Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn tây lắm tiền, dân Việt cứ đốt sống voi nhà đấy, thì sao ?

ấm ảnh trên là voi Pắck Cú, 33 tuổi, voi đực nặng 3 tấn của Công ty du lịch Thác Bảy nhánh-Buôn Đôn (Đắc Lắc). Năm 2010, Pắk Cú bị bọn săn ngà rình được trong một đêm voi được thả cho ăn ngoài rừng. Chúng chém Pắk Cú tổng cộng 217 nhát vào đầu, chân, thân và mông. Để lấy ngà và chặt đuôi voi đi bán lông. Chém mãi không chết vì Pắk Cú khỏe vùng chạy. Chúng lấy xăng đốt cả phần mặt lẫn mông voi, thịt rớt ra, da cháy đen, người voi rách tơi tả.

PắK Cú chết sau gần 3 tháng chống chọi.

voi0

Voi Păk Cú - Photo by báo Đăc Lăc

Trước đó chỉ gần hai năm, ngay giữa rừng Cát Lộc (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng, thuộc địa phận Vườn Quốc gia Cát Tiên), con tê giác Java cuối cùng của Việt Nam cũng đã bị thợ săn bắn chết, đục lấy sừng.

voi2

Bộ xương tê giác Courtesy of thiennhien.net

Chỉ hơn 20 năm trước, ở Việt Nam còn trên 1.000 con voi. Đến nay hơn 900 con đã chết (hầu hết do bị săn lấy ngà và lông đuôi, hoặc chết do rớt vào những hố nước người dân đào trong rẫy để lấy nước tưới tiêu), chỉ còn chưa đầy 100 con sống dọc biên giới Lào và Campuchia. Những con sống cũng không lành lặn : con cụt ngà, con cụt đuôi, con cụt chân. Tê giác hai sừng tuyệt chủng. Heo vòi tuyệt chủng. Cầy rái cá tuyệt chủng. Cá chình nhật tuyệt chủng. Cá chép gốc tuyệt chủng. Cá lợ thân thấp tuyệt chủng. Hươu sao tuyệt chủng. Cá sấu hoa cà tuyệt chủng. Bò xám (Bos sauveli) tuyệt chủng từ 1995. Rùa Batagur (Batagur affinis) tuyệt chủng. Loài Giải Sin-hoe (Rafetus swinhoei), chính là Rùa Hoàn Kiếm, rùa hồ Gươm hay rùa Đồng Mô, chỉ còn hai con, nhưng mỗi con sinh sống ở một hồ khác nhau nên các nhà khoa học đã tìm nhiều cách mà không làm cho chúng sinh sản được. Rùa Trung Bộ (Mauremys annamesis), rùa hộp Zhou, sao la (Pseudoryx nghetinhensis) tuyệt chủng. Vượn đen tuyền Tây Bắc (Nomascus concolor) chỉ còn 60 con. Voọc Cát Bà (Trachypithecus poliocephalus) còn 70 con. Vượn Cạo Vít (Nomascus nasutus) còn 130 con. Voọc mông trắng (Trachypithecusdelacoun) và voọc mũi hếch (Rhinopithecus avunculus) mỗi loài chỉ còn 200 con. Các loài hổ, mèo lớn, gấu và tê tê cũng đang bị cảnh báo sớm bị tuyệt chủng.

Đấy là theo số liệu vào năm 2018 của Tổng cục lâm nghiệp (thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam). Trong hơn một năm qua, những loài sắp hoặc đã tuyệt chủng trên còn chưa thống kê được. Nhưng chắc chắn chỉ có mất thêm chứ không sinh thêm, hay bảo vệ được tốt hơn.

"Rừng vàng biển bạc"

Không tự nhiên mà Việt Nam được gắn với cái danh rừng vàng biển bạc. Việt Nam xếp hạng 16 trên toàn thế giới về đa dạng sinh học. 10.500 loài động vật trên cạn. 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước. 1.000 loài cá nước ngọt. Khoảng 2.500 loài cá, khoảng 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Dưới biển có 7.000 loài động vật không xương sống. Khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật.

Đặc biệt, có 75 loài duy nhất chỉ Việt Nam mới có.

Nói không ngoa, Việt Nam hoàn toàn có thể bán vé cho du khách, học sinh, sinh viên, các nhà nghiên cứu khắp thế giới để ngắm nghía, quan sát và nghiên cứu các loài động vật, thực vật sinh sống trong tự nhiên mà đại đa số quốc gia khác không có.

Nhưng chúng ta không làm thế. Chơi vậy dễ quá, Việt Nam anh hùng không thèm chơi !

Chúng ta chọn cách chơi sốc cho thiên hạ sợ.

Chỉ trong vòng 40 năm, từ 1970 đến 2010, số động vật hoang dã ở Việt Nam đã giảm đến 58%, dự báo sẽ tăng lên 67% vào năm 2020, do các hoạt động của con người. Năm 1992, chúng ta có 365 loài động vật được xếp vào danh mục loài quý hiếm. 12 năm sau, đến 2004 bổ sung thêm 42 loài, thành 407 loài quý hiếm. Chỉ ba năm sau nữa, đến 2017 thêm 11 loài bị đe dọa tuyệt chủng, nâng tổng số lên 418 loài.

Rồi ít năm nữa, với cái nhã thú ăn thịt "tiểu hổ", "ăn bất cứ con gì nhúc nhích", chắc đến lượt loài mèo nhà ở Việt Nam cũng sẽ biến mất.

Các safari hay Thảo cầm viên lúc đó tha hồ hốt khách. Dân Việt Nam sẽ xếp hàng nườm nượp cắm trại từ cả tháng trước để mua vé, háo hức trầm trồ :

- A con gì kêu meo meo đẹp quá ba ơi.

- Con gì có mào trên đầu kêu cục ta cục tác lạ quá bà nó !

- Bộ trưởng ơi bộ ta phải xin mua con kêu chít chít này về nghiên cứu gien !

Từ đây cho tới giờ khắc huy hoàng đó, dân Việt Nam luôn luôn vui thích sẵn lòng bỏ tiền sang Singapore hay Thái Lan, xa hơn là đi hẳn châu Phi xem heo vòi, hươu, nai, hổ báo… Xem cả cừu và dê. Không sao, điều đó chứng tỏ dân ta tốt bụng, luôn luôn hừng hực ý thức làm giàu cho người dân các nước khác. Có thể vì lý do đó mà mai mốt khi thú hoang ở Việt Nam chết tiệt hết đi rồi thì người dân các nước khác sẽ mua vé đến để xem dân Việt Nam ta chăng ?

Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn nhà giàu

Trong một báo cáo của Trạm bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng (WAR-Wildlife at Risk), trong quá trình cứu hộ động vật hoang dã, họ chứng kiến ở một nhà hàng đặc sản tại quận 3 (Thành phố Hồ Chí Minh) mấy chục con ba ba, cua đinh nuốt bao cao su, hay một con rùa biển ói ra đến 20 cái nắp chai bia. Ông Lê Xuân Lâm, Quản lý Trạm nhiều lần kể với báo chí : Bể kiếng thả ba ba, cua đinh, rùa biển… nằm sát khu vực thực khách ăn uống để quảng cáo cho chất lượng "thật, tươi" của các món nhậu. Dân nhậu ngồi ăn, khui nắp lon tiện tay ném cái vèo trúng vào bể, vậy là rùa biển đớp trúng. Trước sau gì chúng cũng lên thớt nên chẳng nhân viên nào buồn quan tâm.

Hai ba năm gần đây, a dua theo… à quên, xin lỗi, chung tay với phong trào chống rác thải nhựa trên toàn thế giới, dân Việt Nam cũng hùng hục share hình ảnh rùa biển, cá voi, chim biển chết ngợp trong túi nilon hay với cái bao tử đầy rác nhựa. Nhà thờ Đức Bà Paris cháy, vô số nhân vật từ nổi tới chìm trên mạng xã hội đua nhau post hình đứng dưới tháp Eiffel thương khóc. Rừng Amazon cháy, lại thêm một đợt khóc thương phẫn nộ cho môi trường. OK nhưng ngay tại đất nước mà những nhân vật giàu tình thương đó đang ngày ngày hít thở không khí, thì nếu có dịp, họ vẫn rình rình chén một bữa thịt thú rừng (càng hiếm càng oách), săn một tấm da cọp trải sàn phòng khách (phong thủy tối cao, để trừ tà), cung tiến chiếc chân voi làm lục bình cắm mấy sợi lông công, mấy cái tay gấu để anh hầm ăn cho bổ khỏe lấy sức chăm sóc (các) chị nhà ; chiếc đầu bò tót treo tường, hay bộ gạc hươu để treo hờ chiếc mũ phớt… Tệ lắm cũng phải vài bộ bàn ghế và phản gỗ sưa, ngọc am, hoàng đàn. Các lãnh đạo cấp cao nhất vẫn mách nhau uống sừng tê giác để giảm tác dụng phụ khi điều trị bệnh ung thư. Cũng chẳng thèm kín đáo giấu giếm cho lắm !

Thấp hơn thì tả pí lù, họ gán ghép và ăn tất những con côn trùng mà trước kia chưa từng được liệt vào danh sách thực phẩm. Ban đầu còn cao sang cá ngựa, tắc kè, riết rồi con sâu chít, con bổ củi, cho đến con rết, con bọ hung, con mối chúa.. cũng bị đào bới để ăn sạch. Chỉ cần quảng cáo ăn vô tăng cường sức mạnh đàn ông thì bất cứ con gì, cây gì, vật gì, thứ gì… cũng bán sạch ở Việt Nam. Quả thật "làm giàu không khó". (Không có lẽ đàn ông Việt Nam tự ti về khả năng chăn gối tới vậy, đến nỗi gần như ai cũng lùng mua và tin tưởng ba cái quảng cáo này).

Tháp nhu cầu của Maslow lan tới Việt Nam thì bó chiếu. Sai toét. Lý thuyết Maslow cho rằng khi con người thỏa mãn các nhu cầu thuộc về thể "lý" hay thể "xác" như ăn uống, tình dục, việc làm, gia đình, sức khỏe… thì sẽ vươn lên các tầng tiếp theo, mà cao nhất là "Thể hiện bản thân". Cụ thể là thể hiện khả năng và bản thân, muốn được người khác công nhận và kính trọng… hiểu theo nghĩa cống hiến, sáng tạo. Không, ở Việt Nam, rất nhiều người "no cơm ấm cật" rồi thì tầng tháp cao nhất là "giậm giật tay chân". Phải ăn, phải xài, phải chơi những gì hiếm quý nhất, thậm chí ngoài vòng pháp luật và đạo đức nhân loại nhất, mới thể hiện được địa vị và tiền của.

Nên đừng có dở hơi đi thương cho voi Pắk Cú bị loài người tẩm xăng đốt sống. Đừng dở hơi quằn quại tiếc cho tiềm năng nền kinh tế du lịch-nghiên cứu của vô vàn loài cây, loài thú trên cạn, dưới biển và dưới kính hiển vi, và những dịch vụ xung quanh nó, vốn sẽ hốt ra vàng. Cũng đừng nghe các bậc lãnh đạo lên ti vi rưng rưng nước mắt phất tay hô bảo vệ môi trường. Diễn mà được tụi tây ngố bỏ tiền ra cho diễn thì dại gì mà không, có phỏng ?

Bảo vệ thiên nhiên là trò rỗi việc của bọn nhà giàu. Còn chúng ta, quân man di mọi rợ, cứ học tập lãnh đạo chén được gì đẫy họng cứ chén, kẻo mai không có miếng mà ăn, có phỏng ?

Tâm Phong

Nguồn : RFA, 21/09/2019

******************

Sứ quán Mỹ nói Việt Nam ‘thành điểm đến hàng đầu buôn ngà voi’ (Người Việt, 22/09/2019)

Hôm 22 tháng Chín, một post trên fanpage Sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam (U.S. Embassy in Hanoi) gây tranh cãi với nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Anh : "Quốc gia nào đang là điểm đến hàng đầu của các hoạt động buôn bán trái phép ngà voi, sừng tê giác và các bộ phận của loài hổ ? Đáp án là Việt Nam.

voi3

Ngà voi và chế phẩm ngà voi bị tịch thu tại Việt Nam. (Hình: Facebook U.S. Embassy in Hanoi)

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc, trở thành điểm đến hàng đầu thế giới của hoạt động buôn bán ngà voi bất hợp pháp. Việt Nam cũng là điểm đến hàng đầu của sừng tê giác và các bộ phận của loài hổ, đồng thời là một trong số những thị trường tiêu thụ tê tê lớn nhất thế giới".

Tuy post nêu trên không ghi nguồn, nhưng dựa vào các từ khóa trong bản tin này, người ta có thể tìm thấy một bản phúc trình bằng tiếng Anh trên trang web của Enviromental Investigation Agency (EIA, Tổ chức Điều tra Môi trường) : "Bản đồ về các vụ tịch thu ngà voi của chúng tôi, được cập nhật trước Hội nghị các bên tham gia Công Ước Quốc Tế Về Buôn Bán Các Loài Có Nguy Cơ Tuyệt Chủng (CITES) cho thấy có 175 vụ thu giữ ngà voi quy mô lớn (500 kg trở lên) diễn ra từ năm 2000 đến tháng Ba, 2019… Đáng lưu ý, chi tiết quan trọng từ bản đồ này là Việt Nam đã vượt qua Trung Quốc để trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về buôn ngà voi bất hợp pháp, với 38 vụ thu giữ ngà voi quy mô lớn trong giai đoạn nêu trên. Trong số các vụ này, hồi tháng Ba, 2019, hơn chín tấn ngà voi đã bị tịch thu tại Hải Phòng, là vụ thu giữ lượng ngà voi lớn nhất thế giới ở thời điểm đó. Các quốc gia, vùng lãnh thổ xếp sau Việt Nam về các vụ bắt giữ ngà voi quy mô lớn lần lượt là : Hồng Kông (17 vụ), Kenya (14 vụ), Trung Quốc đại lục (12) và Thái Lan (11)…".

Liên quan vụ này, báo điện tử Pháp Luật Việt Nam hôm 25 tháng Tám tường thuật : "So với khối lượng hơn 53 tấn ngà voi bị thu giữ trong giai đoạn 2010 – 2018 và đang tiếp tục tăng thì số lượng vụ tiêu hủy ngà voi ở Việt Nam còn chưa tương xứng. Việc tiêu hủy ngà voi cần trở thành một thông lệ và được tiếp nối bằng các hành động quyết tâm tiếp theo để tránh dư luận cho rằng sự kiện này chỉ có ý nghĩa ‘phô diễn’ trước thềm một sự kiện quốc tế quan trọng. Trong bối cảnh Việt Nam bị cộng đồng quốc tế đánh giá vừa là thị trường tiêu thụ và địa bàn trung chuyển ngà voi đặc biệt quan trọng, việc xử lý nghiêm các đối tượng phạm tội và tuyên tiêu hủy ngà voi sẽ góp phần khẳng định quyết tâm triệt phá các đường dây tội phạm buôn bán ngà voi trái phép của Việt Nam".

voi4

Bài viết trên trang U.S. Embassy in Hanoi. (Hình chụp qua màn hình)

Trong một diễn biến khác, hồi trung tuần tháng Bảy, 2019, hãng tin Reuters của Anh Quốc cho hay : "Singapore thu giữ 8.8 tấn ngà voi đang trên đường vận chuyển tới Việt Nam từ Cộng hòa Dân chủ Congo. Ước tính số ngà voi này trị giá lên đến 12,9 triệu USD và có nguồn gốc từ 300 con voi châu Phi. Ngoài ra, lô hàng còn bao gồm 11,9 tấn vảy tê tê, trị giá hơn 35,7 triệu USD. Tê tê là một trong những loài động vật có vú bị săn bắt nhiều nhất trên thế giới. Thịt của loài động vật này được xem là đặc sản ở Việt Nam và Trung Quốc, còn vảy thì được đem đi làm thuốc đông y, dù lợi ích của nó vẫn còn gây nhiều tranh cãi". (T.K.)

Published in Diễn đàn

Trong một kho tư liệu ảnh về Chiến tranh Việt Nam có bức hình lạ : voi trên tàu thủy ở Việt Nam.

voi1

Một con voi của Việt Minh đem hàng lên tàu Ba Lan Kilinski năm 1955

Chú thích của hình, mà nay thuộc AFP/Getty Images, chỉ ghi ngắn gọn :

"Ảnh công bố lần đầu 26/04/1955 : một quản tượng Việt Nam trên tàu hơi nước Ba Lan, Kilinski để vận chuyển quân đội cộng sản ra Bắc Kỳ (Tonkin)".

Câu chuyện tàu Jan Kilinski của Ba Lan, tham gia chiến dịch quốc tế chuyển người ở Việt Nam sau Hiệp định Geneva thì đã được nói đến nhiều.

Nhưng số phận của đàn voi hoặc một vài con voi thì còn ít được nhắc tới, ít ra là ở Việt Nam.

Tàu hàng thành tàu bệnh viện ?

Nhưng chuyện về tàu Kilinski còn được ghi lại trong lịch sử ngành y, từ một góc độ hoàn toàn khác.

Carl Bartecchi, trong 'A Doctor's Vietnam Journal' (Nhật ký Việt Nam của một bác sỹ) đã mô tả lại bệnh dịch hoành hành trên con tàu Ba Lan và các chuyến hải hành cực khổ vào Nam ra Bắc, tổng cộng 370 ngày.

voi2

Tàu Kilinski sang Việt Nam hai lần, năm 1955-56 và 1972

Tàu Kilinski đã thực hiện cả thảy 27 chuyến vào Nam ra Bắc, chuyên chở tới 85 ngàn bộ đội Việt Minh tập kết, theo quy định của Hiệp định Geneva.

Carl Bartecchi viết một phần vì nhiều người đã mắc các bệnh nhiệt đới và không ít còn bị thương nên tình trạng của họ còn khủng khiếp hơn khi bị say sóng.

Vấn đề y tế và các bệnh nhiệt đới trên tàu Kilinski được ghi nhận trong các tài liệu y tế, vì đây là một lần hiếm có khi thủy thủ đoàn toàn người Châu Âu tiếp xúc và phục vụ một số lượng rất đông đảo người Việt Nam, đa số từ bưng biền đi ra, liên tục trong nhiều tháng.

Thủy thủ đoàn và nhiều hành khách, mỗi chuyến tàu chở 3000 tới 4000 người, đã mắc bệnh tiêu chảy và trên con tàu không có ai là bác sỹ, theo tác giả Bartecchi.

Trước khi xem lại chuyện 'vườn thú', ta hãy tìm hiểu xem các nguồn của Ba Lan viết gì về chuyến tàu lịch sử này.

Trên trang Porta Mare của ngành hàng hải Ba Lan, có cuộc phỏng vấn với chính ông Miroslaw Jurdzinski, từ tàu Kilinski năm đó.

Ông Jurdzinski, người sau này thành giáo sư Đại học Bách khoa Gdansk và Học viện Hàng hải Gdynia, đã kể một số chi tiết thú vị.

Các vấn đề kỹ thuật

Theo ông, đây là tàu vận tải hơi nước do Mỹ sản xuất, loại Victory-C3, được một công ty hàng hải Ba Lan mua lại năm 1947.

voi3

Tháng 10/1954 : một đơn vị Việt Minh vào Hà Nội trên cầu Long Biên (khi đó còn có tên là cầu Paul Doumer)

Tàu do thuyền trưởng Romuald Cielewicz chỉ huy đã phải chỉnh sửa ở Trung Quốc để cải tạo thành tàu chở khách trước khi sang Việt Nam.

Trong 200 ngày trước khi bàn giao lại miền Nam cho quân Pháp, Việt Minh lập ra ba điểm tập kết ở Cà Mau, Vũng Tàu - ông Jurdzinski dùng từ cũ là Cap Saint Jacques - và Quy Nhơn.

Các điểm này đều có thủy triều cao, hoặc sát bờ là bãi sình lầy, gây khó khăn lớn cho việc vận chuyển xe cộ, vũ khí, hàng hóa, thương binh lên tàu.

Voi và thuyền được đem vào sử dụng cho việc chuyển quân và hàng ra tàu.

Trang của tỉnh Cà Mau viết Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn "lên tàu Kilinski ở cửa sông Ông Đốc, thuộc khu tập kết ở báo đảo Cà Mau nhưng nửa đêm bí mật xuống tàu ở lại".

Một tài liệu khác ở Ba lan nói có 12 voi gốc từ Campuchia (hoặc từ vùng giáp biên giới) đã được Việt Minh dùng thời kháng chiến có mặt tải hàng cho tàu Kilinski.

Nhưng một bài trên Tuổi Trẻ (10/2014) trích lời ông Đỗ Thái Bình kể lại về tàu Ba Lan và hai tàu Liên Xô trong chiến dịch tập kết thì bốn voi là voi Việt Nam :

"Đó là những con voi Tây Nguyên được thuần hóa, đã từng băng rừng vượt suối tải gạo, tải đạn, tải thương, tham gia những chiến dịch Nguyễn Huệ, An Khê (1952)".

Trên chuyến tàu cuối cùng thì cả đàn voi cũng ra Bắc luôn, theo ông Jurdzinski.

Trên suốt tuyến đường ra Bắc, chiếc tàu Ba Lan không hề có bản đồ và cả hai miền Nam Bắc Việt Nam đều không có kênh thông tin hàng hải về thời tiết.

Vì thế, thủy thủ đoàn Ba Lan phải lắng nghe tin radio của Hoa Kỳ bên Philippines để tránh bão, theo ông Jurdzinski.

Liên Xô, Pháp, Ba Lan và Miến Điện

Lý do tàu Kilinski sang Việt Nam nhận một nhiệm vụ khác thường là vì chính phủ Hồ Chí Minh nhờ Liên Xô trợ giúp cho công tác tập kết quân nhân của họ.

Nhưng Liên Xô chỉ cử được hai tàu Arkhangelsk, Stavropol và yêu cầu Ba Lan giúp.

Con tàu mang tên vị anh hùng Ba Lan chống lại Nga năm 1794, Jan Kilinski, người có tượng ở khu Thành Cổ Warsaw, lại tham gia một chiến dịch do Moscow chỉ đạo.

Ngoài voi còn có không ít quân nhân Pháp, và trong số họ là người Pháp gốc Ba Lan, tham gia vận chuyển hàng hóa, người lên tàu.

Ông Jurdzinski kể rằng các cán bộ Việt Minh không đủ trình độ để thông báo các thông số kỹ thuật về hàng hóa lên tàu.

Phía Việt Minh cũng đưa cả súng đạn, xe cộ để mang ra Bắc và theo ông Jurdzinski, thật may mắn là các khối hàng "hết sức nguy hiểm" được chuyển đi an toàn qua cả các trận bão.

Các lính Pháp trẻ tuổi đã thực hiện nhiều chuyến chở bộ đội Việt Minh bằng thuyền đổ bộ từ bờ ra tàu Kilinski.

Cũng chính nhờ hỏi các lính Pháp gốc Ba Lan nên thủy thủ đoàn đã tổ chức tốt hơn các chuyến nhận người và hàng, cũng như tình trạng sức khoẻ của quân Việt Minh.

Hoạt động của tàu Kilinski chỉ là một phần của chiến dịch lớn hơn, gồm nhiều tàu của Pháp, Liên Xô, và có tàu Mỹ (USS Bayfield) và Anh (HMS Warrior) vận chuyển người Việt Nam.

Các sử liệu nói con số người dân di cư vào Nam đông gấp nhiều lần số quân nhân Việt Nam tập kết ra Bắc.

Trong một chuyến từ Bắc vào Nam, tàu Kilinski đã chở đồng bào di cư từ Thanh Hóa.

Trong thời gian ở Việt Nam, tàu Kilinski còn sang Miến Điện chuyển gạo về giúp chính quyền VNDCCH chống đói.

Thực chất vấn đề y tế

Khác với bức tranh khá đen tối mà Carl Bartecchi mô tả trong sách, dịch vụ y tế cho các chuyến tập kết được tổ chức đều, theo ông Miroslaw Jurdzinski.

Ngoài một bác sỹ Pháp tên là Furlonge, còn có bác sỹ Phạm Kinh (hoặc Kính - bản tiếng Ba Lan ghi là Pham Kihn), là người Việt Nam có mặt trên tàu.

Ông Jurdzinski cũng nói ở các bến đỗ luôn có các nhóm y bác sỹ Việt Nam lên tàu kiểm tra sức khoẻ, điều trị thương binh.

Nhưng bệnh tiêu chảy hoành hành là có thật.

Là người có kinh nghiệm y tế ở Antwerp, Bỉ, ông Jurdzinski đã lo kiểm tra sức khoẻ cho các bộ đội Việt Nam và thủy thủ Ba Lan.

Dù vậy, sau mấy tháng đi biển liên tục từ miền Nam ra Hòn Gai và quay lại hàng chục lần, trong thủy thủ đoàn tàu Ba Lan có tới 80% mắc bệnh nhiệt đới.

Có một thủy thủ người gốc Hy Lạp bị suy sụp tinh thần vì lao lực và tự tử không chết.

Món quà cho Ba Lan

Tàu Kilinski, theo lời ông Jurdzinski, đã để lại hai "di sản" bất ngờ cho Ba Lan.

Một là việc lập ra tại Gdansk trung tâm điều trị bệnh nhiệt đới đầu tiên ở Ba Lan, chỉ để chữa trị và nghiên cứu bệnh mà thủy thủ đoàn tàu Kilinski "mang về".

Theo ông Jurdzinski, khi biết vườn thú Oliwia, cần động vật quý hiếm, phía Việt Nam đã tặng cho họ bảy con trăn, 12 con khỉ, 16 con chim, hai con cáo, hai con chồn và một con voi.

Cả bầu đoàn voi khỉ chim chóc đó được các thủy thủ Ba Lan đã về 'quê mới' vào mùa hè năm 1956.

Chuyến đi cũng được báo chí Ba Lan ghi lại, với chuyện con voi gây khốn đốn cho các thủy thủ Ba Lan.

Số thân chuối tươi họ mang theo chỉ đủ cho voi ăn trong một tuần và đến Sri Lanka, tàu phải cử người lên bộ mua cỏ.

Nhưng voi không buồn ăn cỏ.

Đến Kênh đào Suez, người Ba Lan lại lên bờ tìm mua rất nhiều bắp cải.

Voi cũng không ăn bắp cải Ai Cập mà còn lấy vòi nhặt bắp cải ném vào thủy thủ.

Cuối cùng thì voi Việt Nam lại thích các món Ba Lan như khoai tây và củ cải đỏ và tàu đã phải 'nhập hàng' loại này khi vào Kênh Nord-Ostsee ở Đức để nuôi voi.

Về tới cảng Ba Lan, đoàn thú được đón tiếp linh đình và voi được 'nhập cảnh' với cái tên 'Partyzant' (Du kích).

Chiến tranh và đình chiến là câu chuyện lớn với hàng triệu người Việt Nam nhưng số phận chú voi 'sang Ba Lan định cư' cũng rất quan trọng với dân Gdansk.

Trang web thành phố đến nay rất còn tiếc rằng Con voi Du kích, "món quà oách nhất từ Việt Nam xa xôi cho sở thú Oliwia', đã không được 'nhập hộ khẩu' Gdansk.

Sau khi thủy thủ đoàn được Tổng bí thư Boleslaw Bierut đón tiếp long trọng để cảm ơn thì thủ đô Warsaw cũng rước luôn chú voi về để ở vườn thú trung ương.

Trang về lịch sử vườn thú Gdansk viết :

"Tiếu lâm thời đó nói voi Liên Xô là người cộng sản cao to nhất thế giới, voi Cuba là cậu em của nó, còn voi Việt Nam thì không được nói đến... vì ngay lập tức chúng tôi đã phải gửi nó lên Warsaw".

Vườn thứ Warsaw từng có voi Tuzinka nhưng bị quân phát-xít cướp đem về Đức hồi Thế Chiến 2.

Con voi Việt Nam đã góp mặt nâng cấp vườn thú thủ đô và thu hút nhiều trẻ em đến xem.

Nó qua đời hai năm sau đó và nay vẫn có một trang Wikipedia riêng bằng tiếng Ba Lan.

Nguyễn Giang

Published in Việt Nam