Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có những khác biệt nào trong tư tưởng của vua Duy Tân với phe ông Hồ Chí Minh về một nước Việt Nam độc lập ? Có những điểm tương đồng nào giữa hoàng thân Vĩnh San với lãnh đạo Chính Phủ Lâm Thời của Pháp Charles de Gaulle về tương lai Đông Dương ? Độc giả có thể tìm thấy câu trả lời trong Duy Tan un empereur dans la France libre - Duy Tân, vị hoàng đế trong nước Pháp tự do, Nhà xuất bản Perrin, mà sử gia François Joyaux vừa cho phát hành vào tháng 6/2023.

duytan1

Tiểu sử vua Duy Tân : "Duy Tân, vị hoàng đế trong nước Pháp tự do"- của sử gia François Joyaux. © Thanh Hà/RFI

François Joyaux là tác giả của khoảng một chục công trình nghiên cứu về Đông Dương, về Trung Quốc và quan hệ quốc tế tại Châu Á : La Chine et le règlement du premier conflit d’Indochine (Genève, 1954) –Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất (Genève, 1954), phát hành năm 1979 – Publications de la Sorbonne. Gần đây nhất ông cho xuất bản Nouvelle histoire de l’Indochine française – Chuyện mới về Đông Dương thời Pháp thuộc – Nhà xuất bản Perrin.

***

Một cái nhìn khác 

Đã có không ít nhà yêu nước Việt Nam quan niệm "không nhất thiết phải đấu tranh bằng bạo lực" để giải phóng Đông Dương khỏi ách đô hộ của Pháp. Trường phái này đã chẳng tồn tại được trước "cơn lốc xoáy cộng sản" (tr. 12). Với vỏn vẹn 9 năm trên ngai vàng từ khi lên 7 tuổi - được chính quyền Pháp thuộc phong chức hoàng đế An Nam, và ngót 30 năm lưu vong, giành độc lập cho quê hương luôn là kim chỉ nam trong suốt cuộc đời vua Duy Tân. Vị hoàng đế An Nam này đã có một cái nhìn khác, một ý tưởng khác về công cuộc đấu tranh đó.

Động lực nào khiến hoàng thân Vĩnh San bị chính quyền thuộc địa đày sang đảo Réunion sau cuộc khởi nghĩa bất thành năm 1916, gia nhập quân đội Pháp chống Đức Quốc Xã, tham gia phong trào kháng chiến La France Libre - Nước Pháp Tự Do của tướng de Gaulle, xin nhập tịch Pháp và cuối cùng đã cho khắc hàng chữ "Tôi ý thức là đã phục vụ nước Pháp như phục vụ chính đất nước tôi" (tr. 11 và 194) trên mộ bia của ông ở nghĩa trang M’Baiki-Cộng hòa Trung Phi ?

Trích dẫn rất nhiều tài liệu thuộc trung tâm Văn khố Quốc gia Hải ngoại của Pháp -ANOM, căn cứ vào hồi ký của các nhân vật liên quan, từ cả phía Pháp lẫn Việt Nam, vào các công trình nghiên cứu của giới chuyên gia quốc tế, giáo sư Joyaux lần lượt trả lời các câu hỏi trên. 10% trong số hơn 300 trang sách được tác giả giành cho các phần chú thích, trích dẫn nguồn để minh chứng cho tất cả những đánh giá của ông về hoàng đế Duy Tân-hoàng thân Vĩnh San.

Cuộc đời bất hạnh

Sinh ra tại Huế, nhà vua thứ 11 trong triều đình nhà Nguyễn trị vì từ 1907 đến 1916. Phần còn lại của cuộc đời, Duy Tân sống lưu đày ở đảo Réunion, vùng Ấn Độ Dương. Tử vong trong một tai nạn máy bay tại Châu Phi khi trên đường từ Pháp trở về đảo Réunion gặp lại vợ con trước "một chuyến đi xa", hoàng thân Vĩnh San được an táng tại nghĩa trang công giáo M’Baika, cách thủ đô nước Cộng hòa Trung Phi hơn 100 cây số. Mất thêm hơn 40 năm nữa, mãi đến năm 1987, hài cốt của ông mới được đưa về cố đô Huế.

Duy Tân, vị hoàng đế trong nước Pháp tự do bao gồm 11 chương, mở ra với bối cảnh chính quyền bảo hộ đã khó nhọc tìm người thay thế vua Thành Thái. Cuốn tiểu sử mới nhất về vua Duy Tân khép lại với những ngày tháng tiếp theo vụ tai nạn máy bay cướp đi sinh mạng của hoàng thân Vĩnh San ở mãi tận Châu Phi, đúng 12 ngày sau cuộc gặp lịch sử giữa cựu hoàng An Nam và người đứng đầu chính phủ lâm thời của Pháp, Charles de Gaulle.

Thực ra trong sáu chương đầu, những chi tiết trong sách về vua Duy Tân đã được nhắc đến nhiều : cuộc nổi dậy bất thành với phong trào Việt Nam Quang Phục Hội – (sử sách Việt Nam nói đến cuộc khởi nghĩa, nhưng giới chuyên gia Pháp gọi đấy là một cuộc nổi dậy), những năm tháng lưu đày và chật vật ở đảo Réunion, ông bị từ chối khi xin sang Pháp định cư, rồi từ đảo Réunion tham gia phong trào kháng chiến để giải phóng nước Pháp khỏi ách Đức Quốc Xã. Cựu hoàng An Nam trông thấy ở Charles de Gaulle một tấm gương cứu nước sau lời kêu gọi thành lập lực lượng kháng chiến La France Libre ngày 18/06/1940 từ Luân Đôn.

Từ Di chúc chính trị đến Cương lĩnh chính trị hành động của vua Duy Tân

Từ Chương thứ 7 trở đi, giáo sư Joyaux đi sâu vào kế hoạch "thầm kín" của Pháp để chinh phục lại Đông Dương, vào "giải pháp Vĩnh San nhìn từ Đông Dương" vào "Di chúc chính trị" của vua Duy Tân và cái chết của ông "chưa là dấu chấm hết" trong chương cuối cùng, "Post mortem".

Do một sự tình cờ, ba năm trước khi Thế Chiến Thứ Hai kết thúc, con rể tương lai của lãnh đạo phong trào kháng chiến Giải phóng nước Pháp, de Gaulle là Alain de Boissieu đã hiểu rằng Vĩnh San "có thể giúp ích cho chính sách Đông Dương của Pháp sau này và ông đã lập tức báo cáo lại với de Gaulle (…) Chỉ đến khoảng tháng 3/1945 tướng de Gaulle mới bắt đầu có những ý định cụ thể và thậm chí là bắt đầu thu xếp để đưa hoàng thân Vĩnh San trở lại ngai vàng trên xứ An Nam" (tr. 182-183).

Từ đầu tháng 3/1945, Đông Dương trong tay quân đội Nhật. Thủ đô Tokyo liên tục bị đồng minh oanh kích. Mỹ đã chiếm được Okinwa nhưng chiến tranh tiếp diễn ở Viễn Đông. "De Gaulle phải đối mặt với một tình huống hoàn toàn mới mẻ ở Đông Dương : đương nhiên đấy là thời cơ để hoàng thân (Vĩnh San) hành động" (tr. 199).

Một khi "Giải pháp Vĩnh San" bắt đầu định hình, chính de Gaulle đã can thiệp cho vua Duy Tân được đặt chân lên "chính quốc". Trên đường từ đảo Réunion đến Paris, nhà vua đã thảo di chúc chính trị (viết bằng tiếng Pháp) và văn bản đã được đăng trên nhật báo Le Combat ngày 16/07/1945. Bắt đầu từ trang 190, nhà sử học François Joyaux trích dẫn, đối chiếu quan điểm về Đông Dương của Duy Tân (bản Di chúc chính trị) và của tướng de Gaulle (qua tuyên bố ngày 24/03/1945). Ông đã đưa ra những đánh giá như sau : "Di chúc chính trị, hết sức quan trọng để nắm bắt những ý tưởng của hoàng thân Vĩnh San về tương lai đất nước ông". Điều ngạc nhiên là tài liệu ấy "được rập khuôn một cách khá trung thành theo chính sách thuộc địa truyền thống nhất của Pháp" (tr. 191). Di chúc chính trị của vua Duy liên quan đến "toàn bộ Đông Dương, tức bao gồm luôn cả Lào và Cam Bốt" đó là vùng "Đông Dương thuộc địa của Pháp từ cuối thế kỷ 19, chính xác hơn là từ 1887, ngày thành lập Liên bang Đông Dương" (tr. 192).

"De Gaulle phải đối mặt với một tình huống hoàn toàn mới mẻ ở Đông Dương : đương nhiên đấy là thời cơ để hoàng thân (Vĩnh San) hành động" (tr. 199).

Về nguyện vọng thống nhất đất nước của vua Duy Tân, nhà sử học François Joyaux nhận định : thực ra đòi hỏi xóa bỏ rào cản chia cách Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ "không có gì mới mẻ" bởi từ đầu thế kỷ XX, tất cả các đảng phái chính trị ở Việt Nam đều nhất trí về điểm này, từ "những người cộng sản đến Bảo Đại" (tr. 193).

Song băn khoăn của Vĩnh San ở đây cho tiến trình giành độc lập tại đất nước ông là "mối lo ngại những thành phần không kiên nhẫn", sẽ cầu viện đến một bên thứ ba nào đó để "đứng ra làm trọng tài". Vua Duy Tân nêu đích danh đó có thể là "Trung Quốc hay Mỹ" (tr. 193). Sử gia Joyaux ghi nhận đấy cũng chính là "lo ngại de Gaulle từng thể hiện trong diễn văn Brazzaville" năm 1944 về tương lai các vùng thuộc địa của Pháp.

Đọc tiếp Di chúc chính trị thấy rõ chủ trương giành độc lập theo từng giai đoạn một của vua Duy Tân : "Bắt đầu bằng việc phát triển kinh tế và xã hội cho đất nước trước khi hướng tới một nền độc lập toàn diện" và trên hành trình đó, ông trông cậy nhiều vào mối đối tác với Pháp, "quốc gia có thể yểm trợ quân sự" (cho Việt Nam) ; "Kinh tế đất nước cũng sẽ được phát triển nhờ vào những điểm tựa từ tiền của và các công ty của Pháp". Về điểm này, sử gia François Joyaux cho rằng vua Duy Tân đã quá lạc quan vào thời điểm.

Bản thân nước Pháp còn phải xây dựng lại từ những hoang tàn, đổ nát sau Thế Chiến Thứ Hai (tr. 193).

Liên quan đến vai trò của Pháp trong một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, ông Vĩnh San đã nói rõ hơn trong trong Lời kêu gọi ngày 14/12/1945 chỉ vài giờ sau cuộc trao đổi duy nhất với chủ tịch chính phủ lâm thời Pháp, tướng Charles de Gaulle. Về cuộc tiếp xúc "lịch sử" này, François Joyaux nhắc lại lời tướng de Gaulle trong cuốn Hồi Ký. Nguyên thủ Pháp khi đó xác nhận "dự định đích thân sang Đông Dương để công bố thỏa thuận một cách long trọng nhất ở thời điểm thích hợp" (tr. 234). Theo những biên bản của đô đốc Georges Thierry d’Argenlieu, cùng ngày 14/12/1945 vua Duy Tân công bố Lời kêu gọi gửi đến dân tộc với những từ khóa như là "độc lập, thống nhất, chủ quyền, hợp tác với Pháp để xây dựng một Nhà nước Việt Nam, một Nhà nước hiện đại" (tr. 237).

Trong tư tưởng của vua Duy Tân, Việt Nam sẽ là một đất nước độc lập thống nhất, một đất nước có chủ quyền. Nhưng để hiện đại hóa đất nước về kinh tế, Pháp sẽ là một người bạn đồng hành và trong "một thời gian nhất định" Pháp bảo vệ Việt Nam về quân sự, về ngoại giao (tr. 237 trích dẫn từ những biên khảo Chroniques d’Indochine, tr. 436/437 của đô đốc Thierry d’Argenlieu).

Trong phần chú thích ở cuối quyển sách, François Joyaux bình luận :

Khi nói về tình hình ở Việt Nam năm 1945 bản tuyên ngôn độc lập của ông Hồ Chí Minh được nhắc đến rất nhiều, diễn văn thoái vị của hoàng đế Bảo Đại cũng vậy, nhưng không mấy ai nhắc đến Lời kêu gọi ngày 14/12/1945 của hoàng thân Vĩnh San (tr. 317)

Tầm nhìn về cuộc Cách mạng tháng 8/1945 

Cũng liên quan đến cột mốc quan trọng, năm 1945 : Vua Duy Tân nghĩ gì về diễn biến tình hình trên quê hương ông ? Ngày 15/08/1945 Nhật đầu hàng ; một ngày sau đó "Việt Minh bắt đầu giành chính quyền tại Hà Nội - điểm khởi đầu của cuộc cách mạng Tháng Tám" ; Bảo Đại thoái vị và Tuyên ngôn độc lập ngày 02/9/1945… Từ Paris, hoàng thân Vĩnh San viết thư cho một người bạn thân ông không ngần ngại chỉ trích phe Việt Minh "vô trách nhiệm" : "Nhân danh chủ nghĩa dân tộc khởi động một cuộc cách mạng là đưa dân vào cõi chết" (tr. 210) bởi đấy là điểm khởi đầu dẫn tới chiến tranh và điều đó hoàn toàn trái ngược với chủ trương của Duy Tân.

Nhà sử học François Joyaux bình luận : "Rõ ràng vấn đề Đông Dương đặt ra với Pháp hồi tháng 8-9/1945 không chỉ về mặt quân sự, mà còn mang tính chính trị và quốc tế. Về nội tình Đông Dương, Paris tính đến giải pháp Vĩnh San, nhưng với Cách mạng tháng 8, ông có còn giúp được gì nữa hay không và những kế hoạch của hoàng thân có còn phù hợp với thực tế hay không ?" (tr. 211).

Post mortem

Dự án "thầm kín" của tướng de Gaulle -chinh phục lại Đông Dương- vĩnh viễn bị chôn vùi với tai nạn máy bay ngày 26/12/1945 của thiếu tá Vĩnh San thuộc quân đội Pháp và toàn bộ hành khách, phi hành đoàn tử vong. "Ở miền bắc, phía Việt Minh cũng như ở miền nam bên phía Pháp, vào những ngày đầu 1946 không ai có thể tính đến khả năng đưa hài cốt của hoàng thân Vĩnh San về nguyên quán. Thậm chí là không một ai nghĩ đến" (tr.266). Mãi đến năm 1987 hài cốt vua Duy Tân mới được đưa về nước, an táng tại điện Long An, khu lăng mộ có ba vua triều Nguyễn (Dục Đức, Thành Thái và Duy Tân).

Đây là "nhóm khiêm tốn nhất trong số các lăng mộ nhà vua (…) ít người Việt Nam thăm viếng". Từng "có một quan điểm khác, một cái nhìn khác với phong trào Cách mạng 1945", mộ của vua Duy Tân ngày nay "hiếm khi được đề cập đến trong các cuốn hướng dẫn du lịch" (tr. 272/273).

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 25/08/2023

Additional Info

  • Author François Joyaux, Thanh Hà
Published in Diễn đàn