Nồng ấm Nhật-Trung chỉ là nhất thời.
Cuối tháng 10/2018, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Hai bên đã nói nhiều về sự hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai. Cũng trong tháng 10/2018, tàu khu trục Lan Châu của Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông gửi tín hiệu chào mừng thân thiện đến tàu chở trực thăng Kaga của Nhật, khi hai bên gặp nhau.
Đoàn Nhật Bản do Thủ tướng Shinzo Abe dẫn đầu đang hội đàm với Trung Quốc tại Bắc Kinh. 26/10/2018. AFP
Có phải quan hệ Nhật Trung đang thực sự nồng ấm, và Bắc Kinh sẽ tiếp cận hồ sơ Biển Đông một cách mềm mỏng hơn ?
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế hiện làm việc tại Singapore nói với Kính Hòa đài RFA rằng đây chỉ là một giai đoạn nhất thời.
Lê Hồng Hiệp : Chúng ta cần nhìn vào bối cảnh chung của khu vực cũng như mối quan hệ Trung Quốc Nhật Bản. Trong thời gian biến động vừa qua, đặc biệt là xuất phát từ Hoa Kỳ, giảm cam kết của mình với các đồng minh truyền thống, trong đó có Nhật Bản. Đồng thời ông Trump cũng tiến hành những biện pháp thương mại đối với Trung Quốc, tạo ra những bất định trong quan hệ giữa Hoa Kỳ với Nhật Bản lẫn Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản và Trung Quốc có nhu cầu cải thiện quan hệ với nhau, để giảm sự bất định trong quan hệ của mình với Hoa Kỳ.
Cụ thể thì Nhật Bản muốn có quan hệ tốt hơn với Trung Quốc để cải thiện môi trường an ninh, đồng thời đề phòng Hoa Kỳ giảm bớt sự đảm bảo an ninh đối với Nhật Bản. Trong trường hợp đó, quan hệ tốt hơn với Trung Quốc bảo vệ tốt hơn lợi ích an ninh của mình.
Trong bối cảnh tương tự Trung Quốc muốn có quan hệ tốt hơn với Nhật Bản để giảm sức ép từ Hoa Kỳ về kinh tế thương mạ và an ninh.
Vì vậy trong thời gian qua chúng ta thấy những nổ lực cải thiện quan hệ song phương. Trước cuộc gặp Tập Cận Bình Abe vừa rồi thì trong tháng Năm cũng có một cuộc gặp giữa hai người tại một diễn đàn khác.
Trong bối cảnh đó chúng ta thấy dường như quan hệ Trung Quốc Nhật Bản có sự cải thiện, có sự nồng ấm trở lại.
Tuy nhiên nhìn chung quan hệ lịch sử giữa hai nước thì thấy có những giai đoạn nóng lạnh khác nhau, diễn ra theo sự tính toán của hai bên cũng như sự tác động của bối cảnh khu vực. Nhưng thông thường thì những giai đoạn đấy không kéo dài. Trong thời gian qua dường như quan hệ Trung Quốc Nhật Bản đang đi vào pha tích cực, pha cải thiện.
Tuy nhiên ta chưa rõ sự cải thiện này kéo dài bao lâu, và theo quan điểm của tôi thì đây là sự cải thiện nhất thời, không có xu hướng kéo dài do sự mâu thuẫn lợi ích hai bên vẫn còn tồn tại tương đối sâu sắc và nhất quán. Ví dụ như sự lo ngại về an ninh của Nhật Bản trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, trước sự xác quyết ngày càng lớn của Trung Quốc trên các vùng biển. Hay mâu thuẫn lịch sử hai bên có từ thời thế chiến thứ hai. Hay tranh chấp quần đảo Senkaku (hay là Điếu Ngư.) Những vấn đề này nó vẫn là thách thức rất lớn cho quan hệ song phương, vì vậy về lâu dài tôi cho là quan hệ hai bên khó cải thiện một cách căn bản.
Việc hai tàu Trung Quốc gặp tàu chở trực thăng của Nhật chỉ là sự kiện "một lần", tức là không thuyết phục và cho chúng ta khẳng định quan hệ giữa hai bên đã cải thiện. Có thể là Trưng Quốc nhân sự gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo muốn gửi một thông điệp để khẳng định thiện chí của Trung Quốc trong việc cải thiện quan hệ với Nhật Bản. Nhưng mà tôi cho rằng cả Trung Quốc và Nhật Bản đều không thay đổi lợi ích của họ trên Biển Đông. Vì vậy mà những tính toán của hai bên vẫn có thể dẫn tới sự căng thẳng.
Kính Hòa : Ngay cả trong nhất thời thì liệu Trung Quốc có áp dụng một phương cách mềm mại hơn ở Biển Đông ? Đối với những quốc gia như Việt Nam chẳng hạn ?
Lê Hồng Hiệp : Theo tôi thì chiến lược của Trung Quốc trên Biển Đông là tương đối nhất quán. Họ tìm cách xác lập sự kiểm soát trên thực tế, bên cạnh đó là duy trì các yêu sách các đảo trên Biển Đông. Từng thời điểm có thể họ điều chỉnh sách lược, nhưng lâu dài thì không.
Trong bối cảnh hiện nay có thể Trung Quốc điều chỉnh sách lược mềm mại hơn, nhưng tôi nghĩ là chuyện này không nhất thiết xuất phát từ quan hệ Trung Quốc Nhật Bản mà nó rộng lớn hơn với những yếu tố khác, chẳng hạn như Trung Quốc muốn có một giai đoạn lắng dịu hơn ở Biển Đông để giảm bớt các sức ép từ phía Hoa Kỳ chẳng hạn, hay là để tỏ thiện chí của mình trong việc hoàn thiện bộ qui tắc ứng xử với các nước ASEAN, hoặc là làm hình ảnh mình mềm mại hơn, gây ảnh hưởng tích cực hơn với bên ngoài, trong khi mà Hoa Kỳ nhấn mạnh sự đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Nhưng theo tôi sự điều chỉnh đó chỉ mang tính cách nhất thời. Tôi nghĩ họ không thay đổi, họ sẽ vẫn duy trì sức ép đối với Việt Nam để duy trì sự áp đảo trên Biển Đông.
Kính Hòa : Việt Nam sẽ phải có thái độ như thế nào trước những sự thay đổi dù là nhất thời, và trong nhiều sự bất định hiện nay ?
Lê Hồng Hiệp : Theo tôi thì lợi ích của Việt Nam trước mắt là duy trì sự nguyên trạng trên Biển Đông, duy trì hòa bình ổn định để phát triển kinh tế. Thành ra nếu có một sự hòa dịu nhất định, vẫn đảm bảo những lợi ích hàng hải của Việt Nam thì sẽ được Việt Nam hoan nghênh.
Tuy nhiên như tôi đã nói tính toán về mặt chiến lược của Trung Quốc về lâu dài không thay đổi nên Việt Nam vẫn phải cảnh giác đối với những thủ đoạn mà Trung Quốc vẫn có thể tung ra bất cứ lúc nào.
Kính Hòa : Trước đây trong một lần trao đổi, ông có nói Việt Nam Nhật Bản là những đồng minh tự nhiên, hiện nay ông vẫn thấy điều đó về lâu dài ?
Lê Hồng Hiệp : Tôi vẫn giữ nguyên nhận định đó. Tôi thấy sự song trùng về lợi ích hai bên về chiến lược trong hồ sơ Biển Đông ngày càng sâu sắc hơn, sẽ thúc đẩy hai bên xích lại gần nhau hơn.
Nhật Bản và Việt Nam ngoài các lợi ích về kinh tế, giao lưu văn hóa, còn có một lợi ích chung cơ bản là làm sao đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc, làm sao bảo vệ được lơi ích của mình trong khu vực. Tôi nghĩ rằng sự chia sẽ nhận thức về sự trỗi dậy của Trung Quốc tiếp tục chi phối các tính toán của Nhật Bản và Việt Nam.
Thời gian qua Nhật Bản hổ trợ nổ lực hiện đại hóa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam, với các tàu tuần tra. Nhật cũng ủng hộ những quan điểm, lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông. Ngược lại Việt Nam ủng hộ vai trò trong an ninh khu vực của Nhật Bản, muốn Nhật duy trì không những sự hiện diện về kinh tế mà còn an ninh quốc phòng nữa. Về lâu dài hay trước mắt, những điều đó sẽ giúp cho quan hệ chiến lược Việt Nam Nhật Bản. Hai nước vẫn là đồng minh tự nhiên của nhau, ít nhất trên hồ sơ Biển Đông.
Kính Hòa : Ông có thông tin gì về bộ qui tắc ứng xử giữa Trung Quốc và ASEAN, cũng như khả năng nó thành hiện thực và thực thi một cách nghiêm chỉnh ?
Lê Hồng Hiệp : Tôi không nắm rõ tiến trình thực hiện bộ qui tắc này giữa Trung Quốc và ASEAN, nhưng tôi hiểu là hai bên có những nổ lực để có kết quả trong thời gian sắp tới.
Tuy vậy có những khúc mắc mà hai bên cần giải quyết như là phạm vi áp dụng, hay là tính chất ràng buộc pháp lý của bộ qui tắc ứng xử ở mức độ nào. Tuy nhiên theo ôi biết là hai bên đang tích cực để có kết quả cụ thể trong tương lai gần.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 08/11/2018