Scandal Việt Á, ‘tắm’ từ vai hay ‘gội, rửa’ cả đầu ?
Trân Văn, VOA, 21/01/2022
Cuối cùng, nghi vấn của công chúng đã được Tổng cục Hải quan xác nhận là chính xác : Que thử Covid-19 mà Công ty Việt Á bán cho cơ quan phòng chống dịch bệnh của nhiều địa phương, cơ sở y tế, doanh nghiệp là hàng Trung Quốc(1) !
Bộ Kit xét nghiệm của công ty Việt Á được sản xuất tại Trung Quốc - Ảnh minh họa
Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc chỉ chừng 95 cents Mỹ - khoảng 21.000 đồng/que thử nhưng giá được Bộ Y tế giới thiệu để những nơi có nhu cầu tham khảo khi đặt hàng là 470.000 đồng/que thử !
Cho đến giờ, Bộ Công an mới chỉ khởi tố 19 cá nhân. Ngoài ông Phan Quốc Việt và một số nhân viên Công ty Việt Á hay doanh nghiệp liên quan tới công ty này, chỉ mới có một số viên chức phòng chống dịch bệnh ở Hải Dương, Bình Dương, Nghệ An bị khởi tố.
Ở cấp cao hơn chỉ mới có một Vụ trưởng (Vụ Kế hoạch Tài chính – Bộ Y tế), một Vụ phó (Vụ Khoa học và công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật của Bộ Khoa học và công nghệ) đương nhiệm và một cựu Vụ trưởng (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế của Bộ Y tế) bị khởi tố (2).
Cũng cần nói thêm là việc khởi tố các viên chức cấp vụ chỉ xảy ra sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (về phòng chống tham nhũng) tuyên bố đưa vụ án xảy ra ở Công ty Việt Á vào diện Ban chấp hành trung ương về phòng chống tham nhũngtheo dõi và chỉ đạo (3).
***
Tuy nhiên cần hiểu thế nào là "quyết liệt, mở rộng điều tra làm rõ bản chất của vụ án, xử lý nghiêm, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ sự can thiệp trái pháp luật nào" khi đến giờ này, Ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Y tế đuơng nhiệm và ông Chu Ngọc Anh - cựu Bộ trưởng Khoa học và công nghệ, giờ đang đảm nhận vai trò Chủ tịch thành phố Hà Nội - vẫn bình an vô sự ?
Có thể công an chưa tìm ra hoặc sẽ không thể tìm thấy ông Long, ông Anh "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "nhận hối lộ" nhưng chẳng lẽ cả hai không cần phải chịu trách nhiệm về chuyện tung tin giả, gây ngộ nhận, rằng bộ thử nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y và Công ty Việt Á "phối hợp nghiên cứu" đã được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) công nhận chất lượng và chấp thuận cho sử dụng(4) ? Không cần phải chịu trách nhiệm về việc chọn liên danh Học viện Quân y – Công ty Việt Á thực hiện "đề tài nghiên cứu cấp quốc gia" để "sản xuất" bộ xét nghiệm Covid-19 quỷ quái ấy ? Không cần phải chịu trách nhiệm vì đã duyệt chi 18,9 tỉ công quỹ cho Học viện Quân y nghiên cứu bộ xét nghiệm Covid-19 (5) ? Không cần phải chịu trách nhiệm khi bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia y tế, chuyên gia dịch tễ, cổ xúy "thần tốc xét nghiệm diện rộng" để mở đường cho Công ty Việt Á bán hàng Trung Quốc và các viên chức hữu trách trong ngăn ngừa đại dịch nhận những khoản hoa hồng kếch xù ?
Tương tự, chẳng lẽ Học viện Quân y không phải đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng nên Bộ trưởng Quốc phòng không cần bận tâm tìm hiểu và trả lời với công chúng, ai cho phép Học viên Quân y liên doanh với những doanh nghiệp như Việt Á để dùng công quỹ "nghiên cứu" đề tài này, công trình kia rồi đem thành quả phục vụ sự nghiệp của doanh nghiệp là đối tác ? Hình thức đó có phải là mô hình mới trong thực hiện chủ trương quân đội làm kinh tế không ?
Khi Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng như thế, Thủ tướng – người đứng đầu chính phủ có chịu trách nhiệm như hệ thống chính trị, hệ thống công quyền vẫn ra rả, rằng điểm mới của "chỉnh đốn" bao gồm cả buộc người đứng đầu phải chịu trách nhiệm không ?
Thực tế cho thấy "thần tốc xét nghiệm diện rộng" không chỉ mở đường cho Công ty Việt Á bán hàng Trung Quốc, tạo điều kiện cho các viên chức hữu trách kiếm tiền mà còn là nguyên nhân khiến hậu quả đại dịch trở thành trầm trọng.
Không xem xét trách nhiệm thì ai sẽ điều tra đến tận gốc xem có bao nhiêu người uổng mạng chỉ vì các chủ trương, chỉ đạo bất chấp khoa học, thậm chí những chủ trương, chỉ đạo ấy chỉ nhằm tạo điều kiện cho một số cá nhân làm giàu bất kể đồng bào thế nào ?
Có phải vì hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hiện nay được tổ chức như thế, vận hành như thế nên các thành viên mới táo tợn, tham tàn, trơ trẽn như thế ? Có nên nuôi những hệ thống như thế hay không ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 21/01/2022
Chú thích
(2) https://vnexpress.net/giam-doc-cdc-nghe-an-binh-duong-bi-khoi-to-4409142.html
(4) https://tuoitre.vn/test-kit-cua-viet-a-duoc-thoi-phong-ra-sao-2021122023040999.htm
Covid : Bộ xét nghiệm Việt Á từ góc nhìn an nguy của thể chế
Boristo Nguyễn, BBC, 21/01/2022
Việc sử dụng một cách ồ ạt bộ xét nghiệm Việt Á với nguồn gốc và chất lượng đáng ngờ chắc chắn đã đưa ra rất nhiều chẩn đoán sai.
Đấy là chưa nói đến việc nâng khống giá để bòn rút tiền của người dân.
Lợi dụng tình hình căng thẳng của đại dịch, bằng cách hối lộ và những thủ đoạn trái với luật pháp để trục lợi, gây tổn thất về sinh mạng và tiền của của dân là một tội ác rất lớn. Những kẻ gây ra tội ác này cần phải bị trừng trị một cách thích đáng.
Từ vụ án Việt Á
Hãy thử điểm lại những gì có liên quan đến vụ án Việt Á, trực tiếp hay gián tiếp tạo điều kiện để cái ác hình thành và phát tác :
- Chính sách ồ ạt ép người dân phải xét nghiệm Covid. Việc này lợi bất cấp hại, tập trung đông người mà tổ chức lộn xộn chính lại tạo ra kết quả ngược, tăng lây lan trong cộng đồng. Có lẽ không một quốc gia nào có cách làm như vậy. Chính như vậy đã "kích cầu", tạo ra môi trường thuận lợi cho việc lợi dụng dịch bệnh để làm tiền, trục lợi.
- Ngày 23/1/2020 : Việt Nam có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên.
- Tháng 2/2020 Học viện Quân Y ký hợp đồng với Bộ Khoa học và công nghệ đề tài 19 tỷ nghiên cứu khoa học về bộ xét nghiệm thời hạn đến tháng 7 năm 2020, gia hạn đến tháng 10/2020. Tuy đề tài chưa nghiệm thu (dự kiến vào tháng 12/2021) nhưng ngày 3/3/2020, tức chỉ sau 1 tháng, đã được Hội đồng khoa học công nghệ cấp quốc gia đã thông qua và bộ Y tế cấp phép sử dụng.
- Ngày 4/3/2020, đúng 1 ngày sau đó, Bộ Y tế vội vã cấp phép sử dụng cho bộ xét nghiệm Việt Á.
- Ngày 22/4/2020 và 26/4/2020 Bộ Khoa học và Công nghệ liên tiếp đưa các thông tin sai sự thật về bộ xét nghiệm Việt Á : "Bộ Y tế Anh cấp chứng nhận đạt chuẩn Châu Âu cho bộ kit SARS-Cov-2 của Việt Nam" và "Bộ Kit xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam được Tổ chức y tế chấp thuận".
- Ngay ngày 2/7/2021, trong "Danh sách các sinh phẩm chẩn đoán/trang thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm vi rút Sars-Cov-2" gửi các sở y tế địa phương và các bệnh viện trực thuộc Bộ y tế do Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế Nguyễn Minh Tuấn ký, bộ xét nghiệm Việt Á được đưa lên vị trí số 1, với khả năng cung ứng 3 triệu bộ xét nghiệm/tháng, giá 470.000 đồng/bộ xét nghiệm.
- Tháng 3/2021 công ty Việt Á được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3 theo đề xuất của UBND Thành phố Hồ Chí Minh "do có thành tích xuất sắc trong việc nghiên cứu, chế tạo và ứng dụng sinh phẩm Real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2".
- Hàng loạt lãnh đạo các CDC địa phương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã thông đồng, cấu kết với công ty Việt Á để nâng khống giá kit test Covid-19. Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc công ty Việt Á khai đã chi hoa hồng 800 tỷ đồng "lót tay" để thu lợi 500 tỷ đồng.
- Xưởng sản xuất với qui mô hàng triệu bộ xét nghiệm của Việt Á rộng chỉ có 10m2.
- Từ tháng 9 đến tháng 12/2021 Việt Á nhập khẩu 3 triệu bộ xét nghiệm từ Trung Quốc.
'Những điều trông thấy'
Như vậy, ta sẽ thấy :
- Qui mô của vụ án rất lớn, cả về mức độ tác động xã hội lẫn sự dính líu của nhiều cơ quan nhà nước. Đây không còn đơn thuần là một vụ tham nhũng, nâng khống giá mà có dấu hiệu lũng đoạn nhà nước, dàn dựng một cách hệ thống, lớp lan bài bản gồm nhiều mắt xích :
- Hình thành chính sách để tạo thị trường.
- Lập đề tài khoa học bằng vốn nhà nước để tạo tính chính danh cho sản phẩm.
- Các cơ quan nhà nước đưa thông tin sai sự thật để tạo tính chính danh và quảng cáo cho sản phẩm.
- Qua truyền thông, thậm chí sử dụng cả biện pháp trao Huân chương lao động để quảng cáo cho chất lượng của sản phẩm, biện luận cho nhu cầu sử dụng cũng như giá thành cao của sản phẩm.
- Qui mô nhà xưởng của công ty Việt Á rất nhỏ nên không thể cung cấp được hàng triệu bộ xét nghiệm mỗi tháng. Những bộ xét nghiệm này hoặc được nhập từ nước ngoài về rồi thay nhãn mác, hoặc được làm giả trong nước. Việc nhập số lượng lớn bộ xét nghiệm phải được sự thống nhất của cơ quan Hải quan. Việc làm hàng giả hay thay nhãn mác (bản chất vẫn là làm giả) với qui mô lớn phải được các cơ quan chức năng chống hàng giả bỏ sót, không truy cứu trách nhiệm.
- Chuỗi mắt xích những việc làm này là để hình thị trường, tạo ra một cái áo khác đẹp và đưa hàng giả vào bắt dân phải sử dụng.
- Qua lời khai nhận của Phan Quốc Việt về con số 800 tỷ lót tay và lợi nhuận thu về 500 tỷ phải chăng đây là "tỷ lệ vàng" 40/60 của luật ăn chia, "lại quả" trong các phi vụ tham nhũng ở Việt Nam ?
An ninh quốc gia, an toàn thể chế
Nhưng điều quan trọng hơn muốn nói đây là vấn đề an ninh quốc gia, sự an toàn của thể chế.
Lịch sử hiện đại cho thấy hiểm họa an ninh quốc gia không chỉ đến từ bên ngoài mà còn tiểm ẩn bởi những nguy cơ bên trong. Không ít chế độ đã sụp đổ chính vì những mối hiểm họa xuất phát từ ngay trong lòng của nó.
Có một câu hỏi : Tại sao vụ Việt Á với qui mô như vậy lại có thể xảy ra, ai thực sự là người chủ mưu, đạo diễn chính trong vụ này ?
Cả 2 câu trả lời cho câu hỏi này đều chứng tỏ hệ thống an ninh quốc gia có lỗ hổng nghiêm trọng.
Nếu câu trả lời là Phan Quốc Việt và công ty Việt Á chỉ bằng tiền hối lộ mà có thể thao túng được cả một hệ thống các cơ quan nhà nước thì chứng tỏ cái hệ thống chính quyền có vấn đề về an ninh rất lớn, mất khả năng tự bảo vệ trước sự tha hóa bởi đồng tiền.
Nhà nước có thể bỏ ra hàng tỷ ngoại tệ mua vũ khí, trang bị cho quân đội để phòng chống nguy cơ bên ngoài nhưng chỉ với 800 tỷ, một con số khá nhỏ mà có thể tác động, tạo ảnh hưởng đến như vậy thì là điều rất đáng lo.
Ngược lại, nếu đằng sau Việt Á có thế lực chống lưng, bảo kê thì tình hình cũng không kém tồi tệ. Chính quyền đã bị những nhóm vì lợi ích cá nhân thao túng một cách có hệ thống thì đây cũng chính là vấn đề an ninh nghiêm trọng.
Boristo Nguyễn
Nguồn : BBC, 21/01/2022
Tiến sĩ Khoa học Boristo Nguyễn hiện đang sinh sống tại Moscow, Nga
RFA, 20/01/2022
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) hôm 20/1 công bố thông tin chi tiết cho biết Công ty Cổ phần Việt Á đã nhập khẩu ba triệu kit test nhanh xét nghiệm Covid-19 mới 100% từ Trung quốc với giá 0,955 đô la một test, tương đương 21.560 đồng một test. Lô hàng nhập khẩu có tổng trị giá là 64,68 tỷ đồng.
AFP
Các lãnh đạo công ty Việt Á là Phan Quốc Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, và Vũ Văn Hiệp, Phó tổng giám đốc công ty, hiện đang bị khởi tố hai tội là "Đưa hối lộ" và "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Công ty Cổ phần Việt Á được báo chí Nhà nước Việt Nam ca ngợi vào năm 2020 vì đã sản xuất ra bộ kit xét nghiệm Covid-19 loại PCR đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận, và được Bộ Y tế cấp số đăng ký. Trang web của Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam thậm chí còn đăng tin chính thức về việc WHO chấp thuận bộ kit của Việt Á.
Tuy nhiên sau khi những sai phạm của Việt Á được phát hiện vào khoảng cuối năm 2021, Bộ Khoa học và Công nghệ đã lên tiếng đính chính rằng không có chuyện WHO chấp thuận kit xét nghiệm của Việt Á.
Theo điều tra của Công an, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Theo truyền thông Nhà nước, khi giới thiệu về bộ kit xét nghiệm lúc đầu, ông Phan Quốc Việt đã tự định giá kit là 400.000 đồng đến 600.000 đồng một bộ.
Sau đó, vào ngày 13/7/2021, Bộ Y tế có văn bản do ông Nguyễn Minh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế) ký gửi các sở y tế, bệnh viện, viện trực thuộc bộ, cập nhật danh sách sinh phẩm, khả năng cung ứng và giá bán kit test và đặt kit test của Việt Á vào vị trí số một trong danh sách. Kèm theo công văn của Bộ Y tế là giá bán công bố của bộ kit test là 470.000 đồng một bộ áp dụng cho đơn hàng dưới 500.000 bộ.
Hiện không rõ bộ kit test nhanh được Việt Á nhập về đã được bán thế nào, nhưng giá một lần xét nghiệm nhanh được Bộ Y tế quy định là 280.000 đồng. Tuy nhiên, theo truyền thông Nhà nước, tại một số bệnh viện tư, giá này có thể lên đến 390.000 đồng một lần.
Liên quan đến vụ án tại Công ty Cổ phần Việt Á, Bộ Công an đã khởi tố tổng cộng 19 người với các cáo buộc tội đưa hối lộ, nhận hối lộ, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, và tội về lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Có ba lãnh đạo thuộc Bộ Y tế và Bộ Khoa học và Công nghệ bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ là ông Nguyễn Nam Liên (Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Trang thiết bị và Công trình y tế Bộ Y tế) và Trịnh Thanh Hùng (Vụ phó Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ).
Ngoài ra, ông Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương bị khởi tố về tội "Nhận hối lộ" với số tiến lên đến 27 tỷ đồng.
Hôm 7/1, truyền thông Nhà nước trích dẫn thông tin từ Bộ Công an theo lời khai của ông Phan Quốc Việt cho biết, Việt Á đã thổi giá kit xét nghiệm Covid-19 lên thêm khoảng 45% và đưa hối lộ cho các "đối tác" 800 tỷ đồng. Tuy nhiên thông tin không cho biết cụ thể những người nào đã nhận hối lộ.
Trả lời trước Quốc hội hôm 18/1, Thứ trưởng Công an Lê Quốc Hùng cho biết : "Các đối tượng liên quan đến vụ án này rất nhiều nên chúng tôi đang tiếp tục đấu tranh mở rộng vụ án. Làm đến đâu công bố công khai cho công luận đến đó và điều chỉnh các quy định kịp thời liên quan đến mua bán, đấu thầu thiết bị y tế, sinh phẩm chống dịch".
Vụ án ở Việt Á được xác định là nghiêm trọng và vào ngày 29/12/2021 đã được đưa vào diện được Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam theo dõi, chỉ đạo.
Nguồn : RFA, 20/01/2022
********************
RFA, 19/01/2022
Vào chiều 19 tháng 1 năm 2022,Thanh tra Chính phủ công bố quyết định thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, bộ xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế và một số đơn vị sự nghiệp thuộc bộ này.
Báo Chính phủ/ RFA edided
Thanh tra trong thời kỳ hai năm từ đầu tháng 1 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, khi cần thiết cơ quan thanh tra sẽ mở rộng cả trước hoặc sau thời gian này, mạng báo Tuổi trẻ cho biết.
Ông Vũ Đức Đam chịu trách nhiệm hoàn toàn Bộ Y tế từ tháng 11/2019 đến tháng 7 năm 2020 sau khi Bộ trưởng bộ này là bà Nguyễn Thị Kim Tiến bị Quốc hội miễn nhiệm.
Sau đó, ông Nguyễn Thanh Long giữ chức quyền Bộ trưởng Bộ Y tế từ tháng 7 năm 2020 đến tháng 11 cùng năm thì được Quốc hội phê chuẩn chính thức vào bị trí Bộ trưởng.
Cổng thông tin điện tử Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, trong ngày 19/1, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm chủ trì buổi công bố Quyết định thanh tra thành phố Hà Nội cùng nội dung thanh tra tại Bộ Y tế.
Phó Tổng Thanh tra chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, đây là cuộc thanh tra đột xuất sau khi có một số sự việc xảy ra trong việc mua bộ xét nghiệm, do đó Chính phủ chỉ đạo Thanh tra Chính phủ thực hiện cuộc thanh tra này.
Cuộc thanh tra được thực hiện trong thời gian ngắn nhiều nội dung lớn, thành viên đoàn ít người, do vậy ôngTrần Ngọc Liêm đề nghị UBND Thành phố Hà Nội cử đầu mối cung cấp hồ sơ, tài liệu để đoàn thuận tiện liên hệ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Nhiều người dân Việt Nam trong thời gian qua tức giận với vụ công ty Việt Á nâng khống giá bộ xét nghiệm Covid-19 của hãng này để hưởng lợi, chi trả hoa hồng hàng trăm tỷ cho các cán bộ thuộc Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh bệnh viện để trúng thầu cung cấp bộ xét nghiệm.
Một số lãnh đạo công ty Việt Á cùng với Giám đốc và cán bộ thuộc CDC các tỉnh Hải Dương, Nghệ An, Bình Dương cũng bị Bộ Công an khởi tố bắt tạm giam để điều tra.
Riêng Bộ Y tế và Bộ Khoa học Công nghệ cũng có ba lãnh đạo bị bắt, gồm các ông Nguyễn Minh Tuấn, nguyên Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & Công trình y tế, Bộ Y tế ; ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế ; và ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học & Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học & Công nghệ.
Nguồn : RFA, 19/01/2022