Hòa Ái : Cảm ơn thời gian chia sẻ của Nhạc sĩ Việt Khang với RFA. Thay mặt quý khán thính giả của Đài Á Châu Tự Do, Hòa Ái cầu chúc anh nhiều sức khỏe và mọi người chờ đó các nhạc phẩm mới của anh.
Việt Khang : Cảm ơn quý khán thính giả Đài RFA.
Hòa Ái, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 17/04/2018
Việt Khang là ai ? Anh là người đã viết lên những ca từ đó, bài hát mang tên "Anh là ai".
Xin hỏi anh là ai
Ngăn bước tôi chống giặc Tàu ngoại xâm
Xin hỏi anh là ai
Sao mắng tôi bằng giọng nói dân tôi
Dân tộc anh ở đâu
Sao đan tâm làm tay sai cho Tàu ?
Để ngàn sau ghi dấu
Bàn tay nào nhuộm đầy máu đồng bào …
Nhạc sĩ bất đồng chính kiến Việt Khang vừa mãn hạn 4 năm tù vì hai bài hát chống Trung Quốc và chất vấn chính sách cai trị của nhà cầm quyền Việt Nam: ‘Việt Nam tôi đâu’ và ‘Xin hỏi anh là ai’. Ảnh VOA
Vì ca khúc này mà anh đã phải vào nhà tù ở Việt Nam. Bị bắt lần đầu tiên vào tháng 9/2011, cùng với một người bạn là Trần Vũ An Bình, được tạm tha rồi bị bắt lại vào tháng 12 năm đó. tháng 10/2012 hai anh bị tòa xử vì tội "tuyên truyền chống Nhà Nước" với bản án dành cho Việt Khang, 4 năm tù và 2 năm quản chế ; Trần Vũ An Bình 6 năm tù, 2 năm quản chế.
Trong hơn một thập niên qua, khi Trung Quốc đã đưa ra đường lưỡi bò để muốn xác lập chủ quyền gần như trên toàn bộ Biển Đông cùng với những quyết định của Bắc Kinh thành lập khu hành chánh cho Nam Sa và Tây Sa, đưa giàn khoan dầu HD-981 vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam và những tấn công vào tàu hải giám của Việt Nam, cùng lúc có nhiều "tàu lạ" cũng đã thường xuyên ngăn chặn hay tấn công vào tàu đánh cá của ngư dân Việt quanh các vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa.
Những hành động đó của Bắc Kinh đã khơi dậy lòng yêu nước của người Việt, trong cũng như ngoài nước. Các hình thức phản đối Trung Quốc lan tỏa trên các diễn đàn hải ngoại, qua mạng xã hội và đã có những cuộc xuống đường biểu tình trước cơ quan ngoại giao của Việt Nam và Trung Quốc từ Hoa Kỳ, Pháp, Đức sang Úc.
Người Việt hải ngoại tố cáo trước công luận thế giới về việc Trung Quốc xâm lăng biển đảo, cùng lúc phản đối lãnh đạo Hà Nội "hèn với giặc, ác với dân" khi ngăn chặn, đánh đập những người biểu tình, sách nhiễu và bỏ tù những ai lên tiếng phản đối Bắc Kinh xâm lăng, gây hấn trên Biển Đông.
Trong nước nhiều người đã phải vào tù vì chống Trung Quốc như Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Bùi Minh Hằng, Cù Huy Hà Vũ. Việt Khang và Trần Vũ An Bình cũng mang cùng số phận.
Họ là những tù nhân lương tâm đã được các tổ chức nhân quyền quan tâm và lên tiếng đề nghị với lãnh đạo các quốc gia tự do dân chủ lên tiếng bênh vực và yêu cầu Hà Nội trả tự do cho họ.
Sự kiện nhạc sĩ Việt Khang bị bắt giam được rất nhiều người Việt hải ngoại quan tâm, vì lời ca trong hai ca khúc của anh đã đi vào lòng người, nhờ nhạc sĩ Trúc Hồ phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông hải ngoại.
…Là một người con dân Việt Nam
Lòng nào làm ngơ trước ngoại xâm
Người người cùng nhau đứng lên đắp lời sống núi
Từng đoàn người đi, chẳng nề chi
Già trẻ gái trai, giơ cao tay
Chống quân xâm lược, chống kẻ nhu nhược bán nước Việt Nam.
(Ca khúc : Việt Nam tôi đâu)
…Xin hỏi anh là ai
Sao bắt tôi tôi làm điều gì sai ?
Xin hỏi anh là ai
Sao đánh tôi chẳng một chút nương tay ?
Xin hỏi anh là ai
Không cho tôi xuống đường để tỏ bày
Tình yêu quê hương này, dân tộc này đã quá nhiều đắng cay !
(Ca khúc : Anh là ai)
Ngày 7/2/2012 Đài SBTN của nhạc sĩ Trúc Hồ đã khởi xướng một thỉnh nguyện thư trên trang nhà của Bạch Ốc để lưu ý lãnh đạo Hoa Kỳ về những vi phạm nhân quyền trầm trọng tại Việt Nam, điển hình là việc Hà Nội giam cầm những người chỉ vì ôn hòa đưa ra quan điểm bất đồng với chính sách của nhà nước như Hòa thượng Thích Quảng Độ, Linh mục Nguyễn Văn Lý, Điều Cày Nguyễn Văn Hải, Việt Khang. Chỉ trong thời gian chưa đầy một tháng, thỉnh nguyện thư đã có hơn 150 nghìn người ký tên ủng hộ.
Tuy luôn phản lại các cáo buộc của những tổ chức nhân quyền quốc tế là Việt Nam không có tù chính trị hay giam giữ tù nhân lương tâm - là những người có quan điểm bất đồng với nhà nước - nhưng trước những yêu cầu và áp lực của thế giới, Hà Nội cũng đã phải trả tự do, đã cho đi nước ngoài nhiều tù nhân lương tâm : Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thuỷ, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, Đặng Xuân Diệu.
Sau khi được đưa thẳng từ nhà tù ở Nghệ An qua Mỹ cuối năm 2014, trong ngày Tự do Báo chí năm 2015, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải cùng với hai nhà báo người Ethiopia và Nga đã có buổi gặp gỡ và thảo luận với Tổng thống Barack Obama về sinh hoạt báo chí bị giới hạn, kiểm duyệt ở Việt Nam và các nước độc tài.
Trong khi đó Thượng Nghị sĩ John McCain, các Dân biểu Loretta Sanchez, Zoe Lofgren, Christopher Smith đã quan tâm và vận động cho Việt Khang được trả tự do. Riêng Dân biểu Michael McCaul đã nhận đỡ đầu cho Việt Khang.
Theo tài liệu của tổ chức Boat People SOS, nhiều dân cử Hoa Kỳ cũng đã nhận đỡ đầu cho tù nhân lương tâm ở Việt Nam : DB David Price đỡ đầu cho Cù Huy Hà Vũ, DB Chris Van Hollen cho Đỗ Thị Minh Hạnh, Đoàn Huy Chương và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng ; DB Christopher Smith cho Linh mục Nguyễn Văn Lý, DB Alan Lowenthal cho Nguyễn Tiến Trung và Mục sư Nguyễn Công Chính, DB Zoe Lofgren cho Trần Huỳnh Duy thức v.v…
Qua nhiều nhiệm kỳ tổng thống Mỹ, tuy nhân quyền không phải là điều ưu tiên trong bang giao hai nước nhưng luôn được giới làm chính sách Mỹ quan tâm, nhờ những vận động của người Việt hải ngoại.
Tổng thống đương nhiệm Donald Trump không nhắc đến nhân quyền, tuy nhiên trong thời gian qua Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã tuyên dương về lòng can đảm của phụ nữ Việt, đã lên tiếng cho Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh hiện đang bị giam tù vì lên tiếng phản đối Trung Quốc.
Việt Nam có nhân quyền hay không là do chính người dân đòi quyền làm người cho họ. Những lên tiếng, đấu tranh cho quyền làm người của dân trong nước được người Việt hải ngoại yểm trợ, lên tiếng với thế giới.
Việt Khang sau khi mãn án tù vào năm 2015 và hết hạn quản chế 2 năm, với sự can thiệp của chính giới Mỹ, ngày 8/2/2018 anh đã đến Hoa Kỳ định cư.
Trong những tuần qua anh nhận được sự đón tiếp nhiệt tình từ cộng đồng người Việt ở nhiều nơi, từ California, Texas đến Utah, Arizona. Hàng nghìn người đã đến tham dự những buổi gặp gỡ với anh, nghe anh tâm tình, vì những lời ca anh viết ra đã thấm vào lòng người, như nói lên được ước vọng của con dân Việt về quê hương, đất nước.
Bài ca đòi nhân quyền cho dân Việt có tên "Trả lại cho dân" của anh đã có nhiều người thuộc và hát vang khi tập họp sinh hoạt hay xuống đường biểu tình, trong nước cũng như ở hải ngoại :
Trả lại đây cho nhân dân tôi
Quyền tự do, quyền con người
Quyền được nhìn, được nghe, được nói
Quyền được chọn chân lý tự do
Quyền xóa bỏ độc tài độc tôn.
Trả lại đây cho anh quân nhân
Quyền được sống đời trai hùng
Quyền tự hào, tự tôn nòi giống
Là bảo vệ non nước Việt Nam
Là bảo vệ dân lành Việt Nam.
Trả lại đây quyền phúc quyết của toàn dân
Dân biết điều gì dân cần
Để tự do mưu cầu hạnh phúc.
Trả lại đây quyền chính đáng của người dân
Dân biết chọn gì cho mình
Cho thái bình non nước Việt Nam.
Việt Khang, anh là ai ?
Tên thật của anh là Võ Minh Trí, sinh năm 1978 tại tỉnh Tiền Giang. Anh là một cựu tù nhân lương tâm, vì viết nhạc mà đã bị tù 4 năm dưới chế độ cộng sản ở Việt Nam.
Bùi Văn Phú
Nguồn : VOA, 03/04/2018