Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 11 novembre 2024 22:16

Việt Nam và Donald Trump nhiệm kỳ II

Quan hệ Mỹ - Việt Nam trong nhiệm kỳ II của Tổng thống Cộng hòa Donald Trump sẽ không có những thay đổi đặc biệt, nếu liên lạc giữa Hoa Thịnh Đốn và Bắc Kinh vẫn giữ nguyên trạng như thời Tổng thống Dân chủ Joe Biden.

vntrump1

Quan hệ Việt Nam Hoa Kỳ thời Donald Trump 2.0 - Ảnh minh họa 

Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện" ngày 10/09/2023, nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Joe Biden. Hai nước đã tăng cường hợp tác kinh tế và quốc phòng sau thỏa hiệp này.

Thương mại

Về thương mại, Việt Nam "xếp thứ 3 trong các nước mà Mỹ có thâm hụt thương mại lớn nhất, thứ 6 về giá trị nhập khẩu và thứ 8 về tổng kim ngạch thương mại" (theo Doanh nghiệp & Kinh doanh).

Bài viết nói thêm : "Theo số liệu mới được Cục Thống kê Dân số Mỹ công bố, trong năm 2022, Mỹ nhập khẩu 127,52 tỷ USD hàng hóa của Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang Việt Nam 11,4 tỷ USD. Thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam là hơn 116 tỷ USD, đứng thứ 3 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ mà Mỹ có thâm hụt thương mại".

Trung bình mỗi tháng, Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam 950 triệu USD, nhập về 10,6 tỷ USD, thâm hụt khoảng 9,7 tỷ USD".

"Mỗi tháng trong năm 2022, Việt Nam thặng dư thương mại hàng hóa với Mỹ khoảng 10 tỷ USD".

Quốc phòng

Trong lĩnh vực quốc phòng, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Jedidiah P. Royal cho biết : "Hợp tác quốc phòng Mỹ-Việt còn bao gồm các nỗ lực tăng năng lực quốc phòng và sản xuất quốc phòng, cũng như củng cố khả năng theo dõi-giám sát hàng hải của Việt Nam (VOA tiếng Việt, ngày 1/10/2024).

Chi tiết hợp tác này còn được giữ kín, nhưng từ khi Tổng thống Barack Obama "bỏ cấm vận bán vũ khí sát thương" cho Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam năm 2016, Mỹ đã bán cho Việt Nam tấu tuần dương, máy bay, xe tăng, chiến cụ để bảo trì vũ khí bỏ lại Việt Nam sau chiến tranh.

Ngoài ra Việt Nam cũng đã mua nhiều loại radar theo dõi không phận và trên biển trong bối cảnh đề phòng tấn công từ Trung Quốc.

Quyền con người

Trong lĩnh vực quyền con người, chuyến thăm Việt Nam năm 2017 của Tổng thống Donald Trump đã khiến các nhà dân chủ và tranh đấu nhân quyền ở Việt Nam thất vọng. Tuyên bố chung chi viết ở điểm thứ 10 : "Lãnh đạo hai nước ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người".

Ngoài ra, các viên chức Mỹ thời đó không cho biết liệu ông Tump có yêu cầu phía Việt Nam thả hết "tù nhân lương tâm", theo yêu cầu của các tổ chức nhân quyền quốc tế và phía đối lập ở Việt Nam hay không.

Nhưng các vụ đàn áp tôn giáo và dân chủ vẫn tiếp tục như cũ. Tông thống Trump là người làm thương mại, vì vậy ông đã quan tâm đến hợp tác kinh tế nhiều hơn. Ông Trump coi vấn đề "quyền con người" là chuyện nội bộ của Việt Nam.

Đảng cộng sản Việt Nam tỏ ra "hả dạ" với lập trường "quyền lợi Mỹ trên hết" của ông Trump, nhưng các nhà đấu tranh và các tổ chức nhân quyền quốc tế không hai lòng, cho rằng ông Trump đã "chỉ nghĩ đến quyền lợi Mỹ".

Biển Đông

Về tình hình Biển Đông, Tuyên bố chung năm 2017 viết : "Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của quyền được tiếp cận tự do và mở khu vực Biển Đông đối với cộng đồng quốc tế, tầm quan trọng của việc duy trì thương mại hợp pháp không bị cản trở, và sự cần thiết phải tôn trọng tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Hai bên tái khẳng định lập trường về Biển Đông được nêu trong các Tuyên bố chung Việt Nam-Hoa Kỳ và Hoa Kỳ-ASEAN trước đây, bao gồm việc kêu gọi các bên không có những hành động làm leo thang căng thẳng, quân sự hóa các cấu trúc đang tranh chấp, và hạn chế một cách phi pháp các quyền tự do trên biển ; tái khẳng định cam kết chung đối với việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm việc tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý".

Lãnh đạo hai nước kêu gọi thực thi đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), và sớm hoàn tất một Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, có tính ràng buộc về mặt pháp lý. Hai bên cũng kêu gọi tất cả các bên yêu sách ở Biển Đông làm rõ và thực thi những yêu sách biển của mình phù hợp với luật pháp quốc tế, như được phản ánh trong Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, và thực hiện một cách thiện chí những trách nhiệm pháp lý quốc tế của mình trong quá trình quản lý và giải quyết tranh chấp".

Lập trường chung này không mới mà chỉ lập lại những cam kết giữa hai nước trước đây.

Điều này có thể hiểu Mỹ quyết tâm bảo vệ "lưu thông hàng hải và hàng không an toàn trên Biển Đông", đồng thời cũng cam kết bảo vệ đường lưu thông hàng hải Đông-Tây huyết mạch này.

An ninh khu vực

Về an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, lập trường của ông Trump trong nhiệm kỳ thứ nhất đã "xích lại gần Trung Quốc" hơn, nhưng chỉ về mặt thương mại. Ông Trump không từ bỏ cam kết Hoa Kỳ bảo vệ an ninh vùng đất bao la này, nhưng – cũng như Châu Âu - ông đòi hỏi các nước phát triển và giàu có trong khu vực như Nhật, Nam Hàn và Úc Đại Lợi đóng góp thêm về tài chính.

chinhsach2

Chính sách xoay trục sang Châu Á-Thái Bình Dương hay Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở của Mỹ dưới thời Donald Trump 2.0 sẽ không có gì thay đổi 

Ông Trump cũng duy trí liên lạc và hợp tác chặt chẽ với "khối 4 nước", gồm Mỹ, Nhật, Nam Hàn và Úc" để đương đầu với đe dọa quân sự của Trung Quốc.

Vì vậy, từ thời Tổng thống Obama, Mỹ đã xoay trục, di chuyển lực lượng từ Châu Âu và Trung Đông về vùng Châu Á-Thái Bình Dương, và hợp tác song song quốc phòng với Ấn Độ để bảo đảm an ninh cho vùng biển Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Dưới thời Tổng thống Joe Biden, chính sách xoay trục này chỉ có tăng cường thêm, vì vậy, không ai nghĩ Tổng thống Donald Trump sẽ thay đổi trong nhiệm kỳ II của ông.

Phạm Trần

(11/11/2024)

Additional Info

  • Author Phạm Trần
Published in Diễn đàn