Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Việt Nam !

Louis Roubaud 

Lời giới thiệu : Gần đến ngày tưởng niệm 92 năm (17/6/1930-17/6/2022) ngày các bậc anh hùng Quốc Dân Đảng bị chém ở Yên Báy chúng tôi trân trọng đăng bản dịch trích từ tác phẩm "Việt Nam" của nhà báo Pháp Louis Roubaud. Ông đã chứng kiến từng người một bình thản đi đến máy chém. Mười ba bậc anh hùng này đã hô vang "Việt Nam". Ông xúc động mãnh liệt và kể lại sự kiện bi hùng trong tác phẩm tựa đề "Việt Nam". Lần đầu tiên tại Pháp hai tiếng "Việt Nam" được dùng để nói về An Nam thuộc địa của Pháp. (TQV)

anhhung01

"Quel est ce vocable qui rappelle qu’on ne bâillonne pas un peuple, qu’on ne le mate pas avec le sabre courbe du bourreau"

Chúng tôi chân thành cảm ơn một người bạn văn muốn ẩn danh ở Pháp đã dịch ra tiếng Việt và cảm ơn một người bạn Mỹ đã dịch ra tiếng Anh. Qua bản gốc tiếng Pháp và hai bản dịch tiếng Việt và tiếng Anh này chúng tôi hy vọng những người Việt trong và ngoài nước biết đến các bậc anh hùng đã bỏ mình vì nước vào rạng sáng ngày 17 tháng 6 năm 1930. Tiếng hô vang "Việt Nam" vẫn còn vang vọng bên tai và trong lòng chúng ta muôn đời. 

Trần Quốc Việt 

***

Việt Nam

Louis Roubaud – Tác giả ẩn danh dịch sang tiếng Việt

anhhung02

Từ "Việt" là tên gọi một tộc trong trăm tộc, theo thần thoại, lập ra Đế quốc An Nam. Việt có nghĩa là Tổ quốc.

Việt cũng có nghĩa là "ở dưới đó, ở xa tận dưới đó" và nhắc nhở cuộc di dân lập quốc ở phía cực nam của nước Tàu.

Người ta nói "Việt Nam" (phía Nam ở xa) thay vì nói "An Nam" (phía Nam bình yên).

Xóa bỏ từ Trung Hoa "an", có nghĩa "bình yên, ổn định", là một cách phủ nhận ký ức về kẻ chinh phục xưa và không chấp nhận sự chiếm đóng của giặc xâm lăng.

Việt Nam ! Việt Nam ! Tổ quốc phía Nam ! Tổ quốc phía Nam !... Mười ba lần tôi nghe tiếng hét đó trước máy chém ở Yên Báy. Mười ba người bị kết án tử hình, kẻ trước người sau, chỉ cách đoạn đầu đài 2 thước, đã hô lớn "Việt Nam" .

Louis Roubaud

Nguyên tác : Viet Nam, Librairie Valois, Paris, 1930. Bản tiếng Anh của Robert Charles Dolan, tác giả ẩn danh dịch sang tiếng Việt

anhhung3

"Viet", which is the name of one of the 100 legendary founding families of the empire of Annam, expresses the idea of homeland (or motherland).

It also means "over there, in the distance" and recalls the exodus of populations that settled to the far south of China.

We say "Viet Nam" (distant south) rather than "Annam" (peaceful south).

The elimination of the Chinese word "an", signifying "peaceful or pacified", is a protest against the memory of the former conqueror and against the acceptance of the conquest.

Viet Nam ! Viet Nam !... Homeland of the South ! Homeland of South !... 13 times I heard this cry in front of the guillotine of Yen Bay. The 13 men sentenced to death proclaimed it, one after another, standing just 2 meters from the scaffold.

************************

Phỏng vấn Ký Con

Louis Roubaud - Trần Quốc Việt dịch 

Lời người dịch : Vào tháng Sáu năm 1930 trong văn phòng của ông Arnoux, chánh mật thám Bắc Kỳ, tại Hỏa Lò, Hà Nội, phóng viên Pháp Louis Roubaud từ Paris đến đã phỏng vấn Ký Con, trưởng ban ám sát và kỷ luật của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Nhà báo Pháp tả về Ký Con như sau :

"Ông 22 tuổi người nhỏ con và gầy. Mặt ông giống như mặt con sóc và mắt ông sáng. Ông vẫn đứng thẳng và khi ông phấn khích, ông dường như quên ông là người tù. Hai cổ tay ông bị còng chéo chặt lại với nhau nên cử chỉ duy nhất ông có thể làm là giơ hai cánh tay lên về hướng quạt trần.

"Ký Con" cười nói vui vẻ, đôi vai ông rung lên, ông dường như trò chuyện thoải mái ở đây với một người thông minh sau những giờ dài đơn điệu trong xà lim".

Ông Arnoux nói tiếng Việt còn "giỏi hơn người bản xứ" đã thông dịch cho phóng viên Louis Roubaud trong cuộc phỏng vấn. Ở cuối chương về Ký Con, tức Đoàn Trần Nghiệp, Roubaud viết "Arnoux là kẻ thù tàn bạo nhất của họ, truy đuổi họ đến cùng, nhưng ông không bao giờ khinh miệt họ".

Họ ở đây không ai khác hơn chính là những liệt sĩ vô danh và hữu danh của Việt Nam Quốc Dân Đảng. (TQV)

***

Bây giờ đến lượt tôi hỏi ông.

"Nếu ông không tin chắc vào thắng lợi, tại sao ông vẫn cứ tiếp tục làm ?"

Ông đáp :

"Luôn luôn phải có người bắt đầu trước rồi người sau mới nối bước được. Hôm nay chúng tôi không thành công thì người sau tất sẽ thành công".

"Thành công điều gì ?"

"Là đuổi người Pháp ra khỏi nước An Nam".

"Phải chăng ông sẽ đạt được mục tiêu ấy bằng cách sát hại đồng bào ông ?"

"Tôi chỉ trừng phạt những kẻ phản bội. Nếu tôi giết ai thì đó cũng chỉ là vì cái lợi ích chung. Chẳng lẽ ông đã làm được cách mạng mà không cần giết người ?"

"Và ông còn cướp cả hành khách nữa".

"Cách mạng cần tiền. Trên xe có nhiều thương gia người Tàu giàu có đi chợ để tích trữ lúa gạo. Tôi bảo với họ rằng tôi có nhiệm vụ lấy của người giàu chia cho người nghèo".

"Ông là cộng sản ?"

"Tôi chỉ là người ủng hộ chính quyền cộng hòa như ông. Tôi mong muốn nước tôi những gì các ông đã đạt được cho nước các ông : một chính phủ dân chủ, phổ thông đầu phiếu, tự do báo chí, công nhận nhân quyền và quyền của công dân, và trước tiên là độc lập !"

Ông còn tuyên bố :

"Giá như người Pháp thương chúng tôi, họ sẽ thấy chúng tôi đau khổ !"

Rồi ông nói tiếp :

"Người đau khổ nhất là người già vì họ không còn nhìn thấy rõ nữa. Chúng tôi đang sống không có ánh sáng như người già. Chúng tôi là dân tộc đang sống trong bóng tối".

Nói xong, "Ký Con" bị giải về xà lim.

Louis Roubaud

Nguyên tác : "Việt Nam", Nhà xuất bản Librairie Valois, Paris, 1931. Bản tiếng Anh của Robert Charles Dolan.

Trần Quốc Việt dịch

*******************

"Tủi thân không được chết vinh dưới cờ"

Trần Quốc Việt, 14/06/2022

Cô Giang (1909-1930) là người nữ anh hùng, người vợ đồng chí hướng của anh hùng Nguyễn Thái Học. Sau khi chồng và 12 anh hùng đảng viên Quốc dân Đảng bị xử tử ở Yên Bái vào ngày 17 tháng Sáu 1930, Cô Giang tự kết liễu đời mình vào ngày hôm sau ở quê chồng và để lại hai lá thư ngắn và một bài thơ.

anhhung4

Cô Giang (1909-1930)

Hôm nay nhân 92 năm ngày mất của người nữ anh hùng này, chúng tôi đăng lại hai bức thư ngắn và bài thơ. Chúng tôi cũng dịch một bài báo ngắn về Nguyễn Thị Giang, tức Cô Giang, đăng gần 3 tháng trước ngày những bậc anh hùng Quốc Dân Đảng bị hành hình ở Yên Bái và ngày Cô Giang tuẫn tiết.

Hai bức thư của Cô Giang (Nguyễn Thị Giang)

Bức thư thứ nhất

"Ngày 17 tháng 6,1930

Thưa Thầy, Mẹ,

Con chết là vì hoàn cảnh đã bó buộc con : không báo thù được cho nhà, rửa được nhục cho nước ! Sau khi đã đem tấm lòng trinh bạch dâng cho chồng con ở đền Hùng, giờ con tìm về chỗ quê cha, đất tổ, mượn phát súng này mà kết liễu đời con !

Đứa con dâu thất hiếu kính lạy".

Bức thư thứ hai

"Anh đã là người yêu nước !

Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước, Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về mà chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng !

Phải chịu đựng nhục nhã, mới có ngày mong được vẻ vang ! Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ !"

*

Bài thơ :

"Thân không giúp ích cho đời !

Thù không trả được cho người tình chung !

Dẫu rằng đương độ trẻ trung,

Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.

Con đường tiến bộ mông mênh,

Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao !

Bây giờ hết kiếp thơ đào

Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây !

Dẫu rằng chút phận thơ ngây,

Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên !

Chết đi dạ những buồn phiền,

Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình !

Quốc kỳ phất phới trên thành,

Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.

Cực lòng nhỡ bước sa cơ !

Chết sầu, chết thảm, có thừa xót xa !

Thế ru ? Đời thế ru mà ?

Đời mà ai biết ? Người mà ai hay".(1)

*

Phụ nữ Đông dương phản kháng - Vai trò họ đóng trong các cuộc bạo loạn

anhhung05

Báo The Straits Times, 21 tháng Ba 1930, trang 13

Mật thám ở Đông dương đang truy nã khắp nơi người yêu của Nguyễn Thái Học - một cựu giáo viên tiểu học - tên Thị Giang, người được cho là đã đóng một vai trò rất quan trọng nhằm chuẩn bị cơ sở cho cuộc khởi nghĩa ở Yên Bái và cho các cuộc nổi dậy ở bản xứ.

Nguyễn Thái Học là người cầm đầu những nghĩa quân, và theo các lời khai của một số người dưới quyền của ông hiện nay đang bị bắt giam, người yêu của ông Thị Giang đã phụ trách công tác tuyển mộ những phụ nữ trẻ và thiếu nữ để giúp cho sự nghiệp "cách mạng".

Những thiếu nữ và phụ nữ này thật sự đã thực hiện được nhiều công tác ích lợi nhất cho các nghĩa quân. Họ chuyền tay nhau các danh sách những người đóng góp tiền bạc và đã quyên được khá nhiều tiền ; họ còn dùng ảnh hưởng của mình để thuyết phục những người đàn ông trong gia đình họ gia nhập các nghĩa quân và họ được giao phó những công tác tế nhị mà đàn ông không thể nào thực hiện tốt hay an toàn.

Trần Quốc Việt sưu tầm


Chú thích :

(1) Trích từ tác phẩm "Nguyễn Thái Học", chương 43 tựa đề "Chị Giang" của nhà văn Nhượng Tống, một người đồng sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Published in Diễn đàn