Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hãng tin Anh Reuters ngày 06/10/2023 loan tin là các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội có thể vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. 

vietnam1

Ảnh do Tân Hoa Xã cung cấp : Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 27/06/2023. AP - Yao Dawei

Cho tới nay, đã đầu tháng 11, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều không có thông báo gì về chuyến đi này. Nhưng nếu có diễn ra thì đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam kể từ năm 2017. Chuyến đi này cũng sẽ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.

Việc chủ tịch Trung Quốc chấp nhận đi thăm Việt Nam phải chăng cho thấy Bắc Kinh đã không có phản ứng gay gắt về việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9 của tổng thống Mỹ Joe Biden ?

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 25/10/2023, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston, Hoa Kỳ, nhận định :

"Đúng vậy. Nguyên nhân chính Bắc Kinh không có phản ứng gay gắt về việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện là do các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam để điều hòa quan hệ với Trung Quốc, ít nhất là từ tháng 6 cho đến nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 6 khi tàu sân bay Ronald Reagan ghé thăm Đà Nẵng. Ông Chính cũng có chuyến thăm Trung Quốc lần hai vào tháng 9 tại Nam Ninh chỉ vài ngày sau khi tổng thống Joe Biden thăm Hà Nội. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây cũng đã đến Bắc Kinh và hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình.

Cả ba chuyến viếng thăm trên đều thể hiện một thông điệp chính của Việt Nam là Hà Nội mong muốn hai nước tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao nồng ấm và Việt Nam không có ý định ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, đây sẽ là một chỉ dấu rất lớn là các nỗ lực trấn an Trung Quốc của Việt Nam đã thành công. Đây cũng sẽ là chuyến đi đáp lễ 3 chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là chuyến đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10, tháng 11/2022". 

Nhà phân tích Sebastian Strangio của trang mạng The Diplomat ( Nhật Bản ) cũng có cùng nhận định : 

"Thật khó để tưởng tượng rằng Việt Nam đã không báo trước cho Bắc Kinh về việc nâng cấp quan hệ với Mỹ và trấn an họ rằng hành động này không nhắm vào Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của ông là nhằm mục đích xây dựng các mối quan hệ của Hoa Kỳ trên khắp Châu Á, chứ không phải để kiềm chế Trung Quốc. 

Nhưng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành "đối tác chiến lược toàn diện", đặt Hoa Kỳ ngang hàng với Trung Quốc và Nga, Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải đòi Việt Nam chấp nhận một bản "nâng cấp" mới trong quan hệ song phương".

Theo hãng tin Reuters, trước chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình, Hà Nội và Bắc Kinh đang thảo luận về việc có thể đưa cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" vào tuyên bố chung để mô tả mối quan hệ song phương.

Cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" đã trở nên "thịnh hành" sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, thể hiện mức độ quan hệ song phương cao nhất đối với chính quyền Tập Cận Bình. Trung Quốc đã thiết lập "cộng đồng chung vận mệnh" với Lào vào năm 2017 và Cam Bốt vào năm 2018, sau đó là với Miến Điện trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình đến nước này vào tháng 1/2020. 

Mặc dù Bắc Kinh rõ ràng muốn Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia "có chung vận mệnh" với Trung Quốc, hai nguồn tin nói với Reuters rằng các quan chức Việt Nam thận trọng về việc thêm cụm từ đó vào tuyên bố chung. Trung Quốc được cho là đã từng tỏ ý muốn tuyên bố một cộng đồng chung vận mệnh với Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình vào năm 2017, nhưng Hà Nội lúc đó đã bác bỏ.

Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang cho rằng dù không muốn "cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốc, thật ra Việt Nam cũng khó mà thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh : 

"Theo chính sách ngoại giao của Trung Quốc, cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" là dành cho những nước mà Trung Quốc coi là những đối tác quan trọng. Việc Việt Nam có đưa cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" vào tuyên bố chung hay không thật ra cũng không quá quan trọng. Về bản chất, Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn trong quan hệ với Trung Quốc, khi Trung Quốc đã cho Việt Nam thấy rằng các nỗ lực thoát Trung trong quá khứ của Việt Nam đã thất bại, nhất là sau khi Việt Nam phải đồng ý bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trên thế yếu vào năm 1991, sau khi đồng minh Liên Xô đã không còn khả năng giúp Việt Nam thoát Trung như giai đoạn từ 1978 đến 1988.

Trung Quốc muốn một Việt Nam trung lập nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc. Do vậy, nếu Việt Nam có thể đảm bảo với Trung Quốc rằng Việt Nam không có ý định chống Trung Quốc, Trung Quốc cũng không cần phải ép Việt Nam. Nếu Việt Nam chấp nhận đưa cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" vào tuyên bố chung thì có thể hiểu Hà Nội muốn thể hiện với Trung Quốc rằng quan hệ hai nước vẫn đang phát triển tốt đẹp và là kết quả của các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước từ tháng 6 đến nay, và cũng nhằm để cân bằng bước "nhảy cóc" từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ vào tháng 9 vừa qua".

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn cho Việt Nam thấy tính chất đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ở Bắc Kinh ngày 20/10 nhân diễn đàn "Vành đai và Con đường", ông Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam "đừng quên cội nguồn của tình hữu nghị" giữa hai quốc gia Cộng sản này. 

Về phần mình, trong cuộc hội kiến với Thái Kỳ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Võ Văn Thưởng cũng nhìn nhận Việt Nam và Trung Quốc là hai nước "tương đồng về thể chế chính trị, con đường phát triển và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội". Ông khẳng định : " Việt Nam coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam".

Trong bài viết đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ( ISEAS – Yusof Ishak Institute ), một nhà nghiên cứu của Viện này, Lye Liang Fook, nhấn mạnh đến quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam : 

"Việt Nam dường như đang xích lại gần hơn với Hoa Kỳ với việc nâng cấp quan hệ gần đây lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao diễn biến này, vì quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ giữa hai đảng, vẫn bền chặt (…). Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi ích trong việc đảm bảo cho các đảng cộng sản cầm quyền của họ duy trì sự thống trị".

Lye Liang Fook nhắc lại : "Vào thời điểm quan hệ song phương xuống thấp, Hà Nội và Bắc Kinh đã dựa vào mối quan hệ giữa hai đảng để kiểm soát những bất đồng và đưa quan hệ trở lại đúng hướng. Sau những đụng độ căng thẳng trong sự cố giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cử đặc phái viên Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, tới Bắc Kinh vào tháng 8/2014 để hàn gắn quan hệ. Đổi lại, Tập Cận Bình đã cử ông Du Chánh Thanh (Yu Zhengsheng) đến thăm Việt Nam vào tháng 12/2014. Việc Du Chánh Thanh là nhân vật đứng hàng thứ tư trong Đảng cộng sản Trung Quốc cho thấy quan hệ Việt-Trung đã bắt đầu được cải thiện trở lại". 

Lye Liang Fook cũng ghi nhận : "Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam có mức độ tương tác cao hơn so với các trao đổi cấp chính phủ giữa hai nước. Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ba chuyến thăm Trung Quốc ( 04/2015, 01/2017 và 10/2022 )". 

Chuyến thăm tháng 10/2022 nổi bật vì chuyến thăm này nhằm thực hiện lời hứa của Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình là sẽ thực hiện chuyến công du ngoại quốc đầu tiên tới Trung Quốc sau khi tái đắc cử tổng bí thư vào tháng 1/2021. Về phần mình, sau khi tái đắc cử tổng bí thư, ông Tập Cận Bình cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên qua chuyến thăm vào tháng 11/2017.

Phải chăng mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vẫn rất bền chặt và như vậy Việt Nam sẽ phải tiếp tục xem Trung Quốc là đối tác hàng đầu hơn bất cứ quốc gia nào khác, cho dù giữa hai nước vẫn thường có căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông ? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang đưa ra một ý kiến khác : 

"Quan hệ giữa hai Đảng không nói hết được tại sao Việt Nam phải xem Trung Quốc là đối tác hàng đầu. Về bản chất, dù có theo thể chế chính trị nào đi chăng nữa, Việt Nam vẫn là một nước nhỏ so với Trung Quốc, và đã là nước nhỏ thì phải chịu sự ảnh hưởng của nước lớn dù muốn hay không. 

Các hoàng đế phong kiến Việt Nam hơn 1000 năm từ sau khi đất nước giành được độc lập dưới thời Ngô Quyền đều hiểu rõ bài học này, nên cho dù Việt Nam có đánh thắng Trung Quốc trên chiến trường, thì Việt Nam vẫn phải cử sứ giả để cầu hòa và chấp nhận tiếp tục làm chư hầu của Trung Quốc. 

Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết tâm thoát Trung vào giai đoạn 1978-1991, nhưng cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam, dù thắng trên chiến trường nhưng cũng phải chấp nhận cầu hòa với Trung Quốc, vì Việt Nam không đủ sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc lâu dài. Do vậy, Việt Nam nên khôn khéo bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp ngoại giao, do Việt Nam không thể chiến thắng trong một cuộc đua vũ trang với Trung Quốc. Trung Quốc chỉ ủng hộ chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam khi Việt Nam khẳng định với Trung Quốc là chính sách đa phương đó không làm tổn hại tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Bất kể cùng chung ý thức hệ, Trung Quốc giai đoạn 1978-1991 đã cho Việt Nam thấy rằng chỉ cần Bắc Kinh muốn cô lập Hà Nội, thì Hà Nội cũng không có cách nào thoát được, kể cả khi Liên Xô đã nỗ lực giúp Việt Nam thoát Trung.

Nhà phân tích Jeff Zeberlein, nguyên là một sĩ quan hải quân Mỹ, trên trang web của Jamestown Foundation ngày 20/10 đã viết : 

"Các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ hoan nghênh những phát triển ngoại giao ( trong quan hệ Mỹ-Việt ), nhưng các chuyên gia khu vực cảnh báo rằng bối cảnh địa lý của Việt Nam ngăn cản việc tăng cường hơn nữa quan hệ với phương Tây : Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ và trên biển, đó là một phần lý do tại sao nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc. 

Vì lợi ích chiến lược của mình, Việt Nam không thể đoạn tuyệt hoàn toàn với Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ được coi là một đối tác không đáng tin cậy, không chỉ vì lý do lịch sử, mà còn do hệ thống chính trị khác nhau giữa hai nước : Dưới con mắt của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, các tiến trình chính trị dân chủ của Hoa Kỳ dẫn đến việc ra những quyết định thất thường, ngắn hạn. 

Nhưng sự cải thiện rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Việt là tích cực cho cả hai nước, ngay cả khi Việt Nam khó có thể từ bỏ cách tiếp cận hòa giải đối với Bắc Kinh. Chính sách Bốn Không sẽ được triển khai với cả các đối tác phương Tây và Trung Quốc để mang lại cho Việt Nam nhiều quyền tự chủ hơn. Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ có thể thấy thất vọng vì tiến trình hội nhập quân sự chặt chẽ hơn bị đình trệ khi Việt Nam điều chỉnh quan hệ với phương Tây để xoa dịu Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Việt Nam chuyển sang một chính sách Bốn Không ít hạn chế hơn là bằng chứng cho thấy cam kết mạnh mẽ hơn của Việt Nam trong việc đối đầu với hành động mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông, mặc dù điều đó cũng có thể báo trước nhiều cuộc đụng độ hơn để bảo vệ các yêu sách biển của Việt Nam".

Thanh Phương

Nguồn : RFI, 06/11/2023

Published in Diễn đàn

Sau khi nâng cấp ngoại giao lên "Đối tác chiến lược toàn diện" với Mỹ trong chuyến thăm Hà Nội của Tổng thống Joe Biden (10 – 11/09/2023), thế đứng chính trị của Việt Nam với nước láng giềng Trung Quốc đã tự tin hơn.

myviet0

Đàn gảy tai trâu : "Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa…" (Phạm Minh Chính, 18/09/2023)

Những cam kết

Mặc dù Việt-Mỹ không có thỏa hiệp "liên minh quân sự", nhưng những cam kết trong "chiến lược toàn diện", bao gồm an ninh, quốc phòng và thịnh vượng chung, sẽ giúp Việt Nam "bớt lạnh chân" hơn trong giao tiếp với Trung Quốc.

Sự có mặt quân sự của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ được tăng cường và thường xuyên, sau chuyến công du của Tổng thống Biden. Hơn nữa, Mỹ cũng là quốc gia thuộc Thái Bình Dương nên các hoạt động về an ninh hàng hải và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn luôn được đặt lên hàng đầu của các chính quyền Hoa Kỳ, dù đảng Cộng hòa hay Dân chủ cầm quyền.

Trong Tuyên bố chung tại Hà Nội ngày 10/9/2023), hai nước đồng ý : "Hai nhà lãnh đạo hoan nghênh việc tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại quốc phòng, công nghiệp quốc phòng, phù hợp điều kiện mỗi bên, thông qua các cơ chế hợp tác được hai bên thống nhất. Hoa Kỳ cam kết tiếp tục hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực tự cường về quốc phòng, phù hợp với nhu cầu của Việt Nam và các cơ chế đã thiết lập".

Tuy nhiên, chưa có tin Việt Nam sẽ được Mỹ giúp "canh tân nền quốc phòng" ra sao, nhưng Theo GlobalData : "Chi phí trang bị quốc phòng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân và dự báo đạt độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR - Compound annual growth rate) ở mức kỷ lục 8,5% giai đoạn 2023-2027, đạt 8,5 tỷ đôla vào năm 2027".

"Việc Việt Nam mua vũ khí Mỹ 'mang tính chất phòng thủ'. Yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông và sức mạnh ngày càng tăng của các lực lượng vũ trang Trung Quốc đã thúc đẩy chính phủ Việt Nam tăng cường khả năng quân sự của mình", GobalData nhận định.

Chi tiêu quốc phòng của Việt Nam

Về tốc độ chi tiêu quốc phòng của Việt Nam bằng tiền đồng Việt Nam (VND), được CAGR ghi nhận, là 5,9% trong giai đoạn 2018-22, ở mức 138,5 nghìn tỷ Việt NamD vào năm 2022. Trong khi giai đoạn 2023-27, dự báo tốc độ CAGR tăng mạnh 11,3%, trị giá 228,2 nghìn tỷ Việt NamD vào năm 2027.

Akash Pratim Debbarma, Chuyên gia phân tích hàng không và quốc phòng tại GlobalData, nhận xét rằng dù nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng đã thể hiện khả năng phục hồi đáng kể.

"Kế hoạch mua sắm tàu ngầm hạng trung và tàu tuần tra là minh chứng cho cam kết của Việt Nam nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia và bảo vệ yêu sách lãnh thổ của mình trước bất kỳ hành động ngoại xâm lược nào, trong bối cảnh hiện nay, từ Trung Quốc", Asia Pacific Defence Reporter dẫn lời ông Akash Pratim Debbarma.

Việt Nam cũng đã nghĩ đến việc mua máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 (Su-57) của Nga.

Ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã gia tăng mỗi năm từ năm 2015, với đà tăng trưởng trung bình khoảng 7,2% mỗi năm, theo Defense News.

Trong khi đó ngân sách quốc phòng của Trung Quốc tăng 292 tỷ USD trong năm 2022, Nga tăng 86,4 tỷ USD và Mỹ : 876,9 tỷ USD.

Những nỗ lực của Việt Nam về an ninh và quốc phòng, sau chuyến thăm của Tổng thống Biden không ngoài mục đích giúp Việt Nam "vững bụng" hơn trước đe dọa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Xoay trục về Châu Á-Thái Bình Dương

Mỹ cũng đã nhìn thấy đe dọa của Bắc Kinh nên từ năm 2008, Tổng thống Barack Obama đã chuyển trục "ưu tiến quốc phòng của Mỹ" từ Châu Âu và Trung Đông về Châu Á-Thái Bình Dương. Sau đó, trục quốc phòng mới được thiết lập gồm Mỹ, Nhật, Úc Đại Lợi và Ấn Độ (QUAD). Quan hệ quốc phòng giữa Mỹ và khối 10 nước ASEAN (the Association of South East Asian Nations, Hiệp hội các nước Đông Nam Á) cũng chặt chẽ hơn.

Hạm đội 7 của Hoa Kỳ cũng vẫn tiếp tục tuần tra từ Biển Động sang eo biển Nhật-Nam Hàn và Đài Loan càng giúp các nước trong khu vực an tâm hơn khi phải đối đầu với Trung Quốc.

Kinh tế - thương mại - đầu tư

Trong linh vực kinh tế, thương mại và đầu tư, Tuyên bố chung Biden-Trọng viết : "Hai nhà lãnh đạo tái khẳng định hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và tăng trưởng kinh tế bao trùm dựa trên đổi mới sáng tạo đóng vai trò nền tảng cốt lõi và động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hai bên nhất trí tạo điều kiện thuận lợi và mở cửa thị trường hơn nữa cho hàng hóa, dịch vụ của mỗi nước, hỗ trợ chính sách thương mại, kinh tế và các biện pháp theo quy định để đạt được mục tiêu trên ; cùng nhau giải quyết các vấn đề như rào cản tiếp cận thị trường thông qua Hiệp định Khung về Thương mại và Đầu tư. Hoa Kỳ hoan nghênh những bước tiến trong quá trình cải cách kinh tế dựa trên thị trường có ý nghĩa quan trọng của Việt Nam, đồng thời khẳng định sự nhiệt tình và cam kết đối với quá trình phối hợp rộng rãi, mạnh mẽ, mang tính xây dựng và trên tinh thần ủng hộ Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường và tiến tới công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam theo luật Hoa Kỳ".

Luật lệ Mỹ không cho phép cạnh tranh bất hợp pháp, tôn trọng thương mại công bằng và đầu tư minh bạch. Cho đến nay, dù thương mại Mỹ-Việt gia tăng mỗi năm nhưng Mỹ vẫn chưa thừa nhận Việt Nam có nền "kinh tế thị trường" theo đúng luật pháp quốc tế và luật Hoa Kỳ.

Do đó, Tuyên bố chung viết : "Ngày 8 tháng 9 năm 2023, Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu chính thức của Việt Nam đề nghị Hoa Kỳ xem xét công nhận quy chế kinh tế thị trường. Hoa Kỳ sẽ khẩn trương xem xét yêu cầu này của Việt Nam theo luật định. Hoa Kỳ đánh giá cao những nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong việc tiếp tục hiện đại hóa và tăng cường hơn nữa tính minh bạch của khuôn khổ điều hành chính sách tiền tệ và tỷ giá của Việt Nam, thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn và lành mạnh của hệ thống ngân hàng".

Công nghệ hóa

Nhằm cụ thể hóa những cam kết trong chuyến thăm của Tổng thống Biden, ngày 18/09/2023 tại San Francisco, đã diễn ra "Diễn đàn kinh doanh Việt Nam – Hoa Kỳ hợp tác trong lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo" do Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam phối hợp cùng Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại San Francisco và Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tổ chức.

Lên tiếng tại Diễn đàn này, theo thông tin từ phía Việt Nam, ông Chính "Mong muốn các doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam, giúp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để cùng nhau chiến thắng, cùng có lợi, trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ" (Báo điện tử Chính phủ, 19/09/2023).

Thủ tướng Việt Nam cũng "Hoan nghênh sự quan tâm của các doanh nghiệp đối với thị trường Việt Nam ; cho rằng với quan điểm "sức mạnh bắt nguồn từ người dân, doanh nghiệp", doanh nghiệp hai nước có hành động thiết thực, cụ thể hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ; mang lại lợi ích cho quốc gia và nhân dân mỗi nước ; phù hợp với tình hình phát triển của hai đất nước, xu thế của thời đại và nguyện vọng chính đáng của nhân dân hai nước và phù hợp với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp hai nước".

Cuối cùng ông Chính "Đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ hiện thực hóa sự ủng hộ của Hoa Kỳ về một Việt Nam "mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng". Trong đó, các doanh nghiệp cần tập trung vào các lĩnh vực thương mại, dịch vụ ; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đặc biệt là công nghệ số và chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ".

Đáp lại lời ông Chính, đại diện các doanh nghiệp Mỹ cho rằng : " Việc Việt Nam – Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, trong đó Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Joe Biden thống nhất đưa công nghệ, đổi mới sáng tạo và đầu tư thực sự trở thành trụ cột mới trong quan hệ hai nước, là bước ngoặt mạnh mẽ và tích cực để doanh nghiệp hai nước hợp tác đầu tư".

Ông Chính rao hàng

Trước đó, nhằm an tâm doanh nghiệp Mỹ, ông Phạm Minh Chính đã "rao hàng" khi khoe sự ổn định chính trị và chính sách quốc phòng, ngoại giao được gọi là "độc lập" của Việt Nam trước áp lực của Trung Quốc.

Ông nói : "Việt Nam đang xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ; xuyên suốt quá trình đó, lấy con người là trung tâm, là mục tiêu, là chủ thể, động lực và nguồn lực của sự phát triển ; không hy sinh công bằng, an sinh xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần".

Tuy nhiên, thế nào là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" ? Nền "dân chủ" mà ông Chính khoe không phải là một nền dân chủ chân chính theo đúng nghĩa "dân làm chủ" và "được hưởng đầy đủ các quyền tự do" như Hiến pháp 2013 quy định.

Ngược lại người dân Việt Nam không có quyền tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do lập hội và tự do biểu tình. Tất cả báo chí và truyền thông đều của đảng và nhà nước làm chủ.

Hơn nữa Việt Nam cũng không có đảng chính trị thứ hai để cạnh tranh với quyền cai trị độc tôn và độc tài của Đảng cộng sản Việt Nam. Việt Nam cũng không có Tòa án Hiến pháp để người dân kiện đảng ra tòa vì đã tự cho mình quyền "lãnh đạo Nhà nước và xã hội" không do dân bầu.

Ngoại giao – quốc phòng

Cũng trong diễn văn tại San Francisco, ông Phạm Minh Chính còn khoe : "Cùng với đó, Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả ; chính sách quốc phòng 4 không "không tham gia liên minh quân sự ; không liên kết với nước này để chống nước kia ; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác ; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế".

Những con số

Cũng sau hội nghị Biden-Trọng ở Hà Nội, cơ quan thông tin chính thức của Việt Nam (Thông tấn xã Việt Nam- TTXVN) đã phổ biến thành quả sau gần 30 năm hai nước bình thường hóa thương mại.

TTXVN viết : "Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng chiếm gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi toàn thế giới.

Năm 2022, Hoa Kỳ là quốc gia đầu tiên đưa kim ngạch song phương Việt Nam-Hoa Kỳ đạt mức 124 tỷ USD và là thị trường đầu tiên vượt ngưỡng 100 tỷ USD.

Con số này đã tăng khoảng 3,5 lần cách đây 10 năm - thời điểm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện. Năm 2023, dù vẫn chịu tác động do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng nhiều dự báo có thể khẳng định hai nước vẫn có thể vượt mốc 100 tỷ USD về kim ngạch thương mại".

Về viễn ảnh hợp tác, TTXVN cho biết : "Đặc biệt, chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ Joe Biden được kỳ vọng hướng tới nâng tầm quan hệ hai nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế-thương mại-đầu tư...".

TTXVN liệt kê : "Từ thời điểm năm 1994 khi Hoa Kỳ chính thức gỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam, một trang mới về hợp tác kinh tế, thương mại trong tổng thể quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được bắt đầu.

Hiện tại, Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam vượt mốc 100 tỷ USD và Việt Nam xuất siêu lớn. Đáng lưu ý, kim ngạch xuất khẩu hai chiều Việt Nam-Hoa Kỳ đã tăng hơn 140 lần, từ 451 triệu USD năm 1995 lên hơn 130 tỷ vào năm 2022".

Trong khi đó, năm 2022 : "Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Hoa Kỳ ; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ tăng 25,2%, chiếm xấp xỉ 3,9% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ.

Tính đến hết tháng 8/2023, kim ngạch thương mại với Hoa Kỳ đạt gần 62,3 tỷ USD, giảm gần 18% do khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhưng vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, năm 2022 nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2021. Thặng dư thương mại của Việt Nam-Hoa Kỳ đạt hơn 116 tỷ USD và xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 382,9 tỷ USD và Mexico với 130,6 tỷ USD)".

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Hoa Kỳ có tốc độ tăng tích cực gồm máy và thiết bị điện tử, thu âm, thu hình ; giày dép ; sản phẩm da, túi, ví, ô dù ; nhựa và sản phẩm nhựa ; đồ chơi, game và dụng cụ thể thao. Cùng đó, các mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ có tốc độ tăng trưởng mạnh là máy bay, thiết bị, phụ tùng ; hóa chất ; 176,8%) ; nhựa và sản phẩm nhựa".

Như vậy, thế đứng chính trị của Việt Nam ở Đông Nam Á đã được củng cố cả về quốc phòng và kinh tế sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden. Ngược lại Hoa Kỳ cũng đã tái khẳng định vai trò lãnh đạo của mình với các nước đồng minh ở Châu Á và Thái Bình Dương trong cam kết giữa hai nước.

Phạm Trần

(20/09/2023)

Published in Diễn đàn

Báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS), được phổ biến vào ngày 16/2, đề cập đến các lĩnh vực bao gồm thể chế chính trị của Việt Nam và vấn đề nhân sự lãnh đạo vừa được bầu chọn trong Đại hội Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XIII, Việt Nam đối phó với đại dịch Covid-19, Hoa Kỳ viện trợ cho Việt Nam, mối quan hệ Việt-Trung và vấn đề căng thẳng ở Biển Đông, kinh tế và thương mại và vấn đề nhân quyền.

duday1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng đi dạo trong khuôn viên khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh vào sáng 12/11.

Theo báo cáo, Hoa Kỳ hiện là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam sau Trung Quốc và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 10 của Mỹ.

Kể từ năm 2010 đến nay, hai nước đã thiết lập mối quan hệ đối tác về kinh tế và an ninh khu vực, một phần là do ảnh hưởng của Trung Quốc.

Báo cáo dành một phần nói về quan hệ Việt-Trung, nhận định quan hệ về an ninh quốc phòng giữa Mỹ và Việt Nam trải qua hai thời kỳ Tổng thống Barack Obama và Donald Trump đã được tăng cường do việc Trung Quốc gây sức ép lên Việt Nam ở Biển Đông.

Bản báo cáo ghi nhận mối quan hệ Việt-Mỹ đạt được nhiều tiến bố trong những năm vừa qua.

Tuy nhiên quan hệ hai nước còn bị hạn chế bởi ba yếu tố : Việt Nam bao giờ cũng tính toán các phản ứng của Trung Quốc trước mỗi động thái ngoại giao mà Việt Nam muốn triển khai với Hoa Kỳ.

Công chúng Việt Nam bao giờ cũng đánh giá tích cực về Mỹ, nhưng nhiều quan chức vẫn còn hoài nghi đối với các mục tiêu lâu dài của Mỹ là muốn chấm dứt sự độc tôn quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam (Đảng cộng sản Việt Nam), thông qua "diễn biến hòa bình".

Phía Hoa Kỳ quan ngại về "thành tích" nhân quyền của Việt Nam, mà thành tích này đang bị "teo tóp" trong mấy năm vừa qua và điều này luôn là rào cản trong việc cải thiện quan hệ song phương.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, cựu tù nhân nhân quyền Nguyễn Ngọc Già vào tối ngày 19/2 nêu lên nhận xét của ông với RFA về mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già cho rằng tạm chia thành ba mối quan hệ riêng biệt gồm Việt-Mỹ, Việt Trung và Mỹ-Trung.

Trong cả ba mối quan hệ có ba điểm tương quan chính yếu gồm kinh tế, thể chế chính trị, trong đó có vấn đề nhân quyền và tự do hàng hải.

Điều đáng chú ý là quan hệ song phương Việt-Trung có hai điểm chung là kinh tế và thể chế chính trị.

duday2

"Nói hình tượng một chút, đó chính là ba cái vòng tròn và cái vòng Việt Nam thì đứng chính giữa.

Như vậy mối quan hệ khắng khít của Việt Nam và Trung Quốc có lợi thế hơn nhiều so với mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ.

Chính sách trước nay rất nhiều nhà nghiên cứu đã đúc kết đưa ra, đó là chính sách ‘đu dây’ của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam theo đuổi và có thể nói chính sách ‘đu dây’ được Hà Nội thực hiện cũng khá uyển chuyển.

Tuy nhiên, theo ý kiến của tôi, chính sách ‘đu dây’ này có một mặt trái rất bất lợi cho nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chính là niềm tin.

Niềm tin quan trọng nhất trong tất cả các mối bang giao quốc tế. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam không có niềm tin vào Mỹ và thực tế thì họ cũng không có niềm tin từ nhà cầm quyền Cộng sản Trung Quốc. Đây là một sự bất lợi cho Việt Nam".

Từ lập luận vừa rồi, ông Nguyễn Ngọc Già đưa ra nhận định rằng mối quan hệ song phương Việt-Mỹ, Việt-Trung và mối quan hệ đa phương Mỹ-Việt-Trung vẫn trở nên rất là dây dưa, mà có thể nói là không thể sớm giải quyết trong một sớm một chiều.

Đài RFA ghi nhận đánh giá của một số chuyên gia rằng Việt Nam có vị thế địa-chính trị và tầm quan trọng chiến lược ở Đông Nam Á, để từ đó Mỹ có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng trật tự thế giới dựa trên nguyên tắc luật lệ.

Đồng thời, Việt Nam và Mỹ tuy có hệ thống chính trị và ý thức hệ khác nhau, nhưng về ý đồ chiến lược, giữa hai nước có nhiều quyền lợi song trùng, đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc.

duday3

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 27/2/2019

Bài viết có nhan đề "Lời cảnh báo không dễ bỏ qua !", của tác giả Lê Thế Hùng, đăng tải trên RFA ngày 5/2, đã đề cập đến thông tin Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể sẽ triệu tập "Hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ" nhằm mục đích khẳng định tinh thần và quyết tâm chung của các quốc gia trong thế giới tự do đối với tiến trình dân chủ hóa trên toàn cầu.

Tác giả Lê Thế Hùng nhận định qua đó cho thấy một thông điệp của Chính quyền Tổng thống Joe Biden rằng Hoa Kỳ có thể sẽ hợp tác ít hơn với các quốc gia độc tài, toàn trị trong khi tăng cường hợp tác với các đối tác dân chủ.

Nhân quyền : yếu tố rào cản quan hệ Việt-Mỹ

Vấn đề nhân quyền đưa ra trong Báo cáo của CRS trước Quốc hội Mỹ xác nhận Việt Nam gia tăng đàn áp nhân quyền trong thời gian vừa qua.

Báo cáo có đoạn viết : "Chính phủ (Việt Nam) ngày càng gia tăng (đàn áp) nhắm vào các blogger và luật sư, những người đại diện cho các nhà hoạt động nhân quyền và tự do tín ngưỡng, đặc biệt là những người mà giới chức quy kết là có liên quan đến các mạng lưới dân chủ hoặc phê phán chính sách của chính quyền đối với Trung Quốc".

Theo đánh giá trong báo cáo, mặc dù Mỹ và Việt Nam vẫn tổ chức các đối thoại về nhân quyền hàng năm nhưng chính quyền của Tổng thống Trump không đặt nhân quyền làm ưu tiên hàng đầu trong quan hệ hai nước.

Nhà báo Nguyễn Ngọc Già nhấn mạnh với RFA rằng vấn đề nhân quyền được Chính phủ Hoa Kỳ chú trọng trong chính sách ngoại giao kể từ khi thiết lập mối bang giao với Việt Nam suốt 25 năm qua, và quan điểm về vấn đề nhân quyền giữa Việt Nam với Hoa Kỳ còn nhiều khác biệt, nên cũng không thể cho rằng Chính quyền Trump đã không can thiệp vào vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

"Nếu nói một cách khách quan, vấn đề nhân quyền là vấn đề toàn cầu.

Tuy nhiên, vấn đề nhân quyền gắn với vấn đề bang giao quốc tế. Và vấn đề này được xác lập từ rất lâu, có nghĩa là quan hệ giữa hai quốc gia luôn luôn phải là bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Thứ hai nữa, chính sách của tân Tổng thống Biden, vừa rồi ông cũng nói rằng sẽ thực hiện chính sách ‘kiên nhẫn chiến lược đối với Trung Quốc’, mà thực tế trong hàng chục năm qua đối với các nhà độc đảng, toàn trị như Tập Cận Bình hay rất nhiều lãnh đạo của cộng sản Việt Nam thì vấn đề nhân quyền đối với họ không có giá trị gì.

Vì vậy, tôi không trông chờ và tôi không nhìn thấy tình hình được sáng sửa hơn trong tương lai cũng như trong bốn năm trước mắt".

Nhà quan sát tình hình Việt Nam-luật sư Vũ Đức Khanh, trong cuộc phỏng vấn với RFA hồi cuối tháng 1, nhận định rằng tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ nói rất mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam về vấn đề nhân quyền.

Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo, vào tối ngày 19/2 lên tiếng với RFA liên quan vấn đề này :

"Là người tranh đấu cho nhân quyền thì ai cũng mong muốn tình hình nhân quyền Việt Nam được cải thiện.

Một mặt, ở trong nước vẫn phải lên tiếng. Nhưng điểm chính là những người tranh đấu hy vọng cộng đồng quốc tế, đặc biệt trong đó có Hoa Kỳ, sẽ có những tác động và sức ép nhất định đối với nhà cầm quyền Việt Nam để họ giảm bớt sự đàn áp.

Ai cũng mong như vậy, nhưng tôi nghĩ cũng khó lòng để hy vọng nhiều. Bởi vì, mục tiêu số một vẫn là tránh để cho Hà Nội không lệ thuộc vào Bắc Kinh.

Cho nên, phải tìm cách khéo léo kéo dần dần Hà Nội ra khỏi sự ảnh hưởng của Bắc Kinh. Nếu làm gì căng thẳng quá thì có thể như người Việt Nam thường nói ‘giá néo thì đứt dây".

Nếu như không tế nhị thì Việt Nam quay lại ôm chặt lấy Trung Quốc và mục tiêu của Hoa Kỳ ngăn chặn Trung Quốc bành trướng và tranh giành ngôi vị số một thế giới sẽ bị ảnh hưởng".

Nhà báo Võ Văn Tạo chia sẻ thêm bản thân ông cùng một số người khác trong giới đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam có lòng tin vào Chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể sẽ có các biện pháp mạnh hơn đối với Hà Nội như chế tài về kinh tế, hay áp dụng luật Magnisky đối với quan chức Việt Nam trực tiếp đàn áp nhân quyền khi mà Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo tiếp tục mạnh tay đàn áp và bắt bớ giới đấu tranh dân chủ ở trong nước.

Mặc dù vậy, nhà báo Võ Văn Tạo khẳng định bởi vì yếu tố "Trung Quốc", mà "Tôi không hy vọng vọng nhiều lắm vào tình hình nhân quyền sẽ được cải thiện trong thời gian ông Biden làm tổng thống".

Trong khi đó, qua trao đổi điện thư với RFA, TS. Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Giám đốc Truyền thông của Viện Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD), lập luận rằng quan hệ Việt-Mỹ có khăng khít hơn hay không, không chỉ tuỳ thuộc vào nỗ lực song phương.

Bởi vì việc đó chỉ là một nhánh, một phân hệ trong Hệ Tổng quát, gọi là Trật tự mới ở khu vực cũng như trên toàn cầu.

Nếu Trật tự ấy tiếp tục xấu đi, thậm chí tan vỡ thì cũng chẳng có bang giao song phương nào được cải thiện, nói chi là khắng khít.

TS. Đinh Hoàng Thắng chỉ ra rằng các nước EU đang rất quan tâm đến Á Châu. Dẫn đầu là Pháp, Đức, Anh quốc đang có những động thái ngoại giao tích cực, hỗ trợ Mỹ và "Bộ tứ" trong việc định hình và thúc đẩy FOIP-Không gian Ấn Thái Dương Tự do và Rộng mở. Trong khi ấy liên quan đến tình hình ở Myanmar, ASEAN được nhìn nhận vẫn đang chậm lụt trong vai trò được mệnh danh là "trung tâm" trong giải quyết công việc ở trong vùng Đông Nam Á.

Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, TS. Đinh Hoàng Thắng nhấn mạnh rằng : "Tôi muốn nói đến thái độ ‘án binh bất động’, ‘đèn nhà ai nhà ấy rạng’ của ASEAN, trong đó có Việt Nam như một tập hợp khu vực. Thái độ ấy đang gây thất vọng cho cộng đồng quốc tế"

Hoàng Trung (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 24/02/2021

Published in Diễn đàn